2020
Cách thức để loại bỏ những suy nghĩ xấu
Bất cứ ai cũng có những suy nghĩ hỗn loạn, gây nguy hiểm cho mối hiệp thông của người đó với Thiên Chúa, nhưng làm thế nào để loại bỏ những suy nghĩ đó?
Ngoài các trường hợp mắc bệnh tâm thần, truyền thống Kitô giáo nhận thấy rằng các thần khí xấu, đôi khi, mang lấy hình hài của những suy nghĩ hỗn loạn hoặc thậm chí là phỉ báng Thiên Chúa để gây chia trí và cám dỗ chúng ta. Thông thường, chúng chỉ gây ra sự rối loạn thoáng qua bên trong tâm hồn. Nhưng nhiều khi những biểu hiện vô ý này lại là dấu hiệu của sự cám dỗ.
Những cám dỗ của thế gian thì rất nhiều, nhưng những cám dỗ bên trong con người thì cũng nhiều không kém. Như Thánh Giacôbê đã chia sẻ: “Mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt” (Gc 1,14). Mặc dầu vậy, chúng ta không được loại trừ những cám dỗ của ma quỷ và thần khí xấu. Chúng nhiều lúc tương tự như một sự ẩn ý, hay như một suy nghĩ đeo bám trong tâm trí chúng ta, nhưng cũng có khi trở nên mạnh mẽ và lâu bền.
Xử lý những suy nghĩ xấu
Những tiếng nói kỳ lạ bên trong tâm trí cũng cần được xử lý như bất kỳ những sự chia trí nào khác: “đừng ở trong chúng quá lâu”; “đừng tạo không gian cho chúng”, nếu không, những tiếng nói ấy sẽ nhanh chóng lớn lên. Óc hài hước là “phương án phòng thủ” tốt nhất để chống lại những suy nghĩ này. Hay một vài lời khuyên lâu đời vẫn còn giá trị như: hít một hơi thật sâu; nhìn lên ảnh tượng của Chúa; đọc kinh Kính Mừng và làm dấu thánh giá. Một cách khác, đơn giản hơn, là chúng ta hãy quay về với những gì đã suy nghĩ trước đó, hoặc cầu nguyện, hoặc làm việc. Vì cám dỗ chính xác là những chia trí khiến chúng ta xao lãng khỏi phận vụ của mình.
Cẩn thận với những người sử dụng thuật chiêu hồn, thuật huyền bí và ngoại cảm
Mặc dù chúng ta vẫn luôn làm chủ được ý chí của mình, nhưng trong một số trường hợp, xuất hiện một thứ gì đó còn mạnh mẽ hơn sự cám dỗ. Có lẽ nó là một loại xung lực không được kiểm soát khiến chúng ta nảy sinh một ý nghĩ, thậm chí là một lời nói hoặc hành động. Đó là những gì bạn sẽ nghe được từ những người sử dụng thuật chiêu hồn, thuật huyền bí và ngoại cảm hay trong nhiều dạng thức của sự tập trung ý chí và, tất nhiên, trong tất cả các thực hành để tìm kiếm sức mạnh siêu nhiên đặc biệt. Điểm chung của những điều này là chúng đặt một người vào trong trạng thái mong chờ, thậm chí trong trạng thái bị tổn thương, sau đó chúng mở ra một cánh cổng cho người đó đến một vài thế giới vô danh, vô diện. Thông qua cánh cổng này, các thần dữ có thể thâm nhập vào linh hồn của kẻ trung gian hoặc linh hồn của người tội lỗi. Tất cả những thực hành này đều tuyên bố rằng mục đích chính của nó là để cứu độ bản thân người đó và nhân loại. Nhưng trong thực tế, chúng luôn gây ra những điểm chung đáng lo ngại, khiến người ta tưởng rằng khả năng cứu độ của họ phát triển là nhờ vào các năng lực nội tại, hoặc vào các năng lực mà họ có thể học tập và rèn luyện. Những kĩ thuật này đi ngược lại với niềm tin vào Chúa Giêsu – Đấng cứu độ và trung gian duy nhất của chúng ta. Ngay cả khi những thực hành này không mang một ý nghĩa rõ ràng như đã nói trên, thì chúng vẫn đồng nghĩa với việc xúc phạm Thiên Chúa và có thể nguy hại.
Một lần nữa, chúng ta không được sợ hãi vì Chúa Giêsu Phục Sinh chiến thắng mọi kẻ thù. Chúng ta hãy nắm lấy chiến thắng của Chúa Giêsu cách vô điều kiện và liên lỉ. Trước tiên, hãy nhận ra các cánh cổng mà những thủ đoạn của Satan có thể đi vào linh hồn chúng ta. Sau đó, phải cắt đứt tất cả các mối liên hệ với bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai liên quan đến những thực hành tà ma nói trên. Nếu bạn có bất kỳ cuốn sách hoặc vật dụng nào liên quan đến chúng, bạn phải nghiêm khắc như Thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô: Đốt cháy tất cả! (Cv 19:19). Cuối cùng, bạn phó thác bản thân mình cho lời cầu nguyện của Giáo hội, nhờ đó tâm hồn bạn được giải thoát, thanh luyện và tái sinh cách thực sự trong đức tin chân chính. Kết quả là bạn sẽ cảm nhận được làn gió nhẹ mang theo thanh âm của chân lý và tự do đến từ Chúa Thánh Thần. Lm. Alain Bandelier
Quang Sáng dịch từ aleteia
2020
Nhìn lại đời sống cầu nguyện
“Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,
Vì đó là hoan lạc của lòng con”.(Tv 119,111)
Đạo là đường, đường dù to hay nhỏ, thênh thang hay chật hẹp, thông suốt hay khó khăn, bằng phẳng hay gập ghềnh, thẳng tắp hay quanh co… thì vẫn luôn chung một mục đích là dẫn đến cuộc gặp gỡ, và trên đó, Thiên Chúa gặp được con người. Như thế, Đạo là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, là con đường Thiên Chúa đến với con người và con người tìm gặp Thiên Chúa. Nhưng để cuộc gặp gỡ này xảy đến thì phải có hành động lên đường và bước đi. Điều đầu tiên để thực hiện hành động “lên đường” này không gì khác hơn đó chính là “cầu nguyện”. Trong đời sống tâm linh, điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện thì không còn là người Kitô hữu đích thực nữa.
Có nhiều cách cầu nguyện, và mỗi cách phù hợp với mỗi người nhất định. Hơn nữa, cách cầu nguyện của mỗi người cũng có thể thay đổi khi đời sống tâm linh của họ tiến triển hơn. Cầu nguyện theo quan niệm thông thường là tiếp xúc với Thiên Chúa, quan niệm cao hơn một chút là liên kết mật thiết với Ngài, và cao hơn nữa là hoà nhập và trở nên một với Ngài… Trong bài này, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ về việc cầu nguyện và cách thức cầu nguyện qua việc nhìn lại đời sống cầu nguyện của tôi, điều mà đã được hình thành dần dần trong tôi suốt nhiều năm qua. Đối với tôi, đời sống cầu nguyện như những món quà quý giá, nó đã làm thay đổi cuộc sống của tôi, đem lại nhiều tiến triển trong đời sống tâm linh và giúp tôi mỗi ngày càng gần Chúa hơn và yêu mến ngài nhiều hơn.
Khi còn nhỏ, tôi thường quan niệm Thiên Chúa như là một ông Vua uy nghi, một Đấng luôn ở trên trời cao. Lớn lên, học được chút ít giáo lý thì tôi biết rằng Chúa ở khắp mọi nơi, không có chỗ nào mà không có sự hiện diện của Chúa, cho dù tôi không thấy. Nhưng Chúa với tôi vẫn độc lập với nhau: Ngài là Ngài, còn tôi là tôi. Và khi đọc những tác phẩm tu đức, thần học, thần bí, tôi mới biết Thiên Chúa chính là sự sống của tôi, là cái gì thân thiết nhất với tôi. Tôi rất tâm đắc với lời của thánh Augustinô “Thiên Chúa còn thân thiết với tôi hơn chính bản thân tôi”, và như lời của thánh Phaolô “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Như thế, tự bản chất, giữa tôi và Chúa đã có một sự gắn bó thân thiết, sâu xa hơn bất cứ ai, bất cứ sự gì trên đời, kể cả chính tôi.
Về cách cầu nguyện, tôi thường hay nói vui rằng: “Trước đây, tôi cầu nguyện bằng cách nói với Chúa: “Lạy Chúa, con xin Chúa điều này, Chúa hãy nghe và nhậm lời con”. Còn bây giờ tôi cầu nguyện bằng cách nói với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa muốn nơi con điều gì, Chúa cứ nói, con sẽ nghe lời Chúa.” Thật vậy, khi lắng nghe tiếng Chúa và quan tâm làm những gì Ngài muốn thì tôi suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, đồng thời nhận được ơn lành và sức mạnh của Chúa nhiều hơn. Nhờ vậy, tôi thấm thía được Lời Chúa dạy: “Hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã, còn tất cả những chuyện khác, Người sẽ ban cho sau” (Mt 6,33). Trước đây tôi đã làm ngược lại là ưu tiên quan tâm đến chuyện của mình trước, tức những gì mình muốn Chúa làm cho mình; còn chuyện của Ngài, những gì Ngài muốn nơi tôi, nhiều khi tôi chỉ coi là chuyện thứ yếu.
Thực sự Thiên Chúa luôn biết rất rõ mọi tư tưởng, nhu cầu và những gì tôi muốn xin Ngài. Ngược lại, tôi chẳng biết nhiều về Ngài, chẳng biết rõ Ngài muốn tôi làm gì, làm thế nào, nhất là trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Tôi cảm thấy rằng mình cần nghe Ngài nói hơn là nói với Ngài. Vì thế, đối với tôi, việc lắng nghe Chúa cần thiết hơn rất nhiều lần việc nói với Ngài. Bởi vậy, khi cầu nguyện, tôi thích thinh lặng nghe Chúa nói và dâng lên Chúa tâm tình phó thác cho tình yêu thương của Chúa hơn là tôi nói nhiều với Ngài.
Lúc ban đầu, việc cầu nguyện theo kiểu nghe nhiều hơn nói quả là cũng hơi có chút khó khăn vì tôi chưa quen, vì tâm hồn tôi chưa đủ thanh tĩnh để nghe rõ ràng tiếng Chúa, vì tôi còn nhiều ngổn ngang và xáo trộn trong lòng… Khi đó, tôi thường đọc một đoạn Kinh Thánh hay một lời cầu nguyện của một vị thánh nào đó. Rồi sau đó, tôi lắng nghe tiếng Chúa nói và dạy bảo qua đoạn sách ấy. Cứ như vậy, lâu dần với thời gian, tôi đã nghe thấy tiếng Chúa rõ ràng hơn. Tôi cảm nghiệm được rằng, Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa thường xuyên im lặng. Tất nhiên, Thiên Chúa không nói với ta bằng ngôn từ cụ thể rõ rệt như một người bạn nói chuyện với ta. Ngài nói bằng cách gợi lên hay làm phát sinh trong ta những quan niệm, những ý tưởng soi sáng, những tâm tình tốt đẹp, những động lực thúc đẩy ta làm việc, hành động hay dấn thân… Do đó, tôi xác tín rằng, lắng nghe tiếng Chúa khi cầu nguyện chính là một phương cách tuyệt vời để gặp gỡ Chúa và tha nhân. Một người luôn quan tâm lắng nghe tiếng Chúa, coi ý muốn của Thiên Chúa quan trọng hơn ý mình, người ấy cũng sẽ quan tâm lắng nghe người khác, và coi ý muốn của tha nhân quan trọng hơn ý muốn của mình.
Nói tóm lại, cầu nguyện là phải lên đường, phải bước đi, nghĩa là cần phải có lòng quảng đại và kiên trì. Có thể lúc đầu ta đi không được nhanh, không được xa. Nhưng theo thời gian, với ơn Chúa, ta có thể vượt qua được nhiều chặng đường bằng phẳng hay gập ghềnh, thẳng tắp hay quanh co… Nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình, tôi thấy nó cũng giống như một con đường và trên con đường đó tôi đang bước đi. Con đường ấy có đôi lúc thẳng băng nhưng cũng nhiều chỗ quanh co, gập ghềnh… Tôi không biết mình đi được bao xa rồi và sẽ còn đi bao lâu nữa. Nhưng tôi vẫn bước đi vì tôi tin rằng con đường ấy chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc gặp gỡ, và tôi sẽ được gặp Ngài…
Lm ĐS Vân Phong. CM
2020
Hoán cải trong thời đại dịch
Bài thứ tư trong loạt bài “Nhìn về cuộc khủng hoảng” của cha Federico Lombard nói về lời kêu gọi hoán cải thiêng liêng cho tín hữu kitô và cũng cho tất cả mọi người.
Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta đôi khi trải qua kinh nghiệm đau nặng, hay một nỗi sợ có căn cứ bị một bệnh nào đó. Nếu chúng ta không bị hoảng, chúng ta cũng sống qua giai đoạn tác động mạnh đến đời sống thiêng liêng của, chung chung là một cách tích cực. Khi đó chúng ta hiểu có những chuyện, những dự án đối với chúng ta rất quan trọng, nhưng rồi là chóng qua và tương đối. Có những chuyện đi qua và có những chuyện kéo dài. Nhất là khi chúng ta ý thức sự mong manh của mình. Chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé đứng trước thế giới và đứng trước huyền bí của Chúa. Chúng ta nhận ra mình chỉ nắm được một phần số phận của mình, dù khoa học và y khoa đã làm những chuyện tuyệt vời. Để dùng lại một chữ rất xưa, chúng ta phải trở nên khiêm tốn. Chúng ta cầu nguyện nhiều hơn, chúng ta trở nên nhạy cảm và quan tâm đến các quan hệ của chúng ta với người khác, chúng ta yêu thích hơn sự quan tâm, gần gũi thiêng liêng và tình nhân loại của họ.
Nhưng sau đó khi chúng ta mạnh lại, khi nguy hiểm đã qua, các thái độ này giảm dần và chúng ta ít nhiều trở lại với đời sống trước đây: tự tin, quan tâm trước hết đến các dự án và các thỏa mãn ngay tức thì, ít quan tâm đến những chuyện tế nhị, các mối quan hệ… và cầu nguyện lại trở thành chuyện bên lề trong cuộc sống. Một cách nào đó, chúng ta phải nhận ra, trong sự yếu đuối, chúng ta trở nên mạnh hơn và trong sức mạnh, chúng ta mau chóng quên Chúa.
Đại dịch là căn bệnh lan rộng và tác động đến mọi người. Đây là kinh nghiệm chung cho sự mong manh bất ngờ to lớn. Nó làm chúng ta đặt lại vấn đề của nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mình và của thế giới mà chúng ta thường xem đó là chuyện đương nhiên. Điều này chúng ta đã trả giá đau đớn và đã làm đảo lộn đời sống chúng ta. Nhưng nó chỉ là một sự dữ hay nó cũng là một cơ hội?
Trong các bài giảng của Thánh Gioan Tẩy giả và của Chúa Giêsu luôn có một lời lặp đi lặp lại: “Anh em hãy hoán cải.” Đây không phải lời nói chúng ta thích nghe. Nó chất vấn chúng ta và làm chúng ta hãi sợ, vì chúng ta cảm thấy nó không phải là vô hại. Suốt Mùa Chay, một sự trùng hợp kỳ lạ với đời sống kitô hữu chúng ta, là đại dịch đi suốt từ đầu Mùa Chay, chúng ta nghe và cảm nhận đây là lời kêu gọi trở lại, chúng ta nghe các lời ăn năn cầu nguyện trong Cựu Ước (Esther, Azariah…) và các tiên tri luôn thấy trong bất hạnh và đau khổ của con người là lời kêu gọi thống thiết để hoán cải và về với Chúa… Nhưng đừng thấy trong các bất hạnh này là sự trừng phạt của một Thiên Chúa trả thù, vì có biết bao nhiêu người vô tội phải chịu đau khổ, nhưng chúng ta cũng đừng ngây thơ và hời hợt đến mức không ra trách nhiệm của con người đan xen trong những gì đang xảy ra và không nhớ rằng lịch sử của nhân loại ngay từ đầu đã thấm nhuần hậu quả của tội lỗi. Nếu không, Chúa Giêsu đã không cần phải chết để đưa chúng ta trở lại với Chúa, chúng ta và tạo vật?
Ngày này hay ngày khác, đại dịch sẽ xảy ra. Với một cái giá khủng khiếp, và rồi nó sẽ qua. Tất cả chúng ta đều mong muốn nó qua cho nhanh và chúng ta thật sự mong muốn một cách mãnh liệt. Chúng ta muốn đi lại từ zero và lại lên đường. Thật công bằng: sự đoàn kết bắt buộc chúng ta phải hy vọng, các người yếu đuối sẽ tránh được các đau khổ mới. Hy vọng buộc chúng ta phải nhìn đàng trước và đức ái buộc chúng ta phải hành động. Nhưng chúng ta sẽ có được hoán cải, ít nhất là một chút hay chúng ta sẽ ngay lập tức bắt đầu đi lại con đường cũ trước đây?
Một giải thích cơ bản về Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ sẽ trả lời câu hỏi lớn của nhân loại, chúng ta phải nhận ra chúng ta là thọ tạo, rằng thế giới không thuộc về chúng ta mà được tặng cho chúng ta, và chúng ta không thể nghĩ mình thống trị nó, khai thác nó như mình muốn, nếu không chúng ta sẽ hủy hoại nó, vừa cả chúng ta vừa cả nó. Chỉ dựa trên lòng khiêm nhường sâu đậm trước mặt Chúa mà lý trí và khoa học mới có thể xây dựng và không hủy hoại. Chúng ta muốn nhanh chóng bắt đầu lại. Chúng ta nghĩ rất nhiều chuyện sẽ thay đổi. Chúng ta nghĩ mình sẽ rút ra được nhiều bài học – ai biết được – về hệ thống y tế, trường học, về kỹ thuật số, về các kỹ năng của nó… Ngay cả khoa học y tế sẽ có những bước tiến khác… Và chúng ta chỉ đặc biệt nghĩ đến các câu trả lời chủ yếu về mặt kỹ thuật, để có hiệu quả hơn, để hợp lý hơn trong tổ chức.
Nhưng đại dịch cũng là lời kêu gọi hoán cải về mặt thiêng liêng sâu đậm hơn. Một lời kêu gọi không những cho tín hữu kitô mà cho tất cả mọi người, là tạo vật của Thiên Chúa dù họ không nhớ đến Chúa. Một đời sống tốt hơn trong căn nhà chung, bình an với các tạo vật, với người khác, với Chúa; một đời sống phong phú có ý nghĩa cần phải hoán cải.
Marta An Nguyễn dịch
2020
Biện phân khôn ngoan để khỏi bị lôi kéo vào vòng mê muội
Có lẽ, thời nào cũng thế, thế giới luôn xuất hiện những nhân vật hoặc có tính cuốn hút số đông hoặc có tính lôi kéo làm mê hoặc số đông đi theo họ vì một lý do nào đó. Nên chúng ta không lạ gì khi bỗng dưng xuất hiện một người nào đó mê hoặc số đông, nhất là thời đại công nghệ số và truyền thông phát triển như ngày nay, thì một blogger hay một ai đó trên mạng xã hội được nhiều người theo trở thành một điều hết sức bình thường. Khi họ xuất hiện, họ lôi cuốn rất nhiều người khác đến mức khiến một số người không khỏi ngạc nhiên hoặc sinh lòng ghen tị, nhưng đó không phải là điều quan trọng cho bằng mỗi người cần phải biện phân liệu nhân vật ấy là người của Thiên Chúa hay họ chỉ là một thứ hiện tượng nổi lên rồi tắt lịm mãi mãi. Đây chính là điều mà chúng ta cần học cách biện phân từ ông Gamaliel trong Sách Công Vụ hôm nay (x. Cv 5:34-42).
Theo đó, các thượng tế thời các Tông Đồ đã luôn tìm cách để “bịt miệng” các Ngài khỏi việc rao giảng về danh Đức Giêsu Kitô, nhưng trong số ấy có ông Gamaliel, “một kinh sư được toàn dân kính trọng” (c. 34). Ông đã lên tiếng để giúp các vị thượng tế khác biện phân về sự khác biệt giữa người giảng dạy thuộc về Thiên Chúa và người chỉ có tài hùng biện để lôi kéo số đông. Theo Gamaliel, những người có tài hùng biện, hoạt ngôn, thì lôi kéo được số đông bằng tất cả những lời nói sáo rỗng của họ rồi sau đó sẽ “bị tiêu diệt” và “số đông người theo” họ sau đó “cũng tan rã”. Và cũng theo ông, người thuộc về Thiên Chúa thì “không thể phá huỷ” và ai tìm cách hại họ thì coi như “đang chống lại chính Thiên Chúa”.
Đây là một sự biện phân rất khôn ngoan và đúng đắn cho từng người chúng ta trước thời đại ồn ào và náo nhiệt này, khi ngày càng có nhiều người “tự nhận”, “tự xưng”, và “tự tôn” bản thân mình là có được khả năng này, biệt tài kia, hoặc có thể làm được điều này điều nọ hầu lôi kéo sự chú ý của số đông. Họ chính là những “tay lang băm” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói đến, “chỉ muốn thao túng cảm xúc của người khác bằng những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống”. Rõ ràng, họ có tài làm cho chúng ta tin ngay lập tức và đi theo họ, vì họ biết cách đánh trúng lòng lam, sự kiêu ngạo, sự ảo tưởng, và sự ngu dại của chúng ta. Và nói như triết gia Kiergaard là “kẻ ngu cũng có người theo”. Và kẻ ngu lúc này, trong ánh mắt và cách nhìn của chúng ta vốn mù quáng, lại trở thành vĩ nhân, trở thành người có công với thế giới, với xã hội.
Trong khi đó, những người thuộc về Thiên Chúa sẽ không bao giờ cho bạn một giải pháp nào hay một câu trả lời dễ dãi nào cho cuộc sống, nếu không phải là họ sẽ thách đố bạn phải vượt ra khỏi mọi sự dễ dãi và ảo tưởng của bản thân để bước theo con đường mà Thiên Chúa đã dạy. Những người thuộc về Thiên Chúa không biết cách dùng lời lẽ khéo léo, lời vuốt ve cái tôi, lời tâng bốc hay đánh trúng lòng tham và sự ngu muội của chúng ta, mà trái lại, luôn vạch trần tất cả những sự ấy để những ai nghe thì nhận ra sự thật và được giải thoát nếu đón nhận. Thế nên, nếu lúc này bạn né tránh những người của Chúa, thì có lẽ bạn sẽ tôn vinh những người có tài ăn nói kia như một vĩ nhân hay một bậc thầy cao cả nào đó.
Người thuộc về Thiên Chúa thì “không thoả hiệp niềm tin của mình” để tìm cách mưu lợi cho bản thân. Họ khẳng khái và thẳng thắn, nên dễ bị những người ngu muội, tham lam, và kiêu ngạo ghét bỏ và tìm cách loại trừ, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ đạt được mục đích xấu xa ấy vì Thiên Chúa đang đứng về phía những ai vâng theo Ngài và giảng dạy những điều mà Thiên Chúa muốn.
Trong mùa dịch này, mùa của những nguy cơ nhưng cũng là của những cơ hội. Nên đối với những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội, thì đây là mùa để họ thực thi ý đồ tồi tệ của họ để vơ vén thật nhiều lợi lộc cho mình. Vì thế, chúng ta được mời gọi hôm nay hãy chọn cách biện phân của ông Gamaliel trước mọi nhân vật lạ và đình đám, để không bị rơi vào sự kết án sai lầm hay rơi vào cái bẫy mà họ giăng ra nhằm lôi kéo chúng ta ra khỏi niềm tin chân thật vào một Thiên Chúa chân thật. Theo đó, các khoá học sẽ nở rộ và cả những bài viết và những bài nói trên trực tuyến hầu lôi kéo chúng ta về với họ. Lúc đầu luôn là miễn phí, luôn là vô hại, để chúng ta mất cảm thức đề phòng, và nhất là đánh trúng các tử huyệt nơi chúng ta để chúng ta đi đến chỗ xác tín vào họ. Sau khi họ đã biết chúng ta sập bẫy, thì phần tiếp theo sẽ là phần trục lợi và thao túng chúng ta. Lúc này, đừng ai trong chúng ta nói mình là nạn nhân, mà chính xác hơn, những kẻ trục lợi kia mới là nạn nhân, nạn nhân của chính sự ngu muội và ngạo mạn nơi họ, để rồi trở thành nạn nhân cho chính lòng tham, sự ngu muội và kiêu ngạo nơi mỗi người chúng ta.
Vì thế, để tránh lầm lạc, chúng ta được mời gọi nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đã dạy và sống điều Ngài dạy chúng ta cho đến nỗi chịu treo trên thập giá và đã sống lại vì chúng ta. Đó chính là Thập Giá, Cuộc Khổ Nạn, và Sự Phục Sinh của Ngài mà chúng ta chiêm ngắm mỗi ngày để kín múc “nguồn mạch của mọi sự khôn ngoan”, “nguồn của mọi nền khoa học” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng khẳng định. Và do đó, chúng ta sẽ được bình an và được phục sinh vinh hiển với Người.
Joseph C. Pham