Yêu thương là chu toàn lề luật
21.8 Thứ Sáu tuần XX Thường niên
Ez 37, 1-14; Mt 22, 34-40
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh sử nêu lý do và dẫn vào nội dung vấn đề tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Pharisiêu. Người Pharisiêu họp nhau lại để tìm lý lẽ đối chất với Chúa Giêsu. Họ không công nhận một con người có xuất xứ tầm thường, chỉ là: con bác thợ mộc, làng Nagiaret lại có một sự uyên thâm, hiểu và cắt nghĩa luật như vậy.
Họ cử một người trong nhóm nổi tiếng là thông thạo lề luật đặt vấn đề với Chúa Giêsu, cốt để thử tài của Ngài “Trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Luật Môsê có hàng mấy trăm khoản luật với những chi tiết tỉ mỉ. Nhưng ở đây, họ muốn dò hỏi Đức Giêsu đâu là điều cốt lõi được coi là quan trọng nhất. Vì khi ta xem điều răn nào là trọng, chứng tỏ lòng ta quan tâm đến điều đó và cuộc sống của ta sẽ thực hiện theo chiều hướng đó.
Chúa Giêsu đáp không chút lưỡng lự hay đắn đo cân nhắc. Ngài nói tự trái tim, từ con người, từ cuộc sống của Ngài “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Chúa nói về tình yêu, ngôn ngữ của trái tim. Cách giữ luật bằng lòng mến chứ không do sợ hãi, giữ luật với tự do chứ không bị ép buộc.
Luật tình yêu chắp cánh cho người giữ luật vươn lên, chứ không phải là cái ách, cái gông họ đeo vào cổ. Yêu mến ai? Yêu mến Đức Chúa. Đức Chúa nào? Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Ngài là Thiên Chúa của Ápraham, của Isaac và của Giacop, là Thiên Chúa của các tổ phụ, của cha ông các ngươi. Yêu mến thế nào? Yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là tình yêu đối với Chúa phải đặt trên hết mọi sự, trên cả thân xác, lý trí, linh hồn. Yêu bằng cả con người, cả hồn và xác. Yêu trọn vẹn, yêu cách tuyệt đỉnh, chứ không nửa vời, để lại một phần cho bản thân hay cho điều gì khác.
Đây là cách yêu triệt để, một lối giữ luật triệt để theo Tin Mừng và như lòng Chúa mong ước. Thiên Chúa yêu ta hết mực. Ngài yêu đến nỗi thí mạng Người Con duy nhất vì chúng ta. Ngài yêu đến nỗi sống với, sống cùng và chết đền tội thay cho chúng ta. Ngài yêu đến nỗi hiến mình trong bí tích Thánh Thể làm của ăn nuôi sống chúng ta và ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Ngài yêu triệt để nên có quyền yêu cầu chúng ta đáp lại mối tình ấy một cách triệt để : Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.
Sau khi trả lời cho họ, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất”. Nếu đã nói điều răn thứ nhất, tất phải có điều răn thứ hai. Chúa tiếp: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chúa không để chúng ta yêu mơ hồ, yêu bóng.
Vì chúng ta sẽ dễ dàng nói yêu Thiên Chúa, là Đấng không thấy, nên Ngài đưa ra một hình ảnh cụ thể để minh chứng tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, đó là yêu người. Yêu người nào? Người thân cận. Người anh em đang sống với, sống cùng chúng ta, như Đức Giêsu đã trả lời cho một người hỏi Ngài rằng: Ai là anh em tôi? qua dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Vậy anh em của ta là người thân cận, người mà ta gặp hàng ngày, sống chung mái nhà, cùng hít thở bầu không khí…
Sau cùng, Chúa Giêsu tóm kết “Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Như vậy các ngôn sứ và ngay cả Môsê đều đi đúng hướng theo luật Thiên Chúa. Luật ấy, lúc này đây, đang được thực hiện nơi con người Giêsu.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường quên đi điều chính mà chỉ chú ý điều phụ; quên đi điều cốt lõi mà chỉ loanh quanh những điều vụn vặt, vô nghĩa; nên cuộc đời ta cứ loay hoay, không xác định rõ hướng đi cho cuộc đời mình. Như người Pharisiêu xưa, chúng ta chỉ chú ý đến cái vỏ bên ngoài mà quên điều cốt tủy bên trong. Nhiều khi chúng ta lại dùng những luật lệ vụn vặt làm khổ người khác. Chúng ta đã dùng luật do con người tự tạo để phá bỏ luật Thiên Chúa, luật tình yêu. Thậm chí có lúc chúng ta nhân danh luật để kết án người công chính như dân Do Thái đã đối xử với Đức Giêsu xưa kia.
Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật.
Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo. Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy”.