2024
THÁNH SI-MON VÀ THÁNH GIU-ĐA, TÔNG ĐỒ
Ngày 28 tháng 10
THÁNH SI-MON VÀ THÁNH GIU-ĐA, TÔNG ĐỒ
lễ kính
Ca nhập lễ
Đây là những vị thánh
Chúa đã lấy tình thương chân thành mà tuyển chọn
và đã cho các ngài được vinh quang muôn thuở.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời các thánh tông đồ rao giảng để cho chúng con được nhận biết danh Chúa. Xin nhận lời hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa cầu nguyện mà cho Hội Thánh được phát triển không ngừng khắp nơi trên trần thế . Chúng con cầu xin…
Bài đọc 1
Ep 2,19-22
Anh em đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
19 Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, 20 bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. 21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. 22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.
Đáp ca
Tv 18A,2-3.4-5ab (Đ. x. c.5a)
Đ.Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu.
2Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.3Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Đ.Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu.
4Chẳng một lời một lẽ,
chẳng nghe thấy âm thanh,5abmà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Đ.Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu.
Tung hô Tin Mừng
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Lc 6,12-19
Đức Giê-su chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày kính hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa được Chúa ban thưởng vinh quang thiên quốc, xin Chúa nhận của lễ và lời cầu của chúng con mà làm cho chúng con thêm vững vàng tin tưởng hầu xứng đáng tham dự thánh lễ này. Chúng con cầu xin…
Kinh Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Lạy Chúa là Mục Tử hằng hữu, Chúa không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các Thánh Tông Ðồ, Chúa luôn che chở, giữ gìn để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa coi sóc đoàn chiên.
Vì thế, cùng với các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Ga 14,23
Chúa nói :
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.
Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.
Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy.”
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong ngày lễ kỷ niệm hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa chịu khổ hình, chúng con đã đón nhận bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, và đang được Chúa Thánh Thần tác động. Xin cho bí tích này luôn gìn giữ chúng con trong tình yêu Chúa. Chúng con cầu xin…
2024
SÁM HỐI
26.10 Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Ep 4:7-16; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Lc 13:1-9
SÁM HỐI
Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt (Lc 13,3). Đó chính là lời mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh thức và sám hối tội lỗi của mình để được cứu rỗi.
Chúng ta thường nghĩ rằng, bản thân của ta tốt hơn người khác nên sẽ không gặp những tai họa, hay những chuyện không tốt. Đây chính là thái độ tự cho mình là công chính, tự hào cho mình tốt hơn người khác. Nhưng thật sự trước mặt Thiên Chúa ai cũng đều có tội; không ai đạt được sự thánh thiện mà Thiên Chúa đòi hỏi. Vì thế, không ai có thể cho mình quyền miễn trừ sám hối.
Đức Giê-su mời gọi “những người đọc hay xem thời sự” thời xưa cũng như thời nay hướng về chính bản thân mình:
Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. (c. 3)
Nếu không sám hối, chính chúng ta cũng tự rước tai họa vào mình, hay gây tai họa cho người khác. Không phải vì Thiên Chúa đánh phạt, nhưng những hành vi xấu tự nó có những hệ quả tai hại, mà không cần ai xử phạt. Và như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm hay chứng kiến, một cuộc sống bị sữ dữ chi phối hay làm chủ, tự nó là một tai họa cho mình và cho người khác.
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Lời cảnh báo của Đức Giê-su thật mạnh mẽ và đáng sợ. Tuy nhiên, dụ ngôn về “cây vả trong vườn nho” mà Người kể ngay sau đó, lại làm cho chúng ta bình an hơn. Thật vậy, trong dụ ngôn, ông chủ vườn tỏ ra đòi hỏi và mất kiên nhẫn đối với cây vả chậm ra hoa ra trái: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? (c. 7)
Nhưng bên cạnh ông, lại có “Người Làm Vườn” lạ lùng; người này lại tỏ ra kiên nhẫn và bày tỏ lòng thương cảm đối với cây vả, vì thế đã tìm cách bảo vệ nó: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi. (c. 8-9)
Chúng ta có thể tự hỏi, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, “Người Làm Vườn” trong dụ ngôn của Đức Giê-su, muốn nói về là ai vậy?
Khi nào chúng ta cần sám hối? Chúng ta cần sám hối ngay từ bây giờ. Thiên Chúa luôn cho chúng ta cơ hội làm lại cuộc đời. Ngài luôn mở lòng yêu thương mời gọi những ai lỗi phạm và sa ngã chỗi dậy. Thế nhưng, cơ hội thì có hạn và đến ngày chỉ còn một cơ hội cuối cùng. Nếu đời chúng ta chỉ còn một tháng, một tuần hoặc một ngày nữa thôi thì sao? Thật bất hạnh vô cùng khi chúng ta đánh mất cơ hội cuối cùng đó.
Sám hối thế nào? Sám hối không chỉ là thú nhận tội lỗi để đón nhận ơn tha thứ, mà còn là sự đổi mới tâm hồn, quyết tâm từ bỏ con đường cũ mà chọn con đường của Chúa Giêsu, đường dẫn tới sự thật và sự sống.
Chính Chúa Giêsu lưu ý những người đang đối thoại với Ngài rằng hai thảm kịch đã xảy là lời cảnh báo cho chính họ: cần phải sám hối khi thời gian còn cho phép. Dụ ngôn cây vả không bạo tàn như các sự kiện vừa nêu, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể trì hoãn, không chịu hoán cải. Người ta thường mau mắn tỉnh ngộ trước những biến cố gây kinh hoàng nhưng hay trì hoãn khi cuộc sống cứ trôi đi êm ả bình an dẫu biết rằng thời gian đi không trở lại; cuộc sống có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào.
Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa như thế còn là một sự tin cậy không mệt mỏi. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không phải là dửng dưng. Ngài không chán chường về những hoa trái không chắc chắn mà chúng ta sẽ có thể mang lại; làm như điều đó rất ít quan trọng, đối với ngài. Thiên Chúa không nhìn chúng ta như là chúng ta hiện tại, nhưng như chúng ta phải là, hoặc có thể sẽ là. Ngài không bỏ rơi chúng ta cho sự tầm thường và sự nặng nề của chúng ta. Ngài không ngừng mong muốn chúng ta trổ sinh hoa trái cho Nước Trời. Sự tha thứ của Thiên Chúa làm sống lại trong chúng ta điều tốt nhất nơi con người chúng ta, bởi vì ngài đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh ngài.
Thiên Chúa Cha là Đấng công minh, đã tạo dựng muôn loài với mục đích riêng cho từng loại, nhưng tất cả muôn vật đều cùng có một đích chung là tôn vinh Thiên Chúa tùy cách của mỗi vật. Như bụi hoa thì có hoa làm rực rỡ vườn xuân; cây ăn trái thì có trái chín làm vui mắt, làm ngọt miệng; con chim để bay nhảy, để ca hót làm vui làm đẹp cho vũ trụ, con người để yêu thương nhau, giúp nhau nhận ra Thiên Chúa là Cha và cùng nhau kính mến Thiên Chúa.
Và rồi trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em chúng ta, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh em kia…
2024
HÃY NÉM LỬA TÌNH YÊU
24.10 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Ep 3:14-21; Tv 33:1-2,4-5,11-12,18-19; Lc 12:49-53
HÃY NÉM LỬA TÌNH YÊU
Lửa là hình ảnh rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của con người và cũng là một biểu tượng sống động, phong phú và giàu ý nghĩa cả trong đời thường và đời sống tâm linh. Bởi thế, Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước đều sử dụng hình ảnh “lửa” để diễn tả nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc cho con người.
Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã sử dụng động từ “ném lửa”: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Như thế, thử hỏi “lửa” mà Đức Giêsu ném vào trần gian ở đây mang ý nghĩa gì? Trước hết, Chúa Giêsu nói điều này với các môn đệ trong bối cảnh là Ngài chuẩn bị đi lên
Giêrusalem để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha. Do đó, “lửa” ở đây có thể hiểu là cuộc thương khó mà Đức Giêsu sẽ phải chịu để thanh luyện con cái Ítraen. Thứ đến, “lửa” trong bối cảnh này cũng có nghĩa là phép rửa trong Thánh Thần để thanh tẩy và đổi mới đời sống con người chúng ta. Được thanh tẩy bởi nước và “lửa” có nghĩa là bởi nước và Thần Khí làm cho ta trở nên thụ tạo mới, con người mới và sống một đời sống mới. Cuối cùng, “lửa” cũng là biểu tượng của tình yêu. Ném “lửa” vào thế gian, nghĩa là Đức Giêsu đem đến cho thế gian ngọn lửa tình yêu và Ngài ước mong ngọn lửa ấy bùng cháy lên, lan toả khắp, ngự trị trong mỗi tâm hồn và giúp mỗi người cảm thấu và nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người ngay trong chính cuộc đời của mình.
Trong nghi thức thanh tẩy, người tân tòng được trao cho ngọn lửa và qua việc nhận lãnh một ngọn nến cháy sáng với lời nhắn nhủ của vị chủ tế: “ Anh, chị đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, anh, chị luôn sống như con cái sự sáng, để được bền vững trong đức tin. Khi Chúa Kitô đến anh, chị xứng đáng ra nghênh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”.
Ngọn lửa mà Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta cũng chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Trước khi về trời Ngài đã chẳng thổi hơi ban Thần Khí cho các Tông đồ để các ông thay Ngài mà đi rao giảng Tin Mừng đó sao? (Ga 20,21-23) Và vào ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người và ai nấy đều tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. (Cv 2,1).
Chúa xuống thế gian để mang ngọn lửa và Ngài muốn ngọn lửa ấy không những phải được mãi sáng trong chúng ta mà còn phải được bừng lên lan tràn đến mọi người chung quang nữa, vì vậy chúng ta sẽ không ngừng sống đời sống chứng nhân bằng cách sống yêu thương tha nhân và luôn tôn thờ Thiên Chúa.
Có những người cho rằng đây là một thứ lửa đã được đốt lên, nên dịch là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy còn ước mong gì nữa, nếu lửa ấy đã bùng lên rồi” đây là y như thể Chúa Giêsu chẳng còn gì mà mong ước, nên chỉ còn việc chờ đợi chịu Thương Khó (c. 50) hầu hoàn tất sứ mạng. Bản Nova Vulgata dịch theo hướng này: “Ignem veni mittere in terram et quid volo? Si iam accensus esset!” Nhưng đa số các tác giả nghĩ rằng Đức Giêsu diễn tả một nguyện ước, nên đã dịch: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.
Trong Cựu Ước, “lửa” đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiện để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23), để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Vậy từ ngữ “lửa” của Lc 12,49 có nghĩa nào? Có tác giả cho rằng lửa này quy về Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,3): Đức Giêsu hiện đang mang Chúa Thánh Thần và ước mong là tất cả mọi người được đầy Thánh Thần (thánh Grêgôriô Cả, thánh Ambrôsiô, thánh Xyrillô Alêxandria, thánh Giêrônimô). Nhưng lửa này cũng được giải thích là quy chiếu về phán xét (x. 3,17): Đức Giêsu đưa lại sự chia cắt giữa người tốt và kẻ xấu và muốn rằng sự chia cắt này xảy ra trọn vẹn.
Dù có chọn nghĩa nào, “lửa” cũng cần được liên kết với Lc 3,16, là câu trả lời của Gioan: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Qua câu này, ta nhận thấy “lửa” có nghĩa tượng trưng. Thật ra dựa theo ngữ pháp (hai danh từ nối với nhau bằng liên từ “và”), chúng ta đã có thể giải thích rằng “Thánh Thần và lửa” có nghĩa là “Thánh Thần là lửa”, và từ đó có thể đi đến những nghĩa khác như là hệ quả, chẳng hạn “sự thanh luyện”, hay là “sự biện phân”, “sự xét xử” như là những tác động của Thánh Thần. Tuy nhiên, nối tiếp câu này là c. 17 cũng có “lửa”: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. “Lửa” này chắc chắn không có nghĩa như “lửa” trong c. 16.
Muốn tìm ra nghĩa chính xác của “lửa”, nên tìm hiểu xem Chúa Giêsu đến để làm gì? Người muốn đạt được điều gì nhờ hoạt động của Người? Chẳng lẽ Người không muốn mang bình an đến, kêu gọi loài người thông cảm nhau hơn, đối xử nhân hậu và từ bi với nhau hơn? Chính Chúa Giêsu đã diễn tả rõ ràng về mục tiêu sứ mạng của Người và những hậu quả phát sinh từ đó: Người đến ném lửa vào mặt đất; có một phép rửa Người phải chịu; Người đến để gây chia rẽ. Thật ra những lời lẽ này không mô tả hết ý nghĩa của sứ mạng của Chúa Giêsu. Nhưng các phương diện thuộc sứ mạng của Người được nhắc đến ở đây cần được cứu xét.
Nói đến việc “Người đến”, chúng ta nhớ đến những lời khác: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10). Một yếu tố cốt yếu của sứ mạng Người là nhân ái đối với những kẻ tội lỗi, nỗ lực đưa họ về lại với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đầy lòng tốt lành và từ bi thương xót (x. 7,36-50). Nhưng Người không hề nhắm biện minh cho mọi sự, triệt tiêu sự phân biệt giữa tốt và xấu, làm cho mọi sự hòa hợp với nhau. Mục tiêu của Người không phải là sự yên tĩnh và bình an của một thỏa hiệp chung. Người đã đến ném “lửa” vào trần gian. Đó là ý muốn thâm sâu của Người: trái đất được bao trùm trong “lửa” ấy và bốc cháy. Ghi nhận rõ ràng những đường nét của câu nói của Chúa Giêsu, ta thấy các cách giải thích trên về “lửa” dường như quá gò ép.
Có thể nói Đức Giêsu gán cho toàn thể hoạt động của Người đặc tính của “lửa”. Người đến, đầy Thánh Thần, đầy sức sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Người loan bao Tin Mừng cho người nghèo. Người cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi làm những việc ấy, Người nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như lửa, Người bao trùm, xuyên suốt mọi sự. Người sẽ đến gặp người ta, nắm bắt người ta một cách thâm sâu.
Điều mà Người làm không chỉ là một đóng góp trung lập, không hứng thú. Theo cách làm Người, không có chỗ cho sự dửng dưng và chán chường, không có bức tường vô phương xuyên thấu đẩy bật mọi sự trở lại, không có một tấm bạt tráng dầu trên đó mọi sự trôi tuột đi. Hành động của Chúa Giêsu có đặc tính của “lửa”: nó muốn thắng vượt mọi thái độ lãnh đạm và xa cách; nó muốn đốt cháy; nó muốn có một cuộc gặp gỡ mãnh liệt, sống động.
Những lời Chúa Giêsu nói trong đoạn Tin Mừng trên đây cho chúng ta thấy nguyện ước sâu xa của Chúa Giêsu. Sứ mạng của Chúa Giêsu nhắm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, “nóng cháy”, với loài người. Trái tim của Người khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã quy định cho Người. Mục tiêu Người nhắm không phải là một sự hài hòa bên ngoài, nhưng là một việc lấy lập trường rõ ràng kể từ khi đã gặp gỡ cao độ với Người. Từ chỗ này có thể phát sinh các chia rẽ. Người ta không được hy sinh việc lấy lập trường theo Chúa Giêsu hầu đạt được một thỏa hiệp cho việc đi tìm sự hài hòa
Trong bối cảnh sống thực tế, chúng ta thường ví “lửa” là tình yêu, là sức mạnh của trái tim, là lòng hăng say nhiệt huyết của con người trong đời sống và sứ vụ. Nếu cuộc sống thiếu lửa của tình yêu, lửa của lòng nhiệt huyết thì đời sống trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa và buồn chán.
2024
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
23.10 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Ep 3:2-12; Is 12:2-3,4,5-6; Lc 12:39-48
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
Sự sống ở đời này là một cuộc hành hương, trần gian này là nơi tạm trú, chúng ta rời khỏi đó khi chúng ta chết, việc chấm dứt cuộc hành hương, hay rời khỏi thế gian bằng cái chết vào lúc nào, ở đâu, bằng cách gì,chúng ta thường không biết, giờ phút ấy rất bất ngờ, giờ đó chúng ta gọi là giờ Chúa đến.
Sự chết là điểm đến chung cuộc của phận người (Gv 6, 6). Thế nhưng, không ai biết mình sẽ chết lúc nào, bởi đó là giờ phút ta không ngờ (Lc 12, 40). Tuy vậy, cái chết không phải là dấu chấm hết của một kiếp người (Mt 25, 31-46), bởi lẽ, con người là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu (St 1, 26) và được mời gọi thông phần vào sự sống thần linh của Ngài (Ep 1,3-7).
Để chuẩn bị cho điểm đến này, thì tinh thần “tỉnh thức – sẵn sàng” là điều tối cần đối với những ai muốn cùng với Chúa đi trọn cuộc hành trình dương thế để tiến về quê trời. Hình ảnh người quản gia trung tín và khôn ngoan (Lc 12, 42-44) mà Chúa Giêsu trưng dẫn, được coi như khuôn mẫu cho những ai muốn thuộc trọn về Ngài.
Chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng được nối tiếp với những giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho giới có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa. Và dĩ nhiên trước tiên là những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa, họ phải gương mẫu trong thái độ tỉnh thức và sẵn sàng vì không những là sự tỉnh thức, sẵn sàng cần thiết cho ơn cứu độ của bản thân họ mà họ còn phải tỉnh thức và sẵn sàng để người khác có được ân sủng của Chúa nữa.
Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”.
Nhưng trên tất cả, Chúa Giêsu luôn là khuôn mẫu tuyệt hảo (Ep 1, 14). Tinh thần tỉnh thức luôn thấm đượm trong nếp sống của Ngài. Thái độ tỉnh thức đã giúp Chúa Giêsu có thể lắng nghe và sẵn sàng thực thi Thánh ý của Thiên Chúa Cha trong mọi lúc. Nhờ thế, cái chết mà Ngài đã trải qua, đã trở thành giờ vinh thắng khải hoàn tiêu diệt sự chết, và là niềm hy vọng phục sinh cho những ai tín thác vận mệnh của mình trong tay Ngài (Cl 1, 18-20; Pl 2, 8-9; Ep 1, 7).
Chúa Giêsu dạy chúng ta “Anh em hãy biết điều này”, đó là biết sự bất ngờ của giờ Chúa đến. “Vì chính giờ phút chúng ta không ngờ thì con Người sẽ đến”. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để dạy chúng ta hiểu về sự bất ngờ ấy: dụ ngôn về kẻ trộm “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông sẽ không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Dụ ngôn thứ hai về người quản gia chân chính khôn ngoan, luôn làm tròn trách nhiệm của mình với những người tôi tớ của chủ. “Nhưng nếu anh ta nghĩ chủ còn lâu mới về mà chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái, chủ sẽ loại anh ta như những người thất tín”.
Chúa Giêsu còn dạy chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng bằng hình ảnh thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trong tay, Chúa muốn dạy chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì cản trở sinh hoạt thiêng liêng của chúng ta, làm chúng ta mất tự do, không cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và sẳn sàng đón tiếp Ngài, đó là những đam mê xác thịt và những sự thế gian, cầm đền cháy sáng trong tay là chúng ta phải luôn sống theo đức tin, đức tin của chúng ta luôn phải sáng, luôn tỏa sáng ra chung quanh, chiếu sáng cho mọi người, chúng ta luôn biểu lộ đức tin của chúng ta bằng hành động để, chứng tỏ những điều chứng ta thâm tín, tin tưởng trong lòng, cầm đèn sáng ở tay biểu lộ chúng ta luôn sẳn sàng chờ đón Chúa, như “những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn ra đón chàng rể”, đời sống chúng ta phải luôn tốt đẹp.
Tỉnh thức trông chờ Chúa với tư thế đó, thì Chúa đến bất cứ lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa cũng hài lòng mời chúng ta vào bàn tiệc, mà chính Chúa sẽ phục vụ chúng ta, đó là phần thưởng Nước Trời Chúa sẽ ban cho chúng ta trong kiếp sống vĩnh cửu.
Việc tỉnh thức sẵn sàng cần thiết cho mọi người, nhưng với những người có trách nhiệm phải trả lẽ trước mặt Chúa về phần rỗi của người khác, thì tư cách sẳn sàng và tỉnh thức là biết chu đáo bổn phận được trao phó cách trung thành và khôn ngoan nữa. Nguyên nhân chúng ta xao lãng việc lo cho phần rỗi của mình, là quên giờ chết của mình sắp đến, nghĩ còn lâu chủ mới về, nên liều mình trong thói hư tật xấu, khiến cho giờ chết đến bất ngờ không kịp chuẩn bị.
Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta qua dụ ngôn người quản lý trung tín. Phải luôn chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người Chúa ban cho một khả năng, đó là những nén bạc Chúa trao để chúng ta quản lý và sinh lợi cho Chúa và cho tha nhân. Khi chúng ta biết sử dụng những khả năng đó cách thích hợp và tích cực thì đó là lúc chúng ta chuẩn bị sẵn sàng chờ đón Chúa đến.
Đời sống chúng ta, những Kitô hữu, là một cuộc hành trình đức tin, chúng ta luôn bảo vệ ơn nghĩa cùng Chúa, biết dùng ơn Chúa mà sống tốt lành như người quản gia trung tín và khôn ngoan, luôn khao khát và chăm chú vào việc đón tiếp Chúa sắp đến cách trung thành kiên nhẫn, chờ đợi trong tư thế tỉnh thức không thiếp ngủ trong đam mê xác thịt, luôn bảo vệ phần rỗi linh hồn mình cho tới khi Chúa đến.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm. Với một tinh thần phục vụ quên mình. Người ky-tô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời. Người ky-tô hữu luôn phải làm chứng cho Tin mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, chúng ta mới đáng được chủ thưởng công ở đời này và cả đời sau.