2024
TRÁNH MEN BIỆT PHÁI
17.10 Thánh Inaxiô thành Antiôkia, Gmtđ
Ep 1:3-10; Tv 98:1,2-3,3-4,5-6; Lc 11:47-54
TRÁNH MEN BIỆT PHÁI
Không có một tài liệu lịch sử nào rõ rệt về lý lịch của vị giám mục đáng kính này.
Truyền thuyết cho rằng thánh Ignatiô là môn đệ Thánh sử Gioan. Ngài có một lòng yêu mến Chúa Kitô đến say mê, luôn ước ao được chết vì Chúa, do đó người ta đã tặng thánh nhân danh hiệu “Đền thờ Thiên Chúa”.
Thánh Ignatiô được tấn phong làm giám mục thành Antiôkia kế vị đức giám mục Êvôđa dưới triều hoàng đế Trajanô. Truyền thuyết cho rằng ngài chính là em bé đã được Chúa Giêsu ẵm bế đặt giữa các môn đệ trong Tin Mừng 18,3 hay câu bé bán bánh đã dâng cho Chúa năm chiếc bánh và hai con cá để Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho ba ngàn người ăn trong Tin Mừng Matthêô (Mt 14,15-20).
Khoảng năm 110, ngài bị bắt vì đức tin và bị giải về Rôma dưới trào hoàng đế Trajanô. Trước khi lên đường tử nạn, ngài chúc phúc lành cho đoàn con cái và trao phó cả giáo đoàn Antiôkia cho Chúa Kitô. Rồi Ngài giúp lính xiềng tay ngài và vui vẻ đi theo bọn lính áp tải ngài về Rôma. Bọn lính hành hạ Ngài rất tàn nhẫn. Chúng cố ý hành hạ ngài cốt để cho các giáo hữu động lòng cảm thương ngài đút lót tiền bạc cho chúng.
Các Kitô hữu ở Antiôkia khóc thương tiếc vị giám mục đáng kính của họ. Họ buồn phiền vì phải ly biệt chủ chăn yêu quí nhất đời. Đứng trước cảnh ly biệt đau thương đó, đức giám mục Ignatiô vẫn giữ vẻ mặt tươi tỉnh, Ngài khuyên nhủ họ nên đặt tin tưởng độc nhất vào Chúa Giêsu.
Đức giám mục Ignatiô được dẫn theo đường bộ về Rôma. Ngài đi qua thành Smyrna. Tại đây, thánh Ignatiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của thánh Gioan như thánh Ignatiô.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hai vị giám mục ôm chầm lấy nhau, đức giám mục Pôlycarpô khóc nức nở vì quá vui mừng. Toàn dân địa phận Smyrna kéo đến vây quanh đức giám mục đáng kính Ignatiô để được hân hạnh nghe ngài khuyên răn, khích lệ và ban phép lành. Các giáo đoàn Đông phương còn đề cử nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đến chúc mừng vị thánh tử đạo tương lai đáng kính. Các Kitô hữu đều coi Ngài như một người cha thiêng liêng.
Trong cuộc hành trình gian nan này, ngài viết 7 lá thơ, nói lên tình yêu nồng suy của ngài đối với Đức Kitô và ưu tư của ngài về sự hiệp nhất của cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của vị giám mục. Ngài gởi về giáo đoàn Rôma lá thơ, van xin họ đừng làm gì để người ta thả ngài.
Từ biệt giáo đoàn Smyrna, đức giám mục lên đường đi thẳng tới Macêdônia, Albaniô và nhiều thành phố khác. Đi tới đâu, Ngài cũng khuyên bảo, khích lệ các Kitô hữu và khẩn khoản nài xin họ cầu nguyện cho ngài được trung thành tới cùng. Ngài thăm viếng tất cả các giáo đoàn ngài đi qua, viết thư thăm các đức giám mục, các linh mục thuộc quyền ngài. Tới Rôma, Ngài bị tống ngục và chờ ngày đại lễ sẽ đưa ra công trường hành hình mua vui cho quần chúng.
Truyền thuyết cho rằng: đức giám mục Ignatiô đã phải chịu rất nhiều nhục hình trước khi bị đưa ra cho thú dữ dầy xéo.
Tới ngày đại lễ, đức giám mục Ignatiô với nét mặt tươi tỉnh, hiên ngang tiến ra công trường để được chết vì Chúa Kitô. Ra tới công trường, Ngài quay về phía dân chúng cao giọng nói lên đôi lời:
“Kính thưa toàn thể đồng bào, xin đồng bào đừng ngộ nhận tôi đây vì có trọng tội nên bị thú dữ dầy xéo. Không phải thế đâu, sở dĩ tôi bị thú dữ cắn xé là vì tôi muốn được kết hợp với Thiên Chúa.”
Vừa dứt lời, đoàn sư tử hùng hổ tiến về phía đức giám mục Ignatiô. Nghe tiếng sư tử gầm thét, Ngài kêu lớn tiếng:
“Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi muốn được nghiền nát dưới nanh vuốt thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền dâng tiến Chúa Kitô.”
Đoàn sư tử thi nhau cắn xé thánh nhân. Khi bị đoàn vật xâu xé, thánh nhân luôn miệng kêu tên Chúa Giêsu. Có người hỏi thánh nhân tại sao cứ kêu tên Giêsu hoài như thế. Thánh nhân trả lời: “Tôi kêu tên Giêsu vì chính tôi đã ghi khắc tên đó trên trái tim tôi và đời đời không bao giờ quên được”. Sư tử ăn hết thịt thánh nhân và để xương lại nguyên vẹn.
Các Kitô hữu kính cẩn thu lượm xương thánh nhân đưa về an táng ở ngoại ô thành Rôma. Đến thời hoàng đế Thêôđô trẻ (Thédode le Jeune), giáo đoàn Antiôkia rước xương thánh đó về Antiôkia cách rất trọng thể. Đám rước diễn hành đi theo những con đường thánh nhân đã đi về Rôma chịu tử đạo.
Tin mừng hôm nay giúp chúng ta nhận thức rõ tâm tư của con người qua lời nói và việc làm của họ. Thánh sử Luca thuật lại rằng: trong khi Chúa Giêsu rao giảng, có một số Pharisêu và các nhà thông luật cũng đến nghe để lên án gài bẫy xem Người có vi phạm lề luật không. Họ trách Chúa Giêsu thường hay la cà ăn uống với người tội lỗi và không rửa tay trước khi ăn. Nhóm Pharisêu và các luật sĩ thường tự mãn về việc họ giữ tỉ mỉ các điều luật của tiền nhân. Họ cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay hàng tuần, nộp thuế thập phân và làm nhiều việc đạo đức khác nhưng với thái độ khoe khoang tự mãn mà thiếu lòng yêu mến.
Biết được tâm địa gian dối của người Pharisêu, Chúa Giêsu lên tiếng nguyền rủa họ sống giả dối như những mồ mả bên ngoài tô vôi nhưng bên trong đầy sự xấu xa. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Hành động ấy tố cáo họ chính là kẻ đồng lõa với cha ông để làm những sự xấu xa. Chúa Giêsu tiên báo họ sẽ bị đòi nợ máu của các Ngôn sứ và Tông đồ, một món nợ từ thời cha ông họ để lại. Điều này cho thấy án phạt của Thiên Chúa rất công thẳng, Người không dung thứ cho những hành động xấu xa dù điều ấy xảy ra từ thời xa xưa.
Chúa Giêsu nhắc đến cái chết của ông Aben và Dacaria như để nhấn mạnh sự gian ác đã hoành hành trong trần gian từ thuở tạo thiên lập địa và còn kéo dài mãi gây bao oan trái cho con người. Sự gian ác xấu xa của người Pharisêu lên đến tột độ khi họ bắt giết các Ngôn sứ và Tông đồ là những người đến để rao giảng tình thương của Thiên Chúa. Họ giết những người được Thiên Chúa sai đến nghĩa là họ gián tiếp từ chối tình thương của Thiên Chúa. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn “cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết”, ngăn cản người công chính không thể đến nghe về Mầu Nhiệm Nước Trời.
Lời Chúa Giêsu khiển trách Pharisêu cũng chính là lời khiển trách đối với mỗi người chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng sống giả dối, làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ cật vấn lương tâm mỗi người và “đòi nợ” nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.
Mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặp ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặp niềm vui an hòa.
Một người đàn ông đến xin vị đạo sĩ chỉ cho biết phải giữ luật thế nào để xứng đáng trước Thiên Chúa, ông hỏi: “Thưa thầy, có hai người tín hữu kia rất mộ đạo, một người chỉ ở trong phòng cầu nguyện, ăn chay sáu ngày trong tuần và thi hành khổ chế nghiêm nhặt, còn người kia dành tất cả thời gian để chăm sóc bệnh nhân. Vậy ai là người xứng đáng trước mặt Thiên Chúa?” Vị đạo sĩ thinh lặng một chút và ôn tồn giải thích: – Cả hai người và hai cách sống đều xứng đáng nếu việc họ làm phát xuất từ lòng yêu mến, trái lại nếu không có đức mến, tất cả những việc đạo đức trên chỉ là giả dối và khoe khoang bản thân mình.
Câu hỏi của người đàn ông trên hết sức cần thiết cho mỗi người chúng ta khi giữ những điều luật Chúa truyền dạy. Cuộc sống luôn tồn tại hai cách sống đạo: một chỉ lo đọc kinh giữ luật mà quên đi việc phục vụ, còn người kia lại chỉ say mê phục vụ mà quên đi bổn phận thiêng liêng.
Luật Chúa không phải là thứ ngôn ngữ trong sách vở nhưng là hơi thở của cuộc sống. Luật ấy đã được kiện toàn qua Đức Giêsu. Người đã thực hiện bằng tất cả sự yêu thương và khiêm tốn. Đó là sự hài hòa giữa việc chu toàn các điều luật và việc phục vụ tha nhân. Chính Đức Giêsu đã khẳng định “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mosê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).Nhóm người Pharisêu Chúa Giêsu vi phạm luật trong ngày Sabát nhưng chính họ lại là người phá hủy lề luật qua hành động sát hại các các Ngôn Sứ và Tông Đồ. Khi lên án Pharisêu, Chúa muốn khẳng định cho họ biết không có giới luật nào lớn hơn luật yêu thương. Bao trùm tất cả việc giữ luật là sự yêu thương và cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về thái độ giữ luật, phải mặc lấy tâm tình cởi mở khi gánh lấy tất cả những chứng đau bệnh của con người, mang lấy số phận hay hư nát của con người mà treo lên cây thập giá. Người đã sống cho Sự Thật và đã chết để làm chứng cho Sự Thật.
Việc thờ phượng Thiên Chúa không tách rời khỏi việc yêu thương và tôn trọng tha nhân. Ước gì chúng ta biết đi ra khỏi con người ích kỷ của mình để tự do thi hành việc bác ái. Việc giữ luật không chỉ đóng khung trong nhà thờ nhưng được mở rộng để đến tha nhân để cảm thông chia sẻ mọi nỗi buồn vui với họ. Giáo hội của Chúa không phải là giáo hội của những thành quách, đền đài với tháp chuông cao vút. Giáo hội của Chúa là từ bỏ địa vị cao sang, cúi xuống để phục vụ. Một giáo hội luôn song hành và ưu tư với những buồn vui của phận người. Việc sống đạo không chỉ dừng lại ở những lễ hội tiệc tùng nhưng là ở cuộc gặp gỡ và đối thoại, là việc nâng dậy những ai yếu đuối vấp ngã, đưa dẫn những ai lầm đường lạc lối trở về.
2024
Thiên Chúa Là Tình Yêu
16.10 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Gl 5:18-25; Tv 1:1,1-2,3,4,6; Lc 11:42-46
Thiên Chúa Là Tình Yêu
Ðối diện với sự gian dối và bất lương của những người pharisiêu và các nhà thông luật, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ. Thái độ thích khoe khoang và cái bề ngoài công chính, giả tạo nhưng bên trong lòng thì chứa đầy những gian xảo của những người pharisiêu hay như hành động chèn ép và áp bức của các nhà thông luật đối với người dân bần cùng là cội rễ của các bất công xã hội. Chúa Giêsu không có chủ ý kết án những người pharisiêu và những nhà thông luật, ngược lại, Ngài chỉ muốn khiển trách để cảnh tỉnh lương tâm của họ, để họ lắng nghe lời Ngài là Con Thiên Chúa mà trở về con đường ngay thẳng.
Chúa Giêsu dạy cho họ biết rằng chỉ có một điều luật lớn nhất vượt lên trên mọi Lề Luật khác đó là luật mến Chúa yêu người. Những ai sống theo luật yêu thương này là thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Rôma nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, vì chúng ta không thể tự mình trở nên công chính trước mặt Người”. Thánh Phaolô cũng lên tiếng cảnh giác những người tự cho mình là công chính mà không cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa, và từ đó nảy sinh ra thái độ xét đoán người khác. Người nói: “Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm điều đó trong khi chính mình cũng làm như vậy. Bạn tưởng mình khỏi sẽ bị Thiên Chúa xét xử sao?”
Vì thế, ai phán xét và kết án những người khác là lòng bị bất công vì chính mình cũng thuộc vào cùng một lỗi lầm, hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi như nhau. Mặt khác, thái độ lên án người khác gây ra sự chia rẽ giữa chúng ta với những người khác. Ngay cả trường hợp chúng ta có làm được những công nghiệp tốt lành đi nữa thì hành động này của chúng ta cũng không làm cho Thiên Chúa hài lòng. Một công nghiệp tốt lành có tác động làm cho mọi người được hiệp nhất với nhau chứ không tạo nên sự chia rẽ.
Thiên Chúa chính là sự hiệp nhất và tình yêu. Những ai sống theo tinh thần này là sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta cần đặt mình trước sự thương xót và lòng bác ái của Thiên Chúa, đó là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Chúng ta cần hướng về Thiên Chúa để xin Người ban cho hồng ân cứu rỗi mà Người đã hứa ban cho toàn thể nhân loại, không kể đó là người Kitô hay dân ngoại, người công chính hay người tội lỗi. Vì tất cả chúng ta đều cần tới tình yêu thương và sự thương xót của Thiên Chúa, là vị Cha chung của tất cả chúng ta ở trên trời.
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thẳng thắn khiển trách thái độ sống giả dối của người Pharisêu và các luật sĩ, họ thích phô trương, thích ngồi ghế nhất trong hội đường, ưa xuất hiện nơi phố chợ để được người khác chào hỏi. Họ nộp thuế những thứ rau cỏ lặt vặt nhưng lại sống thiếu công bằng. Họ làm từ thiện cốt để người khác khen ngợi chứ không vì lòng bác ái. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Họ làm việc đạo đức để che đậy tâm địa xấu xa. Không những thế, họ còn theo dõi lên án các việc làm của Chúa Giêsu là vi phạm luật cấm làm trong ngày Sabát.
Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống ngay thẳng thật thà. Đôi lúc chúng ta cũng làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ chất vấn lương tâm mỗi người nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.
Luật Chúa không phải là thứ ngôn ngữ trong sách vở nhưng là hơi thở của cuộc sống. Luật ấy đã được kiện toàn nơi Đức Giêsu. Người đã thực hiện bằng tất cả sự yêu thương và khiêm tốn. Đó là sự hài hòa giữa việc chu toàn các điều luật và việc phục vụ tha nhân. Chính Đức Giêsu đã khẳng định “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mosê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Nhóm người Pharisêu cho rằng Chúa Giêsu vi phạm luật ngày Sabát nhưng chính họ lại là người phá hủy lề luật qua hành động sát hại các các Ngôn Sứ và Tông Đồ.
Khi lên án Pharisêu, Chúa muốn khẳng định cho họ biết không có giới luật nào lớn hơn luật yêu thương. Bao trùm tất cả việc giữ luật là sự yêu thương và cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về thái độ giữ luật, phải mặc lấy tâm tình yêu thương khi gánh lấy tất cả những chứng đau bệnh của con người, mang lấy số phận hay hư nát của con người mà treo lên cây thập giá. Người đã sống cho Sự Thật và đã chết để làm chứng cho Sự Thật.
Việc giữ luật Thiên Chúa không tách rời khỏi việc yêu thương và tôn trọng tha nhân. Ước gì chúng ta biết đi ra khỏi con người ích kỷ của mình để tự do thi hành việc bác ái. Việc giữ luật không chỉ đóng khung trong nhà thờ nhưng được mở rộng để đến tha nhân để cảm thông chia sẻ mọi nỗi buồn vui với họ. Giáo hội của Chúa không phải là giáo hội của những thành quách đền đài với những tháp chuông cao vút. Giáo hội của Chúa là từ bỏ địa vị cao sang, là cúi xuống để phục vụ. Một giáo hội luôn song hành và ưu tư với những buồn vui của phận người, vui với người vui, khóc với người khóc. Việc sống đạo không chỉ dừng lại ở những lễ hội tiệc tùng nhưng là ở cuộc gặp gỡ và đối thoại, là việc nâng dậy những ai yếu đuối vấp ngã, đưa dẫn những ai lầm đường lạc lối trở về.
Mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta thật lớn lao. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặt ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặt niềm vui an hòa.
2024
CHIÊM NIỆM VÀ CẢI TỔ ĐỂ XÂY DỰNG HỘI THÁNH NHƯ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA
15.10 Thánh Têrêxa thành Avila, Đtts
Gl 5:1-6; Tv 119:41,43,44,45,47,48; Lc 11:37-41
CHIÊM NIỆM VÀ CẢI TỔ ĐỂ XÂY DỰNG HỘI THÁNH NHƯ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA
Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.
Têrêsa sinh 28 tháng 3 năm 1515, qua đời ngày 4 tháng 10 năm 1582, là một nữ tu sĩ Dòng Cát Minh, một nhà thần học nổi tiếng người Tây Ban Nha của Giáo hội Công giáo Rôma, bà gắn cả đời mình với cuộc sống chiêm niệm và tâm nguyện. Năm 1622, bốn mươi năm sau khi qua đời, bà chính thức được Giáo hoàng Grêgôriô XV phong thánh. Năm 1970, bà được Giáo hoàng Phaolô VI nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.
Ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.
Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm, là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.
Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân”. Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu – luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.
Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.
Ta thấy nét đặc biệt của cuộc đời của Têrêsa là một chuỗi những ngày tháng quyết tâm không phạm tội, dù chỉ một tội nhẹ. Têrêsa cũng đã cố tránh mọi dịp tội, vì thấy rằng mọi khó khăn trong việc hiến mình cho Thiên Chúa hệ tại ở chỗ bà đã không cắt đứt tận gốc các dịp tội.
Và Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: “Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết”. Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài, nếu chúng con hiểu được giá trị của nó”.
Thánh nữ Têrêsa Avila thương các linh hồn Luyện ngục cách đặc biệt. Bà hay giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện, hi sinh và việc từ thiện. Ðể thưởng công, Thiên Chúa thường cho bà được thấy các linh hồn lúc ra khỏi Luyện ngục về Thiên đàng. Các linh hồn này từ lòng đất đi ra.
Các nhân đức quan trọng và cần thiết của đời tu là yêu mến nhau, dứt bỏ mọi thụ tạo và nhân đức cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là khiêm nhường đích thật.
Cầu nguyện đối với bà quan trọng hơn những việc hãm mình vì thế bà không cho phép những việc hãm mình nghiệt ngã đến độ không còn sức cầu nguyện. Bã đã yêu thương mọi người đến độ không nói xấu ai, không chấp nhận gian dối. Quan niệm của bà rất rõ, yêu thương là “giúp đỡ cảm thông nhau, vui vẻ với các chị em trong các giờ giải trí dù không thích chút nào, săn sóc các chị em đau yếu, phục vụ trong những công việc hèn hạ nhất”.
Theo bà, đã từ bỏ thì phải từ bỏ hết, vì “nếu ta không từ bỏ hết mọi sự thì Thiên Chúa sẽ không trao phó trọn vẹn kho báu của Ngài cho ta”. Bà dứt bỏ hết mọi thụ tạo nên đã được Thiên Chúa chiếm hữu ngay khi còn sống trên trần gian. Hôm nay, bà vẫn còn là mẫu gương chói ngời cho tất cả những ai muốn thuộc trọn về Chúa trong đời thánh hiến.
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.
2024
Dấu Lạ Ông Giôna
14.10 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Gl 4:22-24,26-27,31; Gl 5:1; Tv 113:1-2,3-4,5,6-7; Lc 11:29-32
Dấu Lạ Ông Giôna
Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi.
Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: “Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”.
Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.
Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra lời giải thích đầy ác ý: “Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà trừ quỉ con”, kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời.
Ðoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan”. Xin Chúa ban cho một dấu lạ để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.
Tin Mừng hôm nay là một trong những cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Do Thái. Cuộc chạm trán xảy ra này được Thánh Sử Luca đặt vào chương IV nói về việc Đức Giêsu lên Giêrusalem. Trong hành trình lên Giêrusalem, người Do Thái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ từ trời (câu 16), vì họ quan niệm dấu lạ là những kỳ công Thiên Chúa thực hiện như trong thời Môsê và thời ngôn sứ Êlia. Ở đây Chúa Giêsu nói về dấu lạ của ngôn sứ Giôna, một dấu lạ đã xảy ra trong thời Cựu ước.
Ngay câu đầu của bài Tin Mừng, chúng ta đã thấy mục đích và đối tượng mà Chúa Giêsu nói về dấu lạ ngôn sứ Giôna. Có một đám đông người Do Thái, họ tụ họp đông đảo quanh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu gọi họ là “Thế hệ gian ác”. Họ vây quanh Chúa Giêsu chỉ để xin một dấu lạ. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định : họ sẽ không thấy một dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ ngôn Giôna. Thoạt nghe, chúng ta thấy hơi nghịch lý, vì sau đó họ đã chứng kiến bao phép lạ Chúa làm: chữa bệnh, xua trừ ma quỉ, cho người chết sống lại…
Nhưng ở đây, tác giả muốn nói tất cả những phép lạ Chúa Giêsu làm đều là dấu chỉ cho một phép lạ lớn nhất : Đó chính là con người và hành đông của Chúa Giêsu. Ngài còn nói rõ : Ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho thế hệ này y như vậy ( c. 30). Chúng ta đã biết Giôna ở trong bụng cá 3 ngày đêm ( Mt 12,40) là hình ảnh tiên báo về việc Đức Giêsu ở trong lòng đất 3 ngày đêm trước khi Người sống lại. Đây là một lời tiên tri của Đức Giêsu nói về sự chết và phục sinh của Ngài, nói về uy quyền của Thiên Chúa, đúng hơn nói về bản tính Thiên Chúa của Ngài.
Có lẽ khi nói về sự phục sinh của Ngài dân chúng không hiểu, nên Chúa Giêsu đưa thêm một hình ảnh, một con người cụ thể trong Cựu ước để dân chúng nắm rõ vấn đề hơn. Ngài nói : Trong ngày phán xét, nữ hoàng phương Nam sẽ kết án những người thuộc thế hệ này, vì bà đã cất công bôn ba khó nhọc để tìm đến học hỏi sự khôn ngoan của một con người : Vua Salomon. Và Đức Giêsu kết luận : Ở đây còn hơn vua Salômôn nữa. Thật vây, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài còn được mệnh danh là Đấng khôn ngoan. Một sự khôn ngoan từ Thiên Chúa, từ trời đến với con người nhưng lại bị con người chối từ. Nữ hoàng phương Nam khi nghe danh khôn ngoan của Salômôn, bà đã đến học hỏi.
Vậy mà nay khi dân Do Thái tiếp cận với Đấng khôn ngoan họ lại chối từ. Vì lý do ấy, nữ hoàng sẽ tố cáo và lên án họ trong ngày sau cùng. Sau khi dẫn chứng về sự lên án của nữ hoàng phương Nam, Chúa Giêsu lại quay trở lại vấn đề của dân thành Ninivê. Một dân thành tội lỗi ghê gớm, dữ dằn trong thời Cựu ước, thế mà đã ăn năn sám hối, trở về cùng Thiên Chúa khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna- một con người bình thường, một sứ giả của Thiên Chúa. Dân Ninivê sẽ tố cáo “thế hệ này” (người Do Thái) vì họ đã cứng lòng, “bưng tai bịt mắt” trước những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, một đại ngôn sứ của Thiên Chúa-một Đấng Mêsia- một Thiên Chúa “ở cùng” họ… Và Chúa Giêsu đã kết luận : ở đây còn hơn ông Giôna nữa (c. 32). Khi nghe câu kết luận này, chúng ta cũng thấy lòng mình chùng xuống. Chắc hẳn Chúa Giêsu buồn lắm khi Ngài thốt lên những lời này, vì thấy lòng dạ chai đá của người Do Thái.