2020
Nghe và giữ Lời
10 24 X Thứ Bảy tuần 27 Mùa TN.
Gl 3,22-29; Lc 11,27-28
NGHE VÀ GIỮ LỜI
Đã là người, hẳn ai cũng khát khao hạnh phúc, ai cũng kiếm tìm hạnh phúc, ai cũng muốn sống cuộc sống hạnh phúc. Nhưng nỗi khát khao ấy, cuộc kiếm tìm ấy, ước muốn ấy cứ dai dẳng, cứ trồi sụt, cứ ẩn hiện mãi hoài, cứ trải dài trong phận người, cứ bền bỉ với dòng dời. Rất hiếm người khẳng định mình có hạnh phúc, đang hạnh phúc và mãi hạnh phúc. Thế mà Chúa Giêsu lại khẳng khái nói: hạnh phúc sẽ thuộc về người nào biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
Trong trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe thánh Luca thuật lại cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu. Chúa đã được một phụ nữ ca ngợi và chúc tụng khi Ngài đang rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Có lẽ, Lời Chúa dạy bảo thật tuyệt vời và làm vui lòng người nghe cho nên người phụ nữ đã cảm thấy hạnh phúc và thốt lên lời khen ngợi Chúa.
Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.
Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa – đây chính là cái giá phải trả để mua hạnh phúc thật, hạnh phúc Nước Trời. Nhưng làm thế nào để nghe được Lời Chúa, làm sao để kiên cường tuân giữ Lời Chúa giữa một môi trường luôn ầm ào với đủ thứ âm thanh khủng bố thính giác, với đủ thứ lo toan và mời mọc khiến lòng người không một phút lặng bình, với đủ thứ bậc thang giá trị khiến trí khôn không biết đâu mà chọn lựa ?
Có lẽ đã nhìn thấy trước những rối ren, những bóng mờ che kín hồn người, nên Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh huyết tộc để gắn kết những người đang nghe Chúa lại với Chúa và với nhau: ai có khao khát nghe Lời Chúa và can đảm tuân giữ Lời Chúa, sẽ được ở trong gia đình của Ngài, được là mẹ, là chị em, anh em với Ngài. Khẳng định ấy hẳn sẽ khích lệ và thuyết phục được nhiều tâm hồn thiện chí và khát khao Lời Chúa.
Chúa Giêsu trước sự tán dương nơi người phụ nữ không có nghĩa là Ngài phản bác vai trò người đã cưu mang Ngài là Đức Maria, nhưng trái lại Ngài đang vinh danh Mẹ Maria. Điều này có nghĩa rằng, Đức Maria không chỉ hạnh phúc khi là “người đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”, nhưng cái hạnh phúc lớn hơn nơi Mẹ chính là thái độ lắng nghe, vâng phục và thực thi lời loan báo của sứ thần. Mẹ là người đầu tiên đã lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa cách tròn đầy nhất. Mẹ là người đầu tiên vâng phục và thực thi Thánh Ý của Thiên Chúa. Mẹ là người “có phúc” thật sự trong cái nhìn của Chúa Giêsu.
Soi chiếu lời Chúa vào đời sống thường ngày, chúng ta nhận ra rằng dường như chúng ta cũng chỉ là những con người mến mộ chân lý đến từ Chúa Giêsu và mới chỉ dừng lại ở đó. Việc thực thi những lời giảng dạy trong đời sống hằng ngày vẫn còn là cái gì đó quá khó khăn và xa vời với chúng ta. Do đó, chúng ta cần tiếp tục cầu xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria – người Tớ Nữ khiêm cung của Thiên Chúa, ban cho chúng ta khả năng biết lắng nghe, tuân giữ, yêu mến và nhất là thực hành những gì Kinh Thánh truyền dạy. Đặc biệt, với lời Kinh Mân Côi trong tháng 10, chúng ta cùng với Mẹ ca tụng Thiên Chúa, sống sát với Tin Mừng hơn trong mối tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
Trong cuộc sống, khi người con tài giỏi thì người mẹ cũng được hưởng nhờ hồng ân của con mình, nên lời khen của người phụ nữ vừa mang nghĩa cảm phục trước sự khôn ngoan của Chúa, vừa khen ngợi người mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hiểu được điều đó và Ngài cũng công nhận hồng ân mà Đức Mẹ đã diễm phúc nhận được khi được làm Mẹ Thiên Chúa. Thế nhưng, Chúa Giêsu không muốn chỉ dừng lại ở đó. Ngài muốn trao ban mối phúc của Ngài cho tất cả mọi người để mọi người cũng được hưởng nhờ ân sủng mà Ngài mang lại khi họ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa chỉ dành riêng cho Mẹ Maria vì Mẹ đã luôn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nhưng đặc ân đó đã được mở rộng ra cho tất cả chúng ta, những người được diễm phúc lắng nghe Lời Thiên Chúa.
Dừng lại một chút, mỗi người chúng ta nhớ lại câu Thánh Vịnh 119, 105 “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Chính Lời Chúa hướng dẫn chúng ta đi đến hạnh phúc đích thực. Có Lời Chúa soi dẫn, chúng ta không còn lo sợ bước đi trong tối tăm hay sợ lầm đường lạc lối vì biết rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta phải biết đem Lời Chúa ra thực hành mỗi ngày trong những biến cố của cuộc đời thì chúng ta mới lãnh nhận trọn vẹn mối phúc Chúa dành cho chúng ta giống như Mẹ Maria đã luôn lắng nghe và thi hành Thánh Ý Chúa.
Thành tâm mở lòng, khiêm tốn phơi bày những góc khuất trong hồn ta, trong đời ta và để cho ánh sáng Thần Khí, ánh sáng Ngôi Lời, ánh sáng Tình yêu chỉ cho ta thấy những chỗ cần phải cắt tỉa, những chỗ cần phải sửa chữa và nhất là khơi lên trong ta sức sống mới mãnh liệt, ngõ hầu ta tìm thấy và sống trong hạnh phúc thật.
2020
Quyền năng của Chúa
09 23 X Thứ Sáu tuần 27 Mùa TN.
Thánh Điônixiô, Gm và các bạn tử đạo.
Thánh Gioan Lêônarđô, Lm.
Gl 3,7-14; Lc 11,15-26
QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA
Trình thuật Tin mừng theo thánh Luca hôm nay khẳng định cho chúng ta thấy sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Với vai trò là Đấng Mesia, Chúa Giêsu mạc khải rõ sứ mệnh của Ngài là đến thế gian để giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi, cho chúng ta được ơn cứu độ.
Trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đồng thời cũng xuất trừ ma quỷ và chữa mọi bệnh tật của con người. Hôm ấy, khi thấy Đức Giêsu chữa một người bị quỷ ám, đám đông dân chúng vô cùng ngưỡng mộ trước quyền năng vô song của Ngài, nhưng có một số người tỏ ra cứng lòng tin, họ phủ nhận quyền năng ấy và cho rằng Ngài đã nhờ sự trợ giúp của tướng quỷ Bêelgiêbút.
Chúa Giêsu liền khẳng định cho họ biết sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa là vô biên có khả năng tiêu diệt được ma vương quỷ thần. Sức mạnh ấy phát xuất từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ cần kêu lên danh xưng Giêsu thì mọi tạo vật, mọi đầu gối phải sụp xuống thờ lạy. Danh xưng ấy có sức công phá mọi bức tường ngăn cách, có sức hủy hoại mọi thế lực quỷ thần, đẩy lui bong tối của sự dữ. Danh xưng ấy xuyên thấu tâm hồn con người khiến mọi miệng lưỡi đều cất tiếng ngợi khen.
Đứng trước quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa, con người chúng ta không đáng bằng hạt bụi nhỏ bé,còn quỷ thần chỉ như sợi tơ nhện mong manh. Trí khôn của chúng ta hạn hẹp chẳng bao giờ suy thấu. Bởi vì trước một tình yêu bao la ấy mọi lý luận đều trở nên vô nghĩa, mọi tư duy đều giới hạn. Chúng ta được mời gọi hãy mở rộng con tim yêu mến để đón nhận hồng ân đức tin, mở rộng tâm hồn để đón nhận những ân ban huyền diệu. Và ngay cả lúc chúng ta nhận ra tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, đó cũng là hồng ân không phải tự sức chúng ta làm được nếu không có ơn sủng của Chúa soi sáng cho.
Chúa Giêsu còn cho ta biết ma quỷ là kẻ thù rất mạnh thế, chúng luôn tìm cách lôi kéo trói buộc chúng ta bằng đủ mọi mưu chước. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo và sáng suốt trước những thử thách, trước những lời mời mọc cám dỗ. Chúa dạy chúng ta cách chiến thắng ma quỷ là phải đoàn kết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, vì “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau”. Tâm hồn chúng ta ví như một ngôi nhà, mà “nhà sạch thì mát”.
Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: “Ai không theo tôi, là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán”(Lc 11,23). Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa hãy biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.
Nếu chúng ta để tâm hồn ô uế, vướng bận nhiều đam mê dục vọng và những thói hư tật xấu thì đó là môi trường thuận tiện để ma quỷ thống trị. Hãy dọn dẹp căn phòng nội tâm của mình bằng thái độ hoán cải mỗi ngày, bằng hy sinh, lời cầu nguyện và phải chiến đấu liên lỉ. Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cho chúng ta một kinh nghiệm sống với Chúa, người cho rằng “Khí giới của con người là nguyện ngắm, hy sinh, các bí tích, chuỗi Mân côi, tĩnh tâm…Đồng minh của con là Đức Mẹ, thánh Giuse, Thiên thần, thánh bổn mạng. Con chắc chắn thắng trận trừ khi con dần dần hạ khí giới và phản lại đồng minh của con” (Đường hy vọng, số 81).
Thiên Chúa không thể cứu chúng ta được nếu chính chúng ta không thực sự có lòng khao khát, nếu chúng ta tự tách mình ra khỏi tình yêu của Chúa. Thiên Chúa không thể bước vào tâm hồn chúng ta được nếu cánh cửa lòng chúng ta luôn khép kín.
Thế giới hôm nay vẫn còn đó những thế lực xấu lôi kéo chúng ta sống xa lìa Thiên Chúa. Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy nhưng nó ngấm ngầm ẩn sau tính tham lam ích kỷ, ẩn sau thói ươn hèn yếu đuối của con người. Chúng ta hãy khôn ngoan cậy dựa vào ơn Chúa để nhận ra đâu là ý Chúa, đâu là thói trá hình của ma quỷ mà có thái độ sống tích cực hơn. Hãy lắng nghe và thi hành lời thánh Phaolô khuyên dạy giáo đoàn Galata “những ai cậy dựa vào đức tin, thì họ là con cái của Abraham”, và họ được cứu rỗi theo như lời đã hứa.
Quả thật, tin là điều kiện cần thiết để chúng ta đứng vững trước mọi gian nan thử thách, không thất vọng ngã lòng khi bị cám dỗ…
Những người thân của Chúa Giêsu đã rơi vào cái bẫy này: Ngài đang làm việc của một Đấng cứu thế, xả thân không ngơi nghỉ để rao giảng và chữa lành bệnh cho dân chúng. Nhưng họ đã suy nghĩ theo sự khôn ngoan của loài người nên nói Ngài mất trí và muốn bắt Ngài về nhà.
Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ kiêu căng tự đắc, đừng bao giờ cho mình là tài giỏi đạo đức hơn người, đừng bao giờ cố chấp ở lì trong tội, nhưng xin cho chúng ta biết làm theo Thánh Thần, để nhờ Ngài chúng ta được lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa.
2020
Hiệu lực lời cầu xin
08 22 X Thứ Năm tuần 27 Mùa TN.
Gl 3,1-5; Lc 11,5-13
HIỆU LỰC LỜI CẦU XIN
Cầu nguyện và xin ơn là một nhu cầu thiết yếu của người Ki-tô hữu, vì khi cầu nguyện sẽ liên kết mỗi chúng ta với Thiên Chúa là nguồn sự sống, giúp chúng ta biết được ý Chúa muốn ta làm gì, cầu nguyện nói lên một tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn của người môn đệ Chúa Giêsu. Hơn nữa, cầu nguyện còn xác tín niềm tin tưởng và sự phó thác hoàn toàn của mình vào Thiên Chúa, đồng thời kêu xin Chúa ban cho ta những ơn cần thiết. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã khuyến khích và thúc giục chúng ta hãy cầu xin: “ Cứ xin sẽ được, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa sẽ mở cho” (Lc 11, 9).
Một lời kêu mời tha thiết “ cứ xin”, “cứ tìm”, “cứ gõ”, qua đó cũng nói lên rằng phải rất kiên trì. Để chứng minh Chúa Giêsu đã đưa ra một ví dụ dạy chúng ta phải biết kiên trì với Thiên Chúa trước những nhu cầu cần thiết. Gương người bạn đến gõ cửa nhà bạn mình để xin được giúp đỡ. Người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ, thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. “ Huống chi” Thiên Chúa vốn là người Cha nhân lành, luôn đối xử với chúng ta theo tình thương, Ngài mang trong mình bản chất nhân hậu và giàu ân sủng, Ngài rất vui thích ban mọi ơn lành và nhưng không cho con người. Bởi thế, nếu chúng ta kiên trì cầu xin với Thiên Chúa, thì chắc chắn sẽ được nhận lời.
Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại thắc mắc đã cầu xin với Chúa mãi, mà không được nhận lời. Biết bao những mơ ước, những khó khăn, cả những thất bại trong cuộc đời đều trao dâng cho Thiên Chúa, nhưng vẫn chẳng thấy Chúa đâu. Chính những lúc đó không ít người trong chúng ta lại đâm ra chán nản, nghi ngờ vào sự hiện diện và tình yêu thương của Thiên Chúa
Đôi khi chúng ta cầu xin một ơn gì mãi mà không được Chúa ban cho, chẳng được ơn như ý mình xin, và rồi từ đó chúng ta đã hoài nghi ngay chính sự hiện diện của Thiên Chúa nữa. Trong đoạn Tin Mừng của Thánh sử Luca chương 11 câu 5 đến câu 13 hôm nay. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện, và luôn vững tin Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời của chúng ta trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Người luôn che chở gìn giữ chúng ta.
Vì Thiên Chúa là Đấng hay thương xót, Người không muốn cho con người đã được Người tạo dựng nên phải khốn khó. Chúa muốn chúng ta kiên tâm cầu nguyện là Chúa muốn chúng ta được mọi điều tốt đẹp. Ngoài ra Ngài còn muốn dạy chúng ta được biết, chúng ta phải ý thức sâu xa hơn về thân phận mình yếu hèn và bất lực của kiếp con người. Có nhận ra thân phận mình yếu đuối như thế con người mới khiêm tốn tin yêu vào Thiên Chúa, và đón nhận ơn Chúa ban chứ không phải do công trạng của mình.
Quả thực, lời cầu xin hằng ngày cũng là một thách đố lớn cho mỗi người chúng ta, không phải lúc nào chúng ta cũng đón nhận một kết quả mau lẹ như ý muốn. Thế nên, lại một lần nữa Chúa mời gọi chúng ta hãy kiên trì trong cầu nguyện. Thực vậy, trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống con người, ai tập được tính kiên trì người đó kể như đã thành công. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, và còn hơn thế nữa, bởi suốt đời người Kitô hữu phải kiên trì cầu nguyện và tập luyện nhân đức mới mong sống gắn bó mật thiết được với Thiên Chúa.
Cũng như thân xác không thể sống và phát triển được nếu con người không ăn uống, thì cũng thế, linh hồn con người không thể sống nếu không có cầu nguyện. Đặc biệt khi cầu nguyện phải xác tín rằng: Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn yêu thương chúng ta, Ngài có làm cho chúng ta được toại nguyện hay không, hoặc Ngài nhận lời chúng ta theo cách nào thì cũng đều là vì lợi ích cho linh hồn chúng ta mà thôi.
Nên khi cầu nguyện chúng ta hãy đến với Chúa với tấm lòng khiêm nhường hạ mình. Hãy trình bày cho Chúa tất cả những ưu tư, gánh nặng của mỗi người chúng ta như người con nhỏ bé đến với cha mình, và tin tưởng đón nhận những gì Thiên Chúa cho là tốt đối với chúng ta nhất.
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện và cầu nguyện kiên trì. Thiên Chúa không là Đấng sợ bị quấy rầy. Ngài luôn lắng nghe chúng ta trong từng giây từng phút. Mỗi lời cầu xin, mỗi nhu cầu của chúng ta đều được Chúa lắng nghe với tất cả lòng yêu thương, trân trọng. Thật ra, trước khi chúng ta kêu xin, Chúa đã biết rõ nhu cầu của chúng ta và Ngài ban ơn trước khi chúng ta cầu xin. Chúng ta cầu nguyện và cầu nguyện luôn vì lời cầu nguyện làm gia tăng lòng tín thác vào Thiên Chúa và đó chính một ân ban cao cả mà Thiên Chúa muốn giành cho chúng ta. Thiên Chúa có chương trình cho mỗi người. Hãy cầu nguyện cho chương trình ấy được thực hiện, để trong mọi sự Danh Chúa được cả sáng, ý Chúa được thể hiện.
Qua sứ điệp Tin Mừng ta suy niệm hôm nay. Chúa Giêsu đã dạy cho ta biết Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chúng ta là con cái của Ngài. Thiên Chúa luôn biết cần gì và Người luôn ban cho chúng ta những điều tốt nhất. Ta hãy luôn tin tưởng và kiên tâm cầu xin “vì hễ ai xin thì sẽ nhận được” (Lc 5,10).
2020
Lên Trời với Mẹ bằng tràng chuỗi Mân Côi
7.10
Lễ Mân Côi
LÊN TRỜI VỚI MẸ BẰNG TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI
Trong số các lễ nhớ Đức Maria, ngoài lễ Đức Mẹ Lộ Đức và lễ Đức Bà Camêlô, còn có lễ Đức Mẹ Mân Côi, do Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII thành lập năm 1573. Nhưng để biết nguồn gốc của lễ này trước hết phải tìm hiểu lịch sử Kinh Mân Côi “Rosario”. Từ Rosario phát xuất từ chữ Latinh “Rosarium” có nghĩa là vườn hồng, khóm hồng, tràng hoa hồng, hoặc chuỗi hoa hồng, và cũng còn gọi là Kinh Mân Côi.
Sở dĩ gọi là “chuỗi hoa hồng” hay “tràng hoa hồng” là vì nó bao gồm nhiều hạt. Mỗi một hạt là một kinh Kính Mừng. Khi đọc nó giống như một đóa hồng tín hữu dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Rồi nó cũng được gọi là Kinh Mân Côi, vì Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quí lạ. Kinh Mân Côi là “Kinh Ngọc”, là “chuỗi ngọc Mân và ngọc quí lạ”. Mỗi một kinh Kính Mừng dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phước, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ngọc Mân, ngọc đẹp quí lạ tín hữu dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi trước kia người ta ít lưu tâm đến, nhưng từ khi Đức Mẹ ban ơn lạ lùng cho Đạo Binh Thánh Giá chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Lépante vào năm 1571, Đức Thánh Cha Piô V đã cho phổ biến lễ này một cách rộng rãi trong Hội Thánh toàn cầu. Đức Thánh Cha Lêô XIII đã giải thích tầm quan trọng của lễ Mân Côi trong rất nhiều thông điệp Ngài ban bố. Đến nay, người Kitô hữu trên toàn thế giới đã mừng lễ này cách rất sốt sắng và tôn kính đặc biệt đối với lễ Mân Côi.
Mẹ Maria với hai tiếng xin vâng đã góp tay vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu và hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.Thánh lễ Mân Côi cũng nối kết những biến cố lớn trong cuộc đời Chúa Giêsu: “Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh”.
Hôm nay, chúng ta mừng kính Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Mân côi. Sở dĩ có ngày lễ hôm nay vì có liên hệ đến một biến cố trong lịch sử Giáo Hội. Ngày 7-10-1571, vua Hồi Giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ biến đền thờ Thánh Phêrô thành một chuồng ngựa. Đạo binh Công giáo đã ra nghênh chiến trong khi ở hậu phương giáo dân lần chuỗi Mân Côi cầu xin với Đức Mẹ.
Và đúng như lời “xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời” đã ứng nghiệm, với quân số ít ỏi và khí giới tồi tàn, người công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Để ghi ơn Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi. Tuy nhiên, ngày nay Giáo hội không kêu gọi chúng ta nhớ lại một biến cố xa xưa cho bằng mời gọi chúng ta khám phá ra vị trí của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu rỗi và nhắc nhở về vai trò của Kinh Mân Côi trong đời sống của người tín hữu kitô chúng ta.
Thật vậy, khi chương trình sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa bị tội lỗi con người làm cho đổ vỡ, thì nay Thiên Chúa thay thế bằng một chương trình mới, khởi đi từ một cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa thần sứ Gabriel với cô thôn nữ Maria. Như bao cô gái nhà quê khác, Maria cũng từng ấp ủ những mộng ước, những dự phóng thật bình thường cho đời mình.
Nhưng Thiên Chúa đã xen vào, đã khuấy động đời cô và đã làm thay đổi tất cả. Với lời thưa “Xin vâng” thật đơn sơ cô đã trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, và trở nên người đầy ân phúc. Đầy ân phúc không chỉ vì Chúa đã chọn Mẹ, nhưng còn vì Mẹ đã luôn chọn đứng về phía Thiên Chúa, lấy Ý Chúa làm ý của mình, luôn cố gắng để cho chương trình của Ngài thành hiện thực. Mẹ đẹp lòng Chúa không vì những thành đạt vĩ đại, mà chỉ đơn giản là xin vâng với tất cả con người bé mọn của kiếp làm người mà Mẹ được Chúa ban. Nhờ đó, Mẹ trở nên như mẫu gương, như người hướng dẫn và như sự nối kết những tâm hồn thành tâm kiếm tìm, lắng nghe và thực thi Thánh Ý của Thiên Chúa.
Ta thấy thánh ý của Chúa dược thực thi trên đời Mẹ từ lời Mẹ thưa lời in vâng. Và rồi khi lần hạt Mân là ta cùng dừng lại để tóm cả Tin Mừng và suy gẫm. Đây là kinh nguyện đầy nét Thánh Kinh được tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc, chuỗi Mân Côi hướng rõ ràng về Đức Kitô. Thật vậy, kinh kính mừng là lời ca tụng Đức Kitô không ngừng: Kính chào bà đầy ơn phúc và con lòng bà gồm phúc lạ.
Kinh lạy cha là kinh chính Chúa Giêsu dạy để các tông đồ và người tín hữu biết cầu nguyện. Các ngắm vui, thương mừng, sáng diễn tả cô đọng mầu nhiệm của Chúa Giêsu từ khi sinh ra cho tới khi hoàn tất chương trình cứu độ và các ý nguyện giúp người đọc sống theo gương Chúa Giêsu. Kinh sáng danh là lời vinh tụng ca tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi cả sáng: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, kinh Mân Côi là kinh dễ thực hành cho mọi tín hữu trong mọi hoàn cảnh phù hợp cho một em bé cũng như cho cả Đức Giáo Hoàng. Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ kinh nghiệm của Ngài trong việc thực hành kinh Mân Côi được trích trong tông huấn Rosarium Virginis Mariae như sau: “Chuỗi Mân Côi là lời kinh tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó …Đã bao nhiêu năm qua, tôi đã lãnh nhận không biết bao nhiêu ân sủng từ Đức Trinh Nữ nhờ kinh Mân Côi”.
Khi lần chuỗi Mân Côi cùng với lời kinh Kính Mừng Maria được lặp đi lặp lại như một điệp khúc vui, chúng ta được mời gọi đi vào tâm tình của Mẹ Maria, dọc theo những biến cố của cuộc đời của người Con yêu dấu: những tâm tình khiêm nhu, nghèo khó, yêu thương, vâng phục, tín thác… Đây là những giá trị của Tin Mừng. Chúng ta phải quay về với Tin Mừng, phải đọc lên trong lòng bản hiến chương Nước Trời, nơi đó, những kẻ nghèo khóc, hiền lành, đau khổ, trong sạch, biết xót thương, biết xây dựng hòa bình… được công bố là kẻ có phúc, là con Thiên Chúa, là kẻ chiếm lãnh Nước Trời.
Chỉ khi đó, chúng ta mới hiểu được cuộc đời của Đức Maria, mới nhận ra vẻ đẹp sáng ngời vốn chỉ là tăm tối đối với thế gian. Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Đức Maria và qua Ngài thêm một lần xác tín lại hằng ngày những giá trị của Tin Mừng, những giá trị mà tất cả những ai xưng mình là môn đệ Đức Kitô không thể không biết đến và lấy làm lẽ sống cho đời mình.
Nói rằng chuỗi Mân Côi là kinh Tin Mừng, ngay lập tức chúng ta đi đến hệ luận: không thể lần chuỗi Mân Côi cách máy móc và chỉ chú trọng đến số lượng. Bởi một lẽ đơn giản và minh bạch là Tin Mừng không chấp nhận thái độ đó. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện thì các ngươi chớ lãi nhãi như người ngoại. Họ tưởng hễ nói nhiều thì sẽ được nhận lời” (Mt 6,7). Thái độ phải có là lần chuỗi Mân Côi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Người giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19; 2,51). Đó là biết lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và thi hành.
Và riêng chúng ta, nếu ngay từ bây giờ chúng ta siêng năng lần hạt, thì phần rỗi của chúng ta sẽ được bảo đảm chắc chắn như lời Mẹ đã nói về cậu bé Phanxicô tại Fatima như sau: Phanxicô sẽ được lên thiên đàng nhưng phải lần hạt thật nhiều trước đã.