Giờ Chúa Viếng Thăm
31.10 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm
Ep 6:10-20; Tv 144:1,2,9-10; Lc 13:31-35
Giờ Chúa Viếng Thăm
Một diễn giả thuyết trình cho các bậc phụ huynh về thái độ phải luôn thông cảm với con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Diễn giả vừa dứt lời, thì có một người mẹ phát biểu ý kiến: “Trong bài thuyết trình, ông đã nhiều lần nhắc đến những sai sót của cha mẹ không đủ kiên nhẫn để tỏ ra thông cảm với con cái. Phần tôi thì có kinh nghiệm ngược lại: tôi luôn luôn tìm cách thông cảm với con cái, nhưng chẳng những chúng không nghe lời tôi, mà còn chống lại tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết phải làm gì nữa để con cái nghe lời chúng tôi”.
Kinh nghiệm của người mẹ trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm tình của Chúa Giêsu đối với người Do thái và, đối với thành Giêrusalem như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ðó là tâm tình yêu thương của Chúa trước sự khước từ của dân Chúa. Tác giả Gioan đã đưa ra nhận định chung về cuộc đời của Chúa Giêsu: “Ngài đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Con người là tạo vật của Thiên Chúa, nhưng lại có quyền tự do từ chối Ngài, đó là cái bi thảm của cuộc đời.
Chúng ta sẽ càng cảm thông với những tâm tình của Chúa Giêsu, khi chúng ta biết rằng lúc đó Ngài đang tiến về Giêrusalem, tiến đến gần giây phút thực hiện cuộc Vượt qua của Ngài để đem ơn cứu rỗi cho mọi người, nhưng cũng chính lúc đó sự chống đối của các kẻ thù Chúa mỗi lúc một gia tăng. Những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế trong dân, đang tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng không ưa thích gì Ngài, chính ông ra lệnh chặt đầu Gioan Tẩy giả, đó là điềm không tốt cho Chúa Giêsu lúc đó đang có mặt trên phần đất thuộc thẩm quyền của ông.
Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có mấy người Pharisêu đến thưa cùng Đức Giêsu: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông”. Những người Pharisêu bên ngoài họ có vẻ ủng hộ Đức Giêsu nhưng thật ra, họ có ác cảm hơn là thiện cảm.
Vua Hêrôđê mà nhóm người Pharisêu nói đến là vua Hêrôđê Antipa. Có lẽ ông muốn đe dọa Đức Giêsu để người đi chỗ khác cho khuất mắt, người Pharisêu cũng vậy. Nhưng Đức Giê su gọi vua là con cáo. Con cáo thì không nguy hiểm bao nhiêu, chỉ lươn lẹo thôi. Các thầy Rapbi thường sợ ai thì gọi người ấy là sư tử.
“Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất” (Lc 13,32). Ngày thứ ba là kiểu nói trong tiếng Aram có nghĩa là một thời gian ngắn. Câu nói này của Chúa Giêsu hàm chứa nhiều ý nghĩa, có thể hiểu trên bình diện thời gian (sứ mệnh tôi đã chấm dứt) hoặc trên bình diện sự nghiệp (tôi đã đạt được mục đích). Cũng có thể hiểu là Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng sau khi chu toàn tất cả công trình cứu độ. Đối thủ của Đức Giêsu không thể ra tay trước khi giờ của Người đến:“Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.” (Lc 22,53)
Đức Giêsu cho biết Người sẽ chết tại Giêrusalem như các ngôn sứ đã từng bị người Do Thái giết hại
“Hôm nay, ngày mai và ngày mốt tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.” ( Lc 13,33)
Thái độ cương quyết lên Giêrusalem của Chúa Giêsu cho thấy Ngài là một vị ngôn sứ vĩ đại, can đảm thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người Kitô hữu cần phải biết can đảm thực hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để có thể trở nên chứng của Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Tuy nhiên, sự độc ác của con người không thể làm cho Thiên Chúa không yêu thương con người. Trái lại, Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho đến chết trên Thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là một chiến bại vĩnh viễn, bởi vì rồi đây con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời tiên báo của Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: “Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa”. Ðây không chỉ là lời tiên tri về cuộc khải hoàn của Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng còn là lời tiên tri về cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu phần nào tâm trạng của Chúa Giêsu khi đến Giêsusalem là khao khát loan báo Tin Mừng cho Dân được Người tuyển chọn, tâm tình Người ấp ủ rất lâu và mong muốn đem ơn cứu rỗi cho con người. Niềm vui chưa kịp đến thì sự thất vọng não nề đến trước, khi có mấy người Biệt phái thưa với Chúa Giêsu: “ Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Vì sao những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế tỏ ra chống đối và tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê cũng vậy?
Phải chăng vì “Tin Mừng được rao giảng trước tiên cho người nghèo”. Phải chăng uy danh Chúa Giê-su rất hào hiệp cứu giúp những người bần cùng, bệnh tật, đã làm các nhà quyền lực thời ấy cảm thấy chướng tai gai mắt ? Chúa nhấn mạnh: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: “ Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời”.
Tại thành Giêrusalem không có sự đón tiếp Chúa Giê-su: “Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “ Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!“. Đây cũng là lời cảnh báo trong tương lai về thành Giêrusalem bị tàn phá và cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.
Tin Mừng hôm nay nhắn nhủ chúng ta, ân sủng Chúa ban cho mỗi người không chỉ là sự sống của đời sống hiện tại mà chính là chúng ta cần vươn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Giáo Hoàng Bênêđic tô XVI, 2006 chia sẻ:“Chỉ có Thiên Chúa mới là sự cứu rỗi cho con người. Chúng ta có thể thấy trong lịch sử thế kỷ qua: tại các quốc gia mà người ta loại bỏ Thiên Chúa, thì không chỉ nền kinh tế bị phá hủy, mà nghiêm trọng hơn hết, là các linh hồn bị hủy diệt”.
Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những giờ phút của ân sủng Chúa đến viếng thăm chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng của Chúa để có thể nói lên lời tri ân chúc tụng Chúa.