2024
Say – tỉnh
22.10 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Ep 2:12-22; Tv 85:9-10,11-12,13-14; Lc 12:35-38
Say – tỉnh
Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn báo trước hạnh phúc của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho giây phút Chúa Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của ông chủ và người đầy tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là đầy tớ đâu, nhưng ở đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận ra sứ điệp của lời Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất trung và chúng ta chỉ xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta là con như Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình có chỗ trong nhà Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con nên chúng ta biết dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia tài của người cha.
Thời Chiến Quốc ở Trung Hoa (tk. 5 TCN – 221 TCN), xã hội loạn lạc, đất nước chia năm xẻ bảy, vua chúa tranh giành quyền lực thâu tóm giang sơn. Khuất Nguyên – một danh sĩ của nước Sở lúc bấy giờ – thấy thế sự đảo điên đã ta thán qua bài phú Hoài Sa rằng: “Cử thế giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh” (Cả đời đều đục (hỗn trọc), mình ta trong, mọi người đều say cả, mình ta tỉnh)
Hôm nay Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho biết, Chúa Giê-su cũng đã nói với các môn đệ rằng: hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn; hãy tỉnh thức và canh chờ cửa để khi chủ đi ăn cưới về thì mở cửa ngay cho chủ. Thật là phúc cho những đầy tớ nào đang tỉnh thức ! (x. Lc. 12,35-38)
Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng.
Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Người tỉnh thức là người luôn sống tinh thần cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
Chúa nhắc đi nhắc lại: “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” Nếu canh hai hoặc canh ba, biết chắc giờ nào thì Chúa đến? chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con còn được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.
Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống tỉnh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ?
Tỉnh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và ban thưởng quá lòng ước mong: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.
Chủ đi rồi chủ lại về. Nhưng tiếc là, giờ chủ về thì chủ lại không lên lịch rõ ràng cho gia nhân, nên không ai dám biết. Có chăng cũng chỉ đoán mò mà thôi. Có người bị tai nạn nặng, bị bệnh viện trả về. Có người đến thăm, nói “anh này chết chắc! Không sống quá 48 tiếng nữa”. Một tuần sau, người thăm bệnh lăn ra chết vì tai biến, còn người bị tai nạn kia thì sau 36 ngày đêm hôn mê mới chịu ra đi! Chủ về đón người đang khỏe, hay đón người đang bệnh, đang già hay đang còn trẻ, không ai dám biết, việc ấy là của chủ. Bởi vậy mới co chuyện “trên cây còn lá úa, lá xanh kia rụng rồi”.
Chúa Giê-su yêu thương và luôn khao khát chúng ta được phần rỗi đời đời, Người đã nói: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ”. Cái chết của người này là lời cảnh tỉnh cho người kia về một sự thật có vẻ quá phủ phàng, nhưng thực ra, đó là sự thật giá trị. Biết bất ngờ mình sẽ chết, mà vẫn còn tham lam mê muội, huống chi là không có sự chết! Biết bất ngờ mình sẽ chết, mà vẫn còn chưa muốn sống công chính, chưa chịu chuẩn bị cho cái chết và sự sống đời sau.. thì có phải là mình quá liều lĩnh đấy không?
Chiêu bài tinh vi của ma quỷ cố làm cho con người mất sự sống đời đời, là nó đưa con người ta vào một cõi ảo: “Em chưa chết đâu em! Em hãy còn quá trẻ trung xinh đẹp” “Ông chưa chết đâu ông, đông trùng hạ thảo giúp ông trăm năm sung mãn”. “Còn khỏe lắm, bà chưa chết đâu”. Hãy tỉnh thức đón Chúa đến. Tỉnh thức là yêu mến Chúa trên hết mọi sự thế gian này.
Cuộc sống đầy đủ tiện nghi, giàu sang thời nay luôn đầy rẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ngủ ru mọi người ưa thích sự hưởng thụ, chuộng sự nhàn nhã, ham mê tiệc tùng, giải trí, vui chơi… làm cho con người ta lơ là không đủ tỉnh táo và đề phòng nên dễ sa ngã vào vòng xoáy danh – lợi -thú.
Thế mới biết, cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, ai cũng sẽ chết, thế nhưng con người ta đa phần lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ nó nhưng lại ít chú tâm đến sự sống đời sau, thậm chí còn coi sự sống đời sau chỉ là thứ yếu.
Thiên Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này cũng với một sứ mệnh tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện cổ tích trên. Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị em của mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Cái phúc dành cho những ai tỉnh thức chờ đợi Con Người đến được Đức Giêsu ví von như hình ảnh “đầy tớ được ông chủ thắt lưng, đưa vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37). Thật là kỳ diệu, từ phận vị người đầy tớ giờ trở nên như một ông chủ để được phục vụ. Trong viễn tượng cánh chung, người tỉnh thức và sẵn sàng chờ Chúa đến sẽ được hưởng phúc Thiên Đàng, tức là diễm phúc của những con người tự do hoàn toàn khỏi mọi gông cùm của nô lệ tội lỗi và sự chết.
Tính bất chợt và bất ngờ của cuộc quang lâm của Con Người làm nên tính khẩn thiết và hệ trọng trong hành động sẵn sàng và tỉnh thức của người sống đạo. Làm sao để vui thú trần gian, cám dỗ của ma quỷ, khốn khổ đau thương của phận người không làm chúng ta quên đi cái phúc Chúa hứa dành tặng những ai tỉnh thức chờ đợi Chúa, không quên đi cuộc canh tân và hoán cải để sống theo tinh thần Tin Mừng.
Trong sự lo toan, bộn bề, và bao gánh nặng bổn phận và sứ vụ, những niềm vui đến bất ngờ mang lại kinh nghiệm hạnh phúc và chan chứa hy vọng nơi cuộc đời, nơi con người, và trong Thiên Chúa. Vì thế, để niềm hạnh phúc Nước Trời mở ngỏ cho những đợi chờ mong ngóng, là hành trang dấn bước trên đường công chính. Gần gũi hơn, những kinh nghiệm an ủi của Chúa trong cầu nguyện, việc nhận ra Chúa can thiệp diệu kỳ trong cuộc đời, sẽ khiến chúng ta thức tỉnh và biết chiến đấu với cám dỗ. Dẫu vậy, sẽ là vô vọng nếu trong cuộc chiến ấy không có sự tham gia của chính Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay kêu gọi các Ki-tô hữu hãy tỉnh thức, chuẩn bị cho sự sống đời sau bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết của mỗi người.
2024
ĐỪNG VÌ QUÁ NẶNG LÒNG VỚI VẬT CHẤT
21.10 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Ep 2:1-10; Tv 100:2,3,4,5; Lc 12:13-21
ĐỪNG VÌ QUÁ NẶNG LÒNG VỚI VẬT CHẤT
Của cải vật chất làm cho cuộc sống thêm dồi dào, phong phú, đặc biệt trong xã hội hiện nay. “Có tiền mua tiên cũng được” người ta thường nói thế. Con người được đánh giá qua dáng vẻ bên ngoài: quần áo, giày dép, nón mũ, ngay cả cái kẹp tóc…cũng xài hàng hiệu. Có nhiều người không có, phải đi vay mượn, thậm chí đi trấn lột kẻ khác, để có xe chạy, tiền xài…
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ đúng đắn khi sử dụng của cải. Thánh Luca, ngay câu đầu của bài Tin Mừng, Ngài đã đưa ra một tình huống xử kiện về gia tài : “ Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi ? (c.13) thỉnh cầu của người này khiến chúng ta thấy có điều bất hoà giữa hai anh em, mà nguyên nhân gây bất hoà là của cải. Hồi đó, dân Do Thái thường nhờ các Thầy Rabbi, có địa vị, có uy tín… để phân xử. Trong Cựu Ước, ông Môsê cũng đã từng xử kiện cho dân chúng, vì ông đã được đặt làm người lãnh đạo và xét xử ( Xh 2,14). Trường hợp trên: Người anh thì ham của, muốn “ăn” trọn. Người em chắc yếu thế hoặc sống phung phá gì đó, nên cha mẹ không để phần gia tài.
Chúng ta xem Chúa Giêsu trả lời thế nào: “Ai đặt tôi làm người xử kiện hay chia gia tài ?” Một câu hỏi cũng là câu khẳng định về chân tính của Đức Kitô. Ngài không đảm nhận một công việc trần thế. Ngài đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đưa họ vào vương quốc của Ngài. Và Ngài nói tiếp để căn dặn họ : “ Hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải được dư giả, thì mạng sống nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” (c.15). Chúa Giêsu biết khi tham lam người ta đánh mất lương tri. Giàu thì muốn giàu thêm. Có tiền lại muốn nhiều tiền hơn : lòng tham vô đáy là thế. Khi tham lam, người ta dễ loại trừ nhau. Đồng tiền làm mờ đôi mắt, làm tối lương tâm. Cho dù đời này ăn mặc sung sướng, vàng bạc đầy nhà, của cải ê hề, thì cũng không chắc sẽ giữ được mạng sống sau khi chết, nếu người đó không biết sử dụng đúng cách. Vì nhiều người đầy của cải, vẫn chết. Có người tự tử trên đống tiền. Nhiều gia đình không hạnh phúc, nhà cửa tan nát, cha mẹ li dị chỉ vì có quá nhiều của cải rồi sinh tật ăn uống, chơi bời.
Kế tiếp, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn để minh chứng điều Ngài vừa giảng dạy. Ngài đưa ra một hình ảnh ông phú hộ giàu có, ruộng vườn thẳng cánh cò bay, đàn vật sung túc, của cải ê hề. Ông ta còn khôn ngoan theo kiểu “ con cái loài người” là cho xây những cái kho lẫm to lớn, lớn hơn và xây nhiều hơn để tích trữ. Lúc đó, ông không lo hạn hán hay mất mùa. Ông nghĩ Ta cứ việc ăn chơi thoả thích trong nhiều năm mà của cải vẫn bảo đảm cho đời sống. Ông còn tự bảo: hồn ông đừng lo lắng, cứ nghĩ ngơi ăn uống…Ông khôn ngoan khi chỉ nghĩ đến thân xác, đến của cải nuôi dưỡng cái thân xác đê hèn này. Ông không nghĩ đến bệnh tật, tuổi già, thậm chí cái chết đang đứng ngoài cửa rình rập ông. Cái khôn ngoan của ông mà Thánh Phao lô gọi là sự điên dại của Thiên Chúa…(x.1Cr 2,25).
Thật thế, Thiên Chúa bảo ông : “Đêm nay ta đòi mạng ngươi… thì của cải ngươi sắm sẽ về tay ai ? ( c.20). Thật là đồ ngốc khi ngươi chỉ lo sắm những của cải, mà sau khi chết ngươi không thể mang đi được. Đến nỗi, ngươi muốn mang cái gì ngươi thích mà ngươi cũng không tự mang được. Quần áo, giày dép… ngay cái đơn giản nhất cũng là do người khác khoác mặc cho ngươi. Vậy đó chỉ là những phù phiếm, giả tạo. Chúng sẽ bỏ ngươi sau khi ngươi chết.
Với câu kết luận : kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó ( c.21), Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy hậu quả của những người ham mê của cải. Số phận tay trắng vẫn “hoàn tay trắng. của cũng mất mà linh hồn lại chẳng được cứu, vì khi còn sống, người đó đã bám víu vào của cải. Nay của cải bỏ người ấy ra đi một mình, chúng không đảm bảo cho người đó có cuộc sống đời đời. Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh đối lập giữa của cải và Thiên Chúa như Ngài đã nói : Không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của ( Mt 6,24). Ngài nhấn mạnh : cần làm giàu trước mặt Thiên Chúa, nghĩa là tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là dùng tiền của mua bạn hữu, dùng của cải đổi lấy Nước Trời, là làm chủ của cải chứ không lệ thuộc hoặc làm nô lệ cho nó.
Qua dụ ngôn về người phú hộ mà Chúa Giêsu cho là đồ ngốc, Ngài không chê khả năng tính toán và sự siêng năng làm ra của cải vật chất của ông ta, nhưng lên án vì khi làm như thế đầu óc ông ta không lúc nào được thanh thản. Đồng thời, khi suốt ngày chỉ lo nghĩ làm sao phải tích trữ của cải cho càng nhiều càng tốt, ông quá bận tâm khư khư muốn giữ lấy tài sản của mình, chỉ biết lo cho mình mà không biết nghĩ đến người khác, chỉ biết tính toán cho cuộc đời này mà quên mất sự ngắn ngủ, mau qua của nó.
Chúa Giêsu không chê trách việc siêng năng làm ra của cải vật chất, nhưng cảnh báo những ai quá vướng bận với nó. Của cải vật chất chỉ thật sự hữu ích khi người ta biết sống tinh thần chia sẻ ở đời này và hướng về hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Khi tin vào Thiên Chúa con người cũng còn phải biết phó thác tất cả cho Người. Phải tin vào giá trị của mình cũng như phải tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chim chóc hoa cỏ mà còn được Chúa để ý chăm nom thì huống chi là con người. Bởi thế nói theo kiểu của Thánh Phaolô thì “ngay cả khi ta phục vụ Thiên Chúa mà ta vẫn bị đói rách hay bị chết chóc thì ta vẫn không phải là kẻ bị quyền năng Thiên Chúa tử bỏ (Rm 8,28; Mt 10, 28-31) mà đó còn là một cái phúc.(Mt 5, 3-12) Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu hết được những sự tốt lành mà Ngài làm cho các con cái của Người.
Thật vậy, Đức Kitô nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng đời sống chứng tá của mình trong trần gian này là sự yêu thương đồng loại, sống bác ái, chân thật và hết lòng tôn thờ Thiên Chúa. Đây là một sự chuẩn bị tốt nhất cho mỗi người chúng ta là những Kitô hữu của Chúa, những người con của Chúa.
Ngày nay, trong xã hội, biết bao gia đình phải tan nát vì của cải. Người nghèo sinh trộm cắp, giết hại lẫn nhau bán cả nhân phẩm, bán cả lương tâm. Người giàu thì bóc lột sức lao động, mua gian bán lận hoặc dùng đồng tiền biến người khác thành vật sở hữu của mình. Lạy Chúa, ranh giới vực thẳm giữa giàu nghèo vẫn còn đó. Bên cạnh những thành phố xa hoa, chơi bời vẫn còn có những tấm lưng còng cúi rạp trên bãi rác, đầu đường xó chợ để tìm kiếm miếng ăn. Xin cho chúng con biết san bằng những hố sâu ngăn cách ấy qua những bưổi tương trợ, bác ái giúp nhau “ Lá lành đùm lá rách”, để thế giới thêm vui tươi, hạnh phúc, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, như thế chúng con mới là anh em con cùng một Cha trên trời.
2024
Cuộc Sống Chứng Tá
19.10 Thánh Isaac Jogues và Gioan de Brebeuf và các bạn tử đạo
Ep 1:15-23; Tv 8:2-3,4-5,6-7; Lc 12:8-12
Cuộc Sống Chứng Tá
Sau khi khiển trách các người pharisiêu và những nhà thông luật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Bài trình thuật Phúc Âm hôm nay vì thế mời gọi tất cả chúng ta hướng về một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để các ông được Chúa Cha trên trời đón nhận như Ngài nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.
Tất cả cuộc sống của người Kitô không nằm ở thái độ biểu dương đức tin để trở nên xứng đáng với trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành những lời răn của Thiên Chúa mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa Giêsu nói: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha”, Người ngụ ý dạy rằng tội lỗi thực sự của loài người là sự ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước tình yêu thương và sự tha thứ của Người.
Chúa Thánh Thần là Ðấng của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối diện với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại. Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Sự phạm thánh đó bao gồm những hành động hay những tư tưởng chống đối Thiên Chúa tiềm ẩn trong con tim hay biểu lộ ra bên ngoài. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.
Chúa Giêsu còn dạy chúng ta rằng: kẻ nào nói phạm đến Con Người thì sẽ được tha, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Thánh Thần thì sẽ không được tha. Vậy phải chăng Chúa Thánh Thần không có Lòng thương xót? Thưa không. Người là Ngôi Ba Thiên Chúa, người vẫn là Đấng giàu lòng thương xót. Vậy tại sao chúng ta sẽ không được tha nếu phạm thượng đến Thánh Thần? Có lẽ, khi nói phạm đến Chúa Giêsu, Người sẽ cho chúng ta cơ hội sửa đổi, chính Chúa Thánh Thần sẽ lôi kéo chúng ta trở về từ tội lỗi, sẽ hướng dẫn chúng ta làm lành cùng Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu Người đã lôi kéo chúng ta ra khỏi vực sâu tội lỗi mà chúng ta vẫn không chịu rời bỏ nó, cố tình chối bỏ sự hướng dẫn của Người, cố tình chống đối lại Người… chúng ta sẽ phải trả giá cho sự ngoan cố đó.
Qua đó, ta có thể nhận thấy được sự quan trọng của Chúa Thánh Thần, để từ đó, ta biết ý thức hơn về tội lỗi của mình. Mỗi khi nắm bắt được cơ hội sám hối, ta hãy nhớ rằng đó là khi Chúa Thánh Thần chìa tay kéo chúng ta lên và hãy ăn năn thống hối, chớ chối bỏ cơ hội đó vì có thể chúng ta đã chối bỏ sự trợ giúp của Người, đó cũng là một hành vi phạm thượng. Và như Chúa Giêsu đã nói: phạm thượng đến Chúa Thánh Thần sẽ không được tha.
Ý thức được điều đó, mỗi người chúng ta phải biết xem xét lại mọi hành động của mình, chớ nên vì sự ngoan cố mà khiến mình lỗi phạm đến Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng thương xót, Người sẽ tha thứ lỗi lầm ta phạm nếu ta biết thật lòng ăn năn sám hối. Vì thế, mỗi khi có cơ hội, hãy trở về hòa giải với Người và không quên đó là hồng ân mà Chúa Thánh Thần đã trao cho mỗi người chúng ta.
Lòng nhân ái của Thiên Chúa thì vô bờ bến nhưng nếu một ai từ chối lòng thương xót của Người thì sẽ tự mình kết án chính mình. Hồng ân đến từ Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban xuống cho những ai tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Thế.
2024
Thánh Luca, Thánh Sử
18.10 Thánh Luca, Thánh Sử
Ep 1:11-14; Tv 33:1-2,4-5,12-13; Lc 12:1-7
Thánh Luca, Thánh Sử
Theo các nhà Kinh Thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta hai tác phẩm: một là cuốn Tin Mừng thứ ba và hai là sách Tông Đồ Công Vụ.
Qua các tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc. Ngài đã hết lòng ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa. Qua những truyện như: Người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành… chúng ta thấy được phần nào chủ ý của thánh nhân khi ngài muốn trình bày cho chúng ta thấy một cách cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa.
Tin Mừng thánh Luca cũng là Tin Mừng về đời sống cầu nguyện. Ngài đặt trước mắt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Chúa chịu phép rửa, trước khi khi chọn môn đệ, trước khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn Giệtsimani và cả trên thánh giá.
Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức. Không Tin Mừng nào làm cho chúng ta có thể thấy được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn… Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.
Tin mừng của thánh Luca là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài, có rất nhiều chỗ nói về niềm vui như loan báo tin vui cho Zacharia, truyền tin cho Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh…Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui hân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem. Ðúng như Harnack đã nói: “Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.”
Tin Mừng của thánh Luca còn được gọi là Tin Mừng của những người phụ nữ bởi vì không Tin Mừng nào vai trò của người phụ nữ được nhắc tới với một lòng kính trọng như Tin Mừng của thánh Luca. Những câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt như những chị em phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giêsu và tông đồ đoàn chỉ có thể tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Luca.
Sau hết, khi trình bày, thánh Luca như cố ý cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa cũng như để được gia nhập Nước Trời. Những điều kiện đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, dám chấp nhận những khó khăn, biết sống bác ái và kiên trung trong đau khổ.
Cũng như Tin Mừng, cuốn Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống truyền giáo của các tông đồ và đời sống của Giáo Hội lúc sơ khai. Đây cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội. Đọc sách Công vụ chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động được bùng phát lên từ sự nhận biết Thiên Chúa của các tín hữu đầu tiên, và rồi kết quả sau đó là một cuộc sống được định hướng bằng tình bác ái chân thực, bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, cũng như bằng bầu khí cầu nguyện, bằng sự hiệp nhất cao độ, lòng hợp lòng, với một đức tin, và một tình yêu duy nhất để hình thành nên những cộng đoàn thánh thiện giữa các tông đồ và những người tin Chúa của Giáo hội sơ khai.
Mặc dầu lịch sử không cho chúng ta những tài liệu chính xác về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng: thánh Luca thuộc gia đình nề nếp và giàu sang tại Antiokia. Khi còn bé, Ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp. Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề lương y. Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa. Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Troa giảng đạo Chúa Giêsu. Luca vào nghe và sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, Ngài liền tin theo. Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh Thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ. Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giáo lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang thánh Luca đi theo. Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian. Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề lương y. Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philipphê. Từ đây thánh Luca cùng đi giảng đạo với thánh Phaolô. Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người La Mã bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô, và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của Ngài nữa.
Đọc Tin Mừng thứ ba và Công vụ tông đồ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ. Thánh nhân tỏ ra rất nghệ thuật trong việc bố cục câu chuyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình, chẳng hạn dụ ngôn người con người phung phá và câu chuyện hai người du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy.
Hơn thế, thánh Luca còn là một người rất sành tâm lý. Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Tin Mừng cũng như trong các dụ ngôn những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với địa vị riêng của họ. Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chữ trọn hảo địa vị Cứu thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi. Chúa tự hiến mình trên thập giá để tẩy xóa mọi tội trần và thông ban ơn sủng đời sống mới cho các tâm hồn.
Với một sự hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu thế của Chúa như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến Tin Mừng cứu thế không kém gì thánh Phaolô. Nhưng Ngài giảng đạo tại đâu và chết như thế nào thì theo một tài liệu tìm thấy ở Constantinople, thánh Luca đã giảng đạo tại Achaie và Beotie. Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes. Trong bài thực hành cuốn chú giải Tin Mừng thánh Matthêô, Thánh Hiêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Tin Mừng thứ ba tại Achaie và Beotie, sau cùng thánh Gaudence de Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Andrê tại Patras một tỉnh nhỏ thuộc vùng Achaie.
Ngày nay thánh Luca là quan thầy của các lương y và bác sĩ. Ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp”.
Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính lễ thánh Luca vào ngày 18.10 mỗi năm.
Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như người để chúng ta đem tin lành cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.