2021
Yêu thương và phục vụ
2.1.2021 Thánh Cả Basil và Grêgôriô Nazianzen, Gmtsht
1 Ga 2:22-28; Tv 98:1,2-3,3-4; Ga 1:19-28
YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ
Phụng vụ hôm nay nhắc cho chúng ta chân dung của hai vị thánh xuất thân từ Đông Phương, thánh Basiliô (sinh năm 330 tại Xêdarê, miền Capađôcia) và thánh Grêgôriô (sinh năm 330, tại Na-zi-an). Cả hai vị, tuy theo hai con đường để đi tìm chân lý, nhưng đều có chung một đích điểm: hai vị là bạn và là những người có khát vọng đi tìm sự khôn ngoan của Thiên Chuá.
Hai Thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian đều được sinh ra tại Cappadoce, thuộc hai gia đình quí phái, danh tiếng, có địa vị vững chắc trong xã hội lúc đó.
Ngay trong ca nhập lễ các Thánh Giám mục đã có viết: “Ta sẽ kiểm điểm đoàn chiên của Ta và đặt một mục tử chăn dắt chúng. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (lời Chúa phán). Thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian là các vị mục tử tốt lành Chúa đã đặt lên để chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Hai Thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian đều được sinh ra tại Cappadoce, thuộc hai gia đình quí phái, danh tiếng, có địa vị vững chắc trong xã hội lúc đó. Hai vị Thánh đều học cùng trường tại Athènes Hy Lạp, thành đạt trong việc học, hai Ngài đều cùng về quê hương và sống với nhau trong một mái nhà tu viện. Dù rằng tính khí mỗi người khác nhau, nhưng hai vị Thánh đã sống nghĩa thiết chan hòa, sống theo gương mục tử nhân hậu hiền lành noi theo Chúa Giêsu. Thánh Basiliô có tài lãnh đạo, có óc tổ chức, chỉ huy, điều khiển. Thánh Grêgôriô Nazian lại thích chiêm niêm, sống âm thầm và là một tu sĩ sáng ngời các nhân đức.
Cả hai vị Thánh đều được chọn làm Giám mục của hai Giáo phận. Thánh Basiliô được đặt làm Giám mục năm 370 tại Césarée de Cappadoce. Thánh Giám mục Basiliô là một mục tử can trường, đầy dũng khí, hiên ngang. Nhờ lòng dũng cảm: lời giảng dậy, chữ viết và nhờ tài khéo léo, can thiệp trực tiếp của Ngài với Chính quyền, Ngài đã đem lại cho Hội Thánh một chỗ đứng vững chắc, tách quyền Giáo Hội ra khỏi thế quyền. Ngài giúp cho những người nghèo lấy lại phẩm giá của mình và bảo vệ đức tin của đoàn chiên cách sâu xa, vững chắc.
Thánh Grêgôriô Nazian được tấn phong Giám mục Sasime năm 371, và vào năm 380, Thánh nhân được cử làm Giám mục Constantinople giữa sóng gió do bè rối Ariô gây nên. Ngài có tài hùng biện, mọi người đều theo Ngài. Thánh nhân được đặt cho một cái tên hết sức thân thương: “Cha của những kẻ khốn cùng”.
Thánh Basiliô qua đời ngày 01/1/379 và Thánh Grêgôriô Nazian tạ thế ngày 25/1/390.
Cả hai vị Thánh đã sống hiền lành, khiêm nhượng theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế. Cuộc sống của các Ngài đã họa lại gương mặt đầy yêu thương của Chúa. Thánh Grêgôriô đã để lại câu nói bất hủ: “Nếu vì tôi mà bão táp này (bè rối Ariô) nổi dậy, hãy ném tôi xuống biển, để anh em khỏi bị khổ sở”.
Giáo Hội Chính Thống đã đặt ba vị Thánh Basiliô cả, Grêgôriô Nazian và Gioan Kim Khẩu lên hàng đầu giữa các bậc tiến sĩ trong Giáo Hội Chúa Kitô. Vì những công nghiệp, tài đức và nhân đức của các Ngài, Hội Thánh còn gọi các Ngài bằng tên rất đẹp, ấn tượng và thân thương: “đuốc thiêng của Hội Thánh”.
Tin Mừng ngày hôm nay cũng cho chúng ta thấy một mẫu gương khiêm tốn là thánh Gioan Tẩy Giả. Một nơi khác trong Tin Mừng, đã có lần Đức Kitô khen ngợi thánh Gioan là vị ngôn sứ cao trọng nhất trong số các ngôn sứ (Mt 11,11). Nhưng thái độ của Gioan trong Tin Mừng hôm nay (Ga 1,19-28) cho thấy sự khiêm nhường tuyệt vời của vị Tiền Hô: “Tôi đây làm phép rửa torng nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1,26-27).
Đúng là sứ vụ của một ngôn sứ, tiên báo Đấng Mêsia sẽ đến: Thánh Gioan Tẩy giả đã đóng đúng vai trò của mình, ngài nhìn nhận sự thật về sứ vụ là dọn đường cho Đức Kitô đến, bằng việc dọn lòng cho dân chúng hoán cải và sẵn sàng tin vào Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến trong trần gian. Thắc mắc của những người được sai đến với ông Gioan đã được giải thích thoả đáng, một khát vọng mong chờ chung của Dân Hípri: Mong Đấng Mêsia xuất hiện. Gioan không phải là Đấng Kitô, nhưng phép rửa mà Ngài thực hiện mang tính duy nhất, đúng hơn là mang tính cánh chung, để kêu gọi lòng dân trở lại với đường ngay nẻo chính; chuẩn bị cho dân đón nhận một Phép Rửa trong nước và thần khí mà Đức Kitô sẽ thực hiện.
Sứ vụ của Gioan, cũng như tấm gương của hai vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay cho chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chúng ta, với danh nghĩa là Kitô hữu. Chúng ta nghe nói nhiều đến sứ vụ ngôn sứ của Dân Thiên Chuá, và cũng là của từng Kitô hữu chúng ta (GLCG, số 785), một sứ vụ mời gọi chúng ta sống làm sao để trở nên nhân chứng của Đức Kitô giữa lòng đời vốn có nhiều biến chuyển này.
Trước hết, thiết nghĩ mỗi người chúng ta nên suy tư về việc đào sâu đời sống Đức tin của mình, cùng với cảm thức siêu nhiên của Đức Tin. Khi chúng ta có một cảm thức Đức Tin về Thiên Chuá, Đấng yêu thương và cứu chuộc chúng ta, như Đức Thánh Cha nói đến trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, chúng ta có thể mạnh mẽ ác tín và hăng say làm chứng cho tình yêu Thiên Chuá trong cuộc đời: “Động lực đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng chính là tình yêu của Đức Giêsu mà chúng ta đón nhận được, cảm nghiệm được Chúa Giêsu cứu độ thúc giục chúng ta yêu mến Người ngày một hơn. Nhưng tình yêu đó là gì nếu không chỉ dừng lại ở việc cần thiết phải nói về Ngài, giới thiệu về Ngài và làm cho người khác biết Ngài?”.
Nhìn chung, cách sống đạo của Kitô hữu tại Việt Nam rất phong phú, nhưng thiết nghĩ một tinh thần ham học hỏi để đào sâu đời sống Đức tin cần được khai triển và sống cụ thể hơn trong đời sống thường ngày, hơn là chỉ dừng ở những hoạt động đạo đức. Việc đạo đức thì luôn tốt, nhưng sẽ phong phú và sinh ích lợi nhiều hơn nếu chúng ta đi vào chiều sâu của đời sống Đức tin, qua việc hăng say học Giáo Lý, tập chia sẻ Tin Mừng, và ngay cả chia sẻ những cảm nghiệm Đức Tin trong nhóm đạo đức mà chúng ta đang tham gia. Dĩ nhiên, việc chia sẻ này bao hàm cả hai chiều kích: Tôi muốn chia sẻ cảm nhận về tình thương Chuá đã dành cho tôi, và những bạn bè trong nhóm cũng sẵn lòng để lắng nghe những cảm nhận đó với lòng tôn trọng.
Hơn nữa, thái độ khiêm tốn luôn là điều đáng khích lệ cho mỗi người tín hữu chúng ta. Khiêm tốn là nhìn nhận đích thực những gì mình có, như thánh Gioan Tẩy Giả đã chứng tỏ cho chúng ta thấy.
Đó không phải là nhìn nhận những gì mình có để vênh vang, tự cao tự đại; nhưng là để biết tạ ơn Chuá vì mọi ơn chúng ta có được đều là do ơn lành Chúa ban, chứ tự thân, con người không thể tự có được. Đồng thời ý thức rằng ơn Chuá ban là để làm cho mình nên tốt hơn, và để phục vụ Giáo Hội cùng xã hội. Hai điều này luôn phải đi đôi với nhau. Một đàng, mỗi người ý thức thân phận yếu hèn của mình để luôn cảnh giác với những thói hư tật xấu vốn có thể ngấm ngầm làm cho chúng ta ra kiêu ngạo, tự mãn. Đàng khác, phục vụ điều thiện, phục vụ công ích, mà tiên vàn là phục vụ những người thân cận của mình, là bổn phận và sứ mạng của mỗi Kitô hữu. Thái độ phục vụ cũng là điều đáng để chúng ta suy nghĩ để rồi chúng ta tìm cách phục vụ tha nhân.
2020
Lắng nghe và thực hành lời Chúa như Mẹ
1.1.2021 Mẹ Thiên Chúa
Lc 2:16-21
LẮNG NGHE VÀ THỰC THI LỜI CHÚA NHƯ MẸ
Chúa có một người Mẹ thật tuyệt vời. Một người Mẹ cho Chúa dòng sữa, cho Chúa tình thương. Một người Mẹ đã nói lời xin vâng bằng cả cuộc đời dấn thân cho chương trình Thiên Chúa Cha được nên trọn. Một người Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa Cha và được mọi ân huệ lớn lao đến nỗi là người có phúc hơn mọi người nữ.
Người Mẹ đó Chúa đã tặng ban cho nhân loại chúng con. Qua Môn đệ Gioan, Mẹ Maria đã nhận chúng con là con cái của mẹ. Mẹ đã đi vào trong từng cuộc đời chúng con. Mẹ vẫn đang đồng hành để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin cám ơn Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng con. Xin cho chúng con luôn chạy đến cùng Mẹ, luôn nương nhờ ơn phước của Mẹ, để nhờ Mẹ chúng con được đón nhận ơn lành của Chúa.
Sau khi được sứ Thần Thiên Chúa loan báo về thân thế của Hài Nhi Giêsu và dấu chỉ cho biết người là Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong thành vua Đavít, các mục đồng hối hả chạy đến hang đá và họ đã chính mắt thấy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, y như lời Thiên Thần đã báo trước. Điều nầy cho thấy, Đức Giêsu đã được sinh ra từ lòng mẹ là Đức Maria như mọi bà mẹ khác và Đức Maria chính là Mẹ Thiên Chúa, vì Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa (2, 11).
Khi tuyên xưng Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta khẳng định niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, Ngài thật sự là Con Thiên Chúa nhưng cũng thật sự là Con của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong biến cố Nhập Thể. Lễ kính trọng thể “Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa” có gốc tích rất lâu đời và được phổ biến trên khắp thế giới.
Trong lịch canh tân Phụng Vụ, lễ kính trọng thể Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa này được cử hành vào ngày mồng 1 tháng giêng, trùng với ngày bát nhật Giáng Sinh, ngày kính nhớ việc cắt bì và đặt tên cho Chúa Giê-su, nhưng cũng trùng với ngày Tân Niên, ngày đầu năm mới cầu cho hòa bình thế giới. Đức Phao-lô VI viết: “Ngày lễ trọng ấy này được đặt vào mồng một tháng giêng theo như tập tục xa xưa của Phụng Vụ Rô-ma. Lễ này được dành riêng ca tụng việc Đức Ma-ri-a góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tán dương tước vị cao quý đặc biệt do phần đóng góp ấy đem lại cho Người Mẹ rất thánh, Đấng có công giúp chúng ta đón tiếp Tác Giả của sự sống”
Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta mừng kính đặc ân cao trọng nhất trong 4 đặc ân Đức Mẹ đã lãnh nhận : Mẹ Thiên Chúa. Những tưởng rằng trong ngày đại lễ này Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe những bài Tin Mừng nói về vai trò quan trọng của Đức Mẹ trong cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là những khi Ngài làm phép lạ với đầy uy quyền (hóa bánh ra nhiều, chữa lành mọi thứ bệnh tật, tại tiệc cưới Cana …)hoặc khi Chúa phục sinh vinh quang …vv…vì Con đầy quyền năng thì Mẹ cũng được vinh dự. Thế nhưng Giáo Hội lại cho chúng ta chiêm ngắm Mẹ nơi hang đá máng cỏ, một nơi chẳng có gì là hoành tráng và danh dự, một nơi có vẻ như không xứng hợp với tước vị Mẹ Thiên Chúa của Ngài?! Rồi trong chính trình thuật này, Thánh Luca cũng không cho thấy Mẹ nói một lời nào, chỉ nhìn, lắng nghe và suy niệm trong lòng……
Với lời xin vâng, ta thấy Mẹ tin tưởng vào Thiên Chúa: Việc này Mẹ đã làm ngay từ khi thụ thai Con Thiên Chúa, chính Bà Isave đã khen ngợi Mẹ về điều đó “ Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Đường lối và cách hành động Của Thiên Chúa thật khó hiểu không phài vì phi lý hoặc vô lý, nhưng vì đường lối và cách thức hành động ấy không nằm trong khung suy tư của con người. Thiên Chúa có lý của Ngài. Con người chỉ có thể nhận ra cái lý của Thiên Chúa với lòng tin, với đức mến và sự cậy trông.
Trong khiêm nhường thẳm sâu, Mẹ đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Mẹ cũng khám phá ra rằng : Khi Thiên Chúa muốn thì không gì có thể cưỡng lại được, Ngài sẽ thực hiện mọi sự theo ý muốn của Ngài.
Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa: Mẹ không chỉ vâng phục thánh ý Thiên Chúa trên bình diện lý trí bằng sự tin tưởng và phó thác, mà trên bình diện thực tiễn, Mẹ đã tuân theo và thực hiện thánh ý đó trong cuộc sống, Mẹ chấp nhận những gian nan thử thách Chúa đang gửi đến trong âm thầm nhẫn chịu. Sự vâng phục đó không chỉ nhất thời, bây giờ và lúc này, nhưng trải dài trong suốt cuộc đời của Mẹ, khi bôn ba đây đó trong công cuộc truyền giáo, khi chia sẻ thân phận “không chỗ gối đầu” với người Con thân yêu của mình.
Và cao điểm nhất, khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, khi phải tận mắt chứng kiến cái chết đau thương và hy sinh chính mạng sống của Con mình, chúng ta mới thấy được tuyệt đỉnh của sự vâng phục: Mẹ đã kết hợp sự vâng phục của Mẹ với sự vâng phục của Con. Có thể nói : nếu chúng ta dùng hình ảnh toán học để so sánh thì trong gia đình Thánh Gia, mẫu số chung của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse là sự vâng phục Thiên Ý, còn tử số là sự vâng phục theo cách riêng của mỗi người: Chúa Giêsu thực hiện bằng cái chết, Mẹ Maria thực hiện trong âm thầm chấp nhận còn Thánh Giuse thực hiện bằng thi hành ngay khi thánh ý ban ra.
Đức Maria là người đã lắng nghe và thực hiện Lời Chúa.
Hẳn ta còn nhớ, một hôm, trước những lời giáo huấn sâu sắc, mới mẻ, đầy tình yêu thương, thông cảm, tha thứ của Chúa Giêsu, một người phụ nữ đã lớn tiếng ca tụng Người Mẹ đã cưu mang và đã cho ngài bú. Nghe những lời đó, Chúa Giêsu mời người phụ nữ và những người chung quanh đi xa hơn nữa trong cái nhận định tốt đẹp đó. Đối với Chúa Giêsu, điều đáng trân trọng và quý giá, chính là niềm tin, lòng yêu mến và phó thác được thể hiện qua việc lắng nghe và thực hiện Lời Chúa.
Một lần khác, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, rất đông dân chúng bu quanh, thì có người báo cho biết là, có Mẹ và anh em ngài muốn gặp ngài. Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khẳng định : những ai lắng nghe và thực hiện thánh ý Thiên Chúa là Mẹ và là anh em của ngài.
Lắng nghe Lời Chúa và thực thi thánh ý Chúa. Đó chính là cái cốt lõi cuộc sống, ơn gọi và hạnh phúc của con người. Đức Maria là người đầu tiên đã sống như thế. Và, Đức Maria xứng đáng được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa.
Nếu chúng ta noi gương Mẹ, nếu chúng ta gìn giữ và suy đi nghĩ lại trong lòng mình điều gì mà Chúa Giêsu nói với chúng ta và điều gì Ngài làm trong chúng ta, chúng ta thật sự bước trên đường thánh thiện Kitô giáo và chúng ta sẽ không bao giờ thiếu đạo lý của Ngài và ân sủng của Ngài. Cũng vậy, bằng việc chiêm niệm theo cách thức này giáo huấn Chúa Giêsu đã cho chúng ta, chúng ta sẽ đạt được một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Ngài. Có như vậy, ta sẽ thực sự trở thành con của Mẹ cách trọn hảo hơn.
2020
Lời đã thành xác phàm
31 18 Tr Thứ Năm. NGÀY THỨ BẢY TUẦN
BÁT NHẬT GIÁNG SINH.
1 Ga 2,18-21; Ga 1,1-18
LỜI ĐÃ THÀNH XÁC PHÀM
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” đó là lời xác quyết của thánh sử Gioan, là lời xác quyết của các tông đồ, của Giáo Hội và cũng là lời xác tín của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Ý nghĩa của câu Lời Chúa này diễn tả mầu nhiệm nhập thể, một Ngôi vị của Thiên Chúa đã được sinh ra và ở giữa chúng ta, để nhờ Người chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và hưởng trọn lời hứa cứu độ.
Ngay từ câu đầu tiên của Tin Mừng thánh Gioan đã khẳng định căn tính và nguồn gốc của Ngôi Lời (Logos). “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Lúc khởi đầu là một kiểu nói gợi lên sự khởi đầu tuyệt đối theo sách Sáng thế: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời và đất”. Điều này cho thấy nguồn gốc của Đức Giêsu không phải bởi thụ tạo mà bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời ấy là Thiên Chúa thật, Đấng được sinh ra mà không phải được tạo thành. Hay nói cách khác, Ngôi Lời đã có từ trước khi tạo dựng, nên Người hiện hữu mà không phải do tạo dựng.
Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời. Bằng danh xưng này, ngài muốn diễn tả ra thực tại thâm sâu nhất của Đức Giêsu, sự kiện Người nhiệm xuất từ Thiên Chúa và tầm quan trọng của Người đối với loài người chúng ta. Dân Israel nhận biết vị Thiên Chúa của riêng mình như là Đấng nói với họ: không phải như vị Thiên Chúa khép kín mình lại và giam mình trong cõi thinh lặng, vị Thiên Chúa vô danh, xa cách và gây ra sợ hãi, nhưng như vị Thiên Chúa ngỏ lời với họ và cho họ biết các ý định và ý muốn của Ngài. Ngài đã nói với Abraham, đã gọi ông và đã ban cho ông lời hứa là muôn dân được chúc phúc (St 12,1-3).
Qua trung gian Moses, Ngài đã giải phóng dân Ngài khỏi kiếp nô lệ và đã cho biết ý muốn của Ngài đặc biệt trong “Thập Điều”. Nhờ các ngôn sứ, Ngài đã can thiệp vào trong các tình cảnh khác nhau của lịch sử dân Ngài. Ngài đã ngỏ lời với họ, để cho họ truyền đạt như là lời khuyên nhủ, lời khuyến cáo, lời hứa và lời động viên. Lời Thiên Chúa ở tại khởi đầu của toàn thể lịch sử. Bằng Lời tạo dựng quyền năng, Thiên Chúa đã gọi mọi sự ra hiện hữu.
Nhờ Lời này, Thiên Chúa giao tiếp với các tạo thành của Ngài, tự mạc khải ra cho họ, cho họ được thông dự vào tất cả dự phóng và ý muốn của Ngài về họ. Lời Thiên Chúa đã ban sự hiện hữu và sự sống. Lời này ngỏ với chúng ta, và kêu gọi chúng ta dấn thân. Lời này vừa là yêu cầu vừa là lời hứa. Lời này đến từ Thiên Chúa, làm nền tảng và xác định tương quan giữa Thiên Chúa và loài người.
Con Thiên Chúa đến trên địa cầu để làm cho chúng ta sống trên mặt đất này trở nên con Thiên Chúa. Vì thế, toàn trái đất hãy vui mừng và hải đảo hãy hân hoan, vì ơn cứu độ đã được ban tặng cho thế giới.
Như lời thánh Gioan giải thích, “phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Trở nên con Thiên Chúa ư! Thật không thể tưởng tượng được, mầu nhiệm cao vời khôn thấu này. Thánh Gioan Kim Khầu nói : “Con Thiên Chúa đã trở nên con của loài người để làm cho con người trở nên con Thiên Chúa”.
Thiên Chúa làm người. Các tác giả Tin Mừng đều chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa làm người không chỉ là mượn thân xác con người, mà làm một con người thực thụ, như bao con người khác sống trong kiếp nhân sinh, chỉ trừ tội lỗi. Mầu nhiệm này diễn tả mối tương quan gần gũi giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiện Giáng sinh không chỉ là một câu chuyện cổ tích, nhưng là sự hiện diện của Thiên Chúa làm người và ở với nhân loại cho đến ngày tận thế.
Chúng ta tìm kiếm Người và khi đã tìm được thì hãy tiếp nhận Người : vì chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới có ơn cứu độ ; chỉ mình Chúa Giêsu mới mang lại cho chúng ta ý nghĩa đầy đủ về cuộc sống và khổ đau. Vì vậy, chúng ta hãy đọc Tin Mừng, chiêm ngắm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta và cố gắng sống theo lời Chúa dạy. Chúng ta sẽ thấy sự thật như thế nào khi chúng ta đang nỗ lực làm cho thế giới chúng ta đang sống ngày một tốt đẹp hơn.
Thánh Gioan còn khẳng định thêm: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.
Chính Ngôi Lời ấy đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, như Đức Chúa hứa qua lời ngôn sứ I-sai-a trong Cựu Ước “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en”. Ngài đã đến thế gian từ cung lòng Thiên Chúa Cha, và từ nay sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại. Quả thế, “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1c) “đã trở nên xác phàm” (1, 14) và sống thân phận làm người với sự mong manh, lệ thuộc vào không gian và thời gian.
Đó là một con người đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dân tộc và một nền văn hóa riêng như mỗi người chúng ta. Đó là một vị Thiên Chúa đã xuống thế mang thân phận làm người, để đưa con người lên với Thiên Chúa.
Mầu nhiệm nhập thể ấy thật thâm sâu, Ngôi Lời là nguồn Ân Sủng (Đức Giêsu) tái tạo sự sống cho nhân loại, một “mắt xích” nối kết con người với Thiên Chúa và con người với con người. Nhờ đó, trong sự thông hiệp chúng ta được nên một trong Đức Kitô và nên một trong Thiên Chúa.
Như vậy, Ngôi Lời nhập thể là niềm vui, là niềm hạnh phúc viên mãn mà con người luôn khát khao. Chúng ta kỹ niệm ngày Chúa Giáng Sinh cũng với tâm tình như vậy, một niềm vui rộn rã vì Hài Nhi Giêsu đã và đang ở giữa chúng ta.
Ước gì trong cuộc sống, chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, nhất là mùa giáng sinh này.
2020
Kiên trì cầu nguyện
30 17 Tr Thứ Tư. NGÀY THỨ SÁU TUẦN
BÁT NHẬT GIÁNG SINH.
1 Ga 2,12-17; Lc 2,36-40
KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta một trong những điều con người được nhận lãnh nhờ vào hành động phi lý ấy. Là Ngôi Hai Thiên Chúa thì Chúa Giêsu đâu cần phải được hiến dâng cho Thiên Chúa theo luật Môisê, thế nhưng ngài vẫn tuân giữ nghi lễ này, vì Ngài muốn giống con người trong hết mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài giống con người để con người không còn phải e ngại khi đến với Ngài cũng như hiểu được lời mời gọi của Ngài.
Ta thấy nếu trước đây, Ngài đã sinh ra trong chuồng bò là để cho mọi người có thể đến với Ngài, không phân biệt giàu sang hay nghèo khổ, có địa vị hay chỉ là dân đen. Các trẻ chăn chiên được mời gọi, ba nhà đạo sĩ Phương Ðông được chỉ lối, tất cả đến với Ngài và đã tìm được nguồn vui.
Ta thấy Thiên Chúa, Ngài không bao giờ thất tín với lời hứa đối với dân Ngài. Thậm chí Ngài còn ban cho dân Ngài hơn cả những gì họ chờ mong. Dân chỉ cầu mong một Đấng Cứu Thế giải phóng họ khỏi những lầm than, vất vả về mặt thể xác, nhưng Thiên Chúa ban cho họ một Đấng Cứu Thế có thể giải thoát con người họ cách toàn diện cả thể xác lẫn tinh thần.
Vả lại, Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa đến không chỉ cứu thoát riêng dân Israel, nhưng cứu thoát toàn thể nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết, như cụ già Simeon khi bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay đã được Thánh Thần thúc đẩy mà thốt lên: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân!” (Lc 2, 30 – 31).
Hôm nay, Ngài vào Ðền Thánh bằng nghi lễ thanh tẩy và hiến dâng. Thật ra chỉ có con người tội lỗi mới cần thanh tẩy, chỉ có loài thụ tạo mới cần hiến dâng. Vậy mà Chúa Giêsu Ngài vẫn chấp nhận tất cả để nên như một cơ hội quí báu cho tiên tri Siméon và Anna gặp Ngài. Niềm vui bấy lâu mong đợi, giờ đây Siméon đã đạt được như ý nguyện, giờ đây ông có thể ra đi bình an không còn gì phải tiếc nuối.
Siméon và Anna là tiêu biểu cho nhóm những người nghèo của Giavê. Họ ăn chay cầu nguyện, sống nghèo khổ để canh thức trông chờ Ðấng Cứu Thế, dù cho cuộc sống có đầy dẫy những lạc thú thì vẫn không quyến dũ được họ cho bằng niềm vui cứu chuộc họ đang trông chờ.
Bà Anna trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa” rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ. Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà An-na là mẫu mực cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.
Thời gian chờ đợi luôn là thời gian dài dẵng lê thê và nếu dành cả một đời để trông ngóng đợi chờ thì không khỏi bị coi là phi lý điên rồ. Chắc chắn Siméon và Anna cũng bị gán cho nhãn hiệu này. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại cần đến sự phi lý điên rồ ấy, vì Ngài cũng đã từng hành động như vậy. Một Ðấng Tạo Hóa mà lại hóa thân làm một thụ tạo. Một người Chủ uy quyền mà lại nhận thân phận tôi tớ. Siméon và Anna đã chấp nhận con đường này và Thiên Chúa đã đáp lời họ.
Thế nhưng, khi hưởng niềm vui bất diệt ấy, họ lại chỉ không dành hết cho mình nhưng còn mau mắn chia sẻ với người khác. Bà Anna đã nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel, vì thế bà được coi là nữ tiên tri, dù rằng suốt cuộc sống bà cũng chẳng làm một điều gì như các tiên tri ở Israel.
Vị tiên tri là gì nếu không phải là kẻ truyền rao Thiên Chúa, truyền rao ơn cứu độ. Như vậy, chúng ta có thể gọi bà Anna là mẫu mực cho người tín hữu trong cuộc sống và hành động. Bà đã can đảm và chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn trong chay tịnh và cầu nguyện, cũng như luôn hy vọng đợi chờ, dù cho sự việc chẳng biết bao giờ mới xảy ra và khi đã đón nhận hồng ân thì lại sẵn sàng truyền rao chia sẻ cho kẻ khác. Hồng ân bà nhận được hôm nay luôn là một chứng từ thôi thúc tín hữu thêm lòng cậy trông, vì Thiên Chúa sẽ không chê bỏ những ai đặt hết hy vọng vào Ngài.
Thiên Chúa chẳng bao giờ lãng quên những gì Ngài đã hứa. Nhưng để lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực trong đời bạn và tôi, thì bắt buộc chúng ta phải sống triệt để niềm tin yêu hy vọng vào Ngài. Bà Anna có lẽ đã chẳng bao giờ gặp được Hài Nhi Giêsu Cứu Thế trong Đền Thờ hôm nay nếu như bà không có những ngày tháng “ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.”