2020
Đừng lăng xăng quá !
06/10/2020
Thứ Ba Tuần XXVII Mùa Thường Niên
Lc 10, 38-42
ĐỪNG LĂNG XĂNG QUÁ
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động dồn dập và dồn dập, lắm lúc tưởng chừng như muốn ngộp thở. Những khác biệt về công việc, thu nhập, vị trí, trách nhiệm, những thay đổi…làm cho mỗi người dễ rơi vào tình trạng so sánh, cảm thấy không hài lòng, bất an…Điều đó làm cho cuộc sống con người trở nên mất cân bằng, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng mà ngày nay hôm bao giờ hết người ta hay nói nhiều đến từ stress.
Trang Tin Mừng hôm nay kể về câu chuyện của hai chị em Mácta và Maria trong tương quan với Chúa Giêsu, thiết tưởng nên suy nghĩ một chút về sự dung hòa giữa những xao động cuộc sống và sự “ngồi bên chân Chúa” của người môn đệ Chúa Giêsu. Làm sao dung hòa giữa việc cầu nguyện và đời sống hoạt động tông đồ, nhất là bối cảnh xã hội hiện đại với những thách thức đố và cám dỗ của một cuộc sống luôn biến động thật đa dạng và thật hấp dẫn? Cầu nguyện và hoạt động như 2 trục chính của bánh xe, làm sao dung hòa “bánh xe” vận hành của đời người một cách hiệu quả? Vòng bánh xe này không khéo sẽ bị phình – xẹp không thể vận hành tốt trong hành trình đức tin của người Kitô hữu.
Việc lắng nghe lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bởi lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật: lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Mối phúc thật này đã được Chúa Giêsu tuyên bố khi Ngài trả lời với người nữ từ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng mẹ, cũng như trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có mẹ và anh em Chúa đang chờ, thì lúc đó Chúa Giêsu trả lời: “Nhưng phúc thật cho những ai lắng nghe lời Chúa và tuân giữ lời ấy; những kẻ đó mới là mẹ Ta và anh em Ta”.
Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô thuộc mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau, để tiếp nhận nước Chúa được hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô. Không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm không mà thôi; cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích hòa hợp với nhau của cùng một trách vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng của việc theo Chúa.
Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo mỗi hoàn cảnh cụ thể, mà người đồ đệ của Chúa thực hiện việc hòa hợp cụ thể này giữa cầu nguyện và hoạt động. Thật là sai lầm to nếu ta muốn canh tân xã hội mà không cần cầu nguyện, nghĩa là không cần lắng nghe lời Chúa, không đối thoại với Ngài. Ðể hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả, người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này, chiêm niệm là phần tốt hơn mà Maria đã chọn, nhưng không phải là phần tách rời ra khỏi việc làm, không ăn thua gì đến việc làm. Ðức tin chúng ta phải là đức tin có sức tác động qua đức bác ái, đàng khác cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người. Nhưng ngược lại, cầu nguyện làm cho người đó được thêm sức mạnh để hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.
Kinh nghiệm về đời sống sinh lý của từng cá thể, từng hơi thở: “hít vào –thở ra” của nội tại, cần thiết lắm phải có một sự quân bình nhất định để ít ra là kềm giữ một trạng thái bình yên cho tâm thức, và như thế mới giữ thân xác khỏe mạnh.
Kinh nghiệm sống đạo cũng thế, chỉ có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình một khi họ biết bám rể sâu trong đời sống cầu nguyện, vì những ai ở trong Giêsu và Giêsu ở trong họ, họ có thể toát lên một sức thuyết phục kỳ lạ “hữu xạ tự nhiên hương”. Một khi nền tảng chiều sâu nội tâm hời hợt, thật khó có thể yêu thương và sống hòa hợp với tha nhân một cách chân thành.Vì thế, rất cần thiết cho người tông đồ thường xuyên nhìn lại những hoạt động phục vụ tông đồ: phục vụ vì mục đích gì? Kinh doanh? đánh bóng tên tuổi? vì chính đối tượng phục vụ hay bản thân v. v…?
Hẳn ta còn nhớ trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:
“Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay”.
Những lời của Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.
Trở lại một chút với trang Tin Mừng, ta thấy động thái “ngồi” trong Kinh Thánh rất giàu ý nghĩa: ngồi là thái độ của bậc tiến sĩ và thầy dạy; ngồi cũng là thái độ của người lắng nghe; đó cũng là thái độ của con người chiêm niệm và cầu nguyện; ngồi còn là tư thế hồi tâm, phản tỉnh chính mình và chiêm ngắm Chúa. Trong khung cảnh tiếp đón Chúa của hai chị em Mácta và Maria thì tư thế ngồi bên chân Chúa của Maria là để được ở với Chúa, được cận kề bên Chúa, được tiếp chuyện với Chúa, được nghe Chúa nói, mong muốn nhận được lời giáo huấn của Người. Đó là phần tốt nhất mà suy cho cùng đối với con cái của Thiên Chúa thì không có gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng được ở với Chúa và nên một với Người.
Cô Mácta đã có thái độ không bằng lòng khi cô Maria chỉ biết ngồi bên chân Chúa mà không màng chi đến những việc làm tất bật của mình. Cô Mácta xem ra quá băn khoăn và lo lắng những chuyện không phải là phần tốt nhất. Có lẽ điều đó cũng phần nào phản ánh thái độ sống của mỗi người chúng ta. Điều cần thiết và cái phần tốt nhất thì ta lại không chọn lựa, nhưng lại tiêu tốn thời gian và loay hoay vào những thứ phù phiếm vô bổ, không đem lại lợi ích thiêng liêng cho bản thân và tha nhân.
2020
Tình yêu không biên giới
05/10/2020
Thứ Hai Tuần XXVII Mùa Thường Niên
Lc 10, 25-37
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI
Mở đầu trang bài Tin Mừng hôm nay là câu hỏi của một vị luật sĩ. Không biết vì lý do nào khiến ngươì hỏi Chúa Giêsu một vấn đề mà lẽ ra ông phải thông suốt : “ Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời ?” Chúa Giêsu trả lời bằng hai câu hỏi : “ Luật viết gì ? ông đọc thế nào ?” (c.26) Chúa Giêsu muốn chính ông phải trả lời về câu hỏi ông đặt ra dựa trên luật mà ông đã nắm vững. Ở câu 27, ta thấy ông rất thuộc luật và Chúa Giêsu đã không phải trả lời hoặc sửa đổi, nhấn mạnh ở điểm nào cả :
“ Hãy yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”( 27a) nghĩa là yêu Thiên Chúa với trọn vẹn con người gồm thân xác và linh hồn, tâm tư, trí lực. Nói tóm lại : hãy yêu Ngài với những gì bạn Có và bạn Là. Bên cạnh đó “ hãy yêu người thân cận như chính mình” ( 27b) nghĩa là hãy quí trọng người khác như thân thể mình vậy. Ông luật sĩ trả lời vanh vách, không ngập ngừng hay lúng túng đến nỗi Chúa Giêsu phải khen ông “Ông trả lời đúng lắm, và Ngài thêm một mệnh lệnh “ cứ làm như vậy sẽ được sống” ( c.28).
Tiếp theo đó là dụ ngôn người Samaria nhân hậu.
Và rồi ta thấy thánh sử Luca giới thiệu bằng một mệnh đề nói lên lý do vì sao Chúa Giêsu lại dùng dụ ngôn : “Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý… Ai là người thân cận của tôi?” ( c.29). Đây là cách giảng dạy thông thường của Chúa Giêsu khi có một nguyên nhân thúc đẩy để Ngài nói lên một vấn đề, đúng hơn là một bài giáo huấn. Trong luật nói : Người thân cận.
Ở đây ông luật sĩ đựơc Chúa khen, nên ông tưởng minìh đã đi đúng đường. với tính tự cao tự mãn bộc lộ rằng : Mình có lý. Chúa Giêsu muốn ông xác định lại vấn đề ông hỏi và dẫn ông đi vào cái nhìn của Ngài về “ người thân cận” qua dụ ngôn. Ngài mở lời : Có một người từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô … rơi vào tay kẻ cướp, bị trọng thương, mất hết của cải. Và kìa có thầy tư tế, thầy Lêvi đi qua đó, nhưng cả 2 ông đều tránh sang một bên. Lý do đơn giản : sợ ô uế. Một hình thức giữ luật vì luật. Họ sợ ô uế đến nỗi : thà để một con người chết đi, hy sinh vì luật. Luật đã khiến họ ra mù quáng ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.
Chúa Giêsu đưa ra tiếp một hình ảnh người Samaria. Theo quan niệm Do Thái giáo, người Do Thái không tiếp xúc với người Samaria vì cho họ là dân ngoại. Nhưng ở đây, chính người ngoại này đã dừng lại. Cúi xuống băng bó vết thương và vực người bị thương lên lưng lừa, đưa về quán trọ. Thánh sử nói rõ : ông ta làm vì lòng thương (c 33). Chẳng những ông ấy băng bó rồi còn trao cho chủ quán tiền chữa chạy, nếu thiếu, trên đường về chính ông là người trả lại số tiền thiếu đó. c.35). Một hành vi cao thượng. Người Samaria này không nghĩ đến bản thân : túi tiền bị hao hụt, mất thời giờ, lỡ cơ hội vì chậm trể hoặc có nguy cơ chính mình sẽ bị cướp lột ngay trên quãng đướng vắng vẻ này. Hình như tình thương che phủ sợ hãi. Ông quên hết những điều đó mà chỉ chuyên chú một điều : chạy chữa cho nạn nhân.
Một dụ ngôn thật ứng dụng cho đời sống. Chúa Giêsu có biệt tài hướng dẫn những người thành tâm thiện chí nhận ra đường lối của Thiên Chúa. Ngài xoay lại câu hỏi của ông luật sĩ : ai là người thân cận của tôi thì nay sẽ là :ai đã tỏ ra là người thân cận ?…( c.36). Thật vậy, nhiều khi chúng ta đòi hỏi người khác phải trở thành “ thân cận” của mình, mà ta quên rằng : chính chúng ta phải là “ người thận cận” cho anh em. Người luật sĩ đã nhận ra vấn đề và trả lời: Người thân cận là người đã thực thi lòng thương xót với anh em đồng loại (c.37). Và Chúa Giêsu lại kết luận bằng cách nhắc lại một lần nữa mệnh lệnh của Ngài “ Hãy đi và làm như vậy” . Ông đã hiểu giờ chỉ còn thực hành mà thôi.
Trong cuộc sống hiện tại, có lẽ mỗi người không ít thì nhiều rất e dè khi giúp đỡ người khác, nhất là người đang lâm nạn, bởi vì “đầu không phải, phải tai” và có khi chính mình phải lãnh hậu quả do người khác gây ra chỉ vì lòng bác ái của mình. Nhưng chúng ta cũng đừng vịn vào cớ đó mà bàng quan trước đau khổ của người anh em, như thầy tư tế và thầy Lêvi xưa. Lòng bác ái không có ranh giới. nó phủ nhận mọi lý do ngay cả lỗi lầm, thiếu sót.
Chúa Giêsu muốn giáo huấn cho chúng ta về luật yêu thương. Người thông luật thực tâm muốn tìm hiểu về người thân cận là ai? Đối với Chúa Giêsu, người thân cận phải là người có lòng yêu mến, có tâm tình chia sẻ thương yêu mọi người, qua đó người thông luật biết vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của mình, để trở thành người thân cận, từ đó họ có cái nhìn thấu đáo, và trả lời với Chúa Giêsu với tấm lòng thành tâm của mình như sau: “Chính kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” và Đức Giêsu đã bảo ông: “ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
Hành động người Samari, Chúa đã cho mọi người hiểu rõ, giới hạn của tình yêu là vô biên, phát xuất từ sự tốt lành, nhân hậu, bác ái của ông quả đã minh chứng rõ ràng qua hành động yêu thương quá cụ thể, không chỉ chạnh lòng thương thôi, mà thể hiện bằng chính tấm lòng của mình: “nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 35). Đây là hành động phát xuất từ tâm hồn hay trái tim của con người tràn đầy lòng nhân hậu và yêu thương. Ông đã thể hiện đức ái không chỉ trong lời nói mà còn trong chính việc làm của mình.
`Có thể người đời cho rằng người Samari thích làm chuyện bao đồng, hay thích “vác tù và hàng tổng”, nhưng chính lòng nhân hậu của họ đã được Thiên Chúa thương yêu. Họ xứng đáng làm môn đệ của Người, cho dù họ là những người khố rách áo ôm, bần cùng trong xã hội. Chúng ta đều mắc nợ nhau với tha nhân, nhưng còn món nợ đời đời phải trả đó là lòng yêu thương Chúa luôn dành cho ta. Từ đó, mỗi người chúng ta tìm thấy được chính lòng mến Chúa và yêu người là kim chỉ nam cho ta đi tìm sự sống vĩnh cửu ở quê trời.
Trong cuộc sống có biết bao cảnh ngộ bi thương đau đớn, vẫn còn đâu đó những người vô cảm, lạnh lùng, không có lòng thương xót. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Ta bảo thật các ngươi; mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 26, 45). Như vậy, người thân cận của tôi không chỉ hạn hẹp trong nhận thức là những người tôi quan biết, gần gũi, yêu thương, mà Chúa đã chỉ cho tôi thấy người thân cận chính cả tất cả mọi người chung quanh nữa.
Qua dụ ngôn người Samari, Chúa cũng dạy cho mọi người biết giới hạn của tình yêu thương là không biên giới, dụ ngôn khác hẳn bởi người thông luật chỉ yêu thương trong phạm vi luật buộc, hay luật định,
2020
Trả lời với Chúa về những việc làm của mình
04/10/2020
Chúa Nhật Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm A
Mt 21, 33-43
TRẢ LỜI VỚI CHÚA VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM
Dụ ngôn những thợ vườn nho phản loạn thuộc vào loại các dụ ngôn Chúa dùng để tỏ lộ thân thế của Ngài là Đấng Thiên Sai. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Chúa Giêsu, khi bị dân Ngài loại bỏ.
Như thường lệ Chúa Giêsu cấu tạo dụ ngôn từ các thực tại mà Ngài nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm vườn nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi vắng xa, chẳng hạn như ra nước ngoài, và để quan lý mùa màng, họ sai những đầy tớ đến với những người thợ làm vườn.
Theo luật Do Thái, nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa kế, thì thửa đất ấy sẽ thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này làm cho chúng ta hiểu được lý luận của các thợ làm vườn nho: Đứa con thừa tự đây rồi, nào hãy giết nó đi và chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó.
Quả thực, người con thừa tự mà chết, đất sẽ thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ.
Chúa Giêsu đã nói tới lòng tốt của ông chủ vườn nho không những sẵn sàng thuê mướn mọi người, nhất là những kẻ thất nghiệp, kém may mắn, mà còn trả công đồng đều cho cả những kẻ làm việc ít giờ nhất.
Ngài cũng đã nói tới những tá điền, là những người quản lý có trách nhiệm canh tác vườn nho để giao nộp hoa lợi cho chủ. Nhưng họ đã phản bội, đã đánh đập các sứ giả và đã giết chết chính người con của chủ. Để rồi, chủ đã phải lấy lại vườn nho mà trao cho người khác quản lý, tức là Giáo Hội.
Tiếc là có nhiều người không hiểu được điều Chúa nói nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình. Vì xua đuổi Chúa nên ma quỷ đã xâm nhập cuộc đời họ. Có nhiều người đã bỏ tháp canh lương tâm nên không còn tỉnh thức trước những nguy cơ đe dọa tàn phá sự sống. Có nhiều người đã phá đổ những phên dậu kỷ luật, biến vườn nho tâm hồn thành bãi đất hoang mặc cho mọi người chà đạp, tàn phá. Có nhiều người đã bỏ quên bồn ép nho, không chịu làm việc, chỉ rong chơi ngày tháng nên cả cuộc đời tiêu tốn biết bao sự thương yêu, tiền bạc, công sức của cha mẹ, thày cô giáo, các bề trên trong Giáo Hội mà không sinh được hoa trái gì cho cuộc đời.
Qua dụ ngôn những người tá điền nổi loạn chúng ta thấy ông chủ tượng trưng cho Thiên Chúa đã rào giậu và chăm sóc cho vườn nho của mình. Còn những tá điền nổi loạn chính là dân Do Thái, dân tộc đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban cho muôn vàn hồng ân. Còn các đầy tớ được sai đến là các tiên tri. Nhờ các tiên tri mà Thiên Chúa biểu lộ thánh ý của Ngài cho họ, thế nhưng họ đã đối xử dã man và tàn bạo đối với những người được Thiên Chúa sai đến. Nào là đánh đập, nào là giết đi.
Điều đáng buồn hơn nữa là cũng chẳng thiếu gì những tá điền, những người quản lý đã chiếm đoạt vườn nho Chúa làm gia nghiệp riêng của mình. Họ mặc sức khai thác tùy theo ý muốn, miễn sao có lợi cho mình. Không thiếu những kẻ chỉ lo rào dậu, xây tường và kiến tạo những bồn đạp nho, nhưng lại chẳng chăm sóc gì đến cây nho, khiến vườn nho Chúa mọc lên những cỏ dại và gai góc.
Sau cùng ông chủ đã phải sai phái chính người con trai duy nhất của mình đến với họ, để tỏ cho họ thấy lòng nhân từ thương xót vô biên của Ngài, nhất là sau những biến cố đáng buồn đã xảy ra. Người con duy nhất này là hình ảnh tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng đã bị họ giết chết trên thập giá. Cái chết khổ đau này làm cho Ngài liên tưởng tới lời thánh vịnh 118: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường, đó là việc Thiên Chúa đã làm và thực lạ lùng dưới mắt chúng ta. Tảng đá góc tường là nơi câu móc những bức tường của toà nhà, nó nắm giữ một vai trò, một vị trí rất quan trọng.
Chúng ta được trao phó cho mảnh vườn của Thiên Chúa, cha mẹ được Thiên Chúa trao phó cho một gia đình để chăm sóc; linh mục cũng được Thiên Chúa trao pho cho đoàn chiên; các người có trách nhiệm với dân tộc, với cộng đoàn giáo xứ, với các hội đoàn… đều là những người được Thiên Chúa trao phó vườn nho của Ngài. Cuộc sống này là vườn nho của Thiên Chúa và mỗi người chúng ta là những người làm vườn nho của Thiên Chúa.
Chính trong ý nghĩa nói trên mà câu chuyện dụ ngôn cũng là câu chuyện của đời thường và câu chuyện của ngày xưa cũng là câu chuyện của ngày hôm nay. Hàng ngũ lãnh đạo Do thái giáo ngày xưa đã loại trừ và đã giết chết Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian để chỉ cho họ con đường về Trời. Vụ án giết Con Thiên Chúa vẫn còn kéo dài qua mọi thời cho tới ngày hôm nay. Và lý hình giết con Thiên Chúa có thể là mỗi người chúng ta. Điều đó thật là đáng sợ.
Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo DoThái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ nắm giữ công quyền của các quốc gia. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử giật mình tự kiểm.
Sẽ đến ngày chúng ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó. Sẽ đến ngày chúng ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Người trông đợi. Bội thu hay mất trắng là hoàn toàn do công việc chúng ta đang làm hôm nay. Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm”.
2020
03/10/2020
Thứ Bảy Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm chẵn
Lc 10, 17-24
KHÔNG PHẢI ĐƯỢC GHI TÊN DƯỚI ĐẤT
Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đến trần gian theo ý Chúa Cha để loan báo Tin mừng nước trời. Với quyền năng của Ngôi vị Thiên Chúa, Ngài đã làm nhiều phép lạ, như: chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ… Ngài còn chọn những người ‘bé mọn’ để họ cộng tác với Ngài cũng như tiếp tục sứ mạng của Ngài.
Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng; họ gặp nhiều chống đối, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công. Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng sau một thời gian ra đi rao giảng, các ông hớn hở trở về nói lên niềm vui của mình, vì đã nhờ quyền năng của Chúa mà xua trừ được ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Ngài đến là để giải phóng con người nô lệ và đưa họ tới tự do đích thực.
Chúa Giêsu còn chọn 72 môn đệ và sai họ đi rao giảng Tin mừng. Tin mừng hôm nay thuật lại: sau một thời gian ra đi rao giảng, các môn đệ hân hoan trở về nói lên niềm vui; vì nhờ quyền năng Chúa ban, các ông có thể xua trừ ma quỷ. Chúa Giêsu không phủ nhận điều đó. Hơn nữa, Ngài còn muốn nhắc các ông biết niềm vui lớn lao và đích thực đó là tên các ông được ghi trên trời: “Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng giày đạp rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
Đó là hạnh phúc của những ai khiêm nhường, bé nhỏ nhưng biết phó thác, cậy dựa vào quyền năng Chúa. Và chính Chúa Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha về điều này. Thực vậy, các tông đồ hay môn đệ của Chúa Giêsu hầu hết là những người bình dân, ít học. Họ không có địa vị xã hội, không thể cậy quyền chức. Hơn nữa, theo lệnh truyền của Chúa, các ông ra đi với hai bàn tay trắng “không bao bị, tiền bạc, gậy gộc” (Lc 10, 4). Họ không có một khí giới nào khác ngoài sự tín thác vào quyền năng của Chúa. Vậy mà, chính Chúa Giêsu, khi nói về những thành quả hoạt động của họ, đã thốt lên: “Thầy đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống”.
Thông thường, theo khuynh hướng tự nhiên, người ta thường thích “làm lớn”. Khi đạt được điều gì thành công, người ta thường tự phụ cho rằng đó là sự khôn ngoan, khéo léo của mình. Chúng ta cũng thường khó tránh khỏi khuynh hướng ấy.
Và ta thấy Thiên Chúa luôn muốn hướng lòng trí các ông về trời cao. Trời cao mới là cùng cùng đích của các ông, để từ đó mọi lời nói, việc làm và thái độ sống của các ông phải qui hướng về đó chứ không phải nơi những thành công mau qua ở dưới đất này. Như chúng ta vẫn suy niệm về mầu nhiệm thứ hai năm sự Mừng : Thứ hai thì ngắm Đức Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời. Khi hướng lòng về trời chúng ta sẽ biết cách sống thế nào cho phải lẽ khi còn ở dưới đất. Khi nhìn về trời cao chúng ta mới nhận ra giá trị đúng đắn của mọi thực tại trần gian này, và đi đến hành động thế nào cho phải đạo.
Chúng ta đang bị hút vào các giá trị mau qua của thế gian, mà quên mất giá trị vĩnh cửu của Nước Trời. Chính vì thế, chúng ta sống ích kỷ bon chen, tìm mọi cách để hưởng thụ, để tham quyền cố vị, để đánh đổi lương tâm lấy lương tháng.
Sống theo những khát vọng cao thượng nhất của mình, con người có thể làm được những điều xem ra vượt quá khả năng của nó. Ðó là sứ điệp chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay: các môn đệ ra đi với hai bàn tay trắng, họ không có một khí giới nào khác ngoài sự siêu thoát và niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vậy mà khi nói về những thành quả của họ, chính Chúa Giêsu đã thốt lên: “Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống”. Ðó chính là sức mạnh của những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng có thể thực hiện được những điều cả thể ấy nếu họ cũng biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Chúa, nhất là nếu họ biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người. Những khát vọng đó là gì, nếu không phải là tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi gặp thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.
Và ta thấy ý của Thiên Chúa là mỗi người chúng ta phó thác vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa; Những người coi tất cả các thực tại trần gian chỉ là phương tiện để đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Hôm nay, Chúa Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha vì Ngài đã ban cho các môn đệ của Ngài được những ơn này, ơn nhận ra quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, ơn nhận ra giá trị đích thực nơi sứ vụ của họ là những người được sai đi.
Để có được ơn này, đòi buộc mỗi người cần có thái độ khiêm nhường, quảng đại như các môn đệ xưa. Các ông không tự cao, tự đại về những việc mình làm, nhưng một bề phó thác cho quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả những gì các ông làm được đều nhờ Danh Thiên Chúa, và cả cuộc đời sống chết để Vinh Danh Ngài. Mọi vinh quang và danh dự đều qui về Thiên Chúa là Cha toàn năng. Nhờ đó, chúng ta thấy được khôn ngoan đích thực được ban cho chúng ta là sự khôn ngoan của Nước Trời chứ không phải khôn ngoan theo kiểu thế gian.
Những ước mong với lời Chúa nói hôm nay, cũng là ngày thứ bảy đầu tháng, chúng ta hãy chiêm ngắm gương khiêm nhường của Đức Maria. Dù được Chúa chọn làm Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Mẹ chỉ khiêm tốn nhận mình là ‘tôi tá Chúa’, là ‘Nữ tỳ hèn mọn’. Qua sự khiêm nhường của Mẹ, Thiên Chúa đã thực hiện quyền năng trên cuộc đời của Mẹ như lời Mẹ xác nhận: “Vì Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều trọng đại”.