2020
Mừng Lễ với Bánh không men của lòng tinh tuyền
MỪNG LỄ VỚI BÁNH KHÔNG MEN CỦA LÒNG TINH TUYỀN
Ta đang sống trong thời đại dịch để rồi tất cả mọi sinh hoạt từ đời thường đến tôn giáo đều phải chậm lại hay có khi dừng lại để tránh tổn thương đến tính mạng. Đứng trước biến cố này, biết bao nhiêu tâm tình đã bày tỏ về đại dịch, về đời sống cá nhân và gia đình và cả với dịp Đại Lễ Phục Sinh.
Nói chuyện với Thầy Học Viện, Thầy chia sẻ rằng năm nay chương trình giúp Tuần Thánh dừng lại hết. Anh em ở nhà đang loay hoay tìm cách sau Đại Lễ phải học online vì sợ chậm chương trình.
Khi nhắc đến chuyện giúp mùa Chay, bao nhiêu kỷ niệm của thời mài ghế Học Viện trở về.
Cứ sau 3 giờ chiều hàng ngày gần Tam Nhật Thánh, từ phòng Chung đến Thư Viện và cả phòng Vi tính, đâu đó râm ran bài Exsultet, Bài Thương Khó. Vì ý thức được việc đi giúp là quan trọng cũng như Phụng Vụ cần phải chỉn chu nên anh em luyện khá kỹ. Anh em chỉnh đi chỉnh lại từ câu từ cho đến ca từ như thế nào là cho đúng. Anh em phải hát như thế nào cho đúng cung giọng kẻ cả : “Ngươi dám trả lời với vị Thượng Tế như vậy sao ?” … rồi ai nào đó vào vai quần chúng thì phải la cho thật to : “Đóng đinh ! Đóng đinh nó vào thập giá …)
Thật thế, đó là những việc phải làm và cần làm của các Thầy để chuẩn bị lên đường đi giúp. Ai ai cũng muốn đạt thành quả tốt nhất và nhất là không để cho Phụng Vụ Tam Nhật Thánh bị sai nên càng cố gắng chăm chỉ.
Chiều qua, áp Lễ Phục Sinh, một số tâm tình rất thật và thật đến mức không còn thật được chia sẻ trong các status về Lễ Phục Sinh :
– Năm nay con buồn quá ! Con không được đi hát Lễ chung với ca đoàn nữa
– Năm nay con không được khoe bộ áo dài mới vừa may xong ! Chán quá !
– Chiều nay không được rước thắp nến đi rước Nến Phục Sinh …
– Năm nay … và … năm nay …
Với tất cả những việc chuẩn bị cho Đại Lễ, với tâm tình nuối tiếc vì phải tạm ngưng Thánh Lễ để không có những sinh hoạt tôn giáo như bình thường là điều rất bình thường theo lẽ tự nhiên. Thế nhưng rồi, tưởng nghĩ mỗi chúng ta, nhất là trong mùa đại dịch này cần phải chìm đắm hơn nữa trong mầu nhiệm Phục Sinh.
Nếu không khéo, ta chỉ dừng lại ở bề mặt, ở cái bề ngoài chuyện đèn nến rước sách … hay chiên la chũm chọe bên ngoài mà đánh mất đi ý nghĩa thật sự của Phục Sinh mà Giáo Hội nhắm tới. Dĩ nhiên bên ngoài cũng cần nhưng nó không phải là căn cốt, không phải tâm tình thật mà Chúa muốn.
Chiều tối qua, một Thánh Lễ Vọng Phục Sinh xem ra “đơn sơ nhất thế giới” với 2 bài đọc Cựu Ước, bài Thánh Thư và Tin Mừng (được phép của Tòa Giám Mục cho trong mùa dịch). Một phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh không rước sách, không hoa nến, không kèn không trống, không đàn và cũng không hát …
Dĩ nhiên ai ai cũng buồn và trĩu nặng với niềm vui Phục Sinh, cả bỉ nhân cũng vậy. Thế nhưng rồi, sáng sớm ngày Thứ Nhất trong Tuần, ta được mời gọi nhìn lại, suy niệm tâm tình của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê : … Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.
Chắc có lẽ vấn đề cốt lõi của mầu nhiệm Phục Sinh mà ta mừng là như thế ! Tâm tình được mời gọi là với Bánh không men tinh tuyền và chân thật với nhau từ lời ăn tiếng nói cho đến cung cách hành xử với nhau trong cuộc đời.
Khi và chỉ khi chúng ta bỏ đi men cũ, men của giả hình giả bộ, men của Biệt Phái – Pharisiêu và men gian tà ác độc thì thật sự ta mới mừng lễ một cách chân thành và ý nghĩa. Và, ta vẫn còn nghe văng vẳng bên tai : “Máu chiên bò Chúa không ưng, của lễ toàn thiêu Chúa không nhận, thì này con đến để làm theo ý Cha”.
Xin cho mỗi người chúng ta trong lắng đọng của mùa đại dịch, trong cô tịch của tâm hồn hãy hướng lòng về bên dưới, về chiều sâu của nội tâm để mừng lễ Phục Sinh cách đúng nghĩa như Thánh Phaolô tông đồ mời gọi đó chính là sống với nhau, sống với Chúa bằng lòng tinh tuyền và chân thật chứ đừng giả dối chua ngoa. Ta cùng xin ơn Chúa Phục Sinh ban cho ta để ta sống được như lời Thánh Phaolô chỉ dạy, đơn giản là vì lòng trí ta thì yếu đuối và thân xác ta thì nặng nề.
2020
Ánh sáng cuối đường hầm
ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Những ai hơn một lần lần mò trong hầm tối sẽ cảm nghiệm được như thế nào khi tìm được lối thoát, tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm. Và rồi, hơn người đào hầm, hơn người đi trong đêm đen của cuộc đời, ai nào đó tìm thấy niềm vui sau cái chết sẽ thấy mình hạnh phúc và sung sướng như thế nào.
Thật vậy, có lẽ, mỗi người chúng ta nên chăng đặt lại tâm tình của mình vào Đức Kitô Phục Sinh cho dễ cảm và dễ thấu cũng như dễ hiểu.
Có khi, chuyện xong rồi nên ai cũng nói và nói thật hay. Có bao giờ ta đặt trường hợp mình là những người dân theo Chúa hay gần hơn nữa là các môn đệ ?
Rõ ràng, đường đường chính chính là các môn đệ và những người nghe Chúa Giêsu rao giảng trên hành trình loan báo Tin Mừng. Thế nhưng rồi những lời của Thầy Giêsu xem ra lạ tai quá, không chừng là chướng tai nữa :
Các ngươi cứ phá hủy Đền Thờ này đi ! Nội trong 3 ngày Ta sẽ xây lại !
Thánh nổ nghe ông Giêsu Nazareth nói chắc cũng ngại vì lẽ cái Đền Thờ Giêrusalem xây mấy chục năm trời với bao nhiêu vật tư cũng như công cán. Ấy vậy mà “lão ấy” (con bác phó mộc ngay cạnh nhà tôi hay ngay trong làng tôi) nói thế ai mà tin ! Chả có căn cơ nào tin đến độ người ta cũng đã hơn một lần gán cho “lão ấy” là “hắn đầy rượu rồi !
Không chỉ một lần nhưng nhiều lần Thầy Giêsu báo cho những người thân tín biết hành trình Giêrusalem nhưng hoặc không tin hoặc không hiểu. Ngay cả Phêrô, Ngài cũng không muốn Thầy mình vào con đường chết cay nghiệt để cản Thầy và rồi được Thầy “khen” là Satan.
Làm sao có thể hiểu được và tin được cái chuyện chết sống lại bởi lẽ từ thời tạo thành cho đến thời Chúa Giêsu thì không ai thấy chuyện đó. Chính vì vậy, chuyện không tin xem ra hợp lý và chính đáng. Và ta cũng chả có cớ gì để trách các môn đệ cũng như người đương thời của Chúa.
Trong ngày Lễ Phục Sinh, ta nghe Thánh Gioan thuật rất rõ : “Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”.
Thế đó ! Chỉ đến khi ra đến mộ và không thấy “xác người” ở đâu nữa thì các ông mới tin. Các môn đệ khi mất Thầy cũng rơi vào cảnh buồn chán và thất vọng, e cũng là điều dễ hiểu. Chỉ đến khi ra thăm mộ thì :
Và con tim đã vui trở lại
Tình yêu đến cho tôi ngày mai
Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời
Tôi hy vọng được ơn cứu rỗi.
Ơn cứu rỗi đã đến với cuộc đời, với thế gian này trong mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Thật thế, niềm tin của các môn đệ đã lan tỏa trên toàn thế giới để rồi chúng ta đón nhận niềm tin Phục Sinh. Niềm tin Phục Sinh thật sự là nền tảng đời sống đức tin của mỗi người chúng ta và niềm tin ấy không phải là niềm tin vu vơ và vớ vẩn.
Như tâm tình của nhạc sĩ Đức Huy :
Trước đại dịch mà cả nhân loại đang gánh chịu, dẫu rằng buồn và đắng nhưng với niềm tin Kitô giáo, ta được mời gọi xem ra như là dấu chỉ mời gọi chúng ta đón nhận trước cái chết đến với mỗi người chúng ta. Buồn thì có buồn, lo thì có lo nhưng ta vẫn tin rằng sau cái chết là sự phục sinh, sau đau khổ là vinh quang. Và nếu như ai chết vì bệnh dịch như chung chia sự đau khổ mà xưa kia Chúa chưa chịu trên cây thập tự.
Chính vì thế, dù trong cảnh đau buồn của nhân loại, của thể xác, của nền kinh tế suy sụp, ta – người Kitô hữu vẫn vui lên vì ta vẫn tin tưởng Chúa Phục Sinh luôn ở cạnh đời ta và hơn nữa, sau này ta cũng được phục sinh với Ngài. Và khi phục sinh rồi thì :
Và con tim đã vui trở lại
Và niềm tin đã dâng về người
Trọn tâm hồn nguyện yêu mãi riêng người mà thôi…
2020
Phép lạ Phục Sinh
13.4
Mt 28, 8-15
PHÉP LẠ PHỤC SINH
Với trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật.
Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.
Các phụ nữ bị coi là thua kém trong xã hội Do Thái lại đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Chúa Giêsu sống lại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui phục sinh cho các tông đồ; họ trở thành tông đồ của các tông đồ. Trong khi những người đàn ông như lính canh mồ, giới lãnh đạo ra sức đánh tráo dư luận, các môn đệ thân tín tỏ ra bị động, nghi ngờ thì các ba lại lên tiếng.
Việc Đấng Phục Sinh ưu ái hiện ra và trao sứ vụ cho các bà là phần thưởng Ngài dành cho những tâm hồn yêu mến Ngài. Tin Mừng Phục Sinh không là của riêng ai mà là của mọi người, nam lẫn nữ, biết thao thức tìm kiếm, tin tưởng và sống niềm tin này.
Số phụ nữ được diễm phúc Chúa hiện ra này là những người trước đây đã từng theo giúp Chúa, đã từng chứng kiến việc mai táng Chúa (Mt 2, 61). Nhờ biết rõ địa điểm chôn táng nên họ ra đi gặp Chúa Phục sinh hiện đến. Theo truyền thống, họ đến mộ để khóc thương và để xức dầu trên xác Ngài (Mc 16,1; Lc 23, 56 – 24, 1). Nhưng khi tới mộ, thì chỉ còn là nấm mộ trống trơn và chỉ có thiên thần ở đó. Thiên thần báo tin Chúa sống lại (c. 5) và mời các bà vào trong mộ để kiểm chứng sự kiện đó (c. 6).
Các phụ nữ đây vừa hốt hoảng vừa hân hoan vui mừng. Nỗi sợ hãi đã xâm chiếm lính canh, cũng làm các bà lo lắng. Nhưng lời thiên sứ trấn an họ yên trí bình an vui mừng như các đạo sĩ nhìn thấy ngôi sao (Mt 2, 10), như các mục đồng gặp Đấng Hài Nhi (Lc 2, 10).
Cùng một sự kiện sống lại đã làm cho lính sợ hãi ngã dập dụi, nhưng lại trở thành niềm tin can đảm vui mừng cho các bà. Lúc nhận ra Chúa các bà sụp lạy và ôm chân Người. Cử chỉ sụp lạy thường thấy trong Kinh Thánh (Mt 8, 2.9, 18.14, 33). Đó là thái độ trang trọng dành riêng cho Thiên Chúa. Các bà đã được diễm phúc thấy Chúa và kiểm chứng bằng ôm chân Chúa (c.9).
Việc này diễn tả lòng yêu thương tột bực kèm thêm niềm vui kính phục, được tái ngộ với Thầy mình đã chết nay sống lại. Gặp họ, Chúa Giêsu trấn an ngay: “đừng sợ, hãy đi báo tin cho anh em ta…” (c.8). Mệnh lệnh “Hãy đi” hối thúc các bà đừng quyến luyến bên Chúa cho riêng mình. Chúa dùng chữ “anh em” thay vì “môn đệ” là dấu sẵn lòng tha thứ mọi yếu đuối lầm lỡ mà trước đây các tông đồ đã lỡ phạm vào giờ Chúa tử nạn.
Cuộc phục sinh được loan báo cho các bà đầu tiên hẳn cũng có một ý nghĩa là trong suốt cuộc khổ nạn, các bà đã gần gũi Chúa nhất. Một thiếu phụ phung phí dầu thơm ở Bêtania (Mt 26, 7-13), vợ của Philatô can ngăn (27, 19), các phụ nữ đứng bên thập giá (27, 55-56) và bên nấm mộ (27, 61). Họ là những người có công và đã được thưởng bằng việc Chúa hiện ra. Đây cũng là một bài học cho thấy các bà đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền giáo cũng như họ đã từng làm việc đó là báo tin Chúa sống lại cho các tông đồ. Nếu như các bà ích kỷ chỉ đòi ở bên Chúa mà không chịu đi đưa tin thì hẳn là các môn đệ vẫn cứ ở trong căn phòng kín cửa then cài.
Và điều này muốn nói với chúng ta rằng: nếu chúng ta là những người đã nhận được đức tin của Chúa, nhận được sự sống mới của Chúa, chúng ta không có quyền sống ích kỷ, như con rùa thụt lui sau lớp vỏ của mình. Chúng ta phải phân phát, phải đi như những phụ nữ hôm nay để “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại…” (1C 11, 26).
Sau khi củng cố niềm tin, Chúa đã sai các bà ra đi loan báo tin cho các tông đồ ”những anh em của Thầy”, và tiếp theo, Chúa cũng sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho khắp thế giới. Ngày nay, chúng ta cũng là những người đối diện với Tin Mừng Phục Sinh, nên chúng ta cũng sẽ là những người được sai đi làm nhiệm vụ loan báo. Vì thế mà mọi cử chỉ, lời nói và việc làm của chúng ta luôn mang giá trị của một chứng từ.
Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.
Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.
Và rồi người Kitô hữu trong mọi thời, việc loan báo Tin Mừng vẫn là một tiếng gọi tồn tại trong sâu thẳm của con người hay chính nội tâm mỗi người là một ơn gọi riêng cho từng người, từ đó mỗi người mạnh dạn ra đi phục vụ và hãy cho đi nhưng không đến với biết bao hoàn cảnh cơ nhỡ, khốn cùng, họ đang cần biết bao tấm lòng từ tâm nâng đỡ từ vật chất tới tinh thần.
Bổn phận người tín hữu là chúng ta đi tìm cuộc sống vĩnh hằng, đồng thời cùng với mọi người cùng nhau tìm cuộc sống đời đời mai sau. Cuộc sống hàng ngày diễn ra, với mọi biến cố vui buồn, sầu khổ v.v… nếu mỗi người luôn có niềm tin tuyệt đối vào Chúa Phục Sinh, chắc chắn sẽ gặp Chúa đồng hành, quan phòng chúng ta trên muôn nẻo đường dù hiểm nguy, gian nan, trắc trở, thì Chúa gìn giữ chúng ta tới bến bờ hạnh phúc.
2020
Và con tim đã vui trở lại
VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI
Yêu em cho tới khi con tim ngừng đập !
Vâng ! Quả tim Giêsu đã ngừng đập vào chiều thứ Sáu Thánh trên đỉnh đồi Canvê. Cũng từ lúc đó, nhiều con tim thổn thức với hành trình núi Sọ xem ra cũng ngừng đập khi Giêsu tắt thở.
“Mọi sự đã hoàn tất !” Lời cuối cho cuộc tình ấy của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa.
Hoàn tất có nghĩa sự ác của con người đã kết thúc cho một con người đã từng thi ân giáng phúc cho bao người.
Hoàn tất có nghĩa là cuộc sống dương gian này đã chấm hết sau khi con người trao án tử cho Con Một Đấng Tối Cao.
Hoàn tất cũng có thể hiểu là hoàn thành sứ mạng, hoàn thành nhiệm vụ mà Cha trao phó.
Hoàn tất được hiểu là chấm dứt bể khổ của tội lụy để từ nay không còn sống trong kiếp trần ai nữa.
Và hoàn tất hiểu rằng sau khổ giá trần gian, Con Thiên Chúa sẽ bước vào cõi vinh quang mà cũng từ nơi ấy Ngài đã đến cứu thế gian.
Sau khi trái tim yêu thương của Thầy Chí Thánh ngừng đập, những trái tim còn lại xung quanh tuy còn đập đó nhưng dường như cũng ngừng đập vì từ nay không còn tia hy vọng, không còn chút mong chờ. Đơn giản là con người, ai ai cũng thấy người đồng loại nhắm mắt xuôi tay và không bao giờ sống lại nữa. Họa chăng là có con trai bà góa thành Naim và Lazarô được hưởng hồng phúc sống lại sau khi chết nhưng rồi những người đó cũng chết và không sống lại thêm lần nữa.
Con tim thế lý của Giêsu ấy vẫn thao thức, vẫn thổn thức với con người để rồi con tim ấy sẽ đập sau 3 ngày đi vào cõi lặng, đi vào cõi chết của trần gian. Và, đúng như lời đã hứa, con tim Giêsu từ nay không còn chết nữa, không còn bị giới hạn bởi thể lý của con người nữa. Con tim Giêsu đã vui trở lại sau khi tảng đá lăn ra khỏi mồ. Và từ khi ấy, con tim Giêsu cứ mãi rung nhịp và thổn thức mãi với tình yêu nhân gian.
Con tim thể lý bị người ta đâm nát tận thấu nương long chiều Thứ Sáu nghiệt ngã ấy nay bày tỏ cho con con, nay nói với con người rằng Thiên Chúa mãi yêu con người. Từ nay, con tim Giêsu không còn lệ thuộc vào quy luật của con người, của trần gian nữa.
Tưởng chừng ngừng đập là chấm hết, tưởng chừng ngừng đập là tiêu tan niềm hy vọng nhưng :
Và con tim đã vui trở lại,
tình yêu đến cho tôi ngày mai,
tình yêu chiếu ánh sáng vào đời,
tôi hy vọng được ơn cứu rỗi
vì Người ở bên tôi mãi mãi …
Vâng ! Từ nay, Con Tim Giêsu không lệ thuộc vào địa lý, không gian và thời gian nữa. Con Tim Giêsu luôn luôn mãi ở trong tôi và cứu độ tôi nếu tôi mở lòng ra đón Ngài.
Trong phận người, đứng trước cái chết và cận kề cái chết của bao người, nhất là trong cơn đại dịch Coronavirus ngày nay chắc hẳn không thể nào mà con người không hoảng sợ. Nhìn vào những nhà khoa học, những bác sĩ, nhân viên y tế và cả giám mục và linh mục nữa ra đi vì con virus quái ác này làm cho mỗi người lại nhìn lại phận đời mình. Điều chắc chắn mà ai ai cũng không tránh khỏi đó là cái chết. Cái chết đến với mỗi người như con gió thoảng, ập đến thật nhanh với con người để rồi có khi không ai biết trước. Trước phận người mong manh ấy ta được mời gọi sống trong niềm tin và với niềm tin Phục Sinh.
Khi chiêm ngắm Con Tim Giêsu ta lại được khơi gợi niềm vui, niềm tin trong cuộc đời của chúng ta. Chuyện quan trọng là ta được mời gọi sống Con Tim Yêu Thương của Giêsu giữa cuộc đời khi con tim ta đang còn đập. Những ai đã yêu và đang yêu đều có nhiều cảm xúc, nhiều cung bậc cề tình yêu.
Những ai từng khóc vì yêu xin hãy yêu nhau thật nhiều
Những ai từng chết cho tình là đang sống cho tình yêu.
Chúa Giêsu đã khóc, đã chết vì yêu nhân loại. Và ta, ta cũng được mời gọi hãy khóc, và hãy yêu cho đến tận cùng như Thầy Giêsu. Ngày nào còn sống, con tim còn đập thì mỗi người chúng ta hãy yêu và yêu hết mình như Thầy Chí Thánh Giêsu để sau khi qua cõi tạm này ta được hưởng phúc vinh quang vĩnh cửa cùng với Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, với Vua Tình yêu, Vua Vũ Trụ này.