2020
Ổ gà ngày xưa …
Mừng tuổi 80 của Mẹ
Nhớ 10 năm linh mục của con
“Fête de Mères” trên đất Pháp, nhắc con nhớ về Mẹ thật nhiều. Quá nửa đời người mà con cứ như thằng bé, mỗi lần nghĩ về Mẹ là nước mắt cứ chực rưng rưng. Lần đầu tiên trong đời, con phải xa Mẹ lâu đến thế; chưa đầy một năm mà con ngỡ đã từ lâu lắm. Vả lại, tuổi già như trái chín cây? của Mẹ đã làm con nơm nớp lo lắng đủ điều. Mẹ vẫn bình an chứ Mẹ ? Nhưng chắc rằng Mẹ đã khóc con đến cạn khô nước mắt … Biết Mẹ trông tin con lắm, Mẹ hãy nghe con kể chuyện.
Chiều nay trên đường đến nhà một bà giáo tây để học đàm thoại tiếng pháp, con ghé vào một tiệm bán hoa ven đường. Người ta đông lắm. Trong những ngày này, ai ai cũng hướng lòng về Mẹ mình. Con cũng thế, để nhớ về Mẹ ở xa, con tìm mua một ít hoa để tặng bà giáo mừng ngày lễ Các Bà Mẹ. Bên này mhiều hoa lắm, loại nào cũng đẹp cũng xinh, khiễn con cứ mãi tần ngần. Cô chủ tiệm ơi, tôi là người ngoại quốc mới đến Paris, tôi muốn mua một ít hoa để tặng bà giáo dạy tiếng pháp nhân ngày lễ Các Bà Mẹ, xin cô vui lòng cho tôi một lời khuyên?. Cô gái bán hàng đảo mắt quanh một vòng rồi tủm tỉm nhìn con trả lời : Tuỳ túi tiền, ông có thể mua bất cứ loại hoa nào và màu gì, trừ màu đỏ, màu dành cho tình nhân?.
Vẫn biết đó là một bài học hay về văn hoá xứ người, nhưng chẳng hiểu làm sao, sau một hồi lần lựa, cuối cùng con đã chọn mua một chậu trường sinh đầy hoa màu đỏ thắm. Dường như con bị chi phối bởi một động lực huyền bí nào đây, chứ bình thường, con trai Mẹ đâu dám liều đến thế. Phải chăng trong thâm tâm con muốn nói với Mẹ rằng : Mẹ ơi, con yêu Mẹ lắm và thầm mong cho Mẹ ‘trường sinh bất tử’. Không biết bà giáo nghĩ gì trong lòng, chứ bề ngoài đã đón nhận món quà với ánh mắt cảm động và lóng lánh niềm vui. Mẹ ơi, con tin rằng vào chính giờ phút ấy bên nhà, Mẹ cũng đang cảm thấy phơi phới nhẹ lòng.
Suốt hai giờ đàm thoại hôm nay, tự dưng được xoay quanh chủ đề về Mẹ. Con đã lắng nghe tâm sự của một bà mẹ tây bốn con ngoài lục tuần, và cũng đã nói với bà rất nhiều về Mẹ, đặc biệt là những ảnh hưởng của Mẹ trong việc chọn lựa lý tưởng cuộc đời. Mẹ ơi, với tiếng pháp, con chưa đủ ngôn từ, dù tâm tư đầy ap. Bây giờ con viết lại cho Mẹ bằng thứ tiếng Mẹ đã dạy con, để thêm một lần nữa, con muốn nói vói Mẹ rằng : Mẹ ơi, một đời con mang ơn Mẹ.
Bắt đầu từ đâu đây Mẹ ơi ?! Nếu con có thể kể về những tháng ngày trong bụng Mẹ hoặc thời thơ ấu hạnh phúc trên gối Mẹ thuở nào, thì quả là con không nói về những kinh nghiệm của chính mình, nhưng về một cậu bé nào khác đấy. Thế nhưng con như có linh cảm rằng mình đã nghiệm được phan nào tình ý của Mẹ ngay từ cái thuở bang sơ ấy.
Biết bao lần trong đời con đã tự hỏi : việc ngam nhìn một bà mẹ ột ệt với bào thai hay một chú bé đang say sưa ôm đôi bầu sửa, phải chăng là một điều bất xứng !? Nhưng thú thật, con đã chẳng vượt qua được “cơn cám dỗ” này. Con muốn hình dung lại tuổi thơ của mình và thậm chí còn ước mơ trở về cái thời bé bỏng ngày xưa.
Mẹ ơi, vì hình ảnh sống động ấy đã nung nấu trong trái tim con một tình yêu tha thiết dành cho Mẹ. Cánh chim bay nhảy khap bốn phương trời hôm nay đã từng yếu đuối mong manh như thế trong cung lòng vòng tay của Mẹ. Người Việt mình thường ví von : “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Thật vậy, con nào có thể chứa đâu cho hết, nói mấy cho vừa. Con chỉ muốn nhắc lại nơi đây một vài kỷ niệm khó quên để biết rằng Mẹ luôn có mặt bên con trong đời, bằng sự tận tâm chăm sóc hay tin tưởng nguyện cầu, góp phần quan trọng hình thành và nuôi dưỡng nơi con lý tưởng linh mục. Con lên tám tuổi, trước ngày rước lễ lần đầu, Mẹ đã bị Cha Sở quở trách giữa nhà thờ vì có thằng con trai đọc kinh quá lớn tiếng, lấn át hết mọi người, thậm chí đọc cả phần dành riêng cho linh mục.
Sở dĩ như thế là vì con đã thuộc lòng hầu hết những bài kinh dài vắn từ thuở còn đưa võng nằm nôi, Mẹ đọc ngan nga đưa con vào giấc ngủ. Mẹ chẳng bao giờ quên nhắc con phải đọc một câu kinh nào đó trước mỗi món quà, khi ăn cơm và lúc đi ngủ. Mẹ cũng đã mất nhiều thời giờ giúp con chuẩn bị và sốt sắng tham dự những thánh lễ “dỏm” con dâng bằng chăn màn, khoai khô và nước chè đậm. Mẹ tập cho con trang trí bàn thờ và không quên ngắt những cánh hoa dại cài lên áo con, sau lưng và trước ngực.
Mẹ đã chẳng bật cười khi khi há miệng chắp tay đón nhận lát khoai khô mà con vừa trao, vừa dám tuyên bố với Mẹ rằng : “Đây là Mình Thánh Chúa?. Mẹ còn quì gối cúi đầu làm dấu thánh giá khi con “ban phép lành” cuối lễ … Nhiều lần “làm lễ” quá cẩu thả, con bị Mẹ phạt, bắt làm lại từ đầu. Hôm nào đi vắng suốt ngaỳ, khi trở về, Mẹ thường hỏi : hôm nay ở nhà, con đà dâng lễ chưa …
Có phạm thánh không Mẹ ơi, sao con thấy dễ thương quá !
Lơn hơn một chút, khi con được phân công giúp lễ, dù mấy bận bịu, không bao giờ Mẹ vắng mặt ở nhà thờ. Chính tay Mẹ đã chuẩn bị y phục và chải đầu rẽ ngôi cho con, đưa con đến tận cửa phòng thánh, rồi vội vàng tìm chỗ nơi đầu hàng ghế giữa lòng nhà thờ để dễ bề quan sát. Những lúc ấy, nhìn bàn thờ thì ít, Mẹ nhìn con nhiều hơn, Mẹ con mình hiểu nhau qua ánh mắt, phải thế không ?
Còn nữa, con còn nhớ những đồng bạc giấy mới tinh Mẹ đã gom góp suốt tuần và trang trọng trao vào tay con mỗi lần đi tham dự thánh lễ thiếu nhi ngày Chúa Nhật. Mẹ đã tập cho con ý thức và niềm vui chung góp, đến độ có lần con đã không chịu đi dự thánh lễ vì Mẹ đi vắng chẳng ai cho tiền mới tinh như của Mẹ. Mãi đến hôm nay, mỗi lần cầm trên tay tiền giấy mới, con còn nhớ lại khung cảnh ngaỳ xưa; tiếc lắm, chẳng dám tiêu, cứ muốn để dành cho việc chung góp.
Mẹ ơi ! những việc thật nhỏ đó, Mẹ đã làm với tất cả tâm tình, niềm tin và hoài bão. Mẹ đã đầu tư cho con trai Mẹ những trương mục thiêng liêng vô giá. Mẹ đã khắc ghi vào tâm can đứa trẻ những hình ảnh và âm thanh đầu tiên rất linh nghiệm đến suốt đời không thể xoá nhoà. Con đã vào tiểu chủng viện ở tuổi mười hai, lên đại chủng viện khi quê hương tàn cơn chinh chiến.
Và không biết là may mắn hay rủi ro, khi mãn đại chủng viện, con bước vào đời bằng bảy năm đợi chờ trong mái ấm gia đình, được chia xẻ tận cùng với Mẹ Cha nếp sống nông dân thấm mồ hôi nước mắt, nhưng cũng đầy những kỷ niệm và bài học quí giá cho cuộc đời. Suốt những năm tháng dài nhọc nhằn đó, hình ảnh người phụ nữ đẹp nhất trong con vẫn là Mẹ. Sợ con ngã lòng thất vọng, Mẹ luôn tan tuỵ với con như một đứa trẻ, cho dù con đã quá tuổi trưởng thành. Mẹ đã dành cho con rất nhiều ưu tiên trong những phương tiện nhỏ hẹp của gia đình lúc ấy.
Con còn nhớ mỗi lần vào bàn ăn, Mẹ luôn ưu ái bới cho con những bát cơm trắng. Thấy con ngần ngại chối từ, Mẹ cắt nghĩa rằng an cơm độn khoai sắn sẽ quên hết những gì đã học. Mẹ ơi, có thật thế không ? Sao nhiều bài học con đã trót quên, còn tình Mẹ ngày thêm sâu đậm. Giữa bao điều con không thể quên là câu chuyện về ba ổ gà mái.
Năm ấy trong nhà chỉ còn có Cha Mẹ và con, Mẹ dọn bữa cơm tối ngoài sân khi nắng chiều vừa tắt. Nhìn ba con gà mái tơ đang tranh nhau những hạt cơm rơi rớt, nghĩ rằng để Cha Mẹ vui, con đã cao hứng đề nghị: “Con trắng thuộc về Cha, con nổ là của Mẹ, phần con cô màu vàng. Con sẽ làm ba cái ổ rơm trên giàn chuồng heo, gà ai đẻ nhiều trứng nhất, người ấy thắng cuộc”.
Ngược lai, như để chiều ý con, cả Cha lẫn mẹ đều vui vẻ hưởng ứng cái trò trẻ con ấy. Chỉ mấy hôm sau, cả ba con gà đều đồng loạt nhảy ổ và bắt đầu cho trứng. Gà mái tơ làm công việc ấy rất thất thường, khiến cho cuộc chơi càng thêm hấp dẫn. Con lanh nhiệm vụ kiểm trứng mỗi chiều và thông báo kết quả cho cả nhà vào giờ cơm tối. Tuần lễ đầu, ba ổ trứng luôn sít soát bằng nhau: một, hai rồi ba trứng. Cả ba con mái bắt đầu được nuôi ăn kỹ hơn; trong giờ cơm, gà của ai quấn quít bên chân người ấy. Dường như lũ gà cũng cảm hứng cuộc chơi, nên khi chỉ một con đẻ, cả ba con đều “cục tác…” .
Sang tuần lễ sau, ổ gà vàng của con đã vượt lên dẫn đầu, dần dần bỏ xa, rồi gấp đôi hai ổ gà của Cha và Mẹ. Con rất thích thú về ổ gà của mình và hay đùa rằng mình có tay nuôi gà lấy trứng, không sợ thất nghiệp. Dù thua, Mẹ chảng thèm “ganh tỵ” với con tí nào, lai hay tìm dịp biện luận: “Điều ấy chứng tỏ tương lai của con còn sáng sủa lắm, chứ không hoàn toàn tối tăm đâu, đừng nản lòng !?
Cho đến một ngày, con bất ngờ khám phá ra sự may mắn của mình. Tưởng con đã đi nghỉ trưa như thường lệ, Mẹ trèo lên chỗ để ba ổ gà. Chợt nhìn thấy, con dừng lại, nép mình sau cánh cửa để quan sát. Mẹ nhẹ nhàng lấy một quả trứng nơi ổ gà của Mẹ, cẩn thận đặt vào ổ gà của con, rồi vội vàng bước xuống với một nụ cười mãn nguyện.
Thì ra Mẹ đã làm như thế Mẹ ơi ! Con bắt quả tang sự “gian lận” của Mẹ rồi ! Con chạy cắm đầu vào phòng và trên giường nằm khóc tức tưởi, mặc cho hạnh phúc, cảm xúc dâng trào. Để niềm vui của Mẹ được trọn vẹn, vào cuối cuộc chơi, con đã im lặng nhận lấy phần thắng mà nghe sống mũi cay xè, cất giấu tận đáy lòng hình ảnh cảm động mình đã nhìn thấy. Cha về nhì với vẻ mặt không quen nói dối vì đã đồng tình để ổ gà của mình chịu chung số phận.
Mẹ ơi, Mẹ luôn có đủ hy sinh để yêu thương, có đầy sáng kiến để chăm sóc. Mẹ quả cảm nhẫn nại đến chừng nào! Mẹ đã truyền cho con sự sống, hướng dẫn con bao ý tứ tâm tình. Và trong những ngày tháng khó khăn đen tối nhất của cuộc đời, tình mẫu tử thiêng liêng dịu dàng đó đã dấy lên trong con sức mạnh chiến đấu, niềm tin chiến thắng. Ba ổ trứng đã biến thành ba bầy gà con xinh xắn, xúm xít chút chít quanh sân nhà. Cuối cùng, lũ cháu đàn con của chúng đã “hy sinh”góp phần làm tăng thêm niềm vui cho mọi người quanh mâm bàn ngày con trở về “vinh qui bái tổ”, hai hôm sau khi chịu chức linh mục. Ngày lễ tạ ơn tại quê nhà, trời đã vào đông mà vẫn đầy nắng ấm. Con xúng xính trong chiếc áo lễ mới màu vàng có thêu mấy chiếc hoa hồng đỏ thắm đầy gai, cũng sau lưng và trước ngực.
Khi con đến cho Mẹ chịu lễ, cầm Mình Thánh Chúa trong tay, không ai nói với ai mà cả hai cùng nức nở, vì hồi tưởng lại những lát khoai ngô ngày nào… Cũng chính hôm ấy, giữa hằng ngan tín hữu đưa tay làm dấu khi con ban phép lành đầu tay cuối lễ, con biết chắc chắn Mẹ là người hạnh phúc nhất, vì đã từng giúp con nuôi nấng ấp ủ giấc mơ thánh thiện này từ khi con còn tấm bé, bằng cả đời hy sinh cầu nguyện.
Xa quê hương, xa gia đình, nhân ngày “Fête de Mères”, con viết đôi điều về Mẹ. E rằng con quá đơn sơ dông dài khi nhắc lại những cảm nhận rất mộc mạc riêng tư ấy. Tự đáy lòng, con muốn góp một cung, chung một nhịp cho bản trường ca bất tận tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng, mà mỗi một người con luôn cảm thấy réo rắt rung lên tận đáy tâm hồn, dù Mẹ đang còn hay đã mất.
Hơn nữa, vào những tháng này hằng năm, khi niên học chấm dứt, cũng là ngày mùa của Giáo hội. Những cuộc lễ phong chức và kỷ niệm thụ phong linh mục đây đó diễn ra, cũng đầy niềm vui và nước mắt. Mỗi tân chức không thể quên công khai nói lên lòng biết ơn của mình đối với gia đình, vì ơn gọi Chúa trao hầu như cũng đã tượng hình từ chính mái ấm mẹ cha, như hạt giống nẩy mầm từ lòng đất. Cám ơn Cha Mẹ, cám ơn Cha Mẹ ngàn lần !
Mới đó mà con sắp mười năm linh mục, còn Mẹ bước vào tuổi tám mươi. Tuổi già mong manh, thánh thiện của Mẹ vẫn là sự đỡ nâng cần thiết cho bước chân con trên đường sứ vụ xa gần. Nhớ lắm Mẹ ơi ! Con mong ngày về để gặp lại Mẹ, để kể Mẹ nghe về những năm tháng dài miệt mài nơi đất khách, để được Mẹ nấu đãi cho niêu cơm gạo mùa nóng hổi thơm phức và chả cá kho dưa cải mặn mà… Con phải dừng đây thôi Mẹ ơi !
Paris 20.6.1999
Giuse Châu Ngọc Tri
2020
Số 40 và Lễ Phục Sinh mới
SỐ 40 VÀ LỄ PHỤC SINH MỚI
Trong Thánh Kinh, ai nào đó hơn một lần ngâm cứu hay lắng nghe một chút thì để ý đến các con số. Các con số đặc biệt mà nhiều người để ý là 3, 12 và 40. Có rất nhiều biến cố khác nhau trong Kinh Thánh liên quan đến con số 40. Theo các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, ta thấy con số 40 xuất hiện 146 lần trong Kinh Thánh.
Có nhiều ý nghĩa khác nhau liên quan đến con số này, nhưng nổi bật lên, con số 40 nói đến một thời gian dài. Đó có thể là thời gian của thử thách, thời gian của thanh luyện, hay đó cũng là thời gian của sự chờ đợi để bắt đầu một điều mới mẻ, tốt đẹp.
Con số 40 trong Kinh Thánh mang nhiều ý nghĩa sâu xa khác trong đời sống tôn giáo của dân Do Thái ngày xưa. Và dĩ nhiên cũng liên quan đến đời sống phụng vụ người Kitô hữu ngày nay.
Con số 40 xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh là nạn Hồng thủy kéo dài 40 đêm ngày thời ông Noê (St 7,4, 12, 17, 8;6). Qua chuyện này, ta thấy lúc đó dân mặt đất đã ra hư hỏng và Thiên Chúa muốn làm một cuộc gột rửa trái đất để mắt đầu sự sống mới. Gia đình Nôê là những người đẹp lòng Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chỉ dạy cho họ biết phải làm gì để được cứu sống.
Dính dự đến Môsê vì Môsê là người đã dẫn dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập để đến vùng đất tự do Thiên Chúa hứa ban cho dân Israel. Ông Môsê đã sống 40 năm bên Ai Cập, sau đó ông sống 40 trong vùng sa mạc trước khi được Thiên Chúa kêu gọi làm người đứng đầu trong hành trình thoát ách nô lệ Ai Cập của người dân Israel. Ông là người đại diện dân Israel lên núi để nhận Mười điều răn và ông ở trên đó với Thiên Chúa 40 ngày đêm (Xh 24, 18). Ông cũng là người ra lệnh những người thăm dò vùng đất mới dân Israel sẽ tiến vào. Những người được sai đi mất 40 ngày đêm để thăm dò vùng đất đó (Ds 13, 25).
Hết sức đặc biệt, sau khi vượt qua Biển Đỏ thoát ách nô lệ Ai Cập, dân Israel đã phải sống trong sa mạc, loanh quanh trong đó đến 40 năm mới được vào đất hứa. Đây là thời gian Thiên Chúa dạy dỗ dân của Ngài. Đây là thời gian thử thách, thời gian chờ đợi để chuẩn bị bước vào vùng đất tự do, vùng đất của lời hứa. Con số 40 này cũng mang ý nghĩa một thế hệ qua đi, thế hệ đã kêu trách Thiên Chúa họ không được vào Đất Hứa.
Con số 40 cũng phần nào dính dự đến cuộc đời của các ngôn sứ: Ngôn sứ Êlia phải đi 40 ngày đêm đến núi Horeb trú ẩn vì hoàng hậu Elizabeth cho quân lính lùng bắt (1V18, 19). Ngôn sứ Giôna kêu gọi dân thành Ninivê ăn chay 40 ngày đêm để tỏ lòng sám hối vì những lỗi lầm đã phạm (Gn 3,1-10)
Và khi đến Kinh Thánh Tân Ước, ta thấy Thánh Kinh còn ghi : Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày để bắt đầu một sứ vụ loan báo Tin Mừng (Lc 4, 1-13) Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra và ở lại với các môn đệ của Ngài trong vòng 40 ngày, sau đó Ngài về trời (Cv 1, 3-9).
Hàng năm, trong lịch phụng vụ, ta thấy Hội thánh Công giáo cử hành Mùa Chay 40 ngày để bước vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và đón mừng niềm vui của đại lễ Phục Sinh, niềm vui của chiến thắng.
Và ta cứ tưởng chuyện Kinh Thánh là chuyện xa xưa, chuyện cổ tích như các cô giáo hay kể cho các cháu mầm non : “Cô kể cho các con câu chuyện này, xưa thiệt là xưa, xưa ơi là xưa …”. Kinh Thánh vẫn mới và mới trong từng ngày sống của nhân loại, của mỗi chúng ta dẫu rằng được viết ra hơn 20 thế kỷ.
Nhìn lại dòng chảy của lịch sử cứu độ, ta vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh của một Đavit như thế này như thế kia … Ta vẫn bắt gặp hình ảnh của tông đồ đoàn như thời Chúa Giêsu vậy. Dù sống chung với Thầy nhưng toan tính tìm chỗ nhất chỗ nhì trong Vương Triều của Thầy. Tiếc thay lại vô cảm vì không biết Thầy để Thầy phải nói : “Này anh Philipphê, anh ở với Thầy bấy lâu mà anh không biết Thầy sao ?”
Và, con số 40 ngày qua dường như rất thiết thực trong đời sống của mỗi Kitô hữu.
40 ngày qua không đến Nhà Thờ dự Thánh Lễ như bình thường mà phải qua màn hình điện thoại hay vi tính.
40 ngày qua không được rước Mình Thánh Chúa vào lòng
40 ngày qua không được đến với Chúa một cách tự nhiên như trước
Và, trong sự trải nghiệm của 40 ngày, mỗi người sẽ có những tâm tình khác nhau. Thế nhưng rồi vẫn có mẫu số chung đó là 40 ngày trong lặng lẽ, trong gẫm suy của cuộc đời.
Phải chăng thời gian 40 ngày qua là thời gian mà Thiên Chúa muốn dạy dân Ngài như xưa dạy dân Do Thái 40 năm trong sa mạc. Phải chăng 40 ngày qua là 40 ngày mày Chúa muốn con cái nhìn lại đời sống đức tin của mình, nhìn lại tương quan giữa mình với Thiên Chúa và anh chị em đồng loại nhất là với những người thân trong gia đình cùng sống trong mái ấm. 40 ngày qua phải chăng là điều Chúa muốn nói với mọi người hãy suy nghĩ nhiều hơn về phận người, nhất là phận mỏng giòn mong manh dễ vỡ. 40 ngày qua phải chăng là 40 ngày Chúa nói rằng tất cả con người không làm gì được mà chỉ mình Thiên Chúa mới là chủ trái đất này thật sự mà thôi.
Hôm nay, khi mọi người được trở lại Thánh Đường, được trở lại tham dự Thánh Lễ thì phải chăng là mừng Lễ Phục Sinh mới hay không ? Dễ hiểu là 40 ngày qua, đặc biệt trong ngày Đại Lễ Phục Sinh, mọi người cứ âm thầm và lặng lẽ trông ngóng ngày Phục Sinh.
Cùng với Giáo Hội, ta mừng Lễ Phục Sinh mới cách long trọng và ý nghĩa. Xin Chúa Phục Sinh cho chúng ta cởi bỏ con người cũ và bước vào đời sống mới cùng với Đức Kitô Phục Sinh. Xin cho chúng ta hãy trở nên chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh của Chúa ngay trong thực tại hàng ngày của chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng ta biết bỏ đi những cái cũ, những cái gì là cản trở tương quan của ta với Chúa và anh chị em chúng ta. Xin cho chúng ta luôn sống tâm tình trong mầu nhiệm Mân Côi thứ hai mùa Mừng : “Chúa đã sống lại thật xin cho được sống lại thật về phần linh hồn” nghĩa là đừng sống theo cảm nghĩ xác thịt nữa mà hãy hướng, hãy chuyên chăm lo phần hồn của mỗi người chúng ta.
Và xin Chúa cho chúng ta biết yêu thương và phục vụ anh chị em chúng ta như Chúa đã yêu thương và phục vụ chúng ta trong cuộc sống đời thường của chúng ta.
Tạ ơn Chúa vì Chúa đã sống lại thật Halleluia
Và ta cùng với Mẹ để thưa rằng :
Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng Halleluia
và ta tiếp tục với lời xin : Xin cầu cùng Chúa cho chúng con – Halleluia. Xin Mẹ hiệp lời cầu xin để cho cơn đại dịch mau qua, cho mọi người được bình an và nhất là xin cho mỗi người hãy làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng đời sống của mỗi người Kitô hữu.
2020
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Tân Thông Hội là một xã thuộc huyện Củ Chi, Sài Gòn. Vào năm 1970, sau biến cố chính trị ở Campuchia, đông đảo bà con Việt Nam sinh sống bên đất nước Campuchia hồi hương về nước. Một số đông đồng bào lương giáo được tiếp nhận và thành lập một Làng Việt kiều tại Xã Tân Thông Hội. Ấp Tân Tiến thuộc xã tân Thông Hội, lúc đó chỉ là rừng cây cao su, bà con đã khai hoang và dựng nhà để ở. Tân Thông Hội thời thập niên 1970- 1980 rất nghèo đói, dân chúng ở trong những căn nhà lá lụp sụp, chung quanh trồng trúc, họ làm đủ mọi việc để sinh sống. Các dòng tu cũng được Giáo quyền mời về đây phục vụ. Đáp lời mời, dòng Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG) đã đến Tân Thông Hội. Sứ mạng của các nữ tu ĐBTG trong giai đoạn này là phụ trách một Cô nhi viện, dạy nghề cho phụ nữ: may, thêu, móc, đan lát, thăm viếng, hàn gắn các gia đình có nguy cơ tan vỡ, phát lương thực, phát thuốc cho người nghèo.
Trong khu xóm nhỏ, có anh chị Thuận-Phượng là gia đình lương dân. Anh Thuận làm nghề thêu khăn bàn và các bức tranh đồng quê rất đẹp, còn vợ anh, chị Phượng, buôn bán ngoài chợ. Họ tên Thuận nhưng sống không hòa thuận chút nào. Tối ngày họ to tiếng với nhau, có lúc còn rượt nhau ra đường, hoặc khóc rấm rứt suốt đêm. Các nữ tu luôn phải khuyên giải và can ngăn…nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Thế rồi như sợi dây đàn quá căng, thì phải đứt… Họ đi đến ly hôn, dù đã có với nhau một cậu con trai 2 tuổi, tên Thắng, rất đẹp và dễ thương. Từ đó anh Thuận bỏ đi nơi khác để sống.
Trong hoàn cảnh đó, các nữ tu Đức Bà Truyền Giáo đến thăm viếng, an ủi, khuyên bảo, hỗ trợ chị Phượng. Ngày qua ngày chị Phượng xin đọc kinh với các nữ tu, nhưng vẫn không muốn theo đạo Công giáo…
Vài tháng sau, một buổi tối, tôi sang nhà chị và đưa cho chị cuốn sách Tân Ước, vì chị ao ước đọc Kinh Thánh. Ôi, thật ngạc nhiên, tôi thấy anh Thuận có mặt trong phòng. Anh bẽn lẽn chào tôi, tôi hiểu ra sự việc, tôi quay về cộng đoàn của mình… Sau đó tôi khuyên họ trở về với nhau để lo cho con.
Sau vài năm tôi kiên trì cầu nguyện và khuyên nhủ, chị Phượng đã được ơn làm con cái Chúa, chị rất ngoan đạo, siêng năng học và thực hành Lời Chúa. Chị còn gia nhập gia đình Trợ Tá Truyền Giáo và tham gia các hoạt đồng truyền giáo rất tích cực, chị còn là thành viên của nhóm Kinh Thánh, tham dự giờ chia sẻ Lời Chúa hằng tuần. Chị tâm sự với tôi:
– Con chỉ còn một mối quan tâm duy nhất là cầu xin tha thiết cho chồng con theo Chúa.
Thế rồi, một ngày kia, anh Thuận đi xe honda gặp phải một cô bé sang đường, anh không tránh kịp, nên tự té, nằm lăn quay ra, không sao chỗi dậy được, mọi người phải đỡ lên, nhưng anh không sao đi lại được nữa và anh cảm thấy quá đau đớn, toàn thân ê ẩm. Gia đình đưa anh đến bệnh viện Xuyên Á, cách nhà khoảng 7 km, sau khi chụp X quang bác sĩ cho biết: Anh bị gẫy 7 chiếc xương sườn, không bó bột được, bác sĩ cho thuốc về uống và bảo anh phải ngủ ngồi trong vòng 8 tuần lễ, và tiếp tục uống thuốc, rồi sẽ tái khám sau.
Từ đó anh không thể đi, đứng hay nằm được, suốt ngày đêm chỉ ngồi dựa lưng vào các chồng gối mà thôi. Anh cảm thấy đau đớn, mỏi mệt, chán chường và thất vọng vô cùng. Mọi người đến an ủi, một ngày, hai ngày rồi ba ngày… Thời gian coi như bất tận, miệt mài, dai dẳng… hết đêm rồi lại ngày, anh cố chợp mắt, vừa ngủ gật một cái thôi, các xương sườn gẫy của anh lên tiếng, cả thân thể anh rúng động. Ôi! cơn đau đớn không thể diễn tả được… Anh rên rỉ trong tuyệt vọng khốn cùng, và vẫn nhớ lời bác sĩ căn dặn:
– Anh phải ngồi ngủ như vậy trong 8 tuần lễ liên tục, đồng thời uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ mới hy vọng lành được những chiếc sương xườn đã gẫy.
Ba ngày ba đêm trôi qua, anh đau khổ vì không sao cựa quậy được, lại thêm mệt mỏi vì không thể ngả lưng xuống giường dù chỉ một giây. Anh ngồi như một bức tượng, chung quanh là những chiếc gối to nhỏ đủ kiểu chèn cho anh không bị ngả nghiêng… đến ngày thứ tư anh quá đau đớn, anh lại cảm thấy mình là gánh nặng của vợ con, anh bắt đầu nghĩ quẩn, không muốn sống nữa, anh cảm thấy chết còn sướng hơn… Anh âm thầm nói với người cháu:
– Chú không sao ngủ được, con ra tiệm thuốc tây mua cho chú thuốc an thần, nhiều nhiều vào để chú uống dần.
Ngày hôm đó, khi chị Phượng đang chăm sóc, anh rên rĩ đau đớn và nói với chị:
– Đám tang công giáo bên nhà ồn ào quá, chắc là đông người đến viếng xác, đọc kinh cầu lễ cho người quá cố phải không em?
Chị Phượng thủ thỉ:
– Anh Thuận ơi, em theo Chúa lâu rồi, chỉ còn anh chưa cùng chiến tuyến với em. Nếu anh có mệnh hệ gì, em biết làm sao đây. Bấy lâu nay, em nghĩ anh đã có lần tin Chúa. Vậy anh theo Chúa với em nhé, anh dọn lòng chịu phép thanh tẩy nghen.
Trong lúc cơn đau đang hành hạ anh từng đợt, mồ hôi tước ra nhễ nhại, anh yếu ớt gật đầu tỏ ý ưng thuận. Chị Phượng thấy sắc mặt anh nhợt nhạt, nhịp tim yếu, anh từ chối không ăn uống thứ gì. Chị Phượng lo lắng và sợ hãi nên kêu cô Châu là y tá đến truyền nước cho anh. Sau khi truyền hết một chai, cô thấy mạch cứ tụt dần, cô Châu liền nói với chị Phượng:
– Anh ấy yếu lắm rồi, phải đưa đi bệnh viện gấp thôi.
Chị Phượng nói vói chồng:
– Anh ơi, em mời Cha Sở rửa tội cho anh trước khi đi bệnh viện nhé.
Mắt anh vẫn nhắm chặt, nhưng anh gật đầu. Chị Phượng vội báo cho chị Thi, một phụ nữ đạo đức, và cũng là một Trợ Tá Truyền Giáo rất nhiệt thành trong công việc truyền giáo. Chị Thi nhanh nhẹn tìm cách liên lạc với cha sở để xin ngài đến rửa tội gấp, nhưng thật không may, chị không sao gặp được ngài…Cuối cùng chị xoay sở và tìm được cha phó Anton, cha mau mắn đi với chị đến nhà anh chị Thuận mặc dù đã rất khuya. Bí tích thánh tẩy được cử hành ngay và chỉ có 2 giáo dân tham dự, cha Antôn làm cha đỡ đầu cho anh Thuận luôn. Sau khi rửa tội xong, anh hé mắt thì thầm lời cám ơn cha Anton xong là anh rơi vào tình trạng hôn mê ngay. Chị Phượng tìm xe để đưa anh đi bệnh viện, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, phải chờ đến sáng mới có xe để đi bệnh viện. Chị Phượng lo lắng, chị càng cầu nguyện khẩn thiết hơn, vừa cầu nguyện chị vừa sắp xếp lại những chiếc gối cho anh, đến nữa đêm chị cảm thấy mệt, nên ghé nằm bên những đống gối của anh và thiếp ngủ. Bỗng chị nghe tiếng anh gọi:
– Em ơi, anh chưa chết hả? Hình như anh đang sống? Nhưng sao anh lại nằm xuống được? Em đỡ anh ngồi dậy thử xem. Ôi, sao anh hết đau rồi, hết đau rồi…
Lúc đó chị Phượng vừa sợ vừa ngạc nhiên vì thấy khuôn mặt anh Thuận đang thảng thốt, chị không biết thật hư ra sao. Chị lắp bắp:
– Anh sao rồi? Đừng làm em sợ.
Anh Thuận thì thầm:
– Anh còn sống thật hả em? Em cho anh nắm tay em thử xem…
Sau đó anh Thuận thú nhận với vợ là anh đã uống hết 40 viên thuốc an thần một lần để tự tử vì anh quá đau đớn và thất vọng, anh nghĩ quẫn rằng anh không thể nào chịu đựng tình trạng đau đớn này và phải ngồi im không ngủ được trong 8 tuần. Mỗi lần anh chuyển mình thì những chiếc xương sườn của anh như rú lên và gào thét. Anh nghĩ rằng anh không nên làm khổ vợ con nữa và muốn tìm cái chết nhanh nhất để giải phóng cho chính mình.
Câu chuyện được chữa lành của anh thật lạ lùng. Anh kể rằng:
– Chiều hôm đó, khi uống xong 40 viên thuốc an thần, tôi bị thuốc vật, ruột gan tôi đau đớn khủng khiếp, tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết trước khi mọi người có thể làm gì đó để cứu tôi, tôi không còn hy vọng gì cho đến khi cha phó Anton đến và ban phép Thanh Tẩy cho tôi, khi cha Anton mặc áo các phép, mắt tôi bổng như chói lòa bởi một luồng ánh sáng, sau khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, tôi thiếp đi luôn, tôi tự nghĩ mình đã chết, đã được giải thoát để về với Chúa. Nhưng tôi không ngờ, Chúa đã chữa lành cho tôi. Tạ ơn Chúa.
Chị Phượng vô cùng xúc động và biết ơn Chúa, chị liên tục nói lời tạ ơn Chúa và gọi báo tin cho mọi người biết anh Thuận đã được chữa lành cách kỳ diệu sau khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Mọi người xung quanh hân hoan chúc tụng quyền năng vô biên của Thiên chúa đã dành cho gia đình anh chị Thuận Phượng.
Nhờ lời cầu nguyện tha thiết và kiên trì của chị Phượng, Thiên Chúa đã ban những ân huệ đặc biệt cho gia đình: Anh Thuận được chữa lành khỏi bệnh tật thể lý và bệnh tật trong tâm hồn. Anh đã trở thành con cái của Thiên Chúa, hiệp thông trong đoàn chiên của giáo xứ Tân Thông Hội, và trở thành gia đình sống đạo gương mẫu và hạnh phúc.
Đó là câu chuyện về “Mãnh lực của lời cầu nguyện trong gia đình”, lời cầu nguyện chân thành của một người vợ trở lại đạo đã cứu lấy được gia đình mình và đem được người chồng gia nhập giáo hội Công giáo cùng với mình và trở thành con Thiên Chúa. Hiện nay anh chị có được 3 người con trai và cả 3 đã lập gia đình.
“Tạ ơn Thiên Chúa, đã thương đoái đến phận hèn tôi tớ Ngài. Từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc” …Đó là lời trong kinh Magnificat của Đức Maria, mà chị Phượng đã lập lại trong biến cố vô cùng trọng đại của gia đình chị.
Viết bài: Sr. M. Phạm Thị Tuyết Mai- Rndm
Dòng Đức Bà Truyền Giáo
2020
Biết!
Một lần kia, đang ngồi nói chuyện với một người. Đang nói chuyện bâng quơ thì người kia nhắc đến một người nọ. Bản thân tôi không biết rõ về nhân vật đó nên cứ lẳng lặng mà nghe :
– Chú biết hông ! Bà đó hả ! Cái gì bả cũng biết hết đó nha ! Bả hay lắm đó nha ! Có cái bả hổng biết à !
Thiệt tình nên tui hỏi :
– Cái gì bà ấy hổng biết hả cô ?
– Chời ơi ! Có cái bả hổng biết là hông biết điều đó chú.
“Hổng biết điều !” 3 từ nhưng xem cũng hay hay đó chứ ! Đơn giản rằng ở đời ai ai cũng mong mình được người khác đối xử tử tế với mình. Để được như vậy thì buộc mình phải sống tử tế với người khác. Và như vậy, ngược với tử tế đó là không biết điều.
Biết điều khởi đi từ chuyện biết người biết ta không cuộc sống. Chính vì ích kỷ, chính vì chỉ biết mình và không biết người khác nên nó sinh ra nhiều chuyện dở hơi.
Từ biết xem ra rất quan trọng trong cuộc sống. Đúng như người kia nói về người nọ là cái gì cũng biết nhưng biết ở mức độ nào và chuyện gì cần biết và chuyện gì không cần biết trong cuộc sống. Có lẽ vì không biết gì hết nên mới sống không biết điều với người khác.
Những ngày này, khi tham dự Thánh Lễ, ta nghe mãi, nghe tới nghe lui chuyện Chúa Giêsu ví mình như là vị mục tử nhân lành. Trong tâm tình đó, nhiều người đi tìm hiểu nào là cửa chuồng chiên, nào là mục tử xấu, mục tử tốt. Thế nhưng rồi, trong mạch văn Chúa nói đó, ta có thể dừng lại ở từ biết.
Chỉ trong đoạn Tin Mừng rất ngắn hôm nay, Chúa cứ nói đi nói lại từ biết : Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha.
Và như vậy, ta lại có dịp nhìn lại từ biết mà Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta. Chúa, dĩ nhiên như mục tử, Chúa biết từng con chiên và dĩ nhiên biết từ tình trạng của nó. Chúa lại yêu thương những con chiên ghẻ, những con chiên tật nguyền và nhất là những con chiên đi lạc. Chúa đã hào phóng để bỏ lại 99 con chiên mà quyết đi tìm con chiên lạc.
Khi suy nghĩ đến điều này, ta lại khám phá ra sự biết của Chúa về ta.
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 138, 1)
Chúa là như vậy đó ! Còn ta, ta có biết Chúa không ? Dĩ nhiên là ta cũng sẽ nói là ta biết nhưng ta biết ở góc độ nào và như thế nào ? Hay là ta chỉ biết Chúa như những người Do Thái xưa và hành xử với Chúa như vậy. Nếu như biết Chúa thật sự thì họ sẽ không hành xử tàn bạo với Chúa như thế.
Cuộc đời của ta, chuyện rất quan trọng là ta biết Chúa. Một khi mình đã biết Chúa thì cuộc đời của mình sẽ thay đổi và sẽ không dở dở ương ương sáng nắng chiều mưa trưa trưa có bão.
Chắc chắn ta không quên Thánh Augustinô. Dường như cả cuộc đời ăn chơi trác táng trụy lạc nhưng rồi chạm phải con tim của Chúa thì Thánh nhân đã trở lại và trở thành vị Thánh lớn trong Giáo Hội. Khi gặp Chúa rồi thì Ngài thủ thỉ : Lạy Chúa xin cho con biết Chúa và cho con biết con. Xin cho con biết Chúa để con yêu mến Chúa hơn, và xin cho con biết con để con coi nhẹ con hơn.
Vâng ! Khi ta chưa biết Chúa đúng nghĩa, ta sẽ nghĩ ta thế này thế kia và tự cao tự đại. Chính vì sự tự cao tự đại đã làm cho bao nhiêu con người phải hư mất.
Sự thường ở đời, khi ta biết ai đó và ta yêu ai đó đủ thì ta chấp nhận hy sinh tất cả vì người đó. Có thể ở cái mức lý tưởng như Chúa Giêsu : Ta đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” thì mỗi người chúng ta khi yêu ai đó, khi biết ai đó thì cũng sống như Chúa Giêsu mời gọi. Tất cả mọi sự đều quy hướng về Chúa Giêsu là Chủ của đời ta.
Đặc biệt, khi biết Chúa và trong thinh lặng, nhà thơ Tagore thủ : Chỉ mong ngài lấy đi Mong chẳng còn gì thuộc về con Mong chẳng còn gì là của con. Để con được trắng tay Con chỉ còn ngài để giữ lấy Con được chọn Chúa Mãi là của con Chỉ mong Ngài xóa đi Mong chẳng còn gì Để chiếm hữu Con tìm được Ngài là chân lý Con được cùng Chúa đồng hành luôn.
Khó chứ không phải dễ để sống tâm tình như vậy. Thế nhưng rồi tưởng nghĩ khi ta kết hợp sâu lắng và mật thiết với Chúa cũng như nhờ ơn Chúa ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm với tất cả mọi sự trên đời này. Và cuối cùng, chỉ mình Chúa mới là nguồn Chân Lý chứ không còn chuyện nào khác. Thế cho nên, ngày mỗi ngày, ta cũng thưa với Chúa như Thánh Augustinô xưa : Xin cho con biết Chúa để con yêu mến Chúa hơn.