2023
Alleluia có nghĩa là gì?
Đặc trưng của mùa Phục sinh là các lời chúc tụng Alleluia vang lên trong các bài ca. Alleluia có nghĩa là gì? Tại sao trong mùa Chay, phụng vụ không cho phép hát Alleluia?
Alleluia là một thành ngữ gốc Do thái, ghép bởi hai từ “hallelu” (hãy ngợi khen, động từ hillel) và “jah” (Giavê, Thiên Chúa). Như vậy, alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Nên biết là bản dịch Kinh thánh sang tiếng Hy-lạp và tiếng La-tinh đã để nguyên văn Do thái chứ không dịch nghĩa ( aineite ton Kyrion; laudate Dominum) cũng tựa như đối với từ ngữ Amen. Cả hai tiếng “Amen” và “Alleluia” đều là công thức phụng vụ. Amen khẳng định niềm xác tín, chấp nhận lời Chúa; Alleluia mang tính cách tôn vinh chúc tụng.
Người Do thái hát Alleluia vào dịp nào?
Thật khó biết được công thức Alleluia được sử dụng từ hồi nào. Điều đáng ghi nhận hơn cả là Alleluia gặp thấy trong một số thánh vịnh, được đặt tên là những “thánh vịnh Hallel” (từ 113-118, theo lối đánh số của bản Do thái). Một nhận xét khác là nói chung alleluia thường được đặt ở đầu các thánh vịnh vừa nói, nhưng có khi ở cuối thánh vịnh (các tv 115; 117), có khi cả ở đầu cả ở cuối (thí dụ 113). Ngoài ra, alleluia cũng gặp thấy kể cả bên ngoài loạt các thánh vịnh Hallel (chẳng hạn các thánh vịnh 105-106; 111-112; 135- 136; và nhất là sáu thánh vịnh cuối cùng, từ 146 đến 150). Có lẽ người Do thái còn hát Alleluia vào các dịp khác nữa chứ không hẳn là lúc đọc thánh vịnh, như ta thấy nói đến ở sách Tôbia (13,18): “Các cửa thành vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: ‘alleluia, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Israel tôn thờ’!”.
Như vậy khi hát Alleluia, các Kitô hữu chỉ lặp lại một tập tục của người Do thái thôi hay sao?
Thiết tưởng cần phân biệt nhiều chặng: trước tiên, trong đời đức Giêsu; kế đến, trong Hội thánh tiên khởi; và chặng thứ ba trong phụng vụ. Trước hết, nếu xét trong cuộc đời của đức Giêsu thì chắc rằng Người đã hát alleluia nhiều lần khi tham dự phụng vụ với đồng bào của mình. Các sử gia đã lưu ý đặc biệt tới trình thuật thiết lập bí tích Thánh thể dựa theo Phúc âm nhất lãm, trong khung cảnh của một bữa tiệc Vượt qua, trong đó Phụng vụ Do thái hát các thánh vịnh Hallel đã nói trên đây (113-118 và 135).
Sang giai đoạn hai (nghĩa là Hội thánh tiên khởi), rất có thể các tín đồ gốc Do thái cũng hát các thánh vịnh Hallel vào lúc cử hành Thánh thể, vì muốn lặp lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Dù sao, trong Tân ước, ta thấy lời chúc tụng Alleluia xuất hiện trong một bối cảnh khác, đó là bài ca khải hoàn trên thiên quốc được ghi lại trong sách Khải huyền chương
19. Lời Alleluia được vang lên 4 lần như điệp khúc (câu 1.3.4.6). Thật khó mà xác định được đây chỉ là một thị kiến của thánh Gioan, hay là phản ánh của một buổi cử hành phụng vụ Kitô giáo. Dù sao thì ngày nay, đoạn văn này trở thành thánh ca giờ kinh chiều Chúa nhật ngoài mùa Chay.
Từ hồi nào alleluia được đưa vào phụng vụ Kitô giáo?
Chúng ta không nên quan niệm phụng vụ Kitô giáo hoàn toàn bắt đầu từ con số không. Như đã nói trên, Chúa Giêsu và các tông đồ đã nhiều lần đọc các thánh vịnh dựa theo truyền thống Do thái, trong đó có nhiều thánh vịnh alleluia. Do đó, ta có thể suy ra là ngay từ đầu các lời chúc tụng alleluia đã đi vào phụng vụ Kitô giáo qua ngỏ các thánh vịnh. Điều này càng rõ hơn khi đọc tác phẩm các giáo phụ viết từ thế kỷ IV. Thánh Athanasiô, Basiliô, Grêgôriô Nyssa bắt đầu viết những khảo luận về ý nghĩa alleluia khi chú giải các thánh vịnh Hallel. Đến khi đời đan tu thịnh hành, người ta thấy nhiều khoản luật ấn định việc sử dụng alleluia trong các thánh vịnh, nghĩa là alleluia được thêm vào hết mọi thánh vịnh cho dù trong nguyên bản Do thái không có. Một thí dụ điển hình là luật thánh Biển đức dành hẳn một chương 15 để ấn định khi nào đọc alleluia: trong mùa Phục sinh, alleluia được thêm vào hết các thánh vịnh và đáp ca; ngoài mùa Phục sinh, thì thêm alleluia vào 6 thánh vịnh chót của giờ Kinh Đêm, và nếu là Chúa nhật thì thêm vào các thánh vịnh giờ kinh Sáng.
Alleluia được gắn liền với các thánh vịnh trong phụng vụ các giờ kinh. Còn trong Thánh lễ thì sao?
Dựa theo sự nghiên cứu của cha Martimort, từ thế kỷ IV, alleluia đã được hát trong thánh lễ ở nghi thức rước sách Phúc âm. Việc công bố Phúc âm tượng trưng Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn để giảng dạy. Vì thế mọi người đứng lên chăm chú lắng nghe. Do đó, việc rước sách Phúc âm được kèm theo nhiều nghi thức long trọng, với các giúp lễ cầm đèn, xông hương, đang khi cộng đoàn tung hô alleluia. Ra như phụng vụ muốn diễn tả lại nghi thức nhân dân thành phố Giêrusalem đón rước đức Giêsu vào thành, và nhất là đoàn rước trên thiên quốc được mô tả trong sách Khải huyền. Lời chúc tụng Alleluia được đệm thêm với những câu thánh vịnh hoặc những đoạn Kinh thánh, tạo nên một bài ca. Tập tục này còn được lưu giữ trong phụng vụ ngày nay, bên Tây phương cũng như bên Đông phương. Dần dần, ngoài lời chúc tụng trước khi đọc Phúc âm, alleluia cũng được thêm vào các bài ca nhập lễ, ca hiệp lễ nữa.
Nếu alleluia là lời chúc tụng Chúa, thì tại sao lại không được sử dụng trong mùa Chay? Đâu phải là mùa Chay thì miễn chúc tụng Chúa đâu?
Đúng vậy, ta phải chúc tụng Chúa luôn luôn, mọi nơi mọi lúc. Đó cũng là quan niệm của Phụng vụ bên các Giáo hội Đông phương: họ hát alleluia quanh năm. Nhưng bên Tây phương thì lại khác. Tại sao vậy? Các sử gia đưa ra giả thuyết như sau. Mặc dù trong nguyên ngữ Do thái “alleluia” chỉ có nghĩa là “hãy chúc tụng Chúa”, nhưng khi được chuyển sang văn hóa La-tinh thì nó mang một sắc thái khác, đó là nó biểu lộ sự vui mừng. Tại Rôma cho đến thế kỷ V, alleluia chỉ được hát vào lễ Phục sinh hoặc tối đa là cho đến hết mùa Phục sinh. Tập tục này cũng được áp dụng ở Bắc Phi, như ta thấy ở các bài giảng của thánh Augustinô. Mùa Chay là thời đền tội, và các tín hữu quỳ gối khi cầu nguyện; còn mùa Phục sinh là thời kỳ hoan hỉ, và các tín hữu đứng khi đọc kinh, miệng hát alleluia. Đang khi đó, các nơi khác bên Tây phương không biết đến tập tục đó, và họ hát alleluia quanh năm cũng y như bên Đông phương. Nhưng khoảng cuối thế kỷ VIII, tập tục Rôma thắng thế, alleluia được dành cho mùa Phục sinh, và tuyệt đối cấm hát trong mùa chay. Và phụng vụ Rôma trước đây có nghi thức tiễn biệt và đón rước Alleluia. Trước khi ngưng hát alleluia (kể từ Chúa nhật 70) ca đoàn hát một điệp ca đệm nhiều lời alleluia. Và đêm Vọng Phục sinh, thì phó tế lên giảng đài trịnh trọng xướng ba lần ca khúc alleluia loan báo cho toàn dân tin mừng Alleluia: “Adnuntio vobis, reverendissime Pater, gaudium magnum quod est Alleluia”. Cũng vì Alleluia tượng trưng cho niềm vui, cho nên trước đây, người ta không hát trong lễ an táng hoặc cầu cho người chết.
Trên thực tế, ngày nay phụng vụ chỉ hát alleluia trong mùa phục sinh mà thôi hay sao?
Không phải thế. Trong Thánh lễ, alleluia được xướng lên như bài ca chúc tụng trước khi đọc Phúc âm suốt năm, chỉ trừ mùa Chay. Trong mùa Phục sinh, thì alleluia được thêm vào các đáp ca, điệp xướng, ca nhập lễ vân vân. Đó là nói đến các bản văn phụng vụ chứ không thể kể hết những thánh ca bình dân hoặc các bản trường ca (tựa như Messiah của Handel viết năm 1741). Dù sao đi nữa, khía cạnh vui tươi khi hát alleluia không chỉ tùy thuộc cung điệu của các nhạc sĩ hoặc tài nghệ của ca đoàn, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào tâm hồn của ta. Khi tâm hồn ta đang buồn rười rượi, thì có tham dự cả chục đại nhạc hội, ta vẫn buồn như thường, phương chi là hát alleluia! Đây là một nhận xét rất tinh tế của thánh Augustinô trong nhiều bài giảng Phục sinh. Phụng vụ Phục sinh biểu lộ niềm tưng bừng hoan hỉ của biến cố Chúa Phục sinh. Nhưng thử hỏi: trên cõi đời này làm gì có niềm vui trọn vẹn, bởi vì tâm hồn chúng ta luôn bị ám ảnh bởi bao nỗi lo âu buồn phiền. Liệu tiếng hát alleluia có trở thành giả dối không? Thánh nhân trả lời thế này. Nói cho đúng, chỉ có các thiên thần và các thánh nhân trên trời mới có thể hát alleluia cách trọn vẹn, bởi vì các ngài có thể ca ngợi Thiên Chúa suốt ngày đêm và nhất là các ngài không còn bận tâm lo lắng gì nữa. Chúng ta hát alleluia với niềm khao khát sẽ cùng được thông phần hoan hỉ với các ngài (sermo 252,9). Alleluia trở nên bài ca hy vọng tin tưởng, khi biết rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta, và hứa ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu (sermo 254,5). Dù sao đi nữa, chúng ta không phải chỉ hát bằng lời ca nhưng còn bằng cuộc đời. Alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Chúng ta hãy ngợi khen bằng cuộc sống và miệng lưỡi, bằng con tim và bằng đôi môi, bằng tiếng hát và bằng nếp sống. Chúa muốn chúng ta hát alleluia cho thật hoà điệu chứ đừng hát ngang cung. Vì thế hãy để cho lưỡi hợp điệu với nếp sống, môi miệng hợp với lương tâm. Như đã nói, chỉ có trên trời mới có hợp điệu tuyệt đối, chứ ở dưới trần này, lương tâm ta áy náy đủ chuyện: nào là sai lỗi, nào là chước cám dỗ, và vì thế ta phải cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Dù vậy, thưa anh em, dù giữa bao sự dữ, ta hãy cứ hát alleluia đi, bởi vì Thiên Chúa tốt lành và tha thứ tội lỗi chúng ta, và cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sự dữ nào? Bệnh tật ư? Tù ngục ư? Không phải thế đâu. Bạn nghĩ cho kỹ đi: sự dữ gì làm bạn sợ nhất? Có phải là cái chết không? Nhưng anh em có biết rằng Chúa đã cứu thân xác anh em khỏi chết hay không? Sự dữ đáng sợ nhất mà ta không còn lo nữa, thì phải sợ cái gì? Các chước cám dỗ ư? Lo gì, Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài không để cho anh em bị thử thách quá sức của mình đâu; trái lại, Ngài còn ban cho anh em sức mạnh để vượt qua cơn thử thách nữa. Vì thế anh em hãy hát alleluia đi, hát giống như những người lữ hành, vừa đi vừa hát, hát để an ủi nhau giữa lúc lao nhọc, hát để khích lệ nhau nuôi dưỡng niềm hy vọng có ngày sẽ tới nơi an nghỉ. Nhưng vừa hát vừa lên đường, chứ đừng dừng lại, trở lui, hay rẽ ngang (Sermo 256,3).
2023
Giải đáp thắc mắc: gia đình khác đạo
Giải đáp thắc mắc: gia đình khác đạo
GIA ĐÌNH KHÁC ĐẠO
Hỏi: Con được sinh ra trong gia đình có Bố là người bên lương và Mẹ là người Công giáo. Bố con vẫn giữ những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… Bà nội con thường đi gặp Thầy ở Chùa để xin giải hạn cho con. Con đã được rửa tội, và hiểu rõ những bối rối của Mẹ con. Vậy, chúng con có được tham gia những nghi thức mà Bố và Bà con tham gia không?
Trả lời:
Đây là một câu hỏi thường gặp, vì thật ra trường hợp của gia đình bạn không phải là trường hợp hoạ hiếm ngày nay. Sau hơn 400 năm Tin Mừng đến Đất Việt, người Công giáo ở thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một thiểu số trong lòng dân tộc Việt Nam. Trước đây, Đạo Công giáo ở Việt Nam đã phải trải qua một thời gian dài sống khép và kín theo hướng tự vệ. Khi đó người Công giáo chỉ được phép lấy người Công giáo và không có nhiều gia đình sống theo hôn nhân khác đạo. Nhưng khi cuộc sống mở ra, nhất là khi Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn “sống đức tin giữa lòng dân tộc”, nhiều khả thể khác được mở ra với các gia đình Công giáo. Hôn nhân khác đạo đã không còn là chuyện quá lạ lùng hay cấm kỵ.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những khó khăn và thử thách trong đời sống đạo của hai mẹ con bạn. Mẹ của bạn đã theo tiếng gọi của con tim, đã can đảm chọn đi một con đường khó. Trên con đường ấy, nỗ lực gìn giữ đức tin và việc nuôi dưỡng bạn lớn lên theo truyền thống Công giáo là điều rất đáng trân trọng. Những bối rối và trăn trở của cả hai mẹ con bạn trong trong việc làm sao để sống đúng đức tin của mình cho chính đáng và phù hợp cũng là điều rất đáng trân trọng.
Để phần nào giãi gỡ những bối rối và trăn trở ấy, trước hết, chúng ta cần nhận ra những điều tích cực trong gia đình của bạn.
Nếu ngay từ đầu, bố mẹ của bạn và gia đình nội ngoại hai bên đã đồng thuận trong việc Đạo ai nấy giữ, đồng thời Giáo hội đã chuẩn nhận việc hôn nhân khác đạo, thì điều quan trọng nhất là việc thực hành đức tin riêng của mỗi bên cần phải được tôn trọng, đúng không? Bạn đã được cho rửa tội để làm người Công giáo, nghĩa là gia đình bên nội đã có một sự tôn trọng nhất định đối với mẹ bạn và tôn giáo của mẹ bạn rồi. Việc chấp thuận để cho bạn được rửa tội và được giáo dục theo đức tin Công giáo cũng cho thấy gia đình bên nội cũng đã giữ lời hứa so với cam kết ban đầu của mình. Nếu hai mẹ con bạn đã có đủ tự do để sống đức tin Công giáo của mình, bố của bạn cũng xứng đáng có được sự tự do ấy để sống đức tin của mình, phải không?
Vì thế, việc bố của bạn theo những nghi thức của Phật Giáo, hay của niềm tin tự nhiên theo truyền thống gia đình bên nội, là điều cần được tôn trọng. Việc thực hành những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… cho thấy bố của bạn là một người có đời sống tâm linh, có tâm tình tôn giáo. Đây là phẩm chất rất quý của con người sống trong thời hiện đại. Cũng vậy, việc bà nội đi Chùa cầu siêu cho cháu của mình cũng là một điều chính đáng, phải không? Đó là cách bà thể hiện tình thương và sự chăm sóc cho cháu mình. Bạn nên nhận sự quan tâm và chăm sóc ấy, nên cám ơn bà nội của mình về điều ấy. Hơn nữa, cả gia đình bên nội của bạn theo Phật Giáo, chắc chắn những ngày giỗ chạp hay đám tiệc của nhà nội sẽ phải được tổ chức theo nghi thức tôn giáo của bên ấy. Đối với những nghi thức ấy, bạn nên có sự tôn trọng đúng mực.
Sự hiện diện của mẹ con bạn với cả đại gia đình trong những dịp họp mặt và lễ truyền thống như thế là cách sống sự hiệp thông và nuôi dưỡng tình thân gia đình. Đó là một phần của gia đình mà mẹ bạn đã chọn để sinh bạn ra và nuôi dưỡng bạn lớn lên. Vì vậy, hai mẹ con bạn không nên tự tách mình ra khỏi bầu khí gia đình chỉ vì lý do khác biệt về tôn giáo. Bởi lẽ, nếu nại vào lý do khác biệt tôn giáo để hai mẹ con bạn sống tách biệt và cô lập, thì hoá ra tôn giáo lại trở thành duyên cớ của sự phân biệt và chia rẽ trong cùng một gia đình hay sao?
Cần phân biệt rõ rằng việc vái hương hay cúi đầu tỏ lòng tôn kính trước Đức Phật không phải là việc tôn thờ ngẫu tượng. Cũng giống như việc người Công giáo thắp nhang và cúi đầu trước bàn thờ của ông bà tổ tiên: đó là cách thể hiện lòng hiếu thảo và tôn kính, chứ không phải là tôn thờ. Chúng ta chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Trong đức tin của chúng ta, Đức Phật là một Đấng đáng kính, đáng để chúng ta bày tỏ lòng kính ngưỡng mộ và tôn trọng.
Thêm nữa, có thể phân biệt rằng tham dự thì khác với tham gia. Bạn có thể tham dự vào những nghi lễ trong gia đình bên nội bằng sự hiện diện và sự tôn trọng, bằng mối dây hiệp thông gia đình. Nhưng sự tham dự ấy không có nghĩa là bạn tham gia vào việc thờ phượng của một tôn giáo khác. Bởi vì bạn mang một đức tin khác, một văn hoá khác, lòng của bạn hướng về một Đấng khác.
Chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất không loại trừ và cấm chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với những bậc đáng kính, dù là trong tôn giáo mình hay trong các tôn giáo bạn. Cần nhìn nhận rõ ràng rằng những người thuộc các tôn giáo khác không phải là đối thủ, càng không phải là kẻ thù nguy hiểm cho đức tin chúng ta. Chúng ta luôn có thể chung sống trong an bình và dành cho nhau sự tôn trọng sâu sắc với những người khác niềm tin với chúng ta. Đó là cách để chúng ta xây dựng một thế giới hoà bình. Thế giới ấy khởi đi từ chính gia đình của bạn.
Đây là lời khuyên quan trọng dành cho bạn: khi bạn và mẹ của bạn đã cùng chia sẻ với gia đình bên nội những sinh hoạt của họ, thì thỉnh thoảng cũng nên mời họ tham dự vào các sinh hoạt cầu nguyện của bên mình, phải không? Nếu bạn đã cùng tham dự những buổi cầu nguyện với gia đình nhà nội, bạn có từng thử cũng mời họ tham dự giờ cầu nguyện và giải thích cho họ về ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đạo Công giáo không? Nếu bạn đã một vài lần đến Chùa cùng với bố và nội, bạn có từng thử mời họ một vài lần đến Nhà Thờ với mình không? Chẳng hạn: vào những dịp quan trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh, các buổi diễn nguyện thánh ca, hay các hoạt động bác ái xã hội… Đã bao giờ bạn thử mời bố cùng tham dự vào giờ kinh tối, phút hồi tâm cuối ngày, hay một giờ trầm lắng cầu nguyện nào đó với mẹ con bạn không?
Mục đích của chúng ta ở đây không phải là việc “dụ khị” bố của bạn hay nhà bên nội của bạn vào đạo Công giáo. Mục đích chính ở đây, trước hết là giúp cho bố bạn và nhà bên nội có cơ hội để hiểu và có thiện cảm với Đạo của mẹ con bạn. Đừng trình bày với gia đình bên nội về Đạo của mình như là Đạo cho phép làm điều này, cấm làm điều kia… như thể Đạo chỉ là một bộ luật và một mớ nguyên tắc. Hãy giới thiệu cho họ về một Thiên Chúa là Cha bao dung và yêu thương, một Thiên Chúa không nhất thiết phải luôn luôn đòi hỏi và áp đặt, một Thiên Chúa dám đặt niềm tin của mình vào tự do của con người.
Biết cách sống tốt đức tin của mình trong gia đình, biết bám rễ từ tinh thần đại đồng Kitô giáo để xây dựng hạnh phúc gia đình, biết đâu bạn và mẹ của bạn có thể thuyết phục được bố và chia sẻ được với bố về niềm tin của mình thì sao! Chân lý luôn có cách tự tỏ lộ mình. Sau khi bạn đã làm hết mọi sự tốt đẹp trong khả năng của mình, phần còn lại Chúa sẽ lo.
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo
2023
Bốn cái bẫy mà ma quỷ thường bày ra cho chúng ta khi cầu nguyện
Tên cám dỗ làm mọi thứ để ngăn cản con người cầu nguyện. Vì vậy, thật khó để chúng ta không rơi vào cám dỗ. Chúng ta hãy mở to đôi mắt để cố gắng nhận ra những lời dối trá, để mình không bị ma quỷ lừa bịp.
Bẫy số 1 : “cầu nguyện thật vô ích”
Nếu dựa vào những tiêu chuẩn thông thường của chúng ta về tính hiệu quả của cầu nguyện, thì thực sự cầu nguyện không giúp được gì cả. Theo quan điểm của con người, cầu nguyện là lãng phí thời gian. Đây là câu hỏi lớn mà các tu sĩ nam nữ nêu ra cho thế giới xung quanh họ: đời sống cầu nguyện giúp được gì cho những người này? Dưới cặp mắt của nhiều người thì cuộc sống của họ xem ra quá lãng phí.
Chúng ta thường mắc cùng một sai lầm này khi từ bỏ việc cầu nguyện với lý do chúng ta có quá nhiều việc phải làm. Bởi vì chúng ta đặt mình vào cái luận lý về hiệu suất, thay vì theo luận lý của tình yêu. Trái lại, nếu biết suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy trong cuộc sống dường như những thứ xem ra vô dụng nhất thực ra là những thứ quí giá nhất; chẳng hạn như cưng chiều một đứa trẻ, hôn vợ hoặc chồng, chiêm ngắm một phong cảnh đẹp. Cầu nguyện có vẻ vô ích, nhưng thực ra đó là điều tuyệt đối không thể thiếu.
Bẫy số 2: “Bạn không biết cầu nguyện”
Kẻ thù tăng thêm nhiều lý lẽ để cho chúng ta thấy rằng cầu nguyện quá khó đối với chúng ta, rằng chúng ta cần được đào tạo trước khi bắt đầu cầu nguyện… Ngay cả trong trường hợp này, quả thực, chúng ta không biết cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta đầy lơ đãng, đầy những tìm kiếm lợi lộc cho riêng mình, đầy những bất trung và hàng nghìn những cái bất toàn khác. Rồi sao? Có người cha nào khi bồng đứa trẻ sơ sinh trên tay, đứa bé bắt đầu bập bẹ và tươi cười, đặt nó ngay ngắn lại rồi ông nói với nó : “Khi nào con biết nói thì hãy nói chuyện với cha?”. Tất nhiên là không! Trái lại, ông sẽ cảm động và ngạc nhiên trước những lời nói bập bẹ đầu tiên này. Điều đó thật giá trị đối với những bậc cha mẹ trên trần gian, thậm chí còn giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa của chúng ta.
Bẫy số 3: “Bạn sẽ cầu nguyện khi có thời gian”
Nếu chúng ta đợi đến khi có thời giờ để cầu nguyện, chắc chắn một điều chúng ta sẽ không bao giờ cầu nguyện, bởi vì chúng ta sẽ có muôn nghìn việc rất khẩn thiết để làm. Nếu hôm nay chúng ta có ý cầu nguyện, nhưng không biết thiết đặt thời gian cụ thể, nguy cơ chúng ta sẽ đi ngủ vào buổi tối mà không tìm thấy dù chỉ một phút để tự mình xắp xếp.
Người cầu nguyện thường xuyên không nhất thiết là người có nhiều thời giờ rảnh rỗi, mà là người quyết định dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Đó là một chọn lựa. Vậy ưu tiên của chúng ta là gì? Chúng ta muốn đặt việc cầu nguyện làm trung tâm của đời sống không hay chúng ta coi đó như là điều xa xỉ, không bắt buộc? Nếu đó là điều cần thiết thì nó phải được xếp vào hàng đầu tiên trong lịch trình hằng ngày của chúng ta.
Bẫy số 4: “Công việc của tôi đã là cầu nguyện”
Ma quỷ thì thầm vào tai chúng ta: “Nếu bạn làm việc hết lòng, dâng công việc của bạn cho Chúa, vì vậy bạn sẽ được miễn cầu nguyện”. Thực may mắn cầu nguyện không phải là cách duy nhất để đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, để được ở gần và phục vụ Chúa. Nếu không chúng ta sẽ chỉ dành một phần nhỏ trong ngày của chúng ta cho Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cầu nguyện thật lòng, không biết dừng lại trong ngày, chúng ta sẽ khó mà cầu nguyện trong mọi lúc. Chúng ta có thể thành công cầu nguyện trong khi làm việc, nếu từng ngày chúng ta biết học cách cầu nguyện ngay cả khi không làm gì cả.
2023
Một thoáng Thần học trong mục vụ
Một thoáng Thần học trong mục vụ
Trong Giáo hội có hai khoa chính: Khoa Thần học Tín lý, gồm những điều phải tin và khoa Thần học Mục vụ gồm những việc phải làm. Gọi tắt là khoa Tín lý và khoa Mục vụ. Mục vụ và thần học luôn gắn bó với nhau trở thành một thể thống nhất. Công đồng Vatican II là Công đồng mục vụ. Nhưng trong các văn kiện của Công đồng, có hai Hiến chế về Tín lý: Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum); Giáo hội (Lumen Gentium) và về mục vụ, có: Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay; Hiến chế về Phụng Vụ thánh. Còn lại là 19 sắc lệnh, ba tuyên ngôn và hai thư. Sau đây, tôi xin chia sẻ về Một thoáng thần học mục vụ.
Thần học là học về Thiên Chúa – những điều phải tin. Mục vụ là những việc phải làm – việc của mục tử chăm sóc Dân Chúa. Cụ thể là người đầy tớ, phục vụ con người toàn diện. Và toàn thể mọi người, cùng với môi trường tự nhiên, xã hội và sáng tạo.
Để đạt tới mục đích trên, Công đồng Vatican II đã đề ra:
Những nguyên tắc mục vụ
1. “Cả… Cả…”. Ví dụ: Cả hồn cả tinh thần cả xác; cả Đông cả Tây.
2. “Ân sủng và thực tại”. Cả ân sủng cả thực tại. Ví dụ: Đức tin là ân sủng và thực tại là khoa học.
3. Hiệp nhất trong dị biệt, trong đa dạng. Ví dụ: Hiệp nhất nhưng không đồng nhất, không hòa tan.
4. Thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ và bác ái trong hết mọi sự. Ví dụ. Điều chính có liên quan tới cốt lõi của Đạo, như Đức tin, luân lý và phong hóa; điều phụ: phong cách thể hiện, tùy thuộc cách diễn tả trong các nền văn hóa; và trong mọi trường hợp, bao giờ cũng phải lấy đức yêu thương trong sự thật làm trọng.
Đào luyện thần học mục vụ (theo văn kiện Công đồng Vatican II)
Về Thần học
1. Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, cho thấy Thánh Kinh, có thể nói là linh hồn của thần học. Thánh Kinh và Thánh Truyền làm nên một nền tảng Đức tin duy nhất.
2. Hiến chế Tín lý về Giáo hội. “Ánh sáng muôn dân” chỉ dẫn về chỗ đứng của Giáo hội trong thế giới. Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, mục đích đặc trưng và cơ bản nhất của các giáo huấn của Công đồng là lời kêu gọi nên thánh toàn cầu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “khía cạnh vốn có và thiết yếu của lời dạy về Giáo hội”, là nơi “mọi Kitô hữu bất kể cấp bậc địa vị đều được kêu gọi đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn hảo của lòng bác ái”. Trong Tông thư Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: sẽ lấy Ánh sáng muôn dân làm cơ sở thảo luận để toàn thể Dân Chúa truyền đạo, tiếp cận truyền giáo, việc hòa nhập người nghèo vào xã hội, và hòa bình với đối thoại trong xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bắt đầu lãnh đạo một cách tập thể hơn theo lời gọi của Công đồng, thông qua các Hội đồng Giám mục và một Hội đồng cố vấn toàn cầu gồm một số hồng y.
Về Mục vụ, Công đồng đã đưa ra các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn, gồm:
1. Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay – “Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng” – xác định Giáo hội là “dân hành hương của Chúa” và là “sự hiệp thông” của Ánh sáng muôn dân, dựa trên lịch sử của Giáo hội và “các dấu chỉ thời đại”. Văn kiện giáo huấn mọi tín hữu được rửa tội có cùng nhiệm vụ Chúa Kitô giao cho Giáo hội: truyền đạo khắp thế giới một cách thức thời trong lúc hợp tác cùng Chúa Thánh Thần.
2. Hiến chế về Phụng vụ thánh – Sacrosanctum Concilium. Văn kiện đầu tiên được Công đồng thông qua về phụng vụ của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích rằng một ý tưởng cơ bản của Công đồng là “đặt sự thần bí của Phục Sinh làm trung tâm của thân phận Kitô hữu, đời sống Kitô hữu, năm Kitô giáo, mùa Kitô giáo, tỏ ra trong lễ Phục sinh và Chúa nhật, luôn luôn là ngày Phục Sinh”. Vì thế phụng vụ, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, “vừa là đỉnh cao Giáo hội nhắm tới, vừa là nguồn gốc tất cả quyền lực của Giáo hội”.
3. Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội – Inter Mirifica. Sắc lệnh đề cập “Về tính quan trọng của phương tiện truyền thông” với sự tiến bộ của loài người và những đóng góp tín hữu Công giáo có thể làm.
4. Sắc lệnh về Hợp nhất – Unitatis Redintegratio. Sắc lệnh quan tâm đến việc “Tái lập sự hợp nhất”: Mọi bên, đều có lỗi trong tranh chấp gây nên ly giáo và tìm cách đối thoại hợp nhất “những anh em đã chia lìa”.
5. Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông phương khen ngợi “Các Giáo hội Đông Phương”, về phụng vụ và thần học, tuy ở xa nhưng vẫn hiệp thông với Rôma.
6. Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội – “Ad Gentes – Đến với muôn dân”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo bên ngoài Giáo hội, nhất là qua việc hình thành các cộng đoàn ở giáo hội địa phương.
7. Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân – “Apostolicam Actuositatem – Hoạt động tông đồ”, khuyến khích giáo dân sống đạo và loan truyền Phúc Âm trong gia đình, nơi sở làm, và hoạt động xã hội.
8. Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục – “Christus dominus – Chúa Kitô”, xác định thẩm quyền và nhiệm vụ của các giám mục trong giáo phận, trong cuộc họp cấp miền, và trong giáo hội nói chung.
9. Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục. “Presbyterorum Ordinis – Chức vụ Linh mục”, làm sáng tỏ nhiệm vụ của linh mục và sự tương giao giữa linh mục với giám mục và giáo dân.
10. Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục. “Optatam Totius – Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục”, kêu gọi huấn luyện các linh mục một cách nghiêm chỉnh, kể cả việc chú trọng đến các tiêu chuẩn cao, trong việc học, đời sống tâm linh và huấn luyện mục vụ.
11. Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu. “Perfectae Caritatis – Đức ái hoàn hảo”, kêu gọi canh tân cơ cấu tổ chức và quy luật, nhưng coi yếu tố then chốt để canh tân là thể hiện các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
12.Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo. “Dignitatis Humanae – Phẩm giá con người”, xác định phẩm giá căn bản của con người đòi hỏi quyền tự do về vấn đề tôn giáo. Mọi người phải được tự do thờ phượng theo lương tâm.
13. Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. “Nostra Aetate – Thời đại chúng ta”, kêu gọi cởi mở và cộng tác với các tôn giáo lớn trên thế giới.
14. Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo. “Gravissimum Educationis – Vai trò rất quan trọng của giáo dục”, xác nhận sự quan trọng của việc giáo dục Kitô hữu ở nhà, ở trường, và ở nhà thờ và kêu gọi cập nhật phương pháp giáo dục cho phù hợp các ngành khoa học xã hội.
15. Hai sứ điệp gởi thế giới: Nhân dịp khai mạc: Nhấn mạnh tới công bằng và hòa bình. Và nhân dịp bế mạc: Công đồng gởi bảy thư tới các thành phần đặc biệt Dân Chúa và nhà cầm quyền.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)