Đại dịch có thể chữa khỏi bệnh vô cảm?
Đại dịch có thể chữa khỏi bệnh vô cảm?
Đã từ lâu, ai cũng có thể nhận ra căn bệnh vô cảm[1] lan tràn tại Việt Nam. Gọi là bệnh vì nó có triệu chứng và đang bào mòn lòng nhân ái của người Việt. Nói không chỉ lan vào thế giới người trẻ, nhưng cũng ảnh hưởng để thế hệ người già và trẻ em cũng không miễn nhiễm. Khi lòng nhân ái và tình yêu thương con người trở nên xa xỉ, thì lòng vô cảm theo đó mà tăng lên.
Có quá nhiều ví dụ về căn bệnh vô cảm mà công cụ tìm kiếm Google cho 95 triệu kết quả liên quan. Hẳn nhiên từ hệ thống giáo dục, các tôn giáo và từ phía Giáo Hội Công Giáo cũng đang nỗ lực chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.
Từ khi đại dịch Covid–19 xuất hiện, đã có nhiều phong trào kêu gọi mỗi người, mỗi gia đình, làng phố và các quốc gia cùng nhau phòng chống dịch. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề của quốc gia, nhưng là đại dịch trên bình diện quốc tế. Ai cũng thấy những ảnh hưởng kinh hoàng của nó lên sức khỏe và nền kinh tế của mỗi quốc gia. Suy thoái, đại khủng hoảng là dự báo có thể xảy ra. Nhất là những nước đang phát triển, đặc biệt các nước nghèo, người ta đang chết không chỉ vì virus, nhưng còn vì đang thiếu nhu cầu căn bản để sống. Người nghèo đang kêu gào lòng thương hại của con người. Họ chờ mong lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm. Chính trong bối cảnh này, dường như đại dịch là cơ hội để chúng ta chữa bệnh vô cảm.
Là người ai cũng có cảm xúc, tình cảm. Thật không thể tưởng tượng được vô cảm tức là người ấy không có cảm xúc. Họ thờ ơ với ngoại cảnh, sống lạnh nhạt, vô tâm với cuộc sống, với những người ở xung quanh. Ngay cả những sự kiện hoặc ai đó đang tác động vào cảm xúc của họ, họ cũng lãnh đạm thờ ơ. Dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, hành xử kiểu “mackeno” (mặc kệ nó), đang là những biểu hiện đáng lo của nhiều người. Thật dễ thấy người ta đang thờ ơ với người nghèo đói bên cạnh. Không ít người vui thích khi thấy con số nạn nhân Covid–19 của các nước tăng lên. Lắm người còn buông lời mặc kệ đáng đời. Bên cạnh đó, hệ thống báo chí truyền thông cũng có thể giúp cho bệnh vô cảm lan nhanh hơn. Họ hướng ống kính về nước khác để quên đi nỗi đau của nước mình.
Đây là lúc con người đoàn kết lại. Ai có thể làm điều gì tốt cho mình và người thân, cho Giáo Hội và xã hội, xin đừng ngần ngại. Cùng nhau tạo môi trường sống yêu thương, san sẻ là liều thuốc hiệu quả để căn bệnh vô cảm thuyên giảm. Từ vài tuần nay, chúng ta thấy có nhiều sáng kiến để giúp người nghèo. Đó là những cây ATM gạo, những tổ chức thiện nguyện, nhiều caritas của giáo xứ, biết bao phong trào người trẻ Công Giáo, các dòng tu, mỗi giáo phận đang đồng hành với người nghèo. Tất cả theo tiếng gọi của Thầy Giêsu: phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39).
Dĩ nhiên người nghèo lúc nào cũng có. Nhiều bạn thoái lui khi cho rằng từ thiện, bác ái thì cũng chẳng đi đến đâu. Hẳn là một người, vài nhóm người thì ngọn nến yêu thương ấy chưa lớn mạnh, nhưng mỗi người cùng thắp nên ngọn nến yêu thương, khi đó, bệnh vô cảm sẽ thuyên giảm nhanh hơn. Thử tượng tượng mỗi người gieo một chút suy nghĩ, việc làm tốt, chắc là cuộc sống của chúng ta dễ thương hơn nhiều. Khi đó người ta mới xứng đáng là con người văn minh và lịch sự. Là con Chúa, người Công Giáo càng được mời gọi để chu toàn hai chiều kích của tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Bằng cách nào?
Ai cũng có cái tốt để trao tặng cho nhau. Nói thì dễ, nhưng thực hiện lại thách đố vô cùng. Phần vì triệu chứng vô cảm thôi thúc người ta quy hướng về mình, phần vì nhiều người sợ cho đi là mất mát. Tình yêu thương khi được trao ban, nó sinh ích cả phía người cho lẫn người nhận. Thật tốt để lòng mình lắng đọng. Xem mình có điều gì có thể trao ban cho tha nhân trong lúc này. Đó không hẳn là vật chất tiền của, nhưng còn là thái độ sống dễ thương hơn, trao ban nụ cười, lời cầu nguyện, động viên hoặc chia sẻ những thông điệp hy vọng trong thời đại dịch này.
Khi viết đề tài này, tôi nhận được phác đồ điều trị từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đưa ra “kế hoạch hồi sinh”[2] sau đại dịch Covid–19. Chính điều này không chỉ giúp cho người ta vượt qua đại dịch, nhưng còn chữa lành những tâm hồn vô cảm.
– “Ở bên và đồng hành”. Con người cần nhau lúc này. Đành rằng ở bên thường sinh ra xung đột và khó chịu. Chẳng vì thế mà người ta cho rằng: “Ở gần mỏi miệng, ở xa mỏi chân”. Nhưng đó là vì lòng người chưa yêu thương đủ. Một khi người ta chấp nhận ở bên, đồng hành với nhau, khi đó, vô cảm tự động sẽ bị gạt ra bên lề. Lúc ấy người ta biết khóc với người khóc, vui với những ai vui mừng. Đó là môi trường sống lý tưởng mà con người đang khao khát dựng xây. Tiếc là sự đổ vỡ trong các tương quan từ nhiều thập niên qua, khiến ở bên và đồng hành gặp nhiều thách đố.
– Tinh thần đồng trách nhiệm. Đức Thánh Cha suy tư về điểm này, khi chiêm ngắm các chị em phụ nữ “đang mang dầu thơm”, và “mang sự xức dầu” ra mộ Chúa. Những người này cảm thấy mình có trách nhiệm chăm lo cho thi hài của Đức Giêsu. Cũng vậy, những tháng này nhiều người đang chăm sóc cho các bệnh nhân giữa đại dịch. Có biết bao người đang chung tay phòng chống dịch. Vô số đoàn thể nhận ra mình có trách nhiệm liên đới với nhau, với người nghèo. Nhờ thế, chúng ta có hy vọng nhiều hơn vào khả năng chống dịch và cũng thấy được lòng nhân ái của con người.
– Kháng thể liên đới. Nếu Covid–19 cần Vác–xin và thuốc để chữa trị, thì nó cũng cần phải được điều trị bằng kháng thể của tình liên đới. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Mỗi hành động cá nhân không phải là một hành động đơn độc. Tốt hơn hay tệ hơn, tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác.” Điều này cũng đúng cho căn bệnh vô cảm. Khi không ý thức phòng chống vô cảm, người ta có nguy cơ mắc bệnh. Nhờ đại dịch, chúng ta thấy mối dây liên đới giữa các thành viên trong gia đình, làng xóm, quốc gia và thế giới gần nhau hơn. Đau khổ và khủng hoảng lần này không của riêng ai. Thật đáng trách những ai tự cho mình đứng ngoài biến cố này. Đáng mừng vì còn vô vàn tấm lòng nhân ái đang hướng về nhau, về những ai cần giúp đỡ. Hy vọng, làn sóng tình người giữa cơn đại dịch có thể đưa người ta xích lại gần nhau. Được như thế, bệnh vô cảm sẽ qua đi, người ta sẽ thành người hơn với những cảm xúc, tình cảm và tình yêu.
Tạm kết
Chắc chút chia sẻ trên đây không đủ để chữa khỏi căn bệnh trầm kha vô cảm. Chắc ai cũng thừa nhận rằng bệnh này cần người ta luyện tập, cần thực thi hơn là lời nói hoặc những phương pháp. Ước gì mỗi người cũng có cách thế riêng của mình để sống quảng đại và tốt lành hơn. Đừng quên ơn Chúa và Giáo Hội luôn là những liều thuốc bổ tuyệt vời cho tâm hồn mỗi người. Hãy học với Chúa, vì Chúa có lòng hiền hậu và khiêm nhường! Khi đó chắc là cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều!
[2] ĐTC Phanxicô đưa ra “kế hoạch hồi sinh” sau đại dịch Covid-19
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ