2020
Đừng đi ngủ mà không có một lời cám ơn Chúa và người thân
Ngay cả những ngày tồi tệ nhất thì cũng không bao giờ hoàn toàn là ảm đạm.
Dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống, đừng bao giờ để cho một ngày trôi qua mà chẳng có một lời cảm ơn Chúa và những người thân yêu của bạn. Nhưng không phải bằng vài lời “cảm ơn” hời hợt — mà là một lời cảm ơn thực sự cho một cái gì đó cụ thể. Một lời cảm ơn từ tận đáy lòng.
Luôn có lý do để nói lời cảm ơn
Tập cho trẻ em biết cám ơn Chúa là dạy cho chúng biết nhìn nhận tất cả những điều tốt đẹp trong ngày: cả những gì chúng đã nhận được và đã cho đi. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần phải dạy chúng bày tỏ lòng biết ơn, và cầu xin sự tha thứ vì những lầm lỗi của chúng, nhưng chúng ta không được quên khía cạnh khác của việc “xét mình”, trong đó có cả việc phải thừa nhận sự tích cực.
Nói lời cảm ơn là một hành động của sự khiêm nhường. Nói lời cảm ơn là bày tỏ tấm lòng với tất cả tình yêu mà chúng ta đã nhận được suốt cả ngày. Tạ ơn Chúa là nhận ra rằng không có Ngài chúng ta không thể làm được gì. Đức Trinh Nữ Maria chưa bao giờ ngần ngại ca ngợi Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện trong và qua Mẹ: “Chúa đã làm cho tôi biết bao điều cao cả và danh Người là thánh!”
Chúng ta càng nói cảm ơn thì càng nhận thấy có nhiều lý do để làm điều đó. Hãy thử xem: Vào một đêm khi mà bạn thực sự cảm thấy nản lòng, bị đè nặng bởi nhiều vấn đề, khi bạn thực sự không cảm thấy thiết tha với việc thờ phượng Chúa, hãy cố gắng tìm một điều gì đó nhỏ bé để nói lời cảm ơn. Sau lần đầu tiên, lần khác sẽ xuất hiện, và tiếp tục với những lần sau đó nữa,… Điều này gần giống như lúc bạn bắt đầu ngắm những ngôi sao trong một đêm mà bầu trời tưởng chừng như đã bị che khuất một cách vô vọng bởi những đám mây. Nếu bạn quan sát kỹ lưỡng thì cuối cùng bạn sẽ phát hiện ra vệt sáng của một ngôi sao tí hon, rồi thêm một ngôi sao khác nữa, rồi ba, mười… và đột nhiên bạn nhận ra bầu trời dường như không đến nỗi quá tối.
Việc cầu nguyện cho những người thân cũng giống như gửi đến họ chút lời cám ơn
Tạ ơn Chúa cho những người thân yêu của chúng ta, vì tất cả những điều tốt đẹp mà họ làm cho chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi cay đắng và ganh ghét. Thật tuyệt vời vì những lời cầu nguyện của gia đình kể cả khoảnh khắc cầu nguyện mà trong đó mọi người đều tạ ơn Chúa cho nhau. Nếu điều đó quan trọng để một đứa trẻ học cách nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trải qua trong ngày của chúng, thì điều không kém phần quan trọng là chúng cần phải nhận thấy được tất cả những gì tốt đẹp nơi anh chị và cha mẹ của chúng.
Tại sao không tận dụng thời điểm như vậy để nói lời cảm ơn? Cảm ơn mẹ vì giúp con làm bài tập; cảm ơn bố vì bữa ăn; cảm ơn con đã chuẩn bị bàn ăn bữa tối; cảm ơn người bạn đời của tôi đã chăm sóc bọn trẻ khi tắm rửa.
Nói lời cảm ơn là hướng mắt tới sự Phục sinh
Khi trẻ em hoặc người lớn phải đương đầu với đau khổ – của chính họ hoặc của người thân – nghĩ đến việc ngợi khen Thiên Chúa có thể khiến họ cảm thấy bị sốc. Họ không thể cảm ơn một cách thiện chí trừ khi họ hiểu rằng “lời cảm ơn” không phải để từ chối hay bám víu sự đau khổ. Giống như Chúa Kitô trên thập giá, đó là hành động của tạ ơn. Chúa Cha, qua Chúa Giêsu trên thập giá, đã muốn được trải nghiệm mọi nỗi thống khổ của nhân loại khi ở trong nanh vuốt xấu xa của sự dữ. Chúng ta không thể thực sự khen ngợi cho đến khi chúng ta học cách vượt qua thung lũng bóng đêm và khám phá ra rằng Thiên Chúa đã bước qua khỏi nó trước chúng ta.
Ngợi khen Kitô giáo là thực tại rất sâu xa. Nó không tự bằng lòng với chính diện mạo của nó nhưng nhạy cảm với thực tại vô hình của Nước Trời vốn dĩ đã hiện diện ở giữa chúng ta. Bạn hãy hình dung bạn đang sống giữa một mùa hè bị giam chặt trong một không gian kín mít. Quang cảnh này có thể khiến bạn nghĩ rằng đó là ban đêm. Nhưng nếu bạn thực sự chú ý đến tia sáng nhỏ bên dưới khe cửa, bạn có thể cảm nhận được ánh nắng rực rỡ từ bên ngoài. Điều đó cũng tương tự với “những lời cảm ơn” của bạn, nghĩa là khi hướng sự chú ý của bạn đến những tia sáng nhỏ bé kia, nó báo trước cho bạn về một Nguồn sáng vĩnh cửu.
Christine Ponsard/Aleteia
Nguyễn Sao Băng chuyển ngữ
2020
Truyền giáo ! Có khó lắm không ta ?
TRUYỀN GIÁO ! CÓ KHÓ LẮM KHÔNG TA ?
Hôm nay, Hội Thánh mừng Lễ Thánh Máccô – thánh sử. Để suy niệm Lời Chúa thì cũng đọc, cũng suy tư và cũng mày mò xem thêm. Thú thật là cũng mày mò trên mạng, lướt phây để xem ai nào đó nói về Thánh Máccô hay nói về chủ đề của trang Tin Mừng lễ kính của vị Thánh Sử này chứ không phải là không. Dò hoài dò mãi thấy cũng căng, đơn giản là nói về lời căn dặn của Thầy Chí Thánh Giêsu : Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
Thật sự, câu nói này, lời mời gọi này xem chừng quá quen và ai ai cũng biết nhưng để nói và sống lời này của Thầy Chí Thánh không hề đơn giản.
Tiếp tục rảo trên mạng để xem coi người ta nói gì về truyền giáo. Có đó chứ, nhiều lắm chứ. Nào là định hướng, nào là băn khoăn, nào là suy tư về truyền giáo.
Cũng thầm nghĩ, hay là mình trèo lên lấy xuống và đọc cho bà con nghe cho khỏe. Thế nhưng rồi, liệu rằng đọc xong thì mọi người có hiểu hay không hay để áp dụng thì phải làm sao ?
Điều gì đến nó đến ! Phút thứ chín mươi mấy không biết sau nhiều lần “đá phút 90”. Sau câu xướng Halleluia thì “được” chủ tế chỉ quyển Tin Mừng. Và như bị vào thế buộc, công bố Tin Mừng thôi.
May quá ! Lúc nghe bài đọc thì cũng là lúc mở ra để xem cùng với người đọc.
Ồ ! Kim chỉ Nam cho bài chia sẻ đây rồi chứ đâu xa mà đi tìm ! Kim chỉ Nam của ngày hôm nay đó chính là trang thư của Thánh Phêrô tông đồ.
Sau khi công bố Tin Mừng, dĩ nhiên là mời cộng đoàn cùng lắng nghe tâm tư của Thánh Phêrô. Thánh Phêrô căn dặn như thế này :
“Anh em thân mến, anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định”
Chuẩn không cần chỉnh nhé ! Phải chăng ngày hôm nay hơn bao giờ hết người Kitô hữu được mời gọi sống bài học khiêm nhường cách triệt để hơn ? Chính vì kiêu ngạo mà tội lỗi đã tràn ngập thế gian qua con người của ông bà nguyên tổ cơ mà !
Với lời mời này : Anh em hãy khiêm hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa thì quá đúng với thực trạng ngày hôm nay. Ngày hôm nay, con người cao ngạo để rồi gặp phải sự dữ, sự ác nơi con Coronavirus và đến nay bao nhiêu người phải chết vì nó ? Lên cung trăng, bom nguyên tử, vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng lại quá mệt mỏi với con virus này.
Tiếp đến, ta hãy lắng tâm hồn để nghe lời của Thánh Phêrô : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế”. Bồi thêm tí nữa cho vui : “Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu”
Và có lẽ lời mời gọi chân tình ở câu 14 trong thư hôm nay : “Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương”.
Và, xin cho hỏi mọi người rằng đây có phải là cung cách sống của một người truyền giáo hay không ?
Nực cười khi có người nghĩ rằng việc truyền giáo là việc của mấy ông cha, của mấy bà sơ, phần tôi tôi không phải truyền giáo. Thế nhưng rồi, nên nghĩ lại một chút vì lẽ mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy để mang trong mình 3 sứ mạng : tư tế, ngôn sứ và vương đế.
Sống đời ngôn sứ của mình phải chăng là khiêm nhường, là hôn chào nhau trong tình yêu thương ?
Không phải là sau Thánh Lễ, ta đường gặp ai cũng hôn chào nhau nhất là ngày hôm nay hôn chào nhau không còn là yêu thương nữa mà là nguy hiểm chết người.
Lời mời gọi truyền giáo của Chúa Giêsu còn vang vọng và hôm nay, với lời của Thánh Phêrô mời gọi, mỗi người chúng ta hãy cân chỉnh đời sống của mình ngay trong gia đình, cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ của chúng ta. Khi và chỉ hi chúng ta khiêm hạ thật sự, kèm theo đó là “hôn chào nhau trong yêu thương” thì khi đó ta sống lời mời gọi truyền giáo.
Cũng chả cần phải nghiên cứu đường hướng hay định hướng cho đau đầu nhức óc và bở hơi tai. Chỉ cần sống yêu thương người ngay bên cạnh mình, trong gia đình mình, những người bị loại trừ, những người bị chà đạp, những người tất bạt đó là truyền giáo rồi.
Xin Chúa cho chúng ta ý thức rằng truyền giáo không chỉ là chia cơm sẻ bánh, là lên đường nói về Chúa. Chuyện đó dĩ nhiên thật cần và rất tốt cũng chả sai. Nhưng, chuyện quan trọng nhất mà Chúa mời gọi có lẽ là chúng ta sống yêu thương. Lời mời gọi của Chúa vẫn còn đó bên tai của mỗi người chúng ta : “Cứ dấu này người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thầy đó là ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU”
2020
“Lệ Đá Thời Covi”
“Lệ Đá Thời Covi”
Tiếp theo những lần mưa đá trên những vùng cao Tây Bắc gây nhiều thiệt hại về hoa mầu, nhà cửa của người dân, trận mưa đá rạng sáng 24/4/2020 có lẽ kinh khủng nhất trong năm, tính đến thời điểm này. Những “giọt mưa” bằng đá to bằng nắm tay thi nhau giáng xuống cuộc sống, vốn đầy khó khăn của đồng bào thiểu số vùng cao.
Nhiều người ngạc nhiên vì thời tiếc khắc nghiệt, khó đoán trong năm nay, vì theo lẽ thường, giờ đã vào hạ, và càng ngạc nhiên hơn vì, chen vào những “giọt mưa” đá to tròn như trứng vịt, trứng ngỗng, có những giọt mưa quái dị, hình thù trông như virus Corona, hoặc Covit-19, hoặc SARS-CoV-2, hoặc Chinese virus, hoặc đơn giản là Cúm Tàu.
Nếu những cái tên chỉ khác biệt về danh xưng, thì tính chất vẫn chỉ là một. Nếu những “giọt mưa” bình thường, tồn tại dưới ba thể trạng khác nhau, bằng hơi, chất lỏng, hay bằng đá rắn, chúng cũng vẫn là nước, nhưng lại gây ra những hiệu ứng khác nhau, thì cho dù có đổi tên Corona virus, hoặc Covit-19, hoặc SARS-CoV-2, cũng vẫn là Chinese virus, nói đơn giản là Cúm Tàu, chúng cũng gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng: từng là sự kinh hoàng ở Vũ Hán Trung quốc, gieo rắc nỗi chết chóc khủng khiếp trên khắp thế giới và để lại những thương tích không bao giờ lành lặn trên mọi bình diện của lịch sử thế giới.
“Những Giọt Đá Co-vi” ấy buộc người ta phải suy nghĩ lại để tìm ra phương cách bảo đảm an toàn cho cuộc sống. Từ việc chọn lựa những tấm lợp có kết cấu thích hợp nào để chống chọi với những trận mưa đá đối với đồng bào miền cao, đến những biện pháp an toàn trong sinh hoạt thế nào ở thời Co-vi này; từ những biện pháp mang tính khoa học đến những giải pháp tâm linh sẽ phải được đánh giá lại, phải được tuân thủ trong sự nhận thức và tính tự giác cao.
Nếu những chỉ số về mức độ ô nhiễm ở các thành phố trên thế giới giảm mạnh trong thời gian Coronavirus hoành hành, thì sự trong lành “bỗng có” buộc các quốc gia phải hoạch định lại các kế hoạch phát triển kinh tế của mình.
Ngày 22/04/2020 vừa qua, kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Thế giới về Trái đất được thành lập, nhằm cổ vũ sự dân chủ trong vấn đề về môi trường, Đức Thánh Cha Phanxicô coi đó là cơ hội canh tân sự dấn thân của chúng ta trong việc yêu quý ngôi nhà chung, chăm sóc nó cũng như đối với các thành viên yếu đuối nhất của gia đình nhân loại.
Ngài nói: “Như đại dịch virus corona cho thấy, chỉ khi cùng nhau chăm sóc những người yếu đuối nhất, chúng ta mới có thể chiến thắng các thách đố toàn cầu.
Chăm sóc Trái Đất và các thụ tạo như Thiên Chúa đã làm. Chúng ta sẽ không có tương lai nếu chúng ta hủy diệt môi trường vì tính ích kỷ cá nhân, kém trách nhiệm trong việc chăm sóc và cai quản trái đất.
Chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, trong việc bảo vệ anh em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại người lân cận và cuối cùng, chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha tốt lành ban phát cho mọi người và muốn chúng ta sống với nhau trong sự hiệp thông và thịnh vượng.
Trái Đất đã phản ứng thế nào? Người Tây Ban Nha có câu châm ngôn rất thâm thúy, đó là: “Thiên Chúa luôn tha thứ, con người chúng ta thì đôi khi tha thứ, còn Trái đất thì không bao giờ tha thứ.”
Làm thế nào để chúng ta có thể khôi phục sự hài hòa này?
có một cách nhìn mới về ngôi nhà chung. Chúng ta phải hiểu rằng Trái Đất không phải là một kho tài nguyên để khai thác bóc lột. Những người có đức tin thấy rằng, thế giới tự nhiên là “Tin mừng về sự Sáng tạo”, thể hiện sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo nên cuộc sống con người, làm cho thế giới tồn tại cùng với những gì chứa đựng trong nó để hỗ trợ nhân loại.
Hôm nay, chúng ta được kêu gọi tái khám phá ý nghĩa của sự tôn trọng thánh thiêng đối với trái đất, bởi vì đó không chỉ là nhà của chúng ta, mà còn là nhà của Thiên Chúa. Hãy sống hài hòa với Trái Đất. Phải hoán cải sinh thái
Là anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Cha trên trời của mình: “Xin ban Thần khí của Cha và canh tân mặt trái đất” (x. Tv 104,30).
(https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-ngay-the-gioi-ve-trai-dat.html)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Coronavirus : Quỳ tím thử đức tin
CORONAVIRUS : QUỲ TÍM THỬ ĐỨC TIN
Còn nhớ hồi nhỏ đi học, đến phần thử dung dịch qua các phản ứng hóa học. Khi đó học trò được thầy cô giáo gửi cho miếng giấy quỳ để làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của trường. Dĩ nhiên sau khi làm thí nghiệm, học trò mới biết công dụng của giấy quỳ.
Nhớ lại thì giấy quỳ là giấy có tẩm dung dịch quỳ trong etanol hoặc nước, được sử dụng trong ngành hóa học để thử, kiểm nghiệm pH. Khi nhúng giấy quỳ vào dung dịch, nếu màu giấy quỳ giữ nguyên màu tía thì dung dịch đó trung tính, nếu ngả sang màu xanh lam thì dung dịch đó mang tính kiềm, nếu chuyển sang màu đỏ thì dung dịch đó mang tính axit. Sự thay đổi màu diễn ra ngoài khoảng pH 4,5–8,3 ở 25 °C (77 °F). Các phản ứng không phải là axit-bazơ cũng có thể làm đổi màu giấy quỳ.
Nhắc đến giấy quỳ, ta có thể ví von con coronavirus đang sinh sôi nảy nở và phát triển (không biết đến khi nào chấm dứt) phải chăng là một loại giấy quỳ để thử đời sống đức tin của người Kitô hữu.
Nhiều điều đã, đang và sẽ đặt ra trước mắt người Kitô hữu để rồi người Kitô hữu đáp trả đời sống đức tin của mình vào Thiên Chúa. Vấn nạn lớn nhất và đang tác động mạnh nhất của người Kitô hữu phải chăng là Thánh Đường – nơi cộng đoàn dân Chúa cử hành phụng vụ – rất thân quen trong đời sống phụng tự.
Trong tiềm thức của người Kitô hữu, Thánh Đường – Tiếng chuông Nhà Thờ – Thánh Lễ … dường như gắn liền với đời sống đạo. Có thể nói không có những điều này thì xem ra như con cá không gặp nước và như cây khô không được tưới vậy.
Thật dễ hiểu bởi đó cũng là tâm lý thường tình của con người và nhất là người Á Đông là thích gần gũi, thích hiện diện hơn là đứng xa xa theo kiểu biện luận của một số người theo kiểu “đạo tại tâm”.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, việc đến Nhà Thờ để tham dự Thánh Lễ tập trung xem ra là điều quá khó. Chính vì thế, đời sống đức tin tiếp tục bị thử thách từ những người có thói quen tốt đến Nhà Thờ, đến cầu nguyện, đến tham dự Thánh Lễ.
Coronavirus như là phép thử đời sống đức tin của ta. Thử xem Chúa mà bao nhiêu năm chúng ta tin theo, chúng ta rước Chúa thì nay Chúa như thế nào trong ta ? Niềm tin của ta vào Chúa có lung lay, có bị đánh mất hay không khi nguy hiểm cũng như khó khăn bao phủ quanh đời ta nhất là khi ta không còn dự Thánh Lễ tập trung với nhau nữa.
Vừa qua, có một Giám Mục ở Mỹ đề nghị là thay vì dòm chăm chú vô màn hình “xem” Thánh Lễ, thì chẳng thà cầu nguyện với lời Chúa hay đọc kinh Mân Côi thì hay hơn, để bỏ đi thái độ duy lề luật nào đó (sợ không chu toàn luật buộc chăng). Nói như thế xem ra cũng có phần cực đoan nhưng rồi nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ta thấy có những nơi gặp những hoàn cảnh như không có Nhà Thờ, không có Thánh Lễ, không có linh mục nhưng rồi cộng đoàn tín hữu vẫn sốt sắng quy tụ với nhau để cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa. Các tín hữu giữ vững đức tin nhờ vào Lời Chúa nuôi dưỡng và sống Lời Chúa trong đời sống hàng ngày.
Thật vậy, nếu như người tín hữu cứ “nhốt” Chúa ở trong Nhà Thờ thôi thì e rằng cũng không ổn. Chúa ở khắp mọi nơi và nhất là Chúa ở trong tâm hồn của mỗi tín hữu. Dễ thấy nhất và dễ hiểu nhất là khi Thanh Tẩy, người Kitô hữu đã ghi dấu Ba Ngôi Thiên Chúa vào trong đời mình cũng như Chúa Giêsu Thánh Thể đã đến và ở lại rất nhiều lần trong đời người tín hữu.
Một chia sẻ rất tâm tình của một giáo dân : “Khi nhìn đời sống đức tin của người tín hữu hiện nay, con thấy chúng ta đang giống những phi công trên máy bay. Khi lên độ cao nhất định, máy bay được lập trình bay tự động theo hình đồ thị sin. Cứ tưởng là đang về đích nhưng kỳ thực là không phải! Cứ bay vòng lên, vòng xuống chứ không phải đường thẳng.
Những lúc tưởng là gần Chúa nhất nhưng kỳ thực là “đang chạy vòng vòng bên ngoài”.
Nhưng Thiên Chúa đúng là Thiên Chúa, “đậm chất Thiên Chúa” và không lẫn vào đâu được là ánh mắt nhân từ của người con Một trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”
Niềm tin của ta luôn luôn biến động cũng như luôn luôn bị thử thách trong mọi oàn cảnh của cuộc đời và phải chăng Coronavirus là phép thử lớn về đời sống đức tin trong thực tại. Không dự Lễ nghĩa là không có Chúa và không kết hiệp với Chúa. Ta vẫn rước Chúa thiêng liêng và Lời Chúa vẫn là lương thực hàng ngày nuôi sống linh hồn của ta. Chuyện quan trọng là ta không “ăn” lời Chúa, không “nuốt” lời Chúa để rồi đời sống đức tin của ta cứ lạnh lạnh làm sao đó.
Bao nhiêu lần chúng ta tham dự Thánh Lễ, bao nhiêu lần chúng ta đọc cũng như nghe lời Chúa nhưng đời sống đức tin của chúng ta có phát triển và có lớn lên trong ta hay không ?
Thật ra mà nói, niềm tin vẫn là vốn có của tự mỗi người và lời đáp trả về niềm tin vào Chúa do mỗi người chứ chả ai cân đo đong đếm hay xét đoán được. Và như vậy, mỗi người tự thu xếp cách thức sống đạo, thực hành đời sống đức tin của mình cũng như diễn tả đời sống đức tin của mình. Dù thế nào đi chăng nữa, chắc có lẽ không có cách nào khác hơn là phải tiếp cận cũng như bám sát vào Chúa cách nào đó của mỗi người để rồi đời sống đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng. Có người vì hoàn cảnh nào đó không được đến nhà thờ, xa Chúa nhưng lòng của họ vẫn ấp ủ một niềm tin sâu sắc vào Chúa. Có người thì có khi ngày nào cũng đi Lễ nhưng liệu rằng đời sống đức tin cũng như cách hành xử của họ như là một người có Chúa thật hay không mới là chuyện quan trọng.
Niềm tin, cách hành xử, cách sống đức tin vẫn là lời đáp trả của mỗi người chúng ta. Chỉ mong qua phép thử Coronavirus này chính là lúc mà Chúa thử thách chúng ta, Chúa hỏi chúng ta về niềm tin và xin cho ta vững vàng trả lời với Chúa như Thánh Phêrô : Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa Hằng Sống.