2023
Thông dịch viên Lời Chúa
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Than phiền bài giảng của các linh mục đã trở thành chuyện dài nhiều tập đến nỗi đi vào cả Tông huấn của Giáo hoàng: “Tôi đặc biệt chú ý đến bài giảng lễ và việc chuẩn bị bài giảng vì có quá nhiều lời ta thán về phận vụ quan trọng này, và chúng ta không thể không biết đến… Chúng ta biết rằng người giáo dân dành cho bài giảng tầm quan trọng đặc biệt, nhưng cả họ cũng như các thừa tác viên có chức thánh đều phải khổ sở vì các bài giảng: giáo dân khổ vì phải nghe, còn người giảng thì khổ vì phải giảng” (Evangelii Gaudium, 135). Trong câu trích dẫn trên, Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ nói đến nỗi khổ của giáo dân khi phải nghe giảng, mà còn nói đến nỗi khổ của các linh mục khi phải giảng! Mà đây lại là điều ít người để ý đến.
Trong thực tế, các linh mục có những khó khăn khi giảng Lời Chúa, những khó khăn mà các diễn giả khác không phải đối diện. Chẳng hạn cử tọa không thay đổi. Một giáo sư dạy một môn học, ông biên soạn một giảng trình và cử tọa của ông là các sinh viên, mỗi năm là một lớp sinh viên mới nên tuy giảng trình vẫn thế (có thay đổi chút đỉnh) mà người nghe vẫn thấy mới. Hoặc một diễn giả được mời thuyết trình trong hội nghị, ông biên soạn bài diễn văn công phu, và vẫn bài ấy, ông trình bày tại những hội nghị khác với cử tọa khác, bài thuyết trình của ông lúc nào cũng được người nghe coi là mới mẻ. Còn linh mục giảng Lời Chúa thì sao? Cũng một cử tọa ấy, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, và nếu linh mục ấy phục vụ tại giáo xứ từ 5 năm trở lên thì lấy đâu ra cái mới! Có khi vừa nghe mấy câu thì người ta đã xầm xì “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Chưa hết, cử tọa của một giáo sư trên giảng đường là các sinh viên cùng trình độ, cử tọa của một diễn giả về một đề tài là những người quan tâm đến đề tài đó, vì thế họ có thể trình bày cách thích hợp với cử tọa. Còn cử tọa của linh mục tại giáo xứ thì sao? Thưa, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ, làm sao để thích hợp với mọi người? Trong Triết Kinh viện có câu: “Bất cứ điều gì được đón nhận đều được đón nhận theo thể thức của người đón nhận”. Nếu lấy câu đó áp dụng cho việc giảng lễ của các linh mục, sẽ thấy rất phức tạp.
Nói thế không phải để than thở, cũng không phải để bênh nhau nhưng để có thể nói với nhau cách chân thành rằng dù có những khó khăn như thế, anh em linh mục phải luôn cố gắng chu toàn trách nhiệm cao quý đã lãnh nhận, và bài viết này mong được là sự chia sẻ thân tình trong bầu khí huynh đệ ấy.
Thông dịch viên
Để tìm một hình ảnh diễn tả việc giảng lễ của linh mục, tôi nhớ đến một linh mục đàn anh đã qua đời. Có lần ngài kể cho tôi nghe chuyện một người bạn cùng lớp ở chủng viện nhưng đã xuất tu, sau đó anh dồn sức học tiếng Anh để làm thông dịch viên cho người Mỹ. Vị linh mục đàn anh ấy nói với tôi: hắn học đến nỗi ho ra máu để làm thông dịch viên cho Mỹ, thế còn chúng ta học để làm thông dịch viên Lời Chúa thì sao! “Thông dịch viên Lời Chúa”, tôi nhớ mãi cụm từ ấy và muốn mượn hình ảnh này để suy nghĩ về nhiệm vụ giảng lễ của các linh mục.
Khi đất nước mở ra với các nước ngoài về hoạt động thương mại cũng như giao lưu văn hóa, thông dịch viên trở thành một ngành nghề cần thiết. Vậy, đâu là những phẩm chất cần thiết của một thông dịch viên giỏi?
Thông dịch viên giỏi là người phải thông thạo cả hai ngôn ngữ, ngoại ngữ và ngôn ngữ bản xứ. Giỏi ngôn ngữ bản xứ nhưng kém ngoại ngữ đương nhiên không thể thông dịch, nhưng giỏi ngoại ngữ mà yếu về ngôn ngữ bản xứ cũng không thể là thông dịch viên tốt. Do đó, sở hữu vốn từ vựng rộng lớn trong cả hai ngôn ngữ sẽ giúp thông dịch viên nhanh nhạy trong việc dùng từ chính xác và sinh động.
Cùng với sự thông thạo ngôn ngữ, thông dịch viên giỏi còn phải có kiến thức tổng quát và hiểu biết về văn hóa. Ngôn ngữ là phương tiện diễn tả tư tưởng, tâm tình, cảm xúc bên trong, và ngôn ngữ gắn liền với văn hóa. Vì thế nếu có sự hiểu biết rộng về lịch sử và văn hóa bản xứ cũng như nước ngoài, thông dịch viên có thể hiểu sâu về những điều người ta muốn diễn tả và truyền đạt cho người khác.
Ngoài ra, cũng như trong bất cứ lãnh vực nào khác, đạo đức nghề nghiệp là đòi hỏi tất yếu. Trong ngành thông dịch, đạo đức nghề nghiệp trước hết đòi hỏi sự trung thực, chuyển tải đúng những điều người khác muốn, không tự ý thêm bớt điều gì. Cùng với sự trung thực là bảo mật thông tin, tác phong lịch sự, nghiêm túc trong công việc.
Cuối cùng, thông dịch viên giỏi là người phải không ngừng trau dồi khả năng. Ngôn ngữ và kiến thức là biển cả mênh mông và không ngừng tiến triển, vì thế để là thông dịch viên giỏi, phải không ngừng trau dồi ngôn ngữ và sự hiểu biết, nhờ đó mới có thể đáp ứng nhu cầu cách thích đáng.
Thông dịch viên Lời Chúa
Lời của Chúa và lời của đời
Thông dịch viên là cầu nối cho cuộc đối thoại giữa hai người không cùng ngôn ngữ. Cũng thế, thông dịch viên Lời Chúa là cầu nối cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người. Để phục vụ cuộc đối thoại ấy, linh mục phải hiểu biết Lời Chúa, cụ thể là các bài đọc trong Thánh Lễ. Thông thường các linh mục giảng lễ hay tự hỏi: “Tôi sẽ giảng điều gì để người nghe thấy hấp dẫn?” nhưng thực ra câu hỏi đầu tiên phải là: “Lời Chúa muốn nói gì với dân của Chúa?”, vì thế việc đầu tiên là phải đọc và tìm hiểu Lời Chúa qua các bài đọc. Đức Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium (EG) cũng như Đức Bênêđictô XVI trong Verbum Domini (VD) đều nhấn mạnh đến phần việc quan trọng này và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể (x. EG 150; VD 59):
– Phải đọc kỹ, chậm rãi, không vội vã, để ý đến những từ ngữ được lặp lại nhiều lần cũng như để ý cấu trúc của bản văn, mục đích là để tìm hiểu đâu là sứ điệp chính của trích đoạn mà ta đang đọc.
– Phải liên hệ bản văn ta đang đọc với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh vì Chúa Thánh Thần không chỉ linh hứng một phần nhưng là toàn bộ Kinh Thánh.
– Đồng thời bản thân linh mục phải đọc bản văn Kinh Thánh như Lời Chúa nói với chính mình. Ai muốn rao giảng, phải sẵn sàng để cho Lời chạm đến và làm cho Lời hình thành cụ thể trong đời sống của mình, như thế mới có thể truyền đạt cho người khác điều mình chiêm ngắm; nếu không sẽ có nguy cơ chỉ là tiên tri giả. “Người giảng dạy Lời Thiên Chúa ở bên ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái” (Augustino).
Tiếp đến, giảng không chỉ là giảng cái gì nhưng còn là giảng cho ai, vì thế cùng với việc hiểu biết Lời Chúa, linh mục còn cần phải hiểu biết cử tọa và đời sống của họ: “Người giảng phải có khả năng nối kết sứ điệp của bản văn Kinh Thánh với hoàn cảnh sống của con người, với một trải nghiệm đang kêu gào ánh sáng Lời Chúa. Đây không phải là chuyện tính toán cơ hội nhưng là đòi hỏi tôn giáo và mục vụ sâu xa” (EG 154). Chính điều này làm cho bài giảng lễ khác với bài chú giải Kinh Thánh, và cũng có thể nói là thách đố lớn nhất của việc giảng lễ, đòi hỏi linh mục phải vừa lắng nghe Lời Chúa vừa lắng nghe lời của đời, nhất là tâm tư của những người mình được sai đến công bố Lời Chúa cho họ. Chính vì thế, “Bài giảng là viên đá thử để đánh giá việc gần gũi của mục tử với giáo dân” (EG 135).
Soạn giảng
Thông dịch viên là một nghề và đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp, huống chi thông dịch viên Lời Chúa là một ơn gọi, thì linh mục giảng lễ lại càng phải có tinh thần trách nhiệm lớn hơn, trách nhiệm trước mặt Chúa và trách nhiệm với dân Chúa. Trách nhiệm ấy đòi hỏi linh mục phải chuẩn bị bài giảng lễ cho chu đáo hết sức có thể: “Mỗi tuần nên dành một thời gian cá nhân hay tập thể rất cần thiết cho trách nhiệm này, dù phải bớt thời giờ cho những công việc khác, kể cả những việc thật quan trọng” (EG 145). Nếu không chuẩn bị bài giảng cho tốt, linh mục giảng lễ sẽ làm mất thời giờ của cộng đoàn, tệ hơn nữa, còn làm cho cộng đoàn chán ngán Lời Chúa và đời sống đức tin sa sút.
Lý do thường được viện dẫn để biện minh cho việc thiếu chuẩn bị bài giảng là “không có giờ, quá nhiều việc phải lo”! Tuy nhiên nếu chúng ta chân thành nhìn lại đời sống của mình, có lẽ vấn đề không phải là không có giờ nhưng “đâu là ưu tiên hàng đầu của chúng ta?” Nếu ưu tiên hàng đầu là giảng Lời Chúa thì chúng ta sẽ có thể sắp xếp thời gian thích hợp cho công việc này.
Lý do khác cũng hay được viện dẫn là “các bài đọc đã quá quen, chẳng có gì mới nên không cần chuẩn bị”! Chúng ta quên rằng Lời Chúa luôn mới mẻ và cuộc sống con người cũng không ngừng thay đổi. Hãy thử đọc những bài giảng của Đức Bênêđictô XVI hoặc của Đức Phanxicô xem, cũng cùng một bài Tin Mừng ấy, các ngài giảng nhiều năm và lần nào cũng cung cấp cái nhìn mới về Lời Chúa. Vì thế viện dẫn lý do “đã quá quen” thực ra chỉ là để biện minh cho sự lười biếng của mình.
Một bài giảng tốt là bài giảng tác động trên con người toàn diện: soi sáng trí khôn, đánh động tâm hồn, thúc đẩy hành động. Vì vậy cần có thời giờ chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc cầu nguyện, suy nghĩ, đào sâu, tìm kiếm cách diễn tả. Nên tập trung vào một chủ đề hơn là trình bày quá nhiều ý tưởng rải rác, thiếu liên kết, khiến người nghe khó lĩnh hội. “Một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh” là lời khuyên cụ thể của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu được, nên viết ra vì khi viết, chúng ta có thể chọn những từ ngữ và cách diễn đạt thích hợp và giúp người nghe dễ đón nhận hơn.
Thuyết giảng
Biên dịch chỉ cần dịch cho đúng và hay, thông dịch còn đòi hỏi thêm là phải nói, phát âm chuẩn để người ta hiểu. Linh mục giảng lễ cũng thế, phải nói sao cho người ta nghe được, hiểu được, cảm được: “Một số người nghĩ rằng họ có thể trở thành những nhà giảng thuyết tốt vì họ biết phải nói cái gì, nhưng lại chểnh mảng về việc phải nói thế nào, cách cụ thể là khi trình bày bài giảng. Họ than phiền là người ta không chịu lắng nghe hoặc không đánh giá họ cao, nhưng có thể là họ đã không chú tâm đến cách trình bày sứ điệp” (EG 156). Vì thế, linh mục giảng lễ nên quan tâm đến một số điều về thuyết giảng:
– Giọng nói: phát âm chuẩn, không nói ngọng hoặc nói sai, không quá nhanh vì sẽ khó nghe, không quá chậm vì sẽ tạo cảm giác mệt mỏi, hơn nữa là giọng nói có khả năng diễn đạt cảm xúc và chạm đến tâm hồn người nghe.
– Ngôn ngữ thích hợp: không dung tục vì đây là lời rao giảng trong khung cảnh phụng vụ, cũng không quá chuyên môn, xa lạ với cử tọa. Ngôn ngữ giảng là ngôn ngữ đơn sơ, rõ ràng, tích cực: “Điều thường xảy ra là các vị giảng thuyết sử dụng những ngôn từ có tính học thuật nhưng không phải là ngôn từ thông dụng của người nghe. Đó là những thuật ngữ đặc thù của thần học và giáo lý, nhưng phần đông các tín hữu lại không hiểu… Để có thể giúp họ tiếp cận Lời Chúa, vị giảng thuyết phải lắng nghe, chia sẻ đời sống của họ và chú tâm đến họ nhiều hơn” (EG 158).
– Thời lượng: giảng lễ là giảng trong cử hành phụng vụ chứ không phải trong một giờ học hoặc hội thảo, vì thế bài giảng lễ không thể quá dài. Hơn nữa, bài giảng quá dài có thể làm mất đi sự hòa hợp giữa các phần phụng vụ cũng như nhịp điệu phụng vụ (x. EG 138). Không thể ấn định cách quá máy móc về thời lượng bài giảng lễ, tuy nhiên cách chung vì các linh mục làm việc tại các giáo xứ phải giảng thường xuyên mỗi Chúa nhật (chưa kể hằng ngày) nên có thể chọn khung thời gian cho một bài giảng lễ Chúa nhật là 7 – 10 phút.
– Tác phong: linh mục giảng lễ mang trên người phẩm phục phụng vụ, giảng trong bầu khí cử hành phụng vụ, sau bài giảng lễ là Phụng vụ Thánh Thể … tất cả những điều đó bày tỏ ý nghĩa đặc biệt của bài giảng lễ và vai trò đặc biệt của vị giảng lễ. Chính ý nghĩa và vai trò ấy đòi hỏi vị giảng lễ phải có tác phong thích hợp. Nói cách khác, linh mục giảng không chỉ bằng lời nói mà còn bằng ngôn ngữ không lời, và tác phong của ngài trong toàn bộ cử hành phụng vụ đóng vai trò quan trọng. Một bài giảng tốt cùng với việc cử hành sốt sắng và trang nghiêm chắc chắn sẽ mang lại ơn ích thiêng liêng cho cộng đoàn dân Chúa.
Vun trồng vốn liếng
Trong chương trình đào tạo ở các đại chủng viện, Giảng thuyết là môn học thường được xếp vào năm cuối của chương trình. Như thế, cách nào đó, việc giảng lễ của các linh mục vừa là kết quả vừa thể hiện ra bên ngoài tất cả những điều linh mục đã tiếp thu trong chương trình đào tạo. Nói như thế có nghĩa là bài giảng lễ của các linh mục được hình thành trên nền tảng đã có trước, tức là kiến thức Kinh Thánh và thần học, kinh nghiệm thiêng liêng và mục vụ, vốn sống và khả năng suy tư của mỗi người. Đây là lý do giải thích tại sao cũng dựa trên cùng các bài đọc nhưng các bài giảng lại được khai triển khác nhau.
Nền tảng ấy đã có nhưng không phải là một món hàng thủ đắc một lần là xong, nền tảng ấy cần phải tiếp tục được củng cố và phát triển trong suốt đời sống linh mục. Chính vì thế các linh mục được khuyến khích không ngừng học hỏi: “Những kiến thức của các thừa tác viên thánh cũng phải thánh vì phát xuất từ nguồn mạch thánh và quy hướng về cùng đích thánh. Vì thế kiến thức đó trước hết được kín múc từ việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh, đồng thời cũng tăng thêm hiệu quả nhờ việc nghiên cứu những tài liệu của các Giáo phụ, các thánh Tiến sĩ và các chứng từ khác của Thánh Truyền. Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng cho những vấn nạn của con người thời nay, các linh mục phải tìm hiểu thấu đáo những tài liệu của Huấn Quyền, nhất là của các Công đồng và các Giáo hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thần học thời danh đã được Giáo Hội thừa nhận” (Presbyterorum Ordinis, 19).
Hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong một thời đại mà tri thức nhân loại phát triển rất nhanh, vì thế linh mục lại càng cần tự trau dồi: “Trong thời đại ngày nay, văn hóa nhân loại và ngay cả các ngành học thánh đã có những bước tiến mới, vì thế các linh mục phải không ngừng trang bị thật đầy đủ kiến thức về Thiên Chúa và về con người, đó là cách tự chuẩn bị để có thể đối thoại cách thích hợp hơn với những người đương thời” (Presbyterorum Ordinis, 19). Đây là lý do các Giáo phận cố gắng tổ chức các khóa thường huấn hằng năm cho các linh mục. Tuy nhiên điều cần thiết không kém là mỗi linh mục phải tự đào tạo, dành thời giờ để đọc sách và học hỏi thêm.
* * *
Giảng lễ là tác vụ cao quý được trao ban cho các thừa tác viên có chức thánh: “Mỗi người đều có bổn phận và nhiệm vụ liên quan tới Lời Thiên Chúa: các tín hữu phải lắng nghe và suy niệm Lời; còn chỉ những ai đã nhận được nhiệm vụ giáo huấn do Bí tích Truyền chức thánh hoặc những ai đã được trao phó thi hành thừa tác vụ này, tức là các Giám mục, linh mục và các phó tế, thì mới trình bày Lời Chúa” (VD 59). Câu trích dẫn này cho thấy giảng lễ vừa là đặc ân dành riêng cho các linh mục và cũng là trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm ấy đòi hỏi linh mục phải gắn bó mật thiết với Lời Chúa: “Chúa muốn sử dụng chúng ta như những con người sống động, tự do và sáng tạo, hoàn toàn để cho Lời của Người thấm nhập chúng ta, trước khi chúng ta truyền đạt Lời này; sứ điệp của Chúa phải đi ngang qua vị giảng thuyết, không chỉ ngang qua lý lẽ của ngài nhưng chiếm hữu trọn vẹn cuộc sống của ngài” (EG 151).
Câu hỏi mỗi linh mục phải đặt ra cho mình không phải là “tôi giảng có hay không, có được người ta ca tụng không?” nhưng là “tôi đã cố gắng làm hết sức mình chưa?” Hãy làm hết sức như thể kết quả hoàn toàn là do mình, và phó thác nơi Chúa như thể mọi kết quả là từ nơi Chúa.
Nguồn: giaophanmytho.net (08.5.2023)
Đọc thêm bài trong mục “Câu chuyện đầu tuần” của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm:
17 – Thông dịch viên Lời Chúa
16 – Thánh Giuse và nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa 14 – Mầu nhiệm Phục Sinh và giá trị thân xác 13 – Giới trẻ và Chúa nhật Lễ Lá 12 – Những nấm mồ trên mạng xã hội |
2023
Thừa tác vụ Đọc sách
Thừa tác vụ Đọc sách
Hãy so sánh trải nghiệm về ngày Chúa nhật hiện nay với cách thức đã từng diễn ra. Trước đây, linh mục đọc Kinh thánh trước bằng tiếng La tinh tại bàn thờ, đứng quay lưng về phía giáo dân, sau đó bằng tiếng địa phương [chẳng hạn tiếng Anh] tại bục giảng. Các bài đọc là những phân đoạn từ các Thánh thư và Tin mừng được sắp xếp thành một bộ sách các bài đọc Kinh thánh được lặp lại hằng năm. Vào các ngày Chúa nhật, thường có một bài giảng sau đó, nhưng hiếm có bài giảng nào liên quan nhiều đến các đoạn Kinh thánh vừa được nghe.
Sách bài đọc Thánh lễ hiện nay phải được xem như là một trong những thành tựu có hiệu quả rõ rệt nhất của Giáo hội trong nhiều thế kỷ. Nhờ đó, ngày nay, toàn thể cộng đồng Công giáo có cơ hội trải nghiệm lời Kinh thánh trong các cử hành phụng tự mang tính cộng đoàn một cách sâu rộng như chưa từng biết đến trong hàng trăm năm qua. Qua chu kỳ ba năm với các bài đọc và thánh vịnh, giờ đây chúng ta đã công bố và diễn giảng hầu hết Tân ước và những trích đoạn được lựa chọn cẩn thận từ Cựu ước, bao gồm cả những bài thi ca trong các thánh vịnh. Quy luật cầu nguyện mang tính cộng đoàn này đang hình thành nên con người chúng ta theo những cách thức mà chúng ta chỉ có thể bắt đầu nghĩ đến.
Kinh nghiệm phụng tự này đã được minh chứng rất hiệu quả khi nhiều anh chị em Kitô hữu ở Bắc Mỹ và các nơi khác trên thế giới hiện đang sử dụng một ấn bản đại kết của Sách bài đọc này (được gọi là Sách bài đọc chung) được dùng trong cử hành phụng tự vào ngày Chúa nhật. Trong số các cộng đồng này có Giáo hội Luther, Giáo hội Giám lý liên hiệp, Giáo hội Anh giáo, Giáo hội Trưởng lão và Giáo hội Hợp nhất. Thật tuyệt vời là sau nhiều thế kỷ chia rẽ, chúng ta tìm lại được sự hợp nhất nơi bàn tiệc lời Chúa với các anh em cùng đức tin này. Ngay cả cách đây một vài năm, liệu ai dám nghĩ rằng điều này có thể xảy ra? Thế nhưng, thành quả trọn vẹn của sự tiến triển nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng này vẫn còn ở phía trước chúng ta.
Sự hiện diện cách bí tích
Sức mạnh và tầm quan trọng của lời Kinh thánh trong cử hành phụng tự có thể thoáng thấy trong kinh nghiệm ban đầu của Giáo hội. Trong thời gian bị bách hại, phận vụ chuẩn bị và công bố lời Chúa trong các cử hành phụng tự được giao cho các thừa tác viên đọc sách thuộc những người lãnh đạo Giáo hội địa phương vốn là những đối tượng đặc biệt. Nhà cầm quyền bách hại nhận ra việc công bố Kinh thánh mang lại một tác động mạnh mẽ và khích lệ sự hiện diện và hành động của những người Kitô hữu trên thế giới.
Sự canh tân hiểu biết về tầm quan trọng và sức mạnh của thừa tác vụ phụng vụ này đưa đến việc phục hồi nó trong thời đại chúng ta. Thật may, thừa tác vụ được phục hồi này có mục đích mở ra kho tàng rất phong phú của các bài đọc Kinh thánh cho việc phụng tự của người Công giáo, tương trưng qua Sách bài đọc. Trải qua nhiều thế kỷ, Sách bài đọc đã trở thành một phần của Sách các lời nguyện trong Thánh lễ dành cho linh mục chủ tế (Sự phát triển này trùng hợp với việc các thừa tác viên có chức thánh dần dần đảm nhận những phận vụ khác nhau trong phụng vụ). Một lần nữa, thừa tác vụ Đọc sách có một sách phụng vụ riêng, giống như sách cho thừa tác vụ của linh mục chủ tế.
Ý nghĩa sâu sắc của thừa tác vụ Đọc sách nằm ở mối liên hệ mật thiết của nó với sự canh tân đương thời của một hiểu biết đầy đủ hơn về tính bí tích của việc phụng tự Công giáo. Tất cả chúng ta cần phải am hiểu sâu sắc hơn sự canh tân liên tục của Giáo hội về việc hiểu biết lời Chúa trong các cử hành phụng tự đó. Chẳng hạn, hãy xem xét lời khẳng định sau của Công đồng Vatican II trong Hiến chế về Mạc khải, Dei Verbum:
Giáo hội vẫn luôn tôn kính Kinh thánh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu (DV 21).
Nói cách khác, trong Thánh lễ có hai bàn tiệc: bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai cùng làm nên một hành vi phụng tự duy nhất trước nhan Thiên Chúa. Chính từ mỗi bàn tiệc này, chúng ta được dưỡng nuôi, được lãnh nhận bánh ban sự sống. Tiềm ẩn nơi giáo huấn này là một hiểu biết về sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô mà Giáo hội tuyên xưng:
Trong khi cử hành Thánh lễ là Hy lễ làm cho Hy tế Thập giá được tiếp tục hiện diện trong Giáo hội, Chúa Kitô thực sự hiện diện trong cộng đoàn quy tụ nhân danh Người; nơi con người của thừa tác viên, trong lời của Người, và hiện diện đích thực, theo bản thể, và cách vĩnh viễn dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể. (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7)
Phần Dẫn nhập Sách bài đọc Thánh lễ cũng nêu bật mối liên hệ mật thiết và bất khả phân giữa sự hiện diện của Chúa trong hai bàn tiệc này, tức là trong Phụng vụ lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể:
Để cử hành Hy lễ tưởng niệm Chúa với lòng sốt sắng, các tín hữu nên ý thức sâu xa về sự hiện diện duy nhất của Chúa Kitô cả trong lời Chúa, vì chính Người đang nói với chúng ta khi lời Kinh thánh được công bố trong nhà thờ, và trên hết, dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể (Số 4).
Lời Chúa như là sự hiệp thông
Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể nhận ra trong Phụng vụ lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể một điểm tương đồng giữa hai nghi thức tương ứng, Công bố lời Chúa và Hiệp lễ. Trong cả hai nghi thức phụng vụ này, chúng ta đều thể hiện lòng tôn kính đối với sự hiện diện của Chúa. Những điều này có lẽ rõ ràng hơn đối với chúng ta trong Phụng vụ Thánh Thể, qua các cử điệu cúi đầu, bái gối, quỳ gối, nâng cao bánh và rượu khi đọc lời truyền phép, đưa tay rước Mình và Máu Chúa một cách ý thức và cung kính, cũng như nhiều dấu chỉ tôn kính khác tùy theo cách lựa chọn của mỗi người.
Hãy xem xét các dấu chỉ tôn kính tương tự trong Phụng vụ lời Chúa: việc công bố long trọng mỗi bài đọc; sự cung kính và chú tâm lắng nghe các bài đọc; những câu đáp đặc biệt sau các bài đọc, nhất là câu đáp sau phần công bố Tin mừng để bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện của Chúa; và các dấu chỉ khác liên quan đến các bài đọc Tin mừng như tư thế đứng khi nghe đọc bài Tin mừng, việc rước sách Tin mừng với nến và hương, việc thừa tác viên ghi dấu thánh giá lên sách Tin mừng, việc cộng đoàn tham dự làm dấu Thánh giá trên mình khi nghe xướng Tin mừng Chúa Giêsu Kitô…, và cuối cùng là cử chỉ hôn sách Tin mừng của thừa tác viên.
Tiếp theo, hãy xem xét diễn tiến nghi thức tương tự giữa lời Chúa và Bàn tiệc. Phụng vụ Thánh Thể đạt đến tâm điểm và cao điểm trong phần Kinh nguyện Thánh Thể, vốn là lời công bố long trọng những hành động cứu độ của Thiên Chúa. Trong lời công bố này, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa; và trong quyền năng sự hiện diện của Chúa, cộng đoàn dâng các lời chuyển cầu cho Giáo hội, thế giới và những người đã qua đời, đồng thời cầu nguyện cho sự hợp nhất của Giáo hội. Sau lời công bố long trọng này [các lời nguyện của chủ tế sau Kinh Lạy Cha] là việc bẻ Mình Thánh và rót Máu Thánh vào những chén thánh cho cộng đoàn, và kết thúc với việc rước lễ. Khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa, chúng ta được kết hiệp nên một với Người và với anh chị em, như của ăn của uống cho một thế giới yêu mến và khao khát Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Trong Phụng vụ lời Chúa, các bài đọc đạt đến đỉnh cao khi long trọng công bố bài Tin mừng. Sau đó là bài giảng diễn giải lời vừa được công bố, để nuôi dưỡng đời sống cộng đoàn. Sự hiệp thông trong Chúa, hiện diện nơi lời Chúa, được kéo dài thêm trong một khoảng thời gian thinh lặng chung, để cộng đoàn suy niệm lời Chúa trong tâm hồn. Được củng cố nhờ sự nuôi dưỡng này, sau đó cộng đoàn dâng lên bàn thờ những lời nguyện của dân tư tế để chuyển cầu cho Giáo hội, thế giới và những người có nhu cầu đặc biệt.
Việc công bố lời Chúa
Dưới ánh sáng này, thừa tác vụ Đọc sách trong Thánh lễ rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ cử hành phụng tự. Kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong lời Chúa và Thánh Thể và giữa con người với nhau vẫn luôn là một thách đố.
Do đó, việc công bố hữu hiệu lời Chúa là một phần nội tại trong toàn bộ cử hành. Giao tiếp bằng lời nói trước hết là một điều thực tế trong đời sống con người, vốn đòi hỏi việc sử dụng các kỹ năng đơn giản của con người. Như Công đồng Trentô đã tuyên bố cách đây hơn 400 năm, các bí tích là dành cho con người, tức là tinh thần con người được tiền định cho sự sống phục sinh.
Trong các cử hành phụng tự, việc công bố lời Kinh thánh mà có rất ít hay không có hoặc quá nhiều nhấn mạnh cách diễn tả đều sai lầm. Năm ngoái, vào Chúa nhật III mùa Vọng, tôi nghe một người đọc bài thánh thư tuyệt vời của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philipphê mà không có chút biểu cảm gì. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi nghe đọc: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4), với một cung giọng quá buồn tẻ. Sự diễn đạt không phải là một điều tùy chọn, nhưng không thể không có, và phải bắt đầu ngay khi người đọc sách tiến đến giảng đài. Thách đố được đặt ra là người đọc bài thánh thư cần biết kết hợp giữa việc chuẩn bị trình bày khéo léo, có tâm tình cầu nguyện, với tính cách và kỹ năng đặc thù nơi mỗi thừa tác viên đọc sách.
Trên hết, người đọc sách cần hiểu và tin rằng họ đang thi hành một thừa tác vụ hiện diện và hiệp thông đích thực. Họ phải tin nhận rằng Chúa đang hành động và hiện diện trong cộng đoàn qua việc họ công bố lời Chúa, rằng Chúa ước mong nói và được lắng nghe qua lời Kinh thánh mà họ công bố. Đó là lời Chúa đang nói với cộng đoàn này, ở đây và lúc này, và mỗi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi lắng nghe và đáp lại lời Chúa trong hôm nay, tuần này, và những tuần tới.
Bằng những lời kết thúc bài đọc: “Đó là lời Chúa”, người đọc sách mời gọi cộng đoàn tin nhận sự hiện diện của Chúa, tương tự như khi thừa tác viên Thánh Thể nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”. Tôi nhớ lại lần đầu tiên khi tôi chứng kiến một người đọc sách thật sự dừng lại ở cuối bài đọc, rồi sau đó, ngước nhìn toàn thể cộng đoàn, công bố lời Chúa với một sự chú tâm thật tinh tế, làm cho cộng đoàn cảm thấy như được mời gọi đáp lại lời Chúa với một sự hân hoan: “Tạ ơn Chúa!”
Hơn nữa, từ xưa, Giáo hội đã dạy rằng, khi hiệp lễ, chúng ta trở thành điều mà chúng ta nhận lãnh. Khi đón nhận và cử hành lời Chúa đang sống động ở giữa con người, chúng ta trở thành sự hiện diện của chính Chúa và sự khao khát của Người về một thế giới tốt đẹp hơn thế giới mà chúng ta đã cộng tác xây dựng. Trong Đức Kitô, chúng ta trở thành lời làm thay đổi thế giới, qua đó, thế giới được biến đổi thành những gì mà Thiên Chúa đã dự định từ ngàn đời.
Thừa tác viên đọc sách cần am hiểu tất cả những điều này và nhiều điều khác nữa. Khi tôi phụ trách việc huấn luyện những thừa tác viên đọc sách, tôi không bắt đầu bằng những bài học về kỹ năng nói trước công chúng. Phát triển kỹ năng là bước cuối cùng. Thay vào đó, trước hết tôi mời họ suy tư một cách sâu sắc và chân thật về hành trình của chính họ trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Theo Kinh thánh, Đức Kitô đã trở thành hiện thân của sự tội để cứu chuộc chúng ta. Nói cách khác, Thiên Chúa trong Đức Kitô đã đi vào chính sự đổ vỡ của thảm kịch đã bắt đầu nơi vườn địa đàng năm xưa, và sự đổ vỡ này vẫn còn tiếp tục xảy ra trong mỗi người chúng ta theo một cách thế đặc thù. Chúng ta cần mang tất cả những gì chúng ta có vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là toàn bộ kinh nghiệm con người của chúng ta mà Thiên Chúa đã nói đến trong Kinh thánh. Không có gì phải bị loại bỏ. Và tất cả phải được biến đổi.
Vì vậy, tôi cố gắng giúp những thừa tác viên lời Chúa học cách để cho lời Chúa trước tiên tác động đến họ như thế nào. Nhưng trước khi chuyển sang việc tập luyện các kỹ năng nói trước công chúng, cần phải trải qua một bước đào tạo quan trọng khác. Tôi mời họ tưởng tượng ra những câu chuyện cá nhân của những người nghe họ công bố lời hằng sống này. Họ chỉ cần nhớ lại cuộc hành trình của chính những người này trong Đức Kitô: những thăng trầm, đau khổ, thất bại và những khao khát khôn tả, hầu có thể truyền thông đoạn Lời Chúa này cho những người đang đợi nghe công bố: Bài trích sách…
Có hàng trăm câu chuyện tương tự trong trái tim và tâm trí của những người đang nỗ lực lắng nghe tiếng Chúa qua đoạn lời Chúa này: trẻ em, cha mẹ, người độc thân, người dị tính, người đồng tính, người đạo gốc, người tân tòng đến tham dự Thánh lễ với một sự vui tươi, hào hứng, những người đã mất người thân yêu, những người làm tổn thương những người yêu thương họ. Đối với mỗi người và mọi người, giờ đây, Thiên Chúa đang nói một lời duy nhất, và người đọc sách là công cụ được Chúa chọn trong chính khoảnh khắc người ấy công bố: “Đó là lời Chúa”.
Tác giả: James M. Schellman; Chuyển ngữ: Giuse Phạm Thanh Tú
2023
Một chút suy tư về vấn đề hát cộng đồng
Một chút suy tư về vấn đề hát cộng đồng
Hát cộng đồng là thực hành đúng đắn, phù hợp với những đòi hỏi của Giáo hội. Tuy nhiên khi quá đề cao việc hát cộng đồng sẽ có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực, vì tất cả mọi người khi tham gia phụng vụ đều có thể góp phần mình vào việc giúp người khác cầu nguyện, ca ngợi và thờ phượng Chúa. Tuy nhiên, nếu chỉ đề cao việc hát cộng đồng mà loại trừ ca đoàn hoặc ít nhiều lên án họ quá tham lam hoặc nói rằng họ dành hết phần của cộng đoàn thì cũng nên xét lại.
Chúng ta thường đồng hóa việc hát cộng đồng và bài hát cộng đồng thành một, nên nhiều cha sở cứ bắt phải hát chừng đó bài mà không bao giờ có thêm một bài mới nào khác hoặc nếu có thì cũng rất hạn chế. Tại một giáo xứ nọ trong giáo phận, lễ sáng Chúa nhật, bài ca nhập lễ duy nhất là bài Hát Lên Bài Ca của cha Kim Long. Điều này xảy ra rất thường xuyên. Sở dĩ như vậy là vì cha sở muốn cho cả cộng đoàn giáo xứ của ngài, từ lớn đến nhỏ có thể cùng hát rập ràng, mạnh mẽ và hơn nữa đó là bài hát cộng đồng.
Thực ra, không có tiêu chuẩn nào quyết định cho một bài hát trở thành bài hát cộng đồng ngoài tiêu chuẩn nó được nhiều người biết đến và hát lên trong buổi cử hành phụng vụ hoặc cầu nguyện. Thế nhưng người ta thường quên rằng, để được như vậy nó cần phải được hát lên, không chỉ một lần mà nhiều lần. Nhưng ai sẽ làm việc này nếu không phải là ca đoàn, thường là điểm xuất phát làm cho bài ca trở nên phổ quát.
Một giáo sư của nhạc viện Rôma, chuyên về các văn kiện của Giáo hội liên quan đến thánh nhạc nói rằng: người ta hiểu sai về việc hát cộng đồng được đề cập trong Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vatican II. Thật vậy, khi quá đề cao việc hát cộng đồng có thể làm cho thánh ca phụng vụ trở nên nghèo nàn, làm lu mờ vai trò của ca đoàn[1], lấy đi cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ, vẻ đẹp, nghệ thuật và sự tiến bộ của âm nhạc từ đó cũng tuột dần.
Trong khi đó một số văn kiện của Giáo hội “kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác đưa ra những tác phẩm mới để làm phong phú kho tàng Thánh nhạc”. Và “Hội Thánh vui mừng thúc giục các nhà sáng tác và các nhà soạn lời sử dụng tài năng đặc biệt của mình hầu Hội Thánh có thể tiếp tục làm tăng thêm kho tàng nghệ thuật Thánh Nhạc” (x.HDMV 76-77).
Về mặt lịch sử, không kể thời gian trước đó, nhưng trong khoảng thời gian giữa những năm 1600 và 1800, thánh nhạc bị ô nhiễm bởi phong cách của nhạc thính phòng và sau là opera. Trong thời kỳ này người tín hữu đến nhà thờ để “xem lễ”, “nghe nhạc” hơn là “tham dự” thánh lễ như ngôn ngữ chúng ta nói ngày nay. Với Tự sắc TRA LE SOLLECITUDINI của Đức Giáo hoàng Piô X, ngày 22 tháng 11 năm 1903, đã lên án việc lạm dụng trầm trọng, xem phụng vụ là thứ yếu và chỉ chú trọng đến âm nhạc, trong khi âm nhạc chỉ là nữ tỳ khiêm tốn của phụng vụ (x. số 23). Với tự sắc này bước đầu đã vạch ra những quy định rõ ràng và dứt khoát cho việc sử dụng âm nhạc trong phụng vụ, đồng thời định hình lại ca đoàn – Scholae Cantorum.
Tiếp bước Công đồng Vatican II, Huấn thị Musicam Sacram đưa ra những nguyên tắc rõ ràng hơn cho các lễ nghi phụng vụ khi được “cử hành kèm theo ca hát […] và khi có dân chúng tham dự (x. số 5). Đặc biệt trong số 16, huấn thị nói:
“Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Bởi vậy, sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát phải được triển khai kỹ lưỡng theo thứ tự sau đây:
a/ Việc tham gia này trước hết gồm có những lời tung hô, những câu đáp lại lời chào của linh mục hay thừa tác viên hoặc đáp lại lời kinh dưới hình thức đối đáp, ngoài ra lại có những câu đối ca và những thánh vịnh cũng như những câu xướng xen kẽ, hoặc những điệp ca, những thánh thi và thánh ca.
b/ Nhờ một nền huấn giáo thích hợp và những buổi thực tập dần dần sẽ đưa giáo dân tới chỗ hát những bài dành cho họ, cho đến khi họ tham dự hoàn toàn.
c/ Tuy nhiên, nếu giáo dân chưa được tập luyện đủ, và nếu dùng những bài hát nhiều bè, thì có thể giao một số bài hát của cộng đoàn cho nguyên ca đoàn thôi, miễn là không loại họ ra, không cho hát những phần dành cho họ. Nhưng không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát Phần Riêng và Phần Thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát”.
Trở lại với các bài thánh ca. Bài Ca Nhập lễ, Ca Tiến lễ và Ca Hiệp lễ (đừng nhầm lẫn với bài ca sau hiệp lễ x. SLRM số 88) là những bài ca mà từ ban đầu được hát bởi ca đoàn (chẳng hạn như Ca Tiến cấp (Graduale) mà bây giờ là Thánh vịnh đáp ca, Tratto, Ca Tiếp liên và Allêluia).
Qui chế Tổng quát sách lễ Rôma hiện nay, trong khi tiếp tục công nhận đầy đủ tính hợp lý đối với thực hành dành riêng cho ca đoàn, cũng quy định rằng các bài thánh ca trong cuộc rước có thể “được hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc giữa một ca viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hay ca đoàn hát[2]”. Sự cởi mở này liên quan đến các bài hát vừa kể trên, là kết quả của việc áp dụng ý muốn của các nghị phụ công đồng trong Hiến Chế Phụng Vụ, số 121, được diễn tả bằng những từ sau:
“Các nhạc sĩ […] hãy soạn tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ và giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu có thể tham dự một cánh linh động”[3].
Khi nói rằng cần khích lệ sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đoàn và nói rằng các tín hữu luôn phải hát tất cả những gì được tiên liệu để hát, cả hai hoàn toàn khác nhau, mệnh đề thứ hai không có trong Hiến chế Phụng vụ thánh. Ngay cả trong huấn thị Musicam Sacram, với ý muốn áp dụng Hiến chế Công đồng, đào sâu chủ đề về việc tham dự của cộng đoàn đối với bài ca phụng vụ, đòi hỏi “việc tham dự tích cực của giáo dân, được thể hiện qua việc ca hát, cần được khích lệ”, đồng thời “không chấp nhận thói quen ủy thác toàn bộ cho một mình ca đoàn hát phần Riêng lễ và phần Thường lễ, mà loại hẳn cộng đoàn khỏi việc ca hát”[4]. Tuy nhiên, liên quan đến những bài hát phần Riêng lễ[5], huấn thị nói rằng “Thật tuyệt vời khi cộng đoàn tham gia, càng nhiều càng tốt, vào các bài hát Riêng; cách đặc biệt với những điệp khúc dễ hát hay những hình thức âm nhạc thích hợp”[6]. Mục đích của huấn thị Musicam Sacram là khuyến khích việc tham gia của cộng đoàn vào các bài thánh ca có cuộc rước, nhưng không bắt buộc phải làm như vậy bằng cách đưa ra nguyên tắc cho rằng tất cả các bài hát nhất thiết phải được hát bởi cộng đoàn[7].
Tóm lại, một mặt các văn kiện đề cao tầm quan trọng của sự hiện diện và vai trò không thể thiếu của ca đoàn trong các buổi cử hành phụng vụ; mặt khác lại hạn chế việc ủy thác toàn bộ cho ca đoàn hát trong thánh lễ để tránh lạm dụng, biến giáo dân thành những thính giả bất đắc dĩ.
Vậy làm sao có thể tạo ra sự cân bằng để mọi người có thể tham dự “tích cực, trọn vẹn và có ý thức”? Sự tham gia tích cực và trọn vẹn có nghĩa là các thành viên đều tham gia vào cùng một hành vi thờ phượng, bằng cử chỉ, lời nói, ca hát và phục vụ. Tuy nhiên sự tham gia tích cực không loại trừ sự im lặng, tĩnh lặng và lắng nghe. Chẳng hạn khi nghe những bài đọc, bài giảng, hiệp với lời nguyện của chủ tế. Vì lý do này, trong Phần Riêng lễ, cụ thể những bài hát thuộc về cuộc rước (Bài Ca Nhập lễ, Ca Tiến lễ và Ca Hiệp lễ) cộng đoàn được mời gọi tham gia càng nhiều càng tốt, nhưng cộng đoàn cũng được mời gọi dành những giây phút tĩnh lặng để lắng nghe, để suy nguyện khi ca đoàn hát một mình mà không cần phải ca thán hoặc lên án họ.
Dù sao nữa, khi thi hành đúng phận vụ của mình, ca đoàn cũng phải ý thức vai trò được Giáo hội trao phó là nâng đỡ cộng đoàn, giúp họ nâng tâm hồn lên tới vẻ đẹp siêu phàm của Thiên Chúa, thúc đẩy các hành động ca ngợi, chúc lành, tôn vinh và tạ ơn.
- Võ Tá Hoàng
2023