Chết thay cho người mình yêu
CHẾT THAY CHO NGƯỜI MÌNH YÊU
Ga 11, 45-56
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy các Thượng hội đồng Do Thái đã “quyết định giết Chúa Giêsu” thể theo lời khuyến cáo mang tính tiên tri của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Đối với họ, đó là cách giải quyết gọn nhất, ít hao tổn xương máu nhất. Thế nhưng, trong cái nhìn của Thánh Gioan, thì cái chết của Đức Giêsu là một đảm bảo ơn cứu độ cho toàn dân Israen và cũng “để quy tụ con cái của Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Lời tiên tri của Thượng tế Caipha đã được ứng nghiệm: “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Chúa Giêsu chết thay cho tất cả chúng ta: cho người nam cũng như cho người nữ, người già lẫn người trẻ, người giàu cũng như kẻ nghèo, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Người chết thay cho tôi và cho bạn.
Chính nhờ cây thập giá, Chúa Giêsu tẩy rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. “Tội lỗi của chúng ta chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi chết với tội, chúng ta được nên công chính. Vì Người phải mang thương tích mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2, 24). Qua thập giá, Chúa Giêsu quy tụ nhân loại về tôn thờ Thiên Chúa duy nhất.
Những người Do Thái không tin đã nhìn nhận những hành động của Chúa Giêsu trong một lăng kính phàm trần, đầy màu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì Người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta cứ để Người như thế này thì mọi người sẽ tin theo và quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi này và dân tộc ta”. Chúng ta lưu ý lối lý luận lộn xộn của người Do Thái không tin rằng: “Nếu dân chúng tin Thiên Chúa thì quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy thành Giêrusalem và dân tộc Do Thái”.
Dân chúng tin theo Chúa là việc thuộc lãnh vực tôn giáo, còn quân đội Rôma đến phá hủy là việc chính trị. Vậy làm sao việc tôn giáo có thể kéo theo hậu quả của việc chính trị như vậy được? Nhà cầm quyền Rôma thời đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, mà quan Philatô đâu có muốn kết án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo, vì những tranh tụng tôn giáo giữa Chúa và những vị lãnh đạo của dân chúng đối chất. Trước mặt quan Philatô, họ phải tố cáo Chúa Giêsu về một tội chính trị, đó là xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Xêsarê.
Với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái.
Thế nhưng rồi ta thấy trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: “Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.
Chúa đã sống trọn kiếp người ba chìm bảy nổi và đầy sóng gió nguy nan. Chúa đã trải qua những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ. Chúa âm thầm sống theo từng lứa tuổi để yêu thương và cảm thông với chúng con. Cuộc đời Chúa không thiếu những lời khen và cũng không ít những lời chê. Chúa đã từng làm ơn để rồi bị mắc oán. Chúa cũng cảm nghiệm nỗi đau của sự vong ân bội nghĩa của tha nhân. Nhưng Chúa đã vượt qua tất cả nhờ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người tín hữu chết thay cho anh em mình khi hi sinh thời gian, sức khỏe, tiền bạc để giúp đỡ những con người đau khổ, bệnh tật. Trong mỗi gia đình, mỗi người sống là hiện thân của Chúa Giêsu. Chồng chết thay cho vợ khi biết khước từ những lời mời gọi xấu xa: nhậu nhẹt, cờ bạc… Vợ chết thay cho chồng khi từ bỏ một tật xấu, tập tính dịu dàng, nết na, nhân hậu… Bố mẹ chết thay cho con cái khi biết yêu thương, dạy dỗ và lắng nghe trong sự chân thành và cởi mở… Con cái chết thay cho bố mẹ khi cố gắng học hành chăm chỉ, vâng lời và hiếu kính với những bậc sinh thành… trong đời sống cá nhân, mỗi người cố từ bỏ những tính hư tật xấu: kiêu ngạo, ganh ghét, lười biếng, tham lam, nói hành nói xấu… Có như thế, thập giá của Chúa Giêsu mới trở nên hữu ích là đem lại nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.