Khô hạn mùa dịch
Biến đổi khí hậu, khô hạn, nhiễm mặn… là những vấn đề cấp bách hiện nay. Tình trạng đó không phải là nguy cơ như một số người vẫn nghĩ, nhưng đang rất thật và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta.
Tình trạng khô hạn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
Những ngày này, cả nước đang trong tình trạng cách ly vì dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra. Dịch bệnh khiến cho các hoạt động kinh tế suy giảm, ngưng trệ khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, số lượng người thất nghiệp tăng. Đáng lo hơn, nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những người nghèo trên cả nước. Thế nhưng nếu nhìn về Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lúc này, người dân ở đây còn khó khăn gấp bội. Tình trạng nhiễm mặn, khô hạn không chỉ khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn là chủ yếu tại vùng sông nước này, bị ngưng trệ, nhưng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường ngày của người dân do thiếu nước ngọt sinh hoạt, đặc biệt tại các tỉnh như Bến Tre và Tiền Giang. Cuộc sống của người dân thật sự bị đảo lộn.
Theo các chuyên gia, tình trạng khô hạn và nhiễm mặn lịch sử ở miền Tây năm nay có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như việc lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông rất ít do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Lượng mưa thấp kỷ lục này khiến nước đổ về hạ nguồn không nhiều. Cũng chính vì thế các đập thủy điện dọc lưu vực sông Mê Kông phải tích nước cho đến khi đầy mới xả ra để phát điện. Điều này khiến lượng nước đổ về hạ nguồn rất ít khiến cho tình trạng hạn mặn càng thêm nghiêm trọng. Hiện tại, dọc lưu vực sông Mê Kông có hàng chục đập thủy điện khác nhau tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Các đập thủy điện này không chỉ nằm trên dòng chảy chính sông Mê Kông mà cả trên các phụ lưu của dòng sông khiến lưu lượng nước dòng chính giảm đi đáng kể.
Tình trạng trên lại một lần nữa là lời cảnh báo nghiêm trọng cho chúng ta về vấn đề tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.
Cảnh báo từ Tổ chức Khí tượng Thế giới
Năm nay, đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập (23/3/1950 – 23/3/2020), Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization) nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc quản lý tài nguyên nước. Nhu cầu ngày càng tăng đối với tài nguyên nước trên thế giới trong bối cảnh sự biến đổi khí hậu đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng thực sự [1].
Theo cơ quan này, tác động của biến đổi khí hậu được thấy rõ qua sự thay đổi nguồn nước. Lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm ngày càng nhiều hơn. Kể từ năm 1900, hơn 11 triệu người đã chết vì hạn hán và 2 tỷ người đã bị ảnh hưởng. Từ những năm 1970, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán đã tăng gấp đôi, làm suy yếu sinh kế, đảo ngược lợi ích phát triển và làm nghèo đói giữa hàng triệu người sống phụ thuộc trực tiếp vào đất đai [2]. Khoảng 25% dân số thế giới, 2 tỷ người, sống ở các quốc gia khan hiếm nước nghiêm trọng và khoảng 4 tỷ người gặp phải tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất một tháng trong năm. Theo dự báo, đến năm 2050, nhu cầu về nước dự kiến sẽ cao hơn 25 đến 30% so với hiện nay [3].
Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam
Hiện tượng thiếu nước đang diễn ra tại ĐBSCL hiện nay là đề nghiêm trọng và mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia phải đối mặt với ô nhiễm cao của thế giới, từ biển cho đến đất, nước, không khí… Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất trên thế giới và nằm trong số 10 nước ô nhiễm không khí nhất thế giới, chưa kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt hàng trăm ngàn m3 mỗi ngày và hàng trăm tấn rác được thải ra các sông đều không được xử lý. Tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt ở mức thấp, chỉ khoảng 13%. Nước thải công nghiệp chỉ có 10% là được xử lý [4].
Chắc những con số thống kê ấy chưa làm nhiều người quá lo lắng, bận tâm bởi chưa thấy ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mình. Nhưng quả thật, chúng đều ở trong tình trạng báo động. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 2-3 độ C và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20 cm. Ước tính, đến cuối thế kỷ XXI, so với trung bình thời kỳ 1980 -1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 2,3 độ C, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 5% và mực nước biển có thể dâng thêm 75 cm. Theo số liệu phân tích về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…[5]
Tông thư Laudato si’ với vấn đề biến đổi khí hậu
Trong Tông thư Laudato si’ – “Chăm sóc ngôi nhà chung”, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: “Thánh Phanxicô thành Assisi đã hát lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con”. Trong bài thánh ca tươi đẹp này, ngài nhắc cho chúng ta nhớ, ngôi nhà chung của chúng ta phải được xem như người chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ cuộc sống, và như người mẹ ôm lấy chúng ta [6].
Một môi trường sống trong sạch, đảm bảo những điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của con người là ước mơ của tất cả mọi người. Tuy nhiên, chính con người làm mất cân bằng sinh thái và làm cho tình trạng của trái đất ngày càng tệ.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến hậu quả của nó đối với toàn xã hội, mà những người chịu ảnh nhưởng nhất hiện nay là người nghèo khi “phương tiện để bảo đảm cuộc sống của họ gắn chặt vào những tài nguyên tự nhiên”. Ngài viết: “Việc thay đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu với phương diện môi trường trầm trọng về những chiều kích xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị; nó đưa ra một thách đố quan trọng nhất trong hiện tại cho nhân loại. Những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra trong những thập niên tới nơi những nước phát triển. Nhiều người nghèo sống trong những vùng mà những hiện tượng này xảy đến, liên kết với việc biến đổi khí hậu và các phương tiện để bảo đảm cuộc sống của họ gắn chặt vào những tài nguyên tự nhiên và những chuyển biến sinh thái như nông nghiệp, ngư nghiệp và nguồn lợi từ rừng. Họ không có những hoạt động tài chính và những tài nguyên khác, giúp họ vượt qua ảnh hưởng của khí hậu hay tai họa, họ cũng khó tiếp cận đến chương trình xã hội và bảo vệ” [7].
Với vấn đề nguồn nước, Đức Giáo hoàng nêu lên tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự sống của loài người khi cho rằng có được nguồn nước an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản của tất cả mọi người vì nó ảnh hưởng đến sự sống còn của con người. Vì thế, đây chính là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác. Tước bỏ quyền của người nghèo được nước uống có nghĩa là “phủ nhận quyền sống vốn bắt nguồn từ chính phẩm giá bất khả nhượng của họ” [8]. Tuy nhiên, một số quốc gia, vì những lợi ích kinh tế của mình mà bất chấp và làm ngơ hoặc phản ứng “yếu kém về mặt chính trị toàn cầu”: “Chính trị phải tùng phục kỹ thuật và vần đề tài chính, điều này cho thấy trong sự thất bại của cả thế giới về vấn đề môi trường. Có quá nhiều lợi lộc kinh tế riêng tư, và cũng dễ dàng nhằm vào lợi lộc kinh tế, đưa đến người nắm quyền đánh giá cao ích lợi chung và khuynh đảo những thông số để không ảnh hưởng gì đến những chương trình riêng của họ” [9].
Thuyết Xã hội của Giáo hội cũng từng lưu ý chúng ta rằng: sự triển kinh tế là mục tiêu và quyền lợi của cá nhân, gia đình và các quốc gia. Tuy nhiên, người ta không thể bất chấp những lợi ích kinh tế mà tàn phá môi trường một cách vô tội vạ. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội viết: “Các chương trình phát triển kinh tế cần phải cẩn thận lưu ý tới nhu cầu tôn trọng sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên vì các tài nguyên thiên nhiên là có hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được… Một nền kinh tế biết tôn trọng môi trường sẽ không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình, vì việc bảo vệ môi trường không thể được đảm bảo nếu chỉ dựa trên những tính toán tài chính giữa phí tổn bỏ ra và lợi nhuận thu vào. Môi trường là một trong các tài sản không thể được bảo vệ hay được phát huy cách thích đáng chỉ nhờ các lực lượng thị trường”.[10]
Do đó, trong Tông thư Laudato si’, Đức Giáo hoàng cũng nêu rõ lập trường của Giáo hội về vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, trong đó nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của các nước phát triển và kêu gọi tất cả phải chung tay góp sức.
Người Kitô hữu và trách nhiệm công dân với “ngôi nhà chung của nhân loại”
Việc đòi hỏi khẩn thiết để bảo vệ cho “ngôi nhà chung” không chỉ ở tầm vĩ mô, nhưng còn là trách nhiệm của từng người trong chúng ta. Trong thánh lễ sáng Thứ Hai ngày 09-02-2015 tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói đến trách nhiệm của việc bảo vệ môi sinh của người Kitô hữu: “Một Kitô hữu không biết bảo vệ các thụ tạo, không biết để cho chúng sinh trưởng, thì đó là một Kitô hữu không biết chăm sóc công việc của Thiên Chúa; công việc đó đã ra đời từ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”[11].
Trong Tông thư Laudato si’, Ngài đề cập đến tầm quan trọng của việc giáo dục và huấn luyện con người như là những thách đố chủ yếu trong việc bảo vệ môi trường hiện nay: “Mọi thay đổi cần có những động lực và một hành trình giáo dục”[12]; bởi nó cần có sự can dự của tất cả các lãnh vực giáo dục, mà trước tiên là “trường học, gia đình, các phương tiện truyền thông, việc huấn giáo” [13], đặc biệt là tầm quan trọng của đức tin: “Đối với tín hữu,thế giới không được chiêm ngắm từ bên ngoài nhưng từ bên trong, nhìn nhận những lối liên hệ qua đó Chúa Cha liên kết chúng ta với mọi sinh vật. Ngoài ra khi làm tăng trưởng khả năng đặc thù mà Thiên Chúa ban cho mỗi tín hữu, sự hoán cải môi sinh dẫn đưa họ đến chỗ phát huy khả năng sáng tạo và sự hăng hái” [14].
Đức Giam mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. – Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, trong lá Thư chung ngày 13-05-2016, khi Ngài còn là Giám mục Giáo Phận Vinh, đã thẳng thắn nhấn mạnh rằng: “Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế- kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội”.
Ước gì mỗi người Công giáo luôn ý thức thế giới chúng ta đang sống là một ân huệ mà chúng ta được lãnh nhận xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, và nó không thể nảy sinh hoa trái nếu không có sự đáp trả đặc biệt của mỗi người chúng ta [15], và thực hành việc bảo vệ “ngôi nhà chung” này cũng là bảo vệ sự sống của chính mình hôm nay và cũng là cho các thế hệ mai sau.
Chú thích:
[1] World Meteorological Day: Climate & Water – https://worldmetday.wmo.int
[2] World Meteorological Day: Climate & Water – Drought –
– https://worldmetday.wmo.int/en/drought
[3] World Meteorological Day: Climate & Water – Every Drop Counts –
– https://worldmetday.wmo.int/en/every-drop-counts
[4] – Gia đình bảo vệ Môi trường – https://tgpsaigon.net;
– Việt Nam lọt top 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất –
https://nongnghiepthongminh.vn;
– Chỉ 13% lượng nước thải đô thị được xử lý – https://thanhnien.vn
[5] Biến đổi khí hậu và 5 nguy cơ đối với nông nghiệp Việt Nam –
http://tapchitaichinh.vn/
[6] Tông thư Laudato si’, số 1.
[7] Tông thư Laudato si’, số 25.
[8] Tông thư Laudato si’, số 30.
[9] Tông thư Laudato si, số 54.
[10] Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình: Tóm lược học thuyết xã hội của Công Giáo, số 470.
[11] Laudato si’ dành cho người bận rộn – http://www.cgvdt.vn
[12] Tông thư Laudato si’, số 15.
[13] Tông thư Laudato si’, số 213.
[14] Tông thư Laudato si’, số 220.
[15] Tông thư Laudato si’, số 220.