2020
Sự thinh lặng của Thiên Chúa
Thứ bảy Tuần thánh Mùa Coronavirus
Sự thinh lặng của Thiên Chúa
Thiên Chúa Có Thinh Lặng Trong Đại Dịch Corona Này Hay Không?
Hôm nay Giáo hội suy ngắm Đức Giêsu an nghỉ trong mộ mà theo truyền thống, Người xuống cõi kẻ chết để chữa lành nguồn gốc hư hỏng của nhân loại, loan tin Ơn Cứu Độ cho những những công chính, và đợi điều đã hứa: “Sau ba ngày, Người sẽ sống lại” (x.Mc 8,31)
Một bài giảng cổ đã viết: “Hôm nay cõi đất chìm trong thinh lặng. Thinh lặng như tờ và hoàn toàn thanh vắng. Thinh lặng như tờ vì Đức Vua đang yên giấc. Cõi đất kinh hãi lặng yên vì Thiên Chúa đã ngủ say trong xác phàm”.
Những người tham dự cuộc hành hình hôm đó đã chứng kiến Đức Giêsu chết trên thập giá. Từ đó về sau, không ai gặp thấy Người nữa, trừ những chứng nhân của Đấng phục sinh.
Người ta tưởng Chúa đã chết, tưởng đã giết được Chúa, tưởng đã chứng minh được rằng, tôn giáo chỉ là là sản phẩm độc hại, thuốc phiện cho đám “tiện dân.” Nhưng sự im lặng của Chúa không có nghĩa là Người vắng mặt, Người vẫn đang sống và hiện diện trong Giáo hội; mọi người vẫn có thể gặp gỡ Người, bằng lòng tin, qua Lời Chúa và các bí tích.
Nhưng người ta không tin những chứng nhân, không cần chứng tá của Giáo hội. Họ ra sức triệt hạ Giáo hội mà họ coi là tàn dư của lạc hậu và hủ hóa của “giai cấp” thống trị và bóc lột, để kiến tạo một thế giới không có Chúa. Con người là Thiên Chúa của chính mình, không cần tuân thủ một ràng buộc nào nữa, kể cả lương tâm.
Chúa đã chết kéo theo sự huyễn hoặc tôn giáo. Vứt bỏ đức tin đi vì quyền năng con người bây giờ là trí tuệ, là khoa học, có thể giải thích mọi bí ẩn của thế giới. Thiên đàng là trái đất này, con người tự nắm vận mệnh, không phải lệ thuộc vào một quyền năng siêu nhiên nào nữa.
Giết chết Thiên Chúa kéo theo sự hủy bỏ những nền tảng tinh thần và luân lý từng giúp con người phát triển qua bao thế kỷ, khiến cho xã hội mất phương hướng, đạo lý bị khủng hoảng. Để trám lỗ hổng này, người ta cần “thứ gì đó” tựa như tôn giáo, vì suy cho cùng, con người phải dựa vào những giá trị tinh thần để tìm ý nghĩa cho bản thân và đời sống. Thế là xuất hiện những kẻ tự “phong thần” mê hoặc con người. Họ là “thần”, lời họ là chân lý, đời sống họ là gương sáng, đạo đức họ là nền tảng luân lý, ý chí họ là sự cứu rỗi, và tin mừng giải phóng của họ đẩy người ta quay quắt trong địa vị và danh vọng, quyền lợi và hưởng thụ, nhục dục và những mánh khóe gian xảo…
Loại bỏ thẩm quyền đạo đức tối thượng đã đẩy xã hội và đời sống từ chỗ có trật tự và ý nghĩa, trở nên hỗn loạn hơn cả thuở hồng hoang. Loại bỏ đức tin chân chính để dựng nên một “thứ gì đó” để tin, cuối cùng đưa cả xã hội vào chỗ mê tín và sống theo bản năng.
Khi bảo Đức Giêsu là “kẻ bịp bợm” xưng mình là Con Thiên Chúa đã chết, và phủ nhận lời tuyên bố: “Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai tin tôi sẽ không phải chết, và dù có chết cũng được sống” (Ga 11, 25t) thì con người sống để làm gì và chết sẽ đi về đâu? Thế giới này rồi sẽ ra sao? Phải chăng là mở ra một kỷ nguyên mới của tội lỗi, của sa đọa và tàn ác, và cuối cùng sẽ bị diệt vong?
Trên thập giá, lúc hấp hối, Đức Giêsu không nói, “Có Thiên Chúa hay không? Người ở đâu sao không đáp cứu?” nhưng Đức Giêsu nói, “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” (Mc 15,34)
Sự thinh lặng của Thiên Chúa không có nghĩa là Người vắng mặt, bỏ rơi Đức Giêsu, nhưng Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh này, như khoảnh khắc thiêng liêng lắng đọng nhất của một cuộc trùng phùng lạ lùng, một cái ôm thần linh, thắm thiết nồng ấm giữa Chúa Cha và Người Con sau “một thời gian xa cách”, nếu có thể nói như vậy, và kèm theo những vong linh, là chiến lợi phẩm đoạt được của tử thần (x. Ep 4,8)
Hôm nay cõi đất chìm trong thinh lặng. Trong bóng tối chết chóc của đại dịch Corona còn đang bao phủ vạn vật, Đức Maria, Người Tín Hữu đầu tiên vẫn giữ được ngọn lửa đức vào lời tiên báo của Đức Giêsu. Cùng với Mẹ, trong “ngày không phụng vụ” này, người tín hữu thinh lặng chiêm niệm mầu nhiệm Đức Giêsu vào trong cõi kẻ chết, để chuẩn bị đón lời công bố Phục sinh trong niềm hân hoan rạng rỡ, trong sự chờ đợi cuộc gặp gỡ mới với Chúa phục sinh.
Mặc kệ thế gian với những cuồng vọng và những hả hê của nó. Hãy cứ để Đấng Phục sinh tra vấn: “Giết được Thiên Chúa rồi, rồi sẽ ra sao? Ngươi sẽ đi về đâu, hỡi con người?”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Tôi nhìn thấy tôi trong một án tử
Thế là xong!
Án đã quyết: Tử hình – Đóng đinh Thập giá!
Trong ánh đuốc lập lòe, những gương mặt của Toàn thể Thượng Hội Đồng gồm 71 thành viên hả hê vì gánh nặng ngàn cân đã được trút xuống.
Đám đông lao nhao bàn tán. Đôi người buồn nhưng lắm người vui theo hội chứng đám đông đang reo hò vì được toại ý.
Một gia nhân hối hả bê thau nước Phi-la-tô vừa rửa tay đi đổ, vội vã làm văng cả nước lên đám người đang hì hục cất vội cái bảng gỗ đủ viết bản án bằng ba thứ tiếng Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp INRI (Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum): Giêsu Nazaret, Vua dân Do Thái. Bên cạnh, một nhóm lính đang chọn cây gỗ nặng nhất, xù xì nhất cho tử tội để xem Con Thiên Chúa sẽ vác nó thế nào.
Từ dinh thượng tế Caipha cho đến dinh Philatô đều ngập tràn niềm vui vì sự dữ đã lên ngôi, bất công đã chiến thắng, và tiếp đến sẽ là thời của tàn bạo. Giêsu Nazaret, người gây bao lo lắng và đe dọa cho ngai báu, quyền lực và lề luật của nhà vua, quan và Thượng hội đồng đã được xử tội chết. Những ngày căng thẳng đã qua, cứ ngỡ cái ngài Giêsu ấy sẽ đem cả đội binh từ trời đến để chiến đâu, ai ngờ đâu mọi việc lại diễn ra quá đỗi dễ dàng. Ngay cả việc bắt cái tên tử tội ấy lại còn nhẹ nhàng hơn vì đã có môn đệ thân tín của hắn trao tận tay, còn các môn đệ khác thì chạy mất cả dép, rớt cả áo. Đúng là tên khoác lác, phí công cả đội quân đi lùng bắt. Xử tử là đúng rồi ! Hắn có gì đáng phải lo đâu chứ ? Vậy mà bao nhiêu ngày qua cả đám phải lo đến mất ăn mất ngủ, dựng lên biết bao kịch bản chiến đấu! Bữa tiệc mừng chiến thắng được tổ chức vội trong lúc chờ nghệ thuật chuyện tên “Vua dân Do Thái ” tự xưng kia vác thập tự đi lên đỉnh đồi để làm vua… kiếp sau.
***
Tôi lặng lẽ quan sát.
Tội nhân không có người bào chữa, không một ai thân cận để bênh vực, không có cả một cái nhìn cảm thương. Công lý bị bóp nghẹt đến tận cùng và người vô tội bị kết án với sự đồng thuận của cả một đám đông cuồng loạn. Ngay cả khi bị lên án tử, tội nhân cũng hoàn toàn im lặng. Im lặng và lẻ loi cô độc đến ngạt thở!
Đúng là tương lai là điều không thể nói trước. Chỉ mới đây thôi, người đàn ông mang tên Giêsu này được mọi người tung hô, ca tụng vì bao phép lạ hiển hách, vì những lời giảng dạy có uy quyền. Họ đặt ông lên lưng con lừa mẹ rước vào thành, trải áo đón rước và cầm cành lá tung hô. Vậy mà giờ đây, cũng đám đông ấy hò hét “Đóng đinh nó vào thập giá!’. Tiếng hò la ấy khiến cho vua Hêrôđê, quan Philatô và cả Thượng hội đồng nhận ra rằng cái án tử cho tội nhân trước mặt là một sự thương lượng hợp lý để đổi lấy sự tán thành của đám đông và những người cùng “phe”.
Đang lúc tôi nhìn thật gần vào con người Giêsu, ngài bỗng trở nên như một tấm gương phản chiếu khiến tất cả trở nên hiển hiện, thấu tỏ đến tận tâm can.
Tôi chợt nhận ra tôi nơi chính con người Giêsu khốn khổ ấy. Cũng có những khoảng thời gian, xung quanh tôi là những lời ca tụng ngọt ngào cùng với những bữa tiệc thân tình, nơi ấy chúng tôi đã trao nhau những lời chân tình gắn bó, thề sống chết có nhau. Ấy thế mà khi vừa “hữu sự”, đã không còn một ai bên cạnh tôi. Tất cả đều không muốn liên lụy. Có gì lạ đâu, nhưng là phận người, nỗi đau vẫn thấu tận ruột gan. Tôi đau với nỗi đau của Giêsu khi lúc cần có người bênh đỡ nhất lại chính là lúc bị quay lưng bỏ mặc. Khi tâm hồn tan nát, cần có ai đó cảm thông thì cũng chính là lúc những người thân tín nhất “ngủ mê mệt” với những vấn đề của họ. Khi cần có người bảo vệ thì những người “cùng chia cơm sẻ áo” chạy trốn hết không còn một ai. Khi bị dồn ép tứ bề, cần có ai đó ai đó bênh vực thì mọi người đều im lặng, không có cả một hơi thở khẽ hay một ánh mắt cảm thông. Khốn khổ hơn nữa là chính khi bị “bán”, bị “chối từ” và bị dồn đến đường cùng bởi chính những người thân tín nhất. Tôi nơi con người Giêsu ấy đã từng đau buồn đến chết được.
Tôi chợt nhận ra tôi nơi quan Philatô. Là người cầm quyền xét xử, ông phải đứng về phía sự thật, đấu tranh cho công lý để việc ông xét xử “đúng người đúng tội”. Nhưng ở đây, rõ ràng ông biết tội nhân Giêsu bị tố oan, đã từng thấy “người này không có tội gì” (Lc 24,4) và đã quả quyết “ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả” (c. 15), tuy nhiên, ông đã không dùng quyền phán quyết tối cao để nhân danh sự thật và công lý để tuyên bố vô tội cho tội nhân. Ông rửa tay chứng tỏ mình vô can, thoái thác trách nhiệm bản thân trước sinh mạng của người cô thế, và vì lợi ích cá nhân, đã chiều theo áp lực của đám đông mà lên án tử cho người vô tội. Cũng như Philatô, tôi đã từng chọn im lặng hoặc tỏ vẻ vô can trước những vấn đề mà tôi thấy can thiệp không có lợi hay có ảnh hưởng xấu đến bản thân. Chính là tôi – một Philatô nữa giữa muôn Philatô đang tồn tại trên thế gian này, sẵn sàng hy sinh người khác để bảo vệ cái lợi của bản thân mình. Hơn nữa, dù không phải là quan án, nhưng không ít lần tôi đã phán xử sau lưng người khác, dùng miệng lưỡi để hạ gục họ cách bất công rồi tàn nhẫn rửa tay chứng minh mình vô tội, để mặc cho nạn nhân của tôi giãy giụa trong vô vọng.
Tôi chợt nhận ra tôi nơi ông Phêrô – một tông đồ nhiệt thành, nhưng bộc trực và nông nổi. Lúc này, tôi thấy mình đang khóc lóc đớn đau vì tôi vừa chối thầy đến ba lần. Lương tâm tôi đang bị cật vấn bởi tiếng gà gáy mà thầy đã tiên báo, và hơn thế nữa, lòng tôi tựa như có mũi dao đâm qua khi tôi vô tình bắt gặp ánh mắt bao dung thầy nhìn tôi ngay khi tôi vừa chối thầy lần thứ ba. Tôi hèn nhát quá ! Là người thân cận với thầy và là huynh trưởng của các anh em, nhưng tôi đã trốn chạy và thẳng thắn chối bỏ sự liên quan với thầy đến ba lần vì tôi đã để cho nỗi sợ đã thống trị. Tôi sợ đến kinh hồn bạt vía, sợ đến mất cả lý trí và trái tim. Không chỉ có lần này, nhưng còn biết bao lần khác, vì sự an toàn của bản thân mà tôi không dám tỏ ra tôi thuộc về ngài. Tôi đã từng có lời nói và hành vi phủ nhận ngài cho dù ngài vẫn gởi đến cho tôi những “tiếng gà gáy” giúp tôi thức tỉnh. Tôi ân hận lắm! Nhưng tôi không tuyệt vọng vì tôi biết lòng thầy bao dung sẽ tha thứ và ban sức mạnh cho tôi chuộc lỗi. Tôi sẽ bắt đầu lại, ngay từ điểm vấp ngã này của tôi.
Tôi tiếp tục nhận ra tôi nơi con người vô ơn, ham muốn và nghi ngờ của Giuđa. Tôi quá thất vọng về chính mình, tôi mất niềm tin vào thầy và tôi không còn gì để bám víu. Tôi đang nghĩ đến cái chết. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng !
Tôi còn nhận ra tôi nơi con người run rẩy của mười môn đệ đang ẩn náu khắp nơi. Sợ hãi có sức mạnh lớn hơn người ta có thể nghĩ đến. Chúng tôi đã từng là những người có thân phận, có tiếng tăm và đang chờ mong một phần thưởng xứng đáng sau những ngày tháng cùng thầy rong ruổi rao giảng và làm phép lạ. Vậy mà giờ đây, dưới sự điều khiển của nỗi sợ, chúng tôi không khác gì lũ chuột đang chui rúc tìm nơi thoát thân. Dầu vậy chúng tôi vẫn còn nghĩ và còn tin được là thầy sẽ chiến thắng như thầy từng nói. Đó là hy vọng để chúng tôi sống còn lúc này và sau này.
Cứ thế tôi tiếp tục lướt qua những phận người gắn liền với tôi, từng người một. Tất cả thật rõ ràng.
Cuối cùng, tôi nhìn thấy tôi đang hò la cùng với đám đông cuồng nộ. Ôi, tôi không thể tưởng tượng được sao tôi đổi trắng thay đen nhanh đến thế. Mới đây thôi tôi đang tán tụng, hò reo vì bao điều lạ lùng, bao lời giảng dạy khôn ngoan của ngài Giêsu, vậy mà lúc này tôi cũng lại đang chen lấn trong đám đông để gào thét đòi đóng đinh ông ấy. Điều gì khiến tôi thay đổi ? Ai đã dẫn dắt tôi hay tôi đang dẫn dắt ai ? Điều gì đã trơ hóa lương tâm tôi khiến tôi đánh mất cả cái bản năng phân biệt phải trái là cái làm nên bản chất “người” của tôi ? Có phải tôi đã bán mình làm nô lệ cho sự dữ và chấp nhận đánh mất mình để tìm kiếm sự an toàn giữa đám đông ?
Giữa lúc tôi đang quay cuồng vì những câu hỏi chất vấn lương tâm mình thì từ trong tấm gương phản chiếu, tôi đã nhìn thấy Mẹ Maria cùng với bà Maria Madalêna đang tiến tới rất gần. Tôi nhìn thấy mình nơi bản năng của một người mẹ, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con và trong mọi hoàn cảnh đều không bỏ rơi con mình. Gương mặt Mẹ thật đau khổ nhưng kiên vững, tôi đọc được nơi ánh mắt ấy, khuôn mặt ấy một niềm tin son sắt. Tin con mình vô tội, tin con mình sẽ đi đến cùng với sứ mạng được trao. Thấy Mẹ tiến đến, ngài Giêsu lập tức được tiếp thêm sức mạnh, đứng lên tiến đến cây thập giá vừa được mang ra. Quân lính xông vào ngài đánh đập, khạc nhổ và phỉ báng với những điều tồi tệ nhất mà bản chất “con” của “con người” có được.
***
Tấm gương chợt biến mất, nhanh như khi nó xuất hiện. Tôi liền trở lại là tôi.
Chứng kiến cảnh người ta hành hạ ngài Giêsu, tôi ngỡ ngàng hoảng hốt không thể hiểu tại sao người với người mà đối xử tàn độc dã man đến thế. Đúng lúc ấy, ngài quay lại nhìn như muốn nói với tôi : Hãy vững tin, rồi đây Ta sẽ đổi mới mọi sự, sẽ có một trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị (Kh 21).
Vâng, tôi tin, chắc chắn tôi sẽ mãi tin ! Tôi tin Ngài sẽ tái tạo một thế giới mới, thế giới của những con người được hưởng ơn cứu độ từ giá máu của Ngài. Trong thế giới ấy, con người xấu xa của tôi mà tôi vừa nhận ra nhờ sự phản chiếu của Ngài lúc nãy sẽ được biến đổi. Nhờ ơn ngài cứu độ, tất cả mọi người sẽ được tái sinh. Lúc này “sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11,9).
Trong niềm tin vững vàng như thế, tôi theo chân Ngài, cùng tiến về đỉnh đồi Gôngôtha. Nt Xuân Bích
2020
Máu sạch
(Câu chuyện suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh)
Câu chuyện suy niệm “máu sạch” được trích trong quyển sách Rediscover Catholicism của tác giả Matthew Kelly, xuất bản năm 2002. Sau đây là bản dịch của câu chuyện.
Bạn hãy tưởng tượng: Bạn đang lái xe về nhà vào thứ Hai tuần tới sau một ngày dài làm việc. Bạn bật radio lên và bạn nghe một bản báo cáo ngắn gọn về một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ – nơi một số người đột nhiên qua đời cách kỳ lạ do một bệnh hô hấp chưa từng thấy trước đây. Đó không phải là cúm, nhưng bốn người đã chết, vì vậy Trung tâm kiểm soát dịch bệnh đang cử một số bác sĩ đến Ấn Độ để điều tra.
Bạn không nghĩ quá nhiều về điều đó – người chết mỗi ngày mà – nhưng vào Chúa nhật tuần sau, trên đường đi từ nhà thờ về, bạn nghe một báo cáo khác trên radio, số người chết do dịch bệnh không còn là bốn người, mà là ba mươi ngàn người ở một ngôi làng của Ấn Độ. Toàn bộ ngôi làng đã bị xóa sổ và các chuyên gia xác nhận bệnh hô hấp này là một chủng loại chưa từng thấy trước đây.
Vào thời điểm bạn thức dậy vào sáng thứ Hai tuần tiếp theo, tin tức về dịch bệnh đã trở thành tin quan trọng. Bệnh dịch đang lan rộng. Không chỉ Ấn Độ bị ảnh hưởng, bây giờ nó đã lan sang Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq và bắc Phi,… Người ta bắt đầu bàn tán về câu chuyện này ở mọi nơi. Các phương tiện truyền thông hiện đã đặt tên nó là “bệnh cúm bí ẩn”. Tổng thống đã tuyên bố rằng ông và gia đình đang cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, và hy vọng tình hình sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng mọi người đang tự hỏi làm thế nào chúng ta sẽ chữa nó.
Khi đó, Tổng thống Pháp đưa ra một thông báo gây chấn động châu Âu: Ông đóng cửa biên giới Pháp. Không ai có thể vào nước này, và đó là lý do tại sao đêm đó trước khi đi ngủ, bạn xem một chút tin tức trên Kênh CNN. Bạn há hốc miệng khi nghe những lời của một người phụ nữ đang khóc được dịch sang tiếng Anh từ một chương trình tin tức của Pháp: Có một người đàn ông nằm trong bệnh viện ở Paris đã chết vì bệnh cúm bí ẩn. Nó đã đến Châu Âu.
Cơn hốt hoảng bùng nổ! Những điều mà người ta có thể nói cho bạn biết là sau khi nhiễm bệnh, bạn chỉ nhận biết nó sau một tuần, sau đó bạn có bốn ngày chiến đấu với các triệu chứng lạ thường của bệnh, và rồi bạn chết.
Người Anh đóng cửa biên giới, nhưng đã quá muộn. Bệnh bùng phát ở Southampton, Liverpool và London vào sáng thứ Ba. Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra thông báo sau: “Do rủi ro an ninh quốc gia, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Hoa Kỳ đã bị hủy. Tôi xin lỗi những người ở nước ngoài, họ không thể về nhà cho đến khi chúng tôi tìm ra cách chữa trị căn bệnh khủng khiếp này.”
Trong vòng bốn ngày, nước Mỹ rơi vào một nỗi sợ hãi không thể tin được. Mọi người đang tự hỏi, nếu nó đến đất nước này thì sao? Sau đó vào tối thứ Ba, bạn đang ở nhà thờ để học Kinh Thánh, thì ai đó chạy vào từ bãi đậu xe và hét lên, “Bật radio!”. Và trong khi mọi người nghe một chiếc radio nhỏ, thông báo được đưa ra: Hai người phụ nữ đang nằm trong bệnh viện ở thành phố New York sắp chết vì bệnh cúm bí ẩn. Nó đã đến Mỹ.
Trong vài giờ bệnh dịch đã bao trùm cả nước. Mọi người đang làm việc suốt ngày đêm, cố gắng tìm thuốc giải độc, nhưng không có gì hiệu quả. Bệnh bùng phát ở California, Oregon, Arizona, Florida, Massachusetts. Như thể nó đang tràn vào qua các ngã đường biên giới.
Rồi đột nhiên tin tức xuất hiện: Bí ẩn của dịch bệnh đã được giải mã. Một phương pháp chữa bệnh dịch đã được tìm thấy. Một loại vắc-xin có thể được tạo ra để cứu mọi người. Nhưng vắc-xin đó cần máu của một người chưa từng bị bệnh, máu của một người tinh sạch. Vì vậy, bạn và tôi cùng mọi người được yêu cầu đi làm một điều duy nhất, đó là đến bệnh viện gần nhất và xét nghiệm máu. Khi nghe thấy tiếng còi báo động trong khu phố của mình, mọi người sẽ đến bệnh viện một cách nhanh chóng, lặng lẽ và an toàn.
Chắc chắn, đến lúc bạn và gia đình đến bệnh viện thì đã vào tối muộn hôm thứ Sáu. Có rất nhiều người và các bác sĩ, y tá liên tục lấy máu và dán nhãn lên đó. Cuối cùng, đến lượt bạn. Bạn đi trước, sau đó vợ và con bạn theo sau. Sau khi một bác sĩ lấy máu của bạn, họ nói với bạn: “Vui lòng đợi ở bãi đậu xe để được gọi tên nhận kết quả”. Bạn đứng với gia đình cùng hàng xóm xung quanh trong sự sợ hãi, trông ngóng, và tự hỏi thầm: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Đây có phải là ngày tận thế? Làm thế nào điều này có thể xảy ra được?”
Không ai được gọi tên, các bác vẫn cứ lấy máu từng người. Nhưng rồi đột nhiên một thanh niên chạy ra khỏi bệnh viện, la hét. Anh ta hét một cái tên của ai đó và vẫy vẫy một tập hồ sơ. Bạn không nghe thấy anh ấy nói lúc đầu. Có người hỏi “Anh ấy nói gì?”. Chàng trai hét lên tên đó một lần nữa trong lúc anh ta và một đội ngũ nhân viên y tế chạy về phía bạn, nhưng một lần nữa bạn không thể nghe anh ta nói. Nhưng sau đó, con trai của bạn kéo mạnh áo khoác của bạn và nói: “Cha ơi, đó là con. Họ đang gọi tên con”. Trước khi bạn biết điều đó, họ đã tóm lấy cậu bé. Bạn vừa nói vừa chạy theo họ: “Đợi một chút. Chờ đã! Đó là con trai tôi”.
Họ trả lời: “Không sao đâu, chúng tôi nghĩ rằng cậu bé có nhóm máu phù hợp. Chúng tôi chỉ cần kiểm tra thêm một lần nữa để chắc chắn rằng nó không mắc bệnh”.
Năm phút sau có kết quả, các bác sĩ và y tá mừng phát khóc và ôm chầm lấy nhau; một số thậm chí còn cười lớn tiếng. Đây là lần đầu tiên bạn thấy một người cười trong suốt một tuần qua. Một bác sĩ già đến gặp bạn và vợ của bạn và nói: “Cảm ơn. Máu của con trai bạn rất hoàn hảo. Nó sạch sẽ, tinh khiết, nó không mắc bệnh và chúng tôi có thể sử dụng nó để tạo ra vắc-xin”.
Khi tin tức bắt đầu lan truyền khắp bãi đậu xe, mọi người la hét, cười có, khóc có, có người dâng lời cầu nguyện để tạ ơn. Trong khi đó, vị bác sĩ kéo vợ chồng bạn ra mà nói: “Tôi cần nói chuyện với bạn. Vì cậu bé là trẻ vị thành niên, nên chúng tôi… chúng tôi cần bạn ký một mẫu đơn đồng ý”.
Bác sĩ đưa mẫu đơn ra và bạn nhanh chóng sửa soạn ký tên, nhưng đột nhiên bạn dừng lại vì thấy điều gì đó không ổn. Ô trống ghi lượng máu để lấy vẫn còn để trống”
Và bạn hỏi: “Các ông cần bao nhiêu máu của con tôi?”. Nụ cười của vị bác sĩ già từ từ tan biến. Một cách lúng túng, vị bác sĩ trả lời: “Chúng tôi không biết người có máu sạch lại là một đứa trẻ. Chúng tôi không chuẩn bị cho trường hợp này”.
Bạn hỏi vị bác sĩ một lần nữa: “Các ông cần bao nhiêu máu?”. Vị bác sĩ già nhìn đi chỗ khác và nói một cách tiếc nuối: “Chúng tôi sẽ cần tất cả lượng máu của cậu bé!”.
“Nhưng, tôi không hiểu. Ý ông là gì? Ông cần tất cả máu của nó sao? Nó là con trai duy nhất của tôi!”.
Vị bác sĩ nắm vào vai bạn, kéo bạn lại gần, nhìn thẳng vào mắt bạn và nói, “Chúng tôi đang nói về vấn đề tồn vong của cả thế giới. Anh có hiểu không? Cả thế giới. Xin vui lòng, ký vào mẫu đơn. Chúng tôi cần gấp lắm!”
Bạn nài nỉ: “Nhưng sao các ông không cho ai đó truyền máu cho con tôi?”.
“Nếu chúng tôi có máu sạch, chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi không thể có. Xin làm ơn ký vào mẫu này?”.
Trong sự im lặng tê buốt, bạn ký vào mẫu đơn vì bạn biết đó là điều duy nhất bạn phải làm. Sau đó, bác sĩ nói với bạn: “Anh có muốn gặp mặt con trai lần cuối, trước khi chúng tôi bắt đầu lấy máu không?”.
Bạn đi vào phòng bệnh viện nơi con trai bạn đang ngồi trên bàn và nó nói: “Cha ơi? Mẹ ơi? Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Bạn có thể nói với con trai bạn rằng bạn yêu nó không? Và khi các bác sĩ và y tá quay lại và nói với bạn: “Tôi xin lỗi, chúng tôi phải bắt đầu ngay bây giờ; mọi người trên khắp thế giới đang chết dần”, bạn có thể đi ra ngoài không? Bạn có thể đi ra ngoài trong khi con trai bạn đang khóc với bạn: “Cha? Mẹ? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Cha mẹ đang đi đâu vậy? Tại sao cha mẹ lại bỏ đi? Tại sao cha mẹ lại bỏ rơi con?”
Tuần sau, họ tổ chức một buổi lễ để tôn vinh con trai của bạn vì sự đóng góp phi thường của cậu bé cho nhân loại, nhưng trong buổi lễ, một số người ngủ gục, những người khác thậm chí không thèm đến vì họ có những điều tốt hơn để làm, và một số người có nụ cười tự phụ và giả vờ quan tâm, trong khi những người khác ngồi xung quanh và nói: “Điều này thật nhàm chán!”. Chẳng lẽ, bạn không muốn đứng thẳng dậy và nói: “Xin lỗi! Tôi không chắc bạn có biết hay không, nhưng cuộc sống tuyệt vời mà bạn có, con trai tôi đã chết để bạn có thể có được cuộc sống đó. Con trai tôi đã chết để bạn được sống. Cậu bé đã chết vì bạn. Điều đó có ý nghĩa gì với bạn không? “.
Có lẽ đó cũng là những gì Thiên Chúa Cha muốn nói với mỗi người chúng ta.
“Lạy Thiên Chúa là Cha Yêu Thương, nhìn điều đó từ góc nhìn của Cha, chúng con thấy lòng mình đau xót. Có lẽ bây giờ chúng con có thể bắt đầu hiểu được tình yêu tuyệt vời mà Cha dành cho chúng con.” Matthew Kelly
Văn Việt chuyển ngữ từ catholiceducation.org
2020
Những Vết Thương Còn Ẩn Khuất
Thứ Sáu Tuần Thánh Mùa Conavirus
Những Vết Thương Còn Ẩn Khuất
Đại dịch Coronavirus còn đang mạnh mẽ phủ sự chết chóc của nó lên mặt địa cầu. Số người chết, bị nhiễm, nghi nhiễm, bị cách ly tăng vùn vụt lên từng ngày, từng vùng và từng quốc gia trên thế giới, và xung quanh đó, là bầu khí hoang mang, lo sợ.
Những khoảng cách giầu nghèo – sang hèn – no đói – sướng khổ trước đây từng là những hố sâu ngăn cách tưởng không có gì có thể lấp đầy, cũng chẳng thể bắc một nhịp cầu vững chãi đi qua, nay bỗng thu hẹp lại để những bàn tay có thể với tới xoa dịu những nỗi đau. Chưa bao giờ người ta nhận ra cả thế giới xích lại gần nhau và gắn chặt số phận với nhau đến thế.
Những chân giá trị trở lại với vị trí cũ Thiên Chúa đã thiết lập. Những giá trị từng bị coi thường trong một chặng dài lịch sử, như sự quan tâm và tình liên đới, sự cảm thông và lòng thương xót… Thói ích kỷ, sự hưởng thụ và vô cảm, sùng bái vật chất và sự thịnh vượng đã bị đánh bật bởi sự chia sẻ và trợ giúp.
Những tác hại nặng nề của trận đại dịch Coronavirus cộng với những hậu quả khác mà con người đang gây ra cho nhau, cho thiên nhiên khiến cho nhân loại sống trên quả địa cầu đầy những vết thương, nay lại thêm vết chí mạng.
Không ai dám nói trước được ngày mai, chẳng ai dám “tiên tri” về tương lai. Vì một khi tâm trí hoang mang và buồn sầu, người ta quay quắt với câu hỏi muôn thuở: Chúa có hay không? Chúa ở đâu trong đại dịch này? Chúa đã làm gì để ngăn chặn?
Chắc chắn việc chữa lành những vết tử thương cho nhân loại không thể đến từ nhân loại, mà vẫn chỉ có một Đấng Cứu Thế hùng mạnh còn mang trên Thân thể những vết thương (x.1Pr 2,24), bảo đảm cho sự chiến thắng chung cuộc mà những vết thương trên Thân thể mình là chiến tích.
Thân thể đầy những vết thương của Đức Giêsu mà người ta thấy được chính là Hội thánh, cũng đang ở trong cơn khổ nạn trường kỳ vì bị loại trừ, khinh khi và bách hại (x. Ga 15,5); những vết thương ghi trên Thân thể khi Người chịu nạn vẫn không ngừng hiện tỏ qua những vết thương của nhân loại bị đày ải dưới sức mạnh của sự dữ và tội lỗi, tối tăm và chết chóc.
Nếu Đấng Cứu Thế đã chịu chết khổ nhục và đã phục sinh mà trên Thân thể Người vẫn mang những thương tích, thì nhân loại trong những vết thương của mình, có thể nhìn vào đó để khơi dậy niềm hy vọng vào Đấng bảo đảm sự chiến thắng ngay trong thân xác mình, thân xác được dâng làm hy tế cứu chuộc loài người.
Sẽ không có một Đấng Cứu Thế không đau đớn phần xác và đau khổ phần hồn để gánh tội trần gian và chữa lành những vết thương cho nhân loại (x.Mt 8,16-17); sẽ không có một con đường theo Chúa Kitô rộng rãi, không có gian nan thử thách; sẽ không có thứ “Kitô giáo duy vật” loại trừ thập giá, vì sẽ chẳng có được sự phục sinh vinh hiển; sẽ không có ân huệ nếu không đón nhận những nỗi khổ một cách bất công vì lòng tôn kính Thiên Chúa (1Pr 2,19)
Đức Giêsu không ban cho người ta thứ bình an giả tạo, đầy ắp sự thoả mãn những ham muốn và không phải nhọc công chiến đấu (x.Lc 12,51-53), mà là thứ bình an xuyên qua cuộc khổ nạn và chết chóc (x.Ga 14,27-28).
Nên đừng lầm tưởng rằng những vết thương và sự chiến thắng của Đấng Cứu Thế sẽ miễn trừ cho chúng ta khỏi mọi sự dữ do chiến tranh, thiên tai, dịch bịnh, khỏi những đớn đau về thể xác, khủng hoảng tâm lý và khỏi cả cái chết.
Nhưng những vết thương của Đức Giêsu dạy chúng ta biết chịu đựng những điều tồi tệ một cách bình tĩnh, tin tưởng và phó thác cho Đấng có quyền năng biến điều không thể trở nên có thể (x.Lc 1,37) và nếu Đấng đã cứu thoát linh hồn người ta khỏi tội lỗi, sẽ không để thân xác phải tuyệt vọng (x.Rm 8,35-39)
Chính những vết thương của Đức Giêsu là bảo chứng cho sự chiến thắng cuối cùng, khi tiếng cười ngạo nghễ của sự gian ác đạt đến chóp đỉnh, tưởng rằng với quyền năng của mình, con người đã giết được Thiên Chúa.
Đại dịch Coronavirus này như đang phơi bày những vết thương còn ẩn khuất của Hội thánh, lộ ra những nỗi đau của nhân loại y, là tiếng rên rỉ cầu cứu đầy hy vọng trong hoàn cảnh tuyệt vọng (x.Mc 15,34). Và nhất định Chúa sẽ đáp lời, vì đó là Những Vết Thương Còn Ẩn Khuất trên Thân thể Chúa Kitô.
Đại dịch Coronavirus này cũng cho thấy sự bất lực của con người khi quyền lực tưởng như vô địch của nó phải lung lay, rệu rã và vỡ nát trước sức mạnh của con virus corona bé xíu, khiến người ta phải nhìn lại Đấng Cứu Rỗi nào mình tôn thờ; Quyền năng nào mình dựa vào? Con đường nào mình đang đi và sẽ dẫn mình tới đâu?
Thái Hà 10/4/2020
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR