Đừng phản bội như Giuđa
8.4 Thứ Tư
Ga 13, 21-32
ĐỪNG PHẢN BỘI NHƯ GIUĐA
Trang Tin Mừng Ga 13,1-32 mở đầu các diễn từ ly biệt, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết ý nghĩa của cuộc Thương khó sắp tới. Mặc dù biết trước những đau khổ và sự dữ phía trước – đặc biệt là cái chết khổ nhục trên thập giá – Chúa Giêsu vẫn tự nguyện bước vào cuộc Thương khó với tư thế chủ động của một Đấng quyền năng. Vì các môn đệ không biết, không hiểu nên Ngài đã tỏ lộ cho các ông ý nghĩa của cuộc Thương khó qua hành động rửa chân.
Đơn giản là khi làm người ở đời, ai chẳng có lúc xao xuyến. Chúa Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27). Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33). Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27). Trong bữa tối này, Chúa Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21). Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.
Thông qua đó cũng biểu lộ cho các ông tình yêu thương “đến cùng” của Chúa Giêsu dành cho nhân loại nói chung và cách riêng là các môn đệ, bởi biết là mình sẽ phải chết cho những người tội lỗi nhưng Ngài vẫn sẵn sàng và tự do để thi hành thánh ý Chúa Cha là hy sinh mạng sống để chuộc tội cho loài người.
Khi Chúa Giêsu cho biết một người trong nhóm các môn đệ sẽ nộp Người thì các ông lại cũng không biết người này là ai (13, 22-24). Ngay cả khi Chúa Giêsu chỉ ra người đó rồi thì các môn đệ lại rơi vào sự không biết khác – đó là các ông không hiểu lời Chúa Giêsu nói với Giuđa: “anh làm gì thì làm mau đi” (13, 27) và họ còn hiểu sai về lời đó.
Ngay cả khi có sự xuất hiện của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, thì dù có mối tương quan gần gũi với Người, ông vẫn không hiểu tâm trạng của Thầy mình vào lúc này, mà vẫn hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” (13, 25). Cuối cùng, các môn đệ không hiểu phản ứng của Giuđa, người thuật chuyện kể: “Không một ai trong những người đang dùng bữa biết tại sao Người lại nói với ông ấy như thế” (13, 28). Một sự xác định rất rõ là “không một ai trong các môn đệ” hiểu những gì đang xảy ra.
Như vậy, bằng cách dùng kĩ thuật hành văn, người thuật chuyện cho thấy “sự không biết” của các môn đệ cứ tăng dần lên và đó cũng là điều để cho thấy các môn đệ đang rơi vào khủng hoảng. Sự khủng hoảng này còn lặp lại nơi cộng đoàn người tin- đặc biệt là khi cộng đoàn gặp thử thách, khó khăn hay bị bách hại.
Nhìn chung, “sự không biết” của các môn đệ trong đoạn Tin Mừng 13,1 -32 là nhằm làm nổi bật “sự biết” của Chúa Giêsu – đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong văn chương của Tin Mừng Gioan. Sự tương phản này cho thấy đứng trước biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, không dễ gì người ta có thể hiểu được và vì thế xuất hiện sự khủng hoảng.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã đi bước trước chuẩn bị cho các môn đệ tâm thế đón nhận biến cố, cũng như giúp họ không ngã lòng khi gặp thử thách gian nan. Ngài đã biết trước hết những khó khăn và ngay cả cái chết đang chờ phía trước, nhưng Ngài vẫn tiến bước một cách tự nguyện và hoàn toàn làm chủ tình thế. Ngay hành động rửa chân – một hình ảnh báo trước cái chết và phục sinh của mình, Chúa Giêsu vẫn thực hiện một cách điềm đạm và hoàn toàn tự do.
Chúa Giêsu “đã yêu thương những kẻ thuộc về mình”, và “người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). Để thể hiện tình yêu ấy, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Hành vi rửa chân làm một cử chỉ quen thuộc bên phương Đông thời đó (St 18, 4; Lc7,44).
Đây là một cử chỉ diễn tả lòng hiếu khách và hành động này thường được làm trước khi người ta ngồi vào bữa ăn. Trong Tin Mừng Gioan, hành động rửa chân của Chúa Giêsu là một hành động bất thường vì ở đây cử chỉ rửa chân được thực hiện khi người ta đã ngồi vào bàn để dùng bữa.
Hành động rửa chân của Chúa Giêsu cũng khác thường vì chỉ có những người thấp kém hoặc nô lệ mới phải rửa chân cho chủ Chúa Giêsu đi ngược lại với điều đó, khiến cho Phêrô cảm thấy lúng túng và khăng khăng phản đối vì ông không thể tin được những gì mình đang thấy (Ga 13, 6.8). Sự xuất hiện đột ngột của Phêrô cùng với những thắc mắc của ông là cơ hội để Chúa Giêsu giải thích hành động rửa chân và mặc khải “giờ đã đến”.
Để diễn tả hành động rửa chân của Chúa Giêsu, tác giả Tin Mừng thứ tư đã dùng ba động từ: “cởi”-“ mặc” áo ngoài (13, 4.12) và “thắt lưng” mình (13, 4), hành động này cũng được dùng để mô tả cái chết của Chúa Giêsu và sự tử đạo của Phêrô. Hành vi này biểu tượng cho những gì Chúa Giêsu sẽ làm cho các môn đệ Ngài qua cái chết của Ngài trên thập giá. Như thế, có sự móc nối giữa việc rửa chân của Chúa Giêsu với cái chết của Ngài trên thập giá và sau đó là việc Ngài sống lại.
Dù yêu như vậy nhưng quá đau đớn và không gì đau đớn cho bằng nỗi đau của người Thầy bị trò từ chối, phản bội, thế mà Chúa Giê su Ngài vẫn bình tĩnh, không nao núng , không bỏ cuộc để rồi Ngài bước vào “bàn tiệc ly” với tất cả tình yêu chân thành dành cho các môn đệ mà Ngài hằng luôn yêu qúy. Tin mừng thuật lại: tâm thần Người xao xuyến, Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13, 21).
Chúng ta thấy Chúa thật tế nhị và tâm lý, Ngài không nói rõ tên nhưng lại làm dấu hiệu qua cử chỉ trao tấm bánh cho Giuđa và bảo: “Anh làm gì thì làm mau đi”. Thế nhưng Giu đa chẳng để ý gì đến nỗi niềm khát khao của Chúa đang chờ đợi sự hoán cải nơi ông. Ông đã chối từ tình yêu Chúa và lợi dụng chức “quản lý” của mình mà cất bước ra đi trong đêm tối. không một ai nghi ngờ, riêng chỉ có Chúa biết. Nhưng Chúa đành để ông ra đi vì Ngài tôn trọng sự tự do và lựa chọn mù quáng của ông
Trong cuộc sống của chúng ta, không nhiều thì ít, chúng ta cũng có những giây phút phản bội nhau một cách ý thức hay vô tình, chưa chung thủy trong bậc sống của mình, hôn nhân hay tu trì. Chúng ta chưa trung thành trong ơn gọi làm con Chúa giữa lòng Giáo hội.
Trang Tin Mừung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào tình yêu Chúa, vì “Tình yêu Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi”, Ngài luôn chờ đợi ta quay bước trở về với Ngài, như người Cha mong chờ con trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (Lc 15 ,11-32). Ngài hằng sẵn sàng tha thứ cho ta ngay cả khi chúng ta đang phạm tội, chống đối, chối từ hay phản bội Ngài đi nữa. Vấn đề là chúng ta có mở rộng tâm hồn để đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Ngài hay không?