Đừng lăng xăng quá !
06/10/2020
Thứ Ba Tuần XXVII Mùa Thường Niên
Lc 10, 38-42
ĐỪNG LĂNG XĂNG QUÁ
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động dồn dập và dồn dập, lắm lúc tưởng chừng như muốn ngộp thở. Những khác biệt về công việc, thu nhập, vị trí, trách nhiệm, những thay đổi…làm cho mỗi người dễ rơi vào tình trạng so sánh, cảm thấy không hài lòng, bất an…Điều đó làm cho cuộc sống con người trở nên mất cân bằng, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng mà ngày nay hôm bao giờ hết người ta hay nói nhiều đến từ stress.
Trang Tin Mừng hôm nay kể về câu chuyện của hai chị em Mácta và Maria trong tương quan với Chúa Giêsu, thiết tưởng nên suy nghĩ một chút về sự dung hòa giữa những xao động cuộc sống và sự “ngồi bên chân Chúa” của người môn đệ Chúa Giêsu. Làm sao dung hòa giữa việc cầu nguyện và đời sống hoạt động tông đồ, nhất là bối cảnh xã hội hiện đại với những thách thức đố và cám dỗ của một cuộc sống luôn biến động thật đa dạng và thật hấp dẫn? Cầu nguyện và hoạt động như 2 trục chính của bánh xe, làm sao dung hòa “bánh xe” vận hành của đời người một cách hiệu quả? Vòng bánh xe này không khéo sẽ bị phình – xẹp không thể vận hành tốt trong hành trình đức tin của người Kitô hữu.
Việc lắng nghe lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bởi lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật: lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Mối phúc thật này đã được Chúa Giêsu tuyên bố khi Ngài trả lời với người nữ từ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng mẹ, cũng như trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có mẹ và anh em Chúa đang chờ, thì lúc đó Chúa Giêsu trả lời: “Nhưng phúc thật cho những ai lắng nghe lời Chúa và tuân giữ lời ấy; những kẻ đó mới là mẹ Ta và anh em Ta”.
Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô thuộc mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau, để tiếp nhận nước Chúa được hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô. Không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm không mà thôi; cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích hòa hợp với nhau của cùng một trách vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng của việc theo Chúa.
Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo mỗi hoàn cảnh cụ thể, mà người đồ đệ của Chúa thực hiện việc hòa hợp cụ thể này giữa cầu nguyện và hoạt động. Thật là sai lầm to nếu ta muốn canh tân xã hội mà không cần cầu nguyện, nghĩa là không cần lắng nghe lời Chúa, không đối thoại với Ngài. Ðể hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả, người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này, chiêm niệm là phần tốt hơn mà Maria đã chọn, nhưng không phải là phần tách rời ra khỏi việc làm, không ăn thua gì đến việc làm. Ðức tin chúng ta phải là đức tin có sức tác động qua đức bác ái, đàng khác cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người. Nhưng ngược lại, cầu nguyện làm cho người đó được thêm sức mạnh để hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.
Kinh nghiệm về đời sống sinh lý của từng cá thể, từng hơi thở: “hít vào –thở ra” của nội tại, cần thiết lắm phải có một sự quân bình nhất định để ít ra là kềm giữ một trạng thái bình yên cho tâm thức, và như thế mới giữ thân xác khỏe mạnh.
Kinh nghiệm sống đạo cũng thế, chỉ có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình một khi họ biết bám rể sâu trong đời sống cầu nguyện, vì những ai ở trong Giêsu và Giêsu ở trong họ, họ có thể toát lên một sức thuyết phục kỳ lạ “hữu xạ tự nhiên hương”. Một khi nền tảng chiều sâu nội tâm hời hợt, thật khó có thể yêu thương và sống hòa hợp với tha nhân một cách chân thành.Vì thế, rất cần thiết cho người tông đồ thường xuyên nhìn lại những hoạt động phục vụ tông đồ: phục vụ vì mục đích gì? Kinh doanh? đánh bóng tên tuổi? vì chính đối tượng phục vụ hay bản thân v. v…?
Hẳn ta còn nhớ trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:
“Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay”.
Những lời của Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.
Trở lại một chút với trang Tin Mừng, ta thấy động thái “ngồi” trong Kinh Thánh rất giàu ý nghĩa: ngồi là thái độ của bậc tiến sĩ và thầy dạy; ngồi cũng là thái độ của người lắng nghe; đó cũng là thái độ của con người chiêm niệm và cầu nguyện; ngồi còn là tư thế hồi tâm, phản tỉnh chính mình và chiêm ngắm Chúa. Trong khung cảnh tiếp đón Chúa của hai chị em Mácta và Maria thì tư thế ngồi bên chân Chúa của Maria là để được ở với Chúa, được cận kề bên Chúa, được tiếp chuyện với Chúa, được nghe Chúa nói, mong muốn nhận được lời giáo huấn của Người. Đó là phần tốt nhất mà suy cho cùng đối với con cái của Thiên Chúa thì không có gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng được ở với Chúa và nên một với Người.
Cô Mácta đã có thái độ không bằng lòng khi cô Maria chỉ biết ngồi bên chân Chúa mà không màng chi đến những việc làm tất bật của mình. Cô Mácta xem ra quá băn khoăn và lo lắng những chuyện không phải là phần tốt nhất. Có lẽ điều đó cũng phần nào phản ánh thái độ sống của mỗi người chúng ta. Điều cần thiết và cái phần tốt nhất thì ta lại không chọn lựa, nhưng lại tiêu tốn thời gian và loay hoay vào những thứ phù phiếm vô bổ, không đem lại lợi ích thiêng liêng cho bản thân và tha nhân.