2020
Người lớn nhất
28.9.2020
Thứ Hai Tuần XXVI Mùa Thường Niên
Lc 9, 46-50
NGƯỜI LỚN NHẤT
‘Trẻ con’ là hình ảnh những người người bé mọn, yếu thế, tầm thường, bị người đời khinh rẻ. ‘Trẻ con’ cần được bao bọc chở che và nâng đỡ, cần được đón tiếp, yêu thương, trân trọng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy.”
Như vậy, đối với Chúa, người làm lớn phải là người sống khiêm nhường và biết phục vụ người khác, và đối tượng để phục vụ và yêu thương là những người bé nhỏ, nghèo hèn thấp kém trong xã hội.
Trẻ bé là những thiên thần bé bỏng, đáng yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Ai cũng đã từng là trẻ nhỏ, từng có những ước mơ hồn nhiên, trong sáng, không ưu phiền, không lo toan, tính toán… Ai đã trưởng thành ít nhiều cũng tưởng nhớ đến thời thơ ấu ấy, muốn trở lại cuộc sống vô ưu ấy nhưng tiếc rằng, thời gian chỉ biết tiến, không biết lùi. Có thể nói, trẻ nhỏ gợi cho chúng ta nhớ về thời thơ ấu của chính mình, để chúng ta nhắc nhở bản thân phải trở nên đơn sơ, nhỏ bé.
Các môn đệ học được bài học “khiêm tốn và phục vụ” nơi Chúa Giêsu, khi Ngài yêu thương những người bé nhỏ, người bị khinh khi, người nghèo khổ, đặc biệt, khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các ông và khi Ngài hiến thân mình chịu chết trên thánh giá.
Ta thấy Chúa muốn xóa tan những suy nghĩ của các môn đệ còn mang nặng tính toán trần thế. Ngài không khiển trách các ông về việc tranh giành ngôi thứ, vì Ngài đã gọi đã chọn các ông với tất cả thực chất những con người đầy tham vọng và yếu đuối, để rồi Ngài sẽ giúp các ông thắng vượt những thái độ tầm thường đó. Ngài nhẹ nhàng dạy các ông biết đâu là giá trị đích thực, đâu là cái làm cho con người trở thành người lớn trong Nước Trời, và cũng là cách sống của Ngài là khiêm tốn và phục vụ: “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.
Huấn giáo của Chúa Giêsu đã gây nên một ấn tượng mạnh nơi các môn đệ khi Ngài dẫn một em nhỏ đến bên cạnh và nói: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Qua đó, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trước. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.
Ngày nay, hình ảnh và lối suy nghĩ của các môn đệ khi xưa vẫn thường diễn ra trong cuộc sống của chúng ta!
Thật vậy, vẫn còn đó những người Kitô hữu có suy nghĩ và hành xử bè phái, cục bộ, không phục vụ vì Chúa và các linh hồn, nhưng là vì mình. Không quy về Chúa Giêsu mà lôi kéo để mình có ảnh hưởng. Tính háo danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ cũng diễn ra thường xuyên.
Tất cả những thứ đó làm nguy hại đến tinh thần hiệp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng rất lớn.
Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất”. Để minh họa cho lời ấy, Chúa Giêsu đưa ra một em nhỏ cho để làm gương. Làm như thế có nghĩa là Chúa muốn bảo các ông phải nên giống trẻ nhỏ, tức là hãy sống khiêm tốn, đơn sơ, phó thác, hạ mình.
Suy nghĩ cho chín chắn, chúng ta thấy điều Chúa Giêsu dạy rất sâu sắc: như trẻ nhỏ nhận biết mình yếu kém, hèn mọn, bé nhỏ, chúng ta mới khiêm tốn. Rồi như trẻ nhỏ nhận biết mình cần được tha thứ, cần được sự giúp đỡ, cần phải bám vào người khác để phát triển, chúng ta mới có thể tập tinh thần tin tưởng phó thác.
Hạ mình xuống như trẻ nhỏ, nhận biết mình yếu kém, chúng ta mới thầy mình cần học hỏi thêm, cần được giúp đỡ… Thiết tưởng đó là điều cần thiết cho bất cứ ai muốn phát triển cả mặt đời lần mặt đạo. Thực tế có những cá nhân hay cộng đoàn sở dĩ đã phát triển vì họ đã nhận biết mình còn giới hạn, cần đến sự nâng đỡ của người khác hay của cộng đoàn khác, cần nghiên cứu, đào sâu và học hỏi thêm và nhất là cần đến ơn Chúa.
Con người chúng ta cần phải trở nên bé mọn theo tinh thần Tin Mừng, để cảm nghiệm sâu xa lòng Chúa thương và sống gắn bó kết hiệp với Thiên Chúa. Một người khiêm tốn, đơn sơ có thể có đức tin sâu xa hơn một người thông thái. Lòng tin của viên bách quản ngoại giáo đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy : “Lạy Ngài, tôi không xứng đáng để Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ phán một lời …”.
Chúa Giêsu không loại trừ những người thông thái, khôn ngoan, đúng hơn Ngài muốn cảnh tỉnh con người, cần phải khiêm tốn, trở nên như trẻ thơ mới gặp được Thiên Chúa.
Phải trở nên đơn sơ trong trắng như những trẻ nhỏ, hãy trở nên như những trẻ để vào Nước Trời hãy để cho Thiên Chúa được tự do thực hiện điều Ngài muốn và xét là hữu ích cho cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng con người làm con cái Ngài với hết tình thương của một người cha đầy quyền năng, để có thể trao ban cho con người sự phong phú và hạnh phúc vô cùng của Ngài. Hãy sống tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời.
Trang Tin Mừng mời gọi chúng ta luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài dạy dỗ, bảo ban. Cần trở nên như trẻ nhỏ trong thái độ đơn sơ, chân thành và phục vụ cách vô vị lợi. Khiêm tốn và từ bỏ ham quyền, cố vị. Sẵn sàng cộng tác với hết mọi người để ra đi loan báo Tin Mừng cách trung thành.
2020
Đón nhận khổ đau
26/09/2020
Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lc 9, 44b-45
ĐÓN NHẬN KHỔ ĐAU
Sống trên cuộc hồng trần này, mầu nhiệm về khổ đau luôn là điều bí nhiệm. Các nhà hiền triết, các bậc thánh nhân, các nhà tiên tri và tri thức thần bí… từ ngàn đời đã trăn trở tìm kiếm để cho đau khổ một ý nghĩa. Sách sáng thế cho thấy đau khổ là hậu quả tất nhiên của tội lỗi, của việc con người không vâng phục những lời dạy bảo của Thiên Chúa, hay nói khác đi đầu mối của nó chính là sự kiêu ngạo, bất tuân đường lối, thánh ý Người.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.
Đối với niềm tin Kitô của chúng ta, đau khổ còn luôn có một giá trị trong việc tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa – thánh ý đã muốn cho con người được hạnh phúc nhờ sống yêu thương như chính Thiên Chúa là tình yêu. “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”” (c. 43b – 44).
Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.
Người ta bỡ ngỡ, kinh ngạc về điều gì? Chúng ta hãy đọc lại những trình thuật bên trên của cùng chương 9: Sau lời tuyên tín của thánh Phê-rô: “Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20b), Đức Kitô “tiên báo cuộc thương khó lần nhất”; Khoảng tám ngày sau, Ngài hiển dung trên núi cao (Ta-bo) (Lc 9, 28 – 36); rồi hôm sau, Chúa Giêsu chữa lành bệnh đứa trẻ bị bệnh kinh phong khiến mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa (Lc 9, 37 – 43) – và chính lúc này đây, Chúa Giêsu “tiên báo cuộc thương khó lần hai” cho các môn đệ, nhưng “các ông vẫn không hiểu.” Tin mừng nói “các ông không hiểu, vì nó còn bị che khuất” (mắt các ông còn bị ngăn cản).
Tại sao mắt các ông lại bị ngăn cản? Thưa, vì những vinh quang đã làm mờ mắt các ông. Dù gì khi theo Chúa Giêsu, các môn đệ hiển nhiên vẫn có những tính toán; như Phê-rô đã có lần thưa với Chúa Giêsu: “Thưa thầy, chúng con đã bỏ tất cả mọi sự mà theo thầy, chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27).
Cũng thế, khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”, trong lòng các môn đệ vẫn mơ đến một Đấng Kitô – Messia của trần thế ‘đầy quyền lực và vinh quang’ sẽ khôi phục và làm cho Israel trở thành tiếng tăm lẫy lừng; và điều hiển nhiên là các ông sẽ có một tương lai huy hoàng với chức tước và bổng lộc vì lý do đó mà “Mắt các ông bị ngăn cản!” Và điều Chúa Giêsu nói: “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời” (c.44b) khiến các ông không thể hiểu được, “không thể lĩnh hội được”.
Không chỉ với các môn đệ, ngày nay đối với chúng ta, đau khổ, thập giá vẫn luôn là điều khó hiểu. Nhất là chúng ta không thể hiểu nổi tại sao người công chính cứ gặp gian nan, khốn khó, thất bại và bị bách hại, còn phường gian ác lại cứ nhởn nhơ sung sướng.
Hơn nữa, trước mặt người đời, Thập giá luôn là điều khờ dại; vì con người sự thường ai mà không thích thảnh thơi, dễ dãi, ai mà không thích được thành đạt, ca ngợi, tôn vinh, ai mà không thích sung sướng, vui vẻ…. Nhưng Chúa Giêsu đã cho thấy một chân lý khác – chân lý của “một hạt lúa mì không thể sinh hoa kết trái nếu không phải chịu mục nát và thối rữa đi” và có “gieo trong lệ sầu mới gặt trong hân hoan vui sướng”.
Chính vì vậy mà khi các môn đệ đang phơi phới hân hoan, và mơ tưởng những ‘vinh quang phù phiếm’ thì Chúa Giêsu tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”; Đồng thời người cho biết ai muốn làm môn đệ bước theo dấu chân Người không thể không ôm ẵm, vác thập giá hằng ngày mà đi theo Người. (Lc 9, 23). Các môn đệ đã không hiểu không dám hỏi và cũng chẳng muốn đối diện với điều xem ra ‘ngược đời’ ấy. Và chỉ Thần khí của Đấng phục sinh – Thánh Thần của Thiên Chúa mới làm cho các môn đệ hiểu để rồi như Chúa Giêsu các ngài đã giơ tay ôm ẵm Thập giá để loan truyền Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nhấn mạnh tính quan trọng của điều Ngài sắp nói bằng cách lưu ý các môn đệ phải “nghe cho kỹ” lời Ngài. Ngài tiên báo cuộc Thương khó sắp đến: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Luca tường thuật rõ: các môn đệ không nhận ra ý nghĩa lời tiên báo vừa rồi của Chúa Giêsu, bởi vì đối với các ông, “lời đó còn bí ẩn”. Họ từng xây dựng một hình ảnh và đặt niềm tin về một Thiên Chúa quyền lực vinh quang, nên đã trở nên xa lạ hay khó chấp nhận một Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết.
Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta. Chỉ có điều chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.
Như các môn đệ sau biến cố ‘vượt qua và Phục sinh’, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí, mở mắt tâm hồn để hiểu được con đường thập giá tình yêu mà Chúa Giêsu đã chọn để làm giá cứu chuộc muôn người.
Và rồi ta cũng xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đủ tình yêu và sức mạnh để đi trọn con đường thử thách gian nan; Bởi vì như thánh Phaolô, người đã coi cuộc đời này là một trận chiến, một thao trường mà chúng ta phải chiến đấu để dành cho được ngành lá thiên tuế – ngành lá chiến thắng; Do đó mà không có sự dễ dãi, thoải mái hay hưởng thụ ích kỷ cho người môn đệ. Nhưng hạnh phúc đích thực chỉ có cho người biết gieo rắc tình yêu thương, Mà đường yêu thương là con đường hy sinh và dâng hiến.
2020
Sống niềm tin vào Chúa
Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lc 9, 18-22
SỐNG NIỀM TIN VÀO CHÚA
Trong Tin Mừng mỗi khi trình bày việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình thì thường là sau đó, Chúa có những quyết định quan trọng cho sứ vụ cứu thế của Ngài. Trước khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ theo Ngài, Ngài cũng lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Tin Mừng hôm nay, cũng trình bày việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình trước khi Ngài đặt câu hỏi cho các môn đệ về căn tính của Ngài : “Đám đông nói Thầy là ai ?” “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
Các môn đệ đã trả lời cho Chúa Giêsu như một thông tin về đám đông đang nghĩ gì về Chúa. Ngài có thể như là : “Ông Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ vĩ đại Êlia, hoặc là một ngôn sứ nào đó đã sống lại.” Những nhân vật ấy đã từng xuất hiện giữa dân và có ảnh hưởng đặt biệt quan trọng trên đám đông dân chúng đang chịu cảnh áp bức của đế quốc.
Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô”. Mỗi người chúng ta cũng cần phải tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và sống như Ngài.
Nhận ra Đức Kitô
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Dư luận dân chúng Do Thái chưa nhận rõ Đức Giêsu là Chúa.
Phêrô đã trả lời đúng, vì Chúa Giêsu quả là Đấng Kitô hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. Đấng ấy được xức dầu để lên làm vua của dân tộc Israel. Nhưng có thể Phêrô ngộ nhận về khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia sẽ giải phóng dân Israel khỏi ách đế quốc Rôma, cũng không phải là người muốn lên làm vua trần thế. Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.
Như thế, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mang khuôn mặt của Người Tôi Trung đau khổ như được trình bày trong sách ngôn sứ Isaia đệ nhị.
Thật đau lòng về con người thời đại ngày nay, con số những người chưa nhận biết Đức Giêsu dường như ngày càng gia tăng.
Thật đau lòng, bởi nhiều người trong chúng ta, dù đã được rửa tội, là con cái Chúa và Hội Thánh, đọc kinh cầu nguyện, đi lễ, nghe Lời Chúa,…thế nhưng, qua cách sống của chúng ta, thì Đức Kitô vẫn chỉ là một khái niệm mông lung và mờ nhạt.
Chúa hỏi lại các môn đệ : “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Hôm nay Chúa cũng hỏi lại chúng ta câu hỏi đó : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Vì thế, việc nhận ra Đức Kitô vẫn còn là một thách đố đối với với con người thời nay, cách riêng từng người tín hữu Kitô.
Tuyên xưng đức tin
Phêrô tuyên xưng đức tin “Thầy là Ðấng Kitô” được như thế là nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần mạc khải cho ông.
Chính nhờ lời tuyên xưng về căn tính của Thầy mình như Phêrô, đủ để làm chứng rằng : những ai đi theo Đức Kitô và làm môn đệ của Ngài, mới có thể xác tín được niềm tin của mình một cách chắc chắn, rõ nét; Bởi, niềm tin đó xuất phát từ nội tâm; bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ và khám phá ra Đức Kitô là Chúa và là Thầy; xuất phát từ lòng yêu mến Chúa cách chân thành, sâu xa và hoàn toàn mang tính thánh thiêng tuyệt vời.
Có niềm tin mạnh, chắc chắn Phêrô và kể cả các môn đệ khác mới sẵn sàng đi theo Đức Giêsu cho đến cùng, noi gương bắt chước đời sống của Thầy, sẵn sàng cùng chết với Thầy và cùng sống lại với Ngài trong vinh quang.
Sống niềm tin vào Đức Giêsu : trở nên giống Ngài
Tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô là điểm quan trọng nhất của tất cả các môn đệ.
Nếu chúng ta tin ai, thì chúng ta phải biết rõ về người đó, đi theo người đó, hết lòng yêu mến người đó. Chúng ta thần tượng người đó, bắt chước từng nét từng nét của thần tượng.
Nếu mỗi người tín hữu Kitô hôm nay khi đã tin vào Đức Kitô, hãy cố gắng bắt chước Ngài nhiều hơn.
Chúng ta biết về Chúa, học hỏi nhiều về Chúa, nhưng chưa đủ. Chúng ta còn cần phải đi theo Ngài, sống như Ngài, say mê Ngài, yêu mến Ngài , gắn bó với Ngài.
Thử hỏi chúng ta đã được giống như Chúa Giêsu nhiều hay ít, giống ở những điểm nào.
Sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Giêsu bổ nhiệm ông làm người lãnh đạo Hội Thánh và là người gìn giữ chìa khóa Nước Trời.
Nhưng chỉ ngay sau đó, ông đã can ngăn Chúa đừng đi Giêrusalem chịu chết. Phêrô đã tuyên xưng đức tin vào Chúa, nhưng ông còn nhiều yếu đuối, nhiều thiếu sót trầm trọng.
Trên hành trình đức tin của chúng ta, còn nhiều chông gai, khiến chúng ta ngã gục, tội lỗi, sa ngã…chính những lúc sa ngã, Chúa vẫn mời gọi chúng ta “Hãy theo Thầy”.
Chúng ta đi theo Chúa không phải bởi sức mạnh của chúng ta, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và hãy sống cuộc sống của một người môn đệ.
Hôm nay Chúa Giêsu, Đấng Mêsia đã sống lại từ cõi chết vẫn đang hỏi mỗi người chúng ta: “Còn con, con bảo Thầy là ai ?” Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào trước câu hỏi của Chúa Giêsu mà Ngài vẫn đang hỏi chúng ta trong từng chặng của cuộc đời ? Tôi phải cần biết Ngài là ai đối với cuộc đời của tôi, bởi lẽ tôi sẽ không đi theo Đấng mà tôi không hề biết.
Dựa vào từng ngày từng ngày sống và từng chặng kinh nghiệm trong cuộc đời, chúng ta có thể khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu khác nhau. Có lúc Ngài là Đấng ban phát ơn lành cho tôi. Có lúc Ngài là bạn đồng hành với tôi khi tôi gặp đau khổ, tuyệt vọng và bị bỏ rơi nhất. Có lúc Ngài là người tôi yêu nhất khi tôi quyết định dấn thân vào đời sống tận hiến để phục vụ Tin Mừng.
2020
Dấu hỏi cho người khác
24/09/2020
Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lc 9, 7-9
DẤU HỎI CHO NGƯỜI KHÁC
Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.
Hôm nay nhân loại vẫn thắc mắc và tìm hiểu về Chúa Giêsu. Người ta vẫn đang cố đi tìm hiểu về một con người Giêsu của lịch sử. Nhiều nhà khảo cổ học, lịch sử học vẫn ra sức nghiên cứu để trả lời cho nhân loại trước những câu hỏi tò mò về con người lịch sử của Chúa. Nhiều nhà văn, đạo diễn đã hư cấu, đưa ra những chi tiết giật gân về cuộc đời Chúa Giêsu nhằm thu hút mọi người mua sản phẩm của họ. Những điều như thế không bao giờ giúp cho nhân loại hiểu về Chúa Giêsu là ai.
Chúng ta chỉ có thể biết về Chúa Giêsu bằng đức tin của mình. Đức tin không phải do nổ lực suy tư của bộ óc nhưng trước hết đó là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Lời của Chúa Giêsu nói với Tôma cũng là lời mang đến niềm an ủi lớn lao cho chúng ta : “Vì con đã thấy Thầy nên con tin, phúc cho những ai không thấy mà tin”. Lời chúc phúc này đòi hỏi người tin cần thay đổi lối nhìn, lối nghĩ, theo kiểu đời thì mới có thể nhận ra Chúa Giêsu là ai và Thiên Chúa ấy có ý nghĩa như thế nào cho cuộc đời của chúng ta. Nếu không thì chúng có thê như Hêrôđê, vẫn gặp thấy Ngài nhưng mãi mãi vẫn không biết Ngài là ai !
Đọc lại khi khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, khởi sự bằng việc Chúa nhận phép rửa Gioan trên sông Giođan. Gioan Tẩy Giả khi thấy Chúa đang tiến về phía mình, Gioan đã giới thiệu với dân chúng biết về Chúa Giêsu: “đây chiên Thiên Chúa đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). Lời giới thiệu của Gioan đã khẳng định sứ vụ và ơn cứu độ của Chúa sắp được tỏ hiện giữa trần gian.
Sau những năm tháng Chúa Giêsu ẩn dật sống dưới mái ấm gia đình Thánh Gia. Người bắt đầu công khai lộ diện công bố Tin Mừng cứu độ giữa dân chúng, danh tiếng Chúa đã vang cùng khắp nơi, vì Người đã đem tin lành đến cho muôn dân, qua những phép lạ Người đã làm cho dân chúng, những lời giáo huấn của Chúa đã cuốn hút khán giả đến lạ thường, dân chúng chỉ còn biết nghe quên cả ăn nghỉ, nhìn thấy đoàn dân đông đảo đi theo Người, khiến Chúa phải chạnh lòng thương họ, chữa lành nhiều bệnh nhân. (Mt 14, 13-21).
Người đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều qua cử chỉ bẻ bánh đầu tiên của Chúa, từ đó mọi người cùng chuyền nhau bẻ bánh và trao cho nhau, cứ thế từ năm chiếc bánh và hai con cá đã được nhận ra hàng ngàn chiếc bánh, hàng nghìn con cá. (Mt 15, 32-39). Bốn sách Tin Mừng còn ghi chép nhiều phép lạ khác Chúa Giêsu đã làm trong dân chúng. Riêng Tin mừng Thánh Gioan viết câu kết: “Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”. (Ga 21 ,25)
Những việc Chúa làm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Hêrôđê cũng biết tất cả những việc Chúa làm, và ông cũng muốn tìm cách để gặp Người. Nhưng điều đáng tiếc Hêrôđê đã không tìm đến để gặp Chúa, vì trong ý nghĩ của Hêrôđê muốn tìm cách gặp Chúa không giống như các trường hợp khác được ghi chép trong các sách Tin Mừng như: niềm tin của người phụ nữ bị bệnh băng huyết lâu năm chen lấn giữa đám đông để mong chỉ đụng được vào gấu áo của Người (Mc 5, 25-34), như anh chàng Bartimê thành Giêricô mù từ thuở mới sinh kêu gào gọi tên Giêsu khi Người đi ngang qua anh ta (Mc 10, 46-52) hay trường hợp ông Gia-kêu nghĩ ra cách trèo lên cây sung để dễ dàng nhìn thấy Chúa (Lc 19, 1-10).
Đặc biệt hơn với lòng tin của viên đại đội trưởng xin Chúa chữa cho đầy tớ đang nằm liệt bệnh ở nhà (Lc 7, 1-10). Tất cả họ đến gặp Chúa trong tâm tình yêu mến phát xuất tự trong đáy lòng họ. Họ đến với Chúa vì họ tin tưởng vào ơn cứu độ Chúa sẽ ban cho họ. Với Hêrôđê ông ta muốn tìm cách gặp Người chỉ vì hiếu kỳ, muốn được nhìn thấy Người làm phép lạ để ông ta xem. Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả vì Gioan đã mạnh dạn lên tiếng về thái độ của Hêrôđê muốn chiếm đoạt vợ của em mình (Lc 3, 19), tuy Hêrôđê nể phục Gioan nhưng ông không biết sửa những điều mình làm sai, qua những lời Gioan đã góp ý với ông, Hêrôđê đã bị nhục dục làm chủ, chỉ vì một lời hứa với con gái người tình, mà ông đã ra lệnh chém đầu Gioan (Mc 6, 17-29).
Đặt trường hợp nếu Hêrôđê có dịp gặp Chúa Giêsu, thì chắc chắn ông sẽ bị Chúa Giêsu phê phán cách kịch liệt hơn. Trong suốt ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Hêrôđê không được hạnh phúc nhìn thấy Chúa, chỉ một lần duy nhất được diện kiến Chúa khi Người bị bắt giải từ dinh tổng trấn Philatô sang cho Hêrôđê. (Lc 23, 8).
Qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu. Ngài có thể làm tất cả vì Ngài Toàn Năng, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ có thể làm những gì mà tình yêu có thể làm, và Ngài không thể làm những gì trái với tình yêu, vì bản chất của Ngài là yêu thương.
Chúng ta được mời gọi trở nên một Đức Kitô khác để người khác nhìn vào chúng ta thấy chúng ta là hiện thân của Chúa. Xin cho chúng ta ngày mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, trở nên hiện thân của Chúa giữa cuộc đời này hơn.
Chúng ta hãy là chứng nhân của niềm vui. Nếu các môn đệ buồn phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vui mừng biết bao khi nghe tin Thầy sống lại. Nếu các môn đệ lo âu vì sợ người ta đã giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò, thì các ông lại trọn niềm hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu chúng ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu chúng ta mang lại nụ cười cho những người bất hạnh, chúng ta đang công bố tin vui Phục sinh.