Hiệp ước giáo dục toàn cầu – Đường hướng giáo dục của Giáo hội hôm nay
Giáo Hội luôn quan tâm đến vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người, nhất là đối với giới thiếu nhi và giới trẻ. Do đó, trong suốt hành trình thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng, nhất là từ sau công đồng Vaticano II, Giáo Hội đã có nhiều văn kiện về việc giáo dục[1]. Trong các văn kiện của Giáo Hội, người ta có thể dễ dàng nhận ra viễn tượng nền tảng và những yếu tố thiết yếu của việc giáo dục, đồng thời cũng thấy những yếu tố riêng biệt của từng văn kiện phản ánh hoàn cảnh và những vấn đề của thời đại hay vùng miền của mỗi văn kiện.
Giáo huấn của Giáo Hội về giáo dục trong thời đại hiện nay chắc chắn sẽ được định hình qua sự kiện độc đáo “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” và những tài liệu được công bố nhân dịp này. Mặc dù các văn kiện còn đang trong thời kỳ soạn thảo, nhưng nhờ những ý tưởng chỉ đạo đã được công bố[2], chúng ta có thể nhận thấy một viễn tượng mới về giáo dục được khai mở, mang đậm những dấu nhấn đặc thù của thời đại hôm nay. Những điều này sẽ được trình bày dưới hai tiêu đề chính:
– “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”: ý nghĩa, tiến trình chuẩn bị và việc cử hành.
– Những yếu tố và ý tưởng nền tảng của “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- “HIỆP ƯỚC GIÁO DỤC TOÀN CẦU”: Ý NGHĨA, TIẾN TRÌNH CHUẨN BỊ VÀ VIỆC CỬ HÀNH
Sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức công bố bằng một sứ điệp ngày 12/09/2019[3] và trao cho Bộ Giáo dục Công Giáo[4] của Tòa Thánh chịu trách nhiệm tổ chức. Theo dự kiến ban đầu, “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” được cử hành vào 14 tháng 05 năm 2020, nhưng vì hoàn cảnh của dịch Covid-19, sự kiện này đã được dời đến ngày 15 tháng 10 năm 2020.[5]
- Ý nghĩa
“Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” là sáng kiến của Tòa Thánh muốn mời gọi mọi người có liên hệ đến việc giáo dục về Roma để ký một hiệp ước về giáo dục. Trong sứ điệp giới thiệu “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói cụ thể như sau: “Ngay tại Roma, tôi muốn được gặp tất cả mọi người, dưới nhiều tước hiệu, đang hoạt động trong ngành giáo dục ở mọi cấp bậc của việc học tập cũng như việc nghiên cứu. Tôi mời gọi tất cả, nhờ một hiệp ước giáo dục, khích lệ nhau cùng thực hiện những phương thức thực hành đã đem đến cho lịch sử một ý nghĩa và đã biến đổi lịch sử cách tích cực. Cùng với anh chị em, tôi mời gọi các nhà lãnh đạo xã hội ở cấp độ quốc tế, hiện đang ở những vị thế có trách nhiệm và là những người có lòng quan tâm đến tương lai của các thế hệ trẻ. Tôi tin tưởng là họ sẽ đón nhận lời mời gọi của tôi. Cha kêu gọi cả các con, các bạn trẻ, hãy đến tham dự sự kiện này và đón nhận như trách nhiệm của mình phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Cuộc gặp gỡ này sẽ được tổ chức ngày 14 tháng 5 năm 2020[6] tại Roma, trong Đại thính đường Phaolô VI.”
Nhắm đến “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy tìm những người bạn đồng hành cùng dấn thân trên hành trình giáo dục hơn là đề nghị những chương trình phải thực hiện; ngài cũng mời gọi tất cả hãy bắt tay vào một hiệp ước cùng trân trọng tính cách độc đáo của mỗi người. Chúng ta có thể nói kính trọng sự khác biệt là chất xúc tác của hiệp ước giáo dục. Hiệp ước toàn cầu về giáo dục không thể có hình thức nào khác hơn là chấp nhận tính cách không thể thay thế của những đóng góp của mỗi cá nhân để cùng nhau giải quyết vấn đề giáo dục.[7]
- Những buổi hội thảo chuẩn bị
Sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” không chỉ được công bố cách long trọng qua sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, mà còn được chuẩn bị qua nhiều cuộc hội thảo do các Đại học Giáo Hoàng hoặc Đại học Công Giáo tổ chức, để học hỏi về những khía cạnh liên quan đến nội dung của Hiệp ước. Các cuộc hội thảo này còn có mục đích phổ biến tin tức, gây ý thức nơi dư luận quần chúng để mời gọi nhiều người tham dự, vì “hơn bao giờ hết, hôm nay cần phải quy tụ các nguồn nhân lực thành một hiệp ước giáo dục để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt thắng được những sự phân hóa và mâu thuẫn để kiến tạo môi trường các tương quan cho một nhân loại thân thiện huynh đệ hơn”[8].
Dưới đây là những sự kiện chuẩn bị đã hoặc đang được thực hiện, hướng đến ngày cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- a) Hội thảo tại Bộ Giáo dục Công Giáo
Quỹ Giáo hoàng “Gravissimum Educationis” của Bộ Giáo dục Công Giáo đã tổ chức cuộc Hội thảo hai ngày (16 – 17/09/2019) với đề tài “Dân Chủ: nhu cầu khẩn cấp cho việc giáo dục trong bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo”. Tham dự cuộc Hội thảo này có hơn 30 giáo sư từ 14 Đại học.
- b) Hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Lateranense (Roma)
Ngày 31/10/2019, Đại học Giáo hoàng Lateranense (Roma), với sự khích lệ và cộng tác của Bộ Giáo dục Công Giáo và Hội Giáo hoàng về Đối thoại Liên Tôn đã tổ chức buổi Hội thảo về đề tài “Giáo dục, nhân quyền, hòa bình. Phương tiện cho các hoạt động quốc tế và vai trò của các tôn giáo”. Buổi Hội thảo trên được lồng trong dự án lớn hơn của Đại học Lateranense nhắm đến việc thực hiện hòa bình, nhất là qua việc tổ chức một ngành học về Khoa học Hòa Bình. Ngành học này đã được tổ chức theo ý Đức Thánh Cha Phanxicô, nhắm đào tạo những chuyên viên có khả năng điều khiển thực tại phức tạp của những tiến trình biến đổi xã hội, tôn giáo, văn hóa, chính trị, kinh tế, luật pháp, giáo dục qua phương pháp hòa bình để hóa giải những hoàn cảnh xung đột đang là đặc tính của thế giới hiện tại trên bình diện lớn như các quốc gia, các cơ cấu và tổ chức, hoặc ở bình diện nhỏ như các nhóm, các hiệp hội, các phong trào.
- c) Hội thảo tại Đại học Antonianum (Roma)
Cuộc Hội thảo ba ngày, từ 14 – 16/01/2020 đã được tổ chức tại Đại học Antonianum (Roma), với sự cộng tác của Khoa Thần học Giáo hoàng San Bonaventura Seraphicum, với đề tài “Thiên nhiên và môi trường trong hiệp ước giáo dục: vẻ đẹp làm cho con người trở nên tốt”.
Đề tài của cuộc Hội thảo này phát nguồn từ lời xác quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô là cần phải trao đổi với nhau về cách thức chúng ta đang xây dựng tương lai của hành tinh này và về nhu cầu phải quy tụ tài năng của mọi người, vì cuộc thay đổi nào cũng đòi phải có một hành trình giáo dục. Với đề tài đã được đề ra, cuộc hội thảo nhắm gây ý thức nơi mọi người về ý nghĩa và giá trị của việc giáo dục đối với cuộc khủng hoảng môi trường để đóng góp vào dự án giáo dục đang hình thành.
- d) Hội thảo tại Đại học LUMSA và Trường Đào tạo cao cấp EIS
Để chuẩn bị cho sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, Đại học LUMSA và Trường Đào tạo cao cấp EIS tổ chức cuộc hội thảo ba ngày, từ 31/01 đến 01/02/2020, với đề tài “Xây dựng cộng đoàn. Đề nghị của Service Learning”. Cuộc hội thảo này nhắm hai mục đích: tìm hiểu những điều kiện cần thiết cho Hiệp ước và trình bày phương pháp “Thực tập – Phục vụ” trong việc xây dựng cộng đoàn.
- e) Hội thảo tại Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội
Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội đã tổ chức cuộc hội thảo hai ngày 06-07/02/2020 với đề tài “Giáo dục. Hiệp ước Toàn cầu”. Đến tham dự cuộc hội thảo này có rất nhiều người dấn thân trong việc giáo dục tại các nước nghèo cũng như nước giàu. Các bài trình bày đều xoay chung quanh vấn đề làm thế nào để việc giáo dục trong trường học mang tính cách nhân bản hơn, công bằng hơn, thích hợp hơn đối với các nhu cầu khác nhau của các quốc gia trên thế giới.
- f) Hội thảo Đối thoại giữa nhiều thành phần khác nhau
Ngày 22/02/2020 Phân khoa Khoa học Giáo dục của Đại học Giáo hoàng Salesiana (Roma) và Phân khoa Khoa học Giáo dục Auxilium cùng tổ chức một cuộc hội thảo về “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Điều đặc biệt của cuộc hội thảo này là phương pháp thực hiện, tức là hình thức đối thoại giữa những thành phần có tương quan trực tiếp với nhau trong việc giáo dục để thiết lập một hiệp ước giáo dục có hiệu quả. Các thành phần hiện diện trong buổi hội thảo gồm: con cái và phụ huynh, người huấn luyện và người thụ huấn, sinh viên và giảng viên và nhiều thành phần khác cùng hoạt động trong ngành giáo dục.
- g) Hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana (Roma)
Ngày 24/02/2020 Đại học Giáo hoàng Gregoriana, với sự cộng tác của Học viện Giáo hoàng PISAI chuyên ngành Ả Rập và Hồi giáo đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Giáo dục hướng tới một nhân loại huynh đệ hơn: đóng góp của các tôn giáo”. Trong buổi hội thảo có 7 thuyết trình viên, đại diện cho 7 truyền thống tôn giáo khác nhau: Công giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo và các tôn giáo truyền thống Phi châu. Theo hướng chung của đề tài, mỗi thuyết trình viên trình bày về nguồn sinh lực riêng của tôn giáo mình có thể đóng góp để cùng xây dựng tình huynh đệ đại đồng.
Ngoài những sự kiện đã được thực hiện trên đây, còn một số sự kiện đã dự kiến, nhưng chưa thực hiện được vì hoàn cảnh đại dịch Corona:
- h) Hội thảo tại Đại học Công giáo Sacro Cuore (Brescia/Italia)
Theo dự kiến, một cuộc hội thảo sẽ được tổ chức tại Đại học Công giáo Sacro Cuore, ngày 03/03/2020 với đề tài “Những thách đố giáo dục cho việc hợp tác quốc tế”.
- i) Hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Santa Croce (Roma)
Cuộc hội thảo tại Đại học Giáo Hoàng Santa Croce dự kiến được tổ chức ngày 05/03/2020 với đề tài “Tính cách gia đình của Trường học”.
- j) Thành phố người Trẻ (Città dei Ragazzi)
Theo chương trình đã được chuẩn bị, ngày 24/03/2020 được dành cho cuộc hội thảo tại Thành phố người Trẻ về đề tài “Những nẻo đường của quốc tịch: từ loại trừ đến bao gồm”.
- k) Abu Dhabi (United Arab Emirates)
Theo chương trình dự kiến ba ngày hội thảo, 03-05/02/2020, sẽ được tổ chức tại Abu Dhabi với đề tài “Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại để cấu tạo Hòa Bình và chung sống trên Thế giới”.
- l) Học viện Sophia (Lopiano/Italia)
Một cuộc hội thảo hai ngày (14-15/05/2020) được dự tính tổ chức tại Học viện Sophia (Lopiano/Italia) với đề tài “Hiệp ước giáo dục. Để mở ra những nẻo đường trong một hiện tại cùng chia sẻ”.
- Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục”
Ngoài những cuộc hội thảo nói trên, còn một công tác chuẩn bị rất quan trọng tiến đến ngày cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”; đó là Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục” sẽ được công bố và ký kết trong ngày cử hành. Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục” này không đề ra một lý thuyết giáo dục hay chương trình hành động, nhưng nhắm đến việc mời gọi tất cả cùng hướng việc giáo dục đến một mục đích chung.[9]
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Zani, Tổng Thư ký Bộ Giáo dục Công Giáo, người được trao trách nhiệm trực tiếp điều hành việc chuẩn bị cũng như việc cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Diane Montagna, được đăng trên báo điện tử Life Site News, ngày 25 tháng 02 năm 2020 nói rằng một nhóm chuyên viên đã được trao trách nhiệm soạn thảo bản tuyên ngôn này và nhóm này đã làm việc hơn một năm nay.
Nhóm chuẩn bị Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục” gồm các chuyên viên thuộc nhiều ngành khoa học, khuynh hướng, chính kiến và tôn giáo khác nhau. Nếu nhóm chuyên viên thuộc nhiều thành phần khác nhau về mọi mặt có thể cùng nhau soạn thảo được một Bản Tuyên ngôn chung về giáo dục, người ta có lý do để hy vọng rằng Bản Tuyên ngôn phản ánh trung thực những thao thức của thế giới rất đa dạng và phức tạp và sẽ dễ được mọi người chấp nhận để cùng dấn thân thực hiện.
- Cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”
Chương trình chi tiết của việc cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” chưa được công bố, nhưng những nét chính yếu đã được quyết định và phổ biến. Chương trình cử hành sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” gồm ba phần:
– Trước sự kiện chính yếu: Tuần lễ “Làng Giáo dục”;
– Sự kiện chính yếu (15/10/2020): ngày ký “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”;
– Sau sự kiện chính yếu (16/10/2020): ngày gặp gỡ của các Bộ trưởng Bộ Giáo dục của các quốc gia.
- a) Tuần lễ “Làng Giáo dục”
Một tuần trước ngày 15 tháng 10 là ngày chính yếu của sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” tất cả con đường Conciliazione (Hòa giải) dẫn vào Quảng trường đền thờ Thánh Phêrô sẽ được tổ chức thành “Làng Giáo dục” (Education Village). Ở đó sẽ được dựng lên những chiếc lều cho những vấn đề khác nhau liên quan đến giáo dục hoặc diễn tả công trình giáo dục thành công của một vùng hay miền tiêu biểu. Tại mỗi lều sẽ có những chuyên viên phụ trách, với những tranh ảnh và bài viết miêu tả vấn đề. Trong suốt tuần lễ, mỗi ngày “Làng Giáo dục” sẽ hoạt động từ 10g00 sáng đến 7g00 tối, đón tiếp bất cứ ai, nhất là các sinh viên, học sinh đến tham khảo, trao đổi và kể cả tranh luận.
- b) Sự kiện chính yếu
Ngày 15 tháng 10 năm 2020 là ngày chính yếu của chương trình cử hành “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” (trước biến cố Coronavirus đã được ấn định vào ngày 14 tháng 5 năm 2020). Chương trình của sự kiện chính yếu sẽ được thực hiện trong Đại thính đường Phaolô VI, gồm 3 phần:
– Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô;
– Cuộc đối thoại giữa các bạn trẻ và các vị lãnh đạo thuộc nhiều thành phần: tôn giáo, chính trị, văn hóa… có nhiều ảnh hưởng trên thế giới xoay quanh những vấn đề: Việc giáo dục ngày nay phải thực hiện như thế nào trước những khó khăn và thách đố mà nhân loại đang phải đối diện, chẳng hạn những cuộc xung đột chiến tranh, vấn đề thay đổi khí hậu, vấn đề bạo động, nghèo đói, vấn đề những người bị gạt ra bên lề xã hội;
– Đại diện các nhà lãnh đạo thuộc nhiều thành phần trên thế giới: tôn giáo, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, các vị đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình ký bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- c) Ngày gặp gỡ của các Bộ trưởng Bộ Giáo dục các quốc gia
Ngày 16/10/2020, sau ngày ký Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”, các Bộ Trưởng Bộ Giáo dục của các quốc gia đến tham dự sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”[10] họp mặt tại Đại học Giáo Hoàng Lateranense để trao đổi với nhau về Hậu Hiệp ước Giáo dục: những gì cần làm và có thể làm tại các quốc gia để thực hiện Bản Tuyên ngôn “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”.
- NHỮNG YẾU TỐ VÀ Ý TƯỞNG NỀN TẢNG CỦA “HIỆP ƯỚC GIÁO DỤC TOÀN CẦU”
Dự án “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới, nhưng bắt nguồn từ và dựa trên giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii gaudium)và thông điệp “Laudato sí”. Cũng có thể nói: “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” là giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô áp dụng trong môi trường giáo dục.
- Những vấn đề căn bản
- a) Văn hóa ích kỷ
Người ta nhận thấy trong xã hội hôm nay đang nổi lên và lan tràn ở nhiều nơi khuynh hướng đóng cửa lòng, quy hướng tất cả về mình, bảo vệ những quyền lợi và đặc ân của cá nhân hay một tổ chức đến độ trở thành vô tâm đối với tha nhân và loại bỏ người già cũng như mầm sống đang bắt đầu.
Khuynh hướng tự kỷ và đóng kín cửa lòng trước tha nhân phát xuất từ sự biến đổi sâu xa trong quan niệm về con người[11]. Hiện nay, khắp thế giới đang lan tràn một thứ văn hóa xây nền tảng trên quyền tối thượng của con người, hiểu như cá nhân hay tập thể, trên mọi thực tại. Có thể nói đây là văn hóa tôn thờ “cái tôi” của cá nhân hay tập thể đến độ người ta sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả những tình cảm quý báu nhất. Thứ văn hóa tôn thờ cá nhân và tập thể đã gây ra những rạn nứt sâu đậm và lớn lao. Đó là rạn nứt giữa các thế hệ, các dân tộc, các nền văn hóa, giữa người giàu và người nghèo, giữa người nam và người nữ, giữa kinh tế và luân lý, giữa loài người và trái đất[12].
- b) Ảnh hưởng của kỹ thuật
Ảnh hưởng của kỹ thuật trên tâm trí người thời đại, nhất là giới trẻ có thể nói là hàm hồ và mâu thuẫn, tức là vừa tích cực, vừa tiêu cực. Tính cách hàm hồ của kỹ thuật đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô diễn tả như sau: “Xã hội ngày càng đi đến toàn cầu hóa làm cho chúng ta gần nhau hơn, nhưng không làm cho chúng ta thêm tình nghĩa huynh đệ hơn”[13].
Một trong những yếu tố chính yếu hình thành tính cách toàn cầu hóa của xã hội là sự phát triển kỹ thuật, đặc biệt là những kỹ thuật liên quan đến công nghệ thông tin và đời sống ảo trên mạng. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số đang đặt ra những vấn đề vô cùng gay go đối với việc giáo dục. Những vấn đề đó có thể chia làm hai loại như sau:
– Khác biệt về tốc độ thực hiện
Các thế hệ trẻ hôm nay đang phải trải nghiệm sự mâu thuẫn do sự khác biệt về tốc độ thực hiện của kỹ thuật, nhất là internet và sự biến đổi hay thăng tiến theo tiến trình tự nhiên của đời sống thể lý, nhất là của hành trình luyện tập tiến tới sự trưởng thành nhân bản và tinh thần[14]. Vì năng tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật, nhất là internet, người ta quen thuộc với những kết quả “lập tức” và “đồng thời” với ý muốn và hành động nên dễ mất kiên nhẫn với những biến chuyển chậm chạp trong lãnh vực nhân bản, tinh thần và thiêng liêng. Do đó, con người thời đại dễ mất an bình nội tâm trong tương quan với tha nhân, còn với đời sống nhân bản và thiêng liêng của mình thì dễ chán nản và buông xuôi.
Như thế, internet và phương tiện truyền thông đại chúng đang làm thay đổi tận căn mối tương quan giữa những con người với nhau cũng như những ao ước, khát vọng và chính căn tính của mỗi cá nhân vì chúng làm thay đổi nhiều khả năng của con người, chẳng hạn trí nhớ, khả năng sáng tạo, khả năng chú ý và tự giác. Ngoài ra, vì quá dựa trên kỹ thuật, người ta cũng rất dễ đánh mất khả năng nhận ra tính cách mầu nhiệm của các mối tương quan giữa các thực tại[15].
– Tính vô cảm toàn cầu
Nhờ các phương tiện truyền thông, người thời đại có thể biết được mọi việc xảy ra trên khắp thế giới nên được mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết. Tuy nhiên, các sự kiện được phương tiện truyền thông cung cấp thuộc đủ loại: vui – buồn, thành công – thất bại, cao thượng – tàn ác, hạnh phúc – đau khổ… Tất cả, như một dòng nước cứ chảy triền miên vào trí óc mỗi người và ít khi một sự kiện đọng lại lâu giờ vì các sự kiện liên tục thay thế nhau trong tâm trí. Thực trạng này làm cho người ta dần dần quen thuộc với sự đau khổ của tha nhân và trở thành vô cảm trước những thảm cảnh của nhân loại[16].
– Sự phân hóa tâm lý
Sự phân hóa tâm lý phát sinh do sự tiếp cận thái quá những phương tiện kỹ thuật tân tiến là một trong những vấn đề trầm trọng và khẩn cấp cần được quan tâm trong việc giáo dục các thế hệ trẻ[17].
Tâm trí của người thời đại, nhất là của giới thiếu nhi và giới trẻ luôn luôn bị lôi cuốn bởi những yếu tố kích thích đa dạng, gây cản trở cho việc luyện tập sống thinh lặng. Thời gian và không gian cần thiết để nhận ra những khát vọng cũng như những sợ hãi của riêng mình bị đổ đầy bởi những giao tiếp liên tục và hấp dẫn, có sức lôi cuốn tâm trí. Những tương giao đó hướng tâm trí về những khía cạnh bề nổi, có thể tính toán và đo lường được, nhưng không hướng tâm trí đến ý nghĩa[18] chiều sâu của cuộc đời và của sự vật. Do đó, trong sự phong phú của các yếu tố và các sự kiện, người ta nghiệm thấy sự nghèo nàn về nội tâm, về khả năng suy nghĩ, khả năng lắng nghe tha nhân và lắng nghe chính mình. Ngoài ra, những kích thích đa dạng và liên tục đến từ kỹ thuật số còn “dẫn đến việc đánh mất ý thức về tổng thể, về tương quan giữa các sự vật và về viễn tượng xa cũng như về ý nghĩa”.
- Hướng đi căn bản cho việc giáo dục
Trước những hoàn cảnh trên đây, việc giáo dục cần quan tâm đến một số yếu tố quan trọng sau:
- a) Quan niệm về việc giáo dục
Dựa theo tinh thần của Thông điệp “Laudato sí”, tài liệu chuẩn bị cho “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” xác quyết là việc giáo dục sẽ không mang lại kết quả mong muốn nếu không truyền đạt được một mẫu sống mới về con người, về đời sống, về xã hội và về tương quan với thiên nhiên[19]. Do đó, cần phải hiểu việc giáo dục theo viễn tượng rộng lớn bao gồm các kinh nghiệm sống và hành trình luyện tập, giúp người trẻ phát triển nhân cách của mình[20].
Theo cách nhìn này, việc giáo dục không thể bị giới hạn trong việc học biết các kiến thức văn hóa và khoa học, nhưng còn phải mở rộng tới các khía cạnh nhân bản và thiêng liêng. Nói cách khác, việc giáo dục không chỉ nhắm đào tạo các thế hệ trẻ thành các chuyên viên tài giỏi, mà còn phải đào luyện họ thành những con người trưởng thành và đạo đức. Trong ý niệm này, việc giáo dục không được giới hạn trong các phòng lớp mà còn phải mở rộng ra môi trường gia đình, tôn giáo và các cơ cấu có thể hỗ trợ gia đình trong trách nhiệm giáo dục[21].
- b) Kiến tạo lại căn tính của mỗi người
Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đang làm cho các tương quan của mỗi người với tha nhân, với thiên nhiên và với chính mình thay đổi sâu xa đến nỗi làm biến dạng hình ảnh mỗi người có về chính mình và tạo ra một căn tính gẫy vụn trong con người. Hoàn cảnh này làm phát sinh trong nội tâm mỗi người nỗi buồn khổ và tâm trạng bất an. Trong bối cảnh này, trách nhiệm khẩn cấp của giáo dục là giúp các bạn trẻ kiến tạo lại căn tính và tìm lại nội tâm của mình[22].
Trách nhiệm nói trên của việc giáo dục có thể được thực hiện qua hai tác động. Tác động thứ nhất là trực diện khuynh hướng tôn thờ “cái tôi”để biến đổi nó[23]; tác động thứ hai là nối kết lại các tương quan rộng lớn bao trùm con người; đó là tương quan xã hội, văn hóa và môi trường. Các tương quan trên lệ thuộc và bổ túc lẫn nhau. “Coi thường việc nuôi dưỡng mối tương quan trung thực với tha nhân… sẽ làm tổn hại mối tương quan nội tâm với chính mình, với Thiên Chúa và với thiên nhiên”[24].
- c) Tình liên đới
Một trong những khía cạnh nổi bật của thế giới hôm nay là tình trạng phân hóa, chia rẽ, xung đột và chiến tranh. Do đó, nhu cầu khẩn cấp của thế giới là cấu tạo lại tình liên đới giữa các thành phần và giữa các thế hệ trong xã hội. Đứng trước tình trạng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng: “Chúng ta thấy bị thách thức phải khám phá ra và thông truyền ‘huyền nhiệm’ sống chung, gặp gỡ và xen trộn vào nhau, sát cánh với nhau, dựa vào nhau, tham dự vào đám đông có chút hỗn độn, nhưng có hy vọng sẽ trở thành một kinh nghiệm về tình huynh đệ, về đoàn người liên đới cùng tiến bước.”[25] Việc giáo dục cần phải tham dự vào việc biến đổi này qua hai hành động:
– Viễn tượng tình huynh đệ nguyên thủy
Các vấn đề phân hóa, chia rẽ, xung đột, chiến tranh và loại trừ nhau bắt nguồn từ sự thiếu vắng ý thức về nguồn gốc chung, về việc tất cả cùng thuộc về nhau và cùng chung một tương lai[26].
Yếu tố chung này được diễn tả bằng cụm từ “tình huynh đệ nguyên thủy”, hiểu theo phạm trù văn hóa và nhân chủng học, tức là yếu tố thuộc vào bản tính. Người ta có thể tự do lựa chọn những người bạn hay những người đồng hành, nhưng không tự do chọn người anh em vì mỗi người, khi sinh ra là nhận một bản tính “người” chung với mọi người[27]. Do đó, “tình huynh đệ nguyên thủy” bao gồm tất cả mọi người, không loại trừ ai và được thực hiện qua những thái độ chính yếu như: gặp gỡ, liên đới, thương xót, quảng đại, đối thoại, trao đổi[28].
– Hiệp nhất trong khác biệt
Nguồn gốc của tình trạng phân hóa và chống đối nhau dẫn đến xung đột dưới nhiều hình thức lắm khi phát sinh từ việc sợ hãi sự khác biệt[29]. Do đó, để cấu tạo sự hiệp nhất cần phải có một bước nhảy vọt về tư tưởng và thay đổi tận căn cách suy nghĩ thông thường. Cho đến bao giờ sự khác biệt còn bị coi là đối nghịch với sự hiệp nhất thì chiến tranh vẫn luôn rình rập trước cửa. Trách nhiệm của giáo dục là trình bày một hệ tư duy mới, biết gìn giữ cách hài hòa hiệp nhất và khác biệt, bình đẳng và tự do[30].
Hiệp nhất và khác biệt không loại trừ nhau, mà trái lại còn cần nhau. Tách biệt khỏi nhau, hiệp nhất sẽ loại trừ những gì là khác biệt, làm cho cuộc sống của tha nhân và của chính mình trở thành ngột ngạt, còn sự khác biệt mà không có hiệp nhất sẽ sớm biến thành rối loạn. Việc giáo dục cần phải hành động ở bình diện này là bình diện tư tưởng, giúp nhận ra là hiệp nhất cần sự khác biệt và tha nhân với sự khác biệt là ơn phúc chứ không phải là rào cản không cho mình thăng tiến. Việc giáo dục này hết sức cần thiết vì “các cuộc chiến tranh bắt đầu từ trong lòng chúng ta khi chúng ta không có khả năng mở lòng cho tha nhân, khi chúng ta không có khả năng nói với tha nhân”[31].
Việc giáo dục không được dừng lại ở những nguyên tắc, mà phải tiến sang việc thực hành làm phát sinh văn hóa gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại nên cả khi phải tranh luận, “cần nhớ mình là anh em và vì vậy cần đào tạo và tự đào tạo để không coi người kia là kẻ thù hay quân địch cần phải loại trừ”[32]. Chính trong đối thoại và lắng nghe, “chúng ta tập đón nhận tha nhân trong sự khác biệt về cách sống, cách suy nghĩ và cách diễn tả của họ”[33]. Do đó, nền giáo dục thành công và kết quả không chỉ tùy thuộc khả năng chuyên môn của các giảng viên, cũng không hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng tài giỏi của các sinh viên, học sinh, mà còn tùy thuộc vào chất lượng mối tương quan giữa các giáo viên và học viên[34].
Sau tất cả những điều đã được trình bày, một câu hỏi được đặt ra: “Thế giới này có thể thay đổi nên tốt hơn không?” Thực ra câu hỏi này đã được đặt ra trong Tài liệu chuẩn bị sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” và câu trả lời là “Thế giới có thể thay đổi nên tốt hơn”[35]. Đây chính là nguyên tắc nền tảng cần phải đưa vào chương trình giáo dục. Nếu không có xác tín là thế giới có thể thay đổi nên tốt hơn, người ta, nhất là giới trẻ sẽ thiếu đi một sức mạnh thúc đẩy và sẽ không dấn thân thực hiện. Thực ra, hình ảnh một thế giới tương lai tốt đẹp hơn là viễn tượng của thời cánh chung, là chương trình cứu độ của Thiên Chúa: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Đấng ngự trên ngai phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’. Rồi Người phán: ‘Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật’.” (Kh 21,1-6).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (tháng 7 & 8 năm 2020)
[1] Dưới đây là một số văn kiện: ĐTC Piô XII, Huấn từcho Hiệp hội Giáo chức Công giáo Trung học Ý (U.C.I.I.M.), 5.1.1954: Discorsi e Radiomessaggi XV, tr. 551-556; GIOAN XXIII, Huấn từcho Đại hội Hiệp hội Giáo chức Công giáo Ý (A.I.M.C.) lần VI, ngày 5.9.1959: Discorsi, Messaggi, Colloqui, I, Roma 1960, tr. 427-431; ĐTC Phaolô VI, Huấn từ cho Cơ quan Quốc tế Giáo dục Công giáo (O.I.E.C.), 25.2.1964: Encicliche e Discorsi di Paolo VI, II, Roma 1964, tr. 232; Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum Educationis; Bộ Giáo dục Công Giáo: The Religious Dimension of Education in a Catholic School (April 7, 1988); The apostolate of religious teaching in the Catholic schools (October 15, 1996); Consecrated Persons and their Mission in Schools. Reflections and Guidelines (October 28, 2002); Educating Together in Catholic Schools. A Shared Mission between Consecrated Persons and the Lay Faithful (September 8, 2007); “Reform of the Higher Institutes of Religious Sciences” (June 28, 2008);“Educating to Intercultural Dialogue in Catholic Schools. Living in Harmony for a Civilization of Love” (October 28, 2013); Educating Today and Tomorrow: A Renewing Passion (Instrumentum laboris) (April 7, 2014); Educating to fraternal humanism – Building a “civilization of love” 50 years after Populorum progressio (April 16, 2017); Male and female he created them: towards a path of dialogue on the question of gender theory in education (February 2, 2019).
[2] Những văn kiện chính yếu chỉ đạo cho việc chuẩn bị “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”:
ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (http://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html ),
Thông điệp “Laudato sí” (http://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html ),
Sứ điệp giới thiệu “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”(https://www.educationglobalcompact.org/it/invito-di-papa-francesco/ );
Bộ Giáo dục Công giáo, Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), (https://www.educationglobalcompact.org/resources/Risorse/instrumentum-laboris-en.pdf ).
[3] https://www.educationglobalcompact.org/it/invito-di-papa-francesco
[4] Bộ Giáo dục Công Giáo có trách nhiệm hướng dẫn 216.000 trường học Công giáo, nơi có hơn 60 triệu học sinh theo học và 1.750 Đại học Công giáo nơi có hơn 11 triệu sinh viên theo học.
[5] https://www.educationglobalcompact.org/it/
[6] Như đã nói trên đây, vì hoàn cảnh dịch corona, sự kiện “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu” được dời đến ngày 15/10/2020.
[7] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 2.
[8] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, https://www.educationglobalcompact.org/it/invito-di-papa-francesco/
[9] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, n. 2.
[10] Trong Đại Hội Nghị của Bộ Giáo Dục 17-21/2/2020, ĐTGM Vincenzo Zani, Tổng Thư ký của Bộ Giáo Dục Công Giáo, cũng là người tổ chức “Hiệp ước Giáo dục Toàn Cầu” thông báo là đến ngày 20/2/2020 đã có 47 Quốc gia ghi danh sẽ gửi Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục sang tham dự “Hiệp ước Giáo dục Toàn Cầu”.
[11] ĐTC Phanxicô, Bài phát biểu cho các thành viên của Hàn lâm viện giáo hoàng về sự sống, Đại Hội nghị tháng 10 năm 2017.
[12] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 1.
[13] ĐTC Bênêđictô, thông điệp “Đức ái trong Sự thật”, số 19.
[14] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 2.
[15] x. ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 20.
[16] x. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới, 1 tháng 1 năm 2014; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 2.
[17] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 3.
[18] ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 110; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 3.
[19] x. ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 215.
[20] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 1.
[21] x. Diễn văn của ĐTC Phanxicô trong buổi Triều yết dành cho Ngoại Giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh, ngày 09/01/2020; Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 1.
[22] x.Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 4.
[23] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 1.
[24] ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 70.
[25] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, số 87; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 1.
[26] x. ĐTC Phanxicô, Thông điệp “Laudato sí”, số 220.
[27] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Progetto, số 3.
[28] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), Il Contesto, số 3.
[29] x. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới, 01/01/2020.
[30] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 1.
[31] Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), đã trích.
[32] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới, 01/01/2014.
[33] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, số 250; x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 1.
[34] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 2.
[35] x. Tài liệu chuẩn bị (Instrumentum Laboris), La Visione, số 3.
Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo