2020
Phỏng vấn Đức TGM Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam về đại dịch Covid-19
Phỏng vấn Đức TGM Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam:
Nhân dịp lễ kính Thánh sử Máccô, bổn mạng Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh, Truyền thông HĐGM VN đã liên hệ với Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski để chúc mừng và phỏng vấn ngài về tình trạng đại dịch hiện nay.
1. BTT: Thưa Đức Tổng, như chúng con được biết, tháng trước Đức Tổng đã quyết định hoãn các chuyến thăm viếng mục vụ tại một vài giáo phận ở Việt Nam vì dịch bệnh. Xin Đức Tổng vui lòng cho chúng con biết lý do của quyết định này?
ĐTGM: Vì luôn cập nhật tình hình bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc, ngay từ đầu năm (tháng 1, tháng 2), nên tôi có thể nói rằng virus corona chủng mới này rất dễ lây nhiễm. Trước hết, hãy cứ xem nó lan đến các quốc gia khác ở châu Á nhanh như thế nào, và bây giờ đến những vùng còn lại trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định rằng du lịch là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra đại dịch toàn cầu này.
Thứ đến, tại Singapore, nơi tôi cư trú có nhiều ca nhiễm hơn ở Việt Nam. Do đó, với trách nhiệm xã hội và để thực hiện các hướng dẫn cụ thể từ Tòa Thánh đối với Bộ ngoại giao, cũng như sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục liên hệ, tôi đã quyết định hạn chế việc đi lại và thực hành giãn cách xã hội ở cả Singapore và Việt Nam để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19.
2. BTT: Tháng trước, Singapore được ca ngợi là hình mẫu trong ứng phó đối với virus corona, Giáo hội Singapore cũng đã tạm dừng các cử hành phụng vụ chung và những hoạt động khác. Xin Đức Tổng chia sẻ với chúng con về tình hình tại Singapore?
ĐTGM: Singapore đã bị ảnh hưởng do khủng hoảng SARS 2003 trước đây nên có lập trường rất thận trọng đối với cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Theo khuynh hướng này, chúng ta có thể thấy các ca nhiễm đã khởi phát ở những nơi tụ tập đông người. Vì thế, Đức Tổng Giám mục Singapore đã quyết định tạm dừng các Thánh lễ cộng đoàn và các sinh hoạt khác từ ngày 14/02/2020. Biện pháp này được thực hiện cẩn trọng như chúng ta thấy kết quả hiện nay, không có bất cứ ca nhiễm nào từ nhà thờ Công giáo. Hơn nữa, tiếp theo việc đình chỉ này, chúng ta có thể thấy chính phủ Singapore từng bước thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như hạn chế số lượng người tụ tập, thậm chí đến mức yêu cầu tất cả cư dân ở nhà, chỉ có các dịch vụ thiết yếu hoạt động. Điều này cho thấy tầm nhìn xa và cách quản trị cẩn trọng của Giáo hội địa phương tại Singapore.
3. BTT: Là một nhà ngoại giao Tòa Thánh, Đức Tổng nhận thấy điều gì nơi Giáo hội trong thời điểm đại dịch lịch sử này? Đức Tổng có lời khuyên nào cho Việt Nam chúng con?
ĐTGM: Thật vậy, năm 2020 là năm thách đố về mọi mặt: tài chính, thể lý, tình cảm, xã hội và tinh thần. Trong giai đoạn đặc thù này khi không thể quy tụ trong các nhà thờ để cùng nhau thờ phượng Chúa, chúng ta hãy nhớ lại cách thức mà các Tông đồ đã bắt đầu sứ vụ với những nhóm nhỏ “qui tụ trong nhà” và hãy nhận ra Giáo hội đã tiến triển như thế nào từ thời Chúa [Giêsu] cho tới nay.
Liên quan đến tình hình tại Việt Nam, tôi biết rằng:
– Ngày 02/02, Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục đã thông báo với Giáo hội Việt Nam về sự bùng phát của bệnh dịch mới này và lưu ý một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm; tiếp theo đó, Ủy ban Phụng tự đã phổ biến bản kinh nguyện chung cho cả giáo hội cùng cầu nguyện cho dịch bệnh sớm chấm dứt.
– Ngày 25/03, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã gửi thư thông báo cho giáo sĩ và giáo dân trong Tổng Giáo phận của ngài về việc tạm ngưng các buổi cử hành phụng vụ chung trong tuần và Chúa Nhật.
– Vài ngày sau đó, hầu hết các giáo phận ở Việt Nam đều có một hướng chung là tạm dừng các buổi cử hành phụng vụ cộng đồng. Tín hữu Việt Nam tham dự phụng vụ và cầu nguyện trực tuyến như lần chuỗi Mân côi, suy tôn Lòng Chúa Thương Xót, và chầu Thánh Thể.
– Ngày 31/03, Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh đã xuất hiện trên đường trong đoạn video với thông điệp kêu gọi giáo dân chung tay trợ giúp những người bên lề xã hội và những người buôn bán rong là những anh chị em bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian giãn cách xã hội.
– Tất cả những biện pháp bảo vệ được chính phủ Việt Nam đưa ra, chẳng hạn như ngày 01/04, lệnh giãn cách xã hội đã chính thức bắt đầu trong cả nước, siết chặt giao thông và áp dụng lệnh ở yên trong nhà.
– Ngày 02/04, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục gửi thư kêu gọi toàn thể Giáo hội Việt Nam chọn ngày 04/04 là ngày Giáo hội cử hành Thánh lễ đặc biệt trong thời gian đại dịch theo tinh thần của Sắc lệnh 156/20 của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Hãy tuân thủ các qui định và Khuyến cáo này, đừng quên người nghèo giữa các bạn và hãy tham dự tích cực vào đời sống cầu nguyện của Hội Thánh!
Tôi học theo mẫu gương tuyệt vời của Đức Thánh cha Phanxicô. Như anh chị em biết, Đức Thánh cha của chúng ta đã thực hiện rất nhiều sáng kiến chống Covid-19. Ngài kêu gọi tất cả tín hữu cùng thực hiện: cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt, giúp đỡ tha nhân và vững tin nơi Chúa.
Trước khi kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh rằng đây cũng là thời điểm chúng ta cần phải lượng giá lại và “dò xét” chính bản thân. Để thấy chúng ta là môn đệ như thế nào của Chúa, hãy xem mình có thật sự yêu mến Đấng Cứu độ, Đấng Phục sinh và Thiên Chúa hằng sống của chúng ta, có trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa không?
Chúng ta có thể chất vấn bản thân về tình yêu chân thực của ta đối với Chúa:
– Có phải tình yêu của ta dành cho Chúa bị đóng khung với thói quen xơ cứng khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật không?
– Giữa cơn khủng hoảng toàn cầu, chúng ta có mất đức tin và thiếu trông cậy nơi Chúa không?
– Khi các nhà thờ đóng cửa, chúng ta có quên Chúa không?
Cám ơn các bạn. Xin Chúa ban phúc lành cho đất nước các bạn!
BTT: Xin chân thành cảm ơn Đức Tổng.
Truyền thông HĐGM VN thực hiện
Dung Hạnh chuyển ngữ
2020
Thánh Lễ trực tuyến và những con số …
THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN VÀ NHỮNG CON SỐ …
Đồng hồ điểm 8 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 24 tháng 4 năm 2020
Hai Lúa tui làm cuộc khảo sát nho nhỏ về Thánh lễ trực tuyến tại một số Giáo Phận.
Ta xét ở khía cạnh trực tuyến. Thánh Lễ dâng có ý nghĩa khi cộng đoàn tham dự trực tuyến chứ không phải đợi lúc rảnh mở xem. Thánh lễ không phải là video clip hay vở diễn.
Sáng nay Cần Thơ cũng như Long Xuyên tìm cung không thấy. Một số Giáo Phận khác thì Lễ dâng buổi chiều hay tối một chút. Còn lại một số Giáo Phận có phát trực tuyến được ghi nhận rất thực tế trên màn hình do youtube cung cấp chứ không hề chỉnh sửa.
Kontum : 212 người xem
Huế : 445
Hà Nội : 443Than
Phú Cường : 1537
Xuân Lộc : 889
Mỹ Tho : 252
Sài Gòn : 3960
Vĩnh Long : 236
Tổng cộng xem trực tuyến và sau 2 tiếng đồng hồ (đang viết bài ) là :7974 người tham dự.
Có lẽ cũng chẳng rảnh rỗi để làm chuyện mà nhiều người cho là rùi bu kiến đậu này. Chắc chắn là Hai Lúa tui không thuộc dạng rảnh rỗi sinh nông nổi như người ta dành cho những ai nào đó rảnh. Thế nhưng rồi vẫn còn đó những thao thức, những trăn trở trong cuộc sống về Thánh Lễ.
Sau khi lệnh ngăn không đến dự Thánh Lễ tập trung nữa thì ta thấy bao nhiêu và bao nhiêu tâm tình gọi là nuối tiếc. Kế đến đó là Giáo Phận, Giáo Xứ bắt đầu lên “lập trình” cho Thánh Lễ trực tuyến. Cũng may mà có những chỉ thị của các Giáo Phận là chỉ có nơi nào được phép trực tuyến thì trực tuyến, còn lại thì không chứ không thì có thể nói như là “chợ Thánh lễ”.
Điều mà Hai Lúa tui đây trăn trở từ lâu lâu lắm rồi và đến giờ này cũng còn trăn trở.
Ở cái xóm đạo mà ngày đầu đời linh mục được gửi đến xem ra rất xôm tụ. Họ được rửa tội và con số báo cáo là 650 tín hữu. Gần khu đó chắc chắn là không có Thánh Đường để dự lễ gọi là thay nhà thờ đó. Con số dự Lễ Chúa Nhật mà vị hữu trách chia sẻ là cả sáng và chiều tổng số chưa được 150 ??? Vậy thì 500 tín hữu kia dự Lễ ở nơi nào.
Và, nhiều giáo xứ khác cũng vậy. Giáo dân được tính sổ rất đông nhưng đến dự Lễ xem ra con số rất khiêm tốn.
Đứng trước tình hình đại dịch và đời sống đức tin của người Kitô hữu, phải chăng là trăn trở của các vị chủ chăn. Rồi đây ở một tương lai gần hay xa không biết, để kéo dân đến Nhà Thờ để dự lễ tập trung không phải là chuyện đơn giản. Đơn giản là họ vịn cớ cho chuyện này chuyện kia để coi như chuyện đến Nhà Thờ là chuyện thêm thắt.
Như thống kê trên, sau 2 tiếng đồ hồ tạm gọi là hết Lễ trực tuyến nhưng tổng số người tham dự là bao nhiêu. Đành rằng ai cũng có công có việc nhưng rồi tổng số người dự phải chăng là con số đau lòng và nhức nhối. Dĩ nhiên có người nói là ngày thường nhưng xem ra cũng cần xem lại vì nếu gọi là bận rộn thì ai ai cũng bận. Dự Lễ online người ta không mất thời gian di chuyển, chỉ mở máy lên là có thể tham dự nhưng xem ra con số báo cáo cũng đáng suy nghĩ.
Hai Lúa tui đây hoàn toàn không có ý định soi mói, xét nét nhưng bỏ chút thời gian ra để làm cuôc khảo sát. Qua cuộc khảo sát, ta lại được suy nghĩ về đời sống đức tin.
Mãi mãi Thánh Lễ vẫn là đỉnh cao của Phụng Vụ, của đời sống Kitô hữu thế nhưng rồi cảm thấy có điều gì đó ngại ngại và lo lắng. Thực tế cho thấy nếu như có sự kiện nào đó giật gân thì có lẽ vài ngàn, vài chục ngàn theo dõi ngay. Tiếc thay tiệc Lời Chúa và Thánh Thể thì lèo tèo con số thật khiêm tốn.
Ta đang sống trong thời dịch bệnh nên cần và cần lắm lời cầu nguyện, hiệp thông cùng nhau nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa và ít là kết hiệp với Chúa cách thiêng liêng khi dự Lễ trực tuyến. Phải cầu nguyện hơn nữa bởi cuộc sống của ta đang vây bủa bởi biết bao nhiêu khó khăn.
Lại thêm lời nguyện cầu bởi cuộc đời này vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là chuyện trở trăn về việc tham dự Thánh Lễ của người tín hữu.
2020
Khô hạn mùa dịch
Biến đổi khí hậu, khô hạn, nhiễm mặn… là những vấn đề cấp bách hiện nay. Tình trạng đó không phải là nguy cơ như một số người vẫn nghĩ, nhưng đang rất thật và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta.
Tình trạng khô hạn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
Những ngày này, cả nước đang trong tình trạng cách ly vì dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra. Dịch bệnh khiến cho các hoạt động kinh tế suy giảm, ngưng trệ khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, số lượng người thất nghiệp tăng. Đáng lo hơn, nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những người nghèo trên cả nước. Thế nhưng nếu nhìn về Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lúc này, người dân ở đây còn khó khăn gấp bội. Tình trạng nhiễm mặn, khô hạn không chỉ khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn là chủ yếu tại vùng sông nước này, bị ngưng trệ, nhưng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường ngày của người dân do thiếu nước ngọt sinh hoạt, đặc biệt tại các tỉnh như Bến Tre và Tiền Giang. Cuộc sống của người dân thật sự bị đảo lộn.
Theo các chuyên gia, tình trạng khô hạn và nhiễm mặn lịch sử ở miền Tây năm nay có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như việc lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông rất ít do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Lượng mưa thấp kỷ lục này khiến nước đổ về hạ nguồn không nhiều. Cũng chính vì thế các đập thủy điện dọc lưu vực sông Mê Kông phải tích nước cho đến khi đầy mới xả ra để phát điện. Điều này khiến lượng nước đổ về hạ nguồn rất ít khiến cho tình trạng hạn mặn càng thêm nghiêm trọng. Hiện tại, dọc lưu vực sông Mê Kông có hàng chục đập thủy điện khác nhau tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Các đập thủy điện này không chỉ nằm trên dòng chảy chính sông Mê Kông mà cả trên các phụ lưu của dòng sông khiến lưu lượng nước dòng chính giảm đi đáng kể.
Tình trạng trên lại một lần nữa là lời cảnh báo nghiêm trọng cho chúng ta về vấn đề tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.
Cảnh báo từ Tổ chức Khí tượng Thế giới
Năm nay, đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập (23/3/1950 – 23/3/2020), Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization) nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc quản lý tài nguyên nước. Nhu cầu ngày càng tăng đối với tài nguyên nước trên thế giới trong bối cảnh sự biến đổi khí hậu đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng thực sự [1].
Theo cơ quan này, tác động của biến đổi khí hậu được thấy rõ qua sự thay đổi nguồn nước. Lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm ngày càng nhiều hơn. Kể từ năm 1900, hơn 11 triệu người đã chết vì hạn hán và 2 tỷ người đã bị ảnh hưởng. Từ những năm 1970, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán đã tăng gấp đôi, làm suy yếu sinh kế, đảo ngược lợi ích phát triển và làm nghèo đói giữa hàng triệu người sống phụ thuộc trực tiếp vào đất đai [2]. Khoảng 25% dân số thế giới, 2 tỷ người, sống ở các quốc gia khan hiếm nước nghiêm trọng và khoảng 4 tỷ người gặp phải tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất một tháng trong năm. Theo dự báo, đến năm 2050, nhu cầu về nước dự kiến sẽ cao hơn 25 đến 30% so với hiện nay [3].
Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam
Hiện tượng thiếu nước đang diễn ra tại ĐBSCL hiện nay là đề nghiêm trọng và mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia phải đối mặt với ô nhiễm cao của thế giới, từ biển cho đến đất, nước, không khí… Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất trên thế giới và nằm trong số 10 nước ô nhiễm không khí nhất thế giới, chưa kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt hàng trăm ngàn m3 mỗi ngày và hàng trăm tấn rác được thải ra các sông đều không được xử lý. Tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt ở mức thấp, chỉ khoảng 13%. Nước thải công nghiệp chỉ có 10% là được xử lý [4].
Chắc những con số thống kê ấy chưa làm nhiều người quá lo lắng, bận tâm bởi chưa thấy ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mình. Nhưng quả thật, chúng đều ở trong tình trạng báo động. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 2-3 độ C và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20 cm. Ước tính, đến cuối thế kỷ XXI, so với trung bình thời kỳ 1980 -1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 2,3 độ C, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 5% và mực nước biển có thể dâng thêm 75 cm. Theo số liệu phân tích về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…[5]
Tông thư Laudato si’ với vấn đề biến đổi khí hậu
Trong Tông thư Laudato si’ – “Chăm sóc ngôi nhà chung”, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: “Thánh Phanxicô thành Assisi đã hát lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con”. Trong bài thánh ca tươi đẹp này, ngài nhắc cho chúng ta nhớ, ngôi nhà chung của chúng ta phải được xem như người chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ cuộc sống, và như người mẹ ôm lấy chúng ta [6].
Một môi trường sống trong sạch, đảm bảo những điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của con người là ước mơ của tất cả mọi người. Tuy nhiên, chính con người làm mất cân bằng sinh thái và làm cho tình trạng của trái đất ngày càng tệ.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến hậu quả của nó đối với toàn xã hội, mà những người chịu ảnh nhưởng nhất hiện nay là người nghèo khi “phương tiện để bảo đảm cuộc sống của họ gắn chặt vào những tài nguyên tự nhiên”. Ngài viết: “Việc thay đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu với phương diện môi trường trầm trọng về những chiều kích xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị; nó đưa ra một thách đố quan trọng nhất trong hiện tại cho nhân loại. Những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra trong những thập niên tới nơi những nước phát triển. Nhiều người nghèo sống trong những vùng mà những hiện tượng này xảy đến, liên kết với việc biến đổi khí hậu và các phương tiện để bảo đảm cuộc sống của họ gắn chặt vào những tài nguyên tự nhiên và những chuyển biến sinh thái như nông nghiệp, ngư nghiệp và nguồn lợi từ rừng. Họ không có những hoạt động tài chính và những tài nguyên khác, giúp họ vượt qua ảnh hưởng của khí hậu hay tai họa, họ cũng khó tiếp cận đến chương trình xã hội và bảo vệ” [7].
Với vấn đề nguồn nước, Đức Giáo hoàng nêu lên tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự sống của loài người khi cho rằng có được nguồn nước an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản của tất cả mọi người vì nó ảnh hưởng đến sự sống còn của con người. Vì thế, đây chính là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác. Tước bỏ quyền của người nghèo được nước uống có nghĩa là “phủ nhận quyền sống vốn bắt nguồn từ chính phẩm giá bất khả nhượng của họ” [8]. Tuy nhiên, một số quốc gia, vì những lợi ích kinh tế của mình mà bất chấp và làm ngơ hoặc phản ứng “yếu kém về mặt chính trị toàn cầu”: “Chính trị phải tùng phục kỹ thuật và vần đề tài chính, điều này cho thấy trong sự thất bại của cả thế giới về vấn đề môi trường. Có quá nhiều lợi lộc kinh tế riêng tư, và cũng dễ dàng nhằm vào lợi lộc kinh tế, đưa đến người nắm quyền đánh giá cao ích lợi chung và khuynh đảo những thông số để không ảnh hưởng gì đến những chương trình riêng của họ” [9].
Thuyết Xã hội của Giáo hội cũng từng lưu ý chúng ta rằng: sự triển kinh tế là mục tiêu và quyền lợi của cá nhân, gia đình và các quốc gia. Tuy nhiên, người ta không thể bất chấp những lợi ích kinh tế mà tàn phá môi trường một cách vô tội vạ. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội viết: “Các chương trình phát triển kinh tế cần phải cẩn thận lưu ý tới nhu cầu tôn trọng sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên vì các tài nguyên thiên nhiên là có hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được… Một nền kinh tế biết tôn trọng môi trường sẽ không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình, vì việc bảo vệ môi trường không thể được đảm bảo nếu chỉ dựa trên những tính toán tài chính giữa phí tổn bỏ ra và lợi nhuận thu vào. Môi trường là một trong các tài sản không thể được bảo vệ hay được phát huy cách thích đáng chỉ nhờ các lực lượng thị trường”.[10]
Do đó, trong Tông thư Laudato si’, Đức Giáo hoàng cũng nêu rõ lập trường của Giáo hội về vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, trong đó nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của các nước phát triển và kêu gọi tất cả phải chung tay góp sức.
Người Kitô hữu và trách nhiệm công dân với “ngôi nhà chung của nhân loại”
Việc đòi hỏi khẩn thiết để bảo vệ cho “ngôi nhà chung” không chỉ ở tầm vĩ mô, nhưng còn là trách nhiệm của từng người trong chúng ta. Trong thánh lễ sáng Thứ Hai ngày 09-02-2015 tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói đến trách nhiệm của việc bảo vệ môi sinh của người Kitô hữu: “Một Kitô hữu không biết bảo vệ các thụ tạo, không biết để cho chúng sinh trưởng, thì đó là một Kitô hữu không biết chăm sóc công việc của Thiên Chúa; công việc đó đã ra đời từ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”[11].
Trong Tông thư Laudato si’, Ngài đề cập đến tầm quan trọng của việc giáo dục và huấn luyện con người như là những thách đố chủ yếu trong việc bảo vệ môi trường hiện nay: “Mọi thay đổi cần có những động lực và một hành trình giáo dục”[12]; bởi nó cần có sự can dự của tất cả các lãnh vực giáo dục, mà trước tiên là “trường học, gia đình, các phương tiện truyền thông, việc huấn giáo” [13], đặc biệt là tầm quan trọng của đức tin: “Đối với tín hữu,thế giới không được chiêm ngắm từ bên ngoài nhưng từ bên trong, nhìn nhận những lối liên hệ qua đó Chúa Cha liên kết chúng ta với mọi sinh vật. Ngoài ra khi làm tăng trưởng khả năng đặc thù mà Thiên Chúa ban cho mỗi tín hữu, sự hoán cải môi sinh dẫn đưa họ đến chỗ phát huy khả năng sáng tạo và sự hăng hái” [14].
Đức Giam mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. – Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, trong lá Thư chung ngày 13-05-2016, khi Ngài còn là Giám mục Giáo Phận Vinh, đã thẳng thắn nhấn mạnh rằng: “Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế- kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội”.
Ước gì mỗi người Công giáo luôn ý thức thế giới chúng ta đang sống là một ân huệ mà chúng ta được lãnh nhận xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, và nó không thể nảy sinh hoa trái nếu không có sự đáp trả đặc biệt của mỗi người chúng ta [15], và thực hành việc bảo vệ “ngôi nhà chung” này cũng là bảo vệ sự sống của chính mình hôm nay và cũng là cho các thế hệ mai sau.
Chú thích:
[1] World Meteorological Day: Climate & Water – https://worldmetday.wmo.int
[2] World Meteorological Day: Climate & Water – Drought –
– https://worldmetday.wmo.int/en/drought
[3] World Meteorological Day: Climate & Water – Every Drop Counts –
– https://worldmetday.wmo.int/en/every-drop-counts
[4] – Gia đình bảo vệ Môi trường – https://tgpsaigon.net;
– Việt Nam lọt top 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất –
https://nongnghiepthongminh.vn;
– Chỉ 13% lượng nước thải đô thị được xử lý – https://thanhnien.vn
[5] Biến đổi khí hậu và 5 nguy cơ đối với nông nghiệp Việt Nam –
http://tapchitaichinh.vn/
[6] Tông thư Laudato si’, số 1.
[7] Tông thư Laudato si’, số 25.
[8] Tông thư Laudato si’, số 30.
[9] Tông thư Laudato si, số 54.
[10] Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình: Tóm lược học thuyết xã hội của Công Giáo, số 470.
[11] Laudato si’ dành cho người bận rộn – http://www.cgvdt.vn
[12] Tông thư Laudato si’, số 15.
[13] Tông thư Laudato si’, số 213.
[14] Tông thư Laudato si’, số 220.
[15] Tông thư Laudato si’, số 220.
2020
Đại dịch có thể chữa khỏi bệnh vô cảm?
Đại dịch có thể chữa khỏi bệnh vô cảm?
Đã từ lâu, ai cũng có thể nhận ra căn bệnh vô cảm[1] lan tràn tại Việt Nam. Gọi là bệnh vì nó có triệu chứng và đang bào mòn lòng nhân ái của người Việt. Nói không chỉ lan vào thế giới người trẻ, nhưng cũng ảnh hưởng để thế hệ người già và trẻ em cũng không miễn nhiễm. Khi lòng nhân ái và tình yêu thương con người trở nên xa xỉ, thì lòng vô cảm theo đó mà tăng lên.
Có quá nhiều ví dụ về căn bệnh vô cảm mà công cụ tìm kiếm Google cho 95 triệu kết quả liên quan. Hẳn nhiên từ hệ thống giáo dục, các tôn giáo và từ phía Giáo Hội Công Giáo cũng đang nỗ lực chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.
Từ khi đại dịch Covid–19 xuất hiện, đã có nhiều phong trào kêu gọi mỗi người, mỗi gia đình, làng phố và các quốc gia cùng nhau phòng chống dịch. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề của quốc gia, nhưng là đại dịch trên bình diện quốc tế. Ai cũng thấy những ảnh hưởng kinh hoàng của nó lên sức khỏe và nền kinh tế của mỗi quốc gia. Suy thoái, đại khủng hoảng là dự báo có thể xảy ra. Nhất là những nước đang phát triển, đặc biệt các nước nghèo, người ta đang chết không chỉ vì virus, nhưng còn vì đang thiếu nhu cầu căn bản để sống. Người nghèo đang kêu gào lòng thương hại của con người. Họ chờ mong lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm. Chính trong bối cảnh này, dường như đại dịch là cơ hội để chúng ta chữa bệnh vô cảm.
Là người ai cũng có cảm xúc, tình cảm. Thật không thể tưởng tượng được vô cảm tức là người ấy không có cảm xúc. Họ thờ ơ với ngoại cảnh, sống lạnh nhạt, vô tâm với cuộc sống, với những người ở xung quanh. Ngay cả những sự kiện hoặc ai đó đang tác động vào cảm xúc của họ, họ cũng lãnh đạm thờ ơ. Dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, hành xử kiểu “mackeno” (mặc kệ nó), đang là những biểu hiện đáng lo của nhiều người. Thật dễ thấy người ta đang thờ ơ với người nghèo đói bên cạnh. Không ít người vui thích khi thấy con số nạn nhân Covid–19 của các nước tăng lên. Lắm người còn buông lời mặc kệ đáng đời. Bên cạnh đó, hệ thống báo chí truyền thông cũng có thể giúp cho bệnh vô cảm lan nhanh hơn. Họ hướng ống kính về nước khác để quên đi nỗi đau của nước mình.
Đây là lúc con người đoàn kết lại. Ai có thể làm điều gì tốt cho mình và người thân, cho Giáo Hội và xã hội, xin đừng ngần ngại. Cùng nhau tạo môi trường sống yêu thương, san sẻ là liều thuốc hiệu quả để căn bệnh vô cảm thuyên giảm. Từ vài tuần nay, chúng ta thấy có nhiều sáng kiến để giúp người nghèo. Đó là những cây ATM gạo, những tổ chức thiện nguyện, nhiều caritas của giáo xứ, biết bao phong trào người trẻ Công Giáo, các dòng tu, mỗi giáo phận đang đồng hành với người nghèo. Tất cả theo tiếng gọi của Thầy Giêsu: phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39).
Dĩ nhiên người nghèo lúc nào cũng có. Nhiều bạn thoái lui khi cho rằng từ thiện, bác ái thì cũng chẳng đi đến đâu. Hẳn là một người, vài nhóm người thì ngọn nến yêu thương ấy chưa lớn mạnh, nhưng mỗi người cùng thắp nên ngọn nến yêu thương, khi đó, bệnh vô cảm sẽ thuyên giảm nhanh hơn. Thử tượng tượng mỗi người gieo một chút suy nghĩ, việc làm tốt, chắc là cuộc sống của chúng ta dễ thương hơn nhiều. Khi đó người ta mới xứng đáng là con người văn minh và lịch sự. Là con Chúa, người Công Giáo càng được mời gọi để chu toàn hai chiều kích của tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Bằng cách nào?
Ai cũng có cái tốt để trao tặng cho nhau. Nói thì dễ, nhưng thực hiện lại thách đố vô cùng. Phần vì triệu chứng vô cảm thôi thúc người ta quy hướng về mình, phần vì nhiều người sợ cho đi là mất mát. Tình yêu thương khi được trao ban, nó sinh ích cả phía người cho lẫn người nhận. Thật tốt để lòng mình lắng đọng. Xem mình có điều gì có thể trao ban cho tha nhân trong lúc này. Đó không hẳn là vật chất tiền của, nhưng còn là thái độ sống dễ thương hơn, trao ban nụ cười, lời cầu nguyện, động viên hoặc chia sẻ những thông điệp hy vọng trong thời đại dịch này.
Khi viết đề tài này, tôi nhận được phác đồ điều trị từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đưa ra “kế hoạch hồi sinh”[2] sau đại dịch Covid–19. Chính điều này không chỉ giúp cho người ta vượt qua đại dịch, nhưng còn chữa lành những tâm hồn vô cảm.
– “Ở bên và đồng hành”. Con người cần nhau lúc này. Đành rằng ở bên thường sinh ra xung đột và khó chịu. Chẳng vì thế mà người ta cho rằng: “Ở gần mỏi miệng, ở xa mỏi chân”. Nhưng đó là vì lòng người chưa yêu thương đủ. Một khi người ta chấp nhận ở bên, đồng hành với nhau, khi đó, vô cảm tự động sẽ bị gạt ra bên lề. Lúc ấy người ta biết khóc với người khóc, vui với những ai vui mừng. Đó là môi trường sống lý tưởng mà con người đang khao khát dựng xây. Tiếc là sự đổ vỡ trong các tương quan từ nhiều thập niên qua, khiến ở bên và đồng hành gặp nhiều thách đố.
– Tinh thần đồng trách nhiệm. Đức Thánh Cha suy tư về điểm này, khi chiêm ngắm các chị em phụ nữ “đang mang dầu thơm”, và “mang sự xức dầu” ra mộ Chúa. Những người này cảm thấy mình có trách nhiệm chăm lo cho thi hài của Đức Giêsu. Cũng vậy, những tháng này nhiều người đang chăm sóc cho các bệnh nhân giữa đại dịch. Có biết bao người đang chung tay phòng chống dịch. Vô số đoàn thể nhận ra mình có trách nhiệm liên đới với nhau, với người nghèo. Nhờ thế, chúng ta có hy vọng nhiều hơn vào khả năng chống dịch và cũng thấy được lòng nhân ái của con người.
– Kháng thể liên đới. Nếu Covid–19 cần Vác–xin và thuốc để chữa trị, thì nó cũng cần phải được điều trị bằng kháng thể của tình liên đới. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Mỗi hành động cá nhân không phải là một hành động đơn độc. Tốt hơn hay tệ hơn, tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác.” Điều này cũng đúng cho căn bệnh vô cảm. Khi không ý thức phòng chống vô cảm, người ta có nguy cơ mắc bệnh. Nhờ đại dịch, chúng ta thấy mối dây liên đới giữa các thành viên trong gia đình, làng xóm, quốc gia và thế giới gần nhau hơn. Đau khổ và khủng hoảng lần này không của riêng ai. Thật đáng trách những ai tự cho mình đứng ngoài biến cố này. Đáng mừng vì còn vô vàn tấm lòng nhân ái đang hướng về nhau, về những ai cần giúp đỡ. Hy vọng, làn sóng tình người giữa cơn đại dịch có thể đưa người ta xích lại gần nhau. Được như thế, bệnh vô cảm sẽ qua đi, người ta sẽ thành người hơn với những cảm xúc, tình cảm và tình yêu.
Tạm kết
Chắc chút chia sẻ trên đây không đủ để chữa khỏi căn bệnh trầm kha vô cảm. Chắc ai cũng thừa nhận rằng bệnh này cần người ta luyện tập, cần thực thi hơn là lời nói hoặc những phương pháp. Ước gì mỗi người cũng có cách thế riêng của mình để sống quảng đại và tốt lành hơn. Đừng quên ơn Chúa và Giáo Hội luôn là những liều thuốc bổ tuyệt vời cho tâm hồn mỗi người. Hãy học với Chúa, vì Chúa có lòng hiền hậu và khiêm nhường! Khi đó chắc là cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều!
[2] ĐTC Phanxicô đưa ra “kế hoạch hồi sinh” sau đại dịch Covid-19
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ