2023
Đức Bênêđictô XVI: Những nguyên tắc căn bản của phụng vụ
Đức Bênêđictô XVI: Những nguyên tắc căn bản của phụng vụ
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI:
NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA PHỤNG VỤ
Lm. Edward McNamara, LC[1]
Trong suốt hành trình dài của cuộc đời, Đức Bênêđictô XVI rất quan tâm đến Phụng vụ của Giáo hội. Thật vậy, tập sách được chuyển ngữ đầu tiên trong số các tác phẩm được sưu tập của ngài là tập XI, bao gồm những suy tư của ngài về chủ đề này. Phụng vụ là một trong những đề tài chính trong các bài viết và suy tư thần học và là một trong những trụ cột trong tư tưởng của Đức Bênêđictô.
Trong cuốn tự thuật, Joseph Ratzinger diễn tả món quà tặng là cuốn sách lễ Schott đã giúp ngài khám phá ra Phụng vụ như một hồng ân ra sao. Ngài cho biết mối quan tâm của mình đối với các chủ đề Phụng vụ khởi đi từ việc ngài đọc tác phẩm Tinh thần Phụng vụ của Romano Guardini. Đối với ngài, tác phẩm tinh túy này: “Là sự khám phá về một thế giới mới, về Phụng vụ đích thực… về Phụng vụ như một thế giới biểu tượng chứa đầy thực tại, đầy ý nghĩa”. Tuổi trẻ của ngài trùng hợp với những đóng góp quan trọng của phong trào Phụng vụ Đức mà đỉnh cao là những cải cách của Công đồng Vatican II mà ngài hầu hết tán thành và chấp nhận.
Trong tư tưởng của Đức Bênêđictô, Phụng vụ không phải là một chủ đề bên lề, nhưng khái niệm của một người về Giáo hội và về mối tương quan của nhân loại với Thiên Chúa phần lớn phụ thuộc vào khái niệm căn bản về Phụng vụ. Trong phần dẫn nhập của tập XI, Đức Bênêđictô khẳng định rằng ngài quan tâm đến Thần học cơ bản hoặc câu hỏi “Tại sao chúng ta tin?” một cách tự nhiên dẫn đến câu hỏi về sự đáp trả đúng đắn đối với Thiên Chúa. Nền tảng cơ bản này của Phụng vụ là điểm cốt lõi đối với tư tưởng và là nền tảng cho những kết luận thực tiễn của ngài. Đức Bênêđictô đã phát triển thần học của mình theo cách độc đáo với sự kết hợp giữa nền tảng thần học Kinh thánh vững chắc và sự cởi mở đối với sự phát triển hữu cơ thực sự kết hợp với tình yêu truyền thống, và điều mà chúng ta có thể gọi là thực tại thần nghiệm về sự hiện hữu của Kitô giáo.
Với lối nhìn này, chúng ta có thể khám phá những nguyên tắc căn bản trong Thần học Phụng vụ của Đức Bênêđictô.
- “Sự ban tặng” của Phụng vụ
Khía cạnh đầu tiên mà chúng ta có thể thấy là Đức Bênêđictô nhấn mạnh đến sự thật đó là, Phụng vụ, về bản chất, là một điều gì đó được ban tặng chứ không phải do con người tạo ra mặc dù sự đóng góp của con người là cần thiết.
Trước hết, Phụng vụ là kết quả của sáng kiến thần linh. Khi nghiên cứu bản văn Xh 7, 16 “Hãy thả dân Ta ra, để chúng đi thờ phượng Ta trong sa mạc” Ratzinger chỉ ra ba kết quả:
– Dân chúng không chỉ nhận được Hướng dẫn về sự thờ phượng mà còn nhận được quy tắc của cuộc sống.
– Chính qua quy tắc này, một dân tộc được hình thành với tư cách là một dân tộc nhận được mảnh đất nội tâm của mình.
– Ba khía cạnh: thờ phượng, luật pháp và luân lý đạo đức được đan xen trong Giao ước và nguyên tắc này vẫn luôn có giá trị mặc dù có một số khác biệt trong Kitô giáo.
Ngài lưu ý rằng bất cứ khi nào dân Israel thất bại trong sự thờ phượng đích thật, thì họ sẽ mất tự do về tinh thần cũng như thể chất. Vì thế, ngài có thể nói rằng: “Sự thờ phượng chính yếu bao hàm trật tự của toàn bộ cuộc sống con người theo nghĩa của Irenaeus. Có thể nói, con người trở nên vinh quang của Thiên Chúa là đặt Thiên Chúa vào trong ánh sáng (và đó là ý nghĩa của sự thờ phượng), khi con người sống hướng về Thiên Chúa. Mặt khác, đúng thực là luật pháp và đạo đức không gắn kết với nhau khi chúng không được gắn chặt vào trung tâm Phụng vụ và không được truyền cảm hứng từ Phụng vụ”.
Do đó, câu trả lời đầu tiên cho thực tại được tìm thấy trong Phụng vụ là chỉ khi mối tương quan của con người với Thiên Chúa đúng đắn thì các mối tương quan khác của con người mới có trật tự tốt đẹp. Điều này cũng có nghĩa là Phụng vụ không thể là một sáng tạo đơn thuần của con người, một việc làm tùy ý: “Chính chúng tôi cũng không biết phải dâng gì cho Ðức Chúa, bao lâu chưa đến đó” (Xh 10, 26).
Điều này cũng có nghĩa là cộng đoàn Kitô hữu không tự tạo ra mình nhưng đón nhận sự hiện hữu của mình như một quà tặng của Thiên Chúa và dâng trao lại quà tặng này cho nguồn cội của mình. Vì Phụng vụ được trao ban, Đức Bênêđictô đã khám phá câu hỏi là dâng lên cái gì, hay đúng hơn là dâng lên cho ai trong Phụng vụ. Câu trả lời của ngài là sự thờ phượng Kitô giáo xuất hiện nhờ Đức Kitô.
- Phụng vụ như là hiện thân của mầu nhiệm Đức Kitô
Vai trò trung tâm của Đức Kitô là điều thiết yếu để hiểu Thần học Phụng vụ của Đức Bênêđictô. Điều này dựa trên hai điểm chính là Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Vượt Qua.
Đức Bênêđictô chú giải về Ga 1, 14: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người” và kết luận rằng: “Ngôi Lời mà sự thờ phượng của Kitô giáo nói đến trước hết không phải là một bản văn, mà là một thực tại sống động: một Thiên Chúa, Đấng tự truyền đạt ý nghĩa, và Đấng truyền đạt chính mình bằng cách trở thành một con người. Sự nhập thể này là lều thánh, tâm điểm của mọi sự thờ phượng, vốn nhìn vào vinh quang của Thiên Chúa và tôn vinh Ngài”.
Tuy nhiên, Nhập thể chỉ là chuyển động đầu tiên và chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của Thập giá và Phục sinh. Đây là dòng chuyển động sắp đặt Phụng vụ. Trong khái niệm về hy tế của Kitô giáo, một khái niệm đã chiếm lĩnh suy tư của ngài trong hơn 50 năm, Ratzinger tập hợp nhiều suy tư về Bữa Tiệc Ly khi nói rằng, vào thời điểm trung tâm của lịch sử: “Giao ước mới cũng được hoàn thành và kết thúc bằng một hy tế mới đích thực: hiển nhiên là Chúa Giêsu, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình, là sự thờ phượng đích thực và sự tôn vinh đích thực đối với Thiên Chúa”. Do đó, ngài khẳng định rằng trong Bữa Tiệc Ly và trên Thập giá, Đức Kitô là Chiên Vượt qua và là Ađam mới, Đấng đi vào bóng tối của giấc ngủ của sự chết, và do đó, bắt đầu một nhân loại mới. Chính Đức Kitô truyền rằng hy tế này phải được lặp lại để tưởng nhớ đến Người, do đó, làm cho hy tế của Người hiện diện xuyên suốt lịch sử.
Cùng với thần học về Hy tế, Đức Bênêđictô luôn phát triển tầm quan trọng trung tâm của sự Phục sinh đối với nền tảng và nhận thức về các Bí tích và đời sống Phụng vụ. Như ngài đã viết: Sự tự hiến của Đức Kitô sẽ trở nên vô nghĩa nếu cái chết là tiếng nói cuối cùng. Vì thế, chỉ qua sự Phục sinh, giao ước mới được hiện hữu một cách trọn vẹn. Giờ đây, con người được kết hiệp vĩnh viễn với Thiên Chúa. Giờ đây, cả hai thực sự gắn bó với nhau không thể tách rời. Như vậy, ngày Phục sinh là ngày Sabbat mới. Đó là ngày mà Chúa đến giữa dân của Người và mời họ tham gia vào “Phụng vụ”, vào việc tôn vinh Thiên Chúa, và vào việc Người thông ban chính mình cho họ.
Từ hai chủ đề trung tâm, Đức Bênêđictô rút ra những khái niệm then chốt khác mà chúng ta có thể phác thảo một cách ngắn gọn.
- Chiều kích vũ trụ và thời gian
Thực tại đầu tiên là vũ trụ và thời gian mà trong đó diễn ra Phụng vụ. Đối với Đức Bênêđictô, Phụng vụ Kitô giáo là một Phụng vụ vũ trụ bao trùm toàn thể tạo vật.
Nguyên lý mang tính vũ trụ này biểu lộ trực giác rằng Con người hiện hữu vì Thiên Chúa. Trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế chương 1 mạc khải rằng sự sáng tạo xuất hiện để thiết lập giao ước và do đó hướng tới ngày Sabát, vốn là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Sau đó, điều này chắc chắn dẫn đến sự thờ phượng, mà một cách cơ bản: “Hệ tại… sự kết hợp của con người và tạo vật với Thiên Chúa. Thuộc về Thiên Chúa không liên quan gì đến sự hủy diệt hoặc không hiện hữu, đúng hơn nó là một cách thức hiện diện”. Thuộc về Thiên Chúa có nghĩa là thoát ra khỏi trạng thái của sự tách biệt, của sự tự quản hiển nhiên, của sự hiện hữu cho chính mình và trong chính mình. Thuộc về Thiên Chúa có nghĩa là từ bỏ mình như là cách thế duy nhất để tìm lại chính mình (x. Mc 8, 35; Mt 10, 39). Đó là lý do tại sao Thánh Augustinô nói rằng “hy tế” đích thực là civitas Dei, nghĩa là nhân loại được tình yêu biến đổi, sự thần hóa của thụ tạo, và sự quy phục của muôn loài đối với Thiên Chúa: Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài (x. 1Cr 15, 28). Đó chính là mục đích của thế giới. Đó là cốt lõi của sự thờ phượng.
- Chiều kích Giáo hội học
Ratzinger là người đi tiên phong trong lĩnh vực Giáo hội học, đặc biệt là trong việc đưa ra khái niệm về sự Hiệp thông. Tuy nhiên, quan niệm về Giáo hội của ngài cũng liên quan mật thiết đến Phụng vụ và không thể tách rời khỏi Phụng vụ. Chẳng hạn, ngài nhấn mạnh đến mối dây được thiết lập bởi Bí tích Thánh Thể, mối dây quy tụ chúng ta thành một gia đình qua việc thông phần Mình và Máu Đức Kitô. Ngài khẳng định rằng: “tất cả các cộng đoàn cử hành Thánh Thể cùng nhau vẫn chỉ là một cộng đoàn, bởi vì thân thể của Đức Kitô chỉ là một, và do đó Dân Chúa chỉ có thể là một”.
Trong một diễn từ sau đó, Hồng y Ratzinger đã khai triển về khái niệm và ý nghĩa của sự Hiệp thông đối với đức ái và việc xây dựng tình liên đới dưới ánh sáng của thư 1Cr 10 và 1Ga 3-7. Giáo hội không phải là một thực tại thông qua chính quyền trung ương, mà đúng hơn: “Một trung tâm chung cho tất cả mọi người là khả thi vì Giáo hội luôn bắt nguồn từ một Chúa duy nhất, Đấng mà trong một tấm bánh duy nhất làm cho Giáo hội trở thành một thân thể. Đó là lý do tại sao sự hiệp nhất của Giáo hội sâu sắc hơn bất kỳ sự kết hợp nào của con người. Chính khi Thánh Thể được hiểu trong sự mật thiết trọn vẹn của sự kết hợp giữa mỗi cá nhân với Chúa, thì nó cũng tự động trở thành một bí tích mang tính xã hội ở mức cao nhất”.
- Chiều kích cánh chung
Đức Hồng y Ratzinger coi phụng vụ Kitô giáo về cơ bản là Phụng vụ của một lời hứa được hoàn thành nhưng cũng là Phụng vụ của niềm hy vọng trong đó Đền thờ mới vẫn đang được xây dựng. Phụng vụ lữ hành sẽ chỉ được hoàn thành vào ngày tận thế. Bản văn sau đây minh họa rất rõ quan điểm của ngài về điều này: “Cuối cùng, yếu tính của Phụng vụ được tóm tắt trong lời nguyện cảm thán mà Thánh Phaolô (1Cr 16, 22) và Didache (10, 6) đã truyền lại cho chúng ta Maranatha – Chúa của chúng ta ở đây – Lạy Chúa, xin ngự đến! Ngay cả giờ đây, sự Quang lâm (Parousia) được hoàn thành trong Thánh Thể, nhưng theo cách này, Thánh Thể làm cho chúng ta hướng tới Chúa là Đấng sẽ đến; vì thế, Thánh Thể dạy chúng ta kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Và Thánh Thể cho phép chúng ta nghe đi nghe lại câu trả lời và trải nghiệm điều này như là sự thật: “chẳng bao lâu nữa ta sẽ đến” (Kh 22, 17. 20).
- Phụng vụ như là sự thờ phượng xứng hợp(Logiké latreia, Rm 12:1)
Nguyên tắc cuối cùng dẫn chúng ta đến câu trả lời cho câu hỏi người ta hy vọng đạt được điều gì qua sự thờ phượng. Đức Bênêđictô đã phát triển khái niệm quan trọng về Phụng vụ Kitô giáo như là sự thờ phượng đích thực, cũng như là sự thờ phượng xứng hợp (logiké latreia, rationabile obsequium).
Việc thờ phượng của Kitô giáo phải xứng hợp với Logos (Lời) và từ đó rút ra một số hệ quả: “Mối tương quan với một văn bản, tính hợp lý, tính dễ hiểu và sự đúng mực của Phụng vụ Kitô giáo”.
Phụng vụ có đặc tính của “từ ngữ”. Điều này không có nghĩa là Phụng vụ giảm thiểu thành từ ngữ đơn thuần như một biểu hiện của lý trí: “Hy tế là “lời”, lời cầu nguyện, đi từ con người lên đến Thiên Chúa, thể hiện toàn bộ sự tồn tại của con người và giúp con người trở thành lời (logos) trong mình. Chính con người, tuân theo logos và trở thành logos nhờ đức tin, mới là hy lễ đích thực, vinh quang đích thực của Thiên Chúa.” Theo cách này, triết học Hy Lạp về từ ngữ được đưa vào khái niệm và nâng nó lên thành một sự kết hợp thần bí với Logos.
Khái niệm về sự thờ phượng xứng hợp cũng được coi như là một hy tế trong đó từ ngữ không phải là một diễn ngôn đơn thuần mà là sự biến đổi bản thể của chúng ta thành logos “Do đó, Kinh nguyện Thánh Thể, “hy tế đích thực” là từ ngữ của Lời; trong đó nói lên Đấng, Lời, là sự sống”. Kinh nguyện Thánh Thể cũng là hy tế đích thực chứ không phải là sự trình bày về những ân ban.
Có nhiều kết luận thực tế và chữ đỏ bắt nguồn từ những nguyên tắc này, nhưng Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thường than thở rằng những nhận xét về Thần học Phụng vụ của ngài thường bị mất hút vào những chi tiết vụn vặt của những quan tâm mang tính thực hành về chữ đỏ. Chúng ta hy vọng rằng việc nhắc lại đôi chút những nguyên tắc cơ bản trong di sản thần học sâu sắc của Đức Bênêđictô sẽ là một sự tri ân nhỏ đối với vị giáo hoàng vĩ đại, người đã để lại dấu ấn vững bền trong lịch sử của Thần học và của Giáo hội.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
2023
Thánh giá, thập giá…
Thánh giá, thập giá…
Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Phêrô Nguyễn Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Lê Kim Ngọc Tuyết.
_______
1. Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, tôi hay bị chia trí khi đọc đến câu “chịu đóng đinh trên cây Thánh giá”. Tôi thường nghĩ quan Phongxiô Philatô lấy đâu cây Thánh giá để đóng đinh Chúa Giêsu? Cây giá đó đã là Thánh thì làm sao gây đau khổ cho Chúa Giêsu? Làm sao lại là một hình phạt được? Cây giá đó trong tiếng Việt có nhiều cách gọi. Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của các thuật từ chỉ về cây giá đó: thập tự giá, thập giá, Thánh giá, khổ giá và thập ác.
2. Nghĩa của những chữ thập, tự, giá, thánh, khổ, ác.
2.1 Thập.
Có những chữ Hán này: 十, 什, 拾. Trong thuật từ thập tự giá là chữ 十 (thập), nghĩa là: (dt.) (1) Tên số một cộng chín: thập nhân (mười người); (2) Một trong 214 bộ của chữ Hán. (tt.) (3) Số nhiều: thập mục sở thị (ai ai cũng thấy). (pt.) (4) Rất, hết mức: thập phân, thập nhị phân (ngoại hạng); (5) Hoàn toàn: thập toàn thập mỹ.
2.2 Tự.
Có nhiều chữ Hán: 字, 似, 佀, 寺, 自, 叙, 敘, 嗣, 序, 姒, 嶼, 屿, 祀, 禩, 牸, 緒, 緖, 飴, 饴, 飼, 饲,飤, 漵, 溆, 鱮, 沮. Ở đây là chữ 字 (tự), nghĩa là: (dt.) (1) Chữ, ký hiệu ghi ngôn ngữ: văn tự; tự điển; (2) Biệt danh (tự là tên được đặt khi đủ 20 tuổi làm lễ đội mũ và công khai gia nhập xã hội người lớn): Đức Khổng Tử có “tự” là “Trọng Ni”; (3) Họ Tự. (đt.) (4) Người con gái đã hứa hôn.
2.3 Giá.
Có nhiều chữ Hán: 架, 這, 这, 嫁, 價, 価, 价, 柘, 駕, 驾, 鷓, 稼, 蔗, 假, 仮, 叚. Trong trường hợp này là chữ 架, nghĩa là: (dt.) (1) Khung để treo: y giá (khung áo); (2) Gác (để đặt đồ vật): thư giá (kệ sách); (3) Cấu trúc của vật: cốt giá; (4) Giàn: đậu giá (giàn đậu); (đt.) (5) Bắt cóc: cường hành giá tẩu (dùng sức mạnh bắt đi); (6) Xây dựng cầu, bắc cầu: giá kiều; (7) Đánh lộn: đả giá; (8) Chống lại: giá bất trú (đấu không lại; không chịu nổi); (9) Tranh cãi: khuyến giá (can đôi bên); (10) Làm điệu, ra vẻ ta đây: bài giá tử. (lt., lgt.) (11) Cỗ, chiếc: nhất giá phi cơ (một chiếc máy bay).
2.4 Thánh[1] (聖).
Có những nghĩa sau đây: (dt.) (1) Người tu dưỡng nhân cách tới cõi cùng cực; (2) Phàm cái gì mà tới tột bực đều gọi là thánh; (3) Lời nói tôn kính nhất; (4) Người hiểu thấu mọi việc; sáng suốt, cái gì cũng biết rõ; (5) Họ Thánh; (6) Tôn xưng ông vua; (7) Người học thức hoặc đạo đức thâm cao; (8) Nhân vật được tôn thờ hoặc thần linh; (9) Đấng tạo ra trời, đất, chúa tể của muôn loài, theo một số tôn giáo. (tt.) (10) Cái gì thuộc về nhà vua thời phong kiến; (11) Chữ trong Kitô giáo dùng để gọi Chúa Giêsu và những gì thuộc về Chúa (Ví dụ: tượng thánh, chén thánh, nước thánh, Toà Thánh…).
2.5 Khổ.
Khổ chỉ có hai chữ Hán: 苦, 楛. Trong trường hợp khổ giá là chữ 苦, nghĩa là: (dt.) (1) Trà; (2) Đắng, một trong ngũ vị: điềm 甜 (ngọt), toan 酸 (chua), khổ 苦 (đắng), lạt 辣 (cay), hàm 鹹 (mặn); (3) Khó chịu đựng: đồng cam cộng khổ. (đt.) (4) Lao lực; (5) Ghét; (6) Cảm thấy không đủ: xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi (Đêm xuân chưa thấy gì thì mặt trời đã mọc lên). (tt.) (7) Gian lao; (8) Vị đắng; (9) U sầu; (10) Buồn sầu; (11) Làm cho người ta buồn. (pt.) (12) Cố gắng: mai đầu khổ đọc (cắm đầu cố gắng học).
2.6. Ác.
Có nhiều chữ: 惡, 恶, 堊, 垩, 喔, 幄, 渥, 握, 齷, 龌, trong thuật từ thập ác là chữ 惡, nghĩa là: (dt.) (1) Việc xấu: vô ác bất tác (không việc xấu nào mà không làm); (2) Người chuyên làm việc xấu: thừa thiên tru ác (thừa lệnh trời giết người ác); (3) Bệnh tật; (4) Vấy bẩn; (5) Cứt (phân); (6) Tà khí; (7) Kém hèn. (tt.) (8) Hung dữ; (9) Không lương thiện; (10) Xấu xa; (11) Thô thiển. (pt.) (12) Rất.
3. Nghĩa của thuật từ thập tự giá, thập giá, thánh giá, khổ giá và thập ác.
3.1. Thập tự giá (十 字 架).
Thập là mười; tự là chữ; giá là đồ dùng để treo cái gì lên. Như vậy thập tự giá là cái giá có hình chữ thập. Chữ “thập” là chữ thập của chữ Hán, gồm hai nét ngang và dọc: 十, chỉ số 10. Số mười thường viết là 10. Đây là điểm quan trọng cho thấy muốn hiểu tiếng Việt không thể không biết chữ Hán. Đối với những ai không muốn dùng chữ Hán, có lẽ phải nói là “giá dấu cộng” (+) chứ không thể nói “thập tự giá”.
Thập tự giá là một dụng cụ hành hình tàn nhẫn thời xưa, thịnh hành nhất tại Persia, Đamas, Giuđêa, Israel, Carthage, Rôma. Thông thường dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của Đế quốc Rôma.
Thập tự giá tiếng Anh là cross, bắt nguồn từ chữ Latinh crux. Trong Tân Ước dùng chữ Hy Lạp là stauros, chữ này có hai nghĩa: khúc cây bình thường và cây thập tự giá đóng đinh Chúa Giêsu. Một số giáo phái Tin Lành, như “Chứng nhân Yehowa”, thì chỉ dịch là khúc cây và họ từ chối nhìn nhận thập tự giá của Chúa Giêsu. Trong tiếng Anh cổ xưa cũng dùng chữ rood (thập tự giá) hay rod (cây). Sách Bách Khoa Berry kể ra đến 385 loại thập tự giá.
Trong văn học phương Tây, coi thập tự giá như tượng trưng cho sự đau khổ, nhưng đối với Kitô hữu, đó là thể hiện ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
3.2. Thập giá (十 架).
Thập là mười; giá là khuôn treo. Thập giá: là mười cái khuôn treo hay mười chiếc, không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Thập tự giá nói tắt thành “thập giá” thì không đúng chút nào, cũng như chúng ta không thể rút ngắn thuật từ “chữ thập đỏ” thành “thập đỏ”, hay “hồng thập tự” thành “hồng thập”. Thuật từ “thập giá” thay cho thuật từ “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến, nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo, đạo Cao Đài thì chỉ dùng thuật từ “thập tự giá”. Đối với Kitô hữu, ai ai cũng chấp nhận “thập giá” đồng nghĩa với “thập tự giá”, cho nên khi ban đầu dùng sai rồi, nay kể như là đúng, mà cũng không ai thắc mắc, được kể như một thuật từ chuyên dùng. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các thuật từ dùng sai rồi, đã phổ biến, thì đương nhiên trở thành thuật từ đúng, đổi trắng thay đen được. Cũng vậy thuật từ “tạo vật” nghĩa là Đấng “Tạo Hoá”, không thể vì không hiểu mà trở thành “thụ tạo” được. Về phương diện nghiên cứu, không nên chỉ theo cảm tính, mà phải theo lý trí.
3.3. Thánh giá (聖 架).
Thánh nghĩa là thuộc về Chúa, dâng hiến cho Chúa; giá: đồ dùng hay khuôn để treo lên. Thánh giá nghĩa là khuôn được thánh hiến. Thuật từ thánh giá không nói đến “giá” có hình dáng gì, mà chỉ nói đến cái giá được thánh hiến mà thôi.
Chúng ta biết Chúa Kitô đã bị đóng đinh vào cây giá (Lc 24,39; Ga 20,25), nhưng không biết cây giá đó có hình chữ T hay có phần trồi lên trên thanh ngang như hình chữ “thập” (十), truyền thống Giáo Hội thì thường là hình chữ thập. Tuy nhiên cũng có lưu truyền loại hình chữ T (gọi là crux commissa hay là thánh giá của Thánh Antôn).
Thánh giá cũng có nghĩa là xe của vua[2]. Vì là chữ 駕 (giá) này, là xe cộ.
Đây cũng là một trường hợp thuật từ thánh giá được sử dụng quá phổ biến mà trở thành một thuật từ riêng biệt của Kitô giáo.
Nếu chúng ta muốn dùng thuật từ thánh giá để chỉ cái giá có hình chữ thập theo truyền thống Công giáo, thì thuật từ thập tự thánh giá mới đúng hơn. Bằng không thì thuật từ thánh giá cũng rất hay, vì không cần tranh luận cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.
3.4. Khổ giá.
Nghĩa là cái giá đau khổ, gây đau khổ cho Chúa Giêsu. Chính vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cái giá đó, nên trở thành khổ giá. Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và sự chết một ý nghĩa lớn lao nhờ chia sẻ sâu xa thân phận bi đát của con người. Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu chuộc muôn dân.
Để cho rõ nghĩa hơn, nên nói “thập tự khổ giá”, nhưng chúng ta cũng quen dùng khổ giá để chỉ thập tự khổ giá.
3.5. Thập ác.
Thập là mười, ác là việc xấu, thập ác là mười việc xấu hay mười tội ác. Nguyên từ này có hai nghĩa:
(1) Mười tội ác theo đạo Phật, do thân, khẩu, ý gây ra:
- Thân (thân thể) gây ra ba tội ác: sát sanh (giết hại sinh vật), du đạo (trộm cướp), tà dâm (lấy vợ hay chồng người).
- Khẩu (miệng) gây ra bốn tội ác: vọng ngữ (nói dối), ỷ ngữ (nói nhơ nhớp, tục tĩu), lưỡng thiệt (hai lưỡi, nói đâm thọc), ác khẩu (nói điều ác độc).
- Ý (tư tưởng) gây ra ba tội ác: tham (tham lam), sân (giận hờn), si (mê muội, tà kiến).
(2) Mười tội ác theo pháp luật Trung Quốc ngày xưa: Mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, đại bất đạo, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn[3]. Cho nên tục ngữ Trung Quốc có nói: “Thập ác bất xá” (mười việc ác không được tha thứ).
Nhưng sau này một số người dân ngoại dùng chỉ cây thập tự, với ý khinh miệt các Kitô hữu[4], nên chúng ta không thể dùng thuật từ này để chỉ thập tự giá hay thập giá. Chính Gs. Nguyễn Lân cũng nói “thập ác: (dt.) Từ mà người không theo đạo Thiên Chúa gọi cái Thánh giá: Ở địa phương, muốn bảo đảm đoàn kết, không nên gọi cây thánh giá là thập ác[5]”.
4. Khác biệt của thập giá và thánh giá.
4.1. Thập giá.
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên cây thập tự thì cây thập tự chỉ được gọi là cây THẬP TỰ GIÁ, là một cái giá hành hình có kiểu dáng chữ thập, là một cực hình của thế giới phương Tây.
Biểu tượng của cây thập tự giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cr 1,23).
Thập tự giá cũng là biểu tượng của việc hy sinh hãm mình của Kitô hữu: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23).
4.2. Thánh giá.
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây THẬP TỰ GIÁ trở thành một báu vật của nhân loại và được gọi là THÁNH GIÁ bởi vì cây thập giá ấy đã được diễm phúc làm nơi cho Thánh Tử Giêsu yên nghỉ. Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá biến thành cây THÁNH GIÁ và là biểu tượng của niềm tin. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây thánh giá.
5. Kết luận.
Kitô hữu luôn kính mến cây giá đóng đinh Chúa Giêsu là thánh giá, bất kể vật chất hay phi vật chất. Ví dụ chúng ta thường nói làm dấu thánh giá, hay khi chúc lành, giáo sĩ cũng dùng tay làm dấu thánh giá.
Không chỉ trong Kinh Tin Kính ghi là Chúa Giêsu “chịu đóng đinh trên cây thánh giá[6]”, mà các kinh xưa của Giáo Hội tại Việt Nam, khi nhắc đến cây thập giá đều dùng thuật từ thánh giá. Như khi ngắm Năm Sự Thương “Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá “. Hay chặng đàng thánh giá, chặng thứ hai: “Đức Chúa Giêsu xê vai lại mà vác lấy thánh giá”; chặng thứ năm: “Quân dữ bắt ép ông Simon vác đỡ thánh giá với Chúa[7]”.
Đây là một ý nghĩa hay của Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng nên chăng chúng ta cần phân biệt cái giá trước và sau khi đóng đinh Chúa, tức là thập giá và thánh giá.
______________________
[1] x. nghĩa chữ thánh ở các trang 265, 411, 564, 574, 580, 584, 589, 593.
[2] Lê Văn Đức, TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[3] Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
[4] Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
[5] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ HÁN VIỆT, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1989.
[6] MỤC LỤC NHỰT KHOÁ, nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 94.
[7] sđd. tr. 190, 193.
Cha Stêphanô Huỳnh Trụ
2023
An nghỉ trong Chúa
An nghỉ trong Chúa
_______
Ngày nay trong các bản cáo phó có rất nhiều kiểu báo tin về người đã qua đời, có thể nói thiên hình vạn trạng, như: An nghỉ (nghỉ yên) trong Chúa; được (Thiên) Chúa (thương) gọi về; (vĩnh viễn) ra đi về với Chúa (nhà Chúa); (trở) về nhà Cha (nước Chúa), qua đời, tạ thế, từ trần, vừa (đã) hoàn tất hành trình trần thế (hành trình đức tin Công giáo, cuộc đời thánh hiến), đã mãn phần trong tay Chúa và Mẹ Maria…
Bên Phật giáo cũng có nhiều cách nói, như: An giấc nghìn thu; mãn phần; (an nhiên) thu (thâu) thần thị tịch (viên tịch, tịch diệt), nhập cõi niết bàn; thuận lý vô thường; tiêu diêu nơi miền cực lạc; viên tịch..
Riêng về phía Công giáo, cách nói nào thích hợp hơn. Thiết tưởng cần tìm về truyền thống của Giáo Hội.
1. Truyền thống.
Các mộ bia Công giáo thường có ghi những chữ R.I.P., viết tắt của “Requiescat in pace” (Rest In Peace: Hãy an nghỉ). Câu này đến từ lời nguyện của lễ an táng: “Anima eius et animae omnium fidelium defunctorum per Dei misericordiam requiescant in pace: Nhờ lượng từ bi Chúa, xin cho linh hồn ấy và linh hồn các tín hữu đã qua đời được nghỉ ngơi bình an”.
Tượng tự cũng tìm thấy trong Isaia 57, 2: “The just man enters into peace; There is rest on his couch for the sincere, straightforward man: Người công chính bước vào cõi phúc bình an; Kẻ dõi theo đường ngay nẻo chính sẽ nghỉ ngơi trên giường của mình”: Câu này đã được tìm thấy trong tiếng Do Thái, trên bia mộ có niên đại từ thế kỷ I trước Công Nguyên, trong nghĩa trang của Beit She’arim, nói về người công chính đã chết, bởi vì anh ta không thể chịu được cái ác xung quanh mình. Câu tắt là “đến và nghỉ bình an” đã được chuyển thành lời cầu nguyện trong tiếng Talmudic cổ đại của thế kỷ III. Nhưng trước thế kỷ VIII, người ta chưa thấy câu “Requiescat in pace” trên mộ bia, sau thế kỷ XVIII thì rất phổ biến.
Thánh lễ an táng trong tiếng Anh thường được gọi là A requiem hay Requiem Mass, vì câu đầu tiên trong ca nhập lễ là: “Requiem æternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis: Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Truyền thống Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến requiem: an nghỉ.
2. Thử tìm câu thích hợp.
Những lời báo tử cần thích ứng với niềm tin tôn giáo. Phật giáo có cách nói riêng, bên lương thì thường chỉ nói là “qua đời”, “tạ thế”, “từ trần”, Công giáo cũng cần có cách nói thích hợp. Những câu vừa nhắc đến đều có tính cách Công giáo, đa dạng, trăm hoa đua nở, như vậy cũng tốt, nhưng thử tìm câu thích hợp hơn.
Trong tất cả những câu nói đó, có câu “an nghỉ trong Chúa” có lẽ tốt hơn. Chúa là cùng đích của con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, và phải trở về với Chúa, Chúa là niềm hoan lạc đời đời. Ngoài Chúa ra, không có gì tồn tại mãi mãi. Có Chúa mới có hạnh phúc thật. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” (Xh 33,14). Chúa Giêsu cũng nói tương tự: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7). Bài ca “An nghỉ trong Chúa” của Thanh Đan nói: “Khi tấm khăn phủ che thân xác con, con an nghỉ trong Chúa tình yêu”.
“Requiescat in pace” chỉ có nghĩa là “Nghỉ ngơi trong an bình”, và bài ca nhập lễ của lễ an táng: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời” cũng chỉ là nghỉ yên muôn đời. “An nghỉ trong Chúa” không những giữ được truyền thống của Giáo Hội, còn nhấn mạnh được sự bình an nơi Thiên Chúa.
3. Cách hành văn.
Trong cáo phó, người ta thường viết: “Trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc (đau đớn) báo tin (T.) đã được Chúa gọi về (an nghỉ trong Chúa)...”. Hình như người ta nhắm mắt viết cáo phó, mà không màng lưu tâm đến ý nghĩa của nó. Đã có “niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh”, đã “được Chúa thương gọi về” (hay an nghỉ), thì tại sao lại còn “vô cùng thương tiếc” được? Thật ra chỉ cần viết “trân trọng kính báo” thì thích hợp hơn: “Gia đình chúng tôi trân trọng kính báo (T.) đã được Chúa gọi về...”
4. Kết luận.
Các bản cáo phó từ sau năm 1975 có nhiều thay đổi, lồng vào ý nghĩa tôn giáo rất hay, nhưng cũng cần chú ý đến toàn diện. Nếu thấy người khác dùng một câu nào hay, chỉ nhắm mắt mà theo, thì nhiều khi lại phản lại ý tốt ban đầu.
Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Phêrô Nguyễn Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Lê Kim Ngọc Tuyết.
2023
Chữ “Amen” có nghĩa là gì?
fr.aleteia.org, Linh mục Henry Vargas Holguín, 2015-10-29
Ý nghĩa chữ Amen thì rất cụ thể, rất đặc biệt mà không một ngôn ngữ có từ tương đương. Amen là tiếng hêbrơ được dùng từ rất xưa. Về mặt ngôn từ học, amen đến từ chữ aman mà người ta dùng để làm mạnh lên hay để xác nhận các lời nói. Ý nghĩa của nó có thể diễn tả là “sự thật là như vậy” hay “được ghi nhận như vậy”.
Chữ amen không có chữ tương đương trong các ngôn ngữ tây phương. Vì thế không nên dịch theo nghĩa, nhưng nên hiểu đây là câu trả lời khẳng định cho một lời nói chắc chắn, ổn định và bất biến. Chính vì lý do này mà trong truyền thống do thái-kitô, chữ này được dùng nguyên trạng, không dịch ra, vì tất cả các bản dịch đều làm nghèo đi ý nghĩa nguyên gốc của chữ, theo sát nghĩa của chữ amen, người ta chỉ có thể dùng chữ này theo nghĩa thiêng liêng và như thế chỉ dùng chữ ”amen” khi nói về Chúa.
Amen là đặc ngữ xêmita được dùng rộng ra trong thế giới kitô giáo
Chắc chắn chữ này có nguồn gốc xêmita và với thời gian, việc dùng chữ này trải rộng ra trong giới kitô giáo; vì thế chữ “amen” được dùng rất nhiều trong Thánh Kinh. Amen được dùng để chứng nhận các lời như: “chính vì vậy”, hay để diễn tả một lệnh: “phải được như vậy”. Đây là một trong các thán từ phụng vụ được dùng nhiều nhất vì nó được dùng như một công thức để kết thúc lời cầu nguyện.
Khi dùng chữ này, chúng ta tuyên xưng câu vừa đọc là thật, trong mục đích khẳng định một câu, làm câu đó thành của mình hay để đưa đến một lời cầu nguyện. Vì thế, khi chữ này được cộng đoàn dùng trong khuôn khổ của một nghi thức phụng vụ tôn giáo thì nó có nghĩa là toàn thể cộng đoàn đồng ý những lời vừa đọc.
Chữ “amen” được Chúa Giêsu dùng trong các Tin Mừng để bắt đầu một bài giảng, mang tầm mức vững chắc và kiên nghị cho bài giảng. Chính vì vậy Chúa Giêsu nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch