Nhìn lại đời sống cầu nguyện
“Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,
Vì đó là hoan lạc của lòng con”.(Tv 119,111)
Đạo là đường, đường dù to hay nhỏ, thênh thang hay chật hẹp, thông suốt hay khó khăn, bằng phẳng hay gập ghềnh, thẳng tắp hay quanh co… thì vẫn luôn chung một mục đích là dẫn đến cuộc gặp gỡ, và trên đó, Thiên Chúa gặp được con người. Như thế, Đạo là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, là con đường Thiên Chúa đến với con người và con người tìm gặp Thiên Chúa. Nhưng để cuộc gặp gỡ này xảy đến thì phải có hành động lên đường và bước đi. Điều đầu tiên để thực hiện hành động “lên đường” này không gì khác hơn đó chính là “cầu nguyện”. Trong đời sống tâm linh, điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện thì không còn là người Kitô hữu đích thực nữa.
Có nhiều cách cầu nguyện, và mỗi cách phù hợp với mỗi người nhất định. Hơn nữa, cách cầu nguyện của mỗi người cũng có thể thay đổi khi đời sống tâm linh của họ tiến triển hơn. Cầu nguyện theo quan niệm thông thường là tiếp xúc với Thiên Chúa, quan niệm cao hơn một chút là liên kết mật thiết với Ngài, và cao hơn nữa là hoà nhập và trở nên một với Ngài… Trong bài này, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ về việc cầu nguyện và cách thức cầu nguyện qua việc nhìn lại đời sống cầu nguyện của tôi, điều mà đã được hình thành dần dần trong tôi suốt nhiều năm qua. Đối với tôi, đời sống cầu nguyện như những món quà quý giá, nó đã làm thay đổi cuộc sống của tôi, đem lại nhiều tiến triển trong đời sống tâm linh và giúp tôi mỗi ngày càng gần Chúa hơn và yêu mến ngài nhiều hơn.
Khi còn nhỏ, tôi thường quan niệm Thiên Chúa như là một ông Vua uy nghi, một Đấng luôn ở trên trời cao. Lớn lên, học được chút ít giáo lý thì tôi biết rằng Chúa ở khắp mọi nơi, không có chỗ nào mà không có sự hiện diện của Chúa, cho dù tôi không thấy. Nhưng Chúa với tôi vẫn độc lập với nhau: Ngài là Ngài, còn tôi là tôi. Và khi đọc những tác phẩm tu đức, thần học, thần bí, tôi mới biết Thiên Chúa chính là sự sống của tôi, là cái gì thân thiết nhất với tôi. Tôi rất tâm đắc với lời của thánh Augustinô “Thiên Chúa còn thân thiết với tôi hơn chính bản thân tôi”, và như lời của thánh Phaolô “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Như thế, tự bản chất, giữa tôi và Chúa đã có một sự gắn bó thân thiết, sâu xa hơn bất cứ ai, bất cứ sự gì trên đời, kể cả chính tôi.
Về cách cầu nguyện, tôi thường hay nói vui rằng: “Trước đây, tôi cầu nguyện bằng cách nói với Chúa: “Lạy Chúa, con xin Chúa điều này, Chúa hãy nghe và nhậm lời con”. Còn bây giờ tôi cầu nguyện bằng cách nói với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa muốn nơi con điều gì, Chúa cứ nói, con sẽ nghe lời Chúa.” Thật vậy, khi lắng nghe tiếng Chúa và quan tâm làm những gì Ngài muốn thì tôi suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, đồng thời nhận được ơn lành và sức mạnh của Chúa nhiều hơn. Nhờ vậy, tôi thấm thía được Lời Chúa dạy: “Hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã, còn tất cả những chuyện khác, Người sẽ ban cho sau” (Mt 6,33). Trước đây tôi đã làm ngược lại là ưu tiên quan tâm đến chuyện của mình trước, tức những gì mình muốn Chúa làm cho mình; còn chuyện của Ngài, những gì Ngài muốn nơi tôi, nhiều khi tôi chỉ coi là chuyện thứ yếu.
Thực sự Thiên Chúa luôn biết rất rõ mọi tư tưởng, nhu cầu và những gì tôi muốn xin Ngài. Ngược lại, tôi chẳng biết nhiều về Ngài, chẳng biết rõ Ngài muốn tôi làm gì, làm thế nào, nhất là trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Tôi cảm thấy rằng mình cần nghe Ngài nói hơn là nói với Ngài. Vì thế, đối với tôi, việc lắng nghe Chúa cần thiết hơn rất nhiều lần việc nói với Ngài. Bởi vậy, khi cầu nguyện, tôi thích thinh lặng nghe Chúa nói và dâng lên Chúa tâm tình phó thác cho tình yêu thương của Chúa hơn là tôi nói nhiều với Ngài.
Lúc ban đầu, việc cầu nguyện theo kiểu nghe nhiều hơn nói quả là cũng hơi có chút khó khăn vì tôi chưa quen, vì tâm hồn tôi chưa đủ thanh tĩnh để nghe rõ ràng tiếng Chúa, vì tôi còn nhiều ngổn ngang và xáo trộn trong lòng… Khi đó, tôi thường đọc một đoạn Kinh Thánh hay một lời cầu nguyện của một vị thánh nào đó. Rồi sau đó, tôi lắng nghe tiếng Chúa nói và dạy bảo qua đoạn sách ấy. Cứ như vậy, lâu dần với thời gian, tôi đã nghe thấy tiếng Chúa rõ ràng hơn. Tôi cảm nghiệm được rằng, Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa thường xuyên im lặng. Tất nhiên, Thiên Chúa không nói với ta bằng ngôn từ cụ thể rõ rệt như một người bạn nói chuyện với ta. Ngài nói bằng cách gợi lên hay làm phát sinh trong ta những quan niệm, những ý tưởng soi sáng, những tâm tình tốt đẹp, những động lực thúc đẩy ta làm việc, hành động hay dấn thân… Do đó, tôi xác tín rằng, lắng nghe tiếng Chúa khi cầu nguyện chính là một phương cách tuyệt vời để gặp gỡ Chúa và tha nhân. Một người luôn quan tâm lắng nghe tiếng Chúa, coi ý muốn của Thiên Chúa quan trọng hơn ý mình, người ấy cũng sẽ quan tâm lắng nghe người khác, và coi ý muốn của tha nhân quan trọng hơn ý muốn của mình.
Nói tóm lại, cầu nguyện là phải lên đường, phải bước đi, nghĩa là cần phải có lòng quảng đại và kiên trì. Có thể lúc đầu ta đi không được nhanh, không được xa. Nhưng theo thời gian, với ơn Chúa, ta có thể vượt qua được nhiều chặng đường bằng phẳng hay gập ghềnh, thẳng tắp hay quanh co… Nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình, tôi thấy nó cũng giống như một con đường và trên con đường đó tôi đang bước đi. Con đường ấy có đôi lúc thẳng băng nhưng cũng nhiều chỗ quanh co, gập ghềnh… Tôi không biết mình đi được bao xa rồi và sẽ còn đi bao lâu nữa. Nhưng tôi vẫn bước đi vì tôi tin rằng con đường ấy chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc gặp gỡ, và tôi sẽ được gặp Ngài…
Lm ĐS Vân Phong. CM