2020
Hãy để cho thiên sứ gìn giữ bạn trên mọi nẻo đường
02/10/2020
Thứ Sáu Tuần XXVI Mùa Thường Niên
Kính Thiên Thần Bản Mệnh
Mt 18, 1-5. 10
HÃY ĐỂ CHO THIÊN SỨ DẪN ĐƯA BẠN TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG
Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khá nẻo đường. Các ngài hãy tạ ơn Chúa vì Người nhân hậu và vì những kỳ công Người làm cho con cái loài người. Các ngài hãy tuyên xưng và nói lên giữa chư dân những điều lớn lao Người đã làm cho họ. Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa tỏ mình ra cho nó ? Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ? Ngài bận tâm đến con người và tỏ ra ân cần săn sóc nó.
Và rồi ta thấy thực tế sau cùng đó là việc, Ngài còn sai Con Một Ngài đến với con người, sai Thánh Thần Ngài đến trong con người, và hứa cho con người được thấy nhan Ngài. Và để cho tất cả chư thần trên trời không đứng ngoài công việc chăm sóc chúng con, giao cho các ngài nhiệm vụ bảo vệ chúng con và truyền cho các ngài trở thành những người dìu dắt chúng con.
Trang Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt 18, 1-5.10), Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”. Vậy tại sao chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời? Lý do Chúa Giêsu nêu ra thật lạ lùng và phải làm cho chúng ta kinh ngạc: “Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Thực tế, để đón nhận được trợ giúp đắc lực của các Thiên Thần Bản Mệnh khi chúng ta biết làm theo lời dạy của Chúa Giêsu là “hóa nên trẻ thơ”. Bởi vì chỉ khi nào chúng ta “hóa nên trẻ thơ” thì khi đó chúng ta mới cần được sự bảo vệ, che chở, hướng dẫn và chuyển cầu của các Thiên thần lên trước nhan Thiên Chúa. Chính lúc ấy, các Thiên Thần Bản Mệnh sẽ bảo vệ mỗi người khỏi mọi sự dữ, gìn giữ chúng ta trong tương quan ân sủng với Chúa và thay mặt chúng ta chiêm ngắm nhan Thánh Chúa. Chúng ta sẽ phần nào cảm nếm được ân sủng, tình yêu ngọt ngào của Thiên Chúa bao trùm cuộc sống của mình.
Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường . Lời này phải khơi dậy nơi bạn lòng cung kính, đem lại cho bạn lòng sùng mộ, và truyền đạt cho bạn niềm tin tưởng lớn lao biết chừng nào ! Cung kính vì sự hiện diện của các ngài, sốt sắng vì lòng nhân từ của các ngài, tin tưởng vì được các ngài bao bọc chở che. Vậy các ngài hiện diện, hiện diện bên bạn, không chỉ hiện diện với bạn mà còn hiện diện vì bạn. Các ngài hiện diện để chở che, hiện diện để giúp đỡ. Dù chính Thiên Chúa đã sai các ngài, nhưng chúng ta không được vô ơn đối với các ngài, vì các ngài đã vâng phục Thiên Chúa, vì lòng yêu mến lớn lao, và hằng trợ giúp chúng ta trong cơn quẫn bách.
Các thiên thần của những kẻ bé mọn luôn hiện diện trước nhan Chúa Cha. “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiếm ngưỡng nhan Cha Thầy”. Ngày nay, đôi khi chúng ta nghe thấy câu hỏi: “Thế nhưng, các thiên thần có hiện hữu hay không?”
Và có lẽ chúng là một phần của nền văn hóa xứ Ba-Tư, nơi mà dân Do Thái sống hàng nhiều thế kỷ trong thời kỳ lưu vong ở Babylon? Có thể lắm, nhưng đó không phải là điều quan trọng, điều này không phải là khía cạnh chính. Trong Kinh Thánh, các thiên thần có một ý nghĩa khác biệt. Có văn bản nói về Thiên thần của Đức Giavê hay là Thiên Thần của Chúa và sau đó đột nhiên lại nói về Thiên Chúa. Chúng hoán đổi lẫn nhau (St 18, 1-2,9-10,13,16; xem thêm St 13:3,18).
Trong Kinh Thánh, Thiên thần là khuôn mặt của Đức Chúa hướng về phía chúng ta. Khuôn mặt của Thiên Chúa đã hướng về tôi, hướng về bạn! Câu nói sâu xa nhất về đức tin của chúng ta, đó là, Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và cùng với tôi! Đó là cách làm cho tình yêu Thiên Chúa trở thành cụ thể trong đời sống chúng ta, thậm chí đến chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Và mỗi người chúng ta hãy tha thiết mến yêu các thiên thần của Người, ý thức rằng một ngày kia các ngài sẽ là những người đồng thừa tự với chúng ta, và từ nay các ngài đã được Chúa Cha sắp đặt và chỉ định làm người hướng đạo và giám hộ chúng ta. Vì giờ đây, chúng ta là con cái Thiên Chúa, tuy điều đó chưa tỏ hiện ; cho đến nay, chúng ta còn là trẻ con dưới quyền các vị hướng đạo và giám hộ chẳng khác gì những người nô lệ.
Dù chúng ta là trẻ nhỏ, và đường đời còn dài, chẳng những dài mà còn nguy hiểm nữa, nhưng chúng ta còn sợ gì khi được bao đấng che chở, bảo vệ ? Các đấng giữ gìn ta trên khắp nẻo đường đời là những vị không ai thắng nổi hay bị ai lường gạt lại càng không thể lường gạt chúng ta. Các vị ấy là những người trung thành, khôn ngoan và quyền thế, vậy chúng ta còn sợ gì ? Chúng ta chỉ cần theo các ngài, gắn bó với các ngài, ắt sẽ được sống dưới sự chở che của Thiên Chúa trên trời.
Thiên Chúa yêu thương, đón nhận, chia sẻ sự sống viên mãn của Người và mời gọi chúng ta đi vào tình yêu Thiên Chúa. Ngài yêu thương mỗi người bằng một tình yêu vượt lên trên mọi suy nghĩ, tính toán và chờ đợi của chúng ta. Không chỉ các trẻ thơ, mỗi người đều được Chúa ban cho một Thiên Thần Bản Mệnh. Thánh Hierônimô đã phải thốt lên: “Phẩm giá các linh hồn cao quí dường nào vì mỗi linh hồn đều được Thiên Chúa trao cho một thiên thần để săn sóc”. Cuộc đời con người, từ lúc khởi đầu cho đến lúc chết, đều được bao bọc bằng sự bảo vệ và lời chuyển cầu của các thiên thần. Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một Thiên Thần làm Đấng bảo trợ và mục tử, hướng dẫn họ đến sự sống.
Trở về với trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta suy niệm về phần nói đến việc chấp nhận những kẻ bé mọn. Nhóm chữ, những kẻ bé mọn, hoặc những kẻ thấp hèn nhất không chỉ nói về các trẻ nhỏ, mà là nói đến những kẻ thấp kém trong xã hội, kể các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu đòi hỏi rằng những kẻ bé mọn phải là tâm điểm của mối quan tâm của cộng đoàn, bởi vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”
Vậy ta hãy tỏ lòng sùng mộ và biết ơn đối với những vị đã bảo vệ chúng ta như thế ; chúng ta hãy yêu mến các ngài để đền đáp, hãy tôn kính các ngài hết sức cho phải đạo. Tuy nhiên, chúng ta phải dành cho Thiên Chúa trọn niềm kính yêu và tôn trọng, vì nhờ Người mà cả các thiên thần lẫn chúng ta có khả năng kính trọng và mến yêu Thiên Chúa cũng như đáng được Thiên Chúa mến yêu và kính trọng.
2020
Nhỏ bé thôi
NHỎ BÉ THÔI NHỎ BÉ THÔI
Ta thấy căn cốt cơ bản nhất của Tin Mừng là: “Người nâng cao những người phận nhỏ”. Trong chính thời đại mà, hơn bao giờ hết, xã hội đề cao những con người thành đạt, các bậc siêu nhân anh hùng, các thiên tài lỗi lạc… thì việc Giáo Hội Công Giáo tôn phong một nữ tu Cát Minh bé nhỏ, mất ở tuổi 24, học vấn chỉ đạt trình độ trung học, sức khỏe mỏng manh, và chu toàn một vài công việc tầm thường trong bốn bức tường tu viện… thì quả là một điều đáng kinh ngạc, một nghịch lý đáng cho mọi người thời nay suy nghĩ. Còn trong cộng đoàn Tin Mừng, con người nhỏ bé tầm thường ấy lại trở thành vị thánh thời danh nhất của thế kỷ XX, thậm chí được tôn phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh, quả là một nhắc nhở đầy ý nghĩa.
Ta thấy tâm hồn của trẻ thơ như là một trang giấy trắng. Trẻ nhỏ không biết đến gian dối hay sự ranh ma giống như người lớn. Hơn thế nữa các em luôn làm những điều để cho ba mẹ chúng được vui và luôn trông cậy vào sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ chúng.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu bé nhỏ, hay chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu (cho phép tôi được gọi như thế…) đã biểu lộ một điều hết sức nền tảng của Tin Mừng mà các tín hữu qua nhiều thời đại đã thầm mơ ước. Trước chị, đã từng có một Phanxicô Átxidi thực hiện được điều này, và đã thu hút được biết bao tâm hồn, đặc biệt những con người đơn sơ nhỏ bé, dấn bước vào con đường Tin Mừng.
Và trước đó nữa đã từng có một trinh nữ khiêm hạ khác là Ma-ri-a đã thấu hiểu sự vĩ đại của một tâm hồn bé nhỏ hèn hạ trong sức mạnh biến đổi vạn năng của Tin Mừng tình yêu: “Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn… vì đấng Toàn Năng làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc. 1:48-49). Các ngài là những người khai mở một lối sống trung thành tuyệt đối với nghịch lý của Tin Mừng để nêu gương cho các thế hệ Ki-tô hữu sau này. Chẳng trách gì Tê-rê-xa đã mau chóng được tôn vinh, và đời sống chị trở thành khuôn mẫu cho biết bao tâm hồn yếu đuối ngày nay.
Điều chúng ta thắc mắc: ‘sức mạnh trong yếu đuối và vĩ đại trong thấp bé’ có thể là một chân lý được chăng; và Tin Mừng của Đức Kitô có thể có sức mạnh giải phóng tới độ như thế sao? Nếu hiểu được các điều này ta mới phần nào hiểu thấu ý nghĩa đích thực của ơn cứu chuộc Đức Ki-tô mang lại cho con người tội lỗi, những con người vốn bị coi là thấp kém về mặt luân lý đạo hạnh. Ơn cứu độ không chỉ giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhưng còn khỏi tất cả những gì giam hãm, kiềm chế của kiếp sống con người. Đức Giêsu đã chẳng tuyên bố mạnh mẽ: “Ta đến… để mang lại sự sống dồi dào” cho mọi kẻ tin vào Người là gì? Họ sẽ đạt được, không chỉ phúc lộc thọ mà con người hằng mơ ước (hiện tại hay vĩnh cửu), mà trong Thần Khí Chúa họ đã đạt tới sự vĩ đại và mạnh mẽ đích thực của Tin Mừng ngay trong đời sống này.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu bé nhỏ đã từng ví von mình với một con chim nhỏ tầm thường xấu số, khác hẳn phượng hoàng kiêu sa: “Em thấy mình chỉ là một con chim nhỏ yếu ớt… em không phải là một phượng hoàng, em chỉ có cặp mắt và quả tim của chim phượng… dám nhìn thẳng vào Mặt Trời Thần Linh, Mặt Trời Tình Yêu”. “Con chim bé nhỏ yếu ớt đó sẽ ra sao đây? Chết vì phiền muộn khi thấy mình bất lực chăng?… Ồ không! Con chim nhỏ thậm chí còn không cảm thấy phiền muộn là gì. Với một lòng tín thác táo bạo, nó cứ đứng yên, gắn chặt cặp mắt vào Mặt Trời Thần Linh. Dù mưa to hay gió lớn, không gì có thể làm nó sợ, và nếu các bóng mây mù có che khuất Ngôi Sao Tình Yêu, con chim nhỏ cũng không dời đi chỗ khác, vì nó biết rằng ở bên trên đám mây kia Mặt Trời của nó vẫn luôn chiếu sáng. Ánh sáng của Mặt Trời ấy sẽ không thể bị che khuất dầu chỉ trong chốc lát”.
Đoạn văn ví von trên làm ta tới đoạn Tin Mừng Lc 9, 58: “Chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. TrangTin Mừng trên không những chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo nàn, mà còn cả sự tự do không gì hạn chế được của Con Người. Nếu cáo là con vật ranh mãnh có khả năng ra vào bất cứ nơi đâu (theo hiểu biết bình dân thời đó) mà còn bị cột chân bởi cái hang mà nó buộc phải trở về, nếu chim trời được coi là con vật tự do bay bổng trên bầu trời trong xanh mà còn phải ngừng cánh để trở về tổ của nó… thì Con Người nghèo khó, không có lấy một hòn đá gối đầu, lại được chính sự khó nghèo đó giải phóng để tự do lên đường rao giảng Tin Mừng không gì có thể ngăn cản nổi…
Đời sống mỗi con người cụ thể cũng đầy dẫy những nhỏ nhen hạn chế: sức khoẻ, vóc dáng, khả năng, trí tuệ… nhất là về mặt tinh thần và luân lý. Chị Têrêsa mách nước cho chúng ta biết: Tin Mừng Đức Kitô mà chúng ta lãnh nhận có khả năng làm chúng ta vượt lên trên mọi hạn chế đó. Không phải là thắng dẹp hay chế ngự gì…, nhưng là trong Tin Mừng, chúng ta có khả năng biến tất cả các yếu đuối đó trở thành sức mạnh, tất cả tầm thường nhỏ bé đó trở thành vĩ đại, vì đã tiếp nhận tình yêu nhân ái vô biên của Thiên Chúa. Chị chỉ cho chúng ta thấy: trong đức tin, cậy, mến, ta nắm được bí quyết làm biến đổi chỉ trong chớp mắt, tất cả những gì từng làm ta cảm thấy mình ti tiện, hèn kém trước mặt người đời… trở thành vĩ đại mạnh mẽ trước tình yêu nhân ái của Thiên Chúa. Chính trong nguyên lý Tin Mừng này thì nữ tu Têrêsa bé nhỏ, cũng như thôn nữ Maria tại Nadarét xứ kia, đã quả là các bậc thầy vĩ đại.
Chị tin vào sức mạnh của những việc nhỏ bé được làm vì yêu. Nhặt một cái kim ở dưới đất vì yêu mến, cũng có thể cải hóa một linh hồn. Mối quan tâm duy nhất của chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự. Tôi vui sướng chịu đựng gian khổ ngay cả chỉ để làm Chúa mỉm cười lấy một lần.
Chị Têrêsa bí quyết nên thánh mà chị gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng Chỉ cần sống như trẻ thơ là có hi vọng được nhận vào nước trời Têrêsa đã kiên trì đi con đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của chị.
Và chị đã lên thắng đã thu hút bao người đi con đường này con đường này. Thật ra cũng chẳng phải là con đường của chị cho rằng là con đường của bài tin mừng hôm nay. Chị Têrêsa đã muốn sống cái đơn sơ bé nhỏ của trẻ thơ. Tôi muốn tìm thấy một cái thang để lên tới Chúa Giêsu vì tôi quá nhỏ bé không không lên nổi các bậc trọn lanh. Têrêsa không nên thánh bằng những việc hãm mình kinh khủng nhưng bằng những hi sinh nho nhỏ những từ bỏ ý riêng. Ai không có gan đóng đinh mình bằng những chiếc đanh lớn …. thì phải chịu tử đạo bằng những chiếc ghim nhỏ.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống và để lại cho chúng ta một mẫu gương nên thánh bằng “tinh thần khiêm nhu, tự hạ và xem mình như trẻ thơ”. Ngài đã đi vào Nước Trời bằng một tình yêu trẻ thơ, tín thác và phó mình trong vòng tay âu yếm của Cha trên trời.
Ngày hôm nay, khi mừng lễ chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ta được mời gọi chúng ta hãy quay trở về để mình trở nên như trẻ thơ. Một đứa trẻ chỉ biết cậy trông vào Thiên Chúa, không dám làm điều gì trái ý Chúa; một đứa trẻ rất sợ Chúa của mình buồn khi nó làm một điều gì lầm lỗi. Noi gương chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu chúng ta hãy để tâm hôn của mình nhỏ bé nhất. Những cái sự “lớn” về mặt thể xác và bên ngoài sẽ không giúp ta trở thành người lớn nhất trong nước Trời. Muốn là người lớn nhất Nước Trời hãy để cho tâm hồn mình như trẻ thơ, như chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
2020
Đòi hỏi nơi người môn đệ
30/09/2020
Thứ Tư Tuần XXVI Mùa Thường Niên
Lc 9, 57-62
ĐÒI HỎI NƠI NGƯỜI MÔN ĐỆ
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca cho biết Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải có thái độ từ bỏ dứt khoát; có thể nói là “đoạn tuyệt” với những gì đang có, để sẵn sàng sống đời sống mới với sự thiếu thốn những tiện nghi tối thiểu: “con chồn có hang, con cáo có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).
Chúa Giêsu – hơn ai hết – đã sống trọn vẹn lời Ngài rao giảng và mời gọi. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã bỏ trời cao, xuống thế làm người. Ngài được sinh ra trong cảnh nghèo, và sống trọn kiếp nghèo! (x. Pl 2, 6-8)
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ muốn theo Ngài, đó là phải “dứt tình” ngay cả với những mối liên hệ ruột thịt gần gũi nhất! Một người theo Chúa muốn về chôn cất cha mà Chúa cũng không cho!
Anh hãy theo tôi. Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Đó là một từ bỏ lớn lao đối với người môn đệ. Chúa Giêsu mặc lấy xác phàm và cũng được lớn lên trong một gia đình như bao người khác. Chúa cũng cảm được nỗi đau mất người thân.
Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Chúa không bắt phải từ bỏ người thân, Chúa muốn người môn đệ đừng bị những nỗi bận tâm của tình máu mủ chi phối, làm xao lãng mục đích theo Chúa của mình. Vì đó có khi đó là lý do để tôi chừ chối Chúa, không nghe được tiếng gọi tha thiết của Ngài. Chúa muốn một sự từ bỏ dứt khoát hơn. Hãy tin tưởng vào lời mọi gọi của Chúa “Anh hãy theo tôi”.
Thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
Tục ngữ Việt Nam có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”! Cha chết thì phải vội về mà lo an táng chứ? Phải chăng Chúa Giêsu muốn người ta phải tỏ ra “bất hiếu” với cha mẹ mình thì mới “xứng đáng” để theo Ngài? …
Không phải thế; bởi vì chính Ngài – hơn ai hết – là Con Thảo của Thiên Chúa Cha. Ngài hằng yêu và vâng phụ Cha; nên – khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan – Chúa Cha đã tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Khi nhập thể làm Người, Ngài là người con hiếu thảo đối với Đức Maria và thánh Giuse; và chính Ngài – khi rao giảng – đã củng cố giá trị của các giới răn Cựu Ước trong đó có giới răn thứ tư “thảo hiếu cha mẹ”.
Cho nên – khi nói thế- Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ việc “hiếu thảo”, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh rằng: bận tâm số một của người môn đệ Chúa phải là “Đi rao giảng nước Thiên Chúa”. Hơn nữa, sứ mệnh đó mang tính cấp bách đến độ Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài cần phải “tranh thủ” đi ngay, kẻo “lần lữa” mà mất cơ hội; vì, bối cảnh Tin mừng cho thấy, “Ngài và các môn đệ đang trên đường đi”. Nếu về chôn cất cha hay từ giã người thân, có lẽ, họ sẽ “mất Chúa”, hay ít là “mất đi cơ hội theo Chúa”.
Chúa không ngăn cấm những người theo Chúa là phải bỏ gia đình và mọi sự cho bằng muốn người môn đệ của Chúa phải có một tinh thần dứt khoát, biết tin cậy vào Chúa. Dứt khoát với những vướng bận tình cảm nhiều khi rất nhỏ nhoi nhưng nếu ta cứ bịn rịn mãi với gia đình thì đó là một cám dỗ hay một cạm bẫy làm ta không thoát ra được, như những sợi tơ nhện làm vướng chân những con ruồi, con ong, làm chúng không thể bay được. Để rồi nhiều lúc ta đi vào sa mạc tâm giao với Thiên Chúa, ta lại nhớ tới “củ hành củ tỏi” nơi quê nhà. Mặt khác, hãy tin tưởng Thiên Chúa là Đấng quan phòng và tốt lành, Ngài không để cho chúng ta phải bị thiệt thòi khi cất bước theo Ngài.
Trong cuộc sống, mỗi người phải đối diện với rất nhiều quyết định lựa chọn. Có những lựa chọn làm ta phải đánh đo, suy nghĩ; có khi vì luyến tiếc cái cũ, cái đang có, mà ta mất đi cơ hội để có được cái mới mẻ tốt đẹp hơn.
Thiên Chúa là Đấng quan phòng và tốt lành vô cùng. Ta hãy xin Chúa cho những người môn đệ Chúa luôn biết dâng hết mọi băn khoăn lo lắng và đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác để bước đi theo Ngài một cách hân hoan, vui vẻ.
2020
Các vị tổng lãnh thiên thần
29/09/2020
Thứ Ba Tuần XXVI Mùa Thường Niên
CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL, RAPHAEL
Ga 1, 47-51
Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael:, mỗi Vị một phận vụ cộng tác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là những điểm trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Lễ Kính các Ngài:
Các thiên thần, là các bậc thầy về chiêm niệm: các Ngài phục vụ và chiêm ngắm Thiên Chúa là Đấng đã sai các Ngài đi đồng hành với chúng ta trên nẻo đường cuộc sống.
Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh: thiên thần Micae bảo vệ, thiên thần Gabriel loan báo, thiên thần Raphael hướng dẫn. Ngày xưa người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính Tổng lãnh Thiên thần Micae, Gabrie và Raphae, đây là tên tuổi của ba vị Thiên thần đã được Thánh Kinh nhắc đến nhiều lần, và khi nói đến các Thiên thần là nói đến vô số. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết với các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của các Thiên thần, đây chính là mầu nhiệm gắn liền với những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi tự tỏ bày cho loài người, Thiên Chúa cũng một trật mạc khải cho chúng ta thế giới của các Thiên thần.
Và thuật ngữ Thánh kinh dùng để gọi các Thiên thần đều có nghĩa là “sứ giả”; theo thư Do thái 1,14, các Thiên thần là những thần linh phục vụ cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa sai họ đến với những người cần được cứu giúp.
Cựu Ước cũng gọi họ là “Các Thánh” hay là “những người con của Thiên Chúa”. Nổi bật nhất giữa các Thiên thần là các đấng Micae, Kêrubim và Sêraphim (số ít là Kêrub và Seraf). Vài đấng được gọi tên là:
Micae, có nghĩa: “Ai ví bằng Thiên Chúa” Gabriel, có nghĩa: “Sức Mạnh của Thiên Chúa” hay là “Anh hùng của Thiên Chúa”.
Raphae, có nghĩa: “Thiên Chúa cứu giúp”.
Thánh lễ hôm nay bắt nguồn từ lễ thánh hiến Đền thờ Micae trên đường Via Salaria ở Rôma. Ngày hôm nay cùng với Tổng lãnh Thiên thần Micae, Hội Thánh cũng mừng chung hai Tổng lãnh Thiên thần Gabrie và Raphae, theo lịch xưa, các Ngài được mừng vào những ngày 24-03 và 24-10.
Micae là tổng lãnh tất cả các Thiên thần. Ngài đã lãnh đạo các thiên thần khác chiến đấu với Luxiphe. Nhắc tới Ngài là người ta nhớ lại câu Ngài nói “Ai bằng Thiên Chúa?”.
Gabrie là Thiên thần truyền tin (Lc 1, 19: Truyền tin cho ông Dacaria ; Lc 1,26: truyền tin cho Đức Mẹ). Ngài tuân lệnh Thiên Chúa mang sứ điệp Thiên Chúa đến cho loài người.
Raphae là vị thiên thần đã đưa đường dẫn lối cho Tôbia con, nhờ đó Tôbia bình an trong cuộc hành trình nhiều nguy hiểm, cưới được vợ hiền và chữa được bệnh cho cha già. Trước khi từ biệt gia đình Tôbia, Ngài cho biết thêm là Ngài luôn ở trước mặt Chúa để dâng những công nghiệp của loài người lên cho Thiên Chúa.
Giáo hội mừng kính ba Tổng lãnh Thiên thần Micaen, Gabrien, Raphaen là dịp để mỗi người chúng ta chiêm ngắm sự tham gia của các ngài trong chương trình của Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã nói bằng hình ảnh: “Các ngươi sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1, 51).
Cách nào đó, Thiên Chúa cũng có những chương trình tốt đẹp dành cho từng người chúng ta và mời gọi chúng ta đáp trả: “không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15, 16).
Mừng lễ Tam Vị Tổng Lãnh Thiên Thần Michael (tiếng việt là Micae), Raphael và Gabriel, ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu thấy mỗi người chúng mình, bạn và tôi. Ngài thấy chúng mình từ đàng xa, khi chúng mình đứng lẫn khi ngồi. Thiên Chúa biết những hy vọng và cả những lo lắng sâu thẩm nhất của từng người chúng mình. Chắc chắn rằng ngày hôm nay Chúa Giêsu sẽ ban ân sủng để chúng ta đương đầu và đối mặt với những điều này.
Thiên Chúa sẽ giúp mỗi người chúng mình sống trọn vẹn ơn gọi của chúng mình, như khi Ngài sai sứ thần Gabriel đến với Mẹ Maria, báo tin cho Mẹ biết là sẽ cưu mang đấng Cứu Thế. (Luca 1, 28). Thiên Chúa sẽ mở mắt và tâm trí chúng mình để thấy Ngài rõ hơn qua những sinh hoạt mỗi ngày, như khi xưa Ngài đã sai thiên thần Raphael mở mắt cho Tô-bít (Tobit 11). Và Thiên Chúa cũng sẽ gởi Thiên Thần Michael (Micae) để giúp chúng mình chiến đấu với tội lỗi như xưa Ngài đã sai Thiên Thần Micae chiến đấu với sa-tan và bảo vệ dân Do Thái. (Khái Huyền 12, 7 và Đanniên “Daniel” 12, 1)
Mừng lễ các tổng lãnh thiên thần là dịp để suy niệm về vai trò của các ngài trong phụng vụ, cách riêng trong thánh lễ. Khi Giáo Hội cử hành thánh lễ, không chỉ loài người chúng ta mà cả triều thần thiên quốc cùng tham dự vào hiến tế này: “Vì thế, hiệp với toàn thể thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa…” (Lời cuối các kinh tiền tụng). Ngay đầu lễ, chúng ta xin các thiên thần chuyển cầu cho chúng ta: “Vì vậy, tôi xin… các thiên thần… khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa…” (Kinh Tôi Thú Nhận). Các thiên thần đem của lễ chúng ta dâng “lên bàn thờ thiên quốc, trước tôn nhan uy linh cao cả Chúa…” (Kinh nguyện tạ ơn II). Khi rước lễ, ta được lãnh nhận “bánh của các thiên thần”.