2020
Rao giảng Tin Mừng
23/09/2020
Thứ Tư Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lc 9, 1-6
RAO GIẢNG TIN MỪNG
Ngoài năng lực và quyền phép mà Chúa Giêsu trao cho, các môn đệ hầu như chẳng có gì gọi là của họ trong hành trang khi lên đường rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Điều này có thể khiến độc giả khó hình dung mức độ thực tế trong yêu cầu của Chúa Giêsu hoặc khó hiểu được để chấp nhận yêu cầu xem ra phi thực tế này.
Tuy vậy, với tâm tình yêu mến và khát khao gặp gỡ Chúa qua Lời Ngài, tôi, bạn và anh chị ta cùng đọc lại và dừng lâu hơn trong từng câu chữ, hy vọng với ơn sáng soi của Thần Khí Chúa, ta nhận ra, hiểu được, đón nhận và sống sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Trước hết, bản văn cho biết Nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu cho tham dự vào sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa của Ngài. Sứ mạng này là hồng ân nhưng không và không thể được thực hiện nếu các ông không có ơn trên, nếu các ông không tuân thủ những quy định và hướng dẫn của Chúa Giêsu. Vì thế, Chúa Giêsu đã trao năng lực và quyền phép của Ngài cho họ; đồng thời đưa ra những chỉ thị cụ thể để họ thực hiện như không mang gì khi đi đường, ở lại nơi được tiếp đón cho đến lúc ra đi, dứt khoát rời khỏi ngay nơi bị chối từ.
Kế đến, ta cùng tìm hiểu ý hướng của Chúa Giêsu trong các việc trên. Sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa hoàn toàn không phải là sáng kiến của con người, nhưng nằm trong kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Vì vậy, uy tín con người hoặc năng lực phàm nhân không thể được tận dụng, mà chắc chắn phải là ân sủng từ trời. Chia sẻ sứ mạng của thầy, Nhóm Mười Hai chỉ có thể thực hiện sứ mạng ấy với năng lực và quyền phép của Thầy.
Trên đường sứ vụ, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ bị phân tâm bởi những hành trang vật chất và tiện nghi, dù chỉ là những thứ thiết yếu như chiếc gậy để tự vệ và vài món đồ để dự trữ, phòng xa. Ngài muốn họ hoàn toàn cậy trông vào tình yêu toàn năng và sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài muốn họ đón nhận sự bấp bênh, sự thiếu an toàn, sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và vào con người.
Hơn thế nữa, trong tương quan với anh chị em, Chúa Giêsu muốn các môn đệ không tìm kiếm tiện nghi hay sự trọng vọng khác biệt. Ngài muốn các ông trở nên mọi sự cho mọi người qua lối sống gần gũi, hòa mình vào cuộc sống của dân để giúp dân dễ đón nhận Tin Mừng.
Không những thế Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ của Ngài bình thản và dứt khoát chấm dứt tương quan khi đối diện với thách đố lớn nhất là sự dửng dưng, vô cảm, chối từ, thậm chí là chống đối nơi những con người đã được nghe loan báo về Nước Thiên Chúa.
Để thực thi sứ mệnh cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã tuyển chọn mười hai môn đệ và sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Như các thể chế ở trần gian khi thành lập, họ cũng sai các đệ tử của họ đi tuyên truyền chủ trương đường lối của họ. Còn Chúa Giêsu khi sai các ông đi, Người đã “ Ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật”.
Đây là điều đặc biệt mà mọi tổ chức người đời không có được.Người cũng dặn các ông hãy ra đi với đời sống đơn sơ thôi, đừng cầu kỳ rườm rà với hành trang mà làm giảm sút công việc chính yếu là rao giảng Nước Thiên Chúa: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bì, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”.
Các ông được sai đi, những người đã được ở với Chúa, được Người dạy bảo, đã mang theo cách ăn nết ở, cả tấm lòng yêu thương của Thầy mình. Lại còn được ban thêm “Năng lực và quyền phép” từ ơn trên. Như vậy là các ông ra đi còn có sức mạnh của Chúa đồng hành trên mọi nẻo đường.
Vì thế từ những con người đơn sơ nghèo nàn chất phác đã trở nên những con người cách mạng vĩ đại của nhân loại. Một cuộc thu phục con người bằng tình yêu. Mười hai con người hôm xưa chính là mười hai trụ cột của ngôi nhà giáo hội Thiên Chúa. Ngày nay nơi ngôi nhà này đã có 4.000 giám mục, 400.000 linh mục và hàng tỷ người tín hữu. Họ cùng một niềm tin, đức cậy đức mến tất cả đều có sức mạnh Chúa Thánh Linh ở cùng. Họ là những cái xà, cái kèo, những viên gạch viên đá làm nên ngôi nhà giáo hội mà như thánh Phaolô mô tả: “Trong Người toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa”.
Đòi hỏi của Chúa Giêsu với Nhóm Mười Hai trông có vẻ ngược đời. Bởi lẽ, dù không phải sống trong cảnh xa hoa, giàu có, nhưng những nhu cầu thiết yếu như: giày dép, lương thực, tiền bạc… xem ra là những phương tiện cần thiết để chu toàn sứ vụ. Thế nhưng, điều Đức Giêsu muốn nơi các tông đồ là sự dấn thân trọn vẹn: hãy bỏ tất cả những quyến luyến, những vướng bận của vật chất để chỉ tập trung cho sứ vụ mà thôi. Vì chỉ khi sống và thực hành được điều đó, Nước Trời mới được loan truyền cách mau lẹ nhất.
Hơn nữa, không vướng bận đến của cải vật chất cũng có nghĩa là để cho Chúa làm chủ cuộc đời và sứ vụ của mình. Nước Trời được loan báo, người bệnh được chữa lành (Lc 9,2) thì không phải do công lao hay những phương tiện vật chất mang lại nhưng tất cả là do quyền năng của Chúa. Người môn đệ chỉ là công cụ trong việc thực thi Lời Ngài mà thôi.
Do vậy, sống tinh thần nghèo khó, sống khiêm tốn và phó thác mọi sự trong tay Chúa là điều mà người môn đệ Đức Kitô cần học và hành trong suốt cuộc đời của mình. Sống nghèo trong Đức Kitô để thế giới được giàu, vì lúc đó ta biết lấy cái giàu của Thiên Chúa để phân phát cho tha nhân.
2020
Tìm và giữ thánh ý Chúa
22/09/2020
Thứ Ba Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lc 8, 19-21
TÌM VÀ GIỮ THÁNH Ý CHÚA
Trang Tin mừng hôm nay kể lại một câu chuyện gây sốc. Một câu chuyện mà nếu chỉ nhìn hời hợt bên ngoài thì độc giả sẽ thấy buồn: Tại sao Đức Giê-su lại có những lời lẽ lạnh lùng như thế với Mẹ và anh em đang kiếm tìm Người. Người dường như chẳng quan tâm tới họ đang khi họ quan tâm đến Người. Mẹ Maria chắc chắn đã phải trải qua hành trình vất vả để đến với Người. Nhưng đáp lại sự thông báo về sự hiện diện của Mẹ, Đức Giê-su lại phán một câu mà tin mừng Mat-thêu ghi lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mt 12, 48) và ở Luca: “Mẹ và anh em tôi là những người nghe và thực hành lời Thiên Chúa” (Lc 8,21). Hành động như thế của Ngài thật quá đáng. Có phải Ngài quá thiêng liêng và chối bỏ những tương quan mang tính huyết nhục thế trần?
Tuy nhiên, khi nhìn xuyên suốt tin mừng thì lòng tôi lại thấy khấp khởi mừng. Câu chuyện mang vẻ bề ngoài gây sốc kia lại có một ý nghĩa sâu xa, đem lại cho tôi một niềm vui và hy vọng. Vì hơn ai hết, Chúa Giêsu biết rõ Mẹ của Người, một con người luôn lấy thánh ý Thiên Chúa làm kim chỉ nam hướng dẫn đời mình; Do đó, trong tình huống này, Ngài không hề có ý lạnh nhạt hay chê bỏ Mẹ hay anh em Ngài; nhưng trong khuôn mẫu đó, Chúa Giêsu đã mở rộng gia đình của Người; từ nay, tất cả mọi người biết nghe và thực hành Lời Thiên Chúa đều là anh em Người và mẹ của Người – Như Đức Maria hằng lắng nghe lời Thiên Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng, sẵn sàng vâng theo thánh ý của Người như một nữ tì trung tín (Lc 1, 38; 3,51)
“Mẹ và anh em tôi là những người nghe và thực hành lời Thiên Chúa”.
Lắng nghe! Là thái độ biểu lộ mối quan tâm, sẵn sàng mở lòng ra để hiểu, để đón nhận, để cảm thông, để chia sẻ và để đáp ứng…Vì thế, lắng nghe là thái độ của tình yêu. Sách xuất hành nói đến việc Thiên Chúa nghe thấy tiếng rên siết, kêu than của con cái Hipri dưới ách nô lệ người Ai cập. Người đã nghe, đã xót thương và đã sai tôi tớ Người là ông Mô-sê giải thoát họ (Xh 2,2 tt). Người đã ký kết giao ước với họ tại Si-nai, trong đó Người hứa sẽ bảo vệ và chúc phúc cho dân và dân hứa sẽ nghe và thực hành lời Người (Đnl 4,13; 7,27 tt).
Việc nghe và thực hiện lời Người sẽ bảo đảm sự an ninh, thịnh vượng và hạnh phúc của họ. Như thế sự lắng nghe và thực hiện lời Thiên Chúa như một đáp trả tình yêu cho tình yêu; như là phương thế tuyệt diệu để con người hoàn trọn mục đích đời mình.
Chúa Giêsu đưa ra một điều lệ quan trọng để cho đám đông và tất cả những ai muốn đi vào trong tương quan mật thiết với Chúa như Mẹ và anh em, Chúa nói : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” Như vậy, chỉ có một điều kiện duy nhất để nối kết tương quan thiết thân với Chúa Giêsu và với nhau như gia đình, đó là “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” mà thôi.
Cũng trong bối cảnh ấy, câu nói của Chúa Giêsu : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” gián tiếp ca ngợi mẹ và anh em của Ngài trước mặt toàn thể đám đông dân chúng ; đồng thời cũng gián tiếp tôn vinh những ai thi hành Thánh Ý Chúa Cha sẽ được gọi là Mẹ và anh em của Chúa, được đi vào trong tương quan thân mật với Chúa.
Ngày mỗi ngày ta thấy tìm kiếm Thánh Ý Chúa quả là một tiến trình đòi nhiều hy sinh, nhưng việc nghe và thực hành Lời Chúa còn đòi nhiều hy sinh gấp bội. Trong cuộc đời, nhiều lúc chúng ta cũng cảm nhận như Thánh Phaolô, “điều tôi muốn tôi lại không làm, điều tôi không muốn tôi lại làm”. Hành trình từ cái đầu đến quả tim và đôi bàn tay là một hành trình dài, và thật khó khăn. Nhiều lúc chúng ta nghe được tiếng Chúa, nhưng từ bỏ ý mình làm theo Ý Chúa nhiều lúc thật khó khăn. Tuy nhiên, phần thưởng dành cho người thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa là được trở nên nghĩa thiểt với Ngài.
Chúa Giêsu đánh động tâm lòng của những người đang ngồi nghe lời giảng dạy của Chúa rằng: Chớ có nghe suông lời của Ngài đã nói; nhưng hãy đem ra thực hành thì cũng sẽ trở nên mẹ và anh em của Người. Thiên Chúa nối kết Đức Giê-su và cả nhân loại thành một gia đình. Trong gia đình đó đã dành riêng chỗ quan trọng cho Đức Maria, vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe, suy niệm trong lòng và thi hành lời Thiên Chúa hết sức của Mẹ.
Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền”. Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.
Hình ảnh Mẹ Maria, một mẫu gương thi hành Thánh Ý Thiên Chúa đáng để cho chúng ta học theo : Mẹ lắng nghe tiếng Chúa qua Kinh Thánh, qua các biến cố ; Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng Lời của Chúa, chiêm ngắm và tìm ý Chúa ; và trong cuộc đời Mẹ có cả những lúc Mẹ thắc mắc với Chúa vì chưa hiểu ý Ngài, Mẹ đối thoại lại với Chúa. Cuối cùng, trong tất cả mọi sự Mẹ chọn tiếng thưa “xin vâng”, xin vâng bằng lời nói, xin vâng bằng hành động và xin vâng bằng cả đời sống.
2020
Lòng nhân đã biến đổi phận người
Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên
THÁNH MÁTTHÊU, TÔNG ĐỒ TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
Mt 9, 9-13
LÒNG NHÂN ĐÃ BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI
Lý do chính yếu mà Chúa Giêsu đến trần gian: “Tôi đến… để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Qua lối hành xử này, ta nhận ra tấm lòng bao dung của Đấng Cứu Thế. Ngài lúc nào cũng sẵn lòng đón tiếp, tha thứ, thu nhận người tội lỗi hoán cải. Ngài không loại bỏ một ai, vì tất cả mọi người đều là đối tượng của lòng Chúa thương xót.
Cũng vậy, công tác tông đồ hàng đầu của mọi Ki-tô hữu phải là thăm viếng, tạo tình thân, cảm hóa người tội lỗi, đưa họ trở về với đường lành. Đó chính là “đi ra vùng ngoại biên” như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cổ võ.
Tiếng gọi: “Anh hãy theo tôi!” của Đức Giêsu đã khiến cho Mátthêu, người thu thuế, người bị xã hội coi thường, trở nên người bạn, người môn đệ của Ngài. Tiếng gọi ấy chắc hẳn phải trìu mến và tha thiết lắm thì người thu thuế kia mới bỏ lại mọi sự, đứng dậy mà đến với Chúa Giêsu.
Matthêu thấy khi theo Chúa Giêsu, Matthêu có được lợi lộc gì đâu. Anh phải bỏ những thực tế rất hữu ích trước mắt, những an toàn và bảo đảm… Đi theo Chúa Giêsu là con bác thợ mộc, không nghề nghiệp, không thu nhập, rày đây mai đó. Đi theo Chúa Giêsu một vị thầy chỉ có tình yêu, không cơ quan, không bằng cấp, không có gì an toàn về thực tế, không có bản hợp đồng nào bảo lãnh, chẳng có bảo hiểm cũng chẳng có tài khoản.
Đi theo Chúa Giêsu Ngài ăn chung với phường tội lỗi và thu thuế làm giảm cả danh dự. Vậy mà Matthêu đã dứt khoát theo Ngài. Matthêu không luyến tiếc, chẳng nghi ngờ, cũng chẳng thắc mắc. Anh biết Chúa Giêsu đang làm cuộc cá độ với anh cuộc cá độ một mất một còn. Anh cũng biết anh đang làm cuộc cá độ với chính bản thân mình, bỏ đi tất cả để chọn một lẽ sống chọn một con người.
Thánh Matthêu không hề thuật lại mình đã có cử chỉ và lời nói nào để thu hút Chúa Giêsu. Thánh nhân chỉ viết : “Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo : Anh hãy theo tôi !” Có lẽ Chúa Giêsu biết rõ một người thu thuế thì cuộc sống thế nào. Công việc của anh ta đem lại lợi nhuận gì, nó có ảnh hưởng gì đến tâm linh của anh. Hẳn rằng Chúa cũng biết thêm về gia cảnh của Matthêu, vì sau khi gọi anh, Ngài đã đến nhà anh để dùng bữa. Tin Mừng còn nói thêm, Chúa Giêsu biết rõ Matthêu là người tội lỗi cần được thanh tẩy và tha thứ, nên Ngài đã nói : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.
Việc Chúa Giêsu gọi anh Matthêu đi theo Ngài quả thật là “mạo hiểm”. Chúa Giêsu đi ngang qua bàn thu thuế, và Chúa Giêsu chỉ nói một câu ngắn gọn. Một câu ngắn gọn đầy thách thức. Khi làm cuộc cá độ phiêu lưu hôm nay với Matthêu. Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta : – Ngài không chỉ biết rõ một người đang như thế nào, mà Ngài còn thấy được họ sẽ trở nên như thế nào. Ngài dám tin vào khả năng thay đổi bản chất, khả năng làm mới lại cuộc đời của con người tội lỗi. Ngài mạo hiểm tin rằng “ngựa này không bao giờ quen đường cũ” mà thẳng tiến trong ơn gọi theo Ngài.
Ta thấy Chúa đã dành cho Lê-vi, một người thu thuế, một hạng người được coi là làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Đế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Ngài đã trò chuyện cùng ông. Ngài đã lưu lại dùng bữa tại nhà ông. Và Ngài còn tuyển chọn ông trở thành môn đệ của Ngài. Qua đây Chúa cũng dạy những người hiện diện hôm đó khi Chúa nói với họ:” Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi “( Mt 9,13) . Tình thương đó không chỉ an ủi Lê-vi mà còn làm cho Lê-vi trở thành một tông đồ nhiệt thành. Tình thương đó đã đánh đổi mọi danh vọng hão huyền mà bao lâu nay Lê-vi theo đuổi. Lê-vi từ hôm nay chỉ muốn dành trọn cuộc đời cho Chúa và tha nhân.
Mỗi người chúng ta cũng đều là những tội nhân trước mặt Chúa. Những tội nhân được Chúa yêu thương, được tha thứ, được tuyển chọn làm môn đệ Chúa. Lẽ ra, chúng ta cũng phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy để biết sống đền đáp ân tình Chúa bằng việc cảm thông với người tội lỗi, bằng việc loan báo tình thương Chúa cho tha nhân. Thế nhưng, chúng ta đã quên mình là con nợ của Thiên Chúa. Chúng ta thường đối xử quá khắc khe với anh em. Chúng ta thường thiếu khoan hồng với anh em.
Cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta cũng thốt lên không biết bao nhiêu lời. Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên với sự trìu mến? Có bao nhiêu lời mang lại lợi ích cho người khác? Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên giúp chúng ta xây dựng tình bạn chân thành? Có bao nhiêu lần chúng ta dành ra ít phút để nói chuyện với những người nghèo, những người yếu đuối, những người cô đơn, những người ngồi ở ven đường?
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu hành động như Thầy mình: quan tâm đến những người mà cách này hay cách khác họ không hay ít được người khác quan tâm. Cùng nhau giành sự quan tâm đến những người xung quanh để mỗi ngày chúng ta trở nên gần với Thầy Giêsu hơn và có nhiều bạn bè chân thành hơn. Với những cử chỉ nhỏ bé của lòng trìu mến, chúng ta sẽ tăng tình hiệp thông và bớt đi sự cô độc trong thế giới này.
Đức Ki-tô không phải vị thần kiêu sa ngồi trên toà cao để cứu độ nhân loại. Trái lại Ngài đến trần gian chung thân phận người với chúng ta là những tội nhân để đưa chúng ta trở về với Ngài. Thiện chí mà thôi là chưa đủ, phải có hành động cụ thể và thiết thực: gặp gỡ, thăm viếng, tiếp xúc với tội nhân, vì “một mặt hơn mười gói,” chỉ qua việc thăm viếng, ta mới có thể đồng cảm và xin Chúa ban cho họ ơn hoán cải.
Khi nhìn lại bản thân, ta thấy có thể đi theo Chúa chúng ta sẽ nghèo hơn về vật chất, có thể chúng ta cũng sẽ phải bỏ những tham vọng trần gian.
Quả thật là quá mạo hiểm đối với con người ngày hôm nay. Chọn tình yêu, chọn phục vụ, chọn Chúa Giêsu là đi vào cuộc mạo hiểm : không an toàn về “cái ghế”, không ổn định về “cái túi”, không rầm rộ và đầy ắp ở những “cái bắt tay”… Chọn Chúa Giêsu là đi vào con đường thập giá. Nhưng chắc chắn như Matthêu hôm nay, chúng ta sẽ tìm được bình an, vui mừng cùng với những thao thức mới về cuộc đời mà trước kia chúng ta chưa từng biết. Trong Chúa Giêsu, chúng ta tìm được sự giàu có hơn hẳn mọi điều mình phải bỏ vì Ngài.
2020
Cẩn thận coi chừng như nước đổ lá khoai
Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên
Lc 8, 4-15
CẨN THẬN COI CHỪNG GIỐNG NHƯ NƯỚC ĐỔ LÁ KHOAI
Trong quan niệm về nghề nông, ông bà ta đã đưa ra một chỉ dẫn “nhất nước nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đức Giêsu đề cập đến một vấn sâu sa hơn, nó không chỉ là nước, là phân, là giống, nhưng quan trọng hơn cả là đất đai. Không có đất, hoặc đất đai cằn cỗi sỏi đá, thì cho dù có lắm nước, nhiều phân, giống tốt, cũng khó lòng mà thu hoạch được vụ mùa bội thu.
Giống tốt, đất khô cằn sỏi đá, cũng sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Hạt giống rơi trên vệ đường, tựa như những người nghe Lời Chúa lọt vào tai này ra tai kia. Hạt rơi trên sỏi đá, những người nghe lời Chúa cách hời hợt, mau mắn đón nhận, những cũng nhất thời bỏ mất tất cả. Hạt rơi vào bụi gai, nhìn bề ngoài họ rất đạo đức, làm nhiều việc thiện, nhưng cũng dễ dàng chạy theo dục vọng, tiền bạc lợi lộc. Cuối cùng, hạt rơi vào đất tốt, là những người chăm chú đón nhận Lời Chúa, ghi nhớ, suy niệm và thực hành, dễ dàng tuân phục với tất cả lòng hăng hái quảng đại.
Hôm nay Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người gieo giống và mặc khải cho biết: người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì khác nhau, vì thế, có hạt bị quên lãng, bỏ ngoài tai hay vô tâm, chỉ ¼ là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ một ¼ số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.
Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời Chúa.
Những thứ đó là: lối sống sa đọa, nhu nhược, vô luân, không có tự trọng… tham nhũng, bóc lột, lừa gạt, dẫn đến tình trạng: “Ai làm sao, tôi làm vậy. Ai làm bậy, tôi cũng làm theo”, nên Lời Chúa không sinh ích cho người đón nhận.
Thực vậy, biết bao con người hôm nay cứ trố mắt và lao mình vào những con đường tội lỗi mà không hề có chút ưu tư. Họ sống như không có gì xảy ra vậy.
Nơi giới trẻ ngày nay, tình trạng thượng tôn tình dục, văn hóa đồi trụy đang là mốt rất “hót”, dẫu vẫn biết rằng văn hóa phẩm đồi trụy là nguyên nhân nguy hiểm, tác hại khôn lường đến đời sống đạo đức gia đình, xã hội và làm băng hoại Lương Tâm, dẫn đến tình trạng mù quáng và đi vào con đường chết! Nhưng vì đồng tiền và bản năng “hạ đẳng” của con người, họ vẫn ngang nhiên cung cấp và thỏa sức sử dụng… như loài không có lương tri, không có linh hồn…!
Khi trình bày dụ ngôn, Chúa nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống, dù có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Thiên Chúa là người gieo hạt giống đã làm tất cả để hạt Lời Ngài giảng dạy nảy sinh mầm.
Khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến sự cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái, nhưng còn phụ thuộc vào mảnh đất có được canh tác tốt. Mảnh đất phải được dọn cỏ, phải được nhặt những viên đá để hạt giống Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống.
Dẫu biết rằng tâm hồn mình còn nhiều sỏi đá, cỏ lùng, đừng thất vọng mà để hoang tàn, nhưng xin vẫn cứ chăm chỉ: Chăm chỉ nhặt sỏi, chăm chỉ nhổ cỏ, vun trồng chuẩn bị tốt cho mảnh đất của đời mình để sẵn sàng đón nhận hạt giống được gieo trong mùa màng hồng ân. Khi mùa gặt tới, mong rằng, mảnh đất đời tôi, đời bạn nuôi dưỡng giống, ít nhất cho những hạt sinh được ba mươi…
Quả thật, những người đó, và đôi khi có cả chúng ta, là những người có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy. Lời Chúa đến với họ chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu” hay như “nước đổ đầu vịt, lá khoai”.
Hình ảnh người gieo giống nhắc nhở cho chúng ta những người có nhiệm vụ rao giảng về Màu Nhiệm Nước Trời rằng : trước thực tại cao siêu về Nước Trời, không phải tất cả các nỗ lực tông đồ của chúng ta đều được phát triển và đem lại kết quả mỹ mãn ; không phải mọi điều tốt đẹp chúng ta làm đều được đánh giá cao và được đền đáp như lòng mong muốn ; không phải mọi ý định tốt đẹp của chúng ta đều được thừa nhận.
Cũng như người gieo giống chấp nhận mọi rủi ro, chấp nhận mọi thất bại sau khi đã nỗ lực. Người tông đồ khi rao giảng về Màu Nhiệm Nước Trời cũng phải chấp nhận những bấp bênh và những thất bại đến ngoài dự tính.
Kiên tâm, tín thác và cậy trông vào Chúa. Không bao giờ được thất vọng hay bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Không bao giờ nhìn người khác, nhìn chính mình và nhìn các sự kiện cách bế tắc. Hạt giống Lời Chúa có khi chẳng thu lại kết quả bao nhiêu, nhưng người gieo giống vẫn tràn đầy niềm hy vọng vào một ngày mai. Hạt giống Lời Chúa hôm nay có khi đang còn ẩn mình, chịu sự mục nát hư hoại nhưng ngày mai sẽ mang về một mùa lúa bội thu. Tin tưởng và hy vọng vào điều ấy, người gieo giống mạnh mẽ cất bước lên đường theo gót chân của vị Thầy Giêsu.