Sự thinh lặng của Thiên Chúa
Thứ bảy Tuần thánh Mùa Coronavirus
Sự thinh lặng của Thiên Chúa
Thiên Chúa Có Thinh Lặng Trong Đại Dịch Corona Này Hay Không?
Hôm nay Giáo hội suy ngắm Đức Giêsu an nghỉ trong mộ mà theo truyền thống, Người xuống cõi kẻ chết để chữa lành nguồn gốc hư hỏng của nhân loại, loan tin Ơn Cứu Độ cho những những công chính, và đợi điều đã hứa: “Sau ba ngày, Người sẽ sống lại” (x.Mc 8,31)
Một bài giảng cổ đã viết: “Hôm nay cõi đất chìm trong thinh lặng. Thinh lặng như tờ và hoàn toàn thanh vắng. Thinh lặng như tờ vì Đức Vua đang yên giấc. Cõi đất kinh hãi lặng yên vì Thiên Chúa đã ngủ say trong xác phàm”.
Những người tham dự cuộc hành hình hôm đó đã chứng kiến Đức Giêsu chết trên thập giá. Từ đó về sau, không ai gặp thấy Người nữa, trừ những chứng nhân của Đấng phục sinh.
Người ta tưởng Chúa đã chết, tưởng đã giết được Chúa, tưởng đã chứng minh được rằng, tôn giáo chỉ là là sản phẩm độc hại, thuốc phiện cho đám “tiện dân.” Nhưng sự im lặng của Chúa không có nghĩa là Người vắng mặt, Người vẫn đang sống và hiện diện trong Giáo hội; mọi người vẫn có thể gặp gỡ Người, bằng lòng tin, qua Lời Chúa và các bí tích.
Nhưng người ta không tin những chứng nhân, không cần chứng tá của Giáo hội. Họ ra sức triệt hạ Giáo hội mà họ coi là tàn dư của lạc hậu và hủ hóa của “giai cấp” thống trị và bóc lột, để kiến tạo một thế giới không có Chúa. Con người là Thiên Chúa của chính mình, không cần tuân thủ một ràng buộc nào nữa, kể cả lương tâm.
Chúa đã chết kéo theo sự huyễn hoặc tôn giáo. Vứt bỏ đức tin đi vì quyền năng con người bây giờ là trí tuệ, là khoa học, có thể giải thích mọi bí ẩn của thế giới. Thiên đàng là trái đất này, con người tự nắm vận mệnh, không phải lệ thuộc vào một quyền năng siêu nhiên nào nữa.
Giết chết Thiên Chúa kéo theo sự hủy bỏ những nền tảng tinh thần và luân lý từng giúp con người phát triển qua bao thế kỷ, khiến cho xã hội mất phương hướng, đạo lý bị khủng hoảng. Để trám lỗ hổng này, người ta cần “thứ gì đó” tựa như tôn giáo, vì suy cho cùng, con người phải dựa vào những giá trị tinh thần để tìm ý nghĩa cho bản thân và đời sống. Thế là xuất hiện những kẻ tự “phong thần” mê hoặc con người. Họ là “thần”, lời họ là chân lý, đời sống họ là gương sáng, đạo đức họ là nền tảng luân lý, ý chí họ là sự cứu rỗi, và tin mừng giải phóng của họ đẩy người ta quay quắt trong địa vị và danh vọng, quyền lợi và hưởng thụ, nhục dục và những mánh khóe gian xảo…
Loại bỏ thẩm quyền đạo đức tối thượng đã đẩy xã hội và đời sống từ chỗ có trật tự và ý nghĩa, trở nên hỗn loạn hơn cả thuở hồng hoang. Loại bỏ đức tin chân chính để dựng nên một “thứ gì đó” để tin, cuối cùng đưa cả xã hội vào chỗ mê tín và sống theo bản năng.
Khi bảo Đức Giêsu là “kẻ bịp bợm” xưng mình là Con Thiên Chúa đã chết, và phủ nhận lời tuyên bố: “Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai tin tôi sẽ không phải chết, và dù có chết cũng được sống” (Ga 11, 25t) thì con người sống để làm gì và chết sẽ đi về đâu? Thế giới này rồi sẽ ra sao? Phải chăng là mở ra một kỷ nguyên mới của tội lỗi, của sa đọa và tàn ác, và cuối cùng sẽ bị diệt vong?
Trên thập giá, lúc hấp hối, Đức Giêsu không nói, “Có Thiên Chúa hay không? Người ở đâu sao không đáp cứu?” nhưng Đức Giêsu nói, “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” (Mc 15,34)
Sự thinh lặng của Thiên Chúa không có nghĩa là Người vắng mặt, bỏ rơi Đức Giêsu, nhưng Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh này, như khoảnh khắc thiêng liêng lắng đọng nhất của một cuộc trùng phùng lạ lùng, một cái ôm thần linh, thắm thiết nồng ấm giữa Chúa Cha và Người Con sau “một thời gian xa cách”, nếu có thể nói như vậy, và kèm theo những vong linh, là chiến lợi phẩm đoạt được của tử thần (x. Ep 4,8)
Hôm nay cõi đất chìm trong thinh lặng. Trong bóng tối chết chóc của đại dịch Corona còn đang bao phủ vạn vật, Đức Maria, Người Tín Hữu đầu tiên vẫn giữ được ngọn lửa đức vào lời tiên báo của Đức Giêsu. Cùng với Mẹ, trong “ngày không phụng vụ” này, người tín hữu thinh lặng chiêm niệm mầu nhiệm Đức Giêsu vào trong cõi kẻ chết, để chuẩn bị đón lời công bố Phục sinh trong niềm hân hoan rạng rỡ, trong sự chờ đợi cuộc gặp gỡ mới với Chúa phục sinh.
Mặc kệ thế gian với những cuồng vọng và những hả hê của nó. Hãy cứ để Đấng Phục sinh tra vấn: “Giết được Thiên Chúa rồi, rồi sẽ ra sao? Ngươi sẽ đi về đâu, hỡi con người?”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR