Coronavirus : Quỳ tím thử đức tin
CORONAVIRUS : QUỲ TÍM THỬ ĐỨC TIN
Còn nhớ hồi nhỏ đi học, đến phần thử dung dịch qua các phản ứng hóa học. Khi đó học trò được thầy cô giáo gửi cho miếng giấy quỳ để làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của trường. Dĩ nhiên sau khi làm thí nghiệm, học trò mới biết công dụng của giấy quỳ.
Nhớ lại thì giấy quỳ là giấy có tẩm dung dịch quỳ trong etanol hoặc nước, được sử dụng trong ngành hóa học để thử, kiểm nghiệm pH. Khi nhúng giấy quỳ vào dung dịch, nếu màu giấy quỳ giữ nguyên màu tía thì dung dịch đó trung tính, nếu ngả sang màu xanh lam thì dung dịch đó mang tính kiềm, nếu chuyển sang màu đỏ thì dung dịch đó mang tính axit. Sự thay đổi màu diễn ra ngoài khoảng pH 4,5–8,3 ở 25 °C (77 °F). Các phản ứng không phải là axit-bazơ cũng có thể làm đổi màu giấy quỳ.
Nhắc đến giấy quỳ, ta có thể ví von con coronavirus đang sinh sôi nảy nở và phát triển (không biết đến khi nào chấm dứt) phải chăng là một loại giấy quỳ để thử đời sống đức tin của người Kitô hữu.
Nhiều điều đã, đang và sẽ đặt ra trước mắt người Kitô hữu để rồi người Kitô hữu đáp trả đời sống đức tin của mình vào Thiên Chúa. Vấn nạn lớn nhất và đang tác động mạnh nhất của người Kitô hữu phải chăng là Thánh Đường – nơi cộng đoàn dân Chúa cử hành phụng vụ – rất thân quen trong đời sống phụng tự.
Trong tiềm thức của người Kitô hữu, Thánh Đường – Tiếng chuông Nhà Thờ – Thánh Lễ … dường như gắn liền với đời sống đạo. Có thể nói không có những điều này thì xem ra như con cá không gặp nước và như cây khô không được tưới vậy.
Thật dễ hiểu bởi đó cũng là tâm lý thường tình của con người và nhất là người Á Đông là thích gần gũi, thích hiện diện hơn là đứng xa xa theo kiểu biện luận của một số người theo kiểu “đạo tại tâm”.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, việc đến Nhà Thờ để tham dự Thánh Lễ tập trung xem ra là điều quá khó. Chính vì thế, đời sống đức tin tiếp tục bị thử thách từ những người có thói quen tốt đến Nhà Thờ, đến cầu nguyện, đến tham dự Thánh Lễ.
Coronavirus như là phép thử đời sống đức tin của ta. Thử xem Chúa mà bao nhiêu năm chúng ta tin theo, chúng ta rước Chúa thì nay Chúa như thế nào trong ta ? Niềm tin của ta vào Chúa có lung lay, có bị đánh mất hay không khi nguy hiểm cũng như khó khăn bao phủ quanh đời ta nhất là khi ta không còn dự Thánh Lễ tập trung với nhau nữa.
Vừa qua, có một Giám Mục ở Mỹ đề nghị là thay vì dòm chăm chú vô màn hình “xem” Thánh Lễ, thì chẳng thà cầu nguyện với lời Chúa hay đọc kinh Mân Côi thì hay hơn, để bỏ đi thái độ duy lề luật nào đó (sợ không chu toàn luật buộc chăng). Nói như thế xem ra cũng có phần cực đoan nhưng rồi nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ta thấy có những nơi gặp những hoàn cảnh như không có Nhà Thờ, không có Thánh Lễ, không có linh mục nhưng rồi cộng đoàn tín hữu vẫn sốt sắng quy tụ với nhau để cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa. Các tín hữu giữ vững đức tin nhờ vào Lời Chúa nuôi dưỡng và sống Lời Chúa trong đời sống hàng ngày.
Thật vậy, nếu như người tín hữu cứ “nhốt” Chúa ở trong Nhà Thờ thôi thì e rằng cũng không ổn. Chúa ở khắp mọi nơi và nhất là Chúa ở trong tâm hồn của mỗi tín hữu. Dễ thấy nhất và dễ hiểu nhất là khi Thanh Tẩy, người Kitô hữu đã ghi dấu Ba Ngôi Thiên Chúa vào trong đời mình cũng như Chúa Giêsu Thánh Thể đã đến và ở lại rất nhiều lần trong đời người tín hữu.
Một chia sẻ rất tâm tình của một giáo dân : “Khi nhìn đời sống đức tin của người tín hữu hiện nay, con thấy chúng ta đang giống những phi công trên máy bay. Khi lên độ cao nhất định, máy bay được lập trình bay tự động theo hình đồ thị sin. Cứ tưởng là đang về đích nhưng kỳ thực là không phải! Cứ bay vòng lên, vòng xuống chứ không phải đường thẳng.
Những lúc tưởng là gần Chúa nhất nhưng kỳ thực là “đang chạy vòng vòng bên ngoài”.
Nhưng Thiên Chúa đúng là Thiên Chúa, “đậm chất Thiên Chúa” và không lẫn vào đâu được là ánh mắt nhân từ của người con Một trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”
Niềm tin của ta luôn luôn biến động cũng như luôn luôn bị thử thách trong mọi oàn cảnh của cuộc đời và phải chăng Coronavirus là phép thử lớn về đời sống đức tin trong thực tại. Không dự Lễ nghĩa là không có Chúa và không kết hiệp với Chúa. Ta vẫn rước Chúa thiêng liêng và Lời Chúa vẫn là lương thực hàng ngày nuôi sống linh hồn của ta. Chuyện quan trọng là ta không “ăn” lời Chúa, không “nuốt” lời Chúa để rồi đời sống đức tin của ta cứ lạnh lạnh làm sao đó.
Bao nhiêu lần chúng ta tham dự Thánh Lễ, bao nhiêu lần chúng ta đọc cũng như nghe lời Chúa nhưng đời sống đức tin của chúng ta có phát triển và có lớn lên trong ta hay không ?
Thật ra mà nói, niềm tin vẫn là vốn có của tự mỗi người và lời đáp trả về niềm tin vào Chúa do mỗi người chứ chả ai cân đo đong đếm hay xét đoán được. Và như vậy, mỗi người tự thu xếp cách thức sống đạo, thực hành đời sống đức tin của mình cũng như diễn tả đời sống đức tin của mình. Dù thế nào đi chăng nữa, chắc có lẽ không có cách nào khác hơn là phải tiếp cận cũng như bám sát vào Chúa cách nào đó của mỗi người để rồi đời sống đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng. Có người vì hoàn cảnh nào đó không được đến nhà thờ, xa Chúa nhưng lòng của họ vẫn ấp ủ một niềm tin sâu sắc vào Chúa. Có người thì có khi ngày nào cũng đi Lễ nhưng liệu rằng đời sống đức tin cũng như cách hành xử của họ như là một người có Chúa thật hay không mới là chuyện quan trọng.
Niềm tin, cách hành xử, cách sống đức tin vẫn là lời đáp trả của mỗi người chúng ta. Chỉ mong qua phép thử Coronavirus này chính là lúc mà Chúa thử thách chúng ta, Chúa hỏi chúng ta về niềm tin và xin cho ta vững vàng trả lời với Chúa như Thánh Phêrô : Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa Hằng Sống.