Sức mạnh của lời cầu nguyện
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Tân Thông Hội là một xã thuộc huyện Củ Chi, Sài Gòn. Vào năm 1970, sau biến cố chính trị ở Campuchia, đông đảo bà con Việt Nam sinh sống bên đất nước Campuchia hồi hương về nước. Một số đông đồng bào lương giáo được tiếp nhận và thành lập một Làng Việt kiều tại Xã Tân Thông Hội. Ấp Tân Tiến thuộc xã tân Thông Hội, lúc đó chỉ là rừng cây cao su, bà con đã khai hoang và dựng nhà để ở. Tân Thông Hội thời thập niên 1970- 1980 rất nghèo đói, dân chúng ở trong những căn nhà lá lụp sụp, chung quanh trồng trúc, họ làm đủ mọi việc để sinh sống. Các dòng tu cũng được Giáo quyền mời về đây phục vụ. Đáp lời mời, dòng Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG) đã đến Tân Thông Hội. Sứ mạng của các nữ tu ĐBTG trong giai đoạn này là phụ trách một Cô nhi viện, dạy nghề cho phụ nữ: may, thêu, móc, đan lát, thăm viếng, hàn gắn các gia đình có nguy cơ tan vỡ, phát lương thực, phát thuốc cho người nghèo.
Trong khu xóm nhỏ, có anh chị Thuận-Phượng là gia đình lương dân. Anh Thuận làm nghề thêu khăn bàn và các bức tranh đồng quê rất đẹp, còn vợ anh, chị Phượng, buôn bán ngoài chợ. Họ tên Thuận nhưng sống không hòa thuận chút nào. Tối ngày họ to tiếng với nhau, có lúc còn rượt nhau ra đường, hoặc khóc rấm rứt suốt đêm. Các nữ tu luôn phải khuyên giải và can ngăn…nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Thế rồi như sợi dây đàn quá căng, thì phải đứt… Họ đi đến ly hôn, dù đã có với nhau một cậu con trai 2 tuổi, tên Thắng, rất đẹp và dễ thương. Từ đó anh Thuận bỏ đi nơi khác để sống.
Trong hoàn cảnh đó, các nữ tu Đức Bà Truyền Giáo đến thăm viếng, an ủi, khuyên bảo, hỗ trợ chị Phượng. Ngày qua ngày chị Phượng xin đọc kinh với các nữ tu, nhưng vẫn không muốn theo đạo Công giáo…
Vài tháng sau, một buổi tối, tôi sang nhà chị và đưa cho chị cuốn sách Tân Ước, vì chị ao ước đọc Kinh Thánh. Ôi, thật ngạc nhiên, tôi thấy anh Thuận có mặt trong phòng. Anh bẽn lẽn chào tôi, tôi hiểu ra sự việc, tôi quay về cộng đoàn của mình… Sau đó tôi khuyên họ trở về với nhau để lo cho con.
Sau vài năm tôi kiên trì cầu nguyện và khuyên nhủ, chị Phượng đã được ơn làm con cái Chúa, chị rất ngoan đạo, siêng năng học và thực hành Lời Chúa. Chị còn gia nhập gia đình Trợ Tá Truyền Giáo và tham gia các hoạt đồng truyền giáo rất tích cực, chị còn là thành viên của nhóm Kinh Thánh, tham dự giờ chia sẻ Lời Chúa hằng tuần. Chị tâm sự với tôi:
– Con chỉ còn một mối quan tâm duy nhất là cầu xin tha thiết cho chồng con theo Chúa.
Thế rồi, một ngày kia, anh Thuận đi xe honda gặp phải một cô bé sang đường, anh không tránh kịp, nên tự té, nằm lăn quay ra, không sao chỗi dậy được, mọi người phải đỡ lên, nhưng anh không sao đi lại được nữa và anh cảm thấy quá đau đớn, toàn thân ê ẩm. Gia đình đưa anh đến bệnh viện Xuyên Á, cách nhà khoảng 7 km, sau khi chụp X quang bác sĩ cho biết: Anh bị gẫy 7 chiếc xương sườn, không bó bột được, bác sĩ cho thuốc về uống và bảo anh phải ngủ ngồi trong vòng 8 tuần lễ, và tiếp tục uống thuốc, rồi sẽ tái khám sau.
Từ đó anh không thể đi, đứng hay nằm được, suốt ngày đêm chỉ ngồi dựa lưng vào các chồng gối mà thôi. Anh cảm thấy đau đớn, mỏi mệt, chán chường và thất vọng vô cùng. Mọi người đến an ủi, một ngày, hai ngày rồi ba ngày… Thời gian coi như bất tận, miệt mài, dai dẳng… hết đêm rồi lại ngày, anh cố chợp mắt, vừa ngủ gật một cái thôi, các xương sườn gẫy của anh lên tiếng, cả thân thể anh rúng động. Ôi! cơn đau đớn không thể diễn tả được… Anh rên rỉ trong tuyệt vọng khốn cùng, và vẫn nhớ lời bác sĩ căn dặn:
– Anh phải ngồi ngủ như vậy trong 8 tuần lễ liên tục, đồng thời uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ mới hy vọng lành được những chiếc sương xườn đã gẫy.
Ba ngày ba đêm trôi qua, anh đau khổ vì không sao cựa quậy được, lại thêm mệt mỏi vì không thể ngả lưng xuống giường dù chỉ một giây. Anh ngồi như một bức tượng, chung quanh là những chiếc gối to nhỏ đủ kiểu chèn cho anh không bị ngả nghiêng… đến ngày thứ tư anh quá đau đớn, anh lại cảm thấy mình là gánh nặng của vợ con, anh bắt đầu nghĩ quẩn, không muốn sống nữa, anh cảm thấy chết còn sướng hơn… Anh âm thầm nói với người cháu:
– Chú không sao ngủ được, con ra tiệm thuốc tây mua cho chú thuốc an thần, nhiều nhiều vào để chú uống dần.
Ngày hôm đó, khi chị Phượng đang chăm sóc, anh rên rĩ đau đớn và nói với chị:
– Đám tang công giáo bên nhà ồn ào quá, chắc là đông người đến viếng xác, đọc kinh cầu lễ cho người quá cố phải không em?
Chị Phượng thủ thỉ:
– Anh Thuận ơi, em theo Chúa lâu rồi, chỉ còn anh chưa cùng chiến tuyến với em. Nếu anh có mệnh hệ gì, em biết làm sao đây. Bấy lâu nay, em nghĩ anh đã có lần tin Chúa. Vậy anh theo Chúa với em nhé, anh dọn lòng chịu phép thanh tẩy nghen.
Trong lúc cơn đau đang hành hạ anh từng đợt, mồ hôi tước ra nhễ nhại, anh yếu ớt gật đầu tỏ ý ưng thuận. Chị Phượng thấy sắc mặt anh nhợt nhạt, nhịp tim yếu, anh từ chối không ăn uống thứ gì. Chị Phượng lo lắng và sợ hãi nên kêu cô Châu là y tá đến truyền nước cho anh. Sau khi truyền hết một chai, cô thấy mạch cứ tụt dần, cô Châu liền nói với chị Phượng:
– Anh ấy yếu lắm rồi, phải đưa đi bệnh viện gấp thôi.
Chị Phượng nói vói chồng:
– Anh ơi, em mời Cha Sở rửa tội cho anh trước khi đi bệnh viện nhé.
Mắt anh vẫn nhắm chặt, nhưng anh gật đầu. Chị Phượng vội báo cho chị Thi, một phụ nữ đạo đức, và cũng là một Trợ Tá Truyền Giáo rất nhiệt thành trong công việc truyền giáo. Chị Thi nhanh nhẹn tìm cách liên lạc với cha sở để xin ngài đến rửa tội gấp, nhưng thật không may, chị không sao gặp được ngài…Cuối cùng chị xoay sở và tìm được cha phó Anton, cha mau mắn đi với chị đến nhà anh chị Thuận mặc dù đã rất khuya. Bí tích thánh tẩy được cử hành ngay và chỉ có 2 giáo dân tham dự, cha Antôn làm cha đỡ đầu cho anh Thuận luôn. Sau khi rửa tội xong, anh hé mắt thì thầm lời cám ơn cha Anton xong là anh rơi vào tình trạng hôn mê ngay. Chị Phượng tìm xe để đưa anh đi bệnh viện, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, phải chờ đến sáng mới có xe để đi bệnh viện. Chị Phượng lo lắng, chị càng cầu nguyện khẩn thiết hơn, vừa cầu nguyện chị vừa sắp xếp lại những chiếc gối cho anh, đến nữa đêm chị cảm thấy mệt, nên ghé nằm bên những đống gối của anh và thiếp ngủ. Bỗng chị nghe tiếng anh gọi:
– Em ơi, anh chưa chết hả? Hình như anh đang sống? Nhưng sao anh lại nằm xuống được? Em đỡ anh ngồi dậy thử xem. Ôi, sao anh hết đau rồi, hết đau rồi…
Lúc đó chị Phượng vừa sợ vừa ngạc nhiên vì thấy khuôn mặt anh Thuận đang thảng thốt, chị không biết thật hư ra sao. Chị lắp bắp:
– Anh sao rồi? Đừng làm em sợ.
Anh Thuận thì thầm:
– Anh còn sống thật hả em? Em cho anh nắm tay em thử xem…
Sau đó anh Thuận thú nhận với vợ là anh đã uống hết 40 viên thuốc an thần một lần để tự tử vì anh quá đau đớn và thất vọng, anh nghĩ quẫn rằng anh không thể nào chịu đựng tình trạng đau đớn này và phải ngồi im không ngủ được trong 8 tuần. Mỗi lần anh chuyển mình thì những chiếc xương sườn của anh như rú lên và gào thét. Anh nghĩ rằng anh không nên làm khổ vợ con nữa và muốn tìm cái chết nhanh nhất để giải phóng cho chính mình.
Câu chuyện được chữa lành của anh thật lạ lùng. Anh kể rằng:
– Chiều hôm đó, khi uống xong 40 viên thuốc an thần, tôi bị thuốc vật, ruột gan tôi đau đớn khủng khiếp, tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết trước khi mọi người có thể làm gì đó để cứu tôi, tôi không còn hy vọng gì cho đến khi cha phó Anton đến và ban phép Thanh Tẩy cho tôi, khi cha Anton mặc áo các phép, mắt tôi bổng như chói lòa bởi một luồng ánh sáng, sau khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, tôi thiếp đi luôn, tôi tự nghĩ mình đã chết, đã được giải thoát để về với Chúa. Nhưng tôi không ngờ, Chúa đã chữa lành cho tôi. Tạ ơn Chúa.
Chị Phượng vô cùng xúc động và biết ơn Chúa, chị liên tục nói lời tạ ơn Chúa và gọi báo tin cho mọi người biết anh Thuận đã được chữa lành cách kỳ diệu sau khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Mọi người xung quanh hân hoan chúc tụng quyền năng vô biên của Thiên chúa đã dành cho gia đình anh chị Thuận Phượng.
Nhờ lời cầu nguyện tha thiết và kiên trì của chị Phượng, Thiên Chúa đã ban những ân huệ đặc biệt cho gia đình: Anh Thuận được chữa lành khỏi bệnh tật thể lý và bệnh tật trong tâm hồn. Anh đã trở thành con cái của Thiên Chúa, hiệp thông trong đoàn chiên của giáo xứ Tân Thông Hội, và trở thành gia đình sống đạo gương mẫu và hạnh phúc.
Đó là câu chuyện về “Mãnh lực của lời cầu nguyện trong gia đình”, lời cầu nguyện chân thành của một người vợ trở lại đạo đã cứu lấy được gia đình mình và đem được người chồng gia nhập giáo hội Công giáo cùng với mình và trở thành con Thiên Chúa. Hiện nay anh chị có được 3 người con trai và cả 3 đã lập gia đình.
“Tạ ơn Thiên Chúa, đã thương đoái đến phận hèn tôi tớ Ngài. Từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc” …Đó là lời trong kinh Magnificat của Đức Maria, mà chị Phượng đã lập lại trong biến cố vô cùng trọng đại của gia đình chị.
Viết bài: Sr. M. Phạm Thị Tuyết Mai- Rndm
Dòng Đức Bà Truyền Giáo