Đức Tổng Giám mục Luc Ravel: “Sẽ mất vài tháng để thoát ra nỗi sợ hãi này”
Đức Tổng Giám mục Lúc Ravel, giáo phận Strasbourg phân tích phạm vi cuộc khủng hoảng này đối với nước Pháp và Giáo hội. Đức Tổng Giám mục Luc Ravel được đào tạo tại trường Cao đẳng Kỹ thuật, ngài đứng đầu giáo phận Strassbourg, một trong các vùng bị nặng nhất trong dịch coronavirus vừa qua.
Với dịch bệnh vùng Alsace, cha có nghĩ nước láng giềng Đức đã hành động hiệu quả hơn chúng ta vì họ ít tập trung hơn không?
Đức Tổng Giám mục Lúc Ravel: Khi ngộp thở vì cách ly, đã có lúc tôi nghĩ vì sao mình không là người Đức? Nhưng chỉ trong vài ngày, chúng ta không quay lui lại sáu thế kỷ tập trung đã được mọi chế độ chính trị vui vẻ đi qua. Nhưng nó cự lại được với coronavirus. Việc giải tập trung ở Pháp là một vấn đề. Giải pháp sẽ có khi mỗi công dân đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng của tập đoàn mình. Không phải vì nước Đức giải tập trung mà người Đức suy nghĩ khác. Nhưng chính vì họ suy nghĩ khác mà nước Đức mới giải tập trung được.
Vì sự sợ hãi tiềm ẩn nên các nhà cai trị Pháp mới chọn biện pháp kiểm soát. Như thế có đáng lo cho tương lai của tự do không?
Tôi không muốn xúc phạm đến vấn đề sức khỏe. Mỗi người làm những gì họ có thể làm trong tinh thần săn sóc người khác. Ở Alsace, những người được dân bầu đã tận tâm làm việc đến giới hạn cuối cùng sức khỏe của họ. Dù vậy có một điều nổi bật: sự sợ hãi. Ngược với những gì tôi thấy trong quân đội, ở đây là cơn hoảng loạn, rung cây dừa từ đọt xuống gốc. Sự sợ hãi này có thể thấy dưới lớp khẩu trang của một bài diễn văn khoa học. Nỗi sợ lan đến người khác và chuyển qua tốc độ của một điềm báo trước. Giữa hai thái cực là sự thiếu cân xứng, thiếu tinh thần tinh tế. Chúng ta đã thả một quả bom nguyên tử (cách ly tuyệt đối) để ngăn chặn sự lây lan của virus. Bây giờ chúng ta tự hỏi làm thế nào để tái đầu tư lại trái đất, khi trái đất đã bị nhiễm phóng xạ và làm sao để trả hàng tỷ đô la bồi thường chiến tranh cho những người “thua cuộc.” Chúng ta đã phải phản ứng trong tình trạng khẩn cấp: mọi người ứng biến trước điều mới lạ. Nhưng ứng biến không có nghĩa là ngẫu hứng!
Đối với một số dư luận, Quốc gia đã nuôi dưỡng nỗi sợ này từng ngày. Đâu là hệ quả của một xã hội đã bị trầm cảm?
Sợ hãi cũng là chìa khóa cho những gì chúng ta đang sống bây giờ. Tôi thích câu chuyện sau: “Dịch Hạch đang trên đường đến Đa-ma và nhanh chóng bắt gặp đoàn xe của một tộc trưởng trong sa mạc. Ông tộc trưởng hỏi: Ông đi đâu nhanh vậy? Dịch Hạch trả lời: Tôi đi Đa-ma, tôi dự định đến đó lấy đi 1000 sinh mạng. Trên đường từ Đa-ma trở về, Dịch Hạch lại gặp đoàn xe. Ông trưởng tộc nói: ông đã lấy đi 50.000 mạng sống chứ không phải 1.000. Không, Dịch Hạch nói, tôi chỉ lấy 1.000 sinh mạng thôi. Chính sợ hãi đã lấy số còn lại.” Chúng ta nghĩ dùng nỗi sợ làm công cụ để mọi người vâng lời. Nhưng chúng ta chỉ ấu trĩ hóa. Sợ hãi là con thú lớn mà chúng ta chỉ thuần hóa nó bằng lòng can đảm, nhưng nó không ở trong tầm tay chúng ta, nó quay ngược lại chống người sử dụng nó. Sẽ phải mất vài tháng để chúng ta thoát ra nỗi sợ này, với điều kiện chúng ta không được duy trì nó. Bây giờ cần nhất là chúng ta phải điềm tĩnh, là các nhà lãnh đạo điềm đạm và tích cực.
Trong số các quyền tự do, quyền thờ phượng được Hiến pháp bảo vệ nhưng đặc biệt bị cản trở. Điều này có làm cha phẫn nộ không?
Như mọi sự, với chính quyền được cai trị bởi các dân biểu, tự do thờ phượng bị mất đi với sự mất mát các tự do khác. Vì thế, với họ chúng ta phải quay về với sự thiếu thốn gần như không biện minh được. Chính họ phải đảm bảo việc kiểm soát dân chủ, chứ không phải các chuyên gia. Tự do thờ phượng không nên bị nhắm như vậy. Sự thật còn buồn hơn: cây luôn ngã về phía nó bị nghiêng. Cuộc khủng hoảng này chỉ cho thấy khía cạnh chầm chậm nghiêng về thế tục từ hàng chục năm nay, mà theo đó các tôn giáo chỉ là những buổi thư giãn sáng chúa nhật. Họ xếp chúng vào các xác quyết riêng tư hoặc vào các di tích lịch sử. Ai hiểu rằng việc thờ phượng công cộng và tập thể là một phần của của nhu cầu thiết yếu của tín hữu? Ai phân biệt được Giáo hội với kỹ thuật thiền định?
Nhưng Giáo hội đã chiến đấu đủ để có tự do thờ phượng chưa?
Về việc này, thái độ của Giáo hội công giáo đối với Quốc gia là hoàn toàn ngẫu hứng. Nó ở trong truyền thống Pháp chúng tôi. Từ những năm 1920, sau cuộc đối đầu kéo dài hai mươi năm giữa Giáo hội và Quốc gia, một thỏa hiệp chung ra đời, hai bên quyết định đối thoại. Đúng, đây là một thế cân bằng mà mọi người cho rằng đây là sự phục tùng hoặc một thỏa hiệp. Nhưng can đảm của sự thật không diễn tả qua các vụ kiện nhưng qua kiên nhẫn, tranh luận và dịu dàng. Đúng, mỗi giám mục cũng như mỗi tín hữu phải thể hiện lòng can đảm cá nhân trước khi chỉ trích người khác. Khi chúng ta khổ vì chính lòng can đảm của mình, thì chúng ta ít có khuynh hướng xem xét can đảm của người khác.
Bài học nào cho tương lai của các quan hệ Giáo hội-Nhà nước mà cha rút tỉa được trong ba tháng vừa qua?
Đối thoại mà Giáo hội mong chờ không ở mức như chúng tôi mong muốn. Nhà Nước yêu cầu chúng tôi đưa ra đề nghị nhưng họ không để ý đến. Chúng tôi mong muốn có một đối thoại tin cậy, với các mục tiêu chính xác, một đối thoại trưởng thành giữa các tôn giáo và Quốc gia, vì tiếng nói của các tôn giáo không phải là tiếng nói cho riêng họ, nhưng cho hàng chục triệu người Pháp trong đó. Sự pha trộn giữa các thờ phượng và không thờ phượng thật đáng tiếc. Nhà Nước có thể hiểu Giáo hội không phải là một tổ chức Phi Chính Phủ, dù cả khi sự đoàn kết ở đây là rất lớn. Đó là lực thiêng liêng rất mạnh phục vụ Chúa, Con Người và xã hội.
Một phần các giáo sĩ là đáng ngưỡng mộ cho tinh thần can đảm phục vụ, nhưng một phần khác thì sống cách ly, chỉ chăm chú săn sóc ngôi vườn của mình cả theo nghĩa đen… Rất nhiều giáo dân thất vọng…
Các giáo dân xúc động bởi thái độ của Giáo hội sẽ cầu nguyện nhiều cho Giáo hội, thể hiện lòng nhiệt thành của họ qua việc rao giảng Tin Mừng trong các khu phố đỏ! Phần tôi, tôi không phán xét bất kỳ linh mục nào của tôi: mỗi người làm theo phương tiện, tâm lý và bệnh tật của họ. Và nhiều người đã làm, họ không những chỉ lo thánh lễ trực tuyến, họ còn tạo các liên lạc cá nhân, hỗ trợ thiêng liêng, tương trợ cụ thể.
Bí tích Thánh Thể là nguồn và đỉnh của một Giáo hội sống động, nhưng Thánh Thể không phải là trọn đời sống. Với các cộng sự của tôi, chúng tôi chiến đấu để thánh lễ được phục hồi, cho mỗi người, đặc biệt cho các tuyên úy của chúng tôi. Các nữ tu vùng Alsace chúng tôi may hàng ngàn khẩu trang cho cơ quan Cứu trợ Công giáo: “Hé lộ quả tim của bạn với khẩu trang của các nữ tu!” Có nhiều cuộc chiến trong cuộc khủng hoảng… Giáo hội bị tác hại nhiều trong trong hai tháng qua vì các tiết lộ đau đớn các vụ lạm dụng tình dục của các linh mục. Vì thế chúng tôi phải phục hồi niềm tin.
Lễ Hiện Xuống được đánh dấu bằng việc phục hồi lại thánh lễ: cha có thông điệp gì cho tín hữu và cho cả người thờ ơ?
Với tín hữu, Chúa Thánh Thần đến và làm cho Giáo hội được năng động. Nhưng cho tất cả mọi người, tín hữu hay không tín hữu, Chúa Thánh Thần chạm đến tất cả: “Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài.” (Sách Khôn ngoan á1, 7). Chúa Thánh Thần nối kết tất cả mọi sự và cho tất cả một định hướng chung, đó là ý nghĩa của “vũ trụ.” Sự phụ thuộc lẫn nhau của mọi sự không phải là tác động có lợi hay không có lợi của “toàn cầu hóa.” Nó phản ánh sự hiện diện của một Thần Khí hợp nhất vũ trụ và ngự trị trong lòng chúng ta. Nhờ Thần Khí này, sinh thái bắt đầu trong Thiên nhiên và kết thúc trong Trái tim. Một sinh thái không bao giờ từ bỏ tình huynh đệ phổ quát, đó là sinh thái toàn diện.
Marta An Nguyễn dịch