2020
Tháng hoa và đóa hoa Đức tin của đời ta
Tháng hoa và đóa hoa Đức tin của đời ta
Vô tình lang thang trên mạng, tôi đọc được bài vè hoa thật dễ thương. Đọc cho biết, biết rồi chia sẻ :
Tháng giêng nắng lắm, nước biển mặn mòi.
Vác mai đi xoi, là bông hoa giếng.
Hay bay hay liệng, là hoa chim chim.
Xuống biển mà chìm, là bông hoa đá.
Bầu bạn cùng cá, là đá san hô.
Hỏi Hán qua Hồ, là bông hoa sứ.
Gìn lòng nắm giữ, là hoa từ bi.
Ăn ở theo thì, là hoa bầu ngọt.
Thương ai chua xót, là hoa sầu đâu.
Có sông không cầu, là hoa nàng cách.
Đi mà đụng vách, là hoa mù u.
Cạo đầu đi tu, là bông hoa bụt.
Khói lên nghi ngút, là hoa hắc hương.
Nước chảy dầm đường, là hoa mồng tơi.
Rủ nhau đi cưới, là hoa bông dâu.
Nước chảy rạch sâu, là hoa muống biển.
Rủ nhau đi kiện, là hoa mít nài.
Gái mà theo trai, là hoa phát nhũ.
Đêm nằm không ngủ, là hoa nở ngày.
Ban chẳng lìa cành, là bông hoa cúc.
Nhập giang tùy khúc, là bông hoa chìu.
Ở mà lo nghèo, là hoa đu đủ.
Đi theo cậu chủ, là hoa mầng quân.
Đánh bạc cố quần, là bông hoa ngỗ.
Ngồi mà choán chỗ, là hoa dành dành.
Giận chẳng đua tranh, là bông hoa ngải.
Bắt đi tha lại, là hoa phù dung.
Ăn ở theo đường, là bông hoa thị.
Theo mẹ bán bí, là hoa hanh hao.
Cuộc sống của ta đẹp, đẹp lắm với các loại hoa và nếu như không có qua xem ra đời ta tẻ nhạt và chán ngắt. Mỗi loài hoa khoe mỗi sắc và mỗi hương cho đời để ta nghe thấy “cho đời chút hương”. Đến một nơi nào đó, một gia đình nào đó, một căn phòng nào đó có bài trí hoa, có chưng hoa ta cảm thấy nhẹ lòng.
Nhìn lại vườn hoa Nhà Chúa, đời sống đức tin của mỗi người trong lịch sử cứu độ được ví như một đóa hoa trong vườn hoa khoe sắc thắm.
Ta thử nhìn lại một chút những đóa hoa đức tin rất đẹp. Hoa đức tin Abraham. Nhìn đời của Abraham, ta thấy hoa Abraham tỏa một màu hoa phó thác. Abraham đi mà không biết mình đi đâu có có thể bỏ xác đâu đó mà không biết. Abraham đã phó thác cuộc đời mình cho Chúa và cứ đi theo lời Chúa chỉ vẽ. Bi đát nhất là khi Abraham bị thử thách là sát tế đứa con duy nhất nhưng ông vẫn sẵn lòng.
Kế đến, ta nhìn đóa hoa Môsê. Cả cuộc đời của Môsê là chịu đựng cả Chúa và cả dân của Ngài. Ta còn nhớ lần kia trong đời Môsê chịu biết bao nhiêu khó khăn. Ước mơ vào Đất Hứa nhưng rồi Chúa bảo ngươi đứng đó ngó đi và rồi Môsê chết. Đức tin của Môsê là một đức tin không có phần thưởng và không có phần thưởng. Đức tin của Môsê có màu sắc của khiêm nhường, của không công, không thưởng, không gì hết.
Dừng lại để ta nhìn Giêrêmia, Giêrêmia mở đầu sách viết rất dễ thương : “Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đã gọi ngươi khi ngươi chưa lọt lòng mẹ, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ”. Ông nói lên kinh nghiệm tình thương của Chúa và Thiên Chúa chọn ông từ khi ông còn trong bào thai. Và ta thấy chương 15, ông nói : “Con vô phúc quá mẹ ơi ! Mẹ sinh ra con làm gì ?”. Ngày xưa thì bảo con có phúc và nay thì than vãn : Thế mà cứ bị nguyền rủa. Lạy Chúa, tại sao Ngài cứ để con đau khổ hoài ? Tại sao Chúa làm con đau khổ như thế ! Ngài là ai ? Phải chăng Ngài mơ hồ và ảo mộng.
Cả đời dấn thân cho Chúa và nguyền rủa chính mình : “Con vô phúc quá ! Thà con đừng sinh ra thì hơn”.
Đức tin của Giêrêmia mang màu sắc của bóng đêm, của thử thách, màu sắc của phó thác hoàn toàn không thấy tương lai. Hoa đức tin của Giêrêmia là như vậy, là đóa hoa khoe sắc thử thách, khiêm nhường.
Đến với Tân Ước, ta bắt gặp một đóa hoa tuyệt vời mang tên Maria mà chúng ta mừng kính trong tháng 5. Lời sứ thần trong ngày truyền tin còn đó : “Này Bà sẽ cưu mang người con và vương quyền của người vô cùng vô tận”. Mẹ thấy tương lai sáng lạn trong ngày truyền tin nhưng rồi Mẹ thấy người ta không đến chúc tụng Mẹ và thậm chí còn đau khổ khi sinh con nơi máng cỏ và cả trốn sang Ai Cập để sinh sống một thời gian để tránh lưỡi gươm Hêrôđê.
Là Mẹ Chúa Giêsu nhưng không được một tiếng khen, chẳng thấy vương quyền gì cả chỉ thấy toàn gian nan thử thách. Thử thách lớn nhất mà Mẹ Maria chịu đó là thử thách như Abraham phải chịu : “Ngươi phải sát tế người con duy nhất”. Mẹ đã dâng hiến người con yêu cho Thiên Chúa
Mẹ thấy ngai vàng cho con Mẹ không có. Ngai vàng con của Mẹ là thập giá. Phải chăng Chúa không trung tín lời hứa của Ngài. Không cần gì cả, Chúa không cho phần thưởng nào cả, Chúa lấy hết, ấy vậy mà vang mãi lời ngân nga : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần Trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa của tôi !”
Hoa đức tin là vậy đó ! Hoa đức tin của Mẹ là như vậy đó. Tháng hoa, chúng ta dành tâm tình kính Mẹ nhưng rồi hoa đức tin của đời ta như thế nào ? Hoa đức tin của đời ta có nở, có tươi, có khoe sắ hoa Maria không ?
Maria đã bám chặt đời mình vào Thiên Chúa để Mẹ luôn tỏa ngát mùi hương xin vâng, màu hoa đón nhận đau khổ trong cuộc đời. Mẹ tin tưởng và hoàn toàn tín thác vào Chúa. Hoa đức tin rất cần trong đời sống của ta nhưng hiện giờ hoa đức tin của ta ra sao ? Còn hay mất ? Có khi vì bám vào trần gian để rồi màu cũng phai mà hương cũng chẳng còn.
Hoa đức tin của ta rất cần nở hoa và khoe sắc. Nở hoa, khoe sắc để truyền cho con cháu và con cháu truyền cho hậu thế. Nếu như ta không nở hoa khoe sắc đời sống đức tin của chúng ta thì con cháu của chúng ta sẽ đi về đâu.
Chúng ta tuyên xưng niềm tin của chúng ta trong kinh Tin Kính, trong đời sống hằng ngày. Niềm tin ấy cần diễn tả cách thực tế trong đời sống của chúng ta.
Tháng hoa, mỗi lần chúng ta dâng hoa cho Đức Mẹ thì xin cho từng giây từng phút của chúng ta luôn bám vào Chúa như Mẹ Maria đã bám. Khi ta bám vào Chúa rồi thì ta sẽ truyền nhựa sống đức tin cho con cháu chúng ta, cho anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta nhìn lên đóa hoa tinh tuyền, đóa hoa ngát hương Maria để chúng ta cũng tỏa hương và khoe sắc tin cậy mến như Mẹ trong cuộc đời.
2020
Gót sen hồng…
Gót sen hồng…
Khi nói đến việc chăm sóc sắc đẹp, phái nữ thường chỉ quan tâm đến việc chăm sóc da mặt, vóc dáng, mái tóc, đôi tay mà quên đi một bộ phận cũng quan trọng không kém đó là đôi chân. Một đôi chân sần sùi, gót chân nứt nẻ chắc chắn sẽ làm cho ai đó mất đi sự tự tin.
Gót sen xem ra cũng đẹp nếu như biết nâng niu và cũng đáng yêu lắm chứ ! Cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh cũng đã “tô” một chút cho gót sen hồng trong Ru Tình của ông :
… Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ
Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá
Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu
Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người
Ru em hoài bé dại, một hồn thơm cây trái
Ru em chờ em nói, trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy, ru tình à ..ơi
Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng
Ru bay tà áo rộng, vượt tình tôi chấp cánh …
Đâu đó trong văn chương cũng diễn tả bước chân đi của phụ nữ : “Tiếng vàng vội gọi con hầu, Gót sen nhè nhẹ dạo mau về nhà.”
Gót sen trong văn chương và nhạc tình họ Trịnh là như vậy. Gót sen của em rất đẹp để cho tôi ru và gót chân nhẹ để cho tôi trân trọn. Trong Kinh Thánh, ta lại bắt gặp không phải gót sen mà là gót đạp người khác trong trang Tin Mừng mà Thầy Giêsu như trối trăng với các môn đệ : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.
Thật thế, Chúa Giêsu dùng hình ảnh gót chân xem ra rất gần trong cuộc sống. Khi không hài lòng con gì đó, người ta hay dùng gót chân để chà đạp. Với con người mình không ưa hay là kẻ thù thì tự nhiên tâm lý con người hay chà đạp người khác. Từ chà đạp đây không dừng ở gót chân mà bằng nhiều cung cách khác nữa.
Lời Chúa Giêsu nói xem ra đăng đắng sao sao í : “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh”. Và đâu đó thì cũng tương tự như câu này : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy”.
Chấm chung một chén, cùng chia cơm sẻ bánh là những ngữ nghĩa để nói đến tình thân nghĩa thiết giữa thầy và trò như Thầy Giêsu và các môn đệ. Thế nhưng rồi, ta vẫn có thể nới rộng ra trong tương quan giữa chồng và vợ, giữa con cái và cha mẹ, giữa anh em với nhau, giữa những người thân với nhau.
Cảm nghiệm chua xót mà Chúa Giêsu nhắc nhớ các môn đệ xưa chắc có lẽ mỗi người chúng ta đều hơn một lần nếm thử. Có những người đầu ấp tay gối, có những người chung tình chung lối và trao cho nhau cả cuộc đời nhưng đến một lúc nào đó lại quay lưng.
Đọc, nghe lời Chúa nói như thế này trong ta trào tràn nhiều tâm tư, nhiều suy nghĩ. Thế nhưng trên tất cả mọi sự, ta hãy suy nghĩ và hành động tích cực chứ đừng chỉ dừng lại ở chỗ trả thù hay dùng chiêu “mắt đền mắt răng đền răng” như luật cũ.
Dẫu biết rằng môn đệ bội bạc, dẫu biết rằng bị người đời chê bai và đem treo lên cây thập giá thế nhưng rồi Chúa vẫn tha và tha cho đến tận cùng. Tâm tình tha thứ và lời mời gọi yêu thương của Chúa vẫn như còn vang vọng cho đến ngày hôm nay.
Ngày hôm nay, giữa những nổi trôi của cuộc đời, không thiếu những người mà như người đời thường nói “ăn cháo đái bát” hay “không có nhân có nghĩa” nên chăng ta thanh thản và bình an với họ. Ngay cả Chúa Giêsu mà còn bị huống hồ gì là mỗi người chúng ta.
Và cũng đừng quên quy luật nhân quả trong cuộc đời. Khi ta giơ chân đạp người khác có ngày ta đạp phải gai hay người khác cũng sẽ đạp lại chúng ta. Tốt hơn hết hãy mềm lòng, hãy tha thứ và yêu thương như Chúa đã yêu chúng ta.
Phải chăng đứng trước nhân tình thế thái như vậy, ta hãy xin Chúa thêm ơ cho chúng ta để chúng ta đừng bao giờ giơ gót đạp người khác, nhất là người cùng chấm chung một chén và cùng sẻ chia một bánh với ta. Dĩ nhiên không phải dễ nhưng nhờ ơn Chúa ta sẽ sống được lời mời gọi của Chúa.
Hãy để cho đôi chân ta là gót sen hồng cho đời ta phơi phới. Hãy chăm chút gót chân ta nhẹ nhàng trên mỗi bước đi của cuộc đời, Ngày mỗi ngày, ta giơ gót đạp người khác hay khoe gót sen hồng là lựa chọn sống của mỗi người chúng ta. Nếu như chúng ta khe khẽ bước từng bước chân trên cuộc đời và bước nhẹ bên đời người khác chắc chắn lòng chúng ta mãi mãi bình an.
2020
Tháng Hoa thời Đại dịch
Tháng Năm, tháng trái đất nở hoa, nhất là ở Bắc bán cầu, và thông thường người ta bắt đầu nghĩ đến việc trồng vườn, dã ngoại, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ…
Đó cũng là tháng Hoa kính Đức Mẹ.
Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội Công giáo đã dành toàn bộ tháng Năm để tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Truyền thống lâu đời này bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Vào thời khởi thủy của Hy Lạp, tháng Năm được dành riêng để kính thần Artemis, nữ thần của sự phong nhiêu. Còn ở La Mã cổ đại, tháng Năm được dành riêng để tôn vinh nữ thần Flora – thần của các loài hoa. Họ tổ chức lễ hội Hoa vào cuối tháng Tư và cầu xin nữ thần Flora làm cho toàn thể cây cối trên mặt đất được trổ bông.[1]
Trong thời Trung Cổ, các phong tục tương tự đã có rất nhiều, xoay quanh việc giã từ mùa đông, vì ngày đầu tháng Năm được coi như là khởi đầu của một mùa tăng trưởng mới.
Cũng trong thời kỳ này, truyền thống dâng kính 30 ngày cho Đức Mẹ đã ra đời, cũng được gọi là Tháng Đức Mẹ, được tổ chức từ ngày 15-8 đến ngày 14-9 và hiện vẫn được giữ ở một số khu vực.
Ý tưởng về một tháng dành riêng cho Đức Mẹ có thể bắt nguồn từ thời Baroque (khoảng 1600 đến 1750) với ba mươi bài ‘suy niệm linh thao’ để tôn vinh Đức Mẹ. Sau đó, tháng Năm kính Đức Mẹ với những việc sùng kính đặc biệt đã được tổ chức mỗi ngày trong suốt cả tháng Năm. Phong tục này được phổ biến rộng rãi trong suốt thế kỷ 19 và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Và cách sùng kính Đức Mẹ vào tháng Năm cũng trở nên đa dạng như chính những người tôn vinh Đức Mẹ: dựng bàn thờ tôn kính Mẹ Maria, đọc kinh Mân Côi, dâng triều thiên và dâng hoa lên Đức Maria với những lời ca trìu mến, ngọt ngào…
Tháng Hoa của những năm đầu thế kỷ 20 được ghi dấu đặc biệt với sự kiện Đức Mẹ lần đầu tiên hiện ra với ba trẻ làng Fatima vào ngày 13-5-1917. Hai trong số ba trẻ này đã được Mẹ Maria tiên báo là sẽ sớm được đưa về thiên đàng nếu biết siêng năng lần hạt Mân Côi, và quả thực, lần lượt trong năm 1919 và năm 1920, Francisco và Jacinta đã qua đời vì dịch Cúm Tây Ban Nha – một trong những đại dịch khủng khiếp nhất lịch sử, kéo dài từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920 – đã làm cho khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, dẫn đến khoảng 50 đến 100 triệu ca tử vong (x. Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima).
100 năm sau khi Jacinta lìa trần vì đại dịch Cúm Tây Ban Nha, chúng ta bước vào tháng Hoa năm 2020 khi mà thế giới cũng đang lao đao với đại dịch Covid-19, khởi phát vào cuối năm 2019, là năm kỷ niệm 100 năm ngày vị Thánh trẻ Francisco qua đời cũng vì dịch bệnh.
Nhớ đến hai vị thánh trẻ của tháng Hoa 1917 đã chết vì dịch bệnh của thế kỷ trước, chúng ta cũng nhớ đến các nạn nhân của đại dịch hôm nay, và đặc biệt nhớ đến các chuyên viên y tế cũng như các linh mục tu sĩ đang phục vụ các bệnh nhân nhiễm virus corona – được Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là ‘những vị thánh nhà bên cạnh’. Vì sự hy sinh của những vị thánh ấy, hiệp với sự hy sinh tột đỉnh của Đức Giêsu trên thánh giá và của Mẹ Maria đứng cận kề thánh giá, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa và Mẹ Maria thương cứu nhân loại mau qua khỏi đại dịch và cải hóa chúng ta cùng toàn thể thế giới.
Tháng Hoa năm nay, hoa vẫn nở đẹp, nhưng người ta không thể tổ chức dã ngoại đông đảo để ngắm hoa, cũng như không thể tổ chức dâng hoa long trọng để tôn kính Mẹ Maria. Nhưng chúng ta vẫn có thể dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng rất đẹp, những lời kinh Mân Côi sốt sắng tại gia, những nghĩa cử bác ái cụ thể để giúp những người đang đau khổ thiếu thốn trong dịch bệnh. Như thế, Tháng Hoa trong mùa đại dịch lại trở nên có ý nghĩa vô cùng. Chắc chắn chúng ta sẽ đặc biệt cảm nhận được tình thương của Mẹ Maria, Đấng đang đứng sát bên cạnh chúng ta trong thương đau, như ngày xưa Mẹ đã kiên cường đứng cận kề thánh giá để an ủi Con Mẹ đến cùng…
Vi Hữu / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 05-2020
[1] x. Marge Fenelon, Why is May the Month of Mary?
2020
Thiên Chúa đang nói lớn tiếng?
Câu hỏi trên đây không chỉ trong đại dịch Covid–19, người ta mới đặt ra. Đó là thắc mắc đã có từ ngàn đời. Nhất là khi đau khổ, dân Chúa vẫn gào lên: Tại sao ngài thinh lặng? Hoặc nói đúng hơn, người ta cầu xin Thiên Chúa ra tay trợ giúp, nhưng chờ hoài vẫn không thấy Ngài hồi âm. Nhiều lần dân mất kiên nhẫn với Thiên Chúa. May mắn vì họ có các ngôn sứ, những người luôn lắng nghe tiếng Thiên Chúa để nói và truyền đạt sứ điệp của Người cho dân. Các ngài còn an ủi và thôi thúc dân cần trung tín với Thiên Chúa. Nhờ những nỗ lực đó, Thiên Chúa đã lên tiếng giúp họ hết lần này đến lần khác.
Điều thú vị là thánh Gioan cho thấy Đức Giêsu là ngôi lời. Chính Thiên Chúa hóa thành Lời cư ngụ giữa chúng ta. Ngôi Lời (Logos) đó là Con Thiên Chúa, đã chết và đã sống lại. Nhớ lại chính Thiên Chúa cũng dùng lời (phán một lời), mà sáng tạo nên thế giới muôn loài. Trong ý nghĩa Kinh Thánh, nhờ Lời của Thiên Chúa mà mọi vật được gìn giữ vẹn toàn. Điều này nghe có vẻ rất lạ đối với nhiều người. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, người người kêu van Thiên Chúa. Vậy tại sao Ngài không nói gì, không trả lời hoặc không ra tay trợ giúp?
Câu hỏi trên luôn thách đố nhiều người. Thậm chí có người đã thách thức Thiên Chúa, nhất là khi ngài ở trên thập giá. Chính trong đau khổ, Con Thiên Chúa cũng im hơi lặng tiếng, để chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể hiểu đó là cách mà Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha. Nhờ đó, Thiên Chúa đã lên tiếng để ngày thứ ba, Đức Giêsu sống lại.
Chắc chắn Thiên Chúa không muốn hiện ra bằng xương, bằng thịt để nói với con người, dù Ngài có thể làm. Trừ giai đoạn Ngôi Lời sống trên dương thế, nhân loại chưa từng nghe âm thanh của Chúa như thanh âm của con người. Vậy nếu Ngài hiện hữu, tại sao Ngài không nói? Giáo Hội cho chúng ta thấy những cách Thiên Chúa đang nói lớn tiếng cho mỗi người.
1. Kinh Thánh
Đó là Lời của Thiên Chúa được ghi lại. Chẳng phải từng trang Kinh Thánh là những gì Thiên Chúa đã, đang và luôn nói với mỗi người sao? Đó là bức thư tình mà triết gia người Đan Mạch Søren Kierkegaard cảm nghiệm. Nếu ai muốn nghe Thiên Chúa nói, hãy mở Kinh Thánh để thấy dung mạo và âm thanh của Thiên Chúa đang ngỏ lời với con người. Ngài vẫn đang mời gọi mỗi người hãy học với Ngài. Nhất là trong gian nan khốn khổ, Ngài nói chúng ta đừng sợ hãi, vì có Thiên Chúa ở cùng. Ngài có quyền trên mọi thế lực xấu xa, mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Điều thú vị là lời Chúa được chứa đựng trong một kho tàng duy nhất là Kinh Thánh và Thánh Truyền. Nghĩa là Đức Giêsu trao cho Giáo Hội của Ngài nhiệm vụ bảo tồn, lưu truyền và giải thích kho tàng đó cho con cái mình. Trong cách thế này, chúng ta có thể cùng với Giáo Hội lắng nghe được tiếng Chúa đang nói với mình. Qua Giáo Hội, chúng ta vẫn nhận ra những thông điệp của Chúa. Ngài vẫn mời gọi con người trở về, sám hối và tin vào Tin Mừng. Nơi Giáo Hội, Chúa vẫn thôi thúc mỗi người tín thác vào sự quan phòng của Ngài. Chắc chắn Thiên Chúa chưa từng bỏ con người. Ngài luôn thì thầm và muốn con người nói chuyện với Ngài. Đó là khung cảnh của cầu nguyện.
2. Lương tâm
May mắn cho con người là ai cũng có lương tâm. Đó là tiếng nói bên trong ra lệnh cho ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào và tránh điều dữ bằng mọi cách. Giáo Hội tin rằng Thiên Chúa nói với ta qua tiếng lương tâm. Nếu như lương tâm là nơi sâu kín nhất của con người, thì để lắng nghe được Tiếng Chúa, cách tốt nhất là trở về với lòng mình. Tâm hồn mỗi người thực sự là cung thánh để ta gặp gỡ và nghe được tiếng Thiên Chúa[1].
Hóa ra từ trước tới giờ, Thiên Chúa vẫn chờ ta ở một nơi không xa. Ngài vẫn nói to nhỏ trong tâm hồn mỗi người. Vậy mà khi khó khăn, dịch bệnh, khi van nài hỏi Chúa, người ta vẫn chưa thấy Chúa nói gì. Đó là vì chúng ta chưa dám đối diện với lòng mình, chưa đủ thinh lặng để cho âm thanh của Chúa vang lên trong tâm hồn mình. Nhất là khi hoang mang sợ hãi, người ta có nguy cơ bỏ qua những âm thanh đang rộn ràng trong tâm hồn mình.
Thực ra đó là thách đố cho con người thời nay, nhất là người trẻ. Mấy ai tò mò hoặc can đảm học cách trò chuyện, lắng nghe và làm theo Lời Chúa trong cầu nguyện. Nguyện cầu luôn là cái gì đó xa xỉ trong thế giới ồn ào này. Không ít người quan niệm rằng cầu nguyện đã lỗi thời, trở về với lòng mình là quê mùa, vớ vẩn. Hậu quả là không ít người bỏ quên phương thế này để nghe Tiếng Chúa. Rồi trong đại dịch lần này, người ta vẫn thấy Chúa im lặng.
3. Thiên Chúa đang nói lớn tiếng
Trên đây chỉ là hai lối nẻo mà Thiên Chúa nói mạnh mẽ với con người. Ngoài ra Giáo Hội còn cho thấy Thiên Chúa hằng thủ thỉ với con người qua lịch sử cứu độ, cuộc đời của mỗi người, qua truyền thống sống động của Hội Thánh, v.v. Có điều con người thời nay đang lao vào vòng xoáy của xã hội, của cơm áo gạo tiền, nên thật khó để nghe được tiếng Chúa. Sống chậm và thảnh thơi vẫn còn xa vời đối với nhiều người. Lặng để nghe tiếng Chúa, mấy ai thực thi.
Đứng trước đại dịch, đau khổ và cái chết, biết bao người lại hỏi Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài thinh lặng? Đó là dấu hiệu đáng mừng vì hỏi như thế để lên đường khám phá. Bạn nghĩ sao khi “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn và mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới mê ngủ.”[2] Trước Covid–19, thế giới dường như phớt lờ Thiên Chúa, ngủ mê trong những thành quả huy hoàng của khoa học kỹ thuật và cuộc sống hưởng thụ. Hậu quả là Mẹ Thiên Nhiên bị ô nhiễm trầm trọng, lòng người vô cảm và lương tâm cũng không còn nhạy bén với tiếng Thiên Chúa nữa.
Lúc này Ngài đang nói lớn tiếng để nhân loại bừng tỉnh. Âm thanh đó là những gì đang diễn ra trên toàn thế giới. Nếu như thế giới đang bị đảo lộn bởi virus, thì chính Thiên Chúa cũng đang gửi một sứ điệp đến cho con người, đến với mỗi người. Một lần nữa, Chúa không bỏ con người. Ngài cần con người lặng một chút để nghe được những gì Chúa nhắn bảo. Được như thế, người ta mới thực sự bình an hạnh phúc, vì đã lắng nghe và làm theo thánh Ý Chúa.
Thực tế nhiều người đang đòi Thiên Chúa lên tiếng theo cách của họ. Trong ý này, hình như người ta muốn Thiên Chúa làm theo họ. Làm sao con người dám ra lệnh và điều khiển Thiên Chúa? Nếu đi theo chiều hướng ấy, tiếng Chúa vẫn lặng im trong lòng họ. Hoặc nói đúng hơn, những người này chẳng thể nghe được Lời Chúa vốn đang lớn tiếng gọi mời. Vậy là giữa Chúa và họ vẫn là hai phương trời cách biệt!
Tạm kết
Thi hành thánh ý Thiên Chúa thì quan trọng hơn. Trong hoang mang, người ta đòi Thiên Chúa một dấu lạ, đòi Thiên Chúa ra tay; nhưng Giáo Hội vẫn kiên nhẫn lắng nghe và nhận ra Ý Chúa. Từ đó bình an để đón nhận thi hành. Bởi Giáo Hội tin rằng Thánh ý Thiên Chúa muốn cho tất cả và từng thụ tạo, đặc biệt là con người được hạnh phúc tốt đẹp. Phần còn lại là người ta có nghe và nhận ra để sống trong đường lối của Chúa hay không mà thôi!
Thiết tưởng đã đến lúc thôi đòi Thiên Chúa lên tiếng. Ngài vẫn đang hoạt động và nói với mỗi người trong mọi biến cố. Trong đại dịch cũng thế. Ước gì những hướng dẫn của Giáo Hội có thể cho con người được bình an, vì nơi đó, Lời của Chúa là sức mạnh, là sự thật và là sự sống cho những ai lắng nghe. Đó là Tin Mừng, là lời có sức an ủi người ta, nhất là trong hoàn cảnh bi thương này.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 16.
[2] Clive Staples Lewis (1898–1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Namia)