2020
Yêu thương là chu toàn lề luật
21.8 Thứ Sáu tuần XX Thường niên
Ez 37, 1-14; Mt 22, 34-40
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh sử nêu lý do và dẫn vào nội dung vấn đề tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Pharisiêu. Người Pharisiêu họp nhau lại để tìm lý lẽ đối chất với Chúa Giêsu. Họ không công nhận một con người có xuất xứ tầm thường, chỉ là: con bác thợ mộc, làng Nagiaret lại có một sự uyên thâm, hiểu và cắt nghĩa luật như vậy.
Họ cử một người trong nhóm nổi tiếng là thông thạo lề luật đặt vấn đề với Chúa Giêsu, cốt để thử tài của Ngài “Trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Luật Môsê có hàng mấy trăm khoản luật với những chi tiết tỉ mỉ. Nhưng ở đây, họ muốn dò hỏi Đức Giêsu đâu là điều cốt lõi được coi là quan trọng nhất. Vì khi ta xem điều răn nào là trọng, chứng tỏ lòng ta quan tâm đến điều đó và cuộc sống của ta sẽ thực hiện theo chiều hướng đó.
Chúa Giêsu đáp không chút lưỡng lự hay đắn đo cân nhắc. Ngài nói tự trái tim, từ con người, từ cuộc sống của Ngài “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Chúa nói về tình yêu, ngôn ngữ của trái tim. Cách giữ luật bằng lòng mến chứ không do sợ hãi, giữ luật với tự do chứ không bị ép buộc.
Luật tình yêu chắp cánh cho người giữ luật vươn lên, chứ không phải là cái ách, cái gông họ đeo vào cổ. Yêu mến ai? Yêu mến Đức Chúa. Đức Chúa nào? Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Ngài là Thiên Chúa của Ápraham, của Isaac và của Giacop, là Thiên Chúa của các tổ phụ, của cha ông các ngươi. Yêu mến thế nào? Yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là tình yêu đối với Chúa phải đặt trên hết mọi sự, trên cả thân xác, lý trí, linh hồn. Yêu bằng cả con người, cả hồn và xác. Yêu trọn vẹn, yêu cách tuyệt đỉnh, chứ không nửa vời, để lại một phần cho bản thân hay cho điều gì khác.
Đây là cách yêu triệt để, một lối giữ luật triệt để theo Tin Mừng và như lòng Chúa mong ước. Thiên Chúa yêu ta hết mực. Ngài yêu đến nỗi thí mạng Người Con duy nhất vì chúng ta. Ngài yêu đến nỗi sống với, sống cùng và chết đền tội thay cho chúng ta. Ngài yêu đến nỗi hiến mình trong bí tích Thánh Thể làm của ăn nuôi sống chúng ta và ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Ngài yêu triệt để nên có quyền yêu cầu chúng ta đáp lại mối tình ấy một cách triệt để : Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.
Sau khi trả lời cho họ, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất”. Nếu đã nói điều răn thứ nhất, tất phải có điều răn thứ hai. Chúa tiếp: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chúa không để chúng ta yêu mơ hồ, yêu bóng.
Vì chúng ta sẽ dễ dàng nói yêu Thiên Chúa, là Đấng không thấy, nên Ngài đưa ra một hình ảnh cụ thể để minh chứng tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, đó là yêu người. Yêu người nào? Người thân cận. Người anh em đang sống với, sống cùng chúng ta, như Đức Giêsu đã trả lời cho một người hỏi Ngài rằng: Ai là anh em tôi? qua dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Vậy anh em của ta là người thân cận, người mà ta gặp hàng ngày, sống chung mái nhà, cùng hít thở bầu không khí…
Sau cùng, Chúa Giêsu tóm kết “Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Như vậy các ngôn sứ và ngay cả Môsê đều đi đúng hướng theo luật Thiên Chúa. Luật ấy, lúc này đây, đang được thực hiện nơi con người Giêsu.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường quên đi điều chính mà chỉ chú ý điều phụ; quên đi điều cốt lõi mà chỉ loanh quanh những điều vụn vặt, vô nghĩa; nên cuộc đời ta cứ loay hoay, không xác định rõ hướng đi cho cuộc đời mình. Như người Pharisiêu xưa, chúng ta chỉ chú ý đến cái vỏ bên ngoài mà quên điều cốt tủy bên trong. Nhiều khi chúng ta lại dùng những luật lệ vụn vặt làm khổ người khác. Chúng ta đã dùng luật do con người tự tạo để phá bỏ luật Thiên Chúa, luật tình yêu. Thậm chí có lúc chúng ta nhân danh luật để kết án người công chính như dân Do Thái đã đối xử với Đức Giêsu xưa kia.
Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật.
Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo. Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy”.
2020
Dụ Ngôn Tiệc Cưới Hoàng Gia
- 8 Thứ Năm tuần XX Thường niên
Ez 36, 23-28; Mt 22, 1-14
Dụ Ngôn Tiệc Cưới Hoàng Gia
Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.
Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Để trả lời cho những người muốn biết Nước Trời ở đâu, Chúa Giêsu đã dạy: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17, 21). Như vậy, mỗi gia đình, cộng đoàn hay bất cứ tập thể nào cũng có thể trở thành thiên đàng hay hỏa ngục. Có người đã nằm mơ thấy mình được dự hai bữa tiệc: một tiệc trên thiên đàng và một tiệc trong hỏa ngục và thuật lại sự khác biệt giữa hai nơi như sau:
Cả hai bàn tiệc trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục đều có đầy thức ăn ngon, và mỗi người đều được phát một đôi đũa. Có điều các đôi đũa đều dài quá khổ, đến nỗi tuy người ngồi ăn có thể gắp được đồ ăn trên bàn, nhưng lại không sao đưa được đồ ăn vào miệng của mình.
Trong bàn tiệc trên thiên đàng thì mọi người đồng bàn đều có lòng vị tha bác ái, nên biết quan tâm đến người khác và muốn làm vui lòng người khác, nên họ gắp đồ ăn phục vụ cho nhau, nên mọi người đều được ăn no và không khí bàn tiệc rất vui vẻ bình an và hạnh phúc. Ngược lại, tại bàn tiệc trong hỏa ngục thì mọi người đều ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Vì không thể tự gắp đồ ăn cho mình, và do thói ganh tị nên họ cũng không muốn phục vụ người khác, nên mọi người đều bị đói và thù ghét đánh lộn nhau. Kết quả là người thì đau khổ khóc lóc, kẻ lại nghiến răng giận hờn.
Nhà vua trong dụ ngôn hôm nay chắc chắn là cảm thấy bị mất mặt, thậm chí bị xúc phạm nặng nề. Dọn tiệc cưới cho con, nhưng khách mời lại không chịu đến. Để cứu vãn tình hình, ông đành ra lệnh mời tất cả mọi người ngoài đường phố vào dự tiệc. Tuy nhiên, trong số những khách được mời bất chợt này vẫn có người không chịu mặc y phục thích hợp được chuẩn bị cho lễ cưới. Ông buộc phải ra lệnh tống người đó ra ngoài. Tiệc cưới cho hoàng tử, nhưng niềm vui của vua đã không được trọn vẹn vì khách mời đã coi thường bữa tiệc vui quan trọng này.
Dưới con mắt người đời, chương trình của Thiên Chúa tưởng chừng bị phá hủy. Nhưng trái lại Tin Mừng ấy, bữa tiệc Nước Trời ấy lại được mở rộng và mời đón hết mọi người khắp nơi vào dự tiệc. Và chính con cũng đang được hưởng tình thương và ân sủng vô giới hạn của Chúa. Con được gia nhập vào Hội Thánh, được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Tẩy. Con được giữ tiệc Nước Chúa hằng ngày mỗi khi dự thánh lễ. Ngay cả khi trở về đời sống thường nhật cũng là lúc con đang sống bữa tiệc ấy. Chúa muốn niềm tin của con phải bao trùm trọn cả đời sống con. Chiếc áo cưới mà Chúa trao cho con khi rửa tội thật đẹp, thật tinh tuyền. Chúa muốn con sống đức tin và gìn giữ chiếc áo cưới để con mặc ra đón Chúa trong ngày Chúa đến.
Vào ngày chúng ta được rửa tội, chúng ta đã được mặc một áo trắng, và vị chủ lễ đã chúc chúng ta giữ cho nó được tinh tuyền cho đến ngày Phán xét. Nếu chúng ta đã làm hoen ố bộ áo rửa tội này, chúng ta vẫn có thể đến trình diện trước tòa của lòng từ bi thương xót, đo là bí tích hòa giải. Tại đây Chúa Giêsu lại giặt sạch bộ áo cưới của chúng ta và lại mời chúng ta vào tham dự bữa tiệc vương giả của Người, trong niềm vui của tình thân mật đã tìm lại được.
Như thế, cũng đừng bao giờ tự hào rằng mình đã “tới nơi”, cũng đừng phê phán ai. Không phải vì ta đang “ở trong” mà ta đã được bảo đảm, và có quyền xét đoán những người “ở ngoài”, những người chưa biết mà đi vào, hoặc thậm chí những người đã từ khước. Cho dù có ở trong Hội Thánh hay Nước Thiên Chúa, chúng ta vẫn chỉ là “khách được mời”, do ân huệ nhưng không.
2020
Lòng thương xót của Thiên Chúa
- 8 Thứ Tư tuần XX Thường niên
Ez 34, 1-11; Mt 20, 1-16a
LÒNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Trang Tin Mừng hôm nay mở rộng thêm về chân dung của Thiên Chúa không chỉ là Đấng phân xử công bằng, mà còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” làm nổi rõ điều đó. Nếu cứ theo luật công bằng thì những người được mướn vào làm sau thời điểm tảng sáng chắc chắn chỉ đáng nhận được tiền công ít hơn so với người làm từ tảng sáng.
Thế nhưng mọi chuyện thật phi lý khi vào cuối ngày ông chủ gọi từng người đến trả lương. Người làm cuối cùng lại được nhận tiền trước và nhận được số tiền như người làm từ tảng sáng. Chứng kiến việc chủ trả tiền cho những người thợ sau chót, hẳn nhiên những người đầu tiên sẽ phấn khởi mừng vui vì nghĩ mình chắc sẽ được nhiều hơn.
Thế nhưng họ cũng chỉ nhận được một đồng. Và phản ứng bực tức, thất vọng, là điều dễ thấy. Phản ứng này làm chúng ta nhớ lại dụ ngôn về người cha nhân hậu, khi người anh cả cũng phản ứng giận dữ như vậy vì biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.
Nhưng dụ ngôn cho chúng ta biết ông chủ không hề đối xử bất công đối với những người thợ làm từ tảng sáng vì ông đã trả cho họ đúng như đã thỏa thuận ban đầu. Câu cuối cùng của dụ ngôn đã làm nổi lời giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta : “Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh. Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn với tài sản của tôi sao?” Đó là nội dung chính yếu nói lên tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa dành cho con người.
Tình thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa đã vượt xa suy nghĩ của con người. Điều con người tưởng chừng như không thể tha thứ thì Thiên Chúa đã thứ tha. Anh trộm lành chấp nhận chịu hình phạt do mình đã gây ra và không thể ngờ Thiên Chúa sẽ thứ tha, thì chính Người đã nói với anh : “Ngày hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Anh là người thợ thứ 11 như trong dụ ngôn mà Chúa đã đưa ra. Anh được hưởng những gì mà người khác nhiều khi đã phải nỗ lực cả đời mới có. Nhưng nói cho cùng thì không ai có thể xứng đáng để vào Nước Thiên Chúa. Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban nhưng không, hơn là một sự trả công cho những gì con người đã cố gắng đạt tới.
Tấm lòng thương xót của Thiên Chúa còn thể hiện qua việc Ngài chờ đợi con người. Tại sao ông chủ lại phải mất công hàng giờ ra chợ tìm kiếm những con người đang đứng chờ vất vưởng ngoài ấy để gọi vào làm vườn nho? Cũng như tại sao người cha nhân hậu lại phải mỏi mòn chờ đợi đứa con hoang đàng trở về, để khi nó vừa về đến thì vội vàng chạy ra ôm chầm lấy nó.
Tất cả là vì tình thương. Tất cả là ở lòng quảng đại bao la của Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho con người. Bởi thế con người đừng thất vọng vì nghĩ rằng mình không còn cơ hội để quay về làm hòa với Thiên Chúa. Cũng đừng chán nản vì đứng cả ngày ngoài chợ mà chưa có ai mời vào làm vườn nho Nước Trời. Sẽ có lúc Thiên Chúa sẽ đến và ban tặng ân phúc cho bạn mà bạn không thể ngờ. Thiên Chúa là thế, Ngài là Đấng nhân hậu và lòng nhân hậu ấy vẫn hằng sẵn sàng chờ đợi cho đến phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta.
Đối với Chúa điều quan trọng đâu phải là trước sau, mà chính là giây phút hiện tại, là lúc này. Vì thế mọi sự chểnh mảng coi thường, hoặc giữ đạo cơ hội, xu thời sẽ khó có thể được hưởng hạnh phúc với Chúa.
Hơn nữa, chính thái độ khoan dung nhân hậu của Chúa đã mở ra cơ hội cho nhiều người tuy đi sau nhưng lại về trước. Rất có thể họ đã có một quá khứ chẳng mấy tốt đẹp hay đã từng làm nhiều điều bất chính. Nhưng nhờ lòng xót thương của Chúa mà họ đã không chỉ được đứng dậy trở, về mà còn được vinh dự vào làm trong vườn nho của Chúa. Đây từng là câu chuyện của thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, các cột trụ của Giáo Hội.
Ước gì mỗi chúng ta, cũng biết nhìn ra tình thương và lòng Thương Xót của Chúa để biết luôn cảm tạ thay cho nghi kỵ ghen ghét, ước gì mỗi người chúng ta nhận ra lòng tốt của Thiên Chúa đang dành cho mình, để chúng ta biết sống tốt với mọi người. Nhất là khi thấy anh em được những điều may lành. Từ đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thái độ buông xuôi chán nản mỗi khi có yếu hèn vấp ngã vì chúng ta biết rằng Chúa chúng ta là Đấng nhân hậu từ bi, chậm bất bình và rất mực khoan dung.
2020
Nghèo !
18.8 Thứ Ba tuần XX Thường niên
Ez 28, 1-10; Mt 19, 23-30
NGHÈO !
Ta vẫn nghe nói tiền của có sức hút và mê hoặc con người – ‘Đồng tiền đi liền khúc ruột’ – do đó, để có thể làm chủ được nó, con người không được khinh suất, nhưng rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Bởi thế mà Chúa Giêsu đã nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (c. 26) Với sự hướng dẫn và ơn Chúa ban, con người sẽ biết cách sử dụng tiền của để mưu cầu lợi ích cho mình và cho tha nhân, giúp phát triển xã hội ngày càng tươi đẹp, lành mạnh và phong phú.
Lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay gây sốc không những cho người nghe lúc bấy giờ (các môn đệ vô cùng sửng sốt) mà gây sốc cho rất nhiều người trong mọi thời đại: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (c. 24). Đồng thời ngược lại, Chúa lại hứa ban thưởng gấp trăm cả đời này lẫn đời sau cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người.
Có mâu thuẫn không giữa những điều Chúa nói? Chẳng phải nếu Chúa ban cho họ gấp bội ở đời này thì họ lại trở thành người giàu hay sao, và khi ấy phải chăng họ lại trở thành những kẻ khó vào nước trời?
Thực ra, mấu chốt của vấn đề là tinh thần từ bỏ; người có tinh thần từ bỏ không bị ràng buộc bởi của cải, hay nói khác đi, họ không bị của cải vật chất cản trở bước đường làm người môn đệ, nhưng biết dùng nó như phương tiện Chúa ban để sống theo ý Chúa.
Vì thế, họ có thể là người rất giàu có về của cải nhưng luôn coi nó là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban mà sống trong tinh thần tri ân, cảm tạ và luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi không tính toán.
Đã hẳn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải sống nghèo nàn mạt rệp. Vì cái nghèo cho thấy sự tồn tại của điều ác. Nó chỉ cho chúng ta biết xã hội, môi trường chúng ta sống vẫn còn đó sự bành chướng của ích kỷ; vẫn còn đó những con người không biết chia sẻ, chỉ biết vun đắp cho chính mình, thiếu vắng tinh thần quảng đại sẵn sàng cho đi của một tình yêu vị tha.
Hơn nữa, sự nghèo túng, bần hàn, khốn cùng như ‘sự dữ hiện hình’ làm cho con người không còn nhân phẩm, sống không ra người và đó không phải là điều Thiên Chúa muốn; vì khi tạo dựng vũ trụ, con người, chẳng phải Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh cho nó sinh sôi và phát triển phong phú hay sao? Và Thiên Chúa – Chúa Giêsu Kitô khi đến cứu độ trần gian Ngài đã đến với thân phận nghèo hèn khốn cùng của con người là để cứu vớt, nâng họ lên khỏi vực sâu của bần cùng tội lỗi cho họ trở nên ‘giàu có’ vì được làm con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự giàu có lại khiến con người dễ xa rời Thiên Chúa bởi mê lầm, tự mãn. Mê lầm vì nghĩ rằng của cải là cứu cánh có thể thỏa mãn tất cả, đem lại sung sướng và hạnh phúc – tiền có thể làm cho họ đạt được danh vọng, vinh quang và mọi thú vui ở đời – bởi thế mà ‘có tiền mua tiên cũng được’; và cũng từ đó dẫn đến tự mãn không cần Thiên Chúa, và tồi tệ hơn nữa là họ có thể quay lưng lại với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể đạt được những ước muốn bất chính của mình.
Vì vậy mà Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được” (Lc 16,13). Vì tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, hữu dụng, nhưng ngược lại nó sẽ là ông chủ xấu xa, độc ác.
Cuối Tin mừng, chúng ta thấy một câu có vẻ không ăn nhập gì lắm, nhưng thực ra là một ý hướng chủ đạo dẫn dắt bản văn: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (c. 30) Những kẻ ‘đứng chót’ ở đây – Chúa Giêsu muốn nói đến những con người ‘nghèo’ của Tin mừng – những người sống khiêm tốn, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào thế lực của giàu sang vinh hoa phú quí; họ là những kẻ được Thiên Chúa yêu thương, bênh vực và là những ‘người lớn’ trong nước trời (Lời kinh Magnificat).
Bởi vì họ lấy Chúa là sức mạnh, là gia nghiệp của đời mình. Họ là những người khôn ngoan biết tích lũy kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể đục khoét hơn là tìm kiếm của cải phù vân (Lc 12,33); họ hiểu ý nghĩa và vị trí của tiền của, biến nó thành phương tiện để thi hành ý Chúa chứ không coi nó là mục đích của cuộc đời. Vì thế, họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và nước trời sẽ là phần thưởng của họ. (c. 28. 29)