2020
Vì tôi được yêu
Một trong những hình ảnh đẹp nhất của thời sinh viên đối với tôi đó là một cụ bà. Bà đang cố gắng di chuyển thân mình trên hai chiếc ghế nhựa màu đỏ, đôi chân bà đã bị cưa cụt vì… chuột cắn… Tôi vô tình gặp bà trên đường gần về chỗ tôi trọ học. Tôi chạy lại và mong muốn được giúp bà nhưng bà đã từ chối. Bà bảo tôi rằng : “Cảm ơn cháu! Bà có thể tự đi một mình được, vì bà đang cố gắng để tập bước đi trên đôi chân tật nguyền của mình”.
Tôi không quên hình ảnh ấy và càng không thể quên được những gì tôi được nghe chia sẻ từ bà. Nó đánh động tâm hồn tôi. Bản thân tôi dễ chán nản trong cái bản ngã của mình. Khi nghĩ về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì tôi, Đấng đã luôn cho tôi cơ hội để làm lại, để hy vọng, tôi nhận ra mình được yêu thương.
Nơi bà cụ, Chúa vẫn nhắc nhở tôi: phía trước Ngài vẫn chờ tôi và giúp tôi can đảm đối diện với thách đố của bản thân, của cuộc sống, dù có khi chiến đấu với nó thật khó, hay thậm chí là mỏi mệt lê bước trong thất bại. Có những thất bại để trui rèn ý chí con người, nhưng cũng có những thất bại khiến người ta chán nản, và hết hy vọng để làm lại.
Tôi đã từng thất bại. Nhưng qua thất bại đó, tôi cảm nhận rằng chính Thiên Chúa đã đưa tôi vào một “thành công mới” của một “cuộc sống mới” mà Ngài cho tôi thấy ý nghĩa đích thực vốn có của nó, và cảm giác “yêu” và “được yêu” trong linh đạo mang tên Mến Thánh Giá. Bây giờ, tôi nhận ra rằng đó là Lòng Thương Xót nhân từ mà Ngài đã dành cho một tội nhân là tôi.
Trong Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, Máu và Nước đã chảy ra biểu lộ sự sống. Nơi đó, những đau khổ của con người đều thuộc về những thương tích Thánh của Ngài và được Ngài biến đổi thành vinh quang, cho phép tôi không bao giờ được hết hy vọng vào Lòng Thương Xót của Ngài.
Cùng chị em trước Nhan Thánh Chúa lúc ba giờ chiều và thân thưa: “Lạy Chúa Giêsu! Con tín thác vào Chúa”, tôi tạ ơn Ngài, vì Ngài vẫn yêu, đang yêu và sẽ luôn yêu tôi trong Tình Yêu Xót Thương của Ngài. Ngài đã không bỏ rơi tôi, Ngài vẫn ở đó và chờ tôi đến kín múc ân sủng và sức mạnh từ trái tim Ngài, và cũng bởi vì qua chị Thánh Faustina, tôi biết rằng: “Lòng Thương Xót là ưu phẩm cao cả nhất mà Thiên Chúa dành riêng cho bạn và cho tôi”.
Maria Thanh Hải
2020
Chúa có lặng thinh?
Ngày hôm nay, trước những gì đang xảy ra trên thế giới, con người cảm thấy hoang mang cực độ. Có người rơi vào tuyệt vọng, người ta than trách Chúa rằng: “Tại sao Chúa lại lặng thinh?” Nhưng, thật sự Chúa có đang làm ngơ trước những nỗi đau của nhân loại? Hay những đau khổ đang xảy ra cho con người, có phải do Chúa tạo ra?
Nhìn lại lịch sử của nhân loại, từ thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật, và chính Người đã phán: “mọi sự đều tốt đẹp” (x.St 1,31). Thiên Chúa dựng nên con người, cho họ được sống trong ân sủng với Người. Nhưng, chính con người dùng tự do của mình mà khước từ tình yêu ấy, khi kiêu ngạo muốn ngang bằng với Thiên Chúa nên nghe theo sự dữ, chống lại lời Người.
Ngày nay, sự kiêu ngạo dường như lên tới đỉnh điểm khi người ta tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chết” hay “Thiên Chúa không tồn tại”. Họ tự tạo cho mình một “Thiên Chúa” theo ý họ muốn, một “Thiên Chúa” đáp ứng những nhu cầu thực dụng của họ. “Thiên Chúa” ấy là: tiền tài, danh vọng, địa vị, sự ích kỷ, lòng hận thù, lối sống phóng túng hưởng thụ. Và rồi, người ta làm nô lệ cho những “Thiên Chúa” ấy, họ bất chấp tất cả để đạt cho được những điều nhằm cung phụng “Thiên Chúa” của lòng họ. Còn Thiên Chúa của tình yêu, thì họ coi như đã chết, vì họ đã đóng đinh Người vào cây thập tự từ hơn hai ngàn năm trước rồi! Khi có một điều không may xảy đến, những “Thiên Chúa” mà họ dựng nên không thể cứu nổi họ. Con người đã từng kiêu ngạo tuyên bố rằng Chúa đã chết, nay run sợ trước một con virus. Họ nhận ra sự thật rằng mình nhỏ bé như thế nào trong vũ trụ này.
Khi một tai ương xảy đến, người ta lại đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho Chúa, nhưng ít ai tự nhận lỗi về chính mình. Mỗi một người sống trong thế giới này, đều có trách nhiệm với những biến đổi đang xảy ra. Thiên tai, cháy rừng, biến đổi khí hậu,… không phải là do con người hay sao? Con người tự cho mình quyền làm chủ, bắt thiên nhiên phải phục tùng mình, lạm dụng quá mức, dẫn đến mất cân bằng, khi nhận lại cơn giận dữ của thiên nhiên, người ta lại đổ lỗi cho Chúa.
Chúa thực sự không làm ngơ trước những đau khổ của con người. Nếu Ngài làm ngơ, thì Con Một Ngài đã không phải chịu cái chết đớn đau trên thập giá, để chuộc lại lỗi lầm của nhân loại. Chúa im lặng, phải chăng Người đang chờ đợi điều gì đó nơi con người?… Như khi xưa Chúa đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh, thì nay Người cũng mời gọi chúng ta cộng tác vào công trình cứu độ của Người.
Hôm nay, khi có những người chỉ biết ngồi than khóc, thì bên cạnh đó, có những người đang ngày đêm làm việc, để dành lại sự sống cho anh em mình. Họ là những bác sĩ, y tá tuyến đầu, họ là những người bất chấp hiểm nguy để đến với người khác, họ là những linh mục, tu sĩ, khoác lại chiếc áo blue để xông vào những ổ dịch, chiến đấu lại với tử thần… Những người ấy, họ là những chứng nhân sống động của Lòng Chúa Thương Xót. Đứng trước những đau khổ của nhân loại, Chúa không lặng thinh, nhưng Người cũng không phán một lời để chấm dứt những đau khổ ấy, mà Người mời gọi mỗi chúng ta cộng tác bằng việc yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ với nhau.
Lạy Chúa, đứng trước những khổ đau, xin cho nhân loại chúng con đừng chỉ biết lên án, chỉ trích nhau hay oán trách Chúa, nhưng biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, để qua đó, Lòng Chúa Xót Thương được thể hiện nơi mỗi người chúng con. Amen.
Anna Nguyễn Lan
2020
Đừng bán rẻ linh hồn cho những thứ không thuộc về mình.
Tôi thực sự cảm nhận được rất nhiều bài học hay khi đọc cuốn tiểu thuyết Suối Nguồn của nhà văn nữ Ayn Rand. Nó làm nảy sinh trong tôi về một ý nghĩ: chọn lựa và sống trong đời của một con người, để không rơi vào cạm bẫy của thế lực gian tà và có nguy cơ: “Bán Rẻ Linh Hồn Cho Những Thứ Không Thuộc Về Mình”.
Tôi muốn chia sẻ ý tưởng này, trước hết cho chính bản thân tôi, để tôi có chọn lựa đúng đắn về cách sống, hành trình tôi đang đi sẽ phù hợp với ơn gọi và căn tính của mình, hơn nữa tôi cũng muốn gửi tới những người thân yêu của tôi những chia sẻ này cùng tất cả những ai đang khao khát đi tìm Chân – Thiện – Mỹ cách chân thành. Mong rằng khi đọc được những suy tư còn non yếu và hạn hẹp của tôi, phần nào mọi người sẽ có thêm những câu trả lời riêng cho câu nói trên theo như cảm nhận riêng của mỗi người và tìm ra ý nghĩa mới, những đường hướng mới cho một cuộc chọn lựa đầy thách thức trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Trước hết, tôi xin chia sẻ về câu hỏi:
Linh hồn là gì? Tại sao không nên bán rẻ linh hồn?
Tôi có đọc thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận về khái niệm linh hồn theo triết học, khoa học, tôn giáo… Nhưng tôi xin được trình bày theo quan điểm niềm tin của tôi đó là:
Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo: Linh hồn là cái làm cho ta thành một con người. Nó là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người. Linh hồn làm cho thể xác vật chất trở nên thân xác sống động của con người. Nhờ linh hồn, con người có thể xác nhận cái “Tôi” của mình, và đứng trước Thiên Chúa như một cá thể không ai thay thế được. [362-365, 382]. Vì thế, linh hồn con người là do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, chứ không phải sản phẩm bởi “cha mẹ” [366-368, 382]. Đây là lý do mà tôi suy nghĩ con người không có quyền để bán rẻ linh hồn.
Tiếp đó: Cái gì là cái không thuộc về mình?
Khi suy nghĩ cho vấn đề này tôi cho rằng: những cái không thuộc về mình thì hẳn ai cũng có thể trả lời một cách đơn giản. Nhưng có phải những thứ mình không sở hữu thì mới không thuộc về mình chăng? Bạn có nghĩ rằng có những thứ dường như hoàn toàn thuộc về mình, cái ta cầm chắc trong tay, cái ta nhìn thấy được, đụng chạm và cảm nhận được như thân thể, tài năng, công việc, gia đình,vật dụng tài sản hằng ngày của ta… nó cũng không hẳn thuộc về ta không? Tôi xin đưa ra một vài ý tưởng của tôi về những điều tôi vừa nêu trên. Vậy cái gì thuộc về ta mà ta không nên bán rẻ để đánh đổi lấy cái không thuộc về mình?
Sống trong một thế giới mà rất rất nhiều sự cạnh tranh có thể nói là khốc liệt để có thể sinh tồn với những khắc nghiệt từ ngoại cảnh. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng: muốn có được hạnh phúc thì phải có những đánh đổi cần thiết. Khi chúng ta nỗ lực sống tốt, làm điều tốt, phấn đấu để học hỏi, để tìm kiếm một cuộc sống đúng nghĩa và hạnh phúc thật sự thì đó hiển nhiên là việc làm tốt và không có gì sai trái với lẽ tự nhiên. Chẳng ai cổ xúy một lối sống bần hàn, túng thiếu, và dốt nát. Nhưng cái làm cho ta có thể lâm vào màn bi kịch của sự dữ và tuột dốc sai trái là lòng tham, ích kỷ, nghi ngờ, ghen tỵ… Người ta thường nói: người nghèo thì có giới hạn còn người tham lam thì không có giới hạn. Khi ta chỉ nghĩ cách hạn hẹp để thu thém, lượm lặt, tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân, tìm lợi ích riêng cho một tập thể của mình, mà ít quan tâm tới nhu cầu của người bên cạnh, ta không có tiêu chuẩn cụ thể cho những giới hạn của tham vọng thì đâu là điểm dừng? Tôi có thể chưng dẫn một vài ý tưởng của tôi về những thứ mà bản chất của nó vốn không xấu, nhưng lại rất dễ là cớ cho mọi người có thể mất phương hướng và khó kiểm soát mình, để rồi chúng ta có những hoán đổi chênh lệch vị trí về bản chất thật vốn có của bản thể. Chẳng hạn:
Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ, chúng ta cần có tiền để phục vụ nhu cầu của cuộc sống thường ngày nhưng nó sẽ có nguy cơ làm cho con người phụ thuộc và rơi vào cái bẫy để ta dễ “bán rẻ linh hồn cho những thứ không thuộc về mình” khi chúng ta tôn thờ đồng tiền như ông chủ của mình, khi chúng ta kiếm tiền và sống trên mồ hôi nước mắt của người khác đó gọi là đồng tiền bất lương. Khi sống trong cái gọi là hạnh phúc giả tạo mà ta có được từ bàn tay và mồ hôi lao nhọc của người khác thì nó có hoàn toàn thuộc về ta? Một tấm bằng, một tác phẩm nghệ thuật, một tư tưởng từ người khác nhưng chúng ta khôn khéo, biến nó thành của mình thì đó gọi là gì? Khó có thể có một khái niệm hay cho nó một tên gọi chính xác nhưng chắc chắn nó không phải của ta. Chúng ta sẽ thật sự bất hạnh khi ta sống ký gửi, sống nhờ hay vay mượn của người khác mà như thể là cái của mình? Chúng ta sẽ không thực sự hạnh phúc đâu, sau cái hào nhoáng của thành công ấy, đằng sau là cả một không gian rộng lớn trống trải nội tâm ta phải chiến đấu, giằng co quyết liệt, đằng sau đó quả là cả một sự trống rỗng rất lớn. Nó làm ta mất bình an.
Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn làm ra chúng bằng những giọt nước mắt chân chính thì cũng không hẳn là của ta. Hãy coi đó là một phần khích lệ chính đáng ta được nhận, nhưng đừng lấy đó để quên thực tại đời ta. Ta hẳn từng biết và tin rằng: chúng ta chỉ là những quản gia được ông chủ trao phó tài sản vào tay để ta quản lý và sinh lợi một thời gian. Khi đến thời đến buổi ông chủ sẽ gặp ta để thanh toán sổ sách (x. Lc 19, 11-28).
Danh là cái mà làm cho ta không còn thực sự là mình khi chúng ta cần được chú ý, cần lời khen, ta sống dựa vào những dư luận, mà quên và không biết mình là ai và mình sống vì ai? Đó là lúc chúng ta đánh mất chính mình chỉ vì cái danh hư hảo. Hay khi tìm mọi cách để lật lọng cho mình có được danh vọng hay vị trí mà ta muốn mình đứng vào xứng đáng thì nó lại hoàn toàn không thuộc về ta chỉ là trên danh nghĩa vay mượn. Đó là hình thức bán rẻ lương tâm để có được những thứ chả liên quan tới mình.
Quyền chúng ta hẳn sẽ rất hãnh diện và tự hào về tài năng của mình khi thấy bản thân thật vĩ đại vì có thể “hô mưa, gọi gió” với tất cả mọi người. Nhưng tôi lại nhận thấy mặt trái của quyền lực là làm tổn thương người khác. Hơn nữa, ta lẽ nào quên mất lời dạy của Chúa Giêsu rằng: Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. (Mt 23, 9).Con người càng làm lớn thì càng trở nên người phục vụ mọi người. Phục vụ tha nhân đó là cái quyền mà có thể ai muốn là môn đệ của Đức Kitô cũng sẽ nằm lòng với bài học này.
Con người toàn thể: Xác và Hồn là thể thống nhất để chúng ta sống đúng phẩm giá của chúng ta một cách bình đẳng với hết mọi người. Một thứ không thể là cao nếu chúng ta có thể với tới nó, nó không vĩ đại nếu người ta có thể tranh cãi về nó, nó không sâu nếu người ta có thể nhìn thấy đáy (Suối Nguồn- Ayn Rand). Nhưng với một con người thống nhất thì bên trong và ngoài là một, ta có thể thấy và cảm nhận rõ ràng. Đừng cầm tù chính mình, đừng tự khóa chặt mình trong không gian chật hẹp những thứ tội ác của tham vọng, cái tôi vị kỷ, đừng đánh đổi hay bán rẻ chính mình. Hãy mở ra cho mình một lối thoát, để linh hồn tìm thấy tia sáng hy vọng phía trước.
Tắt một lời chúng ta hãy tự hỏi: Được cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích chi? Hay bán rẻ linh hồn cho những thứ phù phiếm chẳng không sinh ích cho Linh hồn mình thì có nghĩa lý gì không? Đây cũng là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ cho từng ngày sống của tôi trong ơn gọi thánh hiến.
Têrêsa Hoàng Ngoan
2020
Lặng và Lắng
Khung cảnh của xã hội hiện nay vẫn bao trùm nỗi sợ hãi của đêm tối. Cách đây 2000 năm Chúa cũng đã một mình trong đêm tối của vườn dầu. Chúa cũng buồn, Chúa cũng sợ trước cảnh tượng sắp diễn ra “Lòng Thầy buồn rầu đến chết được”. Tưởng chừng như Chúa Cha đang thinh lặng với Con mình. Khi đứng trước sự dữ Chúa Giêsu đã cầu xin Cha mình: “ Lạy Cha, nếu được xin Cha cất chén đắng này khỏi con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con được thể hiện mà là ý Cha”(Lc 22,42). Nhưng Chúa Cha đã không thinh lặng trước lời cầu xin đó khi cho Con mình sống lại vào ngày thứ ba. Chúa đã chết và sống lại để cho nhân loại được sống và sống mãi muôn đời.
Chúa đã phục sinh rồi, còn con vẫn nhiều lần, nhiều lúc hoài nghi sự Phục sinh đó. Con thấy nét gì đó nơi mình của một Tôma cứng lòng và kém tin vào Chúa. Con cũng như các môn đệ xưa, cũng buồn đau khổ, và thất vọng tràn trề khi thấy Thầy mình bị đóng đinh. Con cũng mong Chúa sẽ sống lại từ cõi chết. Nhưng lòng tin của con không đủ mạnh để tin vào sự Phục sinh đó. Trong đêm tối và sự lạnh lẽo của lòng người con cũng sợ Chúa sẽ bỏ con và xa con. Căn phòng khi xưa mười một môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông cũng sợ hãi, đó cũng là căn phòng của con hôm nay. Căn phòng tâm hồn con cũng đang sợ hãi vì phải đối diện với những gì đang xảy ra xung quanh con. Con thực sự rất sợ. Con sợ chính bản thân con, sợ sự ích kỉ vô tâm, sợ sự hẹp hòi so đo tính toán, sợ những lời nói của dư luận và xã hội và trên hết con sợ mất bình an. Khi xưa Chúa hiện ra và nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em!”. Lời ấy như vang lên với con hôm nay. Lời Chúa chỉ có thể đi vào trái tim con khi tâm hồn con đủ thinh lặng và biết lắng nghe.
Chuyện kể rằng: Một cụ già 93 tuổi người Mỹ đã khóc vì khi thấy hóa đơn sau khi ông nằm viện và phải thở ôxi. Sau khi các bác sĩ và nhân viên y tế hỏi thì ông nói rằng: tiền thở oxi dù đắt đến đâu tôi cũng có thể trả, nhưng tôi đã phải thầm tạ ơn Chúa vì suốt 93 năm qua tôi đã không phải trả đồng nào cho hơi thở của mình.Và tôi nhận ra rằng tôi đã nợ Chúa rất nhiều. Còn con thì sao hả Chúa, con đã nợ Chúa bao nhiêu. Chắc con không bao giờ trả hết cho Chúa được vì những gì Ngài đã ban cho con. Con nợ Chúa hơi thở, nợ sự yêu thương, nợ sự đồng hành …..và nợ cả Máu Cứu Chuộc.
Lúc con mệt mỏi chán chường chính tay Ngài dìu dắt con đứng lên để bước tiếp trong hành trình ơn gọi con đang đi. Ánh mắt của Chúa đã làm cho Phêrô cảm thức về lòng xót thương và bao dung của Chúa để rồi ông đứng dậy lau khô nước mắt và thay đổi. Con cũng vậy Chúa ơi, con cũng cảm thấy mình thật tội lỗi như một Phêrô nông nổi. Con nhanh nhảu tuyên xưng rồi cũng thẳng thừng chối Thầy, bỏ Thầy, nhưng Thầy vẫn nhìn con với một ánh mắt trìu mến và đầy sự yêu thương. Chúa vẫn còn đó, vẫn luôn bên con, đồng hành cùng con để sẻ chia sẻ với con mọi nỗi buồn và niềm vui trong cuộc sống trần gian này. Lắm lúc con buông xuôi tất cả để đi tìm niềm vui riêng cho mình, chỉ là những thứ chóng qua và hư mất. Con tự vẽ ra cho mình bao nhiêu là chuyện rồi lại tự suy nghĩ viễn vông. Con muốn Chúa phải theo ý của con chứ không phải là ý Chúa. Con muốn chạy đến với Ngài để thân thưa rằng: “Lạy chúa xin cứu giúp con”. Con muốn tìm riêng cho mình một khoảng trông để thinh lặng và lắng đọng tâm hồn mình. Con muốn buông xuôi hết qúa khứ đau thương để hướng về một ngày mai tươi đẹp hơn, nhưng con không làm được vì con yếu đuối qúa Chúa ơi. “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được”, đúng Chúa ạ, không có Chúa con không có gì cả, con không thể học tập và làm việc nếu không có Ơn Ngài.
Người Kitô hữu và người môn đệ là những người đi theo Chúa nhưng lắm lúc chính chúng con lại bỏ Chúa và chính Chúa lại là người đi theo chúng con. Khi xưa, các môn đệ thấy Chúa chịu đóng đinh, vì thất vọng về Thầy mình, hai mộn đệ trên đường trở về Emmau đã buồn bã và rầu rĩ. Vậy mà Thầy đã không bỏ hai ông, nhưng ngược lại Thầy đã đi cùng và gợi chuyện để hai ông bày tỏ nỗi niềm của mình. Chắc có lẽ hai ông cũng không nghĩ Người Ấy là Thầy mình. Khi đó, họ đã mời Thầy vào và ở lại với họ trong quán trọ Emmau. Ngay bây giờ, tâm hồn con cũng trống vắng lắm Chúa ạ. Con muốn mời Chúa vào và ở lại trong ngôi nhà tâm hồn của con. Tâm hồn con cần Chúa, cần sự nâng đỡ và ủi an. Chúa đã sống lại để chính con cũng được sống lại với Ngài, như khi xưa Chúa ở với các môn đệ thì hôm nay Chúa cũng ở đây với con. Ở với con trong sự tĩnh lặng của thời gian và không gian, ở với con trong mọi hoạt động sống.
Bước vào nhà nguyện hay bước ra cuộc sống thường nhật con cũng muốn ở lại với Thầy, ở lại trong sự bình an và niềm hạnh phúc vô cùng đơn sơ. Bỗng khóe mắt con cay cay vì hồng ân Ngài ban hôm nay, ngay lúc này. Con đã từ bỏ tất cả để chỉ dành trọn cho Chúa, nhưng đôi lúc con lại cảm thấy chính Ngài đang im lặng với lời con cầu xin. Phải chăng sự im lặng đó để con nhìn lại bản thân mình, nhìn lại những gì con đã làm và những gì con đã nhận. Con tự hỏi rằng, con theo Chúa vì cái gì. Vì trần gian hay là vì lòng yêu mến Chúa. Con đang mặc cả với Chúa rồi.
Nhìn lại quãng đường vừa qua con thầm tạ ơn Chúa đã thức tỉnh con. Chúa ơi bên con nhé ! Vì con đây luôn cần đến Ngài. Xin cho con đủ thinh lặng để lắng nghe tiếng Ngài giữa mọi cảnh huống của cuộc sống này.
Maria Kiều,