2024
Giờ Chúa Viếng Thăm
31.10 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm
Ep 6:10-20; Tv 144:1,2,9-10; Lc 13:31-35
Giờ Chúa Viếng Thăm
Một diễn giả thuyết trình cho các bậc phụ huynh về thái độ phải luôn thông cảm với con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Diễn giả vừa dứt lời, thì có một người mẹ phát biểu ý kiến: “Trong bài thuyết trình, ông đã nhiều lần nhắc đến những sai sót của cha mẹ không đủ kiên nhẫn để tỏ ra thông cảm với con cái. Phần tôi thì có kinh nghiệm ngược lại: tôi luôn luôn tìm cách thông cảm với con cái, nhưng chẳng những chúng không nghe lời tôi, mà còn chống lại tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết phải làm gì nữa để con cái nghe lời chúng tôi”.
Kinh nghiệm của người mẹ trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm tình của Chúa Giêsu đối với người Do thái và, đối với thành Giêrusalem như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ðó là tâm tình yêu thương của Chúa trước sự khước từ của dân Chúa. Tác giả Gioan đã đưa ra nhận định chung về cuộc đời của Chúa Giêsu: “Ngài đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Con người là tạo vật của Thiên Chúa, nhưng lại có quyền tự do từ chối Ngài, đó là cái bi thảm của cuộc đời.
Chúng ta sẽ càng cảm thông với những tâm tình của Chúa Giêsu, khi chúng ta biết rằng lúc đó Ngài đang tiến về Giêrusalem, tiến đến gần giây phút thực hiện cuộc Vượt qua của Ngài để đem ơn cứu rỗi cho mọi người, nhưng cũng chính lúc đó sự chống đối của các kẻ thù Chúa mỗi lúc một gia tăng. Những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế trong dân, đang tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng không ưa thích gì Ngài, chính ông ra lệnh chặt đầu Gioan Tẩy giả, đó là điềm không tốt cho Chúa Giêsu lúc đó đang có mặt trên phần đất thuộc thẩm quyền của ông.
Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có mấy người Pharisêu đến thưa cùng Đức Giêsu: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông”. Những người Pharisêu bên ngoài họ có vẻ ủng hộ Đức Giêsu nhưng thật ra, họ có ác cảm hơn là thiện cảm.
Vua Hêrôđê mà nhóm người Pharisêu nói đến là vua Hêrôđê Antipa. Có lẽ ông muốn đe dọa Đức Giêsu để người đi chỗ khác cho khuất mắt, người Pharisêu cũng vậy. Nhưng Đức Giê su gọi vua là con cáo. Con cáo thì không nguy hiểm bao nhiêu, chỉ lươn lẹo thôi. Các thầy Rapbi thường sợ ai thì gọi người ấy là sư tử.
“Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất” (Lc 13,32). Ngày thứ ba là kiểu nói trong tiếng Aram có nghĩa là một thời gian ngắn. Câu nói này của Chúa Giêsu hàm chứa nhiều ý nghĩa, có thể hiểu trên bình diện thời gian (sứ mệnh tôi đã chấm dứt) hoặc trên bình diện sự nghiệp (tôi đã đạt được mục đích). Cũng có thể hiểu là Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng sau khi chu toàn tất cả công trình cứu độ. Đối thủ của Đức Giêsu không thể ra tay trước khi giờ của Người đến:“Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.” (Lc 22,53)
Đức Giêsu cho biết Người sẽ chết tại Giêrusalem như các ngôn sứ đã từng bị người Do Thái giết hại
“Hôm nay, ngày mai và ngày mốt tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.” ( Lc 13,33)
Thái độ cương quyết lên Giêrusalem của Chúa Giêsu cho thấy Ngài là một vị ngôn sứ vĩ đại, can đảm thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người Kitô hữu cần phải biết can đảm thực hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để có thể trở nên chứng của Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Tuy nhiên, sự độc ác của con người không thể làm cho Thiên Chúa không yêu thương con người. Trái lại, Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho đến chết trên Thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là một chiến bại vĩnh viễn, bởi vì rồi đây con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời tiên báo của Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: “Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa”. Ðây không chỉ là lời tiên tri về cuộc khải hoàn của Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng còn là lời tiên tri về cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu phần nào tâm trạng của Chúa Giêsu khi đến Giêsusalem là khao khát loan báo Tin Mừng cho Dân được Người tuyển chọn, tâm tình Người ấp ủ rất lâu và mong muốn đem ơn cứu rỗi cho con người. Niềm vui chưa kịp đến thì sự thất vọng não nề đến trước, khi có mấy người Biệt phái thưa với Chúa Giêsu: “ Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Vì sao những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế tỏ ra chống đối và tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê cũng vậy?
Phải chăng vì “Tin Mừng được rao giảng trước tiên cho người nghèo”. Phải chăng uy danh Chúa Giê-su rất hào hiệp cứu giúp những người bần cùng, bệnh tật, đã làm các nhà quyền lực thời ấy cảm thấy chướng tai gai mắt ? Chúa nhấn mạnh: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: “ Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời”.
Tại thành Giêrusalem không có sự đón tiếp Chúa Giê-su: “Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “ Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!“. Đây cũng là lời cảnh báo trong tương lai về thành Giêrusalem bị tàn phá và cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.
Tin Mừng hôm nay nhắn nhủ chúng ta, ân sủng Chúa ban cho mỗi người không chỉ là sự sống của đời sống hiện tại mà chính là chúng ta cần vươn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Giáo Hoàng Bênêđic tô XVI, 2006 chia sẻ:“Chỉ có Thiên Chúa mới là sự cứu rỗi cho con người. Chúng ta có thể thấy trong lịch sử thế kỷ qua: tại các quốc gia mà người ta loại bỏ Thiên Chúa, thì không chỉ nền kinh tế bị phá hủy, mà nghiêm trọng hơn hết, là các linh hồn bị hủy diệt”.
Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những giờ phút của ân sủng Chúa đến viếng thăm chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng của Chúa để có thể nói lên lời tri ân chúc tụng Chúa.
2024
HÃY BƯỚC QUA CỬA HẸP
30.10 Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm
Ep 6:1-9; Tv 145:10-11,12-13,13-14; Lc 13:22-30
HÃY BƯỚC QUA CỬA HẸP
Ta có thể hình dung Nước Trời như là nhà của Chúa. Lúc này cửa nhà ấy đang mở để chúng ta vào. Nhưng nó hẹp. Người ta phải cố gắng mà lách vào; kẻo khi chủ nhà đứng lên và đóng cửa lại, không ai còn vào được nữa. Chúng ta có thể hình dung hơn nữa: Nước Trời là nhà Chúa đang mở tiệc cưới. Người ta phải mau mau đi qua cửa hẹp mà vào, kẻo đến khi khai tiệc, cửa sẽ đóng lại và không ai ra vào nữa.
Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.
Con đường hẹp là con đường Thập giá mà Đức Giêsu đã đi. Nhưng xem chừng, con đường hẹp như thế này không mấy hấp dẫn đối với nhiều người hôm nay, nhất là khi cuộc sống của họ đã quá đầy đủ và giàu sang! Theo lẽ thường, ai cũng thích bước đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu và dễ dãi. Đó là con đường tự do để hưởng thụ, tự do làm những gì mình thích bất chấp hậu quả. Qua cử hẹp là thi hành ý Chúa, là từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Chúa, là dám bán tất cả những gì mình có để làm phúc bố thí cho những kẻ nghèo túng, là liều mất mạng sống mình vì người khác.
Trong cuộc chiến đấu để được vào Nước Trời sẽ không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay đúng hơn, có gốc gác tốt. Ở đây Chúa Giêsu muốn nhắm đến những người Do Thái cứng lòng tin. Họ suy luận rằng: Tước hiệu dân riêng của Chúa, tước hiệu con cháu của Abraham, là một bảo đảm chắc chắn, là một tấm giấy ưu tiên để được vào Nước Trời. Thế nhưng tiên tri Isaia đã từng loan báo về cách xử sự của Thiên Chúa trong thời cứu chuộc, trong ngày phán xét: Ngài sẽ quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, Ngài sẽ dẫn đưa mọi người từ các dân nước mà đến.
Đức Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Đức Giêsu đã qua. Con người đến với Thiên Chúa cũng phải qua khung cửa hẹp. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Đức Giêsu hạ mình xuống và bé nhỏ đi. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là khung cửa hẹp mà chính là bản thân mình quá cồng kềnh với những thứ danh vọng chức quyền tiền bạc. Chấp nhận thanh tẩy cần thiết, trút bỏ vướng víu để nhẹ nhàng qua khung cửa hẹp mà đến với sự sống đời đời. Sau khung cửa hẹp là tình thương đẹp ngời Thiên Chúa mở ra cho vận mệnh con người.
Và rồi trước tiên phải phấn đấu hạ mình xuống. Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 14,11). “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối”(Lc 14,10). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ”(Lc 22,26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”(Mc 10,15).
Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại. Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
Ngày nay, nhiều người bi quan khi nhìn vào những bản thống kê về tôn giáo, chẳng hạn số người đi tham dự thánh lễ quá ít, số ơn gọi linh mục tu sĩ giảm sút. Nhiều nơi nhà thờ, nhà dòng đã được hiến cho những tổ chức hoặc cho những tư nhân để sử dụng vào việc khác. Từ đó họ kết luận: Sẽ đến một lúc không còn đức tin trên cõi đời ô trọc này nữa.
Nếu mỗi người chúng ta hôm nay cứ sống buông thả theo bản năng của mình mà không đi theo đường hẹp Chúa vạch ra cho chúng ta, tức là tuân giữ các giới răn, thì số phận chúng ta cũng như con tàu đi trật đường rầy, chúng ta sẽ lãnh lấy thảm họa. Mai đây, chúng ta có van nài với Chúa rằng: ‘Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì Chúa sẽ bảo: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’ và “Bấy giờ chúng ta sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.”
Đời sống Kitô hữu là một hành trình thiêng liêng đi qua cửa hẹp. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến nỗ lực, nhiều nỗ lực để có thể vượt qua cánh cửa hẹp. Để có được một đời sống hạnh phúc, một gia đình tốt đẹp… chúng ta cần đi qua “cửa hẹp”, cần nhiều nỗ lực, cần hy sinh, cần chiến đấu, “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Tôi”.
Ta thấy cửa hẹp này chỉ được mở từ bên trong, vào một lúc nào đó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới quyết định mở và mở lúc nào, tức là Người quyết định tất cả. Thiên Chúa mở cánh cửa hẹp, bởi vì cánh cửa tâm hồn chúng ta còn hẹp. Để đi vào vương quốc Tình yêu, chúng ta cần loại bỏ sự hẹp hòi, kiêu ngạo, những gì chống đối lại tình yêu. Nói khác, cánh cửa tâm hồn chúng ta có rộng mở thì cánh cửa vương quốc Tình Yêu mới rộng mở. Đó là lý do tại sao lối vào vương quốc của Thiên Chúa đòi cố gắng và hy sinh.
Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những thử thách, những thập giá. Vì đó là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, đón nhận vinh quang phục sinh. Một cuộc “chiến đấu” để cuối cùng có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc sống chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện”(2Tm 4,6-8)
2024
TRỞ THÀNH MEN NƯỚC TRỜI
29.10 Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm
Ep 5:21-33; Tv 128:1-2,3,4-5; Lc 13:18-21
TRỞ THÀNH MEN NƯỚC TRỜI
Chỉ một câu nói khích lệ đã làm thay đổi cuộc đời của một con người, đưa người đó vào một tương lai rộng mở. Nếu không có một lời phê tích cực của cô giáo ngày ấy, thì làm sao có được một nhà văn nổi tiếng Malcolm Dalkoff. Vì thế, một lời nói hay, không làm cho chúng ta mất mát gì, nhưng mang lại cho người khác một sự phấn khởi hơn, vậy sao chúng ta không biết dùng những lời khích lệ nhau, để giúp nhau thăng tiến? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta gieo vãi hạt giống Lời Chúa, hạt giống đức tin để những hạt giống ấy được nhiều người đón nhận và sinh hoa trái. Những kết quả trước mắt có khi lại là những thất bại, nhưng Chúa muốn chúng ta kiên nhẫn và đem hết khả năng phục vụ, yêu mến, nghị lực và tất cả con người chúng ta, chắc hẳn đó là kết quả tốt đẹp mà Chúa mong muốn.
Khi giảng dạy cho dân chúng về Nước Trời, Chúa Giêsu thường dùng những dụ ngôn, những kiểu so sánh, cách nói ẩn dụ với những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày của họ. Qua hai dụ ngôn về hạt cải và men trong bột, thánh Luca muốn trình bày cho chúng ta về sức mạnh lan tràn của Nước Thiên Chúa và khả năng làm biến đổi của Lời Thiên Chúa.
Quả vậy, “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo vào trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được”. Cải ở vùng Thánh Địa là một loại cây, tuy có hạt rất nhỏ nhưng khi gieo vào đất tốt, cây cải mọc cao lớn, cành lá xum xuê, chim trời đến cư ngụ và làm tổ. Điều này muốn diễn tả, Nước Thiên Chúa là một “sự lớn dần”, là một cái gì “mọc lên” … Đó là một sự phát triển không thể cầm giữ nỗi, người ta không thể cản ngăn, vì đó chính là sức mạnh của sự sống.
Cũng vậy, “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. Men dùng để dậy bột làm bánh là một dẫn chứng rất thân thuộc và bình dị đối với mỗi gia đình người Do Thái. Chỉ cần một chút men được trộn vào bột và một khi bột đã ngấm men (dậy men), thì cả khối bột sẽ trương nở ra rất nhiều. Thực vậy, Tin Mừng nước Thiên Chúa một khi đã len lõi được vào tâm hồn con người và được rao giảng đến đâu là ở đó lòng người được biến đổi.
Sứ điệp Tin Mừng nuớc Thiên Chúa thoạt đầu xem ra không có sức hấp dẫn gì đối với người nghe, cụ thể là đối với người Do Thái thời đó, họ đã từ chối lời của Đức Kitô và từ chối chính Ngài. Nhưng một khi nước Thiên Chúa được rao giảng cho con người thì sứ điệp Tin Mừng đó sẽ tự len lõi vào trong tâm hồn con người và tự lớn lên. Sự phát triển không ngừng của Hội Thánh Chúa cho chúng ta niềm xác tín ấy, và cũng chính điều đó mà chúng ta khẳng định “truyền giáo” là một trong những đặc tính của Giáo Hội. Dù bị bắt bớ, dù bị từ chối và khinh chê nhưng Giáo Hội vẫn tiếp tục rao giảng Lời Thiên Chúa cho con người, vì Giáo Hội tin vào sức sống mãnh liệt của Thánh Thần Chúa sẽ thực hiện điều kỳ diệu.
Do đó, qua hai dụ ngôn “hạt cải” và “men trong bột” hôm nay cũng mời gọi mỗi chúng ta tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, vì Chúa luôn quan phòng và đang hoạt động âm thầm trong Hội Thánh, cũng như trong mỗi người chúng ta. Nhờ đó, chúng ta an tâm, kiên trì và bền đỗ trong mỗi ngày trong sứ mạng truyền giáo của mình.
Những lời giảng của Đức Giê-su đã vang lên từ hai mươi thế kỷ. Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến ngày nay. Ki-tô Giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới. Nhưng có những lúc, chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại. Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa Nhật, khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua, khi ở nhiều nơi, số linh mục thiếu một cách trầm trọng, khi tỷ lệ gia tăng của Ki-tô hữu không bằng với tỷ lệ tương ứng của dân số thế giới. Ki-tô Giáo có tương lai không? Ki-tô Giáo có thể bị tàn lụi không? Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.
Khi nghĩ về lời mời gọi sống và lan tỏa những giá trị Nước Thiên Chúa, chúng ta thường quy kết, đây là lời mời gọi dàng cho những nhà truyền giáo; những người có đời sống đạo đức gương mẫu; những người với đầy sự khôn ngoan, can đảm và hy sinh. Trong trường hợp này, chúng ta cũng dễ dàng hình dung ra được những hoa quả tốt đẹp mà những việc làm tông đồ của những con người này mang lại. Thế nhưng, dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay lại cho thấy, lời mời gọi sống và lan tỏa những giá trị Nước Thiên Chúa là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người, ngay cả những người nhận thấy mình thật ít ỏi và nhỏ bé về đời sống đạo đức, về sự khôn ngoan, can đảm và hy sinh. Thật vậy, một người cố gắng yêu thương và phục vụ tha nhân trong những điều thật nhỏ bé mà họ có thể làm thì sự nỗ lực của họ đều đem lại hoa quả tốt đẹp của Nước Thiên Chúa.
Hạt cải và nắm men nhỏ bé tiêu biểu cho những sự nỗ lực trong những việc làm tông đồ nhỏ bé của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta thực hiện những hành động nhỏ bé với lòng tốt, chia sẻ đức tin của chúng ta với sự tế nhị, ngay cả khi những việc này không ai để ý thì những việc làm nhỏ bé này vẫn sinh ra hoa quả Nước Thiên Chúa.
Nhiều lần trong cuộc sống, có thể chúng ta không những không thấy tác dụng của những hành động tông đồ nhỏ bé, mà hình như còn cảm thấy những phản ứng tiêu cực. Thế nhưng Tin mừng hôm nay cho thấy, ảnh hưởng tốt đẹp của những hành động nhỏ bé với tình yêu vượt xa những gì chúng ta có thể thấy. Những hạt giống nhỏ bé của đức tin thông qua lòng bác ái, các nhân đức, lời nói và cử chỉ tế nhị thật sự sẽ đem đến một sự phong phú của những hoa quả tốt đẹp vượt xa những gì chúng ta có thể biết. Chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời thông qua những việc có vẻ bé nhỏ, tầm thường nhưng được làm trong đức tin và tình yêu.
2024
Chọn Và Gọi
28.10 Thánh Simon và Jude, Tông Đồ
Ep 4:32-5; Tv 1:1-2,2-3,4-5,6; Lc 13:10-17
Chọn Và Gọi
Hai vị thánh hôm nay chúng ta mừng Lễ luôn đứng bên nhau trong danh sách 12 Tông Đồ. Simon là một con người nhiệt thành, không quãng sự khó nhọc và hăng say. Chúa Giêsu đã biến đổi ông từ một người nhiệt thành với nước Israel trần thế, thành một vị Tông Đồ nhiệt thành với Nước Trời. Giuđa còn gọi là Tađêô. Ông được gọi là Giuđa trung kiên, vì ông đã trung kiên với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Noi gương hai vị thánh Tông đồ, chúng ta cũng phải trở nên những dụng cụ đắc lực cho Hội Thánh và tích cực siêng năng trong bổn phận của người tín hữu.
Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, người ta thấy Ngài luôn dành cho việc cầu nguyện một vị trí quan trọng. Người ta thấy Ngài cầu nguyện mọi nơi: trong hội đường, trên núi, ngoài bãi biển… và mọi lúc: lúc sáng sớm, khi đêm về, sau một ngày giảng dạy hay trước một việc làm quan trọng, như hôm nay, trước khi chọn và gọi các tông đồ. Với Chúa Giêsu cầu nguyện là lẽ sống của đời mình, nơi đó Ngài gặp Chúa Cha, nhận ra ý Ngài để thực hiện. Ngày cũng dạy các tông đồ và những ai đi theo Ngài phải biết cầu nguyện luôn; “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); hoặc “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Nhờ cầu nguyện mà chúng ta biết mình phải làm gì và công việc của chúng ta cũng nhờ đó mà thực sự là công việc của Chúa và để làm vinh danh Chúa.
Sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Người gọi các môn đệ và chọn Nhóm Mười Hai mà Người gọi là Tông Đồ: Đó là Simon mà Người gọi là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philípphê và Bartôlô mêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.” Đây là nhóm các ông đã theo Chúa Giêsu từ những buổi đầu rao giảng, đầy nhiệt thành, và tin vào Lời Chúa, là khởi sự của Giáo hội sơ khai, Chúa không ngừng dạy dỗ, chỉ bảo và gìn giữ các ông.
Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện Đức Giêsu chọn gọi và thiết lập nhóm mười hai, đội quân tay phải của Ngài. Ngài không quảng cáo tuyển nghề, mà chỉ “chộp” một cách giản đơn: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” “Lên núi” được dùng ở đây để nhớ lại ngọn núi Sinai trong Cựu Ước, nơi xưa Môsê đã tụ họp mười hai chi tộc Israel để biến họ trở thành dân riêng của Thiên Chúa. Trước khi gọi các ông, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Con số mười hai cho thấy Ngài muốn khai sinh một dân mới, kết thành một cộng đoàn, trước hết là “cùng ở với Ngài”, tham dự vào sứ mệnh, rồi thực tập đi loan báo Tin Mừng kèm theo quyền năng Ngài thông ban và tiếp tục sứ mệnh của Ngài trên trần gian.
Ngài không tuyển những người có thế giá, nổi nang, học thức, mà lại gọi những ngư phủ tầm thường ít học, tính khí khác nhau. Hầu hết họ là những người nhút nhát, sau này chạy bỏ Thầy trong cuộc thương khó. Matthêu là hàng thu thuế tội lỗi công khai. Có những người nóng tính được mệnh danh là “con của thiên lôi”. Phêrô chối Thầy, người thì ngày sau bán Thầy như Giuđa Iscariô. Nhưng họ lại là “những kẻ Người muốn.” Đường lối của Chúa thì khác xa với đường lối của con người. Cách huấn luyện của Đức Giêsu là cho họ được ở với Thầy, tập suy nghĩ, ăn nói, cư xử, hành động như Thầy trực tiếp trong cuộc sống. Ở với Thầy có cơ hội để Thầy quan sát, nhắc nhở, sửa sai, tập tành, rèn luyện thành người môn đệ đích thực, làm nền tảng lưu truyền Tin Mừng cho khắp thế gian sau này.
Chúa Giê-su luôn cầu nguyện cùng với Chúa Cha để hiểu thánh ý Người, dù bận rộn nhiều việc trong ngày nhưng Chúa Giê-su vẫn dành riêng thời gian cầu nguyện đôi khi cả đêm trong thinh lặng thanh vắng. Khi khởi đầu mọi công việc, Chúa Giêsu đều cầu nguyện với Chúa Cha, Thầy Giêsu cũng dạy chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện là lúc tâm hồn lắng đọng, đặt hết tâm trí vào lời cầu nguyện, lắng nghe tiếng nói tận đáy lòng để giúp chúng ta biết làm những việc theo dẫn dắt của Thần khí Chúa. Kinh nghiệm của Thánh Bênađô:“Ba yếu tố giúp ta thành công trong việc tông đồ: lời giảng, gương sáng và cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là hơn cả.”
Qua đó, có thể thấy mối quan hệ giữa cầu nguyện và loan báo Tin Mừng: chúng ta cầu nguyện để có thêm sức mạnh, thêm vững tin và đem niềm tin đó trao cho những người chưa nhận biết Chúa; ngược lại, loan báo Tin Mừng giúp họ biết cách cầu nguyện, trò chuyện cùng Chúa và tiếp tục công cuộc truyền giáo ấy. Giữa hai hành động ấy có một mỗi tương hỗ sâu sắc, không thể tách rời. Hai thánh tông đồ Simon và Giuđa chúng ta mừng kính hôm nay là một trong những minh chứng hữu hiệu cho việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng. Các ngài luôn vững tâm tin tưởng vào Thiên Chúa mà các ngài loan báo, luôn cầu nguyện cùng Người và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ niềm tin ấy.
Chúa Giêsu là Trưởng Tử của Thiên Chúa mà còn kiên trì, vững tâm cầu nguyện và loan báo Tin Mừng thì chúng ta là ai mà dám không làm điều đó. Nếu có tư tưởng vì là Con Thiên Chúa nên Người có thể làm việc đó cách hoàn hảo, còn chúng ta chỉ là phận người, làm sao có thể sánh được? Khi đó, chúng ta hãy nhìn thấp hơn và suy ngẫm về các tông đồ. Các ngài cũng là phận người như chúng ta, đôi khi còn chưa hoàn hảo bằng chúng ta, nhưng các ngài đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và hằng thi hành thánh ý Người. Do đó, nếu các ngài làm được, chúng ta cũng phải noi theo tấm gương của các ngài, biết chuyên cần cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.
Hằng năm, vào chủ nhật tuần áp cuối tháng 10, Giáo hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như nhắc nhở về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người Kitô hữu. Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô: “ Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” Cv 4,20. Có phải chúng ta thực hiện việc truyền giáo là lan tỏa tình yêu thương với tha nhân bằng những hành động nhỏ thiết thực như biết chia sẻ giúp đỡ bữa ăn cho những người khó khăn, an ủi những gia đình đau khổ vì người thân qua đời trong nạn dịch, đóng góp vật chất tiếp sức cho công cuộc truyền giáo ở các vùng xa xôi hẻo lánh…