Phỏng vấn Bộ trưởng bộ Kinh tế về bảng cân đối tài chính 2019 của Giáo Triều
Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế, người trình bày số liệu năm 2019: “Kinh tế của Tòa thánh phải như một ngôi nhà kính trong suốt; các tín hữu có quyền biết cách chúng ta sử dụng các nguồn lực tài chính như thế nào.”
“Các tín hữu có quyền biết cách chúng tôi sử dụng nguồn lực tài chánh”. Cha Juan Antonio Guerrero Alves, Bộ Trưởng Bộ Kinh tế (SPE), giải thích trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican về tình hình cân đối tài chánh của Giáo triều Rôma trong ngân sách năm 2019.
Thưa cha Guerrero, cha vừa trình bày bảng cân đối tài chánh của Giáo triều cho Hội đồng Kinh tế. Nhiều người đang yêu cầu Vatican phải hướng đến sự hoạt động minh bạch, phải giải thích cho các tín hữu lẫn người ngoài về tình trạng tài chính của Toà Thánh. Thông qua cuộc phỏng vấn này, cha có thể nói gì đến những người đưa ra yêu cầu này?
Những người yêu cầu sự minh bạch rất có lý. Kinh tế của Tòa thánh phải là một ngôi nhà bằng kính. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng yêu cầu ở chúng ta. Đây là cam kết của Bộ Kinh Tế (SPE) và của riêng tôi; và đây là những gì tôi thấy ở các cơ quan khác của Giáo triều. Đây là lý do cho cuộc cải cách, vốn đã được khởi xướng. Cũng vì điều này mà một số quy tắc đã được thay đổi. Và nó cũng là lý do tại sao chúng tôi đưa ra bộ Luật Cung Ứng. Chúng ta phải tiến lên theo con đường này. Các tín hữu có quyền biết cách chúng tôi sử dụng các nguồn lực tài chính ở Tòa thánh. Chúng tôi không phải là chủ sở hữu; chúng tôi là người giám sát tài sản được trao phó. Vì lý do này, khi trình bày bảng cân đối tài chánh năm 2019, chúng tôi muốn giải thích cho các tín hữu, theo cách dễ hiểu nhất có thể, về các nguồn lực tài chính của Giáo triều Roma, về nguồn gốc của chúng, và về cách thức chúng được sử dụng.
Có lẽ chúng ta nên lùi lại một chút. Trước tiên, xin cha giải thích những gì chúng ta đang đề cập. Đôi khi có sự nhầm lẫn giữa Giáo triều Rôma và toàn thể Giáo hội; đôi khi lại có nhầm lẫn giữa Giáo triều và Vatican. Giáo triều là gì?
Đúng thế. Vì vậy: trước hết, những gì chúng tôi đang trình bày không phải là ngân sách của Giáo hội. Chúng ta có các Hội đồng Giám mục, giáo phận, giáo xứ, tu hội, dòng tu, và vô số công trình của Giáo hội trải rộng khắp nơi trên thế giới, nhưng không nằm trong ngân sách của Tòa thánh. Và ngay cả những tài khoản mà chúng tôi đang trình bày cũng không phải là toàn bộ tài chính của Vatican, vốn còn bao gồm, ví dụ, ngân sách của Thành phố Vatican, tức là của Phủ Thống Đốc, của Viện Giáo vụ, hay còn gọi là Ngân hàng Vatican, của quỹ ‘Đồng Tiền Thánh Phê-rô’, và của rất nhiều Quỹ hợp tác với các thánh bộ. Tất cả các tổ chức này trình bày kết quả của họ và báo cáo cho các cơ quan tương ứng. Những gì chúng tôi trình bày với Hội đồng Kinh tế là ngân quỹ của Giáo triều Rôma, tức là của Tòa Thánh theo nghĩa chặt, gồm sáu mươi thực thể phục vụ Đức Giáo hoàng trong sứ mệnh hướng dẫn Giáo hội, phục vụ sự hiệp nhất trong bác ái, bao hàm truyền giáo, truyền thông, thúc đẩy phát triển con người toàn diện, giáo dục, trợ giúp cho các Giáo hội gặp khó khăn, đào tạo hàng giáo phẩm, v.v.
Tại sao cha định nghĩa ngân quỹ của Toà Thánh là ‘ngân quỹ sứ mạng’?
Bởi vì tôi liên kết tiền bạc với sứ mạng. Chúng để làm gì? Vì lý do này, trong phần trình bày bảng cân đối tài chánh, chúng tôi cố gắng giải thích các nguồn lực tài chính được sử dụng như thế nào, cho mục đích gì, cho sứ mạng gì. Nói cách khác, chúng tôi muốn bản thân bảng cân đối ngân sách cho thấy cách Tòa thánh sử dụng các nguồn lực của mình để thực hiện sứ mạng của Toà Thánh và của Đức Thánh Cha. Tiếp đến, còn một khía cạnh khác. Tòa thánh không hoạt động như một công ty hay một nhà nước. Toà Thánh không tìm kiếm lợi nhuận hoặc thặng dư. Do đó, việc Toà Thánh bị thâm hụt ngân sách là điều bình thường. Trên thực tế, hầu hết tất cả các phòng ban đều là “trung tâm phí tổn”: chúng thực hiện một loại hình dịch vụ không nhắm để rao bán, cũng không nhắm tìm tài trợ. Tránh thâm hụt ngân sách không phải là mục tiêu của Tòa thánh. Tinh thần của Toà Thánh hướng đến điều khác. Chúng tôi nghĩ rằng mục tiêu đó nằm ở chỗ các chi phí phải tương ứng với những gì cần có để phục vụ sứ mạng được giao phó cho chúng tôi. Theo nghĩa này, chúng tôi mong muốn rằng chúng tôi có thể có rất nhiều [nguồn lực tài chính] nếu điều đó giúp ích cho thứ dịch vụ mà chúng tôi phải cung cấp. Nói cách khác, chúng tôi phải phân biệt đâu là nhu cầu chính đáng phải sử dụng nguồn lực tài chính và đâu là các nguồn lực đang sẵn có: chúng tôi phải có sự thận trọng về kinh tế. Nhưng cũng không phải là chúng tôi chỉ khởi sự suy nghĩ và hành động dựa vào mức độ của các nguồn lực tài chính. Đôi khi chúng ta phải cho đi nhiều hơn những gì chúng ta có để hoàn thành sứ mạng của mình: chúng ta phải có sự táo bạo truyền giáo. Điều chúng ta cần lo lắng là liệu vấn đề thâm hụt tài chính có kéo rê mãi hay về lâu về dài sẽ được tài trợ. Có rất nhiều nhu cầu trên thế giới. Chúng ta phải tin tưởng vào Đấng Quan Phòng, vốn hoạt động qua những tấm lòng quảng đại của các tín hữu.
Vậy, cách cụ thể, sứ mạng của Toà Thánh là sứ mạng nào?
Sứ mạng của Tòa thánh, của Giáo triều Rôma, không phải chỉ là một tổ chức từ thiện của Giáo hoàng, nếu hiểu nó như một loại tổ chức phi chính phủ nhận các khoản quyên góp và phân phối chúng đến những nơi cần thiết. Giáo hội làm rất nhiều, rất nhiều để giúp đỡ những người khó khăn. Hầu hết loại viện trợ này được thực hiện tại địa phương, trong các giáo xứ và giáo phận. Và Giáo triều cũng làm rất nhiều. Sứ mạng chính của Tòa Thánh là giúp đưa sứ điệp Tin Mừng đến tận cùng thế giới, thông truyền sứ điệp đó, đưa vào những nơi tối tăm, với việc trợ giúp những người khó khăn, hoạt động vì thiện ích của nhân loại, hỗ trợ các Giáo hội địa phương gặp thiếu thốn, truyền đạt huấn quyền của Giáo hoàng, tìm kiếm sự hiệp nhất trong giáo lý và phụng vụ, xử lý các xung đột trong Giáo hội, cổ võ suy tư về một số vấn đề, thiết lập đối thoại ở cấp cao, đưa ra các chỉ dẫn cho các Giáo hội địa phương, v.v. Qua tất cả những hình thức đó, “tổ chức bác ái của Đức Giáo hoàng” diễn tả tình yêu của Đức Thánh Cha đối với Giáo hội và của Giáo hội đối với thế giới.
Các số liệu cho báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 là gì?
Như tôi đã nói trước đây, dù nhìn từ khía cạnh nào, thì Tòa Thánh không phải là một thực thể kinh tế lớn. Chúng tôi có doanh thu 307 triệu euro, chúng tôi đã chi 318 triệu euro. Thâm hụt của chúng tôi là 11 triệu. Chúng tôi có tài sản kế thừa với giá trị ròng vào khoảng 1.402 triệu euro. Có nhiều trường trung học ở Hoa Kỳ có số tài sản cao hơn cả Giáo triều La Mã như được chỉ ra trong báo cáo này.
Và ngân sách của cả Vatican thì sao?
Như tôi đã nói lúc đầu, Giáo triều không phải là toàn bộ Vatican. Nếu gộp cả ngân sách của Phủ Thống Đốc, Viện Giáo vụ, Quỹ ‘Đồng Tiền Thánh Phê-rô’, Quỹ Hưu trí và các Tổ chức giúp việc truyền giáo của Tòa thánh, chúng tôi có được giá trị ròng khoảng 4.000 triệu euro. Nếu chúng tôi hợp nhất mọi thứ, sẽ không có thâm hụt năm 2019, cũng như năm 2016, năm cuối cùng mà tất cả các khoản này được hợp nhất. Tuy nhiên, khi đề cập điều này, tôi không có ý nói rằng chúng tôi không gặp khó khăn và cũng không có ý rằng chúng tôi không bị ảnh hưởng lớn hơn trong cuộc khủng hoảng coronavirus này.
Chúng ta hãy trở lại với phạm vi Giáo Triều. Các nguồn thu của nó là gì?
Vào năm 2019, 54% thu nhập, tương đương 164 triệu euro, được tạo ra bởi tài sản kế thừa. Hoạt động thương mại (hoạt động thăm viếng các hầm mộ [không như trường hợp các viện bảo tàng] là một phần của Tòa thánh, các tác phẩm được bán bởi Bộ Truyền thông, nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana, v.v.) và hoạt động dịch vụ (lệ phí một số loại chứng chỉ, học phí của các tổ chức đại học, v.v.) mang về 14%, tức là 44 triệu euro. Các đơn vị của Vatican (Viện Giáo vụ, Phủ Thống Đốc, Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô), vốn không được hợp nhất trong ngân sách này, cũng đã đóng góp gần 14% doanh thu, tức 43 triệu. Và các khoản đóng góp từ các giáo phận và các tín hữu lên tới 56 triệu euro, chiếm 18%.
Bây giờ chúng ta đến với các chi phí. Giáo triều chi hết bao nhiêu, chi phí của nó được phân chia như thế nào?
Chúng tôi có thể chia chi phí thành ba khối: phần mà chúng tôi gọi là quản trị tài sản là 67 triệu euro, chiếm 21% chi phí và bao gồm 18 triệu euro tiền thuế và 25 triệu euro chi cho bảo trì nhà cửa. Chúng ta có thể nói rằng 67 triệu euro này là những gì chúng ta phải trả để tạo ra thu nhập 164 triệu euro mà tôi đã đề cập trước kia và thu nhập đó có được từ tài sản này. Phần dịch vụ và hành chính chiếm 14% chi phí. Và chi phí sứ mạng chiếm hết 65% tổng chi phí. Nói chung, điều làm tôi ấn tượng nhất khi tôi hiểu rõ hơn về Giáo Triều là việc nó làm được rất nhiều với chi phí rất ít. Tôi đã kiểm tra ngân sách của các quốc gia và khu vực khác nhau, tôi không tìm thấy nơi nào có thể so sánh được với Toà Thánh trong việc duy trì 125 sứ thần và phái bộ thường trực trên thế giới chỉ với 43 triệu euro, mà vẫn đảm bảo được tính thích hợp, đảm bảo được vai trò trung gian và cầu nối cho các kế hoạch của Toà Thánh. Việc xuất bản một tờ báo nổi tiếng, chẳng hạn như L’Osservatore Romano, việc phát sóng hơn 24 giờ một ngày bằng 40 ngôn ngữ, như Vatican Radio và Vatican Media, việc đưa tin tức và giải thích chúng như Vatican News đã làm, tiêu tốn hết 45 triệu euro: Tôi không tìm thấy bất kỳ so sánh nào trong thế giới truyền thông. Thông điệp của Tin Mừng phải đến được tận cùng thế giới và càng xa càng tốt; điều mong muốn là nó đến được bằng ngôn ngữ của mỗi dân tộc và theo cách có thể hiểu được trong nền văn hóa của họ. Cũng rất thú vị khi thấy cách thức liên lạc của Tòa thánh đã được hiện đại hóa trong những năm gần đây, thậm chí giảm được cả chi phí. Và nữa, nếu chúng ta nhìn vào Thư viện Vatican, hay nhìn vào các văn khố hoặc nhìn vào viện Khảo cổ Ki-tô giáo, nơi liên quan đến di sản không chỉ của Giáo hội mà của cả nhân loại, và chúng ta so sánh nó với các cơ sở tương tự: chúng ta có thể nói rằng chúng hoạt động chất lượng với chi phí tương đối thấp. Điều tương tự cũng có thể nói về các tổ chức đại học, v.v. Nếu có một từ ngữ nào đó mà tôi có thể nói để so sánh với các cơ quan tương tự hoặc một thứ so sánh nào khác, thì đối với tôi, dường như Tòa Thánh làm được ‘nhiều mà ít’ [với chi phí ít], nhờ có nhiều người làm việc với lòng quảng đại lớn lao. Ý tôi không phải là chúng tôi không cần cải thiện nhiều thứ. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng có nhiều việc được thực hiện tốt.
Mức thâm hụt ngân sách năm 2019 là 11 triệu USD, thấp hơn nhiều so với năm 2018 là 75 triệu USD. Có thể thấy rằng kết quả đạt được là nhờ các khoản đầu tư. Trong khi thâm hụt do chi phí hoạt động là 68 triệu so với 88 triệu năm 2018.
Như anh lưu ý, tài chính bao hàm cả phần của thâm hụt quản trị. Hơn nữa, trong việc so sánh, cần phải loại trừ một số chi phí và doanh thu bất thường trong năm 2018 hoặc 2019. Trung hoà các ‘pha ghi điểm ngoại thường’ này, sẽ cho kết quả thâm hụt 22 triệu euro trong năm 2019 so với 50 triệu euro vào năm 2018. Tôi đã nói rằng chúng tôi không thể coi mình đơn giản như những người tạo ra thâm hụt. Sứ mạng của chúng tôi sẽ luôn có xu hướng dẫn đến sự thâm hụt. Nó sẽ không tạo ra đủ thu nhập. Đó là một loại dịch vụ mà chúng tôi không làm vì lợi nhuận. Chúng tôi cần tìm cách hỗ trợ sứ mạng một cách lâu dài.
Vậy, con đường phía trước là gì?
Các biện pháp kiểm soát cần thiết nhằm mục đích tiết kiệm và kiềm chế chi phí là không đủ để giảm thâm hụt. Trong Tòa Thánh có nhiều cơ quan làm nhiều với chi phí ít. Tiết kiệm phải đi kèm với việc kiểm tra các khoản thu, tức là các khoản đầu tư, cho dù chúng là động sản hay bất động sản, để tìm kiếm sự tối ưu hóa. Công việc vốn mang tinh thần hợp tác này đang dần hoàn tất. Về vấn đề doanh thu, chúng tôi cũng phải nghĩ đến các khoản quyên góp. Các khoản quyên góp từ các tín hữu, bao gồm cả ‘Đồng tiền Thánh Phê-rô’, đã đóng góp 35% cho phần chi. Các tín hữu muốn đóng góp vào sứ mạng của Giáo hội, nhưng chúng tôi cần phải có một chính sách minh bạch hướng ngoại và thông tri, với khả năng truyền đạt chính xác cách chúng tôi sử dụng số tiền nhận được và cách quản lý chúng. Đây là mục tiêu chúng tôi muốn đạt được, cũng là phương hướng mà Đức Thánh Cha đã hướng dẫn chúng tôi. Đây là con đường phía trước. Như đã biết, Bộ luật Cung Ứng đã được phê duyệt trong những tháng gần đây. Hy vọng rằng, ngoài việc thúc đẩy tính minh bạch, nó cũng sẽ cho phép tiết kiệm được nhờ cạnh tranh. Chúng tôi cần một số hành động liên quan đến việc thúc đẩy mọi người có động lực và trách nhiệm hơn trong các nhiệm vụ được giao phó, hướng đến tính di động cao hơn, hiệu quả cao hơn và giảm chi phí. Chúng tôi cần tìm kiếm các mô hình linh hoạt hơn, hướng đến tưởng thưởng công trạng, cam kết và kỹ năng chuyên nghiệp.
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News vào tháng 5 năm ngoái, cha đã nói về dự án tập trung đầu tư. Nó đang tiến triển thế nào?
Có những quyết định cần có thời gian để thực hiện. Đang có những tiến bộ, diễn ra từng chút một. Theo Tông huấn Pastor Bonus (1984), Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) là cơ quan quản lý của Tòa thánh. Vào tháng 11 năm 2018, Đức Giáo hoàng đã yêu cầu Đức Hồng y Marx, điều phối viên của Hội đồng Kinh tế, tập trung hóa các khoản đầu tư. Từng chút một, chúng tôi đang đi theo hướng này. Năm nay chúng tôi đã có nhiều cuộc họp và gặp gỡ, chúng tôi đã xem xét nhiều mô hình khả thi. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được những tiến bộ và có quyết định chín muồi khi chọn một mô hình bằng cách học hỏi từ những cách làm hay của người khác. Tôi tin rằng khả năng lớn là những bước cuối cùng sẽ được thực hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Việc tập trung hóa chắc chắn sẽ cho phép có sự minh bạch hơn và kiểm soát chính xác hơn, cũng như mang lại khả năng đầu tư theo cách thống nhất, tuân theo học thuyết xã hội của Giáo hội, với các tiêu chí đạo đức, bền vững, quản trị tốt và chuyên nghiệp. Phải nói rằng hầu hết các khoản đầu tư đều tập trung vào APSA. Nhiều khoản đầu tư khác được thực hiện bởi các tổ chức liên kết với Tòa thánh cũng diễn ra thông qua Viện Giáo vụ, tức Ngân hàng Vatican (IOR), nhằm đảm bảo các tiêu chí kiểm soát, minh bạch và đạo đức. Rõ ràng là IOR, vốn đã có một hành trình tuyệt vời trong những năm gần đây, cũng nên đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức các khoản đầu tư của Tòa Thánh. Việc tập trung hóa thực sự phải kết hợp với sự bổ trợ: không phải mọi thứ đều có thể tập trung nếu chúng ta muốn có hiệu quả.
Cha nói về các khoản đầu tư như thể cha không đọc báo những tuần gần đây vậy…
Tôi sống trong hiện tại. Tôi đọc báo chứ. Rất có thể, trong một số trường hợp, Tòa thánh không những bị khuyên sai mà còn bị lừa. Tôi tin rằng chúng tôi đang học hỏi từ những sai lầm hay từ sự liều lĩnh trong quá khứ. Vấn đề bây giờ là, theo sự thúc đẩy quyết liệt và nhất quán của Đức Giáo hoàng, phải tăng tốc quá trình hiểu biết, sự minh bạch bên trong và bên ngoài, sự kiểm soát và cộng tác giữa các thánh bộ khác nhau. Chúng tôi đã đưa vào nhóm của mình các chuyên gia cấp cao nhất. Hiện thời đã có sự giao tiếp và hợp tác giữa các thánh bộ liên quan đến kinh tế để giải quyết những vấn đề này. Hợp tác là một bước tiến lớn. Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) và Bộ Kinh Tế (SPE) sẵn sàng hợp tác với nhau. Chắc chắn, chúng tôi vẫn có thể mắc sai lầm, mắc lỗi hoặc bị lừa đảo, nhưng đối với tôi, điều này có vẻ khó xảy ra hơn khi chúng tôi cộng tác và hành động với năng lực, sự minh bạch và tin cậy lẫn nhau.
Đâu là những nguy cơ trong tương lai?
Ngay cả các quốc gia, doanh nghiệp và tập đoàn lớn cũng đang gặp khó khăn về kinh tế. Bị căng thẳng trong chọn lựa giữa sức khỏe và khủng hoảng kinh tế, họ phải vay những khoản nợ khó trả, trì hoãn tất cả các khoản thanh toán lại cho tương lai, cố gắng duy trì tính thanh khoản khi đối mặt với những bất ổn ở phía trước. Chúng tôi là những thực thể bé nhỏ, không thể không gặp khó khăn. Chúng tôi phụ thuộc vào lợi tức tài sản và các khoản quyên góp, và cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai nguồn thu này. Điều tồi tệ nhất mà chúng tôi có thể làm là không thừa nhận khó khăn hoặc chọn phương án “mọi người vì mình “. Chúng ta phải đi cùng nhau. Chúng ta phải chống chọi, cùng nhau chống chọi, cùng nhau chia sẻ những hy sinh. Như Đức Giáo Hoàng đã nói, cuộc khủng hoảng có thể là một tình huống đặc ân giúp chúng ta trở nên tốt lành hơn. Nó cũng có thể là một cơ hội để giới thiệu những thay đổi cần thiết, những thay đổi đã được nhìn ra.
Đâu là lý do giải thích cho yêu cầu các bộ phải chuyển thanh khoản của họ cho Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) vào tháng 4 năm ngoái?
Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) là cơ quan được thiết kế để quản lý tài sản của tất cả các thánh bộ. Vào tháng 4, khi thấy tính bấp bênh gây ra bởi việc phong toả [do virus Corona], tôi có nhấn mạnh rằng không biết nó sẽ kéo dài bao lâu và tôi dự đoán rằng nó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Chúng tôi đã quyết định không cắt các khoản quyên góp và viện trợ cho những người và những giáo hội đang cần – vốn là những người và những nơi trên thực tế có thể đang chịu cảnh tồi tệ hơn chúng tôi – và thậm chí không cắt tiền lương của những người làm việc cho Tòa Thánh. Và vì lý do này, các khoản quyên góp và viện trợ đã tăng lên. APSA đã phải trả lương, và chúng tôi không biết việc phong toả sẽ kéo dài bao lâu, cũng như không rõ liệu chúng tôi có đạt được doanh thu như mong đợi hay không. Do đó, chúng tôi đã yêu cầu các bộ duy trì thanh khoản của họ trong APSA.
Có thật là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ vẫn không có “túi tiền” và các quỹ của nó sẽ được quản lý bởi APSA?
Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đã ở trong tiến trình này từ nhiều tháng qua. Cơ quan này đang thực hiện công việc của mình, đang làm rất tốt sự rõ ràng, minh bạch và trật tự. Cơ quan này đã giao tất cả các khoản tiền của mình cho Ngân hàng Vatican (IOR) và Cơ quan quản trị tài sản của Toà Thánh (APSA); và sẽ tham gia vào quá trình tập trung hóa đầu tư, với sự quản lý chuyên nghiệp và kỹ thuật hơn. Theo như tôi biết thì tuyên bố về việc mất “túi tiền” là không chính xác. Việc quản lý sẽ được thực hiện theo cách khác, như xảy ra với các thánh bộ khác có sở hữu tài chính. Trong những tháng gần đây, tôi đã thấy rằng ở Vatican, cũng như ở phần còn lại của Giáo hội, có một sự tôn trọng thiêng liêng đối với điểm đến của các nguồn quỹ, cũng như sự tôn trọng đối với ý nguyện của các nhà tài trợ. Khi một khoản đóng góp đã được chấp nhận cho một mục đích cụ thể, nó sẽ được tôn trọng. Nhiều quỹ do Phủ Quốc Vụ Khanh quản lý đã được nhận cho một mục đích cụ thể, luôn gắn liền với sứ mạng của chúng tôi. Nếu các quỹ được quản lý bởi một tổ chức khác, chúng sẽ phải giữ được liên kết với mục đích đã nêu ra, và với những người thụ hưởng.
Quỹ ‘Đồng tiền thánh Phê-rô’ phục vụ cho mục đích gì? Tại sao các tín hữu lại được kêu gọi cho khoản quyên góp này?
Sự đóng góp của các tín hữu dành cho quỹ ‘Đồng tiền Thánh Phê-rô’ là một cách cụ thể để cộng tác với sứ mạng của Đức Thánh Cha vì lợi ích của toàn thể Giáo hội. Năm 2019, quỹ này đã giải quyết 32% chi phí cho sứ mạng của Tòa Thánh. Còn phần cơ cấu và các dịch vụ được chi trả bởi các quỹ riêng. Phần tồn quỹ từ ‘Đồng tiền thánh Phê-rô’ là 53 triệu euro, trong đó 10 triệu euro được quyên góp cho các mục đích cụ thể. Nói cách khác, quỹ đã hợp tác với sứ mạng của Đức Thánh Cha với số tiền 66 triệu euro, nhiều hơn 23 triệu euro so với số tiền quyên góp được. Điều này đã xảy ra trong vài năm gần đây. Điều này có nghĩa là quỹ này đang bị bào mòn. Tuy nhiên, sự bào mòn đó luôn luôn là vì sứ mạng mà quỹ này nhắm đến. Quỹ này cần phải được quản trị với sự khôn ngoan của người quản lý trung thực, tựa như cách những người khôn ngoan đầu tư, hay như cách xoay xở của ông bố tốt lành trong gia đình, để đảm bảo cho Đức Giáo hoàng thực thi sứ mạng của ngài.
Tuy nhiên, câu chuyện về Dinh thự London khiến nhiều người bối rối.
Tôi hiểu. Đúng vậy. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải rõ ràng, minh bạch. Lúc này, tôi có thể nói một điều. Theo như tôi biết, phần mất mát của vụ dinh thự London không được bù từ quỹ ‘Đồng tiền thánh Phê-rô’, mà từ các quỹ dự trữ khác của Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Và một điều nữa tôi muốn kết luận: chúng ta phải luôn biết ơn Dân Thánh của Chúa, những người đã giúp đỡ sứ mạng của Đức Giáo Hoàng. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong thông điệp gần nhất gửi đến các Hiệp hội Truyền giáo của Giáo hoàng, “Giáo hội luôn tiếp tục tiến về phía trước nhờ sự dâng cúng của bà góa, nhờ sự đóng góp của vô số nhóm người vốn cảm thấy được ơn an ủi và chữa lành của Chúa Giêsu, và vì điều này, vì lòng biết ơn tràn trề, họ cho đi những gì họ có”. Nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý món quà của họ bằng sự trung thực, cẩn trọng và tầm nhìn xa của một người bố tốt lành trong gia đình.
Nguồn: vaticannews.va/vi