2020
Phỏng vấn Bộ trưởng bộ Kinh tế về bảng cân đối tài chính 2019 của Giáo Triều
Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế, người trình bày số liệu năm 2019: “Kinh tế của Tòa thánh phải như một ngôi nhà kính trong suốt; các tín hữu có quyền biết cách chúng ta sử dụng các nguồn lực tài chính như thế nào.”
“Các tín hữu có quyền biết cách chúng tôi sử dụng nguồn lực tài chánh”. Cha Juan Antonio Guerrero Alves, Bộ Trưởng Bộ Kinh tế (SPE), giải thích trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican về tình hình cân đối tài chánh của Giáo triều Rôma trong ngân sách năm 2019.
Thưa cha Guerrero, cha vừa trình bày bảng cân đối tài chánh của Giáo triều cho Hội đồng Kinh tế. Nhiều người đang yêu cầu Vatican phải hướng đến sự hoạt động minh bạch, phải giải thích cho các tín hữu lẫn người ngoài về tình trạng tài chính của Toà Thánh. Thông qua cuộc phỏng vấn này, cha có thể nói gì đến những người đưa ra yêu cầu này?
Những người yêu cầu sự minh bạch rất có lý. Kinh tế của Tòa thánh phải là một ngôi nhà bằng kính. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng yêu cầu ở chúng ta. Đây là cam kết của Bộ Kinh Tế (SPE) và của riêng tôi; và đây là những gì tôi thấy ở các cơ quan khác của Giáo triều. Đây là lý do cho cuộc cải cách, vốn đã được khởi xướng. Cũng vì điều này mà một số quy tắc đã được thay đổi. Và nó cũng là lý do tại sao chúng tôi đưa ra bộ Luật Cung Ứng. Chúng ta phải tiến lên theo con đường này. Các tín hữu có quyền biết cách chúng tôi sử dụng các nguồn lực tài chính ở Tòa thánh. Chúng tôi không phải là chủ sở hữu; chúng tôi là người giám sát tài sản được trao phó. Vì lý do này, khi trình bày bảng cân đối tài chánh năm 2019, chúng tôi muốn giải thích cho các tín hữu, theo cách dễ hiểu nhất có thể, về các nguồn lực tài chính của Giáo triều Roma, về nguồn gốc của chúng, và về cách thức chúng được sử dụng.
Có lẽ chúng ta nên lùi lại một chút. Trước tiên, xin cha giải thích những gì chúng ta đang đề cập. Đôi khi có sự nhầm lẫn giữa Giáo triều Rôma và toàn thể Giáo hội; đôi khi lại có nhầm lẫn giữa Giáo triều và Vatican. Giáo triều là gì?
Đúng thế. Vì vậy: trước hết, những gì chúng tôi đang trình bày không phải là ngân sách của Giáo hội. Chúng ta có các Hội đồng Giám mục, giáo phận, giáo xứ, tu hội, dòng tu, và vô số công trình của Giáo hội trải rộng khắp nơi trên thế giới, nhưng không nằm trong ngân sách của Tòa thánh. Và ngay cả những tài khoản mà chúng tôi đang trình bày cũng không phải là toàn bộ tài chính của Vatican, vốn còn bao gồm, ví dụ, ngân sách của Thành phố Vatican, tức là của Phủ Thống Đốc, của Viện Giáo vụ, hay còn gọi là Ngân hàng Vatican, của quỹ ‘Đồng Tiền Thánh Phê-rô’, và của rất nhiều Quỹ hợp tác với các thánh bộ. Tất cả các tổ chức này trình bày kết quả của họ và báo cáo cho các cơ quan tương ứng. Những gì chúng tôi trình bày với Hội đồng Kinh tế là ngân quỹ của Giáo triều Rôma, tức là của Tòa Thánh theo nghĩa chặt, gồm sáu mươi thực thể phục vụ Đức Giáo hoàng trong sứ mệnh hướng dẫn Giáo hội, phục vụ sự hiệp nhất trong bác ái, bao hàm truyền giáo, truyền thông, thúc đẩy phát triển con người toàn diện, giáo dục, trợ giúp cho các Giáo hội gặp khó khăn, đào tạo hàng giáo phẩm, v.v.
Tại sao cha định nghĩa ngân quỹ của Toà Thánh là ‘ngân quỹ sứ mạng’?
Bởi vì tôi liên kết tiền bạc với sứ mạng. Chúng để làm gì? Vì lý do này, trong phần trình bày bảng cân đối tài chánh, chúng tôi cố gắng giải thích các nguồn lực tài chính được sử dụng như thế nào, cho mục đích gì, cho sứ mạng gì. Nói cách khác, chúng tôi muốn bản thân bảng cân đối ngân sách cho thấy cách Tòa thánh sử dụng các nguồn lực của mình để thực hiện sứ mạng của Toà Thánh và của Đức Thánh Cha. Tiếp đến, còn một khía cạnh khác. Tòa thánh không hoạt động như một công ty hay một nhà nước. Toà Thánh không tìm kiếm lợi nhuận hoặc thặng dư. Do đó, việc Toà Thánh bị thâm hụt ngân sách là điều bình thường. Trên thực tế, hầu hết tất cả các phòng ban đều là “trung tâm phí tổn”: chúng thực hiện một loại hình dịch vụ không nhắm để rao bán, cũng không nhắm tìm tài trợ. Tránh thâm hụt ngân sách không phải là mục tiêu của Tòa thánh. Tinh thần của Toà Thánh hướng đến điều khác. Chúng tôi nghĩ rằng mục tiêu đó nằm ở chỗ các chi phí phải tương ứng với những gì cần có để phục vụ sứ mạng được giao phó cho chúng tôi. Theo nghĩa này, chúng tôi mong muốn rằng chúng tôi có thể có rất nhiều [nguồn lực tài chính] nếu điều đó giúp ích cho thứ dịch vụ mà chúng tôi phải cung cấp. Nói cách khác, chúng tôi phải phân biệt đâu là nhu cầu chính đáng phải sử dụng nguồn lực tài chính và đâu là các nguồn lực đang sẵn có: chúng tôi phải có sự thận trọng về kinh tế. Nhưng cũng không phải là chúng tôi chỉ khởi sự suy nghĩ và hành động dựa vào mức độ của các nguồn lực tài chính. Đôi khi chúng ta phải cho đi nhiều hơn những gì chúng ta có để hoàn thành sứ mạng của mình: chúng ta phải có sự táo bạo truyền giáo. Điều chúng ta cần lo lắng là liệu vấn đề thâm hụt tài chính có kéo rê mãi hay về lâu về dài sẽ được tài trợ. Có rất nhiều nhu cầu trên thế giới. Chúng ta phải tin tưởng vào Đấng Quan Phòng, vốn hoạt động qua những tấm lòng quảng đại của các tín hữu.
Vậy, cách cụ thể, sứ mạng của Toà Thánh là sứ mạng nào?
Sứ mạng của Tòa thánh, của Giáo triều Rôma, không phải chỉ là một tổ chức từ thiện của Giáo hoàng, nếu hiểu nó như một loại tổ chức phi chính phủ nhận các khoản quyên góp và phân phối chúng đến những nơi cần thiết. Giáo hội làm rất nhiều, rất nhiều để giúp đỡ những người khó khăn. Hầu hết loại viện trợ này được thực hiện tại địa phương, trong các giáo xứ và giáo phận. Và Giáo triều cũng làm rất nhiều. Sứ mạng chính của Tòa Thánh là giúp đưa sứ điệp Tin Mừng đến tận cùng thế giới, thông truyền sứ điệp đó, đưa vào những nơi tối tăm, với việc trợ giúp những người khó khăn, hoạt động vì thiện ích của nhân loại, hỗ trợ các Giáo hội địa phương gặp thiếu thốn, truyền đạt huấn quyền của Giáo hoàng, tìm kiếm sự hiệp nhất trong giáo lý và phụng vụ, xử lý các xung đột trong Giáo hội, cổ võ suy tư về một số vấn đề, thiết lập đối thoại ở cấp cao, đưa ra các chỉ dẫn cho các Giáo hội địa phương, v.v. Qua tất cả những hình thức đó, “tổ chức bác ái của Đức Giáo hoàng” diễn tả tình yêu của Đức Thánh Cha đối với Giáo hội và của Giáo hội đối với thế giới.
Các số liệu cho báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 là gì?
Như tôi đã nói trước đây, dù nhìn từ khía cạnh nào, thì Tòa Thánh không phải là một thực thể kinh tế lớn. Chúng tôi có doanh thu 307 triệu euro, chúng tôi đã chi 318 triệu euro. Thâm hụt của chúng tôi là 11 triệu. Chúng tôi có tài sản kế thừa với giá trị ròng vào khoảng 1.402 triệu euro. Có nhiều trường trung học ở Hoa Kỳ có số tài sản cao hơn cả Giáo triều La Mã như được chỉ ra trong báo cáo này.
Và ngân sách của cả Vatican thì sao?
Như tôi đã nói lúc đầu, Giáo triều không phải là toàn bộ Vatican. Nếu gộp cả ngân sách của Phủ Thống Đốc, Viện Giáo vụ, Quỹ ‘Đồng Tiền Thánh Phê-rô’, Quỹ Hưu trí và các Tổ chức giúp việc truyền giáo của Tòa thánh, chúng tôi có được giá trị ròng khoảng 4.000 triệu euro. Nếu chúng tôi hợp nhất mọi thứ, sẽ không có thâm hụt năm 2019, cũng như năm 2016, năm cuối cùng mà tất cả các khoản này được hợp nhất. Tuy nhiên, khi đề cập điều này, tôi không có ý nói rằng chúng tôi không gặp khó khăn và cũng không có ý rằng chúng tôi không bị ảnh hưởng lớn hơn trong cuộc khủng hoảng coronavirus này.
Chúng ta hãy trở lại với phạm vi Giáo Triều. Các nguồn thu của nó là gì?
Vào năm 2019, 54% thu nhập, tương đương 164 triệu euro, được tạo ra bởi tài sản kế thừa. Hoạt động thương mại (hoạt động thăm viếng các hầm mộ [không như trường hợp các viện bảo tàng] là một phần của Tòa thánh, các tác phẩm được bán bởi Bộ Truyền thông, nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana, v.v.) và hoạt động dịch vụ (lệ phí một số loại chứng chỉ, học phí của các tổ chức đại học, v.v.) mang về 14%, tức là 44 triệu euro. Các đơn vị của Vatican (Viện Giáo vụ, Phủ Thống Đốc, Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô), vốn không được hợp nhất trong ngân sách này, cũng đã đóng góp gần 14% doanh thu, tức 43 triệu. Và các khoản đóng góp từ các giáo phận và các tín hữu lên tới 56 triệu euro, chiếm 18%.
Bây giờ chúng ta đến với các chi phí. Giáo triều chi hết bao nhiêu, chi phí của nó được phân chia như thế nào?
Chúng tôi có thể chia chi phí thành ba khối: phần mà chúng tôi gọi là quản trị tài sản là 67 triệu euro, chiếm 21% chi phí và bao gồm 18 triệu euro tiền thuế và 25 triệu euro chi cho bảo trì nhà cửa. Chúng ta có thể nói rằng 67 triệu euro này là những gì chúng ta phải trả để tạo ra thu nhập 164 triệu euro mà tôi đã đề cập trước kia và thu nhập đó có được từ tài sản này. Phần dịch vụ và hành chính chiếm 14% chi phí. Và chi phí sứ mạng chiếm hết 65% tổng chi phí. Nói chung, điều làm tôi ấn tượng nhất khi tôi hiểu rõ hơn về Giáo Triều là việc nó làm được rất nhiều với chi phí rất ít. Tôi đã kiểm tra ngân sách của các quốc gia và khu vực khác nhau, tôi không tìm thấy nơi nào có thể so sánh được với Toà Thánh trong việc duy trì 125 sứ thần và phái bộ thường trực trên thế giới chỉ với 43 triệu euro, mà vẫn đảm bảo được tính thích hợp, đảm bảo được vai trò trung gian và cầu nối cho các kế hoạch của Toà Thánh. Việc xuất bản một tờ báo nổi tiếng, chẳng hạn như L’Osservatore Romano, việc phát sóng hơn 24 giờ một ngày bằng 40 ngôn ngữ, như Vatican Radio và Vatican Media, việc đưa tin tức và giải thích chúng như Vatican News đã làm, tiêu tốn hết 45 triệu euro: Tôi không tìm thấy bất kỳ so sánh nào trong thế giới truyền thông. Thông điệp của Tin Mừng phải đến được tận cùng thế giới và càng xa càng tốt; điều mong muốn là nó đến được bằng ngôn ngữ của mỗi dân tộc và theo cách có thể hiểu được trong nền văn hóa của họ. Cũng rất thú vị khi thấy cách thức liên lạc của Tòa thánh đã được hiện đại hóa trong những năm gần đây, thậm chí giảm được cả chi phí. Và nữa, nếu chúng ta nhìn vào Thư viện Vatican, hay nhìn vào các văn khố hoặc nhìn vào viện Khảo cổ Ki-tô giáo, nơi liên quan đến di sản không chỉ của Giáo hội mà của cả nhân loại, và chúng ta so sánh nó với các cơ sở tương tự: chúng ta có thể nói rằng chúng hoạt động chất lượng với chi phí tương đối thấp. Điều tương tự cũng có thể nói về các tổ chức đại học, v.v. Nếu có một từ ngữ nào đó mà tôi có thể nói để so sánh với các cơ quan tương tự hoặc một thứ so sánh nào khác, thì đối với tôi, dường như Tòa Thánh làm được ‘nhiều mà ít’ [với chi phí ít], nhờ có nhiều người làm việc với lòng quảng đại lớn lao. Ý tôi không phải là chúng tôi không cần cải thiện nhiều thứ. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng có nhiều việc được thực hiện tốt.
Mức thâm hụt ngân sách năm 2019 là 11 triệu USD, thấp hơn nhiều so với năm 2018 là 75 triệu USD. Có thể thấy rằng kết quả đạt được là nhờ các khoản đầu tư. Trong khi thâm hụt do chi phí hoạt động là 68 triệu so với 88 triệu năm 2018.
Như anh lưu ý, tài chính bao hàm cả phần của thâm hụt quản trị. Hơn nữa, trong việc so sánh, cần phải loại trừ một số chi phí và doanh thu bất thường trong năm 2018 hoặc 2019. Trung hoà các ‘pha ghi điểm ngoại thường’ này, sẽ cho kết quả thâm hụt 22 triệu euro trong năm 2019 so với 50 triệu euro vào năm 2018. Tôi đã nói rằng chúng tôi không thể coi mình đơn giản như những người tạo ra thâm hụt. Sứ mạng của chúng tôi sẽ luôn có xu hướng dẫn đến sự thâm hụt. Nó sẽ không tạo ra đủ thu nhập. Đó là một loại dịch vụ mà chúng tôi không làm vì lợi nhuận. Chúng tôi cần tìm cách hỗ trợ sứ mạng một cách lâu dài.
Vậy, con đường phía trước là gì?
Các biện pháp kiểm soát cần thiết nhằm mục đích tiết kiệm và kiềm chế chi phí là không đủ để giảm thâm hụt. Trong Tòa Thánh có nhiều cơ quan làm nhiều với chi phí ít. Tiết kiệm phải đi kèm với việc kiểm tra các khoản thu, tức là các khoản đầu tư, cho dù chúng là động sản hay bất động sản, để tìm kiếm sự tối ưu hóa. Công việc vốn mang tinh thần hợp tác này đang dần hoàn tất. Về vấn đề doanh thu, chúng tôi cũng phải nghĩ đến các khoản quyên góp. Các khoản quyên góp từ các tín hữu, bao gồm cả ‘Đồng tiền Thánh Phê-rô’, đã đóng góp 35% cho phần chi. Các tín hữu muốn đóng góp vào sứ mạng của Giáo hội, nhưng chúng tôi cần phải có một chính sách minh bạch hướng ngoại và thông tri, với khả năng truyền đạt chính xác cách chúng tôi sử dụng số tiền nhận được và cách quản lý chúng. Đây là mục tiêu chúng tôi muốn đạt được, cũng là phương hướng mà Đức Thánh Cha đã hướng dẫn chúng tôi. Đây là con đường phía trước. Như đã biết, Bộ luật Cung Ứng đã được phê duyệt trong những tháng gần đây. Hy vọng rằng, ngoài việc thúc đẩy tính minh bạch, nó cũng sẽ cho phép tiết kiệm được nhờ cạnh tranh. Chúng tôi cần một số hành động liên quan đến việc thúc đẩy mọi người có động lực và trách nhiệm hơn trong các nhiệm vụ được giao phó, hướng đến tính di động cao hơn, hiệu quả cao hơn và giảm chi phí. Chúng tôi cần tìm kiếm các mô hình linh hoạt hơn, hướng đến tưởng thưởng công trạng, cam kết và kỹ năng chuyên nghiệp.
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News vào tháng 5 năm ngoái, cha đã nói về dự án tập trung đầu tư. Nó đang tiến triển thế nào?
Có những quyết định cần có thời gian để thực hiện. Đang có những tiến bộ, diễn ra từng chút một. Theo Tông huấn Pastor Bonus (1984), Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) là cơ quan quản lý của Tòa thánh. Vào tháng 11 năm 2018, Đức Giáo hoàng đã yêu cầu Đức Hồng y Marx, điều phối viên của Hội đồng Kinh tế, tập trung hóa các khoản đầu tư. Từng chút một, chúng tôi đang đi theo hướng này. Năm nay chúng tôi đã có nhiều cuộc họp và gặp gỡ, chúng tôi đã xem xét nhiều mô hình khả thi. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được những tiến bộ và có quyết định chín muồi khi chọn một mô hình bằng cách học hỏi từ những cách làm hay của người khác. Tôi tin rằng khả năng lớn là những bước cuối cùng sẽ được thực hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Việc tập trung hóa chắc chắn sẽ cho phép có sự minh bạch hơn và kiểm soát chính xác hơn, cũng như mang lại khả năng đầu tư theo cách thống nhất, tuân theo học thuyết xã hội của Giáo hội, với các tiêu chí đạo đức, bền vững, quản trị tốt và chuyên nghiệp. Phải nói rằng hầu hết các khoản đầu tư đều tập trung vào APSA. Nhiều khoản đầu tư khác được thực hiện bởi các tổ chức liên kết với Tòa thánh cũng diễn ra thông qua Viện Giáo vụ, tức Ngân hàng Vatican (IOR), nhằm đảm bảo các tiêu chí kiểm soát, minh bạch và đạo đức. Rõ ràng là IOR, vốn đã có một hành trình tuyệt vời trong những năm gần đây, cũng nên đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức các khoản đầu tư của Tòa Thánh. Việc tập trung hóa thực sự phải kết hợp với sự bổ trợ: không phải mọi thứ đều có thể tập trung nếu chúng ta muốn có hiệu quả.
Cha nói về các khoản đầu tư như thể cha không đọc báo những tuần gần đây vậy…
Tôi sống trong hiện tại. Tôi đọc báo chứ. Rất có thể, trong một số trường hợp, Tòa thánh không những bị khuyên sai mà còn bị lừa. Tôi tin rằng chúng tôi đang học hỏi từ những sai lầm hay từ sự liều lĩnh trong quá khứ. Vấn đề bây giờ là, theo sự thúc đẩy quyết liệt và nhất quán của Đức Giáo hoàng, phải tăng tốc quá trình hiểu biết, sự minh bạch bên trong và bên ngoài, sự kiểm soát và cộng tác giữa các thánh bộ khác nhau. Chúng tôi đã đưa vào nhóm của mình các chuyên gia cấp cao nhất. Hiện thời đã có sự giao tiếp và hợp tác giữa các thánh bộ liên quan đến kinh tế để giải quyết những vấn đề này. Hợp tác là một bước tiến lớn. Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) và Bộ Kinh Tế (SPE) sẵn sàng hợp tác với nhau. Chắc chắn, chúng tôi vẫn có thể mắc sai lầm, mắc lỗi hoặc bị lừa đảo, nhưng đối với tôi, điều này có vẻ khó xảy ra hơn khi chúng tôi cộng tác và hành động với năng lực, sự minh bạch và tin cậy lẫn nhau.
Đâu là những nguy cơ trong tương lai?
Ngay cả các quốc gia, doanh nghiệp và tập đoàn lớn cũng đang gặp khó khăn về kinh tế. Bị căng thẳng trong chọn lựa giữa sức khỏe và khủng hoảng kinh tế, họ phải vay những khoản nợ khó trả, trì hoãn tất cả các khoản thanh toán lại cho tương lai, cố gắng duy trì tính thanh khoản khi đối mặt với những bất ổn ở phía trước. Chúng tôi là những thực thể bé nhỏ, không thể không gặp khó khăn. Chúng tôi phụ thuộc vào lợi tức tài sản và các khoản quyên góp, và cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai nguồn thu này. Điều tồi tệ nhất mà chúng tôi có thể làm là không thừa nhận khó khăn hoặc chọn phương án “mọi người vì mình “. Chúng ta phải đi cùng nhau. Chúng ta phải chống chọi, cùng nhau chống chọi, cùng nhau chia sẻ những hy sinh. Như Đức Giáo Hoàng đã nói, cuộc khủng hoảng có thể là một tình huống đặc ân giúp chúng ta trở nên tốt lành hơn. Nó cũng có thể là một cơ hội để giới thiệu những thay đổi cần thiết, những thay đổi đã được nhìn ra.
Đâu là lý do giải thích cho yêu cầu các bộ phải chuyển thanh khoản của họ cho Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) vào tháng 4 năm ngoái?
Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) là cơ quan được thiết kế để quản lý tài sản của tất cả các thánh bộ. Vào tháng 4, khi thấy tính bấp bênh gây ra bởi việc phong toả [do virus Corona], tôi có nhấn mạnh rằng không biết nó sẽ kéo dài bao lâu và tôi dự đoán rằng nó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Chúng tôi đã quyết định không cắt các khoản quyên góp và viện trợ cho những người và những giáo hội đang cần – vốn là những người và những nơi trên thực tế có thể đang chịu cảnh tồi tệ hơn chúng tôi – và thậm chí không cắt tiền lương của những người làm việc cho Tòa Thánh. Và vì lý do này, các khoản quyên góp và viện trợ đã tăng lên. APSA đã phải trả lương, và chúng tôi không biết việc phong toả sẽ kéo dài bao lâu, cũng như không rõ liệu chúng tôi có đạt được doanh thu như mong đợi hay không. Do đó, chúng tôi đã yêu cầu các bộ duy trì thanh khoản của họ trong APSA.
Có thật là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ vẫn không có “túi tiền” và các quỹ của nó sẽ được quản lý bởi APSA?
Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đã ở trong tiến trình này từ nhiều tháng qua. Cơ quan này đang thực hiện công việc của mình, đang làm rất tốt sự rõ ràng, minh bạch và trật tự. Cơ quan này đã giao tất cả các khoản tiền của mình cho Ngân hàng Vatican (IOR) và Cơ quan quản trị tài sản của Toà Thánh (APSA); và sẽ tham gia vào quá trình tập trung hóa đầu tư, với sự quản lý chuyên nghiệp và kỹ thuật hơn. Theo như tôi biết thì tuyên bố về việc mất “túi tiền” là không chính xác. Việc quản lý sẽ được thực hiện theo cách khác, như xảy ra với các thánh bộ khác có sở hữu tài chính. Trong những tháng gần đây, tôi đã thấy rằng ở Vatican, cũng như ở phần còn lại của Giáo hội, có một sự tôn trọng thiêng liêng đối với điểm đến của các nguồn quỹ, cũng như sự tôn trọng đối với ý nguyện của các nhà tài trợ. Khi một khoản đóng góp đã được chấp nhận cho một mục đích cụ thể, nó sẽ được tôn trọng. Nhiều quỹ do Phủ Quốc Vụ Khanh quản lý đã được nhận cho một mục đích cụ thể, luôn gắn liền với sứ mạng của chúng tôi. Nếu các quỹ được quản lý bởi một tổ chức khác, chúng sẽ phải giữ được liên kết với mục đích đã nêu ra, và với những người thụ hưởng.
Quỹ ‘Đồng tiền thánh Phê-rô’ phục vụ cho mục đích gì? Tại sao các tín hữu lại được kêu gọi cho khoản quyên góp này?
Sự đóng góp của các tín hữu dành cho quỹ ‘Đồng tiền Thánh Phê-rô’ là một cách cụ thể để cộng tác với sứ mạng của Đức Thánh Cha vì lợi ích của toàn thể Giáo hội. Năm 2019, quỹ này đã giải quyết 32% chi phí cho sứ mạng của Tòa Thánh. Còn phần cơ cấu và các dịch vụ được chi trả bởi các quỹ riêng. Phần tồn quỹ từ ‘Đồng tiền thánh Phê-rô’ là 53 triệu euro, trong đó 10 triệu euro được quyên góp cho các mục đích cụ thể. Nói cách khác, quỹ đã hợp tác với sứ mạng của Đức Thánh Cha với số tiền 66 triệu euro, nhiều hơn 23 triệu euro so với số tiền quyên góp được. Điều này đã xảy ra trong vài năm gần đây. Điều này có nghĩa là quỹ này đang bị bào mòn. Tuy nhiên, sự bào mòn đó luôn luôn là vì sứ mạng mà quỹ này nhắm đến. Quỹ này cần phải được quản trị với sự khôn ngoan của người quản lý trung thực, tựa như cách những người khôn ngoan đầu tư, hay như cách xoay xở của ông bố tốt lành trong gia đình, để đảm bảo cho Đức Giáo hoàng thực thi sứ mạng của ngài.
Tuy nhiên, câu chuyện về Dinh thự London khiến nhiều người bối rối.
Tôi hiểu. Đúng vậy. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải rõ ràng, minh bạch. Lúc này, tôi có thể nói một điều. Theo như tôi biết, phần mất mát của vụ dinh thự London không được bù từ quỹ ‘Đồng tiền thánh Phê-rô’, mà từ các quỹ dự trữ khác của Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Và một điều nữa tôi muốn kết luận: chúng ta phải luôn biết ơn Dân Thánh của Chúa, những người đã giúp đỡ sứ mạng của Đức Giáo Hoàng. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong thông điệp gần nhất gửi đến các Hiệp hội Truyền giáo của Giáo hoàng, “Giáo hội luôn tiếp tục tiến về phía trước nhờ sự dâng cúng của bà góa, nhờ sự đóng góp của vô số nhóm người vốn cảm thấy được ơn an ủi và chữa lành của Chúa Giêsu, và vì điều này, vì lòng biết ơn tràn trề, họ cho đi những gì họ có”. Nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý món quà của họ bằng sự trung thực, cẩn trọng và tầm nhìn xa của một người bố tốt lành trong gia đình.
Nguồn: vaticannews.va/vi
2020
Nét đặc trưng của linh đạo giáo dân
- GIÁO DÂN LÀ AI?
Giáo dân là một trong ba thành phần của Giáo Hội. Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, gồm giáo dân, tu sĩ, và giáo sĩ[1].
Giáo sĩ là những người lãnh bí tích truyền chức, dù bí tích phó tế, linh mục, hay giám mục.
Tu sĩ là những người có ba lời khấn khó nghèo, trinh khiết, vâng phục, và có đời sống cộng đoàn, trong một hội dòng được Giáo Hội chuẩn nhận[2].
Công Đồng Chung Vaticanô II viết: “Hạn từ giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu, không kể những người có chức thánh và những người thuộc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những tín hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy, được nhận hiệp vào thân thể Đức Kitô, làm thành Dân Thiên Chúa, và được tham dự vào những chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô theo cách thức của mình, đồng thời góp phần thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và giữa thế giới” (LG, 31).
- LINH ĐẠO LÀ GÌ?
Linh đạo là con đường thiêng liêng, con đường một người đi để đến với Thiên Chúa, con đường hay cách thế Thánh Thần hướng dẫn để đưa con người đến với Thiên Chúa. Con đường một người đi, có thể Thiên Chúa dùng để giúp những người khác đến với Thiên Chúa. Chúng ta thấy có linh đạo (thánh) Biển Đức, linh đạo Phanxicô, linh đạo Đaminh, linh đạo Inhã, v.v. Có nhiều tu sĩ và cả giáo dân nữa đi theo con đường thánh Biển Đức đã đi; cũng tương tự vậy có nhiều người đi con đường thánh Đaminh, thánh Phanxicô, thánh Inhaxiô đã đi.
Mọi linh đạo, đều họa lại con đường Đức Giêsu đã đi. Đức Giêsu nói: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Mọi linh đạo đều phải theo “con đường Giêsu.”
Linh đạo giáo dân là linh đạo, là con đường một giáo dân phải đi, để đến với Thiên Chúa. Tu sĩ Đaminh theo con đường thánh Đaminh đi, qua tu luật và cách sống, để đến với Thiên Chúa, để nên thánh. Tương tự vậy, tu sĩ Phanxicô theo linh đạo Phanxicô để nên thánh, v.v. Thế giáo dân đi theo con đường nào? Đâu là nét đặc trưng của linh đạo giáo dân? Đâu là những nét đặc trưng mà giáo dân sống trong cuộc sống thường ngày để nên thánh, để đến với Thiên Chúa?
Công đồng chung Vaticanô II nói với chúng ta: “Nền linh đạo giáo dân phải mang những nét riêng biệt tùy theo từng bậc sống như hôn nhân và gia đình, độc thân hay góa bụa, tùy theo tình trạng sức khỏe, tùy theo từng lãnh vực hoạt động nghề nghiệp và xã hội. Như vậy, mỗi người phải không ngừng phát triển những đức tính và tài năng thích hợp với từng hoàn cảnh sống, và biết tận dụng những ân huệ Chúa Thánh Thần ban riêng cho mỗi người” (AA, 4).
Linh đạo giáo dân rất đa dạng và phong phú, bởi vì “ơn gọi” giáo dân gồm nhiều thành phần (gia đình, độc thân, độc thân dâng hiến) với nhiều nghề nghiệp, thuộc nhiều tầng lớp xã hội (bình dân, trí thức), với những thành phần khác nhau (giàu, nghèo, trung lưu). Mỗi người, mỗi thành phần, tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, v.v… đều có đường lối thiêng liêng và tông đồ khác nhau để đến với Thiên Chúa[3].
III. NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA LINH ĐẠO GIÁO DÂN
Giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân, đều là Kitô hữu: những người tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh và cộng tác với Đức Giêsu cứu độ con người.
- Hãy Là Thánh Vì Ta Là Thánh (ơn gọi của mọi Kitô hữu)
(Lv 19:2; LG, 39-42; CL, 16-17)
Mọi thành phần dân Do Thái đều được mời gọi nên thánh. Và như vậy, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
Lêvi 19: 1 Yavê phán với Môsê rằng: 2 Hãy bảo toàn thể cộng đồng con cái Israel và nói với chúng: “Hãy là thánh, vì Ta là Thánh, Ta, Yavê Thiên Chúa của các ngươi.” (bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn)
“Ý muốn của Thiên Chúa là muốn là anh em nên thánh” (1Tx 4:3; Eph 1:4).
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5:48). Chúng ta không có đích nào khác hơn là trở nên giống như Thiên Chúa, Cha của chúng ta.
Thánh Phaolô cũng nói: “anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cor 11:1). Nên thánh, là trở nên giống Đức Giêsu. Chúng ta có người mẫu tuyệt vời, đó là Đức Giêsu.
Sống yêu thương như Chúa dạy, đó là nên thánh: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12; 13:34-35).
Giáo dân nên thánh giữa đời, nên thánh nơi trần gian, đó là nét đặc trưng của linh đạo giáo dân (CL, 17).
- Hãy Đi Làm Vườn Nho Cho Ta (sứ mạng của Kitô hữu)
Làm tông đồ, là bản chất của Kitô hữu. Không là Kitô hữu đích thực nếu không làm tông đồ.
“Phần các anh, các anh cũng đi làm vườn nho cho Ta” (Mt 20:4.7). “Ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ” (AA, 2).
Huấn quyền Giáo Hội qua Công Đồng Vaticanô II và các tông huấn nhấn mạnh đến việc tông đồ rao giảng Phúc Âm, bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người, hoàn thiện cơ cấu xã hội nhằm phục vụ con người hữu hiệu hơn.
2.1. Rao giảng Phúc Âm
Làm tông đồ, là giúp con người nhận biết Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng. Kitô hữu giáo dân làm chứng không chỉ bằng lời nói nhưng chính yếu bằng chính đời sống yêu thương của mình đối với họ.
Nếu người ta tin biết Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì người ta sẽ biết Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng. Đích nhắm của việc tông đồ là loan báo Tin Mừng[4].
Kitô hữu phải truyền giáo, vì Chúa Giêsu đã sai gởi chúng ta. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20:19). “Hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã dạy các con” (Mt 28:19).
2.2. Bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người
Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:26-28). Con người có giá trị tuyệt đối vì Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, Đức Giêsu đã chết để cứu độ con người.
Giới răn nào trọng nhất? Yêu Chúa trên hết và yêu tha nhân như chính mình (Mc 12:28-34). Nếu ta nói ta yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là nói dối (1Ga 4:20-21).
Bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người, là bổn phận của mọi Kitô hữu, đặc biệt Kitô hữu giáo dân[5]. Bởi vì nếu không bảo vệ mạng sống, phẩm giá con người, thì không yêu thương con người đích thực. Giới răn yêu thương là giới răn nền tảng của Kitô giáo: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34-35; 15:12).
2.3. Kiện toàn cơ chế xã hội phục vụ con người
Đôi khi có cơ cấu xã hội bất công. Vì thế, Kitô hữu cần tham dự và các hoạt động xã hội để hoàn thiện hóa cơ cấu xã hội nhằm bảo vệ giá trị và thăng tiến phẩm giá con người[6].
Giáo sĩ không được làm chính trị (GL, 285§3; 287§2), nhưng không như vậy với Kitô hữu giáo dân. Tham gia chính trị là ơn gọi của Kitô hữu giáo dân[7].
- Ở trong thế gian
“Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian” (Ga 17:11.18). Sống trong thế gian, là sống trong gia đình, trong xã hội, với những công việc mình phải chu toàn, v.v. Kitô hữu giáo dân nên thánh và làm chứng cho Thiên Chúa nơi trần gian, môi trường sống của mình.
Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của Kitô hữu giáo dân[8].
Một tu sĩ dòng kín nên thánh trong tu viện của mình. Một giáo dân nên thánh ở giữa đời, nơi gia đình, giữa xã hội, nghề nghiệp mà mình phải chu toàn. Trần thế là môi trường sống và nên thánh của Kitô hữu giáo dân[9]. Kitô hữu giáo dân được mời gọi làm tất cả trong tình yêu (AA, 8).
Kitô hữu giáo dân không chỉ giúp người ta tin vào Đức Kitô bằng chứng tá đời sống nhưng còn bằng cả lời nói nữa[10].
3.1. Gia đình (CL, 40)
Gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội loài người (AA, 11). Bí tích hôn phối bất khả tiêu hủy: “sự gì Thiên Chúa kết hợp thì loài người không được phân ly” (Mt 19:6).
Gia đình phải là nơi mỗi người diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho các thành viên. Vợ chồng đại diện Thiên Chúa yêu thương người bạn đời của mình. Cha mẹ cộng tác với Thiên Chúa cho con cái ra đời, và đại diện Thiên Chúa yêu thương dạy dỗ con cái.
Mỗi thành viên nên thánh qua việc chu toàn bổn phận và yêu thương những người trong gia đình.
3.2. Giáo xứ (CL, 26-27)
“Mặc dù có chiều kích phổ quát, sự hiệp thông Giáo Hội được diễn tả cách trực tiếp và hữu hình nhất nơi giáo xứ” (CL, 26).
“Giáo dân ngày càng phải xác tín mạnh mẽ hơn về ý nghĩa của việc dấn thân hoạt động tông đồ trong giáo xứ của mình” (CL, 27).
Kitô hữu giáo dân tham gia sinh hoạt nơi cộng đoàn Giáo Hội: một cách cụ thể nơi giáo xứ với các đoàn thể, nơi giáo phận, và cả liên giáo phận, cùng Giáo Hội hoàn vũ (AA, 10).
3.3. Nghề nghiệp
Làm việc là bổn phận của con người (2Tx 3:10-12). Mỗi người phải làm để kiếm sống, và rồi có thể giúp đỡ người khác khi có thể.
Khi làm việc phục vụ, mỗi người phát triển tài năng Thiên Chúa ban cho mình. Chúng ta sẽ triển nở và hạnh phúc khi lao động và phục vụ.
Qua cung cách làm việc, chúng ta cũng có thể loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa cho đồng nghiệp, cho những người chúng ta phục vụ.
3.4. Xã hội
Sứ mạng của Kitô hữu giáo dân cũng là giúp cải tổ hay kiện toàn cơ chế xã hội để phục vụ con người, giúp con người có thể sống triển nở như Thiên Chúa muốn (Ga 10:10).
“Chắc chắn ý định của Thiên Chúa về thế giới là muốn con người đồng tâm kiến tạo và không ngừng hoàn thiện hóa các thực tại trần thế …. Giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là phận vụ của riêng mình” (AA, 7).
Theo Công Đồng Vaticanô II, làm tông đồ là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân; như thế các giáo sĩ và các tu sĩ phải quý trọng hoạt động tông đồ giáo dân[11].
Thánh Công Đồng Vaticanô II còn lưu ý: “Hoạt động tông đồ phải hướng tới toàn thể những người đang cư ngụ trong địa bàn và không từ chối bất cứ việc gì có thể mang lại lợi ích thiêng liêng hay vật chất cho mọi người” (AA, 13).
Việc tông đồ giáo dân rất thiết yếu và quan trọng, nên Kitô hữu giáo dân cần được huấn luyện về nhiều phương diện[12], và phải được huấn luyện ngay từ khi còn nhỏ[13].
[1] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Giáo Hội Lumen Gentium, 30 (viết tắt LG, 30).
GIOAN-PHAOLÔ II, Tông huấn Tín Hữu Kitô Giáo Dân Christifideles laici, 30/12/1988, 2.28 (viết tắt CL, 9.28).
[2] Công đồng chung Vaticanô II không xếp thành viên tu hội đời như tu sĩ nhưng như giáo dân: “Ngoài ra, những giáo dân, theo ơn gọi của mình, tham gia vào các hội đoàn hay tu hội được Giáo Hội nhìn nhận, phải nỗ lực trung thành sống theo đường hướng riêng biệt trong linh đạo của từng tu hội” (CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Hoạt Động Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, 4 (viết tắt AA, 4).
[3] “Sự khác biệt phong phú của Giáo hội được biểu dương một lần nữa ở bên trong mỗi bậc sống. Nói cách khác, mỗi bậc sống của người giáo dân đã có nhiều “ơn gọi” khác nhau, đó là những đường lối thiêng liêng và tông đồ khác nhau liên quan đến mỗi người tín hữu giáo dân. Trong những “ơn gọi chung” của người giáo dân cũng có nhiều “ơn gọi riêng”. Điều này, chúng ta có thể nêu lên kinh nghiệm sống thiêng liêng, viên mãn trong Giáo Hội ở thời gian gần đây và đã đua nở dưới nhiều hình thức các tu hội giáo dân khác nhau. Nó cho thấy rằng người tín hữu giáo dân và ngay cả linh mục cũng có thể sống lời khuyên Phúc âm là nghèo khó, khiết tịnh, và vâng lời bằng việc tuyên khấn hoặc tuyên hứa, nhưng vẫn có thể chu toàn đời sống giáo dân hay giáo sĩ đặc biệt của mình. Cũng như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã ghi nhận như sau: “Chúa Thánh Thần còn soi sáng những hình thức tận hiến khác nhau được các tín hữu giáo dân thực hiện trong khi vẫn hoàn toàn sống đời giáo dân của họ”(CL, 56).
“Trong chiều hướng đó, Công Đồng Vatican II đã viết: “Đời sống thiêng liêng này của giáo dân phải mặc những nét riêng biệt thể theo điều kiện sống của mỗi người (đời sống vợ chồng và gia đình, đời sống độc thân và goá bụa), hoàn cảnh đau ốm, sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội. Mỗi người phải không ngừng phát huy phẩm cách và ơn đã nhận được, đặc biệt những ơn riêng thích ứng với điều kiện sống và sử dụng những ơn Chúa Thánh Linh đã ban cho minh” (CL, 56).
[4] CL, 33 “Các tín hữu giáo dân, vì thuộc thành phần của Giáo Hội nên được mời gọi và nhận lãnh sứ mệnh rao truyền Phúc âm: Họ đã được chuẩn bị để dấn thân chu toàn hoạt động này bằng các Bí Tích của đời sống Kitô hữu và ơn Chúa Thánh Thần… Tất cả sứ mệnh của Giáo Hội quy tụ và biểu dương trong việc rao truyền Phúc âm. Con đường lịch sử của Giáo Hội được ơn Chúa che chở và đi theo mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô: “Chúng con hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi người”. (Mk.16. 15) “Và Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thê” (Mt. 28.20). Đức Phaolô VI lại viết: “Rao truyền Phúc âm, đó là ân sủng và là lời mời gọi riêng của Giáo Hội, là bản tính sâu xa của Giáo Hội.” … Mệnh lệnh của Chúa “Chúng con hãy đi và rao giảng Phúc âm”, chắc chắn vẫn luôn giữ giá trị linh động và cần phải được thi hành. Tình thế hiện tại của thế giới cũng như của nhiều địa hạt trong Giáo Hội, càng đòi hỏi lời Đức Kitô phải được tuân theo một cách sẵn sàng, mau chóng, và đại độ Mỗi người được gọi riêng và không ai được quyền từ chối trả lời: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm” (1 Cor. 9:16).
[5] CL, 37 “Khám phá và giúp khám phá phẩm giá bất khả xâm phạm của mọi con người, đó là bổn phận chính yếu, là trung tâm căn bản có mãnh lực hiệp nhất mà Giáo Hội và con cái của Giáo Hội được kêu gọi để chu toàn đối với gia đình nhân loại. Trong các thụ tạo trên mặt đất, chỉ có con người là “một nhân vị, một chủ thể hiểu biết và tự do”, và vì thế nó là “trung tâm điểm và là cao điểm” của tất cả tạo vật khác sống trên mặt đất.
Phẩm giá nhân vị là tài sản quý hóa nhất của con người, nhờ đó mà nó trổi vượt trên cả thế giới vật chất này. Lời của Chúa Giêsu phán: “Được lợi lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn nào có ích chi?” (Mk. 8:36), hàm chứa một lời quả quyết rõ ràng và đầy khích lệ. Giá trị con người không chủ tại nơi tài sản nó có, cho dù nó chiếm hữu trọn cả thế giới này, nhưng chủ tại nơi “bản chất” của nó. Của cải thế gian không đáng giá bằng của cải nhân vị vì nhân vị chính là của đáng quý.
Nếu chúng ta nhìn phẩm giá con người từ nguồn gốc và vận mạng của nó, chúng ta sẽ thấy nó rực rỡ sáng chói: Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Máu châu báu của Chúa Kitô Cứu Chuộc nên nó được kêu gọi trở thành “Những người con trong Đức Chúa Con ” và trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, và được hưởng sự sống đời đời thông hiệp hạnh phúc với Thiên Chúa. Vì lý do này nên mọi xúc phạm đến nhân phẩm con người đều bị báo oán trước mặt Thiên Chúa và là sự xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người.
Nhờ có nhân phẩm, con người luôn luôn tự nó là một giá trị cho chính nó, và nó phải được nhìn nhận và đối xử với giá trị ấy, ngược lại, nó không thể bị nhìn nhận và đối xử như một vật để sử dụng, một phương tiện, hay một đồ vật.
Chính nhân phẩm con người là nền tảng của sự bình đẳng với nhau. Bởi đó tuyệt đối phải loại bỏ tất cả mọi hình thức kỳ thị. Tiếc thay, nạn kỳ thị đã và vẫn tiếp tục chia rẽ và làm ô nhục gia đình nhân loại, nào là kỳ thị chủng tộc, kỳ thị kinh tế, kỳ thị xã hội, kỳ thị văn hoá, kỳ thị chính trị, kỳ thị địa dư… Mỗi hình thức kỳ thị là một sự bất công không thể chấp nhận, không phải vì nó tạo nên những căng thẳng, những tranh chấp xã hội, nhưng vì nó làm nhục cho phẩm giá con người: không chỉ phẩm giá của nạn nhân bị nhục, mà phẩm giá của thủ phạm lại càng bị hổ nhục hơn.
Phẩm giá con người không chỉ là nền tảng của sự bình đẳng giữa mọi người, nó còn là nền móng của việc tham gia và liên đới giữa con người với nhau: đối thoại và thông cảm được bắt nguồn từ bản tính con người, chứ không phải do cái con người “có”.
Nhân phẩm là một tư sản không thể hủy diệt của mọi người. Lời quả quyết này có một sức mạnh phi thường, nó dựa trên đặc tính thuần nhất không thay thế được của mọi nhân vị. Vì đó, mà con người đã chống lại một cách bất khuất tất cả mọi toan tính đè bẹp, tiêu diệt họ bằng cách đặt họ vào tình trạng vô danh của tập thể, của thể chế, của cơ cấu hay hệ thống. Nhân vị trong cá tính của nó không phải là một con số, nó cũng không phải là một vòng tròn trong một dây xích, hay một bánh xe trong một hệ thống. Lời quả quyết căn bản và đầy ý nghĩa về giá trị của con người đã thể hiện bởi con Thiên Chúa khi Ngài nhập thể trong cung lòng của một trinh nữ. Lễ Giáng Sinh luôn luôn nhắc nhở chúng ta về lời quả quyết này.”
[6] “Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, dù chủ yếu liên quan đến việc cứu rỗi con người, nhưng cũng bao hàm việc canh tân toàn thể trật tự trần thế. Do đó, sứ mạng của Giáo Hội không chỉ là đem Tin Mừng và ân sủng của Chúa Kitô cho nhân loại, nhưng còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện hóa các thực tại trần thế … Người giáo dân hoạt động tông đồ ngay trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong lãnh vực thiêng liêng cũng như trong lãnh vực trần thế” (AA, 5).
[7] “Đồng thời các tín hữu giáo dân còn có nghĩa vụ cấp bách làm chứng nhân cho các giá trị con người và các giá trị Phúc âm liên kết mật thiết với chính các hoạt động chính trị, như sự tự do và công bình tình liên đới và lòng tận tụy trung thành, vô vị lợi đối với công ích, tình yêu đặc biệt với người nghèo khó và thấp hèn. Muốn thế các tín hữu giáo dân luôn luôn phải tìm nghị lực thiêng liêng trong việc tham gia thực sự vào đời sống Giáo Hội và lấy lý thuyết xã hội của Giáo Hội làm ánh sáng chỉ đạo. Trong công việc nặng nề này họ cần có các công đồng Công Giáo và các vị chủ chăn theo dõi và hỗ trợ” (CL, 42).
[8] LG, 31; AA, 5-6; CL, 15.
“Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân… Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo thánh ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, đức cậy, đức mến. Như vậy, họ có một phương thức đặc biệt để soi chiếu và đặt định các thực tại trần thế luôn gắn liền với cuộc sống, sao cho các thực tại ấy không ngừng trở nên như Đức Kitô muốn và luôn phát triển để nên lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc” (LG, 31).
[9] “Như vậy, trần gian trở thành môi trường và phương tiện cho ơn gọi Kitô giáo của giáo dân, bởi vì chính nó được dành để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô; từ đó, Công Đồng có thể chỉ ra ý nghĩa riêng biệt và đặc thù của việc Thiên Chúa mời gọi giáo dân. Họ không được mời gọi rời bỏ vị thế họ đang sống nơi trần gian” (CL, 15).
[10] “Việc tông đồ không chỉ giới hạn trong việc làm chứng bằng đời sống; người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói, hoặc cho những người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho những người đã tin để hướng dẫn, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn…” (AA, 6).
[11] “Các giám mục, các cha xứ, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng, hoạt động tông đồ là quyền lợi và bổn phận của tất cả các tín hữu, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và chính giáo dân cũng có trách nhiệm phải góp phần trong việc xây dựng Giáo Hội … Sau cùng, các tu sĩ nam nữ phải quý trọng các hoạt động tông đồ giáo dân; theo tinh thần và nội quy của mỗi hội dòng, họ nên sẵn sàng dấn thân góp phần phát triển các hoạt động tông đồ giáo dân; đồng thời cũng tận tình nâng đỡ, hỗ trợ và giúp các linh mục chu toàn phận vụ” (AA, 25).
[12] “Việc đào tạo tông đồ cũng bao hàm việc đào tạo nhân bản toàn diện, phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người… Nhưng trước tiên, người giáo dân phải học biết chu toàn sứ mạng của Chúa Kitô và của Giáo Hội bằng cách sống niềm tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Đấng làm cho Dân Chúa được sống và thôi thúc mọi người yêu mến Thiên Chúa là Cha, cũng như việc yêu thương thế giới và nhân loại trong Ngài… Bên cạnh chương trình đào tạo tu đức, cần phải cung cấp một kiến thức vững chắc về giáo lý, về thần học, luân lý …” (AA, 29).
[13] “Việc đào tạo tông đồ phải được khởi sự ngay trong chương trình giáo dục thiếu nhi. Nhưng phải đặc biệt lưu tâm dạy cho các thanh thiếu niên biết làm việc tông đồ và thấm nhuần tinh thần tông đồ. Việc đào tạo này phải được tiếp tục trong suốt cả đời… Ai có trách nhiệm trong việc giáo dục Kitô giáo đều phải lưu tâm đến phận vụ đào tạo tông đồ” (AA, 30).
Xem thêm CL, 57-64.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
2020
Hiệp ước giáo dục toàn cầu – Đường hướng giáo dục của Giáo hội hôm nay
Giáo Hội luôn quan tâm đến vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người, nhất là đối với giới thiếu nhi và giới trẻ. Do đó, trong suốt hành trình thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng, nhất là từ sau công đồng Vaticano II, Giáo Hội đã có nhiều văn kiện về việc giáo dục[1]. Trong các văn kiện của Giáo Hội, người ta có thể dễ dàng nhận ra viễn tượng nền tảng và những yếu tố thiết yếu của việc giáo dục, đồng thời cũng thấy những yếu tố riêng biệt của từng văn kiện phản ánh hoàn cảnh và những vấn đề của thời đại hay vùng miền của mỗi văn kiện.
Giáo huấn của Giáo Hội về giáo dục trong thời đại hiện nay chắc chắn sẽ được định hình qua sự kiện độc đáo “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” và những tài liệu được công bố nhân dịp này. Mặc dù các văn kiện còn đang trong thời kỳ soạn thảo, nhưng nhờ những ý tưởng chỉ đạo đã được công bố[2], chúng ta có thể nhận thấy một viễn tượng mới về giáo dục được khai mở, mang đậm những dấu nhấn đặc thù của thời đại hôm nay. Những điều này sẽ được trình bày dưới hai tiêu đề chính:
– “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”: ý nghĩa, tiến trình chuẩn bị và việc cử hành.
– Những yếu tố và ý tưởng nền tảng của “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- “HIỆP ƯỚC GIÁO DỤC TOÀN CẦU”: Ý NGHĨA, TIẾN TRÌNH CHUẨN BỊ VÀ VIỆC CỬ HÀNH
Sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức công bố bằng một sứ điệp ngày 12/09/2019[3] và trao cho Bộ Giáo dục Công Giáo[4] của Tòa Thánh chịu trách nhiệm tổ chức. Theo dự kiến ban đầu, “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” được cử hành vào 14 tháng 05 năm 2020, nhưng vì hoàn cảnh của dịch Covid-19, sự kiện này đã được dời đến ngày 15 tháng 10 năm 2020.[5]
- Ý nghĩa
“Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” là sáng kiến của Tòa Thánh muốn mời gọi mọi người có liên hệ đến việc giáo dục về Roma để ký một hiệp ước về giáo dục. Trong sứ điệp giới thiệu “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói cụ thể như sau: “Ngay tại Roma, tôi muốn được gặp tất cả mọi người, dưới nhiều tước hiệu, đang hoạt động trong ngành giáo dục ở mọi cấp bậc của việc học tập cũng như việc nghiên cứu. Tôi mời gọi tất cả, nhờ một hiệp ước giáo dục, khích lệ nhau cùng thực hiện những phương thức thực hành đã đem đến cho lịch sử một ý nghĩa và đã biến đổi lịch sử cách tích cực. Cùng với anh chị em, tôi mời gọi các nhà lãnh đạo xã hội ở cấp độ quốc tế, hiện đang ở những vị thế có trách nhiệm và là những người có lòng quan tâm đến tương lai của các thế hệ trẻ. Tôi tin tưởng là họ sẽ đón nhận lời mời gọi của tôi. Cha kêu gọi cả các con, các bạn trẻ, hãy đến tham dự sự kiện này và đón nhận như trách nhiệm của mình phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Cuộc gặp gỡ này sẽ được tổ chức ngày 14 tháng 5 năm 2020[6] tại Roma, trong Đại thính đường Phaolô VI.”
Nhắm đến “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy tìm những người bạn đồng hành cùng dấn thân trên hành trình giáo dục hơn là đề nghị những chương trình phải thực hiện; ngài cũng mời gọi tất cả hãy bắt tay vào một hiệp ước cùng trân trọng tính cách độc đáo của mỗi người. Chúng ta có thể nói kính trọng sự khác biệt là chất xúc tác của hiệp ước giáo dục. Hiệp ước toàn cầu về giáo dục không thể có hình thức nào khác hơn là chấp nhận tính cách không thể thay thế của những đóng góp của mỗi cá nhân để cùng nhau giải quyết vấn đề giáo dục.[7]
- Những buổi hội thảo chuẩn bị
Sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” không chỉ được công bố cách long trọng qua sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, mà còn được chuẩn bị qua nhiều cuộc hội thảo do các Đại học Giáo Hoàng hoặc Đại học Công Giáo tổ chức, để học hỏi về những khía cạnh liên quan đến nội dung của Hiệp ước. Các cuộc hội thảo này còn có mục đích phổ biến tin tức, gây ý thức nơi dư luận quần chúng để mời gọi nhiều người tham dự, vì “hơn bao giờ hết, hôm nay cần phải quy tụ các nguồn nhân lực thành một hiệp ước giáo dục để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt thắng được những sự phân hóa và mâu thuẫn để kiến tạo môi trường các tương quan cho một nhân loại thân thiện huynh đệ hơn”[8].
Dưới đây là những sự kiện chuẩn bị đã hoặc đang được thực hiện, hướng đến ngày cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- a) Hội thảo tại Bộ Giáo dục Công Giáo
Quỹ Giáo hoàng “Gravissimum Educationis” của Bộ Giáo dục Công Giáo đã tổ chức cuộc Hội thảo hai ngày (16 – 17/09/2019) với đề tài “Dân Chủ: nhu cầu khẩn cấp cho việc giáo dục trong bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo”. Tham dự cuộc Hội thảo này có hơn 30 giáo sư từ 14 Đại học.
- b) Hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Lateranense (Roma)
Ngày 31/10/2019, Đại học Giáo hoàng Lateranense (Roma), với sự khích lệ và cộng tác của Bộ Giáo dục Công Giáo và Hội Giáo hoàng về Đối thoại Liên Tôn đã tổ chức buổi Hội thảo về đề tài “Giáo dục, nhân quyền, hòa bình. Phương tiện cho các hoạt động quốc tế và vai trò của các tôn giáo”. Buổi Hội thảo trên được lồng trong dự án lớn hơn của Đại học Lateranense nhắm đến việc thực hiện hòa bình, nhất là qua việc tổ chức một ngành học về Khoa học Hòa Bình. Ngành học này đã được tổ chức theo ý Đức Thánh Cha Phanxicô, nhắm đào tạo những chuyên viên có khả năng điều khiển thực tại phức tạp của những tiến trình biến đổi xã hội, tôn giáo, văn hóa, chính trị, kinh tế, luật pháp, giáo dục qua phương pháp hòa bình để hóa giải những hoàn cảnh xung đột đang là đặc tính của thế giới hiện tại trên bình diện lớn như các quốc gia, các cơ cấu và tổ chức, hoặc ở bình diện nhỏ như các nhóm, các hiệp hội, các phong trào.
- c) Hội thảo tại Đại học Antonianum (Roma)
Cuộc Hội thảo ba ngày, từ 14 – 16/01/2020 đã được tổ chức tại Đại học Antonianum (Roma), với sự cộng tác của Khoa Thần học Giáo hoàng San Bonaventura Seraphicum, với đề tài “Thiên nhiên và môi trường trong hiệp ước giáo dục: vẻ đẹp làm cho con người trở nên tốt”.
Đề tài của cuộc Hội thảo này phát nguồn từ lời xác quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô là cần phải trao đổi với nhau về cách thức chúng ta đang xây dựng tương lai của hành tinh này và về nhu cầu phải quy tụ tài năng của mọi người, vì cuộc thay đổi nào cũng đòi phải có một hành trình giáo dục. Với đề tài đã được đề ra, cuộc hội thảo nhắm gây ý thức nơi mọi người về ý nghĩa và giá trị của việc giáo dục đối với cuộc khủng hoảng môi trường để đóng góp vào dự án giáo dục đang hình thành.
- d) Hội thảo tại Đại học LUMSA và Trường Đào tạo cao cấp EIS
Để chuẩn bị cho sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, Đại học LUMSA và Trường Đào tạo cao cấp EIS tổ chức cuộc hội thảo ba ngày, từ 31/01 đến 01/02/2020, với đề tài “Xây dựng cộng đoàn. Đề nghị của Service Learning”. Cuộc hội thảo này nhắm hai mục đích: tìm hiểu những điều kiện cần thiết cho Hiệp ước và trình bày phương pháp “Thực tập – Phục vụ” trong việc xây dựng cộng đoàn.
- e) Hội thảo tại Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội
Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội đã tổ chức cuộc hội thảo hai ngày 06-07/02/2020 với đề tài “Giáo dục. Hiệp ước Toàn cầu”. Đến tham dự cuộc hội thảo này có rất nhiều người dấn thân trong việc giáo dục tại các nước nghèo cũng như nước giàu. Các bài trình bày đều xoay chung quanh vấn đề làm thế nào để việc giáo dục trong trường học mang tính cách nhân bản hơn, công bằng hơn, thích hợp hơn đối với các nhu cầu khác nhau của các quốc gia trên thế giới.
- f) Hội thảo Đối thoại giữa nhiều thành phần khác nhau
Ngày 22/02/2020 Phân khoa Khoa học Giáo dục của Đại học Giáo hoàng Salesiana (Roma) và Phân khoa Khoa học Giáo dục Auxilium cùng tổ chức một cuộc hội thảo về “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Điều đặc biệt của cuộc hội thảo này là phương pháp thực hiện, tức là hình thức đối thoại giữa những thành phần có tương quan trực tiếp với nhau trong việc giáo dục để thiết lập một hiệp ước giáo dục có hiệu quả. Các thành phần hiện diện trong buổi hội thảo gồm: con cái và phụ huynh, người huấn luyện và người thụ huấn, sinh viên và giảng viên và nhiều thành phần khác cùng hoạt động trong ngành giáo dục.
- g) Hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana (Roma)
Ngày 24/02/2020 Đại học Giáo hoàng Gregoriana, với sự cộng tác của Học viện Giáo hoàng PISAI chuyên ngành Ả Rập và Hồi giáo đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Giáo dục hướng tới một nhân loại huynh đệ hơn: đóng góp của các tôn giáo”. Trong buổi hội thảo có 7 thuyết trình viên, đại diện cho 7 truyền thống tôn giáo khác nhau: Công giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo và các tôn giáo truyền thống Phi châu. Theo hướng chung của đề tài, mỗi thuyết trình viên trình bày về nguồn sinh lực riêng của tôn giáo mình có thể đóng góp để cùng xây dựng tình huynh đệ đại đồng.
Ngoài những sự kiện đã được thực hiện trên đây, còn một số sự kiện đã dự kiến, nhưng chưa thực hiện được vì hoàn cảnh đại dịch Corona:
- h) Hội thảo tại Đại học Công giáo Sacro Cuore (Brescia/Italia)
Theo dự kiến, một cuộc hội thảo sẽ được tổ chức tại Đại học Công giáo Sacro Cuore, ngày 03/03/2020 với đề tài “Những thách đố giáo dục cho việc hợp tác quốc tế”.
- i) Hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Santa Croce (Roma)
Cuộc hội thảo tại Đại học Giáo Hoàng Santa Croce dự kiến được tổ chức ngày 05/03/2020 với đề tài “Tính cách gia đình của Trường học”.
- j) Thành phố người Trẻ (Città dei Ragazzi)
Theo chương trình đã được chuẩn bị, ngày 24/03/2020 được dành cho cuộc hội thảo tại Thành phố người Trẻ về đề tài “Những nẻo đường của quốc tịch: từ loại trừ đến bao gồm”.
- k) Abu Dhabi (United Arab Emirates)
Theo chương trình dự kiến ba ngày hội thảo, 03-05/02/2020, sẽ được tổ chức tại Abu Dhabi với đề tài “Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại để cấu tạo Hòa Bình và chung sống trên Thế giới”.
- l) Học viện Sophia (Lopiano/Italia)
Một cuộc hội thảo hai ngày (14-15/05/2020) được dự tính tổ chức tại Học viện Sophia (Lopiano/Italia) với đề tài “Hiệp ước giáo dục. Để mở ra những nẻo đường trong một hiện tại cùng chia sẻ”.
- Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục”
Ngoài những cuộc hội thảo nói trên, còn một công tác chuẩn bị rất quan trọng tiến đến ngày cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”; đó là Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục” sẽ được công bố và ký kết trong ngày cử hành. Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục” này không đề ra một lý thuyết giáo dục hay chương trình hành động, nhưng nhắm đến việc mời gọi tất cả cùng hướng việc giáo dục đến một mục đích chung.[9]
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Zani, Tổng Thư ký Bộ Giáo dục Công Giáo, người được trao trách nhiệm trực tiếp điều hành việc chuẩn bị cũng như việc cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Diane Montagna, được đăng trên báo điện tử Life Site News, ngày 25 tháng 02 năm 2020 nói rằng một nhóm chuyên viên đã được trao trách nhiệm soạn thảo bản tuyên ngôn này và nhóm này đã làm việc hơn một năm nay.
Nhóm chuẩn bị Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục” gồm các chuyên viên thuộc nhiều ngành khoa học, khuynh hướng, chính kiến và tôn giáo khác nhau. Nếu nhóm chuyên viên thuộc nhiều thành phần khác nhau về mọi mặt có thể cùng nhau soạn thảo được một Bản Tuyên ngôn chung về giáo dục, người ta có lý do để hy vọng rằng Bản Tuyên ngôn phản ánh trung thực những thao thức của thế giới rất đa dạng và phức tạp và sẽ dễ được mọi người chấp nhận để cùng dấn thân thực hiện.
- Cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”
Chương trình chi tiết của việc cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” chưa được công bố, nhưng những nét chính yếu đã được quyết định và phổ biến. Chương trình cử hành sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” gồm ba phần:
– Trước sự kiện chính yếu: Tuần lễ “Làng Giáo dục”;
– Sự kiện chính yếu (15/10/2020): ngày ký “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”;
– Sau sự kiện chính yếu (16/10/2020): ngày gặp gỡ của các Bộ trưởng Bộ Giáo dục của các quốc gia.
- a) Tuần lễ “Làng Giáo dục”
Một tuần trước ngày 15 tháng 10 là ngày chính yếu của sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” tất cả con đường Conciliazione (Hòa giải) dẫn vào Quảng trường đền thờ Thánh Phêrô sẽ được tổ chức thành “Làng Giáo dục” (Education Village). Ở đó sẽ được dựng lên những chiếc lều cho những vấn đề khác nhau liên quan đến giáo dục hoặc diễn tả công trình giáo dục thành công của một vùng hay miền tiêu biểu. Tại mỗi lều sẽ có những chuyên viên phụ trách, với những tranh ảnh và bài viết miêu tả vấn đề. Trong suốt tuần lễ, mỗi ngày “Làng Giáo dục” sẽ hoạt động từ 10g00 sáng đến 7g00 tối, đón tiếp bất cứ ai, nhất là các sinh viên, học sinh đến tham khảo, trao đổi và kể cả tranh luận.
- b) Sự kiện chính yếu
Ngày 15 tháng 10 năm 2020 là ngày chính yếu của chương trình cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” (trước biến cố Coronavirus đã được ấn định vào ngày 14 tháng 5 năm 2020). Chương trình của sự kiện chính yếu sẽ được thực hiện trong Đại thính đường Phaolô VI, gồm 3 phần:
– Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô;
– Cuộc đối thoại giữa các bạn trẻ và các vị lãnh đạo thuộc nhiều thành phần: tôn giáo, chính trị, văn hóa… có nhiều ảnh hưởng trên thế giới xoay quanh những vấn đề: Việc giáo dục ngày nay phải thực hiện như thế nào trước những khó khăn và thách đố mà nhân loại đang phải đối diện, chẳng hạn những cuộc xung đột chiến tranh, vấn đề thay đổi khí hậu, vấn đề bạo động, nghèo đói, vấn đề những người bị gạt ra bên lề xã hội;
– Đại diện các nhà lãnh đạo thuộc nhiều thành phần trên thế giới: tôn giáo, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, các vị đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình ký bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- c) Ngày gặp gỡ của các Bộ trưởng Bộ Giáo dục các quốc gia
Ngày 16/10/2020, sau ngày ký Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, các Bộ Trưởng Bộ Giáo dục của các quốc gia đến tham dự sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”[10] họp mặt tại Đại học Giáo Hoàng Lateranense để trao đổi với nhau về Hậu Hiệp ước Giáo dục: những gì cần làm và có thể làm tại các quốc gia để thực hiện Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- NHỮNG YẾU TỐ VÀ Ý TƯỞNG NỀN TẢNG CỦA “HIỆP ƯỚC GIÁO DỤC TOÀN CẦU”
Dự án “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới, nhưng bắt nguồn từ và dựa trên giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii gaudium)và thông điệp “Laudato sí”. Cũng có thể nói: “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” là giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô áp dụng trong môi trường giáo dục.
- Những vấn đề căn bản
- a) Văn hóa ích kỷ
Người ta nhận thấy trong xã hội hôm nay đang nổi lên và lan tràn ở nhiều nơi khuynh hướng đóng cửa lòng, quy hướng tất cả về mình, bảo vệ những quyền lợi và đặc ân của cá nhân hay một tổ chức đến độ trở thành vô tâm đối với tha nhân và loại bỏ người già cũng như mầm sống đang bắt đầu.
Khuynh hướng tự kỷ và đóng kín cửa lòng trước tha nhân phát xuất từ sự biến đổi sâu xa trong quan niệm về con người[11]. Hiện nay, khắp thế giới đang lan tràn một thứ văn hóa xây nền tảng trên quyền tối thượng của con người, hiểu như cá nhân hay tập thể, trên mọi thực tại. Có thể nói đây là văn hóa tôn thờ “cái tôi” của cá nhân hay tập thể đến độ người ta sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả những tình cảm quý báu nhất. Thứ văn hóa tôn thờ cá nhân và tập thể đã gây ra những rạn nứt sâu đậm và lớn lao. Đó là rạn nứt giữa các thế hệ, các dân tộc, các nền văn hóa, giữa người giàu và người nghèo, giữa người nam và người nữ, giữa kinh tế và luân lý, giữa loài người và trái đất[12].
- b) Ảnh hưởng của kỹ thuật
Ảnh hưởng của kỹ thuật trên tâm trí người thời đại, nhất là giới trẻ có thể nói là hàm hồ và mâu thuẫn, tức là vừa tích cực, vừa tiêu cực. Tính cách hàm hồ của kỹ thuật đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô diễn tả như sau: “Xã hội ngày càng đi đến toàn cầu hóa làm cho chúng ta gần nhau hơn, nhưng không làm cho chúng ta thêm tình nghĩa huynh đệ hơn”[13].
Một trong những yếu tố chính yếu hình thành tính cách toàn cầu hóa của xã hội là sự phát triển kỹ thuật, đặc biệt là những kỹ thuật liên quan đến công nghệ thông tin và đời sống ảo trên mạng. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số đang đặt ra những vấn đề vô cùng gay go đối với việc giáo dục. Những vấn đề đó có thể chia làm hai loại như sau:
– Khác biệt về tốc độ thực hiện
Các thế hệ trẻ hôm nay đang phải trải nghiệm sự mâu thuẫn do sự khác biệt về tốc độ thực hiện của kỹ thuật, nhất là internet và sự biến đổi hay thăng tiến theo tiến trình tự nhiên của đời sống thể lý, nhất là của hành trình luyện tập tiến tới sự trưởng thành nhân bản và tinh thần[14]. Vì năng tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật, nhất là internet, người ta quen thuộc với những kết quả “lập tức” và “đồng thời” với ý muốn và hành động nên dễ mất kiên nhẫn với những biến chuyển chậm chạp trong lãnh vực nhân bản, tinh thần và thiêng liêng. Do đó, con người thời đại dễ mất an bình nội tâm trong tương quan với tha nhân, còn với đời sống nhân bản và thiêng liêng của mình thì dễ chán nản và buông xuôi.
Như thế, internet và phương tiện truyền thông đại chúng đang làm thay đổi tận căn mối tương quan giữa những con người với nhau cũng như những ao ước, khát vọng và chính căn tính của mỗi cá nhân vì chúng làm thay đổi nhiều khả năng của con người, chẳng hạn trí nhớ, khả năng sáng tạo, khả năng chú ý và tự giác. Ngoài ra, vì quá dựa trên kỹ thuật, người ta cũng rất dễ đánh mất khả năng nhận ra tính cách mầu nhiệm của các mối tương quan giữa các thực tại[15].
– Tính vô cảm toàn cầu
Nhờ các phương tiện truyền thông, người thời đại có thể biết được mọi việc xảy ra trên khắp thế giới nên được mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết. Tuy nhiên, các sự kiện được phương tiện truyền thông cung cấp thuộc đủ loại: vui – buồn, thành công – thất bại, cao thượng – tàn ác, hạnh phúc – đau khổ… Tất cả, như một dòng nước cứ chảy triền miên vào trí óc mỗi người và ít khi một sự kiện đọng lại lâu giờ vì các sự kiện liên tục thay thế nhau trong tâm trí. Thực trạng này làm cho người ta dần dần quen thuộc với sự đau khổ của tha nhân và trở thành vô cảm trước những thảm cảnh của nhân loại[16].
– Sự phân hóa tâm lý
Sự phân hóa tâm lý phát sinh do sự tiếp cận thái quá những phương tiện kỹ thuật tân tiến là một trong những vấn đề trầm trọng và khẩn cấp cần được quan tâm trong việc giáo dục các thế hệ trẻ[17].
Tâm trí của người thời đại, nhất là của giới thiếu nhi và giới trẻ luôn luôn bị lôi cuốn bởi những yếu tố kích thích đa dạng, gây cản trở cho việc luyện tập sống thinh lặng. Thời gian và không gian cần thiết để nhận ra những khát vọng cũng như những sợ hãi của riêng mình bị đổ đầy bởi những giao tiếp liên tục và hấp dẫn, có sức lôi cuốn tâm trí. Những tương giao đó hướng tâm trí về những khía cạnh bề nổi, có thể tính toán và đo lường được, nhưng không hướng tâm trí đến ý nghĩa[18] chiều sâu của cuộc đời và của sự vật. Do đó, trong sự phong phú của các yếu tố và các sự kiện, người ta nghiệm thấy sự nghèo nàn về nội tâm, về khả năng suy nghĩ, khả năng lắng nghe tha nhân và lắng nghe chính mình. Ngoài ra, những kích thích đa dạng và liên tục đến từ kỹ thuật số còn “dẫn đến việc đánh mất ý thức về tổng thể, về tương quan giữa các sự vật và về viễn tượng xa cũng như về ý nghĩa”.
- Hướng đi căn bản cho việc giáo dục
Trước những hoàn cảnh trên đây, việc giáo dục cần quan tâm đến một số yếu tố quan trọng sau:
- a) Quan niệm về việc giáo dục
Dựa theo tinh thần của Thông điệp “Laudato sí”, tài liệu chuẩn bị cho “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” xác quyết là việc giáo dục sẽ không mang lại kết quả mong muốn nếu không truyền đạt được một mẫu sống mới về con người, về đời sống, về xã hội và về tương quan với thiên nhiên[19]. Do đó, cần phải hiểu việc giáo dục theo viễn tượng rộng lớn bao gồm các kinh nghiệm sống và hành trình luyện tập, giúp người trẻ phát triển nhân cách của mình[20].
Theo cách nhìn này, việc giáo dục không thể bị giới hạn trong việc học biết các kiến thức văn hóa và khoa học, nhưng còn phải mở rộng tới các khía cạnh nhân bản và thiêng liêng. Nói cách khác, việc giáo dục không chỉ nhắm đào tạo các thế hệ trẻ thành các chuyên viên tài giỏi, mà còn phải đào luyện họ thành những con người trưởng thành và đạo đức. Trong ý niệm này, việc giáo dục không được giới hạn trong các phòng lớp mà còn phải mở rộng ra môi trường gia đình, tôn giáo và các cơ cấu có thể hỗ trợ gia đình trong trách nhiệm giáo dục[21].
- b) Kiến tạo lại căn tính của mỗi người
Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đang làm cho các tương quan của mỗi người với tha nhân, với thiên nhiên và với chính mình thay đổi sâu xa đến nỗi làm biến dạng hình ảnh mỗi người có về chính mình và tạo ra một căn tính gẫy vụn trong con người. Hoàn cảnh này làm phát sinh trong nội tâm mỗi người nỗi buồn khổ và tâm trạng bất an. Trong bối cảnh này, trách nhiệm khẩn cấp của giáo dục là giúp các bạn trẻ kiến tạo lại căn tính và tìm lại nội tâm của mình[22].
Trách nhiệm nói trên của việc giáo dục có thể được thực hiện qua hai tác động. Tác động thứ nhất là trực diện khuynh hướng tôn thờ “cái tôi”để biến đổi nó[23]; tác động thứ hai là nối kết lại các tương quan rộng lớn bao trùm con người; đó là tương quan xã hội, văn hóa và môi trường. Các tương quan trên lệ thuộc và bổ túc lẫn nhau. “Coi thường việc nuôi dưỡng mối tương quan trung thực với tha nhân… sẽ làm tổn hại mối tương quan nội tâm với chính mình, với Thiên Chúa và với thiên nhiên”[24].
- c) Tình liên đới
Một trong những khía cạnh nổi bật của thế giới hôm nay là tình trạng phân hóa, chia rẽ, xung đột và chiến tranh. Do đó, nhu cầu khẩn cấp của thế giới là cấu tạo lại tình liên đới giữa các thành phần và giữa các thế hệ trong xã hội. Đứng trước tình trạng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng: “Chúng ta thấy bị thách thức phải khám phá ra và thông truyền ‘huyền nhiệm’ sống chung, gặp gỡ và xen trộn vào nhau, sát cánh với nhau, dựa vào nhau, tham dự vào đám đông có chút hỗn độn, nhưng có hy vọng sẽ trở thành một kinh nghiệm về tình huynh đệ, về đoàn người liên đới cùng tiến bước.”[25] Việc giáo dục cần phải tham dự vào việc biến đổi này qua hai hành động:
– Viễn tượng tình huynh đệ nguyên thủy
Các vấn đề phân hóa, chia rẽ, xung đột, chiến tranh và loại trừ nhau bắt nguồn từ sự thiếu vắng ý thức về nguồn gốc chung, về việc tất cả cùng thuộc về nhau và cùng chung một tương lai[26].
Yếu tố chung này được diễn tả bằng cụm từ “tình huynh đệ nguyên thủy”, hiểu theo phạm trù văn hóa và nhân chủng học, tức là yếu tố thuộc vào bản tính. Người ta có thể tự do lựa chọn những người bạn hay những người đồng hành, nhưng không tự do chọn người anh em vì mỗi người, khi sinh ra là nhận một bản tính “người” chung với mọi người[27]. Do đó, “tình huynh đệ nguyên thủy” bao gồm tất cả mọi người, không loại trừ ai và được thực hiện qua những thái độ chính yếu như: gặp gỡ, liên đới, thương xót, quảng đại, đối thoại, trao đổi[28].
– Hiệp nhất trong khác biệt
Nguồn gốc của tình trạng phân hóa và chống đối nhau dẫn đến xung đột dưới nhiều hình thức lắm khi phát sinh từ việc sợ hãi sự khác biệt[29]. Do đó, để cấu tạo sự hiệp nhất cần phải có một bước nhảy vọt về tư tưởng và thay đổi tận căn cách suy nghĩ thông thường. Cho đến bao giờ sự khác biệt còn bị coi là đối nghịch với sự hiệp nhất thì chiến tranh vẫn luôn rình rập trước cửa. Trách nhiệm của giáo dục là trình bày một hệ tư duy mới, biết gìn giữ cách hài hòa hiệp nhất và khác biệt, bình đẳng và tự do[30].
Hiệp nhất và khác biệt không loại trừ nhau, mà trái lại còn cần nhau. Tách biệt khỏi nhau, hiệp nhất sẽ loại trừ những gì là khác biệt, làm cho cuộc sống của tha nhân và của chính mình trở thành ngột ngạt, còn sự khác biệt mà không có hiệp nhất sẽ sớm biến thành rối loạn. Việc giáo dục cần phải hành động ở bình diện này là bình diện tư tưởng, giúp nhận ra là hiệp nhất cần sự khác biệt và tha nhân với sự khác biệt là ơn phúc chứ không phải là rào cản không cho mình thăng tiến. Việc giáo dục này hết sức cần thiết vì “các cuộc chiến tranh bắt đầu từ trong lòng chúng ta khi chúng ta không có khả năng mở lòng cho tha nhân, khi chúng ta không có khả năng nói với tha nhân”[31].
Việc giáo dục không được dừng lại ở những nguyên tắc, mà phải tiến sang việc thực hành làm phát sinh văn hóa gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại nên cả khi phải tranh luận, “cần nhớ mình là anh em và vì vậy cần đào tạo và tự đào tạo để không coi người kia là kẻ thù hay quân địch cần phải loại trừ”[32]. Chính trong đối thoại và lắng nghe, “chúng ta tập đón nhận tha nhân trong sự khác biệt về cách sống, cách suy nghĩ và cách diễn tả của họ”[33]. Do đó, nền giáo dục thành công và kết quả không chỉ tùy thuộc khả năng chuyên môn của các giảng viên, cũng không hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng tài giỏi của các sinh viên, học sinh, mà còn tùy thuộc vào chất lượng mối tương quan giữa các giáo viên và học viên[34].
Sau tất cả những điều đã được trình bày, một câu hỏi được đặt ra: “Thế giới này có thể thay đổi nên tốt hơn không?” Thực ra câu hỏi này đã được đặt ra trong Tài liệu chuẩn bị sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” và câu trả lời là “Thế giới có thể thay đổi nên tốt hơn”[35]. Đây chính là nguyên tắc nền tảng cần phải đưa vào chương trình giáo dục. Nếu không có xác tín là thế giới có thể thay đổi nên tốt hơn, người ta, nhất là giới trẻ sẽ thiếu đi một sức mạnh thúc đẩy và sẽ không dấn thân thực hiện. Thực ra, hình ảnh một thế giới tương lai tốt đẹp hơn là viễn tượng của thời cánh chung, là chương trình cứu độ của Thiên Chúa: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Đấng ngự trên ngai phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’. Rồi Người phán: ‘Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật’.” (Kh 21,1-6).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (tháng 7 & 8 năm 2020)
[1] Dưới đây là một số văn kiện: ĐTC Piô XII, Huấn từcho Hiệp hội Giáo chức Công giáo Trung học Ý (U.C.I.I.M.), 5.1.1954: Discorsi e Radiomessaggi XV, tr. 551-556; GIOAN XXIII, Huấn từcho Đại hội Hiệp hội Giáo chức Công giáo Ý (A.I.M.C.) lần VI, ngày 5.9.1959: Discorsi, Messaggi, Colloqui, I, Roma 1960, tr. 427-431; ĐTC Phaolô VI, Huấn từ cho Cơ quan Quốc tế Giáo dục Công giáo (O.I.E.C.), 25.2.1964: Encicliche e Discorsi di Paolo VI, II, Roma 1964, tr. 232; Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum Educationis; Bộ Giáo dục Công Giáo: The Religious Dimension of Education in a Catholic School (April 7, 1988); The apostolate of religious teaching in the Catholic schools (October 15, 1996); Consecrated Persons and their Mission in Schools. Reflections and Guidelines (October 28, 2002); Educating Together in Catholic Schools. A Shared Mission between Consecrated Persons and the Lay Faithful (September 8, 2007); “Reform of the Higher Institutes of Religious Sciences” (June 28, 2008);“Educating to Intercultural Dialogue in Catholic Schools. Living in Harmony for a Civilization of Love” (October 28, 2013); Educating Today and Tomorrow: A Renewing Passion (Instrumentum laboris) (April 7, 2014); Educating to fraternal humanism – Building a “civilization of love” 50 years after Populorum progressio (April 16, 2017); Male and female he created them: towards a path of dialogue on the question of gender theory in education (February 2, 2019).
[2] Những văn kiện chính yếu chỉ đạo cho việc chuẩn bị “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”:
ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (http://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html ),
Thông điệp “Laudato sí” (http://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html ),
Sứ điệp giới thiệu “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”(https://www.educationglobalcompact.org/it/invito-di-papa-francesco/ );
Bộ Giáo dục Công giáo, Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), (https://www.educationglobalcompact.org/resources/Risorse/instrumentum-laboris-en.pdf ).
[3] https://www.educationglobalcompact.org/it/invito-di-papa-francesco
[4] Bộ Giáo dục Công Giáo có trách nhiệm hướng dẫn 216.000 trường học Công giáo, nơi có hơn 60 triệu học sinh theo học và 1.750 Đại học Công giáo nơi có hơn 11 triệu sinh viên theo học.
[5] https://www.educationglobalcompact.org/it/
[6] Như đã nói trên đây, vì hoàn cảnh dịch corona, sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” được dời đến ngày 15/10/2020.
[7] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 2.
[8] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, https://www.educationglobalcompact.org/it/invito-di-papa-francesco/
[9] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, n. 2.
[10] Trong Đại Hội Nghị của Bộ Giáo Dục 17-21/2/2020, ĐTGM Vincenzo Zani, Tổng Thư ký của Bộ Giáo Dục Công Giáo, cũng là người tổ chức “Hiệp ước Giáo dục Toàn Cầu” thông báo là đến ngày 20/2/2020 đã có 47 Quốc gia ghi danh sẽ gửi Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục sang tham dự “Hiệp ước Giáo dục Toàn Cầu”.
[11] ĐTC Phanxicô, Bài phát biểu cho các thành viên của Hàn lâm viện giáo hoàng về sự sống, Đại Hội nghị tháng 10 năm 2017.
[12] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 1.
[13] ĐTC Bênêđictô, thông điệp “Đức ái trong Sự thật”, số 19.
[14] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 2.
[15] x. ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 20.
[16] x. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới, 1 tháng 1 năm 2014; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 2.
[17] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 3.
[18] ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 110; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 3.
[19] x. ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 215.
[20] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 1.
[21] x. Diễn văn của ĐTC Phanxicô trong buổi Triều yết dành cho Ngoại Giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh, ngày 09/01/2020; Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 1.
[22] x.Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 4.
[23] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 1.
[24] ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 70.
[25] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, số 87; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 1.
[26] x. ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 220.
[27] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 3.
[28] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 3.
[29] x. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới, 01/01/2020.
[30] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 1.
[31] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), đã trích.
[32] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới, 01/01/2014.
[33] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, số 250; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 1.
[34] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 2.
[35] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 3.
Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo
2020
Chăm sóc sự sống trong bối cảnh thế tục hóa
CHĂM SÓC SỰ SỐNG TRONG BỐI CẢNH THẾ TỤC HÓA
Sự quân bình đúng đắn giữa đạo đức cá nhân và trách nhiệm tập thể
DÀN BÀI
- Phá thai chọn lọc (avortement sélectif): Một tai họa ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
- Thế tục hóa xã hội Việt Nam và việc đẩy lùi những giá trị truyền thống.
- Sự phân định (discernement) về trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể.
- Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Phá thai hay việc kẻ mạnh thống trị người yếu.
- Lời chất vấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đối với nạn phá thai chọn lọc.
- Cuộc tranh luận về tế bào gốc phôi: Phôi, biểu tượng của những gì dễ bị tổn thương nhất.
- Phôi đã trở thành biểu tượng của những điều dễ bị thương tổn nhất.
- Những phân biệt phải có trước khi đề cập đến đề tài nghiên cứu về tế bào phôi?
- Những lưu ý về phương pháp của nhà thần học luân lý công giáo.
- Đâu là những giá trị chúng ta sẽ cùng chia sẻ để thực hiện những phân biệt đó?
- Bảo vệ phôi là một lời chất vấn.
- Đòi hỏi quyền tự tử với sự trợ lực của y học như là hành vi cuối cùng của tự do.
- Đòi hỏi về an tử nêu lên vấn đề về cái chết trong một xã hội thế tục hóa.
- Chết để không làm hỏng cuộc đời.
- Khuynh hướng tự tử của những người cao tuổi.
- Quyền tự quyết của bệnh nhân: một đóng góp đến từ Hoa Kỳ.
- Một nền đạo đức và một nhãn quan về con người nảy sinh từ việc chăm sóc.
WHĐ (23.9.2020) – Khi xảy ra chuyện không tôn trọng sự sống con người trong những lãnh vực đạo đức sinh học (phá thai, nghiên cứu về tế bào gốc của phôi, an tử,…), nhà thần học luân lý đưa ra phán đoán luân lý bằng cách cố gắng trả lời cho câu hỏi: “Hành động có tính y khoa đó gây phương hại cho sự sống người khác ở chỗ nào?”. Nhưng nhà thần học luân lý cũng phải đặt câu hỏi về chính trách nhiệm luân lý của người hành động. “Có thể quy trách nhiệm cho chủ thể đạo đức về việc không tôn trọng sự sống này đến mức nào?” Thật vậy, nhà luân lý biết rằng môi trường xã hội và chính trị đôi khi có thể ảnh hưởng đến sự đúng đắn của phán đoán và cả trên sự tự do hành động cách ngay thẳng nữa.
Trong bối cảnh thế tục hóa, những điểm mốc đạo đức thật mong manh. Những giá trị của gia đình và tình liên đới, theo truyền thống, từng được thể hiện trên bình diện làng xóm, bây giờ có thể bị đặt trước thử thách khắc nghiệt do những biến chuyển xã hội hoặc sự xáo trộn về dân số. Làm sao để lời nói của Giáo Hội và vai trò của các cộng đoàn kitô hữu có thể tiếp tục soi sáng cho sự phân định cũng như trách nhiệm đạo đức. Đó là vấn đề hướng dẫn con người và các đôi bạn trong việc tôn trọng sự sống vào những thời điểm mà hẳn nhiên họ cần được hướng dẫn hơn cả.
Một thách đố như thế đòi hỏi nơi nhà luân lý một đề xuất (démarche) gồm ba chiều kích. Trước hết, diễn giải luân lý của nhà luân lý không những phải đầy đủ về những chuẩn mực của Huấn quyền (informé des normes magistérielles) mà cũng phải hiểu biết về bối cảnh xã hội chính trị trong đó những chuẩn mực này được thực thi. Thứ đến, sự quan tâm đến bối cảnh trong đó hành vi luân lý được thực hiện mời gọi nhà luân lý ưu tiên cho một “nền đạo đức của sự mỏng giòn”. Tuy nhiên, một nhà thần học quan tâm đến những khó khăn cá nhân và tập thể trong việc tuân giữ những luật lệ của đòi buộc luân lý khách quan không được “làm cho nền luân lý trở thành mỏng giòn” và đi đến chỗ trở thành luân lý chủ quan hay quan niệm tương đối về lề luật. Điều này có nghĩa là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lượng định giá trị luân lý của hành vi nhân linh trong hoàn cảnh cụ thể (en situation). Sau cùng, để tôn trọng trọn vẹn sự sống, một nền luân lý biết lưu tâm đến tính mỏng giòn (fragilité), dễ tổn thương (vulnérabilité) của chủ thể, phải đi đến chỗ quan tâm săn sóc những con người, và đôi khi cả đến chỗ quan tâm tới những cơ chế tổ chức nhằm giúp người ta cách cụ thể trên con đường trở về với Đức Kitô.
Tiểu luận này dành ưu tiên cho việc đồng hành và khoa sư phạm hướng dẫn đời sống luân lý nhằm tôn trọng sự sống hơn. Cách tiếp cận vấn đề đi theo phương pháp vừa quy nạp vừa diễn dịch của nền đạo đức Kitô giáo. Quy nạp bởi nó không ngần ngại nối kết với truyền thống giải nghi bằng cách nại đến kinh nghiệm của chủ thể luân lý khi vấn đề liên quan đến việc phát huy sự sống. Diễn dịch vì nó đưa nguyên lý nền tảng là tôn trọng sự sống con người từ lúc thụ thai đến khi chết cách tự nhiên vào trong việc phân định những chuẩn mực. Để minh họa cho sự phức tạp của một đề xuất như thế, chúng tôi sẽ lần lượt lấy làm ví dụ trước hết là việc phá thai, rồi đến việc nghiên cứu trên phôi và cuối cùng là vấn đề an tử.
- PHÁ THAI CHỌN LỌC (AVORTEMENT SÉLECTIF): MỘT TAI HỌA NGÀY CÀNG PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, một quốc gia với khoảng 90 triệu dân, mỗi năm có hai triệu vụ phá thai. Tại đây, hơn 1/5 số lần mang thai bị chủ tâm cắt đứt. Ngoài ra, các bác sĩ Việt Nam sẵn lòng can thiệp ngay cả khi thai đã được 18 hoặc 20 tuần. Vào giai đoạn này, ngành siêu âm cho cha mẹ biết về phái tính của thai nhi. Hậu quả là việc phá thai chọn lọc đối với các bé gái không ngừng tăng trong sáu năm qua.
“Là mẹ của hai bé gái, chị Huyền (tên đã được thay đổi) giấu chồng lần mang thai cuối cùng của mình. Anh đã dọa sẽ ly dị nếu đứa con thứ ba của họ không phải là con trai. Mẹ chồng của cô “thêm dầu vào lửa”: “Thêm một đứa con gái nữa trong nhà sẽ làm hại tương quan giữa chúng ta”. Và thế là, khi mang thai được bốn tháng, người phụ nữ Hà Nội trạc ba mươi này đi siêu âm: nếu đó là một đứa con trai, cô sẽ giữ lại cái thai và báo tin cho người xung quanh; nếu không, cô sẽ phá thai. Hoàn toàn hợp pháp.[1]
Để có thể thực hiện một việc làm có tính y khoa như vậy, cần hội đủ nhiều điều kiện. Một số điều kiện thuộc phạm vi xã hội và một số khác phát xuất từ chọn lựa hoàn toàn có tính cá nhân. Trước hết, việc phá thai chọn lọc loại trừ các bé gái giả thiết một sự tiến bộ về kỹ thuật y khoa, trong trường hợp này là máy móc siêu âm đủ mạnh để thông tin cách chính xác về phái tính của đứa trẻ sẽ sinh ra. Tiếp đến, đất nước cũng phải có đủ nguồn lực kinh tế để đảm bảo phổ cập hóa việc siêu âm trên toàn lãnh thổ. Thật vậy, chỉ có sự nối kết những nhân tố kỹ thuật sinh học với những nhân tố xã hội- kinh tế mới cho phép ngày càng nhiều bậc cha mẹ được biết về phái tính của con họ trước cả khi cháu bé chào đời. Vả lại, những cơ sở chăm lo sức khỏe này cũng phải chấp nhận vi phạm luật và đáp ứng cách tích cực những yêu cầu phá thai theo ý muốn cá nhân, vì luật pháp hiện hành tại Việt Nam chính thức cấm các cơ sở y tế tư nhân hay bệnh viện thực hành việc phá thai chọn lọc.[2] Cuối cùng, việc thực hành phá thai cũng phải là điều gì đó đã quen làm trong xã hội. Tại Việt Nam, việc phá thai được du nhập từ hơn hai mươi năm trong khuôn khổ của chính sách hạn chế sinh sản mà mục tiêu nguyên thủy là xóa đói giảm nghèo.
Nhưng quyết định phá thai của cô Huyền ở đây vẫn là một hành vi mang tính chất cá nhân rất cao. Quyết định này thậm chí còn giả thiết việc giải phóng cô (émancipation): cô Huyền một mình quyết định; việc phá thai sẽ được thực hiện mà chồng cô (tức là người cha sinh học của đứa con) không biết. Việc phá thai cũng tùy thuộc vào quyết định của vị bác sĩ, người – vì một khoản tiền – chấp nhận thực hiện việc phá thai và giữ im lặng…
Như vậy việc tầm thường hóa chuyện phá thai chọn lọc ở Việt Nam giả thiết một sự đảo lộn kép, đảo lộn trong cách ứng xử cá nhân cũng như trong cách hành xử của tập thể. Những sự thay đổi này thuộc phạm vi kỹ thuật và y học, kinh tế và chính trị nhưng cũng thuộc phạm vi xã hội và văn hóa. Những yếu tố này liên quan đến cái môi sinh ‘có tính xã hội’ (sociétal) của việc phá thai và không thể bị xem nhẹ khi lượng định giá trị luân lý của việc phá thai. Quả vậy, những nhân tố xã hội có thể tạo ra một áp lực đáng kể trên chọn lựa luân lý của đôi bạn trong lãnh vực tôn trọng sự sống.
Đối lại, các chọn lựa cá nhân không phải là không để lại hậu quả đối với công ích của xã hội Việt Nam. Quả thực, khi sự phá thai chọn lọc bị tầm thường hóa trong lương tâm cá nhân của chủ thể đạo đức thì việc thực hành đó cũng sẽ dần trở nên phổ biến trong toàn xã hội. Tại Việt Nam, hiện nay cứ 100 trẻ nữ chào đời thì sẽ có 112,3 trẻ nam.[3] Sự phát triển của tỉ lệ nam nữ sơ sinh (sex ratio) tại Việt Nam đã vượt nhanh tỉ lệ này tại Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên. Theo những con số thống kê, sự khác biệt này càng đậm nét hơn trong những gia đình khá giả đa số sống ở miền Nam đất nước. Hậu quả là vào năm 2050, một phần mười đàn ông Việt Nam đến tuổi lập gia đình sẽ không thể tìm ra vợ!
- THẾ TỤC HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ VIỆC ĐẨY LÙI NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
Những đổ vỡ do làn sóng di dân khỏi các vùng quê và sự tăng nhanh của tiến trình đô thị hóa, sự tiến triển của các lối sống, sự tan vỡ các gia đình, các khó khăn kinh tế, toàn cầu hóa cũng như sự xuất hiện của xã hội tiêu thụ, thường được kể đến như là những nguyên nhân của sự gia tăng đáng kể việc phá thai tại Việt Nam. Nhưng tại sao sự hiện đại mà xã hội Việt Nam đang mở hết tốc độ hướng tới lại nhất mực thiếu ân cần đón nhận các bé gái hơn là các nếp sống truyền thống? Nói cách khác, tại sao thành phố lại ít tôn trọng sự sống của đứa trẻ sẽ chào đời hơn là làng quê?…
Những nguyên nhân của việc phá thai chọn lọc cũng cần được tìm kiếm nơi những não trạng truyền thống. Nếu những trẻ gái bị chủ động loại trừ ngay lúc sơ sinh cũng là vì trong truyền thống văn hóa Việt Nam, con trai lo chu cấp cho nhu cầu của cha mẹ trong khi con gái lo lắng cho gia đình nhà chồng nơi cô sinh sống. Hơn nữa, con trai cũng gìn giữ dòng họ được trường tồn. Như cha Phêrô Trần Quốc Hưng Long viết trong luận văn cử nhân mới đây về đề tài này, được trình tại Học viện Công giáo Paris vào tháng 1/2014:
“Theo truyền thống, việc thờ cúng tổ tiên phải do trưởng nam trong nhà thực hiện. Ngày xưa, anh ta không bao giờ xa rời nhà cha mẹ. Và sự hiện diện của người đàn ông bảo đảm duy trì việc thờ cúng tổ tiên (…) Như vậy, ảnh hưởng của học thuyết Khổng tử trong lịch sử Việt Nam giải thích một phần lớn sự cần thiết phải có một đứa con trai để nối dõi tông đường”.[4]
Khi giới hạn tối đa mỗi gia đình chỉ có hai đứa con, chính quyền đã làm cho ngày càng nhiều cha mẹ nghĩ rằng thêm một đứa con gái thứ hai là điều đặc biệt ‘không may’(malvenu). Việc phá thai chọn lọc tìm được điểm tựa nơi những yếu tố xã hội và chính trị của một xã hội hiện đại đang trên đường thế tục hóa, nhưng nó cũng dựa vào những suy tính mang sắc thái văn hóa và tôn giáo vốn ăn rễ sâu trong di sản của truyền thống tổ tiên.
- SỰ PHÂN ĐỊNH (DISCERNEMENT) VỀ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM TẬP THỂ
Bởi đó, làm thế nào nhà thần học luân lý có thể đề cập đến trường hợp của chị Huyền cách toàn diện và với tất cả sự phức tạp của nó?
Chọn lựa thứ nhất là dấn thân vào lãnh vực nghiên cứu về giới (gender study). Khi đó nhà thần học luân lý sẽ đề cập đến vấn đề tương quan giữa người nam và người nữ cũng như sự quân bình về vai trò của họ trong xã hội. Cách tiếp cận đó gợi hứng từ trào lưu nữ quyền ở Hoa Kỳ trong những năm 1970. Khi đó, đối với nhà luân lý, tố cáo “sự thống trị mang tính gia trưởng” của đàn ông Việt Nam đối với vợ mình có vẻ sẽ là cách thức tốt để chống lại việc loại trừ các bé gái ngay từ trong dạ mẹ. Tuy nhiên khó khăn của một lập trường như thế là nó sẽ làm cho những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam càng trở nên mong manh thêm nữa. Thế mà gia đình Việt Nam lại cần được nâng đỡ như là một yếu tố cấu tạo nên thiện ích chung trong một xã hội đang biến chuyển mạnh hoặc đang phải đối mặt với chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển.
Chọn lựa thứ hai đối với nhà thần học luân lý là giải thích-lại một giá trị rất truyền thống của xã hội Việt Nam; đó là tình liên đới liên thế hệ. Luận đề nhà thần học luân lý đưa ra là: một tình liên đới như thế không tiên thiên mâu thuẫn với thế tục hóa và việc đô thị hóa các lối sống. Trách nhiệm của nhà thần học luân lý sẽ là khuyến khích và phát triển việc thực hiện mối liên kết gia đình này trong một môi trường khác và khởi đầu những cách thực hành mới nhằm chống lại việc làm cho các gia đình trở thành mong manh về mặt xã hội và kinh tế. Trong cách tiếp cận này, nhà thần học luân lý hoàn toàn có thể liên kết với những lời phát biểu của ông Dương Quốc Trọng, tổng giám đốc chương trình Kế hoạch hóa gia đình khi ông đề nghị cách chính xác “cải thiện hệ thống hưu trí của chúng ta để những bậc cha mẹ không có con trai không còn lo ngại phải sống tuổi già trong cảnh khốn cùng”.
Kết luận, một cách khách quan, phá thai chọn lọc là một hành vi không tôn trọng sự sống con người rất nghiêm trọng. Việc tầm thường hóa hành vi này đã bộc lộ một chủ trương tương đối về mặt luân lý đáng lo ngại. Nhưng đối với nhà luân lý nó cũng là triệu chứng của một nỗi lo âu có tính xã hội và chính trị; đồng thời giữa những mối bận tâm có tính văn hóa lẫn tôn giáo, nó là chuyện được hay mất về mặt đạo đức. Thật vậy, việc làm cho con người trở nên mong manh yếu ớt đến thế về mặt đạo đức nhất định phải tra vấn nhà luân lý.
Một mục tử biết quan tâm sẽ nhắc lại những quy luật đạo đức, nhưng ngài cũng sẽ đồng hành với người ta ngang qua những thách đố và biến chuyển của xã hội. Nếu có thể, ngài cũng sẽ cố gắng hướng những cơ chế đến những cải tổ cần thiết. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II là mẫu gương sống động cho cách làm như thế.
- ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II: PHÁ THAI HAY VIỆC KẺ MẠNH THỐNG TRỊ NGƯỜI YẾU
Phá thai luôn luôn bị kết án trong suốt hai ngàn năm của lịch sử Kitô giáo. Giáo luật năm 1983, điều 1238, tuyên bố: “Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết”. Tại Công đồng Vatican II, lời kết án đó được diễn đạt như sau:
“Thực vậy, Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được gìn giữ hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm”.[5]
Lưu ý là Đức Gioan Phaolô II đã thêm một lý chứng khác vào việc kết án phá thai. Ngài đã nhắc lại: nó là sự thống trị của kẻ mạnh trên người yếu. Quả thế, qua việc phá thai, những cá nhân trưởng thành tấn công một sự sống đang còn mong manh ngay từ trong lòng mẹ. Nhưng – Ngài thêm – đôi khi những người phụ nữ đã tìm đến việc phá thai vì họ ở trong những hoàn cảnh không còn chọn lựa nào khác khi họ thiếu những nguồn lực cho phép họ tiếp tục mang thai hay nuôi con trong những điều kiện tốt. Như vậy, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã đem tình liên đới ra để chống lại việc phá thai. Chỉ có tình liên đới mới cho phép tố giác thực trạng “bạo lực” của việc phân phối cách bất công các nguồn tài nguyên kinh tế. Cũng vậy, tình liên đới hành động chống lại bạo lực mà những bà mẹ tương lai phải hứng chịu, nhưng trước tiên đó là bạo lực đối với sự sống của đứa trẻ sẽ sinh ra.
Trong mức độ mà những người phụ nữ phá thai có thể bị dồn ép bởi các khó khăn của cuộc sống hay vì, một cách khách quan, họ không còn chọn lựa khác, Đức Gioan Phaolô II không coi họ là “những tội nhân”. Trong một số trường hợp, Ngài cũng không coi họ như là những người chủ động thực sự của việc phá thai mà đúng hơn là nạn nhân. Trái lại, Đức Gioan Phaolô II đã kết án cách rõ ràng sự khước từ liên đới như là điều thuộc về “ các cơ cấu của tội xã hội” (structures de péché social).
- LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II ĐỐI VỚI NẠN PHÁ THAI CHỌN LỌC
Cách tiếp cận như Đức Gioan Phaolô II tiếp tục tra vấn các Kitô hữu về những giải pháp thay thế mà họ đề nghị khi đối diện với nạn phá thai nói chung và với nạn phá thai chọn lọc đối với các bé gái Việt Nam nói riêng.
Thực vậy, chỉ lên án một việc làm thôi thì chưa đủ nhưng còn phải cùng nhau hình dung ra những phương dược đối với những hoàn cảnh phức tạp và đau đớn hiện vẫn đang dẫn đưa rất nhiều phụ nữ đến chỗ xin phá thai một hoặc nhiều lần trong cuộc đời họ. Lời chất vấn của Đức Gioan Phaolô II đánh dấu “một khúc rẽ mang tính xã hội và chính trị” trong suy tư của chúng ta trong ngành luân lý sinh học và cả trong sự dấn thân của mỗi người vì sự sống. Cũng về chủ đề tôn trọng sự sống này, nữ thần học gia người Mỹ Lisa Sowle Cahill viết:
“Khoa thần học về luân lý sinh học cần đặt những câu hỏi về việc sinh sản vào lại trong bối cảnh của những cách hành xử trong xã hội, những cơ chế và những chính sách về sức khỏe và phải suy tư về vai trò mà tôn giáo nói chung và thần học nói riêng có thể đóng để làm cho những cách hành xử, những cơ chế và chính sách về sức khỏe này trở nên công bằng và đúng đắn hơn”.[6]
Cách tiếp cận vấn đề của Huấn quyền chỉ ra trách nhiệm luân lý của các cộng đoàn nhằm bảo đảm để không người phụ nữ nào phải đi đến chỗ chọn phá thai vì bà cảm thấy bị đe dọa trong việc hội nhập vào xã hội hay gia đình, hoặc bị tước mất những săn sóc dành cho mình hay cho đứa con sẽ sinh ra, vì thiếu thốn chỗ ở, lương thực hay những phương tiện đối với việc giáo dục đứa trẻ.
Đức Thánh cha Gioan Phaolô II hay Lisa Cahill trình bày việc phá thai như là việc xã hội “biến phụ nữ thành nạn nhân” chứ không phải như sự “giải phóng” khỏi nạn áp bức của đàn ông. Đây không phải là vấn đề quyền cá nhân “được tùy nghi sử dụng thân xác của mình”, nhưng là việc đồng hành với những gia đình và xã hội trong sự tôn trọng đối với những quyền lợi dễ bị thương tổn nhất của con người mà đầu hết là quyền được sống.
- CUỘC TRANH LUẬN VỀ TẾ BÀO GỐC PHÔI: PHÔI, BIỂU TƯỢNG CỦA NHỮNG GÌ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
Liệu có nên cho phép sử dụng những phôi thặng dư? Đây là những phôi bị bỏ đi sau khi một dự định làm cha mẹ nhờ Thụ thai trong ống nghiệm thành công hoặc thất bại? Thật vậy, những phôi người này có thể sản sinh ra các tế bào gốc phôi (cellules souches embryonnaires- các tế bào ES đa năng lừng danh). Một mặt, việc sử dụng những phôi thặng dư cho phép các nhà khoa học theo đuổi việc nghiên cứu để giữ những lời hứa hẹn về một nền y học mới gọi là y học tái tạo (régénérative). Mặt khác, việc sử dụng phôi này sẽ biến phôi thành “đối tượng nghiên cứu” và luôn luôn kết thúc bằng việc phôi bị chết hay bị hủy.
- PHÔI ĐÃ TRỞ THÀNH BIỂU TƯỢNG CỦA NHỮNG ĐIỀU DỄ BỊ THƯƠNG TỔN NHẤT
Tôn trọng sự sống ngay từ giây phút khởi đầu đã trở thành vấn đề kéo theo những cái được hay mất quan trọng. Quả thế, nếu phôi người được tôn trọng vì điều nó là trong chính sự nhỏ bé và mong manh của nó, chống lại những ham muốn của việc nghiên cứu, thì có thể là sự sống sẽ được tôn trọng trong mọi giai đoạn của sự phát triển, bất chấp sự mong manh của nó.
Trong một xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của thế tục hóa mà hệ luận là sự thụt lùi của điều thiêng thánh và các yếu tố tôn giáo, phôi luôn được đề cập đến trong khung cảnh đối lập giữa khoa học và đức tin. Mục tiêu đặt ra ở đây là cùng nhau vượt qua cuộc tranh luận cổ điển về giá trị hữu thể học (statut ontologique) của phôi: “Đúng, phôi là một con người” hay “phôi đang trở thành người” đối lại với “Không, phôi không phải là người” hoặc chính xác hơn, “chưa là người”. Vả lại, nếu chúng ta đối chiếu với vấn đề phá thai vừa bàn bạc ở trên, thì điều đáng lưu tâm là “giá trị hữu thể” của đứa trẻ sắp sinh ra (“phôi đã là một con người rồi huống nữa là thai”) thường tỏ ra không đủ sức bảo đảm việc tôn trọng sự sống lúc đã 20 tuần tuổi, còn nói gì đến chuyện mới một vài ngày tuổi.
Tinh thần con người có khả năng nhận thức và thiết lập những phân biệt, và có khả năng khám phá ra những hệ lụy luân lý hàm chứa trong các phân biệt (distinction) này.[7]
Vậy đâu là những phân biệt cần thực hiện đứng trước sự phát triển rất nhanh chóng của các ngành điều trị bằng tế bào (thérapies céllulaires), sử dụng các tế bào gốc phôi nhưng lại hủy diệt phôi người? Chúng ta sẽ dựa vào những giá trị được đồng thuận nào để làm cho những phân biệt này được cộng đồng khoa học nhìn nhận? Vai trò của những phân biệt này là “để có thể đặt chân đến những triền dốc trơn (…), mà khi đặt chân lên một triền dốc trơn trượt, tất cả sẽ tùy thuộc vào việc bạn mang ván trượt hoặc mang giày đinh”.[8] Truyền thống Kitô giáo rất phong phú về những phân biệt này và có thể hướng dẫn việc tôn trọng sự sống giữa sự phức tạp của khoa đạo đức sinh học.
- NHỮNG PHÂN BIỆT PHẢI CÓ TRƯỚC KHI ĐỀ CẬP ĐẾN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VỀ TẾ BÀO PHÔI?
Nguyên tắc luân lý hướng dẫn Giáo Hội Công giáo về chủ đề thí nghiệm trên phôi người như sau: “Trực tiếp cất đi sự sống của một con người vô tội luôn luôn là điều xấu”. Mỗi tính từ của nguyên tắc luân lý trên: ‘trực tiếp”, “vô tội” và “người” tạo nên một vế của sự phân biệt ba chiều, trong đó nguyên tắc “Ngươi không được giết người” được áp dụng cách tuyệt đối.
Chính những sự phân biệt này có lẽ có thể giúp chúng ta xem xét những “hoàn cảnh giới hạn” (situations limites) trong đó nguyên tắc “ngươi không được giết người” sẽ không còn được áp dụng cách tuyệt đối. Chẳng hạn, hành động “giết” có thể là hợp pháp nếu một sự sống chưa được coi là sự sống con người. Như vậy, giết con cá khi đi câu không là tội sát nhân theo truyền thống Kitô giáo. Cũng thế, hành động giết người có thể là hợp pháp nếu con người có liên quan đó ngay từ đầu đã bị coi là “có tội”. Do đó, trong một thời gian dài Giáo Hội đã ủng hộ án tử hình nhân danh việc tôn trọng trật tự công cộng. Cuối cùng, đôi khi hành vi giết là hợp pháp nếu như cái chết của một người vô tội là hậu quả kèm theo không thể tránh và không phải do trực tiếp mong muốn khi hướng tới một lợi ích lớn hơn.
Khởi đi từ giáo huấn được rút ra từ truyền thống giải nghi, chúng ta được mời gọi suy tư – ít là một cách loại suy – về những câu trả lời dành cho các nhà khoa học muốn thí bỏ phôi để cứu lấy những cuộc đời khác.
- NHỮNG LƯU Ý VỀ PHƯƠNG PHÁP CỦA NHÀ THẦN HỌC LUÂN LÝ CÔNG GIÁO
Với cách đặt vấn đề như thế, nhà thần học luân lý gởi cho cộng đồng khoa học một sứ điệp mạnh mẽ: đối với chúng ta vấn đề phôi người hết sức nghiêm trọng vì nó đưa chúng ta trở về với truyền thống giải nghi đã từng giải quyết những vấn đề rất nghiêm trọng như vấn đề tự vệ chính đáng, vấn đề chiến tranh với các nạn nhân dân sự hoặc về tính hợp pháp của việc có áp dụng án tử hình hay không đối với các tội phạm.
Cách tiếp cận vấn đề này cho thấy nhu cầu của chúng ta là phải cùng nhau xem xét tất cả những hệ lụy luân lý hàm chứa trong đòi hỏi của các nhà khoa học khi họ yêu cầu được sử dụng các tế bào gốc phôi. Chẳng hạn ngày nay chúng ta có nhu cầu phân biệt rõ nét hơn giữa việc chăm sóc và việc nghiên cứu căn bản (đang còn chờ đợi những ứng dụng điều trị cụ thể); giữa việc quảng bá mau chóng những ước mơ của chúng ta trên các phương tiện truyền thông và thực tế lâm sàng tại các bệnh viện; giữa việc nghiên cứu về phôi và việc biến nó hoàn toàn thành phương tiện, giữa việc thực sự là “điều trị” với những gì vượt ngoài phạm vi “điều trị”, giữa điều giúp săn sóc bệnh tật với những gì chỉ giúp cho những người giàu có nhất có thể chơi tennis vào tuổi 60 tuổi giống như ở tuổi 40, giữa điều thuộc phạm vi hợp tác khoa học với điều tạo nên cuộc ganh đua khốc liệt giữa các nhóm nghiên cứu, giữa điều thuộc phạm vi sức khỏe cộng đồng và điều chỉ thuộc phạm vi lợi ích kinh tế béo bở dành cho các thị trường đông khách nhất hành tinh…
Tất nhiên ngày nay ngành điều trị bằng tế bào mở ra nhiều cánh cửa mới cho y học cũng như cho suy tư đạo đức của toàn xã hội. Một lần nữa, nghiên cứu về phôi là cơ hội để nền đạo đức Kitô giáo xem xét ba chiều kích đã ghi dấu ấn trên sự tiến hóa của xã hội và sự khó khăn trong phán đoán đạo đức: những biến chuyển ngày càng nhanh, chủ trương đa nguyên về lập trường luân lý và sự phức tạp của thực tế: “Làm thế nào để coi trọng đúng mức tất cả sự phức tạp đó và đâu là những giá trị chúng ta có thể cùng chia sẻ để từ đó quyết định về việc tôn trọng sự sống?”
- ĐÂU LÀ NHỮNG GIÁ TRỊ CHÚNG TA SẼ CÙNG CHIA SẺ ĐỂ THỰC HIỆN NHỮNG PHÂN BIỆT ĐÓ?
Quá thường khi chúng ta nghe nói rằng Huấn quyền của Giáo Hội Công giáo chỉ làm chậm tiến bộ khoa học nói chung và ngành điều trị bằng tế bào nói riêng. Giáo Hội có thể làm thế khi cứ lặp đi lặp lại những lời kết án.[9] Nên nhắc lại rằng từ lâu Giáo Hội Công giáo đã khuyến khích việc hiến máu và trao tặng các cơ quan (don des organnes). Trong lãnh vực này Giáo Hội ủng hộ việc phổ biến những cách chữa trị đầu tiên bằng việc cấy ghép mô. Hơn nữa, Giáo Hội ủng hộ những công trình nghiên cứu và những thành công của việc điều trị sử dụng các tế bào gốc trưởng thành vì chúng không đòi phải hủy bỏ phôi.
Trái lại, Giáo Hội Công giáo kiên quyết chống lại việc tạo ra các phôi mới chỉ để dùng cho việc nghiên cứu khoa học. Giáo Hội cũng chống lại việc nhân bản vô tính nhằm mục tiêu điều trị (clonage thérapeutique). Đối diện với rào cản này, ngày nay nhiều nhà khoa học đòi quyền được sử dụng những phôi còn thặng dư do việc thụ thai trong ống nghiệm (fécondation in vitro).
Nhìn từ quan điểm của Giáo Hội Công giáo, không thể nào khẳng định rằng một phôi người sẽ là một “sự sống có tội” hoặc sự sống đó “không phải là sự sống con người”. Như nữ thần học gia Công giáo người Mỹ đã viết:
“Không thể nào nghi ngờ điều này là các phôi người […] là người và đang sống (humains et vivants), như vậy chúng tạo thành ‘sự sống con người”. Vấn đề là biết được đâu là vị thế luân lý (statut moral) của các phôi này vào những giai đoạn đầu tiên của sự phát triển của chúng, vị thế mà người ta thường quy chiếu vào khi sử dụng phạm trù ngôi vị. Dù rằng cái ǵ cấu tạo nên một ngôi vị chính là đối tượng của cuộc tranh luận, nhưng giá trị luân lư của thuật ngữ này chính là để thông tri rằng các cá nhân thuộc về phạm trù đó cần phải được dành cho quyền hạn trọn vẹn, sự tôn trọng, quyền được tham dự và bảo vệ giữa cộng đồng nhân loại của các chủ thể”.[10]
Nói cách khác, trách nhiệm luân lý của chúng ta đối với phôi không kết thúc với sự thiếu chắc chắn về phương diện hữu thể học liên quan đến “nhân vị” hiện thực (personnalité actuelle) hay tiềm tàng (potentielle) của phôi. Và Cahill viết tiếp: “ Dù sự thiếu chắc chắn này có là vấn đề (problématique), có làm người ta ngạc nhiên hay không thoải mái đến mấy, thì việc phân tích khía cạnh đạo đức (…) của hành động hủy diệt phôi người vẫn cần được tiến hành mà không được loại trừ sự thiếu chắc chắn đó”.
Vị thế của phôi không chỉ là một vấn đề triết học hay siêu hình. Nó cũng là biểu tượng cho khả năng của chúng ta, cũng như của xã hội, trong việc bảo vệ những gì mong manh nhất, dễ bị thương tổn nhất giữa một thế giới thấm nhiễm những giá trị cạnh tranh nhau và được nhào nặn do những quy luật thị trường. Phôi đã trở thành sự biểu lộ mối quan tâm của chúng ta đối với người nghèo và đối với người ở trong tình thế không thể tự bảo vệ. Mối nguy của cuộc tranh luận này chính là nhân đó mà ‘hy sinh’ phôi vì lợi ích của khoa học, chiếc phôi người mà chúng ta biết rõ cả tầm quan trọng lẫn sự mong manh.
- BẢO VỆ PHÔI LÀ MỘT LỜI CHẤT VẤN
Nhà thần học luân lý nhắc lại rằng những vấn đề được đặt ra trên bình diện khoa học và kỹ thuật không thể bị tách rời khỏi một nhãn quan toàn diện hơn về con người, nam cũng như nữ, sống trong xã hội và được kêu gọi sống tình liên đới. Trong trường hợp có xung đột về các giá trị luân lý, những khái niệm phẩm giá con người và công ích cần phải được tôn trọng. Truyền thống Kitô giáo khẳng định rằng sự sống con người sau khi thụ thai dù có mỏng giòn đến đâu cũng cần phải được bảo vệ cách nghiêm nhặt, thậm chí bảo vệ tuyệt đối.
“Ngày nay, với ý thức về tất cả sức nặng của triết học hoài nghi phê phán (Hermeneutique de la suspicion), lối giải thích này muốn chống lại các lý lẽ của khoa học cũng như của thị trường mà mục tiêu chủ yếu là biến các phôi trở thành “sự vật” sẵn sàng cho kỹ thuật khai thác nhằm mục tiêu lợi nhuận; Nó có giá trị để chống lại lý lẽ của chủ trương tự do cực đoan về chính trị và kinh tế, một chủ trương chắc hẳn sẽ đứng về phía những lời lẽ mỹ miều đề cao tự do chọn lựa (…).”[11]
Các nhà khoa học, nhà kỹ nghệ và những người có quyền quyết định về chính trị – cũng như các Kitô hữu – được mời gọi đề cập tới những vấn đề về tế bào gốc và các ngành điều trị bằng tế bào dưới ánh sáng của những giá trị họ cùng chia sẻ: phẩm giá con người, công ích và tình liên đới. Một khi những giá trị đó được làm sáng tỏ và củng cố bằng giáo huấn và hành vi của Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy nổi lên rất rõ ràng chọn lựa ưu tiên dành cho những người dễ bị tổn thương nhất. Thế mà những cách điều trị bằng tế bào này hiện vẫn rất đắt đỏ và chỉ những hệ thống chăm sóc sức khỏe phát triển nhất mới có thể cung ứng. Chúng không thể tự mình mang lại những giải pháp cho các nhu cầu đích thực của nhân loại trong phạm vi sức khỏe cộng đồng: tiếp cận nguồn nước sạch, điều trị bệnh đường phổi và bệnh sốt rét.
Khi có sự xung đột giá trị giữa việc tôn trọng sự sống con người ngay từ lúc khởi đầu và những lợi ích y học mà việc nghiên cứu trên phôi chờ đợi, thì một sự phân định chung về tác động xã hội và chính trị của những cách thực hành y khoa mới mẻ này trở nên cần thiết. Nó cho phép người ta cùng nhau xác định rõ những thách đố lớn đối với một nền đạo đức tôn trọng toàn bộ sự sống – từ giây phút khởi đầu đến cái kết thúc tự nhiên – nhưng cũng tôn trọng sức khỏe của những người dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ cao nhất bị hy sinh chỉ vì lợi ích của quy luật thị trường.
- ĐÒI HỎI QUYỀN TỰ TỬ VỚI SỰ TRỢ LỰC CỦA Y HỌC NHƯ LÀ HÀNH VI CUỐI CÙNG CỦA TỰ DO
Các tiến bộ của khoa hồi sức và những kỹ thuật y học đã cho phép con người không ngừng đẩy lùi các giới hạn của cái chết. Nhưng thành công đó của y học đôi khi kéo theo nỗ lực chữa trị thái quá (acharnement thérapeutique). Sợ hãi trước cảnh cuối đời phải lệ thuộc vào quá nhiều phương tiện y khoa tân tiến và đắt đỏ (surmédicalisé) , các bệnh nhân và người thân của họ nêu lên một đòi hỏi mới: quyền được tự do kết thúc cuộc đời mình. Ngày nay nhiều người gợi ý nên hợp pháp hóa vấn đề an tử (euthanasie) hoặc là tự tử với trợ lực của y học (suicide médicalement assisté).
- ĐÒI HỎI VỀ AN TỬ NÊU LÊN VẤN ĐỀ VỀ CÁI CHẾT TRONG MỘT XÃ HỘI THẾ TỤC HÓA
Bằng những dự định và cách thức hành động của mình, chúng ta quen với việc làm chủ đời sống chúng ta. Sống trong một xã hội đang trên đường thế tục hóa, con người cũng bị cám dỗ làm chủ đến cả cái chết của mình. Mục tiêu là không để mình bị cái chết bất ngờ chụp bắt và cuối cùng giữ được sự tự lập của bản thân trước quyền lực của các bác sĩ hay của tôn giáo. Điều này được minh chứng qua lời lẽ của tiến sĩ Bernard Kouchner, đồng sáng lập tổ chức Bác sĩ không biên giới, khi đang là bộ trưởng bộ y tế và bản thân cũng là bác sĩ:
“Những niềm xác tín tôn giáo đòi buộc một số người phải tôn trọng điều này: cái chết xảy đến vào một ngày giờ không thuộc quyền họ. Trái lại, một số khác nghĩ rằng chọn lựa giờ chết cho mình là hành vi cuối cùng của một con người tự do. Tại sao lại không tôn trọng những khác biệt này và để cho mỗi người quyết định xem họ thích phó thác cho số mệnh, cho Thiên Chúa hay cho các bác sĩ?”[12]
Tuy nhiên, cái chết đòi hỏi tất cả và mỗi người chúng ta một thứ ‘buông tay’ nào đó. Khoảng thời gian này của cuộc đời, khi mà phút kết thúc trở nên gần kề, đòi hỏi ta thuận tình với điều không thể lẩn tránh. Dẫu vậy, người ta lại che giấu cái chết đối với những người đang rất đau khổ và thường không đề cập đến nó. Vào cuối đời, những bệnh nhân đến với các đơn vị chăm sóc giảm đau (soins palliatifs) mà không hề biết là mình đã ở trong hoàn cảnh không còn phương dược trị liệu và không còn bất cứ khả năng lành bệnh hay thậm chí thuyên giảm nào. Người thân của bệnh nhân không muốn gợi ra với họ điều mà chính mình cũng rất khó chấp nhận.
Sau khi đã vượt qua các thách đố gắn liền với tuổi già hay đã chống chọi một cơn bệnh dài, vấn đề là phải đón nhận cái chết mà không hề được chuẩn bị cả trên bình diện cá nhân lẫn tập thể. Thời điểm này thật khó khăn đối với vị bác sĩ mà cái chết thường xuất hiện như một thất bại. Khi đó ông sẽ do dự giữa một bên là nỗ lực cứu chữa đến thái quá và bên kia là sự bỏ mặc khi từ chối bước vào phòng người sắp chết. Sống thời điểm này cũng là điều đặc biệt tế nhị đối với người thân. Như vậy, kết thúc cuộc đời là quãng thời gian bất lực và đau khổ lớn lao đối với bệnh nhân, thân nhân và cả các y bác sĩ.
Cơn cám dỗ là tổ chức cái chết thế nào để còn được là diễn viên trọn vẹn của đời mình lần cuối cùng. Tự tử với sự trợ lực của y học có vẻ là hành vi tối hậu của tự do và là hành vi duy nhất có thể hình dung được để nhân bản hóa nỗi đau khổ cuối đời.
- CHẾT ĐỂ KHÔNG LÀM HỎNG CUỘC ĐỜI
Tại Pháp cũng như tại các xã hội khác đang trên đường thế tục hóa, dường như cái chết ngày càng trở nên điều không thể nào sống nổi. Sự giảm sút các nghi thức có tính xã hội xung quanh cái chết làm chứng cho điều này; cái chết bị cả xã hội dồn ép và các Kitô hữu cũng như những người khác thường thấy mình trơ trụi khi cái chết xảy đến trong vòng thân quyến.
Trong một bối cảnh như thế, “chỉ có những hoàn cảnh trợ tử và an tử, thường được trình bày như là những dự kiện dưới hình thức của “những câu chuyện về sự thành công” và “những cái chết êm dịu theo nghi thức”[13] dường như mới đem lại sự đáp ứng cụ thể khi phải đối diện với sự trơ trụi trước cái chết. Như thế thì an tử và trợ tử bằng y học có lẽ sẽ là những phương sách duy nhất để làm chủ một kết cục không thể chấp nhận nổi do bệnh tật hay tuổi cao. Nhưng kiểu lập luận luân lý này thực ra đã lãng quên rằng những người cao tuổi đã từng bị ý muốn tự tử dằn vặt.
- KHUYNH HƯỚNG TỰ TỬ CỦA NHỮNG NGƯỜI CAO TUỔI
Tại Pháp, quả thực chúng ta được cái đặc quyền đáng buồn là có tỉ lệ tự tử của những người cao tuổi cao nhất Châu Âu. Mỗi năm, ba ngàn người trên 65 tuổi chọn kết thúc cuộc đời của mình, tức là gần một phần ba tổng số những vụ tự tử (10.499 vụ vào năm 2009, theo con số thống kê của viện Inserm). Trên 85 tuổi, tỉ lệ tự tử thậm chí là tỉ lệ cao nhất trong toàn bộ dân số. Vào những tuổi này, các phương thế sử dụng rất triệt để và hoàn toàn dứt khoát: treo cổ, trầm mình, sử dụng súng hoặc lao mình qua cửa sổ; chỉ còn rất ít cơ may sống sót sau một toan tính như thế.[14]
Con số đáng kinh ngạc này về các vụ tự tử liên quan đến người cao tuổi có thể được hiểu như sự từ khước tối hậu chuyện phải trở thành “đối tượng chăm sóc”, hay nói cách tích cực hơn, để còn là ‘chủ thể’ lịch sử đời mình cho đến cùng. Thật vậy, trong một số trường hợp, sự chuyển tiếp từ nhà riêng sang nhà hưu dưỡng, hay từ nhà hưu dưỡng sang cơ sở lưu trú dành cho người cao tuổi sống lệ thuộc (EHPAD)[15] sau khi tình trạng sức khỏe bị suy sụp hoặc sau một vụ gãy xương tệ hại, có thể đặc biệt khó sống đối với người cao tuổi. Một cách rất phũ phàng, họ đánh mất điểm quy chiếu, mất khung cảnh sống hay những mối tương quan quen thuộc, và đôi khi mất cả lòng muốn sống, khi họ cảm thấy chuyện vượt quá sức mình và họ bị tước mất mọi sự vì thay đổi hoàn cảnh. Cũng cần gợi ra ở đây ‘hội chứng trượt dốc’ (syndrome de glissement) trong đó người cao tuổi tự để cho mình chết mà không có một lý do y học cụ thể nào, qua đó họ cho thấy họ đã cạn kiệt nguồn sống. Con số những vụ ‘tương đương tự tử này’ đặc biệt khó tính toán trong các bản thống kê. Sự kiện một người già hoặc rất già đánh mất lòng muốn sống đến mức mong muốn chết, chắc chắn phải tra vấn chúng ta về cách chúng ta đồng hành với giai đoạn cuối đời nói chung, và về sự tuyệt vọng trong giai đoạn này nói riêng.
Vì vậy, chí ít thì cũng là vội vàng khi muốn đáp lại khuynh hướng tự tử của những người đã trở nên mong manh vì tuổi già, tật nguyền hay bệnh tật chỉ bằng việc đề nghị hợp pháp hóa an tử hay tổ chức việc tự tử với trợ lực của y học. Nhưng lý do được nêu ra thường là sự tôn trọng quyền tự quyết, được biến thành mệnh lệnh do ảnh hưởng của một nhãn quan nào đó về đạo đức sinh học trực tiếp phát xuất từ Hoa kỳ, mà không hề xem xét những giới hạn của nhãn quan Anglo-saxonne này đối với những truyền thống y học và văn hóa khác.
- QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA BỆNH NHÂN: MỘT ĐÓNG GÓP ĐẾN TỪ HOA KỲ
Thực vậy, nền đạo đức sinh học Anglo-saxonne trước hết chịu ảnh hưởng của hai tác giả người Mỹ là Tom Beauchamp và James Childress. Nhà triết học và nhà thần học Tin lành này, các tác giả của cuốn sách Những nguyên tắc của nền đạo đức y sinh học (Đến nay tác phẩm đã được tái bản 7 lần liên tiếp, một thành công không thể phủ nhận của ngành xuất bản kể từ hơn 30 năm qua), làm việc trong một phân khoa đạo đức học ở gần một bệnh viện thuộc khuôn viên đại học Dòng Tên Georgetown. Sự gặp gỡ giữa họ với những người chăm sóc bệnh nhân tỏ ra đặc biệt phong phú đối với một cách làm mới và có tính đa ngành của nền y đức nay đã trở thành khoa “đạo đức sinh học” (bioéthique). Theo hai tác giả này, nền y đức sinh học hệ tại việc áp dụng bốn nguyên tắc nền tảng: quyền tự quyết, không làm hại, làm điều thiện (thiện ích của bệnh nhân) và cuối cùng là sự công bằng.
“Trong một lý thuyết luân lý, nên dùng một tập hợp các nguyên tắc để làm khung giúp phân tích, với danh nghĩa đó là những giá trị phổ quát, nền tảng của nền luân lý chung cho mọi người. Những nguyên tắc này cũng có thể được dùng làm đường hướng chỉ đạo cho đạo đức nghề nghiệp. (…) Bốn nhóm đó là: (1).Tôn trọng quyền tự quyết (luật này đòi buộc tôn trọng khả năng quyết định của những con người có quyền tự quyết.(2). Không làm điều ác (luật này đòi buộc phải tránh gây điều xấu) (3).Làm điều thiện (nhóm các luật nhắm đến việc cung ứng những thiện ích và lượng giá chúng so với những nguy cơ và phí tổn) (4). Công bằng (Nhóm các luật quy định việc phân chia công bằng các thiện ích, rủi ro và phí tổn)”.[16]
Trong trường hợp có xung khắc giữa bốn nguyên tắc hay “những đường hướng chỉ đạo” phải tuân thủ này, quyền tự quyết dễ dàng vượt trên các nguyên tắc khác. Áp dụng vào bối cảnh kết thúc cuộc đời, chỉ mình nguyên tắc quyền tự quyết đòi phải tôn trọng những chỉ dẫn đã được bệnh nhân chuẩn bị trước và để lại, hoặc hơn nữa, phải làm tất cả để đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân nếu người đó đòi hỏi những phương tiện y học để chấm dứt cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đôi khi quyền tự quyết lại mâu thuẫn với nguyên tắc làm điều thiện. Khi đó vấn đề là “biết được với những điều kiện nào, nếu có, một bệnh nhân hay một chuyên viên về sức khỏe được phép sắp xếp một vụ tự tử được trợ giúp hay một cái chết êm dịu tự ý và chủ động”.[17]
Dường như ta không thể giải đáp một câu hỏi như thế chỉ với những nguyên tắc của Beauchamp và Childress. Rộng hơn nữa, cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn là một nhãn quan đạo đức sinh học như thế có thể tìm được sự quân bình trong truyền thống Việt Nam. Thật vậy, cách người Việt Nam tổ chức gia đình và săn sóc những vị cao niên trong chính gia đình mình tự chúng đã làm thành một giải pháp thay thế đối lại với đòi buộc quyền tự quyết vốn rất khó đứng vững khi cái chết gần kề. Thật vậy, đứng trước giới hạn triệt để của cái chết, cách hành xử của chúng ta cần đến một nhãn quan khác về con người. Lòng tôn trọng đối với sự tự do tối hậu của một người cần phải được cân nhắc so với nhu cầu về tương quan của họ. Kinh nghiệm về sự đồng hành sẽ hướng dẫn chúng ta trên con đường đạo đức về giai đoạn cuối đời nhiều hơn là cái nguyên tắc, nói cho cùng rất trừu tượng, về quyền tự quyết.
- MỘT NỀN ĐẠO ĐỨC VÀ MỘT NHÃN QUAN VỀ CON NGƯỜI NẢY SINH TỪ VIỆC CHĂM SÓC
Dựa vào kinh nghiệm bản thân về sự gần gũi với những người cao tuổi hoặc rất cao tuổi, những người săn sóc ngày càng phản ứng nhiều hơn chống lại cách hiểu có phần lạm dụng về khái niệm quyền tự quyết. Khởi đầu, quyền tự quyết được đưa ra để chống lại một thái độ gia trưởng nào đó của các bác sĩ. Các vị này đã quen với việc quyết định vì lợi ích của bệnh nhân nhưng cũng quá thường xuyên quyết định thay cho họ. Dù có những hàm hồ, song chúng ta ghi nhận là thái độ gia trưởng này có giá trị nhắc nhớ đến mối tương quan do việc săn sóc, là tương quan nối kết những người săn sóc với các bệnh nhân. Nó cho thấy họ tùy thuộc lẫn nhau đến mức nào trong những cuộc gặp gỡ khám chữa bệnh hay trong những cơ sở chăm lo sức khỏe.
Đạo luật của Pháp ban hành ngày 4.3.2002 liên quan đến quyền lợi của bệnh nhân và phẩm chất của hệ thống chăm sóc sức khỏe đã cho phép đưa giới điều trị thoát khỏi thái độ gia trưởng này. Đạo luật xác định quyền của bệnh nhân được biết thông tin bệnh án và nhiệm vụ đón nhận sự ưng thuận của họ đối với việc chăm sóc cũng như việc họ có thể khiếu kiện trong trường hợp xảy ra lỗi phạm y khoa. Trong phạm vi đó, đạo luật đã là sự bảo vệ chống lại nỗ lực chữa trị thái quá. “Nhưng tại sao lúc nào cũng đề cao sự tự quyết trong khi thực tế đầu tiên của bệnh tật chính là mất sự tự quyết?”[18], triết gia Yannis Constantinidès tự hỏi.
Nói khác đi, cách người Pháp hiểu về quyền tự quyết không hoàn toàn giống với cách hiểu của Beauchamp hay Childress. Xa rời cách tiếp cận nặng tính pháp lý của Hoa Kỳ nhằm giải quyết tất cả những xung đột phát sinh giữa quyền tự quyết và công bằng, giữa tự quyết và làm điều thiện; cách hiểu của Pháp có những điểm quy chiếu khác. Những điểm quy chiếu này nhấn mạnh đến tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân, một tương quan đồng sự mà trong đó họ có thể cùng thỏa thuận với nhau về những cách chăm sóc cuối đời. Dĩ nhiên, đòi hỏi về quyền tự quyết vẫn quan trọng để chống lại quyền lực của y giới. Đồng thời, cách hành xử cá nhân cũng như tập thể đã thấm nhuần thói quen về mặt y tế mà theo đó, cho đến tận hôm nay, người ta vẫn từ chối không để cho bệnh nhân một mình quyết định trước cái chết của họ.
Dường như đó cũng là trường hợp của xã hội Việt Nam. Do truyền thống khổng giáo và sự kính trọng đối với các bậc trưởng thượng, xã hội Việt Nam đã có sẵn một kinh nghiệm lớn lao trong việc đồng hành cuối đời nên không cần phải vi phạm luật cấm giết người – một luật cấm của đức tin và của lý trí nền tảng của tất cả mọi xã hội – theo gương các xã hội bị thế tục hóa khác.
KẾT LUẬN
Tôn trọng sự sống cho đến cùng không thể bị giản lược vào sự đồng thuận sáng suốt của bệnh nhân, tự họ chọn cách chết này hay cách chết kia hoặc tự mình kết thúc đời mình. Đồng hành với giai đoạn cuối đời đòi con người làm cho tha nhân nhiều hơn thế nữa.
Trước hết, đi từ gốc, sự đồng hành cuối đời này mời gọi chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho xã hội về viễn tượng không thể né tránh của cái chết. Một trong những mục tiêu của việc chăm sóc ‘cận tử (soins palliatifs) là tiên liệu việc kết thúc cuộc đời cách thanh thản hết sức có thể bằng việc mỗi cá nhân và tập thể ý thức về chỗ đứng của cái chết trong mọi cuộc đời và mọi xã hội.
Thứ đến, việc đồng hành với những cá nhân được thực hiện nhờ sự săn sóc liên tục hơn là sự gián đoạn. Điều này đòi phải tăng gấp đôi sự chú tâm của những người săn sóc về nhu cầu thực sự của bệnh nhân khi họ bày tỏ ý muốn dứt bỏ cuộc đời. Tôn trọng tự do của họ, trước hết là đồng hành với họ trên con đường sự sống nơi mỗi người sẽ có thể bị những xung lực của sự chết giày vò tâm trí, nhưng điều đó không có nghĩa là phải đầu hàng.
Cuối cùng những Kitô hữu sáng suốt rất khó chịu khi nhận ra rằng con người không còn là chủ thể đích thực của cuộc tranh luận nữa, nhưng một cách nào đó đã trở thành đối tượng, đối tượng của những chuyện được thua về mặt kinh tế và việc tổ chức chăm sóc, đối tượng của chuyện được thua về mặt chính trị, của những quan điểm triết học hay thậm chí ý thức hệ. Con người lại càng trở nên mong manh hơn trong cuộc tranh luận về cái kết thúc của cuộc đời, khi mà những cuộc bàn bạc hướng đến những cách thức “làm cho chết” hoặc thậm chí cách thức “tự tử” hơn là hướng đến việc “đồng hành với nỗi đau khổ của cái chết”, trong khi chính đó mới là vấn đề đích thực của ngày hôm nay.
__________
THƯ MỤC BỔ SUNG
- Tom L. Beauchamp et James F. Childress,Les principes de l’éthique biomédicale, Paris, Les belles lettres 2008.
- Vincent Leclercq,Fin de vie. Pourquoi les chrétiens ne peuvent pas se taire? Paris. Éditions de l’Atelier, 2013.
- Tuyên ngônDe questio abortu của Thánh bộ Giáo lý Đức tin (CDF), 18.11.1974, s.8.
“Tôn trọng sự sống con người là đòi buộc không chỉ đối với Kitô hữu; dựa trên việc phân tích con người là gì và phải là gì, lý trí đủ thẩm quyền để đòi hỏi sự tôn trọng này. Được tạo nên bởi một bản tính có lý trí, con người là một chủ vị, có khả năng suy nghĩ về chính mình, khả năng quyết định về hành vi của mình và do đó quyết định về vận mệnh của chính mình. Con người tự do. Do đó nó là chủ của chính mình, hay đúng hơn, vì được hoàn thành trong thời gian, con người còn cần trở nên chủ của chính mình, đó là trách vụ của con người. Được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo, linh hồn con người thiêng liêng, tức là bất tử. Vì vậy con người khai mở ra cho Chúa; chỉ nơi Ngài con người mới tìm được sự hoàn tất bản thân. Nhưng con người sống trong cộng đoàn những người đồng loại, được nuôi dưỡng bằng sự trao đổi liên chủ vị với họ, trong môi trường xã hội là điều kiện không thể thiếu. Đối diện với xã hội và những người khác, mỗi người sở hữu chính bản thân, sở hữu sự sống của mình, những tài sản khác nhau của mình, và như vậy theo nguyên tắc, chính những điều này đòi buộc mọi người phải rất mực công bằng với anh/chị ta”.
- Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Evangelium Vitae, 5.3.1995, số 11-13:
- Nhưng chúng ta, muốn đặc biệt tập trung sự chú ý vào một loại xâm phạm khác, liên quan đến sự sống vừa mới nảy sinh cũng như sự sống vào những giờ phút cuối cùng; so với quá khứ , những thứ xâm phạm này có những nét đặc trưng mới và làm dấy lên nhiều vấn đề đặc biệt nghiêm trọng: thật vậy, chúng hướng tới chỗ làm biến mất khỏi lương tâm con người đặc tính “tội ác” của chúng, và một cách đầy nghịch lý, chúng mang lấy đặc tính “quyền lợi”, đến nỗi người ta đòi hỏi chúng phải thực sự được Nhà nước nhìn nhận về mặt pháp lý, và do đó, đòi hỏi được thực hiện nhờ sự can thiệp miễn phí của chính các nhân viên y tế. Những sự xâm phạm ấy đánh thẳng vào sự sống con người trong những hoàn cảnh hết sức bấp bênh, khi mà sự sống thiếu mọi khả năng tự vệ. Sự việc càng nghiêm trọng hơn khi phần lớn những xâm phạm này được thực hiện ngay bên trong và bởi chính gia đình, gia đình mà, trái ngược lại, được mời gọi trở thành “cung thánh của sự sống” do chính cơ cấu của mình.
Làm sao người ta có thể đi đến một tình trạng như thế? Cần xem xét nhiều yếu tố. Hậu cảnh của nó là sự khủng hoảng sâu sắc về văn hóa, cuộc khủng hoảng làm nảy sinh mối hoài nghi về chính những nền tảng của tri thức cũng như đạo đức và khiến cho việc nhận thức rõ ràng về ý nghĩa, về quyền lợi và bổn phận của con người trở nên ngày càng khó khăn hơn. Thêm vào đó là những khó khăn muôn vẻ của cuộc hiện sinh và của những mối tương quan; những khó khăn đó càng thêm trầm trọng vì thực tế của một xã hội phức tạp, trong đó những con người, những đôi bạn và các gia đình thường đơn độc trước những vấn đề của họ. Thậm chí còn có cả những hoàn cảnh cấp bách vì nghèo khổ, lo âu hay cùng cực, trong đó nỗ lực mỏi mòn để sinh tồn, những đau khổ ở mức giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng, những bạo lực phải chịu, đặc biệt những bạo lực xúc phạm đến phụ nữ, làm cho những chọn lựa nhằm bảo vệ và phát huy sự sống trở nên đòi hỏi, đôi khi đến mức anh hùng. (…)
- Trong thực tế, nếu như nhiều khía cạnh nghiêm trọng của những vấn đề xã hội hiện nay có thể giải thích ở một mức độ nào đó tình trạng thiếu chắc chắn về mặt luân lý đang lan rộng và đôi khi có thể giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân đối với một số người, thì dẫu thế, sự thật là chúng ta đang đối diện với một thực tế rộng lớn hơn mà người ta có thể coi là một cơ cấu tội lỗi thực thụ; nét đặc trưng của nó là một nền văn hoá trái nghịch với tình liên đới đang chiếm ưu thế, và trong nhiều trường hợp nền văn hoá nầy lộ diện như một “nền văn hoá thực thụ của sự chết”. Nền văn hóa sự chết này được tích cực cổ vũ bởi những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị rất mạnh mẽ, chúng chuyển tải một quan niệm vị lợi (utilitarisme) nào đó của xã hội.
Khi nhìn các sự việc theo quan điểm trên, chúng ta có thể nói, một cách nào đó, về một cuộc chiến của những kẻ mạnh chống lại những người yếu: một sự sống đáng lý cần được tiếp đón, yêu thương và chăm sóc nhiều nhất, thì lại bị xem là vô ích, hoặc bị coi như một gánh nặng không kham nổi, và bởi vậy bị khước từ bằng nhiều cách. Do đau ốm, tật nguyền hay đơn giản hơn nhiều, do chính sự có mặt của mình, ai cáo giác sự thoải mái hoặc những lối sống của những người được ưu đãi hơn, có khuynh hướng bị coi như một kẻ thù cần phải đề phòng hoặc phải loại bỏ. Như thế một “âm mưu chống lại sự sống” đang bùng phát. Âm mưu này không chỉ liên quan đến con người trong những mối quan hệ cá nhân, gia đình hoặc đoàn thể mà còn đi xa hơn nữa, đến độ lay chuyển và làm biến dạng, ở mức độ toàn cầu, những quan hệ giữa các dân tộc và giữa các Quốc gia.
- Để tạo thuận lợi cho việc phá thai rộng rãi hơn, người ta đã đầu tư và tiếp tục đầu tư những số tiền đáng kể nhằm hiệu chỉnh việc bào chế các loại thuốc có thể giết chết bào thai ngay trong bụng mẹ mà không cần phải nhờ đến bác sĩ. Về điểm nầy, bản thân việc nghiên cứu khoa học dường như chỉ quan tâm sản xuất những dược phẩm mỗi ngày mỗi đơn giản và hữu hiệu hơn để chống lại sự sống và, đồng thời, tự bản chất, miễn cho sự phá thai khỏi mọi hình thức kiểm soát và trách nhiệm xã hội”(…)
(Bài thuyết trình trong khuôn khổ Khóa bồi dưỡng các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam, tổ chức tại Đà Lạt từ 6–18.7.2014).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 93 (Tháng 3 & 4 năm 2016)
[1] Hervé LISANDRE, ‘L’avortement sélectif se banalise”, extrait d’un article du journal Le soir, cité dans le Courier international, https://www.courrierinternational.com/article/2010/09/30/l-avortement-selectif-se-banalise, truy cập ngày 23.9.2020
[2] Thật vậy, đạo luật ban hành ngày 16.9.2013 cấm chọn lựa phái tính của đứa trẻ chỉ vì sở thích cá nhân. Theo từ ngữ của đạo luật, thì chỉ có thể viện dẫn những lý do y học để sử dụng việc phá thai chọn lọc.
[3] Ở điểm này, tôi tham chiếu với lòng biết ơn ghi chú số 4, trang 7, luận văn tốt nghiệp cử nhân thần học theo giáo luật (licence canonique) của cha Phêrô Trần Quốc Hưng Long, cm, “Phá thai chọn lọc ở Việt nam: những điều được và mất của cuộc đối thoại giữa truyền thống và đạo đức gia đình’. Luận văn không in nhưng đã được bảo vệ ngày 15.1.2014 tại Học viện Công giáo Paris.
[4] Như trên, tr.13.
[5] GS 51ss3.
[6] Lisa Sowde Cahill, Theological Bioethics: Participation, Justice, Change. Washington: Georgetown University Press, 2005.
[7] John Mahoney, sj, “the challenges of moral distinctions”, theological studies (53) 1992, p.674.
[8] John Mahoney, sj, “the challenges of moral distinctions”, theological studies (53) 1992, p.674
[9] X. “Phẩm giá con người”, số 31-32, Huấn thị về một số vấn đề đạo đức sinh học của Thánh bộ Giáo lý Đức tin, ngày 12.12.2008.
[10] Lisa Sowle Cahil, Theological Bioethic: Participation, Justice, Change. Washington: Georgetown University Press, 2005, p.179.
[11] Lisa Sowle Cahil, Theological Bioethic: Participation, Justice, Change. Washington: Georgetown University Press, 2005, p.179.
[12] Do Bernard Ars và Étienne Montero trưng dẫn (sous la dir), Euthanasie, les enjeux du débat, Paris, Éditions des Presses de la Renaissance,2005, p.248.
[13] Rapport Sicart, op. cit, tr.59.
[14] Xem bài báo của Marine Lamoureux, trang mạng của báo La Croix, số 22.8.2012: (https://www.la-croix.com/Actualite/France/Le-suicide-trop-souvent-ignore-des-personnes-agees-_EP_-2012-08-22-845005, tham khảo 23.9.2020).
[15] EHPAD: établissement d’hébergement pour personnes âgées dépendantes.
[16] Tom L.Beauchamp et James F.Childress, Les principes de l’éthique biomédicale, Paris, les belles lettres 2008, p.30.
[17] Tom L.Beauchamp et James F.Childress, Les principes de l’éthique biomédicale, Paris, les belles lettres 2008, p.216-217.
[18] Yannis Constantinidès, “Limites du principe d’autonomie” in Emmanuel Hirsch (sous la dir). Éthique, médecine et société: Comprendre, réfléchir, décider, Paris, Vuibert, 2007, p.92.
Lm. Vincent Leclercq