2023
Cách giải thích cho trẻ em biết Giáo hoàng là ai?
Cái chết của Đức Bênêđíctô XVI đã đặt các bậc cha mẹ trước thử thách làm sao giải thích cho con cái hiểu thế nào là một vị Giáo hoàng và tại sao phải yêu mến ngài. Một nhà tâm lý trị liệu đã đưa ra những lời khuyên để giải quyết vấn đề này.
Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô XVI, đã qua đời. Sinh ra ở Bavaria (nước Đức), tôi tưởng tượng ngài như một trong nhiều đứa trẻ đã dạo chơi giữa những phong cảnh độc đáo với vẻ đẹp hoang sơ ở đó.
Xuất thân từ một gia đình gốc kitô giáo, ngài đã học từ nơi cha mình, một cảnh sát, cách chúc lành cho những bữa ăn, cầu nguyện trước khi đi ngủ và đến nhà thờ. Mẹ của ngài là bà Maria từng là gia nhân trong các khách sạn nhỏ, nên bà được đào tạo bài bản về nấu nướng. Nhà thờ và nhà bếp là thế giới của bà. Thuở thiếu thời, Joseph đã bén rễ sâu trong Chúa Kitô.
Đứa trẻ đó chắc chắn không nghĩ rằng mình sẽ trở thành một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Một con người được tuyển chọn để suy tư, nói và giảng dạy bằng niềm tin và sự khiêm nhường thông điệp sâu sắc về tình yêu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống. Năm 2015, L. Ventoso đã viết rằng, Bênêđictô XVI là một nhà hiền triết vĩ đại nhất ngồi trên ngai tòa Phêrô, với sự cho phép của Đức Lêô XII và Phaolô VI (L. Ventoso, Hablar, ABC (18 de enero de 2015). Benedicto XVI, Tiểu sử, Pablo Blanco).
Nhưng Giáo hoàng là gì?
Đó là một câu hỏi quan trọng, ngay cả khi nó có vẻ ngây thơ. Hiện nay có hàng triệu người công giáo biết rất ít về Giáo hoàng và không có lòng kính trọng hay có thiện cảm với ngài. Nếu là tôi, với tư cách là một người công giáo trưởng thành, tôi kính trọng và yêu mến Đức Giáo hoàng và chấp nhận ngài như vị thủ lĩnh hữu hình của Chúa Kitô trên trần gian, tôi sẽ là một chiếc gương sáng cho các con của tôi về vấn đề này.
Tôi nhớ khi tôi chừng 14 tuổi, lần đầu tiên có người cho tôi xem ảnh của thánh Gioan Phaolô II. Một số nữ tu đã vui mừng thông báo với tôi rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước chúng tôi. Chúng tôi phải chuẩn bị tài liệu để giải thích Đức Giáo Hoàng là ai và điều quan trọng là tại sao không chỉ biết ngài mà còn yêu mến ngài nữa.
Đây là sáu cách để nói cho con cái của bạn biết Đức Giáo Hoàng là ai
– Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, là giám mục Rôma và là Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo.
– Ngài là người Đại diện, tức là đại diện cho chính Chúa Kitô. Tước hiệu Đại diện này lần đầu tiên được sử dụng bởi Giáo hoàng Innocent III thay vì “Đại diện cho thánh Phêrô”. Tước hiệu “Đại diện cho Chúa Kitô” nhấn mạnh địa vị của Giáo hoàng với tư cách là đại diện của chính Chúa Kitô.
– Giáo hoàng là Chủ chăn của Giáo hội, được hỗ trợ bởi ơn thánh mà Chúa Kitô đã hứa với Giáo hội (La fe cristiano explicada, Scott Hahn, Jaime Socías, tr. 197).
– Ngài là Mục tử và Thầy dạy tối cao của mọi tín hữu, là người củng cố đức tin cho anh em mình (GLCG 892).
– Ngài có Chìa khóa Nước Trời. Chúa Kitô đã trao cho Phêrô chìa khóa như biểu trưng khiến ngài trở thành người bảo vệ các giáo huấn của Chúa. Vì vậy, ngài có “trách nhiệm loan báo Tin mừng của Thiên Chúa cho mọi người” (GLCG 888).
– Giáo Hoàng là đá tảng của Giáo Hội. Đây là nghĩa đen của tên “Phêrô”, tiếng Hy Lạp là Petros. Tên Phêrô này do Chúa Kitô đặt để ám chỉ rằng ngài sẽ là “đá”, “đá tảng” mà trên đó Chúa sẽ xây dựng Giáo hội của mình.
2023
TÔN VINH CHÚA BA NGÔI TRONG CUỘC SỐNG KI-TÔ HỮU
TÔN VINH CHÚA BA NGÔI TRONG CUỘC SỐNG KI-TÔ HỮU
Trong trình thuật việc Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Giô-đan, thánh Mác-cô đã tóm tắt mấy dòng sau đây: “Hối ấy, Đức Giê-su từ Na-gia-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’ ” (Mc 1, 9-11).
Một bức tranh chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sinh động, rất ý nghĩa, đầy ấn tượng về sự hiện diện của Cha và Thánh Thần trong giờ phút linh thiêng, giới thiệu và chuẩn nhận nguồn gốc, vai trò, sứ mệnh của Con, Đức Giê-su Na-da-rét, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Đây cũng là một cách nhìn thần học rất sâu sắc của thánh sử về một biến cố đặc biệt, về một mầu nhiệm quan trọng trong cuộc đời của Đức Giê-su.
Thực ra, không phải chỉ có lúc xảy ra phép rửa ở sông Gio-đan chúng ta mới nghe nói về Ngôi Cha, về Ngôi Thánh Thần, mà qua Tin Mừng, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra việc Đức Giê-su luôn sống, hoạt động, suy nghĩ và cầu nguyện với Cha.
Thánh Lu-ca đã tường thuật ngắn về việc Đức Giê-su lúc mười hai tuổi, ngồi giữa các bậc thầy Do thái ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Khi cha mẹ Ngài là ông Giu-se và bà Ma-ri-a tìm thấy Ngài trong Đền Thờ, lên tiếng hỏi về việc lạc mất con, Ngài đã trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (x. Lc 2, 41-50).
Câu nói trên của Đức Giê-su vừa là một trả lời vấn nạn của cha mẹ, vừa là một khẳng định về mạc khải mối quan hệ đặc biệt giữa Ngài và Cha của Ngài. Thực vậy, trong cuộc đời tại thế của mình, Đức Giê-su đã chứng tỏ Ngài luôn hiện diện với Cha, luôn thực hiện chương trình cứu độ mà Cha đã trao cho Ngài. Đức Giê-su đã từng nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 17).
Quả vậy, Đức Giê-su Na-da-rét tràn đầy kinh nghiệm sống với Cha và kinh nghiệm hiệp thông trong Thánh Thần. Những kinh nghiệm ấy Ngài muốn chia sẻ với chúng ta. Thánh Gio-an đã quả quyết: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18).
Đức Giê-su chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Cha
Trong đời sống tại thế của mình, Đức Giê-su không bao giờ tỏ ra là người sống đơn độc, ngay cả khi bị thử thách nhất, lúc cái chết gần kề, Ngài cũng cảm thấy Cha đang có mặt để nghe Ngài than thở: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42).
Quả thực, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và với tâm trạng nào, Đức Giê-su luôn luôn hiện diện với Cha để sống tâm tình của một người con đích thực.
. Ngài luôn vâng lời và trung tín: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).
. Ngài quan tâm lo lắng chu toàn bổn phận: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).
. Ngài được Cha tin tưởng và yêu mến: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3, 34-35).
. Ngài tuyệt đối trung thành đường lối của Cha: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7, 16).
. Ngài hoàn toàn hy sinh vì sứ vụ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 18).
. Ngài phản ánh cách tuyệt vời dung mạo của Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).
. Ngài coi trọng tuyệt đối việc thực thi ý Cha: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 50).
. Ngài tín thác tuyệt đối nơi Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Riêng thánh Phao-lô đã tóm tắt cách sâu đậm sứ mệnh thiên sai của Đức Giê-su như sau:
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Kinh nghiệm của Đức Giê-su đã củng cố niềm tin của chúng ta vì sau này, qua Hội thánh Chúa Ki-tô, chúng ta được thừa kế ân huệ làm nghĩa tử thần linh của Chúa Cha trong và nhờ Chúa Ki-tô. Chúng ta cũng được quyền gọi Thiên Chúa là Cha như Đức Giê-su Ki-tô.
Đức Giê-su chia sẻ kinh nghiệm về Thánh Thần
Linh mục Amédée Brunot trong cuốn “Bàn tiệc Khôn ngoan” đã viết như sau: “Thần Khí đã đạt đến mức hoàn hảo trong nhân vị của Chúa Giê-su Nadarét, con người mang Thần Khí một cách tiêu biểu. Được thụ thai trong lòng trinh nữ Ma-ri-a do Thần Khí, được Thần Khí đưa ra mắt hôm chịu thanh tầy ở sông Gio-đan, được Thần Khí hướng dẫn suốt cuộc đời, được Thần Khí mạc khải qua cái chết”. [1]
Thực vậy, Thánh Thần hiện diện với Ngôi-Con-nhập-thể như một sức mạnh nội tại và nguồn lực thâm sâu, thường xuyên và mạnh mẽ. Suốt cuộc đời thực thi sứ vụ thiên sai của mình, Đức Giê-su luôn được nâng đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ bởi Thánh Thần, Đấng mà Ngài đã lãnh nhận lúc chịu phép rửa:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tôn phong tôi,
Để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18).
Vì được Thiên Chúa ban Thần Khí vô ngần vô hạn (x. Ga 3, 34), nên Đức Giê-su sung mãn kinh nghiệm sống trong và với Thánh Thần. Ngài cũng muốn chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm hiệp thông với Thánh Thần. Hiệp thông để có sức mạnh hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc và hoàn tất cuộc Vượt Qua đầy gian khổ.
. Sức mạnh chống chọi cám dỗ thử thách: “Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ…” (x. Mt 4, 1-11).
. Sức mạnh để chu toàn sứ vụ: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 28).
. Sức mạnh để tái sinh, đổi mới toàn diện: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5).
. Sức mạnh để bước vào sự thờ phượng Thiên Chúa một cách mới mẻ, chính đáng và chân thật: “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 23).
. Sức mạnh để vượt thắng mọi sóng gió nguy nan: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6, 20).
. Sức mạnh để yêu mến và tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ sẽ đến và ở lại với người ấy…Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (x. Ga 14, 22-26).
. Sức mạnh để làm chứng cho sự thật: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).
Tôn vinh Chúa Ba Ngôi trong đời sống Ki-tô hữu
Đức Giê-su chẳng những chia sẻ cho ta kinh nghiệm về Ngôi Cha và Thánh Thần, mà Ngài còn ban ơn giúp ta sống trọn vẹn tình nghĩa con thảo với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta đang sống thời kỳ hậu-Phục-sinh, nên có đủ ơn huệ dồi dào và điều kiện cần thiết để hiệp thông cách sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi.
LM A. Brunot cũng đã khẳng định: “Ba Ngôi thần linh muốn sống bên trong mỗi một chúng ta. Thiên đàng của Ba Ngôi chẳng phải là nơi thần thoại nào, nhưng chính là tâm hồn của ta…” [2]
Bản thân và cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta, vì đã mặc lấy Đức Ki-tô nên trở thành đền thờ của Thiên Chúa và cũng là của lễ toàn thiêu làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Chúng ta đã được ơn tái sinh, ơn gia nhập cộng đoàn cứu độ, ơn được làm con cái Thiên Chúa, ơn làm anh em nghĩa thiết với Đức Ki-tô. Với những ơn ấy, chúng ta không ngừng cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa bằng cách tích cực sống đạo.
Đó là điều mà chính Chúa Giê-su đã truyền dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 5, 14-16).
“Những công việc tốt đẹp” không gì khác hơn là những hoa trái của một đời sống đạo chân chính và tích cực.
Đó là thi hành trọn vẹn, mọi nơi mọi lúc, thánh ý Thiên Chúa theo ơn gọi của mình.
Đó là nêu gương sáng chứng nhân Ki-tô hữu giữa trần gian.
Đó là thực thi bác ái Ki-tô giáo một cách hoàn hảo và sâu đậm.
Đó là theo gương Chúa Ki-tô và các tông đồ hiến tế đời mình theo lời mời gọi của Tin Mừng
Đó là để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, vững bước đi theo đường lối của Chúa chỉ dẫn, xứng đáng với tư cách là con cái Thiên Chúa.
Đó là biết đồng cảm với những thao thức của Chúa và Hội thánh, biến những điều đó thành mối quan tâm của chính mình.
Tóm lại, sự tôn vinh Chúa Ba Ngôi sẽ là hoàn hảo và tuyệt vời, khi chúng ta sống đầy ắp tâm tình của Đức Giê-su Ki-tô, khi chúng ta cảm nhận trong tin yêu tình yêu bao la của Cha và khi chúng ta hiệp thông sâu xa trong Thánh Thần ./.
_______________
[1] A. Brunot, diễn giải Lời Chúa CN lễ Hiện Xuống năm A q. I, Editions Salvator, Mulhouse 1980 trang 99
[2] A. Brunot, Sđd trang 104
Aug. Trần Cao Khải
2023
Tại sao chúng ta kính nhớ người quá cố trong Thánh lễ?
Kính nhớ những người quá cố trong thánh lễ là một phong tục rất cổ xưa. Cha Nicola Ban, Đại diện Giám mục về Phúc âm hóa và các Bí tích của giáo phận Gorizia, giải thích với cổng thông tin Isontina rằng “lòng tôn kính đã xác định các thời điểm có thể xem là hữu ích để cầu nguyện cho người quá cố thân yêu trong cử hành Thánh Thể. Nói chung, những người đã qua đời được nhớ đến sau 8 ngày hoặc 30 ngày tính từ lúc qua đời hoặc từ lễ an táng”.
Ngày giỗ
“Và rồi có người quá cố được nhớ đến hàng tháng – Cha Nicôla tiếp tục – Chắc chắn rằng khi làm điều đó mỗi năm một lần vào ngày giỗ, ngày chúng ta được sinh nơi cõi trời, giúp duy trì lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân”.
Giáo lý Công giáo nói gì về điều này?
Cầu nguyện cho những người quá cố là một truyền thống cổ xưa, được đề cập trong Thánh Kinh. Chúng ta tìm thấy nguồn gốc của những thực hành này được mô tả trong Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa” (GLCG 1032).
Cyprianô thành Carthage
Cha Lamberto Crociani, giáo sư Phụng vụ tại phân Khoa Thần học miền Trung Ý, nhấn mạnh trên tạp chí điện tử Toscana Oggi rằng, vấn đề “kính nhớ người quá cố” đã được chứng thực từ giữa thế kỷ thứ 2. “Chắc hẳn chúng ta biết đến phong tục nêu tên người quá cố hay các linh hồn trong Kinh nguyện Thánh thể có từ thời Giám mục Ciprianô (thế kỷ 3), (thư 1 và 41). Trên lý thuyết, người quá cố được kính nhớ lần đầu tiên trong buổi cử hành Thánh Thể dành cho lần yên nghỉ của người đó”.
Tên của những người quá cố được ghi trên “bảng ghi danh – Dittici[1]”
Không lâu sau đó, tên của người quá cố được viết trên các bảng ghi danh trong đó liệt kê ra những điều mà Giáo hội muốn và phải nhớ đến trong thánh lễ. “Những bảng liệt kê này do một phó tế đọc, lúc bắt đầu phần Thánh Thể, có lẽ trước phần chuẩn bị lễ vật, sau khi đọc tên những người sống, những người này cũng được cộng đoàn nhớ đến vì nhiều lý do khác nhau. Từ đó, rõ ràng là từ xa xưa, việc cử hành Thánh Thể là một sự kiện mà nhờ đó những anh chị em được nhớ đến như thể đang hiện diện thực sự. Nêu tên của họ lên khiến họ hiện diện và sống động trong hành động của cộng đoàn”.
Hướng tới sự phục sinh
Nhà phụng vụ nhấn mạnh, việc này “chắc chắn đã được kéo dài cho đến thế kỷ X và thậm chí có thể lâu hơn thế: điều này diễn ra thường xuyên trong các buổi cử hành ngày thường, nhưng vào ngày Chúa nhật và các lễ trọng bảng ghi danh này không được đọc ra. Việc cử hành Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa tự nó bao gồm tất cả những kính nhớ khác, hướng toàn thể cộng đoàn về sự Phục sinh sau cùng”.
Kinh nguyện Thánh Thể (Canone Romano)
Sau thế kỷ X, số người chết gia tăng, vì vậy một vài người được nêu tên và các công thức liền được thêm vào, nó ám chỉ đến hết mọi người.
Đây là bằng chứng về việc tưởng nhớ người quá cố trong Kinh nguyện Thánh Thể: “Lạy Chúa xin cũng nhớ đến các tôi tớ Chúa (lúc này phó tế đọc một số tên trong danh sách) được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an”.
Và thêm ngay sau đó: “Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa thương ban cho các tín hữu ấy, và tất cả mọi người, đã an nghỉ trong Ðức Kitô, được vào nơi hạnh phúc, sáng láng và bình an”.
Người qua đời… và bỗng lễ
Chắc chắn mỗi ngày trong cử hành Thánh Thể, mọi người đều có thể và phải tưởng nhớ đến người thân của mình đã qua đời, cha Crociani kết luận: “Bởi vì Thánh Thể mãi là mối liên kết vĩnh viễn với họ. Nhưng tôi tin rằng, theo truyền thống của Giáo hội, việc “nêu tên” ngay cả cho những anh chị em đã qua đời là việc làm đúng đắn. Tưởng nhớ đến người quá cố của vị chủ tế trong thánh lễ là một sự tưởng nhớ đầy đủ xét về mặt giáo hội đối với các anh chị em đã đi trước chúng ta trong đức tin, theo truyền thống của bảng ghi danh rất cổ xưa”.
“Tôi cho rằng cần phải thêm vào đây một lời nhận xét khác để hoàn thiện hơn nữa – nhà phụng vụ giải thích bằng cách nói về việc kính nhớ người quá cố trong thánh lễ – chúng ta vẫn thường nghe nhiều người nói: “hôm nay là thánh lễ của tôi” và đây là “bỗng lễ”. Việc cử hành Thánh Thể, cho dù có nêu tên người sống hay đã qua đời theo truyền thống, nó còn bao trùm toàn thể cộng đoàn Giáo hội, với những ý chỉ cho tất cả mọi người và cùng một trật nhớ đến tất cả mọi người và mọi linh hồn, bởi vì thánh lễ là Mầu nhiệm cứu độ, trong đó Chúa Kitô vẫn luôn hiện tại hóa cho tất cả mọi người”.
——————-
[1] Dittici: Bảng liệt kê tên các giám mục, linh mục, giáo dân được nhớ tới trong thánh lễ, còn sống hay đã qua đời.
2023
Tại sao chúng ta cầu nguyện cho người đang hấp hối?
Cái chết có thể là một sự kiện đáng sợ trong cuộc đời của mỗi người, nhất là khi biết mình sắp chết, biết mình sắp rời bỏ cuộc sống này bất cứ lúc nào. Và điều này cho thấy tại sao việc cầu nguyện cho người đang hấp hối cực kỳ quan trọng, bằng cách cầu xin Chúa tuôn đổ ân sủng của Ngài trên linh hồn đang đau khổ.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích lý do tại sao người hấp hối cần lời cầu nguyện của chúng ta trong phần nói về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân:
“Ơn căn bản của bí tích này là ơn sức mạnh, bình an và can đảm để lướt thắng những khó khăn do bệnh tật hay tuổi già. Đây là hồng ân của Chúa Thánh Thần giúp người đau yếu tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, cho họ sức mạnh chống lại cám dỗ của ma quỷ, cám dỗ ngã lòng và sợ chết” (GLCG 1520).
Cảm giác xấu hổ và bất xứng có thể kìm chặt một người trước ngưỡng cửa của sự chết, khiến người đó tin rằng vì gánh nặng tội lỗi của họ nên không thể vào được Thiên đàng.
Thánh Gioan Phaolô II trong Thư gửi Người Cao Tuổi đã lưu ý rằng cái chết có thể gây ra nỗi sợ phải chịu đựng về những điều chưa biết:
“Về vấn đề này, Công đồng đã nói: ‘Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ mọi thứ bị tiêu diệt đời đời’ (GLCG 1006, GS 18). Chắc chắn, nỗi đau sẽ không thể nguôi ngoai nếu cái chết là sự hủy diệt hoàn toàn, sự kết thúc của mọi thứ. Do đó, cái chết buộc con người tự đặt ra cho mình những câu hỏi căn bản về chính ý nghĩa của cuộc sống: có gì bên ngoài bức tường tăm tối của cái chết? Liệu nó có tạo ra sự kết thúc vĩnh viễn của cuộc đời hay có điều gì đó vượt ra ngoài nó?”.
Những người đang hấp hối cần lời cầu nguyện của chúng ta để đối diện với những câu hỏi này trong bình an và thanh thản. Họ cần ơn Chúa để hoàn tất cuộc đời này mà không hề lo sợ về điều chưa biết.
Họ có thể ra đi trong bình an khi biết rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và sẽ đón nhận họ vào chốn vĩnh cửu của Ngài.