2023
Có thể Rước Lễ mà trước đó chưa xưng tội không?
Thời xưa người ta dạy rằng bạn không thể Rước Lễ nếu chưa xưng tội trước. Tôi tin rằng thời nay các quy tắc trên không còn khắt khe nữa, ngay cả Đức Thánh cha Phanxicô cũng thường nói rằng Rước Lễ không phải là phần thưởng cho những người hoàn hảo. Vậy thì có lời khuyên nào cho việc đến gần Bí tích Thánh thể đúng cách không?
Cha Gianni Cioli, giáo sư thần học luân lý trả lời.
Một lời khuyên giá trị về việc rước Thánh Thể cách đúng đắn được Giáo lý của Công đồng Trentô đề nghị trong sắc lệnh về Bí tích Thánh Thể (khóa XIII: 11 tháng 10 năm 1551): một mặt, khuyến khích người tín hữu lãnh nhận bí tích này “như của ăn và thuốc giải độc, nhờ đó họ được giải thoát khỏi tội lỗi hằng ngày và được gìn giữ khỏi tội trọng” (DS 1638). Thực vậy, đó không phải là phần thưởng cho người hoàn hảo mà là liều thuốc giải độc cho tội nhân; mặt khác, Công đồng nhắc lại rằng “không một ai khi biết mình mắc tội trọng, dù người đó có thể nghĩ rằng mình đã ăn năn, lại được phép rước Thánh Thể mà không xưng tội trước đó” (DS 1647).
Do đó, Giáo hội dựa vào truyền thống có thẩm quyền nhất của mình, được trình bày trong sắc lệnh của Công đồng Tridentinô, khuyến khích chúng ta rước lễ bất cứ khi nào có thể vì nó nhắc nhở chúng ta rằng “lương thực thiêng liêng” này, là Bí tích Thánh Thể, giải thoát chúng ta khỏi “tỗi lỗi hằng ngày”, tức là khỏi các tội nhẹ (vốn không tước đoạt ơn thánh hóa của chúng ta) và gìn giữ chúng ta khỏi các tội trọng (là thứ tước đoạt ơn thánh hóa của chúng ta). Rõ ràng là Giáo hội không bắt buộc chúng ta phải rước lễ vào mỗi Chúa nhật (có bổn phận nhưng chỉ giới hạn mỗi năm một lần!), nhưng chắc chắn điều đó khiến chúng ta hiểu rằng bỏ Rước Lễ có nghĩa là đánh mất sự trợ giúp thiêng liêng to lớn mà Chúa đã ban cho chúng ta theo lòng nhân hậu của Ngài, Đấng nhận biết được các nhu cầu của chúng ta.
Tất nhiên, với ý thức về sự cao cả và vẻ đẹp của ân sủng thôi thúc chúng ta không nên đến với Bí tích trong tình trạng bất xứng, và do đó, như Công đồng Trentô đã chỉ ra, mỗi người phải xét mình một cách chân thành và khao khát hoán cải, xưng thú các tội trọng mà mình ý thức được, nhất là nhắm đến sự hoán cải của chính mình và đời sống vĩnh cửu. Tuy nhiên những ai không biết mình đã phạm tội trọng thì đừng sợ đến gần Thánh Thể.
Đương nhiên, điều này không làm giảm đi giá trị của việc xưng tội thường xuyên kể cả xưng những tội nhẹ như Giáo hội khuyến cáo, nhưng nó không nên được liên kết một cách máy móc với việc rước lễ.
Để trả lời câu hỏi của độc giả về việc lên rước Thánh Thể đúng cách, tôi muốn nói rằng về cơ bản có hai thái độ cần quan tâm: thứ nhất là giáo dục bản thân để luôn ý thức về Đấng mà mình sẽ lãnh nhận mỗi khi Rước lễ, biết chuẩn bị bằng việc cầu nguyện (nhằm đáp lại tình yêu của Thiên Chúa) và cả bằng việc giữ chay Thánh Thể (được rút ngắn trong vòng một giờ, có vẻ như là một việc không quan trọng mấy, nhưng trái lại, theo tôi, nó duy trì chức năng tượng trưng của nó); tiếp theo là nuôi dưỡng tâm tình xét mình với lòng chân thành, không đắn đo suy nghĩ, không ngần ngại sớm chạy đến với bí tích sám hối nếu ý thức được mình đã xa cách Thiên Chúa thực sự.
Vấn đề là Giáo hội thiếu khả năng giáo dục các Kitô hữu biết xét mình một cách nghiêm túc và thanh thản. Trên thực tế, trong quá khứ, nỗi sợ mắc tội trọng đã khiến các Kitô hữu tin rằng cần phải xưng tội trước khi rước lễ, kết quả là tại các thánh lễ Chúa nhật, mặc cho khuyến khích của Công đồng Trentô, có rất ít người đi rước lễ. Có lẽ, theo quan điểm nhân học mà giáo lý định hướng, một thái độ bi quan nào đó về khả năng thực thụ của người kitô hữu bình thường trong việc tự xét mình cách chân thành thực sự chiếm ưu thế. Trái lại, ngày nay người ta có cảm tưởng rằng nhiều người tham dự Thánh lễ, thậm chí được cho là rất ít xưng tội, lên rước Thánh Thể mà không đặt nặng vấn đề về tội của mình, và hơn nữa, không cần thực hiện bất cứ hành vi xét mình nào.
Trong cả hai trường hợp đều thiếu khả năng phân định, hay đúng hơn là khả năng giáo dục để phân định, dựa trên quan điểm nhân học hiện thực và cân bằng, không bi quan cũng không ngây thơ cách lạc quan. Trong cả hai trường hợp đều có rủi ro và rủi ro đánh mất niềm vui hoán cải.
Một cách khả thi để vượt qua tình trạng nghi ngờ về thân phận tội lỗi thực sự của mình, chắc ăn là có thể thực hiện một tiến trình linh hướng nghiêm túc, nó không thay thế lương tâm nhưng giúp ta điều chỉnh lương tâm và lắng nghe nó, an bình hơn so với những chỉ dẫn của học thuyết luân lý công giáo, và nhất là trong chiều hướng lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân; một lộ trình có khả năng cung cấp những tiêu chuẩn sáng sủa cho sự phân định và để bước đi trong đức ái, cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương thực sự. Được nâng đỡ nhờ kinh nghiệm của vị linh hướng (về bản chất người đó không thể là đầu tàu hay thống trị lương tâm, nhưng là nâng đỡ cho sự hình thành lương tâm chín chắn), chúng ta nên học nghệ thuật xét mình cách chân thành và trung thực (x. 1Cor 11:28), tránh khuynh hướng đắn đo, nhìn thấy tội trọng ở khắp mọi nơi, và khuynh hướng hời hợt với bản ngã, dẫn đến việc tự xá mình khỏi mọi tội lỗi, cuối cùng là hủy bỏ chính ý niệm về tội lỗi và hủy bỏ chính kinh nghiệm về ơn cứu rỗi, niềm vui của Tin Mừng.
2023
Tính Cộng đoàn và Linh động trong cử hành phụng vụ thánh lễ
Xem trước(mở trong cửa sổ mới) 1- NHẬP ĐỀ
Phụng vụ, mà đỉnh cao là Thánh lễ, là hành vi của cộng đoàn những người nhờ Đức Tin Thiên Chúa ban cho mà có thể nhận biết, cảm tạ, ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, từ thời Trung cổ, giáo dân hầu như đã bị loại ra khỏi việc tham dự sống động vào Thánh lễ, trong khi đó, giáo sĩ lại thâu tóm hầu hết các lời nguyện và bài hát của cộng đoàn trong Thánh lễ. Kể từ thời Công đồng Trento, để ngăn chận nguy cơ phủ nhận chức linh mục thừa tác, Hội Thánh đã nêu bật tầm quan trọng của chức vụ này, nhưng việc làm đó đã vô tình tạo thêm khoảng cách giữa giáo sĩ và giáo dân, cũng như làm trầm trọng thêm tính thụ động của giáo dân trong việc tham dự Thánh lễ.
Thế nhưng, Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II ra đời vào năm 1963 đã mở đường cho cuộc canh tân Phụng vụ của Hội Thánh. Cuộc canh tân Phụng vụ này đã phục hồi chiều kích cộng đoàn của các thành phần Dân Chúa trong Thánh lễ (x. PV 27), cũng như đã đề ra nhiều phương thế hữu hiệu giúp các giáo dân tham dự Thánh lễ cách ý thức, trọn vẹn và sống động hơn (x. PV 14).
2. TÍNH CỘNG ĐOÀN TRONG CỬ HÀNH THÁNH LỄ
Có thể nói rằng, tự bản chất, Phụng vụ luôn đòi hỏi phải mang tính cộng đoàn. Cộng đoàn này không chỉ dành riêng cho một hạng người thánh thiện nào, nhưng bao gồm mọi hạng người. Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II dạy rằng mỗi khi cử hành các nghi lễ, đặc biệt trong việc cử hành Thánh lễ, nên quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và riêng rẽ (x. PV 27). Thực thế, chính trong khi cử hành Thánh lễ mang tính cộng đoàn, các tín hữu tạ ơn Thiên Chúa và dâng lên Ngài lễ phẩm tinh tuyền, không những nhờ tay vị tư tế, nhưng còn cùng với ngài, cũng như để học cho biết dâng chính mình nữa (x.QC 95).
Theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, kể từ sau Công đồng Vatican II, tính cộng đoàn trong Thánh lễ đã được thể hiện bằng nhiều phương cách phong phú. Trước hết, Công đồng cho phép đưa ngôn ngữ địa phương vào trong cử hành Thánh lễ (x. PV 36). Việc làm này đã mở đường để giáo dân có thể tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài thánh ca trong Thánh lễ. Thứ đến, việc Công đồng yêu cầu các linh mục năng giảng Kinh Thánh (x. PV 52) đã khiến cho Lời Chúa trở thành yếu tố liên kết cộng đoàn các tín hữu với nhau trong cùng một Đức Tin. Thêm vào đó, việc Công đồng tái lập Lời nguyện tín hữu sau bài giảng các ngày lễ Chúa Nhật và lễ buộc (x. PV 53) cũng đã góp phần thăng tiến tinh thần liên đới của các tín hữu với toàn thể Hội Thánh và thế giới. Một điểm rất quan trọng nữa là việc Công đồng khuyến khích giáo dân rước lễ cũng như cho phép hiệp lễ dưới hai hình thức trong một vài trường hợp nhất định (x. PV 55). Việc làm này đã làm hiển lộ sự hiệp thông sâu xa giữa các thành phần Dân Chúa khi cùng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa trong một Thánh lễ.
Như vậy, bằng những điều chỉnh thích đáng, Công đồng Vatican II đã làm cho tính cộng đoàn trong cử hành Thánh lễ được phục hồi và trở nên ngày một thăng tiến. Nhưng không dừng lại ở đó, Công đồng còn khuyến nghị các chủ chăn phải chú trọng và kiên tâm theo đuổi việc huấn luyện Phụng vụ cho các tín hữu (x. PV 19) để tạo điều kiện giúp họ có thể tham dự Thánh lễ ngày một tích cực hơn.
3. MỘT VÀI PHƯƠNG THẾ KHẢ DĨ GIÚP CÁC TÍN HỮU THAM DỰ THÁNH LỄ CÁCH Ý THỨC, TRỌN VẸN VÀ SỐNG ĐỘNG HƠN
Thực thế, một trong những ưu tư của Công đồng là làm sao để các chủ chăn không những chỉ chú tâm cử hành Phụng vụ thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn lo sao cho các tín hữu có thể tham dự Thánh lễ một cách ý thức, trọn vẹn và sống động, vì do chính bản tính, Thánh lễ đòi hỏi cách thức tham dự như thế (x. PV 11 và 14).
3.1. Tham dự Thánh lễ cách ý thức
Quả vậy, Hội Thánh hằng bận tâm lo lắng để các giáo dân đừng tham dự vào mầu nhiệm đức tin trong Thánh lễ như những du khách bàng quang, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm đó, họ tham dự các kinh nguyện và nghi lễ thánh cách ý thức hơn (x. PV 48). Do đó, Hội Thánh muốn việc chuẩn bị các bản văn bài đọc, lời nguyện và bài ca trong Thánh lễ phải thích ứng thoả đáng với nhu cầu cũng như não trạng của những giáo dân hiện diện (x. QC 352)
3.2. Tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn
Về phía người giáo dân, Hội Thánh khuyên nhủ họ phải tham dự đầy đủ và trọn vẹn, cả hai phần Thánh lễ gồm phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, nhất là trong ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc. Bởi lẽ hai phần trên được liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm thành một hành vi thờ phượng duy nhất (x. PV 56). Để giúp người giáo dân tham dự thánh lễ cách trọn vẹn hơn, các vị hữu trách được yêu cầu tìm cách xếp đặt cho người tín hữu có được vị trí thích hợp trong thánh đường, để họ có thể dự phần xứng đáng vào những nghi thức thánh. Ngoài ra, cũng phải liệu làm sao cho giáo dân không những nhìn thấy vị chủ tế hay các người đọc sách, mà nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại, còn nghe rõ được các bài đọc, lời nguyện… (x. QC 311).
3.1. Tham dự Thánh lễ cách sống động
Bên cạnh việc mong muốn người giáo dân tham dự Phụng vụ cách ý thức và trọn vẹn, Hội Thánh còn muốn khuyến khích sự chủ động của họ trong cử hành Thánh lễ như việc tích cực đối đáp trong các nghi thức và kinh nguyện (x. QC 35 và 36). Đặc biệt, ca hát là một trong những cách thế hàng đầu giúp người giáo dân tham gia cách sống động vào Phụng vụ, thế nên, các chủ chăn cũng được mời gọi năng khích lệ giáo dân tham gia vào những lời tung hô, những bài thánh vịnh, tiền xướng và thánh ca (x. TN 27).
Như vậy, việc người tín hữu tham gia Thánh lễ một cách ý thức, trọn vẹn và sống động không chỉ khiến họ không còn cảm thấy nhàm chán hay buồn tẻ trong mỗi giờ lễ cũng như không còn cảm thấy cô đơn hay lạc lõng giữa cộng đoàn, mà lại còn có thể dẫn đưa tâm hồn họ hướng về Thiên Chúa và tạo nên sự biến đổi trong chính con người họ. Và một khi nội tâm người tín hữu đã được biến đổi cách thâm sâu, thì đời sống đạo đức và hoạt động tông đồ của họ mới có thể trở nên một niềm vui đích thực.
4. KẾT LUẬN
Quả thực, việc phục hồi và thăng tiến tính cộng đoàn trong cử hành Phụng vụ Thánh lễ kể từ sau Công đồng Vatican II đã giúp tái khẳng định bản tính Công giáo của Hội Thánh, đồng thời cũng giúp các tín hữu chủ động hiệp thông chính mình vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Qua từng ngày, việc Hội Thánh hằng mời gọi các tín hữu tham dự vào Phụng vụ Thánh lễ cách ý thức, trọn vẹn và sống động hơn đã góp phần thúc đẩy các thành phần Dân Chúa không ngừng vươn tới mức sung mãn của Chúa Kitô (x. PV 2).
Chính nhờ mang trong mình những tâm tình của Chúa Kitô đó (x. Pl 2, 5), mà trong mọi nơi mọi lúc, người Kitô hữu luôn biết đón nhận tha nhân trong niềm cảm thông tha thứ thực sự, để xứng đáng cùng với những người anh chị em chung một Đức Tin ấy chia sẻ Một Lương Thực Thần Linh. Và trong niềm hy vọng về Ơn Cứu Độ mai hậu, họ tin tưởng rằng vào ngày tận thế sẽ được Thiên Chúa cho vào dự bàn tiệc nơi Thiên Quốc cùng với tất cả những người anh chị em mà mình đã từng cùng nhau hiệp thông tham dự Thánh lễ khi còn ở trần thế này.
Lạc Vũ Thái Bình
Huế, 2-2023
Các chữ viết tắt trong bài viết:
– Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II: PV
– Quy chế tổng quát sách lễ Roma: QC
– Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc của Hội đồng Giám mục Việt Nam: TN
2023
Tại sao Chúa Giêsu lại cưỡi trên lưng lừa vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá?
Renata Sedmakova | Shutterstock |
Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá để ứng nghiệm một lời ngôn sứ xa xưa và để chứng tỏ cho mọi người biết Người là vị vua ra sao.
Tại sao Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá?
Lý do chính khiến Chúa Giêsu cưỡi lừa vào Chủ nhật Lễ Lá là để gợi lại lời của ngôn sứ Dacaria về Đấng Mêsia.
Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.
(Dcr 9,9)
Đó là một hành động rất có chủ ý để người dân Giêrusalem có thể nhận ra.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn làm nổi bật việc Người là vị vua ra sao, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI giải thích trong bài giảng vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá năm 2006.
Chúa Giêsu không chỉ tuyên bố rằng Người vốn là vua của người nghèo, mà Người sẽ còn mang lại hòa bình.
2023
Cầu nguyện theo Thánh Vịnh 40 (39)
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Đối với chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng luôn khát mong hưởng nếm hương vị ngọt ngào được Chúa bảo vệ, giữ gìn. Nhưng rồi, không ít lần chúng ta còn băn khoăn hoài nghi đủ điều nên cứ mãi đứng bên lề hồng ân và vội khoác vào mình khổ đau, cay đắng, nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa. Hãy xem tác giả thánh vịnh, người có phúc vì đã tin tưởng nơi Chúa, xem người đã làm gì? Thưa, người cảm nghiệm tình Chúa yêu thương, người đếm những kỳ công của Chúa, người nhìn xem chương trình Chúa đã dự định và Chúa đã thực hiện và người loan đi kể lại cho muôn người:
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: “Này con xin đến!”
Chúa Giêsu đến, Ngài cũng đã mặc lấy tâm tình này. Cuộc đời của Ngài là một lễ tế dâng tiến đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Ngài dâng lễ tế là chính thân thể Ngài trên Thánh Giá. Hành trình của cuộc thương khó của Chúa Giêsu là hành trình thưa lên trọn vẹn nhất lễ dâng cuộc đời: “Này con xin đến!” Chính hy lễ này đã được tác giả thánh vịnh ca ngợi và tiên báo:
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng…
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã đổ đầy cuộc sống chúng con ân sủng và tình yêu của Chúa. “Chúa đã tạo dựng chúng con cách lạ lùng và cứu chuộc chúng con còn lạ lùng hơn nữa.” Chúa đã cho Con Một Chúa đến làm hy lễ đền tội cho chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng con mà hết lòng tri ân cảm tạ Chúa trong từng giây phút của cuộc đời, và xin cho chúng con biết năng kết hiệp với Chúa Giêsu qua Hy Lễ Tạ Ơn được tái diễn trên bàn thờ trong Thánh Lễ mỗi ngày. Amen.