2020
Trượt đại học: Tại sao phải sốc?
Vẫn biết rằng các em chịu một sức ép lớn phải vào đại học, nhưng phải xác định cho mình, có sức chơi thì có sức chịu, nếu không thì phải biết lượng sức mà chơi. Trước khi đăng ký thi, các em cần lựa chọn trường thi phù hợp với đam mê, cân nhắc khả năng vượt vũ môn của mình…
Đó là chia sẻ của TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM) tại tọa đàm hướng nghiệp do Thành đoàn TPHCM tổ chức gần đây. Cứ vào mùa thi, đặc biệt là thời điểm các trường đại học thông báo điểm thi tuyển sinh, các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp lại nhận được không ít cuộc gọi của thí sinh tâm sự “muốn chết vì mọi thứ đã chấm hết khi trượt đại học”. Chết vì trượt ĐH hay vì áp lực? Như Dân trí đã đưa tin, chiều ngày 2/8, tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) xảy ra vụ tự thiêu ngay tại nhà riêng. Em Nguyễn T.T. đã dùng 4 lít xăng đem vào phòng ngủ khóa trái rồi tự thiêu dẫn đến tử vong. Theo thông tin từ gia đình, những ngày trước đã thấy T. suy sụp khi biết tin không đỗ ĐH. Trước lúc tự thiêu, em T. nhắn tin cho bố và một số người bạn nói về nỗi thất vọng khi không thi đậu đại học, thấy nhục nhã vì làm xấu hổ gia đình, chỉ muốn chết… Trường hợp đau lòng của em T., đánh đổi bằng tính mạng do trượt ĐH không nói chung cho sự “sự yếu đuối” của các em thí sinh thi trượt. Nhưng năm nào, vào dịp công bố điểm thi cũng xảy ra những câu chuyện tương tự. Các năm trước, đã có HS nhảy cầu, uống thuốc ngủ… vì mục tiêu vào ĐH chưa thành. Chưa kể đến một phận không nhỏ rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi không biết phải đối diện ra sao. Không ít em phải nhập viện tâm thần trước và cả sau kỳ thi. Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình (Chuyên gia tư vấn tư lý – hướng nghiệp, ĐH Bình Dương) cho biết, năm nào cũng vậy, thời điểm này ông nhận được vô số cuộc gọi của các em HS thi trượt nói rằng mình chỉ muốn… chết vì mọi thứ đã chấm dứt, không còn gì nữa. Các em rơi vào tâm trạng căng thẳng đáng ngại, có thể làm liều bất cứ lúc nào. “Mong muốn vào ĐH là chính đáng sau 12 năm ăn học. Nhưng nhiều em khó khăn như vậy là do chưa thật sự có sự chuẩn bị về mặt tâm thế. Đồng thời kỳ vọng quá cao từ chính bản thân, gia đình và mọi người xung quanh đẩy các bạn đến những suy nghĩ tiêu cực”, ông Bình nói. Những năm học ở phổ thông, nhiều em xem vào ĐH là mục tiêu cao nhất, cao đến mức nếu không vào ĐH thì không sống nổi, sinh mạng không có giá trị bằng. Mà mục tiêu này của các em chủ yếu được xây dựng từ các áp lực gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là phía gia đình. Sự kỳ vọng và cả sự hy sinh của gia đình luôn là động lực cho con trẻ nhưng cũng là áp lực mà các em khó đối diện mỗi khi mục tiêu không thành. Cũng phải nhìn thẳng, các em đến cái chết, khủng hoảng tâm lý chưa hẳn là do nguyên nhân trượt ĐH. Hình như điều các em sợ hãi hơn là không biết phải đối diện với sự thất vọng của bố mẹ, mọi người xung quanh như thế nào. Lâu nay, các bài học giáo dục trong gia đình và nhà trường chú trọng dạy các em chiến thắng – nhất là chiến thắng về điểm số, thi cử. Lạ lùng là đi cùng với những bài học chiến thắng lại không trang bị cho trẻ sự mạnh mẽ, tính chủ động mà ngược lại dường như các em trẻ càng trở nên yếu đuối, bị động và thiếu trách nhiệm hơn. Làm sao để vượt qua cú sốc rớt đại học? Áp lực của gia đình, xã hội đối với việc con cái học hành thành tài hình thành từ lâu đời và không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Và chính các em HS, có nhiều điều kiện tiếp cận với thông tin cần chủ động hơn trong việc xác định con đường cho mình để không tránh rơi vào ngõ cụt. Trả lời câu hỏi của nhiều HS “Làm sao để vượt qua cú sốc rớt đại học?” tại tọa đàm hướng nghiệp do Thành đoàn TPHCM tổ chức gần đây, TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM) đặt lại vấn đề “Tại sao lại phải sốc?”. “Các em chịu một sức ép lớn phải vào ĐH từ gia đình, xã hội. Nhưng phải xác định cho mình, có sức chơi thì có sức chịu, nếu không thì phải biết lượng sức mà chơi. Trước khi đăng ký thi, các em cần có sự lựa chọn trường thi phù hợp với đam mê, cân nhắc khả năng vượt vũ môn của mình và đặt ra các tình huống có thể xảy ra để tránh sốc tâm lý khi không đỗ. Tuy vậy, các em vẫn rất cần điểm tựa vững chắc, nhất là gia đình khi mọi việc không như ý”, TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổng cục thống kê và Tổ chức lao động quốc tế, trong quý 1/2014, cả nước có trên 162.000 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, lực lượng có trình độ cao đẳng thất nghiệp cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ (trên 6,8%). Cử nhân ĐH thuộc đối tượng thất nghiệp và có nguy cơ thất nghiệp rất cao chủ yếu do SV ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế vì kém chuyên môn, yếu kỹ năng. Để giải cứu mình, không ít cử nhân giấu bằng học trung cấp, học nghề để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. ThS Huỳnh Anh Bình nhấn mạnh, HS và phụ huynh cần nhìn thẳng vào thực tế đang diễn ra là đậu ĐH không đồng nghĩa với việc sẽ thành công. Ngày càng nhiều các bạn trẻ đậu ĐH, ra trường mà rồi thất nghiệp hoặc đi làm nhưng vẫn thất bại. Bạn có thể thi ĐH để thử sức mình nhưng đồng thời cần xác định cho mình những con đường khác, phải có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình. T.A |
2020
Thánh Giuse Thợ: “Đỡ nâng thuyền con tới bến”
Ngay từ những ngày đầu của cơn Đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẩn khoản cậy nhờ sự trợ giúp thiêng liêng từ Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Giáo Hội, cũng như chạy đến tìm ơn nâng đỡ từ Thánh Cả Giuse – Quan Thầy Hội Thánh. Gương sáng về lòng sùng mộ Đức Mẹ và Thánh Giuse của Đức Thánh Cha đã trở nên niềm hứng khởi cho nhiều Kitô Hữu khắp nơi noi theo. Đến phiên họ, họ cũng tìm được niềm an ủi nơi các Thánh hòng có sức tin cậy vào ơn Chúa mà đối diện với ba đào nguy biến do dịch bệnh gây ra.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, hàng trăm triệu tín hữu đã hiệp ý cùng Giáo Hội Ý lần chuỗi Mân Côi vào chiều ngày 19/03 vừa qua nhằm xin ơn bình an cho Giáo Hội và Thế Giới. Ngày hôm ấy, ngày lễ kính trọng thể Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria năm 2020 có thể được xem là cột mốc đánh dấu sự hồi sinh của làn sóng sùng mộ việc lần chuỗi Mân Côi, khơi lại việc cầu nguyện chung nơi các gia đình. Hướng đến ngày 01/05, ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ và cũng là ngày khai mạc Tháng Hoa dành riêng kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa mời gọi Kitô Hữu khắp nơi hăng hái cầu nguyện bằng tràng chuỗi Mân Côi. Lần chuỗi và suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi không chỉ để bày tỏ lòng yêu mến đối với Mẹ Maria mà còn là dịp để khẩn xin Thánh Giuse củng cố lòng tin và niềm hy vọng nơi nhân loại hôm nay.
Qua việc chiêm ngắm các nhân đức cao trọng của Thánh Cả Giuse, chúng ta ý thức hơn ơn gọi nên thánh của bản thân. Nên thánh, theo gương Thánh Giuse, là chu toàn bổn phận hàng ngày, bổn phận Chúa đã trao cho mỗi người. Nên Thánh trong hoàn cảnh Covid là trân trọng giây phút hiện tại, trân trọng những người thân yêu bên cạnh, trân trọng gia sản vô giá là tình thương yêu mà chúng ta đã lãnh nhận nhưng không và có trách nhiệm trao ban cho người lân cận cũng một cách hoàn toàn nhưng không. Nên thánh cũng chính là theo sát dấu chân Thầy Chí Thánh Giêsu đã đi qua; ấp ủ hết mọi người và từng người trong tim, trong cầu nguyện và trong những việc làm bác ái hy sinh mỗi ngày.
Sắp đến ngày lễ Kính Thánh Giuse Lao Động, chúng ta cùng hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha siêng năng nguyện kinh Mân Côi và kiên trì vững tin vào sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse.
Xin chia sẻ lời Kinh cầu Thánh Giuse Thợ trích trong sách Kinh Nguyện Dòng Cát Minh và bài hát “Giuse – Đấng Công Chính” như một lời nguyện nhỏ bé dâng lên Thánh Giuse nhân ngày lễ kính Ngài: “Xin Thánh Giuse dẫn đưa thuyền con tới bến, qua phút nguy nan, vững thêm lòng mến, cậy tin.”
KINH KHẤN THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG
Lạy Thánh Giuse, bằng chính đôi tay vất vả lao động và bằng công sức mồ hôi nước mắt, Ngài đã chăm lo cho Hài Nhi Giêsu và Đức Maria. Chính Con Chúa cũng đã từng lao động với Ngài. Xin giúp chúng con noi gương Ngài, biết làm việc với tất cả sự nhẫn nại và kiên trì vì danh Chúa và vì tất cả những ai Chúa đã giao phó cho chúng con. Xin dạy chúng con biết nhận ra Chúa Kitô đang hiện diện trong anh chị em đồng nghiệp của chúng con để chúng con cũng biết cư xử với họ bằng bác ái và sự nhẫn nhịn. Xin dạy chúng con biết nhìn công việc hằng ngày bằng con mắt đức tin để nhận ra rằng chúng con nên hãnh diện muôn phần vì đang được thông phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và được thông dự vào kế hoạch cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
Lạy Thánh Giuse, khi mọi việc suôn sẻ thuận lợi, xin dạy chúng con biết cảm tạ đội ơn Chúa. Và khi công việc có phần trắc trở, xin dạy chúng con biết chấp nhận trao phó tất cả vào tay Chúa như lễ hy sinh đền bồi cho tội lỗi riêng của chúng con và của toàn thế giới.
Lạy Cha Giuse nhân hiền, chúng con nài xin Cha, bằng tất cả những đau khổ, ưu phiền cũng như niềm vui sướng hân hoan mà Cha đã từng trải qua, xin đón lấy những ý nguyện mà giờ đây chúng con khẩn khoản dâng lên Cha:…(nêu ý nguyện riêng). Xin Cha cũng thương nhậm lời những người đã cậy nhờ chúng con cầu thay nguyện giúp. Xin Cha giúp thành toàn những gì phù hợp với kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Xin hãy ở bên chúng con trong giây phút lâm chung, để nhờ đó chúng con có thể ca ngợi Đức Chúa Giêsu, Mẹ Maria và cha Thánh Giuse đời đời chẳng cùng. Amen.
Bài hát GIUSE-ĐẤNG CÔNG CHÍNH:
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
2020
Tác động tích cực và tiêu cực của thời kỳ cách ly đối với gia đình thời Covid-19
Tác động tích cực và tiêu cực của thời kỳ cách ly đối với gia đình thời Covid-19
Chúng ta biết rằng, kể từ khi dịch cúm Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) khoảng thời gian cuối năm 2019 và lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới, thì người ta bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp giúp phòng chống dịch hiệu quả. Bên cạnh những khuyến cáo và quy định của cơ quan chức năng như rửa tay thuờng xuyên, mang khẩu trang ở nơi công cộng, giãn cách xã hội và khai báo bệnh khi cảm thấy không khoẻ, người ta còn phổ biến lời kêu gọi nâng cao ý thức, cụ thể là “Ở nhà” (Stay-home) và “Đừng di chuyển” (Do-not-move). Và câu nói “Ai ở đâu, cứ ở yên đó’” trở thành một khẩu hiệu tràn ngập mạng xã hội.
Do đó, vấn đề “Trở về nhà”, “Làm việc tại nhà”, “Sinh hoạt ở nhà”, “Hãy ở nhà” đã trở thành mệnh lệnh khẩn cấp cho mọi người, mọi nhà, mọi cộng đồng. Các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Đây là cơ hội tốt để các gia đình được “đoàn tụ” đầy đủ mọi thành viên, vì cha mẹ không đi làm, còn con cái được nghỉ học. Gia đình có dịp quây quần bên nhau, xum họp đông đủ, ấm cúng.
Thực vậy, trước khi dịch bệnh xảy ra, ai cũng mơ ước được có dịp “ở nhà” để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng cuộc sống thoải mái sau những tháng ngày đầu tắt mặt tối. Vì thế, khi phải ở nhà để cách ly do dịch cúm, nhiều người nhanh chóng lên kế hoạch ngay. Nào là sẽ tự tay sửa sang nhà cửa, làm mới khu vườn, chăm sóc trực tiếp con cái. Vợ chồng có thời gian ngồi lại với nhau để hâm nóng tình nghĩa phu thê. Có người lại dành thời gian để đọc những cuốn sách đã sắm từ lâu nhưng chưa bao giờ “đụng” tới. Có người thì chăm chỉ vào mạng xã hội để đọc tin tức, học ngoại ngữ hay tương tác bạn bè. Quả thực đây là một “bức tranh” đẹp, êm ả, không đến nỗi quá ảm đạm như nhiều người nghĩ.
Mặt tích cực: Covid-19 giúp làm mới quan hệ gia đình
Về mặt tích cực của tình trạng cách ly bắt buộc do Covid-19, ta có thể khám phá ra nhiều điều thú vị, chẳng hạn:
Trước hết là người ta có thời gian tốt đẹp với gia đình. Ngày 7-4-2020 vừa qua tại Pháp, một cuộc khảo sát do Viện Odoxa-CGI thực hiện cho báo France Info và France Bleu đã được công bố cho thấy mặc dù có mối lo ngại liên quan đến đại dịch và hậu quả tài chính của việc bị cách ly, hay những khó khăn khi phải làm việc từ xa, bao quanh bởi trẻ em và trường học ở nhà, đại đa số phụ huynh tuyên bố rằng việc cách ly có thể giúp họ có “thời gian tốt cùng gia đình”.
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này thì chưa bao giờ người Pháp dành nhiều thời gian cho gia đình đến thế! Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu cách ly, đại đa số các gia đình đã được đoàn tụ dưới cùng một mái nhà suốt cả ngày lẫn đêm. Chỉ 29% dân số làm việc vẫn đến nơi làm việc hàng ngày. Cuộc nghiên cứu này đã nhấn mạnh, mặc dù có những khó khăn, căng thẳng do quá đông đúc và nhiều nguồn lo lắng khác nhau, “85% người Pháp đang nuôi con cái, trải qua thời gian tốt trong gia đình”.
Đó là con số khích lệ cho mọi người: cách ly không chỉ là sống trong lo lắng và u ám nhưng là thời gian dành cho gia đình, cho thể thao, trò chơi, thảo luận và đi bộ, ngay cả khi những điều này bị hạn chế. Tuy nhiên, 32% nói rằng họ thấy con cái lo lắng, đặc biệt là khi họ sống trong diện tích nhỏ hoặc ở vùng ngoại ô khó khăn. Về giáo dục từ xa, 68% phụ huynh thấy rằng công việc học hành có chất lượng tốt, nhưng phần khác khoảng 53% nhận thấy sự thiếu tập trung của trẻ em. [1]
Tại Việt Nam, theo tờ Lao Động Thủ Đô thì nhiều gia đình cũng nhận định là chính biện pháp cách ly lại là thời gian quý báu cho mọi người, mọi nhà. Không còn cuống cuồng với guồng quay vội vã của cơm áo, gạo tiền, mà thay vào đó là vào bếp nấu ăn, dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Theo nhiều người, cách ly xã hội không phải là điều gì đó quá khủng khiếp mà trái lại đây lại chính khoảng thời gian quý giá để mỗi người cân bằng lại cuộc sống của mình. [2]
Cũng theo bản tin của tờ báo trên, có người lợi dụng thời gian cách ly để làm mới lại quan hệ gia đình đồng thời có nhiều thời gian dành cho bản thân.
Có người trong thời giãn cách xã hội đã chọn giải pháp là về quê với cha mẹ và anh em ruột thịt. Ngoài việc phụ nấu nướng cơm nước với cha mẹ, người ta còn có dịp làm việc nhà, giúp đỡ anh chị em ruột việc này việc kia. Họ cho rằng cách ly xã hội làm cho gia đình trở nên gắn kết hơn. Qua đó họ cũng nhận ra rằng, bản thân mình không tới mức vụng về, vô tâm và thiếu khả năng chăm sóc người thân như trước vẫn nghĩ. Có lẽ phải cảm ơn quãng thời gian này, vì nó đã cho người ta cơ hội thực hiện những điều từng mơ ước…
Cũng có người tâm sự rằng khi được làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan, người ta đã có thêm thời gian để học cách nấu các món ăn ngon, có thể tự nấu ăn và cân đối tài chính giúp các bữa ăn của gia đình vừa đủ chất, đẹp mắt lại không quá tốn kém.
Ngoài việc lo nấu nướng, người ta cũng tranh thủ sự giãn cách xã hội, dùng thời gian này để thực hiện những công việc mà trước đó ít có cơ hội làm như giúp con cái ôn bài hay ngồi kể chuyện cho con nghe.
Người ta đã đi đến nhận định này là có thể việc giãn cách xã hội sẽ khiến thu nhập của nhiều người giảm sút, nhưng đó sẽ phải là điều quan trọng nữa vì thực ra cơ hội kiếm tiền còn nhiều nhưng thời gian bên gia đình thì không phải lúc nào cũng có. Thay vào việc chỉ nghĩ về những điều tiêu cực, có lẽ chúng ta nên nhận ra những điều tuyện vời mà giãn cách xã hội đã mang đến.
Có trường hợp khác, khi được thưởng thức bữa cơm ngon do chính vợ mình nấu trong thời gian cách ly ở nhà, người chồng đã không khỏi tự hào và hạnh phúc. Họ tiếc rằng lâu nay đã vô tình mải mê với các cuộc bia rượu ở bên ngoài mà ít khi có thời gian về ăn cơm cùng với gia đình. Dịp này, gia đình có dịp thường xuyên quây quần ăn uống, không khí thật ấm áp và bình yên.
Cuối cùng thì người ta thấy rằng, “Mùa dịch” tuy khiến kinh tế giảm sút nhưng lại mang đến cho nhiều người một khoảng thời gian quý giá, có thể cùng nhau vun đắp tình cảm gia đình hay định hướng lại cuộc sống cho bản thân. Và chắc chắn, khi dịch bệnh qua đi, trở về với guồng quay vội vã của cuộc sống thường nhật thì mỗi người sẽ trân trọng thêm những phút giây được sống trọn vẹn cho bản thân. Vì vậy, thay vì quá trăn trở về cơm áo gạo tiền, hãy tìm cách biến cách ly xã hội trở thành những khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời.
Mặt tiêu cực: Covid-19 làm tăng đột biến bạo lực gia đình và ly hôn
Ở nhà chống dịch Covid-19 có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để ‘sống chậm’ và dành thời gian cho những người thân yêu. Nhưng cũng có thể là địa ngục đối với những người chịu cảnh bạo lực gia đình.
Ngày 5-4-2020, TTK Liên Hiệp Quốc António Manuel de Oliveira Guterres viết trên Twitter kêu gọi các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để chống lại sự gia tăng bạo lực gia đình, đặt sự an toàn của phụ nữ và trẻ em lên hàng đầu. [3]
Thông báo này xuất hiện sau khi có những báo cáo về sự gia tăng tình trạng bạo lực gia đình một cách đáng báo động, đặc biệt từ sau khi các quốc gia áp dụng quy định cách ly tại nhà chống Covid-19.
Thống kê của Bộ lao động và phúc lợi Hồng Kông cho thấy năm 2019 có 2.920 báo cáo về các vụ lạm dụng trong nước. Trong đó, 2.134 trường hợp lạm dụng thể chất, 311 trường hợp lạm dụng tâm lý và 20 trường hợp lạm dụng tình dục, 276 trường hợp liên quan đến nhiều loại lạm dụng. Phụ nữ chiếm 84,2 % nạn nhân. Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 243 trường hợp báo cáo, nhưng riêng năm 2020, chỉ tính riêng trong tháng 3-2020 đã có tới hơn 900 cuộc gọi.
Trong khi đó, các tổ chức xã hội Tây Ban Nha nhận số cuộc gọi báo cáo tăng hơn 18% trong hai tuần đầu tiên phong tỏa quốc gia.
Cảnh sát Pháp cũng đã báo cáo mức tăng đột biến tới 30% các bạo lực gia đình trên toàn quốc. Tình trạng gia tăng bao lực gia đình xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, bất kể được đánh giá là quốc gia phát triển hay không.
Đây đang là một vấn đề được báo động trên toàn thế giới, song song cùng cuộc chiến chống Covid-19.
Bạo lực gia đình đến từ rất nhiều nguyên nhân, ở mọi đối tượng. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Họ phải chịu cảnh bạo lực tình dục, bạo hành thể chất, ngôn ngữ và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác. Thông thường, những nạn nhân vì nhiều lý do thường bị che giấu với xung quanh bằng vỏ bọc gia đình hạnh phúc. Có nhiều người chịu đựng trong nhiều thập niên.
Nếu trước đây khi Covid-19 chưa xuất hiện, cả hai vợ chồng đi làm không gặp nhau nhiều nên số lần bị bạo hành không nhiều, thì trong thời gian nghỉ việc ở nhà tránh dịch việc này trở nên tồi tệ hơn. Nhiều ông chồng dành thời gian uống rượu, đánh đập, chửi bới và tấn công tình dục vợ mình. Khi không thể chịu đựng thêm, những nạn nhân của bạo lực gia đình mới tìm đến cảnh sát hoặc các trung tâm cứu trợ.
Mandy Wong Nga-sze, một chuyên viên tại Liên đoàn Phụ nữ Hồng Kông, cho biết những người phụ nữ đến đây sẽ được chăm sóc sức khỏe và tư vấn về chuyện ly hôn. Wong nói, “Để làm chậm sự lây lan của virus, mọi người được khuyên nên ở nhà. Sự thay đổi này giống như thể nhốt con thú dữ và nạn nhân trong chuồng”.
Một đối tượng khác dễ bị tổn thương nhất trong bạo lực gia đình là những đứa trẻ. Tổ chức chống lạm dụng trẻ em Hồng Kông cho biết họ đã nhận được nhiều cuộc điện thoại báo cáo trường hợp hàng xóm đang lạm dụng trẻ em về thể xác và lời nói ở nhà. Tình hình báo động tới mức Cục Phúc lợi xã hội Hồng Kông và các tổ chức phi chính phủ phải điều chỉnh cách xử lý, công bố đường dây nóng để hỗ trợ người dân.
Tại một số quốc gia, nạn nhân được khuyên chuẩn bị sẵn hành lý với vật dụng cần thiết để rời khỏi nhà và sẽ không bị xử lý nếu ra đường với lý do này.
Tuy vậy, bao lực gia đình vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Các chuyên gia cảnh báo rằng đối với các nạn nhân của bạo lực gia đình, việc phải dành nhiều thời gian ở nhà với những kẻ lạm dụng càng làm tăng thêm căng thẳng vì sợ bạo hành, sự cô lập xã hội liên quan đến Covid-19, cũng như các vấn đề thất nghiệp, khó khăn tài chính và phải chăm sóc họ bọn trẻ.
Không ít người nộp đơn ly hôn nhưng trong tình hình mọi nơi đều tạm ngưng hoạt động để chống dịch thì việc phán quyết bị hoãn lại vô thời hạn. Và vì nhiều lý do, thanh danh họ hàng, muốn con đủ cha đủ mẹ, phụ thuộc kinh tế, thủ tục chậm… họ lại tiếp tục chịu đựng bạo lực từ người từng thề non hẹn biển với mình.
Bên cạnh thực trạng bạo lực gia đình trong thời gian cách ly ở nhà, vấn đề ly hôn cũng trở nên phổ biến và trầm trọng khiến cho nhiều chính quyền phải điên đầu.
Tại Trung Quốc người ta đã ghi nhận là số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch. [4]
Tiền quá ít, thời gian chạm mặt nhau quá nhiều, việc nhà không phân chia công bằng vv. trong thời kỳ cách ly đã đẩy nhiều cuộc hôn nhân xuống “vực thẳm”.
Đó cũng là câu chuyện của gia đình cô Wu, 30 tuổi, ở Quảng Đông sau gần hai tháng sống cách ly trong nhà cùng người bạn đời không có việc làm. Họ đã cãi nhau liên tục. Cô Wu liệt kê ra một danh sách những vấn đề của cuộc hôn nhân. Ngoài chuyện tài chính và việc nhà, điều khiến cô khó chịu nhất là thói quen cho con chơi đến khuya của chồng. Cô nói, “Anh ta là người gây ra những rắc rối trong nhà” và “Tôi không chịu đựng được nữa. Chúng tôi đã đồng ý ly hôn, và việc tiếp theo là đi tìm luật sư”.
Mặc dù Trung Quốc chỉ công bố số liệu thống kê trên toàn quốc về ly hôn theo định kỳ thường niên, các báo cáo từ nhiều thành phố khác nhau cho thấy sự bất ổn gia tăng mạnh nhất vào tháng 3, khi các ông chồng và bà vợ bị “nhốt” ở nhà trong nhiều tuần, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Thành phố Tây An và tỉnh Tứ Xuyên đều báo cáo số lượng hồ sơ ly hôn cao kỷ lục vào đầu tháng 3, thậm chí dẫn đến sự ùn ứ tại các tòa án. Khoảng một tuần nay, ở Hồ Nam, nhân viên tiếp nhận hồ sơ ly hôn thậm chí không còn thời gian để uống nước, vì rất nhiều cặp vợ chồng xếp hàng để nộp đơn. Lượng hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày liên tục bị phá kỷ lục.
Ông Yi Xiaoyan – giám đốc trung tâm đăng ký kết hôn của thành phố Mịch La, chia sẻ: “Các vấn đề tầm thường trong cuộc sống đã dẫn đến sự leo thang của các cuộc xung đột. Việc giao tiếp kém cũng là nguyên nhân khiến mọi người thất vọng về hôn nhân và đưa ra quyết định ly hôn”.
Luật sư chuyên các vụ ly hôn ở Thượng Hải, Steve Li tại hãng luật Gentle & Trust cho biết số ca ly hôn anh xử lý đã tăng 25% kể từ khi lệnh phong tỏa của thành phố được nới lỏng hơn vào giữa tháng 3. Ngoại tình từng là lý do số 1 khiến khách hàng tìm đến anh. Nhưng giờ đây thì không phải vậy. Giống như Giáng sinh ở phương Tây, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc có thể gây ra căng thẳng trong các liên kết gia đình. Thế nên, khi virus bắt đầu tấn công vào cuối tháng 1-2020, nhiều cặp vợ chồng đã phải chịu đựng hai tháng “mắc kẹt” trong cùng một mái nhà, đôi khi là cả một gia đình lớn. Đối với một số người, điều đó là quá sức.
Steve Li đã nói về một số trường hợp anh đang xử lý: “Càng có nhiều thời gian ở bên nhau, họ càng ghét nhau hơn” và “Con người ai cũng đều cần không gian riêng, không chỉ là các cặp vợ chồng”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi dịch bệnh giảm đi, cuộc sống có thể trở lại với trạng thái tương đối bình thường, nhưng các căng thẳng tâm lý và kinh tế dự kiến sẽ còn tồn tại trong nhiều tháng. Một nghiên cứu về người dân Hong Kong sau đại dịch SARS 2002-2003 cho thấy, một năm sau khi dịch bệnh bùng phát, những người sống sót sau đó vẫn có mức độ căng thẳng, lo âu cao. Tỷ lệ ly hôn của Hong Kong năm 2004 cao hơn 21% so với năm 2002.
Được biết, ở Trung Quốc, phụ nữ thường là người chủ động đòi ly hôn, với con số là 74% năm 2016-2017, theo đánh giá của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, phụ nữ lại là đối tượng thiệt thòi hơn khi phân xử chia tài sản.
Người trẻ ngày nay có nhiều khả năng ly hôn hơn cha mẹ họ. Giờ đây, một phía chỉ cần nói: “Tôi không thích anh nữa”, thì ngay ngày hôm sau, phía kia có thể đệ đơn ly hôn. Yang Shenli, một luật sư tại công ty luật Dingda ở Thượng Hải cho hay bốn trường hợp nộp đơn ly hôn trong giai đoạn lệnh phong tỏa diễn ra đến nay, đều sinh sau năm 1985, hai cặp trong số đó đều quyết định chia tay vì “giai đoạn cách ly khiến mâu thuẫn tăng cao”./.
Aug. Trần Cao Khải
__________________
[1] phatdiem.org
[2] laodongthudo.vn
[3] tuoitre.vn
[4] vnexpress.net
2020
3 chìa khóa để có một cuộc đối thoại hiệu quả
Chúng ta muốn thoải mái trò chuyện cũng như khi đối thoại. Tuy nhiên, bạn có để ý thấy rằng có những người nói chuyện rất dễ thương? Họ không dùng từ hoa mỹ hay họ thông minh hơn. Có điều gì đó làm cho cuộc đối thoại trở nên tốt hơn.
Thỉnh thoảng chúng ta cũng có kinh nghiệm ngược lại, chúng ta gặp gỡ vài người bạn và phải cố gắng lắm mới nói chuyện được với họ bởi vì họ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện cũ, hoặc họ chẳng muốn nghe bạn nói. Cũng như những hành vi của con người, ngay cả khi chúng hết sức tự nhiên, luôn luôn có những mẹo nhỏ để giúp chúng ta làm tốt hơn. Dưới đây là ba lời khuyên được đưa ra từ những chuyên gia.
1. TRƯỚC TIÊN, BẠN PHẢI HỌC BIẾT CÁCH LẮNG NGHE
Đây là nguyên tắc đầu tiên và dễ dàng: cả hai cùng độc thoại thì không thể có một cuộc đối thoại được. Quả thật, nếu bạn chỉ nói về mình, hoặc chỉ quan tâm đến lượt mình nói, thì đó không phải là đối thoại. Bạn đang làm việc riêng.
Lắng nghe là điều cơ bản. Lắng nghe với sự thích thú. Thực tế, sự thích thú là điều cốt lõi để có một cuộc đối thoại đích thực. Một cách cho thấy chúng ta thể hiện sự thích thú ấy là thỉnh thoảng đặt ra cho họ những câu hỏi.
Thậm chí khi bạn phân tâm và bỏ lỡ vài điều vào một lúc nào đó, hãy đặt những câu hỏi với sự quan tâm. Tuy nhiên, không nên dập tắt ngay cả điều bạn không quan tâm đến; nó sẽ làm hỏng cả cuộc đối thoại.
Chúng ta cũng cần sẵn sàng để thay phiên nói, dành cho người khác có cơ hội như nhau, đem lại nhịp điệu tuyệt vời cho cuộc đối thoại: không làm chủ cũng như không làm gián đoạn nó.
2. SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CƠ THỂ: KHUÔN MẶT VÀ CỬ CHỈ
Âm sắc, giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ,… của bạn rất quan trọng. Tôi chắc rằng bạn biết, ví dụ một người mẹ hoặc một người bố, họ có thể khiển trách con cái một cách rất hiệu quả mà không nhất thiết phải lên tiếng hoặc dùng những từ ngữ gay gắt.
Chúng ta cần nhận thức được rằng tâm trạng và thái độ của chúng ta ảnh hưởng lớn đến cuộc đối thoại như thế nào. Chúng ta có thể nói về một sự việc rất đơn giản bằng giọng buồn rầu khiến nó trở nên nghiêm trọng. Hãy tự mình kiểm chứng. Chúng ta sống với nhau và đôi khi không ý thức được cách chúng ta trò chuyện. Bạn có thể thu âm lại – ngày nay điện thoại ghi âm và quay phim với chất lượng rất cao. Hãy thử lắng nghe chất giọng và biểu cảm của mình khi bạn nói; đó là cách bạn sẽ biết người khác nhìn và nghe bạn như thế nào.
Và điểm quan trọng là: hãy luôn nhìn vào khuôn mặt của người đối diện khi bạn trò chuyện với họ.
3. BẠN NHẬN LẠI ĐƯỢC ĐIỀU BẠN CHO ĐI
Sẽ là một thiếu sót nếu cho rằng bạn là người thông minh hơn trong cuộc đối thoại. Ngay cả khi bạn rành rõi trong việc trồng bắp hay vật lý lượng tử, bạn vẫn phải tôn trọng và không được “lòe” họ.
Không nên dùng những cách ngôn, câu từ, hoặc trích dẫn khoa bảng… điều đó chỉ thích hợp cho những nhân vật trong phim.
Một câu quá dài dễ gây cảm tưởng rằng thiếu nội dung. Bạn sẽ đi quá một nhà mô phạm giáo dục nếu chú trọng nhiều vào những trích dẫn. Và, tốt hơn hết, hãy chắc chắn rằng bạn biết rõ vấn đề, thay vì cố gượng ép mình. Hãy dùng nụ cười thay vì lúc nào cũng đòi hỏi sự nghiêm túc.
Nụ cười mang lại hiệu quả tốt hơn khi phải nói đến vài điểm trong những chủ đề nhức nhối, phức tạp. Sẽ có những lúc như vậy, miễn sao bạn vẫn đủ nghiêm túc.
Khi không đồng ý về một điểm nào đó, tốt hơn hết, bạn nên bình tĩnh dùng những lý lẽ hợp lý để giải thích thay vì “gân cổ lên”.
María José Fuenteálamo, 4/3/20
jm.dtt chuyển ngữ