2020
Loại bỏ tâm địa xấu
LOẠI BỎ TÂM ĐỊA XẤU
Thánh nữ Têrêxa Avila qua đời tại Alba de Tormes, Tây Ban Nha, ngày 5 (theo lịch cũ Julien) hay ngày 15 tháng 10 năm 1582, ngày bắt đầu lịch mới Grégoire. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh năm 1622, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên dương là tiến sĩ Hội Thánh năm 1970.
Têrêxa Giêsu, gọi là Avila (tên Tây Ban Nha là Teresa de Ahumada y Cepeda), sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515 ở Avila (Tây Ban Nha), trong một gia đình quí tộc gồm 8 cậu con trai và 3 cô con gái. Được thấm nhiễm những câu truyện và những bài đọc đạo đức, lúc 8 tuổi, cô bé trốn nhà đến sống “giữa người Maures” với hi vọng được tử đạo để “thấy Thiên Chúa”.
Sau khi bị bắt về nhà, cô đã sống những năm hạnh phúc trong gia đình. Rất xinh đẹp và có duyên, cô cũng phần nào thích làm đỏm và vướng vào một chuyện rắc rối ngây thơ với một người anh họ. Bấy giờ – cô khoảng 16 tuổi – cha cô phải gửi cô đến ở nhà dòng thánh Augustine ở Avila ; tại đây cô đã có quyết định trở thành nữ tu. Vì thế, sau khi trở về nhà, cô bị cha chống đối ơn gọi, nên cô đã trốn nhà để đi vào dòng Carmel Chúa Nhập Thể ở Avila ngày 2 tháng 11 năm 1537. Tại đây cô đã tuyên khấn trọng thể ngày 3 tháng 11 năm 1537, lúc 22 tuổi.
Thánh Têrêxa Avila đã để lại cho chúng ta một kho văn chương vô cùng phong phú, có giá trị tuyệt vời. Các tác phẩm của thánh nữ được xếp theo trình tự thời gian gồm : Sách cuộc đời (tiểu sử tự thuật) ; Con đường hoàn thiện ; Các tư tưởng về Tình yêu Thiên Chúa ; Các lời cảm thán ; Hiến pháp Dòng ; Lập các tu viện ; Cách thức kinh lý tu viện ; Lâu đài nội tâm hay Bảy nơi cư trú của linh hồn (hành trình của ân sủng trong bảy nơi cư trú của linh hồn) ; Các lời khuyên ; Các tư tưởng và các bản văn ngắn khác ; Các vần thơ ; Thư từ (khoảng 650 lá thư). Tính cách của thánh Têrêxa Avila được phản ánh trong các tác phẩm của ngài mà ngày nay vẫn còn sức hấp dẫn đối với các tín hữu và người ngoại đạo. Những tác phẩm nay tạo cho thánh Têrêxa Giêsu một chỗ đứng độc đáo, không những trong lãnh vực tôn giáo, mà cả trong lãnh vực văn chương miền Castille và thế giới.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.
Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết “người chết không nói”, bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người.
Biết được tâm địa gian dối của người Pharisêu, Chúa Giêsu lên tiếng nguyền rủa họ sống giả dối như những mồ mả bên ngoài tô vôi nhưng bên trong đầy sự xấu xa. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Hành động ấy tố cáo họ chính là kẻ đồng lõa với cha ông để làm những sự xấu xa. Chúa Giêsu tiên báo họ sẽ bị đòi nợ máu của các Ngôn sứ và Tông đồ, một món nợ từ thời cha ông họ để lại. Điều này cho thấy án phạt của Thiên Chúa rất công thẳng, Người không dung thứ cho những hành động xấu xa dù điều ấy xảy ra từ thời xa xưa.
Chúa Giêsu nhắc đến cái chết của ông Aben và Dacaria như để nhấn mạnh sự gian ác đã hoành hành trong trần gian từ thuở tạo thiên lập địa và còn kéo dài mãi gây bao oan trái cho con người. Sự gian ác xấu xa của người Pharisêu lên đến tột độ khi họ bắt giết các Ngôn sứ và Tông đồ là những người đến để rao giảng tình thương của Thiên Chúa. Họ giết những người được Thiên Chúa sai đến nghĩa là họ gián tiếp từ chối tình thương của Thiên Chúa. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn “cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết”, ngăn cản người công chính không thể đến nghe về Mầu Nhiệm Nước Trời.
Lời Chúa Giêsu khiển trách Pharisêu cũng chính là lời khiển trách đối với mỗi người chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng sống giả dối, làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ cật vấn lương tâm mỗi người và “đòi nợ” nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.
Chúa Giêsu đã lên án thái độ giả hình của nhóm biệt phái: cha ông họ đã sát hại các tiên tri, họ xây lăng để tưởng nhớ các ngài, nhưng lại tiếp tục đi vào dấu chân của cha ông họ bằng cách sát hại các tiên tri thời đại. Lời Chúa nhắm vào các biệt phái và luật sĩ thời Ngài cũng có giá trị cho người Kitô hữu chúng ta ngày nay: vì đôi khi chúng ta tự mãn về những kiến thức tôn giáo nhưng lại không thực hành tinh thần tôn giáo. Ỷ lại vào những hiểu biết về tin mừng nhưng lại không thành tâm thiện chí sống theo tin mừng. Ỷ lại vào danh nghĩa người công giáo năng đi nhà thờ nhưng lại sao lãng việc công bình, bác ái đối với tha nhân. Rất nhiệt tình tổ chức những thánh lễ quan thầy, những lễ trọng, nhưng lại sao lãng việc chuẩn bị tinh thần và đời sống để mừng lễ. Rất nhiệt tình với những công việc đạo đức, nhưng lại không sống tinh thần đạo đức trong đời sống hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp, xã hội.
Ngày mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặp ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặp niềm vui an hòa.
2020
Đừng để bị Chúa nguyền rủa
14 28 X Thứ Tư tuần 28 Mùa TN.
Thánh Callisiô Ghtđ. (Đ)
Gl 5,18-25; Lc 11,42-46
ĐỪNG ĐỂ BỊ CHÚA NGUYỀN RỦA
Chúa Giê su nói với Biệt Phái “khốn cho các ngươi”, đó không phải là một lời chúc dữ, hay một sự tiên báo về đại hình phạt vào ngày cánh chung, nhưng chỉ là một lời ngăn đe, kêu gọi họ hoán cải vì yêu thương. Người Biệt Phái nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ mọi thứ rau cỏ, họ lo đến hình thức lễ nghi, khoe khoang tự đắc, háo danh, giả hình, không thành thật, vì không có tinh thần bên trong, không có lòng yêu mến Thiên Chúa và sống công bình với tha nhân, hay còn có lối sống tương phản là khác.
Vì vậy, Chúa ví họ như các mồ mả tô vôi, người ta chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài, mà không hay biết chút nào sự thối nát bên trong. Nơi công cộng họ chiếm chỗ nhất, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đai, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Thấy thái độ phản kháng của một người luật sĩ, Chúa Giêsu lại hướng về họ để khiển trách về lối mô phạm giả hình vì họ dùng trách nhiệm bảo vệ toàn bộ luật lệ Do Thái, rồi thêm thắt vào các luật đó nhiều điều cấm kỵ tỷ mỷ, trở thành gánh nặng cho người giữ luật, mà chính họ lại không giữ, không đụng tay vào, họ đối xử dễ với mình nhưng khó với người khác.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sống đạo cách thành thực, chân thành với Chúa, ngay thẳng với mọi người chung quanh và cả với chính mình nữa. Không sống đạo với nghi lễ, hình thức bề ngoài, làm đủ việc đủ giờ mà thôi, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người, có sự khiêm nhường, không tự cao tự đại, háo danh, ham địa vị, khoe khoang, tự đắc tự phụ trong đời sống xã hội và tôn giáo. Chúng ta cũng còn phải thành thực ngay thẳng trong công việc và trong cách xử thế nữa. Khi có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.
Chúa Giêsu đã thẳng thắn khiển trách thái độ sống giả dối của người Pharisêu và các luật sĩ, họ thích phô trương, thích ngồi ghế nhất trong hội đường, ưa xuất hiện nơi phố chợ để được người khác chào hỏi. Họ nộp thuế những thứ rau cỏ lặt vặt nhưng lại sống thiếu công bằng. Họ làm từ thiện cốt để người khác khen ngợi chứ không vì lòng bác ái. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Họ làm việc đạo đức để che đậy tâm địa xấu xa. Không những thế, họ còn theo dõi lên án các việc làm của Chúa Giêsu là vi phạm luật cấm làm trong ngày Sabát.
Luật Chúa không phải là thứ ngôn ngữ trong sách vở nhưng là hơi thở của cuộc sống. Luật ấy đã được kiện toàn nơi Đức Giêsu. Người đã thực hiện bằng tất cả sự yêu thương và khiêm tốn. Đó là sự hài hòa giữa việc chu toàn các điều luật và việc phục vụ tha nhân. Chính Đức Giêsu đã khẳng định “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mosê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Nhóm người Pharisêu cho rằng Chúa Giêsu vi phạm luật ngày Sabát nhưng chính họ lại là người phá hủy lề luật qua hành động sát hại các các Ngôn Sứ và Tông Đồ.
Khi lên án Pharisêu, Chúa muốn khẳng định cho họ biết không có giới luật nào lớn hơn luật yêu thương. Bao trùm tất cả việc giữ luật là sự yêu thương và cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về thái độ giữ luật, phải mặc lấy tâm tình yêu thương khi gánh lấy tất cả những chứng đau bệnh của con người, mang lấy số phận hay hư nát của con người mà treo lên cây thập giá. Người đã sống cho Sự Thật và đã chết để làm chứng cho Sự Thật.
Việc giữ luật Thiên Chúa không tách rời khỏi việc yêu thương và tôn trọng tha nhân. Ước gì chúng ta biết đi ra khỏi con người ích kỷ của mình để tự do thi hành việc bác ái. Việc giữ luật không chỉ đóng khung trong nhà thờ nhưng được mở rộng để đến tha nhân để cảm thông chia sẻ mọi nỗi buồn vui với họ. Giáo hội của Chúa không phải là giáo hội của những thành quách đền đài với những tháp chuông cao vút. Giáo hội của Chúa là từ bỏ địa vị cao sang, là cúi xuống để phục vụ. Một giáo hội luôn song hành và ưu tư với những buồn vui của phận người, vui với người vui, khóc với người khóc. Việc sống đạo không chỉ dừng lại ở những lễ hội tiệc tùng nhưng là ở cuộc gặp gỡ và đối thoại, là việc nâng dậy những ai yếu đuối vấp ngã, đưa dẫn những ai lầm đường lạc lối trở về.
Mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta thật lớn lao. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặt ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặt niềm vui an hòa.
Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống ngay thẳng thật thà. Đôi lúc chúng ta cũng làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ chất vấn lương tâm mỗi người nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.
2020
Hãy có lòng xót thương
13 27 X Thứ Ba tuần 28 Mùa TN.
Gl 5,1-6; Lc 11,37-41
HÃY CÓ LÒNG XÓT THƯƠNG
Thói quen rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh ăn uống. Ngày nay tại các trường mẫu giáo, các cháu bé đều được dạy năm bước rửa tay trước khi ăn. Thậm chí các cháu còn biết bi bô hát theo tiết mục quảng cáo trên trên truyền hình : “chưa rửa tay là chưa được ăn đó nghe”.
Vậy tại sao Chúa Giê-su lại có vẻ đã không tuân thủ mà lại còn lên án một thói quen văn minh tốt lành như thế? Thực ra mục đích của Chúa Giê-su không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Ngài muốn lợi dụng cơ hội để dạy cho các ông Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực đó là “lòng nhân ái xót thương”.
Thực vậy đối với người Do-thái việc rửa tay hay những việc tẩy rửa khác không đơn thuần là để giữ vệ sinh mà là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn theo luật. Vì quá nệ luật nên họ lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái bên ngoài mà đánh mất điều quan trọng của tâm linh bên trong đó là Tình yêu, lòng nhân ái và xót thương; như đã có lần một kinh sư hỏi Chúa Giê-su “Trong các giới luật thì điều nào trọng nhất?”; và chúng ta đã biết câu trả lời của Chúa Giê-su: “Giới răn trọng nhất là : “Nghe đây hỡi Israel! Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…hãy yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12, 28t). Hơn nữa, từ ‘bố thí’ theo nghĩa gốc của tiếng Hy-lạp là lòng xót thương.
Vì thế Chúa Giê-su đã nói: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Lòng xót thương phát xuất từ tình yêu chứ không mang ý thương hại hay là khinh miệt, xem thường. Đó là tình yêu đã khiến Chúa Giê-su luôn chạnh thương khi đứng trước nỗi khổ đau của con người. Tình yêu, lòng xót thương đó có thể minh chứng sự trong sạch trong tâm hồn con người; như Chúa Giê-su là Đấng không hề phạm tội cũng chính là Đấng yêu thương không giới hạn.
Lời Chúa Giêsu nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Nó lại càng đúng cho con người hôm nay. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Người ta thích tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Người ta có thể an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần bên trong…. Và Đức Giê-su gọi đó là “Những mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong lại lúc nhúc những giòi bọ” (Mt 23, 27t).
Vì thế, điều quan trọng là làm sao để tâm hồn mình được sạch vì “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa” (x. Tv. 23, 3 – 4). Và Đức Giê-su đã nói trong tin mừng hôm nay “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Hay nói khác hơn phải sống đơn thành trước Thiên Chúa và hãy có tinh thần yêu thương vị tha chia sẻ đích thực đối với đồng loại – Hãy có lòng xót thương!
Nhìn lại đời ta, ta cũng đã từng sống như những kinh sư Pharisêu giả hình, cũng mang trên mình cái “mác” của sự đạo đức nhưng bên trong tâm hồn lại khô khan nguội lạnh. Qua đó, Lời Chúa như nhắc nhở mỗi chúng ta cần canh tân đời mình, cần để cho Lời của Chúa đi sâu tận đáy tâm hồn chứ không chỉ giới hạn ở hình thức, lễ nghi bên ngoài, và để Lời Chúa biến đổi hầu mỗi ngày chúng ta nên giống Chúa hơn. Khi ấy, chúng ta mới trở thành người giữ đạo và sống đạo.
Một lần nữa, ta thấy đời sống Kitô hữu hiện nay dễ thấy kiểu sống đạo gắn với cái máy sinh hoạt nơi giáo xứ hay đoàn thể. Họ tham gia một cách tích cực và đều đặn, nhưng lại không chút bận tâm đến thái độ cá nhân của mình đối với Chúa; họ giữ đúng giới luật của Chúa và Hội thánh nhưng lại không có khả năng chấp nhận thánh ý Chúa khi gặp phải những nghịch cảnh trong cuộc sống. Họ tham dự thánh lễ chỉ để chu toàn bổn phận của một tín hữu, mà không có chút tương quan nào với Chúa. Họ ăn mặc tươm tất khi đến nhà thờ, nhưng lòng họ chẳng có chút tâm tình nào với Chúa, lắm lúc còn mang lấy tinh thần bực tức, thái độ giận hờn và tâm hồn tội lỗi đến với Chúa.
Trong thời đại này, giới kinh doanh luôn tìm mọi cách để cải tiến mẫu mã sao cho hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Không ít nhà sản xuất đã dùng mẫu mã để làm hoa mắt khách hàng. Trong cuộc sống, không biết tự bao giờ con người đã để mình bị cuốn theo những hình thức bên ngoài mà quên đi cốt lõi bên trong. Tệ hơn nữa, nhiều người dùng lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài để che đậy những âm mưu đen tối.
Và cũng từ đó nhiều người thực hành các việc đạo đức chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài hay biến nó thành lớp vỏ che đậy những dự tính đầy tà tâm. Tôn giáo đối với họ nặng về lễ nghi hơn là tâm tình với Thiên Chúa. Người ta tổ chức những cuộc lễ lớn, kiệu rước linh đình rất tốn kém nhưng lại từ chối giúp đỡ anh chị em đang túng thiếu. Trong khi đó, “Thiên Chúa muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ”(Mt 9,13)
Xin cho mỗi người chúng ta cảm được lời mời gọi của Chúa để ta sống lòng xót thương mà ta nhận được từ Chúa với anh chị em chúng ta.
2020
Dấu chỉ yêu thương
12 26 X Thứ Hai tuần 28 Mùa TN.
Gl 4,22-24.26-27.31-5,1; Lc 11,29-32
DẤU CHỈ YÊU THƯƠNG
Mỗi ngày Thiên Chúa đều cho ta những dấu lạ để ta nhận biết tình thương của Người. Dấu lạ ấy thể hiện qua cuộc sáng tạo kỳ diệu, qua sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ nơi gia đình, qua những đặc sủng ban riêng cho mỗi người. Đức Giêsu chính là dấu lạ diễn tả trọn vẹn mạc khải và tình yêu của Thiên Chúa. Người đã đến thế gian và trở nên bằng chứng hùng hồn nhất về Nước Thiên Chúa là vương quốc tràn ngập tình yêu.
Vũ trụ vạn vật được tạo dựng từ tình yêu và chính nhờ tình yêu mà muôn loài muôn vật được tồn tại.Chưa có ai nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng đức tin mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa luôn hiện diện giữa chúng ta. Ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, tinh tú lấp lánh khiến chúng ta phải sửng sốt bởi công trình sáng tạo kỳ diệu. Thiên Chúa đã để lại dấu ấn của Người trên từng bông hoa ngọn cỏ, trên sự sắp đặt thứ tự của các vì sao trên trời. Thiên Chúa ghi dấu ấn đặc biệt trong trái tim con người khiến nó rung lên từng nhịp đập yêu thương để rồi biết bâng khuâng thẹn thùng, biết chờ đợi nhớ nhung, biết giận hờn ghen ghét…
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách thái độ cứng tin của những luật sĩ và biệt phái vì họ đòi xem một dấu lạ.Chúa Giêsu đã không ngần ngại nhắc lại câu chuyện ông Giona trong bụng cá ba đêm ngày. Hình ảnh Giôna là một dấu lạ sống động về lòng thương xót của Thiên Chúa, Người không bao giờ đánh phạt nhưng giáo huấn sửa dạy để cho ta ăn năn sám hối và được sống.
Ninivê vốn là thành phố lớn của đế quốc Assur, nơi có đa số dân ngoại sinh sống.Người Do Thái coi dân Ninivê như kẻ thù truyền kiếp nên họ không bao giờ chuyện trò giao tiếp. Vì không muốn Chúa cứu đám dân ngoại, nên khi được sai đến Ninivê, ông Giôna đã trốn tránh bằng cách lên chiếc tàu buôn đi về phía Tây, đến đảo Tácxít là một vùng đất xa xôi để Chúa khỏi tìm thấy ông. Đức Chúa đã cho cuồng phong nổi lên khiến cả tàu hoảng sợ, họ kêu cầu Chúa và quyết định ném Giôna xuống biển vì ông là nguyên cớ gieo tai họa cho cả tàu. Chúa đã cho con cá lớn bảo vệ và đưa ông vào bờ. Sau ba ngày đêm sống trong miệng cá, ông Giôna biết không thể chống lại ý Chúa, nên ông đành trở lại thành Ninivê kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Sau khi nghe Giôna giảng, mọi người từ vua quan cho đến dân chúng, người lớn trẻ nhỏ đều ăn chay cầu nguyện và họ đã được Chúa tha thứ.
Một nghịch lý đáng buồn là trong khi dân ngoại lãnh nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa còn dân riêng của Chúa thì không, bởi lẽ chúng ta hay có thái độ tự mãn không chịu lắng nghe lời dạy bảo của Chúa. Hình ảnh nữ hoàng Phương Nam từ vùng đến xa xôi đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn cũng nói lên điếu đó.Lời dạy bảo của Chúa còn cao trọng hơn cả Salômôn, thế mà loài người đã không để tâm lắng nghe.
Hình ảnh dân thành Ninivê cũng diễn tả ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Đức Giêsu làm những phép lạ không phải để chiều theo tính hiếu kỳ và thói cứng lòng của con người trần gian nhưng để minh chứng sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, báo hiệu một thời đại mới đang đến. Ngày ấy, con người không còn phải đau khổ, không còn chết chóc nhưng được sống dồi dào trong Thiên Chúa.Khi chứng kiến phép lạ, đôi khi chúng ta tỏ thái độ thờ ơ coi thường. Có khi chúng ta muốn Chúa thực hiện phép lạ theo ý riêng hạn hẹp của ta mà không vâng theo ý Chúa.
Thánh Gioan tông đồ đã định nghĩa: Thiên Chúa là nguồn cội tình yêu, vì thế mọi tạo vật xuất phát từ nguồn cội ấy đều thấm đẫm nét yêu thương. Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người mang vẻ đẹp thuần khiết nếu biết sống theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Để giữ được vẻ đẹp ấy, chúng ta cần phải chết đi cho những đam mê dục vọng, chết đi cho những ràng buộc cũ để tiến vào miền đất mới.
Vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa là sự trao hiến vô điều kiện, là thí mạng sống vì người mình yêu.Thiên Chúa yêu con người bằng thứ tình yêu nguyên sơ đến trước mọi tình yêu của tạo vật. Tình yêu ấy đã nuôi dưỡng con người bằng cuộc sáng tạo kỳ diệu thì cũng giải thoát họ bằng công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu. Đứng trước tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu của Người để thừa hưởng vẻ đẹp thánh thiện và có được sự sống dồi dào.
Trong cuộc sống hôm nay, Thiên Chúa vẫn không ngừng tỏ cho nhân loại dấu lạ của tình yêu thương. Chúa Giêsu chính là dấu lạ sống động tuyệt vời nhất về tình thương Thiên Chúa dành cho con người. Nhưng để đọc được dấu lạ ấy, đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin và lòng yêu mến.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra những dấu chỉ tình yêu của Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Xin cho chúng ta luôn mở rộng tâm hồn đón nhận lời mời gọi hoán cải và sống trong ơn nghĩa Chúa.