2020
ĐTC Phanxicô: không thể bao dung với phân biệt chủng tộc, nhưng cũng không chấp nhận bạo lực
Trong lời chào các tín hữu nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến chung trực tuyến qua các phương tiện truyền thông xã hội sáng thứ Tư 03/06/2020, nói đến những cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hoa Kỳ sau cái chết của ông George Floyd, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho ông và gia đình, và nói rằng không thể bao dung với phân biệt chủng tộc, nhưng cũng không chấp nhận bạo lực
Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em ở Mỹ thân mến, tôi rất quan tâm đến tình trạng bất ổn xã hội đang diễn ra ở nước các bạn những ngày này, sau cái chết bi thảm của ông George Floyd.
Các bạn thân mến, chúng ta không thể bao dung hoặc nhắm mắt trước bất kỳ loại phân biệt chủng tộc hay loại trừ nào và giả vờ bảo vệ sự thánh thiêng của mọi sự sống con người. Đồng thời, chúng ta phải nhận ra ‘rằng bạo lực trong những đêm vừa qua là tự hủy hoại và tự gây thương tích. Chúng ta không đạt được điều gì bằng bạo lực và mất rất nhiều điều.’
Hôm nay tôi hiệp thông với Giáo phận Saint Paul và Minneapolis, và Giáo hội của Hoa Kỳ, cầu nguyện cho linh hồn ông George Floyd và tất cả những người thiệt mạng vì sự phân biệt chủng tộc. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình và bạn bè đang đau khổ của họ được an ủi, và chúng ta cầu nguyện cho hòa giải dân tộc và hòa bình mà chúng ta mong mỏi. Xin Đức mẹ Guadalupe, Mẹ của Mỹ châu, cầu bầu cho tất cả những người làm việc vì hòa bình và công lý trên đất nước của anh chị em và trên thế giới. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và gia đình.” (CSR_4085_2020)
Hồng Thủy
2020
Đức Tổng Giám mục Luc Ravel: “Sẽ mất vài tháng để thoát ra nỗi sợ hãi này”
Đức Tổng Giám mục Lúc Ravel, giáo phận Strasbourg phân tích phạm vi cuộc khủng hoảng này đối với nước Pháp và Giáo hội. Đức Tổng Giám mục Luc Ravel được đào tạo tại trường Cao đẳng Kỹ thuật, ngài đứng đầu giáo phận Strassbourg, một trong các vùng bị nặng nhất trong dịch coronavirus vừa qua.
Với dịch bệnh vùng Alsace, cha có nghĩ nước láng giềng Đức đã hành động hiệu quả hơn chúng ta vì họ ít tập trung hơn không?
Đức Tổng Giám mục Lúc Ravel: Khi ngộp thở vì cách ly, đã có lúc tôi nghĩ vì sao mình không là người Đức? Nhưng chỉ trong vài ngày, chúng ta không quay lui lại sáu thế kỷ tập trung đã được mọi chế độ chính trị vui vẻ đi qua. Nhưng nó cự lại được với coronavirus. Việc giải tập trung ở Pháp là một vấn đề. Giải pháp sẽ có khi mỗi công dân đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng của tập đoàn mình. Không phải vì nước Đức giải tập trung mà người Đức suy nghĩ khác. Nhưng chính vì họ suy nghĩ khác mà nước Đức mới giải tập trung được.
Vì sự sợ hãi tiềm ẩn nên các nhà cai trị Pháp mới chọn biện pháp kiểm soát. Như thế có đáng lo cho tương lai của tự do không?
Tôi không muốn xúc phạm đến vấn đề sức khỏe. Mỗi người làm những gì họ có thể làm trong tinh thần săn sóc người khác. Ở Alsace, những người được dân bầu đã tận tâm làm việc đến giới hạn cuối cùng sức khỏe của họ. Dù vậy có một điều nổi bật: sự sợ hãi. Ngược với những gì tôi thấy trong quân đội, ở đây là cơn hoảng loạn, rung cây dừa từ đọt xuống gốc. Sự sợ hãi này có thể thấy dưới lớp khẩu trang của một bài diễn văn khoa học. Nỗi sợ lan đến người khác và chuyển qua tốc độ của một điềm báo trước. Giữa hai thái cực là sự thiếu cân xứng, thiếu tinh thần tinh tế. Chúng ta đã thả một quả bom nguyên tử (cách ly tuyệt đối) để ngăn chặn sự lây lan của virus. Bây giờ chúng ta tự hỏi làm thế nào để tái đầu tư lại trái đất, khi trái đất đã bị nhiễm phóng xạ và làm sao để trả hàng tỷ đô la bồi thường chiến tranh cho những người “thua cuộc.” Chúng ta đã phải phản ứng trong tình trạng khẩn cấp: mọi người ứng biến trước điều mới lạ. Nhưng ứng biến không có nghĩa là ngẫu hứng!
Đối với một số dư luận, Quốc gia đã nuôi dưỡng nỗi sợ này từng ngày. Đâu là hệ quả của một xã hội đã bị trầm cảm?
Sợ hãi cũng là chìa khóa cho những gì chúng ta đang sống bây giờ. Tôi thích câu chuyện sau: “Dịch Hạch đang trên đường đến Đa-ma và nhanh chóng bắt gặp đoàn xe của một tộc trưởng trong sa mạc. Ông tộc trưởng hỏi: Ông đi đâu nhanh vậy? Dịch Hạch trả lời: Tôi đi Đa-ma, tôi dự định đến đó lấy đi 1000 sinh mạng. Trên đường từ Đa-ma trở về, Dịch Hạch lại gặp đoàn xe. Ông trưởng tộc nói: ông đã lấy đi 50.000 mạng sống chứ không phải 1.000. Không, Dịch Hạch nói, tôi chỉ lấy 1.000 sinh mạng thôi. Chính sợ hãi đã lấy số còn lại.” Chúng ta nghĩ dùng nỗi sợ làm công cụ để mọi người vâng lời. Nhưng chúng ta chỉ ấu trĩ hóa. Sợ hãi là con thú lớn mà chúng ta chỉ thuần hóa nó bằng lòng can đảm, nhưng nó không ở trong tầm tay chúng ta, nó quay ngược lại chống người sử dụng nó. Sẽ phải mất vài tháng để chúng ta thoát ra nỗi sợ này, với điều kiện chúng ta không được duy trì nó. Bây giờ cần nhất là chúng ta phải điềm tĩnh, là các nhà lãnh đạo điềm đạm và tích cực.
Trong số các quyền tự do, quyền thờ phượng được Hiến pháp bảo vệ nhưng đặc biệt bị cản trở. Điều này có làm cha phẫn nộ không?
Như mọi sự, với chính quyền được cai trị bởi các dân biểu, tự do thờ phượng bị mất đi với sự mất mát các tự do khác. Vì thế, với họ chúng ta phải quay về với sự thiếu thốn gần như không biện minh được. Chính họ phải đảm bảo việc kiểm soát dân chủ, chứ không phải các chuyên gia. Tự do thờ phượng không nên bị nhắm như vậy. Sự thật còn buồn hơn: cây luôn ngã về phía nó bị nghiêng. Cuộc khủng hoảng này chỉ cho thấy khía cạnh chầm chậm nghiêng về thế tục từ hàng chục năm nay, mà theo đó các tôn giáo chỉ là những buổi thư giãn sáng chúa nhật. Họ xếp chúng vào các xác quyết riêng tư hoặc vào các di tích lịch sử. Ai hiểu rằng việc thờ phượng công cộng và tập thể là một phần của của nhu cầu thiết yếu của tín hữu? Ai phân biệt được Giáo hội với kỹ thuật thiền định?
Nhưng Giáo hội đã chiến đấu đủ để có tự do thờ phượng chưa?
Về việc này, thái độ của Giáo hội công giáo đối với Quốc gia là hoàn toàn ngẫu hứng. Nó ở trong truyền thống Pháp chúng tôi. Từ những năm 1920, sau cuộc đối đầu kéo dài hai mươi năm giữa Giáo hội và Quốc gia, một thỏa hiệp chung ra đời, hai bên quyết định đối thoại. Đúng, đây là một thế cân bằng mà mọi người cho rằng đây là sự phục tùng hoặc một thỏa hiệp. Nhưng can đảm của sự thật không diễn tả qua các vụ kiện nhưng qua kiên nhẫn, tranh luận và dịu dàng. Đúng, mỗi giám mục cũng như mỗi tín hữu phải thể hiện lòng can đảm cá nhân trước khi chỉ trích người khác. Khi chúng ta khổ vì chính lòng can đảm của mình, thì chúng ta ít có khuynh hướng xem xét can đảm của người khác.
Bài học nào cho tương lai của các quan hệ Giáo hội-Nhà nước mà cha rút tỉa được trong ba tháng vừa qua?
Đối thoại mà Giáo hội mong chờ không ở mức như chúng tôi mong muốn. Nhà Nước yêu cầu chúng tôi đưa ra đề nghị nhưng họ không để ý đến. Chúng tôi mong muốn có một đối thoại tin cậy, với các mục tiêu chính xác, một đối thoại trưởng thành giữa các tôn giáo và Quốc gia, vì tiếng nói của các tôn giáo không phải là tiếng nói cho riêng họ, nhưng cho hàng chục triệu người Pháp trong đó. Sự pha trộn giữa các thờ phượng và không thờ phượng thật đáng tiếc. Nhà Nước có thể hiểu Giáo hội không phải là một tổ chức Phi Chính Phủ, dù cả khi sự đoàn kết ở đây là rất lớn. Đó là lực thiêng liêng rất mạnh phục vụ Chúa, Con Người và xã hội.
Một phần các giáo sĩ là đáng ngưỡng mộ cho tinh thần can đảm phục vụ, nhưng một phần khác thì sống cách ly, chỉ chăm chú săn sóc ngôi vườn của mình cả theo nghĩa đen… Rất nhiều giáo dân thất vọng…
Các giáo dân xúc động bởi thái độ của Giáo hội sẽ cầu nguyện nhiều cho Giáo hội, thể hiện lòng nhiệt thành của họ qua việc rao giảng Tin Mừng trong các khu phố đỏ! Phần tôi, tôi không phán xét bất kỳ linh mục nào của tôi: mỗi người làm theo phương tiện, tâm lý và bệnh tật của họ. Và nhiều người đã làm, họ không những chỉ lo thánh lễ trực tuyến, họ còn tạo các liên lạc cá nhân, hỗ trợ thiêng liêng, tương trợ cụ thể.
Bí tích Thánh Thể là nguồn và đỉnh của một Giáo hội sống động, nhưng Thánh Thể không phải là trọn đời sống. Với các cộng sự của tôi, chúng tôi chiến đấu để thánh lễ được phục hồi, cho mỗi người, đặc biệt cho các tuyên úy của chúng tôi. Các nữ tu vùng Alsace chúng tôi may hàng ngàn khẩu trang cho cơ quan Cứu trợ Công giáo: “Hé lộ quả tim của bạn với khẩu trang của các nữ tu!” Có nhiều cuộc chiến trong cuộc khủng hoảng… Giáo hội bị tác hại nhiều trong trong hai tháng qua vì các tiết lộ đau đớn các vụ lạm dụng tình dục của các linh mục. Vì thế chúng tôi phải phục hồi niềm tin.
Lễ Hiện Xuống được đánh dấu bằng việc phục hồi lại thánh lễ: cha có thông điệp gì cho tín hữu và cho cả người thờ ơ?
Với tín hữu, Chúa Thánh Thần đến và làm cho Giáo hội được năng động. Nhưng cho tất cả mọi người, tín hữu hay không tín hữu, Chúa Thánh Thần chạm đến tất cả: “Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài.” (Sách Khôn ngoan á1, 7). Chúa Thánh Thần nối kết tất cả mọi sự và cho tất cả một định hướng chung, đó là ý nghĩa của “vũ trụ.” Sự phụ thuộc lẫn nhau của mọi sự không phải là tác động có lợi hay không có lợi của “toàn cầu hóa.” Nó phản ánh sự hiện diện của một Thần Khí hợp nhất vũ trụ và ngự trị trong lòng chúng ta. Nhờ Thần Khí này, sinh thái bắt đầu trong Thiên nhiên và kết thúc trong Trái tim. Một sinh thái không bao giờ từ bỏ tình huynh đệ phổ quát, đó là sinh thái toàn diện.
Marta An Nguyễn dịch
2020
Quan điểm của Linh mục Dòng Tên Charles Delhez về việc phong chức phụ nữ
Linh mục Dòng Tên Charles Delhez người Bỉ, nhà xã hội học, cha xứ Blocry (Louvain-la-Neuve), cha tuyên úy các Nhóm Đức Bà. Linh mục giải thích cha đã thay đổi ý kiến như thế nào về việc phong chức phụ nữ.
Cũng như nhiều người, tôi ngạc nhiên khi nghe bà Anne Soupa ứng cử vào chức Tổng Giám mục giáo phận Lyon, nhưng tôi không kinh ngạc mấy. Thậm chí tôi còn mỉm cười. Cú ra chiêu thật độc đáo! Tôi biết cuộc chiến mà bà Soupa tiến hành với các người khác là cuộc chiến trung thực. Đây là cơ hội mơ ưóc để suy nghĩ lại về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội.
Về vấn đề phong chức phụ nữ, cá nhân tôi đã biến đổi rất nhiều. Thật vậy, hiếm khi tất cả đều đúng ở một bên và tất cả đều sai ở một bên. Sự thật thường uyển chuyển hơn và các lập luận đều có lý cho cả hai bên. Do đó, có thể, trong một cuộc trò chuyện hoặc sau nhiều năm, chúng ta đã thay đổi ý kiến của mình.
Tôi thú nhận, tôi luôn có khuynh hướng bảo vệ nữ quyền, mong muốn quyền lực, được hiểu trong nghĩa trách nhiệm, phải được chia sẻ đồng đều cả bên trong Giáo hội cũng như ở ngoài xã hội. Điều quan trọng là thế giới không phải lúc nào cũng được nhìn dưới con mắt của phái nam. Còn về việc phong chức phụ nữ, trước đây tôi luôn ngần ngại. Trên nguyên tắc vũ trụ bí tích không phải là vấn đề quyền lực, nó ở trong biểu tượng. Tuy nhiên tôi đang thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi xin giải thích.
Bình đẳng nam nữ
Chúa Giêsu đã cho phụ nữ một vị trí quan trọng hơn so với những người cùng thời. Thánh Phaolô, người vẫn lên tiếng trên nền tảng văn hóa gia trưởng, đã lớn tiếng và minh bạch tuyên bố về sự bình đẳng nam nữ. Trang đầu tiên của Kinh thánh mô tả con người qua hình ảnh giới tính, nhưng không duy nhất là nam tính, đã đặt chúng ta trên con đường này.
Giáo hội, không phủ nhận sự bình đẳng này, Giáo hội nhấn mạnh vào sự khác biệt nội tại của họ, và không chỉ về văn hóa. Đối với Giáo hội, dành riêng chức tư tế cho đàn ông là vấn đề nhất quán có tính biểu tượng với tầm nhìn nhân học của Giáo hội: không có một con người khác biệt, nhưng có hai cách khác nhau ở trên cuộc đời. Về mặt lịch sử, Chúa Giêsu là đàn ông (đây là một phần ngẫu nhiên của lịch sử), chỉ người đàn ông mới có thể hành động trong con người của Chúa Kitô, theo biểu hiệu thần học. Như vậy Giáo hội chọn vị trí của mình trong biểu hiện biểu tượng hơn là về mặt xã hội học.
Chúng ta luôn có các lập luận trên hai đĩa cân. Chúng ta cùng xem đĩa cân bên kia. Nếu chúng ta muốn duy trì một cuộc đối thoại với văn hóa hiện đại và nếu chúng ta cổ động cho một khái niệm ít có tính thiêng liêng hơn về linh mục, thì việc phong chức cho phụ nữ sẽ là một bước tiến trong bước ngoặt của Chúa Giêsu. Điều này sẽ đi theo hướng của lịch sử và sẽ cất bỏ một số dè dặt quan trọng của những người đương thời chúng ta với tổ chức giáo hội. Theo tôi, nó sẽ không vô nghĩa. Thực sự người ta có thể tự hỏi, với bà Dolores Aleixandre, thần học gia tham chiếu của Đức Phanxicô, nếu đây không phải là một truyền thống của con người thì cuối cùng nó sẽ phát sinh ra một tiêu chuẩn, mà tiêu chuẩn này bây giờ không còn đứng vững.
Tái phục hồi các nữ phó tế
Người ta sẽ đoán tôi càng ngày càng nghiêng về phía nào nhiều hơn. Các nhà thần học vĩ đại như Karl Rahner hay hồng y Daniélou đều ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ, còn về Sách Thánh thì Sách Thánh không dẫn đến các kết luận chắc chắn. Do đó, bước đầu tiên là phục hồi lại các nữ phó tế và chọn lựa các nữ hồng y. Việc xức dầu cho người bệnh cũng có thể giao cho những người đã được rửa tội, đàn ông hay phụ nữ, người có sứ vụ tháp tùng người bệnh về mặt thiêng liêng. Chúng ta có nên nới lỏng các bí tích đã trở nên gần như độc quyền cho linh mục và nam giới (trừ hôn nhân và rửa tội) không?
Tuy nhiên theo tôi, vấn đề đầu tiên không phải là chức thánh, nam hay nữ – đó vẫn còn là chủ nghĩa giáo quyền -, nhưng vấn đề là sức sống của các cộng đồng được gọi để có nhiều trách nhiệm hơn và trưởng thành hơn. Chúng ta cũng có thể tự hỏi liệu hình ảnh giáo sĩ hiện nay có bị lỗi thời không.
Nó ngăn chặn. Vấn đề phong chức phụ nữ hiện nay như viên sỏi nhỏ trong đôi giày. Việc loại trừ này vẫn còn được chấp nhận không? Chúng ta cần lưu ý, báo cáo thường niên của Giáo hội công giáo Bỉ năm 2019 cho biết, trong số hơn 700 người có trách nhiệm, có đến 55 % là phụ nữ! Đây đã là một điểm tốt! Nhưng chúng ta phải đi xa hơn nữa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
Đức Phanxicô, “Ý nghĩa của truyền giáo sau đại dịch coronavirus”
Trong thông điệp Ngày Thế giới Truyền giáo thứ 94, Đức Phanxicô băn khoăn về ý nghĩa của truyền giáo sau đại dịch coronavirus, hiểu Chúa nói gì với chúng ta trong thời đại dịch là một thách thức cho công việc truyền giáo.
Đức Phanxicô cùng một nhóm nữ tu truyền giáo Việt Nam Hình: Daniel Ibanez / Groupe ACI
Ngày Thế giới Truyền giáo sẽ cử hành ngày 18 tháng 10, Đức Phanxicô viết thông điệp truyền giáo cho thời hậu đại dịch coronavirus. Chủ đề năm nay “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6, 8), đây là câu trả lời cho tiếng gọi đến từ quả tim, từ lòng thương xót của Chúa, Đấng chất vấn vừa Giáo hội, vừa nhân loại trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ngài nói, thách thức cho công việc truyền giáo của Giáo hội là “hiểu những gì Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch khi bệnh tật, tình trạng sống cô lập, đau khổ, sợ hãi, thách thức chúng ta và khó khăn của những người chết một mình, của những người không có ai, những người mất việc và những người không có nhà, có thức ăn chất vấn chúng ta”.
Thông điệp xét đến tình trạng mong manh đã trở thành hiển nhiên với đại dịch. Chúng ta nhận ra chúng ta cùng ở trên một chiếc tàu, tất cả đều mong manh và không định hướng, nhưng cùng lúc lại quan trọng và cần thiết, tất cả đều phải cùng chèo với nhau, tất cả đều phải được an ủi.
“Tiếng gọi truyền giáo” dẫn từ bản ngã sợ hãi và khép kín đến bản ngã được khám phá lại và đổi mới bởi ơn dâng hiến, tiếng gọi này kêu gọi để chúng ta được sai đi.
Đức Phanxicô giải thích: “Chúa Giêsu là nhà truyền giáo của Chúa Cha, và chính Ngài làm cho chúng ta trở thành người truyền giáo nhờ Thánh Linh, bởi vì chính Chúa Kitô là người mang Giáo hội ra khỏi chính mình. Sau tất cả, Chúa luôn là Đấng yêu thương chúng ta trước và với tình yêu này, Ngài gặp chúng ta và kêu gọi chúng ta, chúng ta đã nhận đời sống cách nhưng không và nhưng không là lời mời gọi ngầm để chúng ta đi vào năng lực của ơn hiến dâng: hạt giống nơi những người rửa tội, sẽ mang hình thức chính chắn như câu trả lời cho tình yêu trong hôn nhân và trong trinh tiết của Nước Trời”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh, không ai bị loại ra khỏi tình yêu của Chúa và truyền giáo là câu trả lời tự do và có ý thức với tiếng gọi của Chúa, một câu trả lời được ban khi chúng ta sống trong tương quan cá nhân với Chúa Giêsu sống động trong Giáo hội của Ngài.
Muốn được như vậy, chúng ta sẵn sàng lắng nghe Thánh Linh với các thách thức đặt ra cho ngày nay do đại dịch. Đức Phanxicô giải thích: “Buộc phải giãn cách xã hội và cách ly ở nhà, chúng ta thấy mình cần tương quan xã hội và tương quan cộng đoàn với Chúa. Khác xa với sự ngờ vực và thờ ơ, điều kiện này sẽ giúp chúng ta chú ý hơn theo cách chúng ta tương quan với người khác”.
Đức Phanxicô cũng nhắc lại, “việc không thể gặp nhau để dâng thánh lễ giúp chúng ta hiểu tình trạng của nhiều cộng đoàn kitô đã không thể dâng thánh lễ trong các ngày chúa nhật.”
Vì lý do này, đáp lại lời Chúa gọi là cơ bản, vì Chúa tiếp tục tìm người để gởi đến thế giới, đến mọi người để làm chứng cho tình yêu của Ngài, cho sự cứu rỗi, cho cái chết và giải thoát chúng ta khỏi tội ác.
Với lời kêu gọi kitô hữu đóng góp cụ thể, Đức Phanxicô kết luận, mừng Ngày Truyền giáo Thế giới là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất là dịp để tham gia tích cực vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội Ngài. Đức bác ái trong bài đọc phụng vụ của ngày chúa nhật thứ ba tháng 10 nhằm hỗ trợ công việc truyền giáo được thực hiện dưới tên tôi qua Các Hội Giáo hoàng Truyền Giáo để đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của các dân tộc và các nhà thờ trên khắp thế giới để chúng ta được cứu rỗi. Cho tất cả”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch