2021
Nhạy cảm với tha nhân
8.1 Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
1 Ga 4:7-10; Tv 72:1-2,3-4,7-8; Mc 6:34-44
NHẠY CẢM VỚI THA NHÂN
Thiên Chúa đã chọn Môsê để dẫn dắt dân Chúa ra khỏi Ai cập tiến về miền Đất Hứa. Trong hành trình sa mạc đầy khó khăn, thử thách, Thiên Chúa đã nuôi dân Người bằng manna và Người dùng Môsê để thể hiện quyền năng yêu thương che chở cho dân Người. Đến thời Tân Ước, đứng trước một cộng đồng nhân loại vất vưởng, lầm than, Thiên Chúa đã sai phái đến trần gian một vị Môsê mới là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng ‘chạnh lòng thương xót’. Ngài là vị Mục tử nuôi chiên bằng suối nước trong và cỏ đồng xanh mỡ màng. Hình ảnh vị Thiên Chúa ấy được thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu trong trình thuật tin mừng hôm nay – Người “thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (c. 34)
Đám đông đi theo Chúa Giêsu vì họ khát khao và say mê nghe Lời chân lý. Họ đi theo Người quên mọi khổ cực đường xa nhọc nhằn, quên cả trang bị những điều cơ bản cần thiết là lương thực cho bản thân. Tuy nhiên lòng nhiệt thành, sự say mê Lời của họ đã được đáp lại cân xứng quá lòng ước mong. Chúa Giêsu không những dùng Lời để nuôi dưỡng tinh thần của họ, mà Ngài còn dùng lương thực để nuôi dưỡng thể xác đang đói khát của họ.
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một bầu khí thật náo nhiệt bởi vì sau một thời gian đi truyền giáo trở về, các tông đồ kể lại cho Chúa Giêsu tất cả những việc các ông đã làm được. Cũng chính vì thế, mà dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu rất là đông, đến nỗi các ông không có thì giờ ăn uống.
Thế giới ngày nay là một thế giới đáng thương! Một thế giới đói khát Lời chân lý – Lời sự thật và tình thương nuôi dưỡng tâm hồn. Thế nhưng, sự tự mãn, bon chen, dành dựt ắp đầy trong lòng đã khiến tinh thần con người bị ‘thương thực’ không còn khả năng tiếp nhận Lời. Lời Chúa vẫn có đó, vẫn còn đó, nhưng lại ‘rơi thõm’, mơ hồ trong một thế giới đầy những tiếng ồn ào của ‘động cơ’ vật chất, phô diễn đầy những bích chương quảng cáo hưởng thụ. Có người nói với tôi “lầm” khi tôi nói với họ về cách sống theo Lời Chúa, vì chẳng ai lại ‘dại gì’ sống như thế. Tôi trả lời họ “chân lý không thể lầm”, chỉ có “con người ta sống sai lầm” mà thôi.
Vì vậy, những người dám tiếp nhận Lời chân lý, dám tin vào Lời là những người dám “đi vào một cuộc phiêu lưu”, can đảm chấp nhận lội ngược dòng, dám chịu những thua thiệt mất mát, dám đón nhận những hy sinh và thậm chí bách hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, như những người say mê theo Đức Giê-su để nghe lời Người, họ sẽ được thỏa mãn dư dật gấp trăm về ân sủng của Thiên Chúa luôn mở rộng để ban phát cho những kẻ tìm kiếm Người. Bởi vì họ sẽ được Chúa chăm nuôi cả tinh thần lẫn thể chất.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi 5000 người (chưa tính đàn bà và con trẻ) sau khi đã “dạy dỗ họ nhiều điều” của Đức Giê-su tiên trưng cho phép lạ Bí tích Thánh Thể Ngài thiết lập sau này. Ngày nay, Thiên Chúa – Chúa Giê-su Ki-tô vẫn tiếp tục chăm nuôi chúng ta cách đặc biệt trong bàn tiệc Thánh lễ. Nơi Thánh lễ Người ban phát cho chúng ta Lời của Người như kim chỉ nam cho cuộc sống, đồng thời Người thiết đãi chúng ta chính Thánh Thể của Người làm sức mạnh nuôi dưỡng bồi bổ tâm linh và là lương thực cho cuộc sống đời đời. Khi tham dự Thánh lễ với tấm lòng thanh, khát khao tìm kiếm Lời Chúa và Thánh Thể của Người, Đức Giê-su sẽ ban cho ta thỏa mãn dư đầy để chúng ta tiếp tục nối dài hiến lễ của Người bằng cuộc sống của chính mình trong sứ vụ cứu độ con người.
Ân sủng và quyền năng Thiên Chúa vẫn dư dật. Tuy nhiên, Ngài vẫn muốn sự cộng tác của con người, một sự cộng tác dù nhỏ nhoi cũng đủ để cho Ngài thực hiện những điều kỳ diệu. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé sẵn sàng cho đi không giữ lại cho riêng mình cộng với sự thiện chí tìm kiếm của các môn đệ, Đức Giê-su đã nuôi đủ hơn ‘mười ngàn’ nhân khẩu một cách mĩ mãn dư dật.
Vì thế, như giếng nước được khơi nguồn, càng kín múc nước ra càng trong mãi, Chúa muốn mỗi người chúng ta biết cộng tác với Người trong sự thiện chí biết quan tâm, chia sẻ và cho đi bằng hết khả năng của mình có – dù khả năng đó thật nhỏ nhoi và hạn hẹp – Chúa sẽ thực hiện những việc lạ lùng và lớn lao. Đời sống là quà tặng và ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta đã được lãnh nhận cách nhưng không thì chúng ta cũng phải biết cho đi cách nhưng không. Có thế, phép lạ ‘hóa bánh’ của Chúa Giêsu mới mãi được nhân rộng nhờ thiện chí chuyển trao Lời và chia sẻ ‘bánh’ của chúng ta cho thế giới còn nhiều ‘đói khát’ này.
Đối diện với những khó khăn, thánh đố của cuộc sống, nhân loại chúng ta thường gặp bế tắc, không lối thoát. Cụ thể, trong bài Tin mừng hôm nay, đối diện trước một đoàn người đông đảo đang đói khát, các môn đệ đề nghị Chúa giải tán họ vì các ông bế tắc, không thể lo nổi cái ăn cái uống cho họ. Nhưng thế giới này dù có những khốn khó nào chăng nữa mà để Chúa can thiệp vào thì mọi chuyện sẽ ôn thỏa và lòng người sẽ được toại nguyện. Cái đói cái khát của đám đông đã được giải quyết khi Chúa thánh hóa những chiếc bánh và con cá như là sự đóng góp nhỏ bé nhưng đầy tự do của các môn đệ.
Mặc dù nhân loại chúng ta đã được Thiên Chúa tặng bạn vị Môsê mới là Chúa Giêsu Kitô, nhưng sở dĩ vẫn còn đó những đau thương, khốn khổ giữa cuộc đời này là bởi vì chúng ta vẫn chỉ biết lầm lũi tự giải quyết các vấn đề cuộc sống của mình mà không chấp nhận cho Chúa dính dự vào. Bao lâu chúng ta hành xử như thế với Chúa, thì bấy lâu chúng ta còn gặp đủ thứ bế tắc trong cuộc sống và ngày qua ngày những khốn khó, khổ đau chống chất đổ xuống trên đầu ta.
Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy có tấm lòng nhạy bén trước những nhu cầu của tha nhân. Để từ đó, xã hội và mọi người sẽ có được một cuộc sống yên bình và hạnh phúc; như thế chúng ta đã đang và sẽ đưa Lời Chúa thực hành trong đời sống, có như vậy “dung mạo của lòng thương xót Chúa” mới được phản ảnh một cách sống động cho mọi người và ở mọi thời.
2021
Hối cải
7.1 Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
1 Ga 3:224; Tv 2:7-8,10-11; Mt 4:12-17,23-25
HỐI CẢI
Tin Mừng hôm nay mô tả cách mà sứ vụ phổ quát này là được khởi xướng. Tin ông Gioan Tẩy Giả bị giam trong ngục thúc đẩy Chúa Giêsu bắt đầu công việc rao giảng của mình. Ông Gioan đã nói rằng: Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Thiên Chúa đã đến gần!” (Mt 3:2).
Đây là lý do mà ông bị vua Hêrôđê bắt giữ. Khi Chúa Giêsu biết ông Gioan đã bị bắt, Người đã trở về miền Galilê rao giảng cùng một thông điệp: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!” (Mt 4:17). Nói cách khác, ngay từ đầu, việc rao giảng Tin Mừng đã có rủi ro, nhưng Chúa Giêsu đã không cho phép mình hoảng sợ. Bằng cách này, Mátthêu khuyến khích các cộng đoàn đang có cùng nguy cơ bị bách hại. Ông trích dẫn lời của tiên tri Isaia: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng!” Giống như Chúa Giêsu, các cộng đoàn cũng được mời gọi trở thành “ánh sáng cho muôn dân!”
Một trong những điều kiện căn bản đề Đức Giêsu có thể hoạt động là Người có quanh mình một số người để họ đi đường với Người thường xuyên, thiết lập với Người một sự hiệp thông đời sống và có thể trải nghiệm trọn vẹn hoạt động của Người. Đức Giêsu không hoạt động tùy hứng hay theo ngẫu nhiên, cũng không bắt hoạt động của Người lệ thuộc những cuộc gặp gỡ tình cờ và chóng qua. Người có một cộng đoàn môn đệ bao quanh.
Lời kêu gọi “Hãy hối cải!” được nhắc lại và được làm sáng tỏ bởi tiếng gọi “Hãy đi theo tôi!”. Đức Giêsu đã gọi bốn môn đệ đầu tiên là Simôn và Anrê, Giacôbê và Gioan đi theo Người. Ta sống sự hoán cải trong khi đi theo Đức Giêsu. Ai theo Người thì tin tưởng vào Người, bởi vì Người biết kết cuộc và biết con đường phải theo. Ai đi theo Người thì gắn bó với Người và chấp nhận được Người hướng dẫn. Khi đi theo Người, các môn đệ được đưa vào trong sứ điệp về Nước Trời và vào trong việc hoán cải như là câu trả lời đúng đắn với sứ điệp này.
Các lời “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” tóm tắt toàn thể sứ điệp của Đức Giêsu. Tiếng gọi đi trước, nhưng hoàn toàn lệ thuộc lời loan báo, vì dựa trên lời này (“vì”). Thuật ngữ “Nước Trời” chỉ có trong Matthew, tương ứng với “Nước Thiên Chúa” trong phần còn lại của Tân Ước.
Theo cách dùng của người Do Thái, họ tránh từ “Thiên Chúa” và thay thế bằng “trời” (Mt 21,25; Lc 15,18). “Nước Trời” chính là triều đại hoặc quyền chủ tể của Thiên Chúa như là vua. Tất cả hoạt động của Đức Giêsu quy chiếu về Triều Đại. Triều Đại không có nghĩa là một điều gì khác và tách biệt với Thiên Chúa, nhưng là chính Thiên Chúa trong tư cách Chúa Tể và Vua của dân Người, cùng với các hậu quả của quyền chủ tể trên dân. Dân thì luôn luôn thuộc về nhà vua; quyền chủ tể vương giả có nghĩa là dấn thân với lòng tốt và sự quan tâm mà lo lắng cho đời sống của dân, như một mục tử lo lắng cho đời sống của đàn chiên (Tv 23,1).
Triều Đại này đã đến gần, chứ chưa hoàn toàn hiện diện. Đức Giêsu sẽ dạy họ cầu nguyện “xin triều đại Cha ngự đến” (Mt 6,10).
Tuy nhiên, Triều Đại này đã đến gần vĩnh viễn. Thiên Chúa đã quyết định giương cao Vương quyền này trước mặt tất cả các thế lực khác và thực hiện Vương quyền này cách công khai và hết sức hữu hiệu. Không còn có thể quay lui, mà chỉ có thể bước tới cho đến khi Triều Đại này được tỏ hiện trọn vẹn. Thiên Chúa sẽ không trì hoãn và cứ ẩn mình mãi. Người sẽ không bỏ rơi loài người cho các thế lực của thiên nhiên và lịch sử, cũng như cho hoàn cảnh trong đó họ phải quy phục lẫn nhau. Người sẽ chấm dứt tất cả các thế lực này và chính Người sẽ trực tiếp là Vua và Chúa. Đức Giêsu sẽ làm sáng tỏ bản chất của Triều Đại này đặc biệt trong sứ điệp của Người về Thiên Chúa như là Cha và trong hoạt động bác ái của Người để chữa lành và giúp đỡ.
Trước lời công bố là lời mời gọi: “Hãy hối cải!”. Chúa Giêsu mời các thính giả quay về với Thiên Chúa. Họ phải quay mặt về Người, chăm chú lắng nghe, với lòng tin tưởng và hy vọng. Con người chỉ có thể hoán cải nếu Thiên Chúa quay về cách nhưng-không với con người. Tuy nhiên, lời kêu gọi hoán cải được đặt ở đầu, bởi vì lời đáp của chúng ta với Thiên Chúa là điều tuyệt đối cần thiết, và có thể thất bại nếu không được nói ra. Hành động của Thiên Chúa thì đã chắc chắn; vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh nhiều trên sự cần thiết phải hoán cải.
Những ai đi theo Chúa Giêsu thì phải ra khỏi hoàn cảnh sống trước đó và gắn bó với Người. Tuy nhiên, dây liên kết này không tách họ khỏi những người khác, trái lại phải chuẩn bị họ cho một nhiệm vụ mới nơi loài người. Chúa Giêsu gọi đi theo Người, đồng thời cho biết ý định của Người: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Xuyên qua cuộc cộng đồng sinh tử với Người, Chúa Giêsu chuẩn bị họ tiếp nối sứ mạng của Người, trong tư cách là những sứ giả của Người (Mt 9,36–10,42; 28,16-20).
Chúa Giêsu bắt đầu công bố Tin Mừng khắp miền Galilê. Người đã không dừng lại, chờ đợi người ta đến, mà Người đi đến với người ta. Chính Người tham gia vào các buổi họp mặt, trong các Hội Đường, để công bố sứ điệp của Người. Thiên hạ đem đến mọi kẻ ốm đau, những kẻ bị quỷ ám; và Chúa Giêsu chấp nhận tất cả và đã chữa lành họ. Việc phục vụ này cho người bệnh tạo thành một phần của Tin Mừng và mặc khải cho mọi người sự hiện diện của Nước Trời.
Do đó, danh tiếng của Chúa Giêsu được lan tỏa ra khắp mọi miền, vượt ra ngoài biên giới của miền Galilê, thâm nhập vào miền Giuđêa, và đến thành Giêrusalem, vượt khỏi vùng Giođan và đến xứ Syria và vùng Thập Tỉnh. Trong khu vực này cũng có một số cộng đoàn, những người mà Mátthêu đã viết sách Tin Mừng cho họ. Giờ đây họ biết rằng, cho dù với tất cả mọi khó khăn và rủi ro, đã có ánh sáng chiếu soi trong bóng đêm.
Thật ra, ta chẳng còn phải đợi Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô. Sở dĩ thế giới này và bản thân mỗi người chúng ta vẫn ngập ngụa trong bóng tối của tội lỗi và sự ác là vì chúng ta vẫn chưa ăn năn, hoán cải, thay đổi lại đời sống của mình để ánh sáng tình thương của Chúa được tỏ rạng. Bởi vậy, lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” vẫn là sứ điệp có tính thời sự không chỉ dành cho dân Chúa xưa kia mà còn dành cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Là vị Tiền Hô của Đấng Messiah, Gioan đã dừng chân tại hoang địa và ở tại sông Jordan mà làm phép rửa cho những ai đến với ông. Còn Chúa Giêsu, Đấng Messiah, đã sống đời “du thuyết”; Người rảo khắp miền Galilee mà công bố rằng Nước Trời đang đến. Ngay từ đầu, Người đã tỏ ra là vị Mục Tử tốt lành đi tìm “các chiên lạc của nhà Israel”. Và vì quan tâm bảo đảm cho hoạt động của Người được hữu hiệu lâu dài, Người đã quy tụ các “ngư phủ lưới người” đầu tiên, để họ sống với Người và với nhau. Sau này, các ông sẽ nối tiếp Người, đi loan báo Nước Trời khắp nơi, không phải chỉ cho dân Israel, mà cho mọi người thuộc mọi thời đại.
Chúa Giêsu đã kêu gọi hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được đón nhận Chúa. Chúng ta cần sám hối không phải mốt lần hoặc vài lần, nhưng cần sám hối mỗi ngày và trong từng phút giây của cuộc sống.
2021
Mở rộng kho báu
5.1 Thánh Gioan Neumann, Gm
1 Ga 3:11-21; Tv 100:1-2,3,4,5; Ga 1:43-51
MỞ RỘNG KHO BÁU
Giám mục Philadelphia, sinh tại Prachatitz, Bohemia ngày 28 tháng 3 năm 1811, con ông Philip Neumann và bà Agnes Lebis. Ngài học ở Budweis và vào chủng viện năm 1831.
Hai năm sau, ngài học thần học tại đại học Charles Ferdinand ở Prague.
Năm 1835, ngài hân hoan mong chờ được trao sứ vụ linh mục khi mà giám mục thì lại quyết định sẽ không phong chức cho ai nữa. Đây thật là điều khó tưởng tượng đối với chúng ta bây giờ, nhưng Bohemia khi ấy đã tràn ngập linh mục. Gioan viết thư đến các giám mục khắp châu Âu, nhưng đây là tình trạng chung ở khắp nơi, chẳng ai muốn có thêm giám mục nữa. Gioan chắc chắn mình có ơn gọi linh mục nhưng dường như mọi cánh cửa dẫn đến đó đều đóng trước mặt ngài.
Không bỏ cuộc. Ngài học tiếng Anh bằng cách làm việc trong một nhà máy có công nhân nói tiếng Anh để có thể viết thư cho các giám mục ở Mỹ. Cuối cùng, giám mục New York đồng ý phong chức cho ngài. Để bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa trong chức linh mục, Gioan phải rời bỏ quê hương mãi mãi, vượt đại dương đến một vùng đất mới đầy gian khó.
Ở New York, Gio-an là một trong 36 linh mục lo cho 200 ngàn giáo dân. Giáo xứ của ngài ở phía tây New York trải dài từ hồ Ontario đến Pennsyvania. Nhà thờ không có tháp chuông cũng không có sàn. Nhưng không thành vấn đề, vì Gioan hầu như dành trọn thì giờ để đi thăm hết làng này sang làng khác, vượt núi thăm người bệnh, dạy dỗ trên gác hay trong các quán rượu, dâng lễ trên bàn trong nhà bếp.
Vì công việc và cũng vì giáo xứ của ngài lẻ loi đơn độc nên cha Gio-an mong được liên lạc và gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng gồm các linh mục và tu huynh tận tụy lo cho người nghèo và những người bị bỏ rơi nhất.
Là linh mục đầu tiên vào Dòng tại Mỹ, ngài khấn dòng tại Baltimore ngày 16 tháng giêng năm 1842.
Ngay từ buổi đầu, ngài đã được anh em hết lòng kính trọng vì sự thánh thiện rõ nét, sự nhiệt thành và nhã nhặn của ngài. Khả năng biết 6 thứ tiếng khiến ngài thích ứng đặc biệt với công việc trong xã hội Mỹ đa ngôn ngữ vào thế kỷ 19.
Sau khi làm việc tại Baltimore và Pittsburgh, năm 1847, ngài được bổ nhiệm làm Vị Kinh Lược hay Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế tại Mỹ.
Các nhà ở Mỹ thuộc về tỉnh Bỉ. Cha Frederick von Held, giám tỉnh Bỉ, đã nói về ngài thế này: “Ngài là một người rất đáng kính trọng, vừa có lòng đạo đức, vừa mạnh mẽ và khôn ngoan”. Neumann cần những phẩm chất ấy trong hai năm tại vị, khi mà muốn đặt nền tảng cho Dòng Chúa Cứu Thế tại Mỹ thì phải nổ lực chỉnh đốn lại. Lúc ngài trao gánh nặng cho cha Bernard Hafkenscheid, Dòng Chúa Cứu Thế Mỹ đã được chuẩn bị tốt hơn để trở thành một tỉnh độc lập vào năm 1850.
Cha Neumann trở thành Giám mục Philadelphia, ngài được tấn phong tại Baltimore ngày 28 tháng 3 năm 1852. Giáo phận của ngài mênh mông và đang trong thời kỳ phát triển mạnh.
Ngài là vị giám mục đầu tiên tổ chức hệ thống trường Công giáo trong giáo phận, là người đặt nền tảng cho giáo dục Công giáo ở quốc gia này. Ngài nâng con số trường Công giáo trong giáo phận từ 2 lên đến 100.
Ngài lập nhóm các nữ tu dòng ba Phan-xi-cô để dạy trong các trường học.
Trong số hơn 80 nhà thờ được xây dựng trong giáo phận, phải kể đến Vương cung thánh đường Phê-rô và Phao-lô mà ngài khởi xướng.
Thánh Gio-an Neumann vóc người nhỏ bé, chẳng bao giờ thấy dồi dào sức khỏe, nhưng với cuộc sống ngắn ngủi, ngài lại làm được những việc lớn lao. Cùng với bổn phận mục vụ, ngài còn dành được thì giờ cho hoạt động văn chương đáng lưu ý.
Ngài viết nhiều bài cho các nhật báo Công giáo cũng như cho các tạp chí định kỳ. Ngài xuất bản hai quyển giáo lý. Vào năm 1849, quyển lịch sử Kinh thánh viết cho các trường học ra đời.
Ngài liên tục hoạt động cho đến hơi thở cuối cùng.
Ngày 5 tháng giêng năm 1860 (48 tuổi) ngài ngã xuống trên một con đường trong thành phố thuộc giáo phận và qua đời không kịp nhận các bí tích sau hết.
Ngài được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI phong Chân phúc ngày 13 tháng 10 năm 1963 và được ghi vào sổ bộ các thánh ngày 19 tháng 6 năm 1977.
Tin mừng theo Thánh Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê su và philipphê và sau đó, qua Philiphê, là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Nathanaen và Đức Giêsu.
Nếu như cuộc diện kiến giữa Đức Giêsu và Philipphê có nhiều thuận lợi ,Thánh Gioan ghi lại: Ông Philipphê là người Betsaida cùng quê với các ông Anrê và Phêrô ( những người đầu tiên đã đi theo làm môn đệ Chúa), để rồi sau đó, Philiphê dễ dàng tin và đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu “ Anh hãy theo tôi”.
Trường hợp theo Chúa của Nathanaen thì không phải thế, Philipphê nói về Chúa Giêsu Nadaret và trình bày cặn kẽ cho Nathanaen biết Ngài chính là Đấng mà kinh thánh đã nói đến, các tiên tri đã loan báo, muôn dân hằng mong đợi, chúng tôi đã gặp và chúng tôi đã đi theo Ngài. Dù vậy, xem ra , giữa sứ điệp được trình bày và người nghe sứ điệp cũng còn một khoảng cách khá lớn, “ từ Nadaret, làm sao có cái gì hay được ?”. Để thu hẹp khoảng cách đó, Philiphê đề nghị một cuộc gặp gỡ :” Cứ đến mà xem !”. Nathanaen đã đến và, không chỉ là để xem những “cái chi hay” mà là gặp được Đức Giêsu, tin và đi theo Người.
Chúa Giêsu kitô chính là Tin Mừng phải được loan báo cho mọi người, mọi nơi, có những mảnh đất tâm hồn màu mỡ, đã được chuẩn bị kỹ càng, nhưng cũng có những mảnh đất khô cằn, gai góc, chẳng mấy thuận lợi. Nhưng hạt giống Tin mừng cần được gieo xuống trên tất cả.
Đời sông của Hội thánh, của tất cả mọi Kitô hữu phải là lời loan báo, lời mời gọi “ hãy đến mà xem!”, không phải chỉ là đến để nghe chúng tôi rao giảng, mà còn thấy chúng tôi, những con người “mến Chúa yêu người” đang diễn tả điều đó thế nào trong cuộc sông hàng ngày, và gặp được Tin Mừng cứu độ là chính Đức Kitô. “ Cái chi hay”, cái độc đáo mà giáo xứ, cộng đoàn chúng ta muốn giới thiệu cho mọi người đến chiêm ngưỡng là gì, đó có phải là đời sống đậm nét Tin Mừng, của đời sống liên đới, của yêu thương, khiêm tốn.
Một giáo xứ nơi vùng quê, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Cha Giáo phận,về việc thực hiện những hành động cụ thể trong năm Đức tin, nhiều người giáo dân đã chủ động chào hỏi, làm quen, thân thiết hơn với những anh chị em lương dân sống cùng địa phương với mình, những gặp gỡ đời thường đó phải chăng là khởi đầu cho việc “ quan tâm đến nhu cầu của mọi anh chị em chung quanh chúng con, nhờ đó họ sẽ được nhận biết Chúa, để chính họ cũng nhận được ơn đức tin đem lại sự sống đời đời”. Thiết nghĩ, đây cũng là một “ cái chi hay”.
Tin Mừng Nước Trời chính là kho báu, Hồng ân cứu độ là viên ngọc quí, nhưng tất cả có thể đang bị vùi chôn , đang bị che lấp bởi chính đời sống thụ động, đời sống cầu an của người tin Chúa. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy cùng Chúa mở rộng kho báu,và hãy cùng nhau trao ban viên ngọc Nước Trời.
2021
Giới thiệu Chúa cho người khác
4.1 Thánh Elizabeth Ann Seton
1 Ga 3:7-10; Tv 98:1,7-8,9; Ga 1:35-42
GIỚI THIỆU CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC
Mẹ Seton là một trong những rường cột của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Tất cả những điều trên ngài thực hiện trong vòng 46 năm đồng thời vừa nuôi dưỡng năm người con.
Êlidabét An Bêlê Seton quả thực là người của thế hệ Cách Mạng Hoa Kỳ, ngài sinh ngày 28 tháng Tám 1774, chỉ hai năm trước khi có bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Bởi dòng dõi và hôn nhân, ngài có liên hệ đến các thế hệ đầu tiên sống ở Nữu Ước và vui hưởng kết quả của một xã hội tiến bộ. Được nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, ngài biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Cha của ngài, Bác Sĩ Risa Bêlê, không đóng góp nhiều cho nhà thờ nhưng ông là người rất nhân đạo, đã dạy được cho cô con gái bài học yêu thương và phục vụ tha nhân.
Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 đã đem lại cho ngài 1 cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu. Thay vì ủ rũ chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự “hủy hoại khủng khiếp” với một hy vọng đầy phấn khởi.
Vào năm 19 tuổi, Elizabeth là hoa khôi của Nữu Ước và kết hôn với một thương gia đẹp trai, giầu có là ông Viliam Magi Seton. Họ được năm người con trước khi doanh nghiệp lụn bại và ông chết vì bệnh lao. Vào năm 30 tuổi, bà Elizabeth t đã là một góa phụ, không một đồng xu và phải nuôi nấng năm đứa con.
Trong khi sống ở Ý, bà được chứng kiến phong trào Tông Đồ Giáo Dân qua gia đình của những người bạn. Ba điểm căn bản sau đã đưa bà trở về đạo Công Giáo: tin tưởng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, sùng kính Đức Mẹ và tin rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội tông truyền do Đức Kitô thành lập. Nhiều người trong chính gia đình bà cũng như bạn hữu bà đã tẩy chay bà khi bà trở lại Công Giáo vào tháng Ba 1805.
Để nuôi con, bà mở trường học ở Bantimo. Ngay từ ban đầu, nhóm giáo chức của bà đã theo khuôn khổ của một tu hội, mà sau đó được chính thức thành lập vào năm 1809.
Hàng ngàn lá thư của Mẹ Seton để lại cho thấy sự phát triển đời sống tâm linh của ngài, từ những việc tốt lành bình thường cho đến sự thánh thiện cách anh hùng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cái chết của những người thân yêu (chồng và hai con gái), cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Ngài từ trần ngày 4 tháng Giêng 1821, và vào ngày 17-3-1963, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên xưng ngài là vị chân phước đầu tiên người Hoa Kỳ. Ngài được phong thánh ngày 24-9-1975.
Trở về với Tin Mừng hôm nay, ta thấy Tin mừng Gioan nhiều lần đề cập tới việc giới thiêu của ông Anrê. Hôm nay Anrê đã giới thiệu Chúa Giêsu cho em ông là Si-mon: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga.1, 41). Rồi sau đó đã dẫn em đến gặp Người. Lần khác, ông đã dẫn cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá” giới thiệu với Chúa Giêsu, để rồi sau khi đã cầu nguyện tạ ơn, Người đã nhân mấy chiếc bánh và cá đó ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người ăn no. Rồi lần thứ ba, khi Đức Giê-su vào Giêrusalem trước cuộc khổ nạn, cũng chính Anrê đã giới thiệu mấy người Hy Lạp đến gặp Chúa Giêsu, khiến Người đã nhận ra dấu chỉ đã đến giờ Người ban ơn cứu độ bằng việc chịu chết trên thập giá (Ga 12,31-32).
Nói về Chúa Giêsu cho người khác biết. Chúng ta cũng thấy được gương tốt của Thánh Anrê tông đồ. Anrê đã đến và xem chỗ Chúa Giêsu ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1,39-40). Trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi này, Anrê đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Kitô. Anrê đã không thể không nói cho người thân của mình là Simon em ông biết (Ga 1, 41). Chắc chắn hai anh em đã trao đổi với nhau về Chúa Giêsu, trước khi Anrê dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Gặp được Chúa Giêsu là đổi tên, là đổi đời: “Anh sẽ được gọi là Kêpha (là Đá Tảng) (Ga 1, 42).”.
Gioan đã có rất nhiều ảnh hưởng nơi dân chúng. Dân chúng rất ngưỡng mộ Ngài. Khi được Chúa Giêsu hỏi “Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” (Mt 21,25), thì nhóm Pharisêu đã cảm thấy thật lúng túng. Nói bởi người thì sợ dân chúng phản đối, nói bởi trời thì sao quý vị lại không nghe lời Gioan, nghe những lời mà Gioan đã nói về nhân vật Giêsu. Nói chúng tôi không biết là cách để chữa cháy, để tránh trả lời một sự thật. Họ không dám chấp nhận sự thật.
Hiệu quả của việc giới thiệu Chúa cho tha nhân: Nếu Anrê không giới thiệu em ông là Si-mon với Đức Giêsu thì có lẽ Hội Thánh ngày nay không được xây dựng trên Tảng Đá dức Tin của Phêrô. Nếu Anrê không giới thiệu cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá” với Đức Giêsu, thì có lẽ sẽ không có phép lạ nhân bánh ra nhiều của Chúa Giê-su.
Vậy bài học Hội thánh muốn chúng ta học nơi thánh Anrê là: Hãy giới thiệu Đức Giêsu với tha nhân và dẫn đưa họ đến gặp gỡ Người. Công cuộc rao giảng Tin Mừng thường theo thể thức: Đức Tin được truyền từ người này đến người kia. Chúa và Hội Thánh hôm nay rất cần những tín hữu biết vững lòng tin vào Chúa và sẵn sàng chia sẻ niềm tin với người thân như Anrê đã gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu (Ga 1,40-42a).
Hãy đến mà xem: Chúa Giêsu không hối thúc người ta phải tin Người mà chỉ nới với họ: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến, đã xem thấy lối sống thân thiện, niềm nở, nồng ấm của Người. Họ biết mình đã gặp được một con người tuyệt vời, và thế là phát sinh một tình cảm. Khi ở với Đức Giêsu, họ cảm thấy bình an thoải mái trong tâm hồn. Nhờ tiếp xúc với Chúa Giêsu, họ còn khám phá ra chính bản thân mình và quyết tâm sống theo lối sống của Người.
Khác biệt giữa sự áp đặt và tự nguyện theo Chúa: Những người hành quyền trên người khác thì muốn chế ngự người khác, biến họ thành nô lệ theo ý mình. Trái lại, Chúa Giêsu không gò ép ai. Người cho người ta tự do lựa chọn theo hay không theo làm môn đệ Người. Chính thái độ sống và gương sáng của Chúa Giêsu đã khiến các ông tự nguyện theo làm môn đệ Người.
Gioan đã xác tín rằng Chúa Giêsu đích thị là Minh Quân. Chắc chắn Gioan phải mừng thầm vì đồ đệ của mình đã gặp được Minh Quân, Gioan vui mừng vì đã giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Gioan đã đóng đúng vai trò Tiền Hô của mình và Chúa Giêsu cũng là Đấng Minh Quân của Gioan. Chẳng phải Gioan đã nhảy mừng trong bụng mẹ mình, khi chỉ mới là 6 tháng tuổi khi gặp được Đức Kitô? Gặp được Chúa là gặp được niềm vui, và niềm vui thì cần được chia sẻ, loan tỏa cho mọi người.
“Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”: Một vấn nạn được đặt ra là: Tại sao nhiều người công giáo lại không nhiệt tình nói về Chúa cho tha nhân ? Có thể là do ngại ngùng vì chưa nắm vững đức tin, sợ người kia vặn hỏi sẽ không biết giải thích ra sao. Cung có thể điều người công giáo đang quan tâm là tiền bạc vật chất hơn là đức tin tôn giáo. Họ chưa thấy được giá trị thực sự của đức tin nên dĩ nhiên không thiết tha với việc giúp người thân được niềm vui hạnh phúc giống như mình. Nhưng có lẽ lý do sâu xa nhất là do không mên Chúa nên không cần giới thiệu Chúa, không quan tâm đến viêc “làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” như kinh Lạy Cha dạy.