2020
Vinh quang Thiên Chúa đã tỏ hiện
29 16 Tr Thứ Ba. NGÀY THỨ NĂM TUẦN
BÁT NHẬT GIÁNG SINH.
Thánh Tôma Becket, Gmtđ.
1 Ga 2,3-11; Lc 2,22-35
PVGK: thánh vịnh riêng
VINH QUANG THIÊN CHÚA ĐÃ THỂ HIỆN
Trở về với Cựu Ước, hẳn mỗi người chúng ta còn nhờ rằng khi dân Chúa đi qua sa mạc để vào Đất Hứa, vinh quang Thiên Chúa đã ngự nơi Nhà Tạm, nơi Khám Giao Ước (Xh 40, 34 – 38) để dẫn dắt họ.
Khi vào Đất Hứa, dân Chúa xây Đền Thờ Giêrusalem để kính Đức Chúa, thì vinh quang Ngài ngự nơi Đền Thờ (1 V 8). Khi Đền Thờ bị phá hủy, thì vinh quang Chúa rời bỏ nơi ấy (Ed 10). Nhưng Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người cách tuyệt đối. Ngài hứa rằng trong tương lai Ngài sẽ lại lấp đầy Đền Thờ bằng vinh quang cứu độ rạng ngời, vinh cửu của Ngài (Kg 2, 1 – 9; Dcr 8 – 9)
Chúa Giêsu là Thiên Chúa tối cao sinh xuống trần gian nhưng rồi chúng ta không thấy có những người sang giàu, quyền chức, nhưng chỉ có những người bé mọn hiện diện! Kinh Thánh cho hay, những người đón chào và diễm phúc được gặp Đức Giêsu trong ngày này không ai khác ngoài ông Simêon và bà Anna. Họ là những người bình thường, đơn sơ, nghèo khó… là những người nghèo của Thiên Chúa, nhưng tâm hồn thánh thoát, nên đã được gặp Chúa của bình an.
Mặt khác, chúng ta còn nhận thấy nơi Đức Maria và thánh Giuse một tấm gương khiêm tốn, trung thành với luật. Thật vậy, các ngài thừa biết được Hài Nhi Giêsu này là Con Thiên Chúa, và các ngài đang được đặc ân lớn lao là chăm sóc Đấng Cứu Độ trần gian. Như vậy, xét theo lẽ thường, các ngài có quyền từ trối việc giữ luật này, bởi vì Đức Giêsu chính là trọng tâm của luật. Nhưng không, các ngài đã khiêm tốn, tuân hành lề luật của Thiên Chúa cách yêu mến, không tìm đặc lợi cho mình chỉ vì có uy thế…
Cụ già Simêon đã chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel. Đi đến Đền Thờ ở giữa nhiều cặp vợ chồng đã đem con mình đến đó, ông trông thấy việc thực hiện niềm hy vọng của mình và niềm hy vọng của Dân Chúa Israel: “Chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel Dân Chúa”.
Vinh Quang Thiên Chúa giờ đây không còn ở trên trời cao nữa, nhưng đã “trở nên xác phàm” để nhân loại mọi thời, mọi nơi có thể đụng chạm và cảm nếm được cách thiết thân sự hiện diện đích thật, tỏ tường của Ngài.
Vinh quang Thiên Chúa giờ đây đã thành xương thành thịt và không chỉ chiếu tỏa trên dân Do thái mà thôi, nhưng còn chiếu rọi vào mọi ngóc ngách của thực tại trần gian như cụ già Simeon đã thốt lên: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2, 30).
Thật thế ! Vinh quang Thiên Chúa trong thời sau hết này đã trở nên người phàm để hướng dẫn nhân loại đi vào quỹ đạo ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa.Chúa Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi. Tiêu biểu cho lòng mong đợi của dân Israel chính là ông Simêon. Vì tin vào Con Trẻ là Đấng thiên sai và lòng ông hằng khao khát gặp Chúa Cứu Thế, nên ông đã gặp được Chúa, được bồng ẵm Chúa. Lòng ông hân hoan vui mừng.
Chúng ta đang trong những ngày bát nhật mừng Chúa Giáng Sinh. Chúng ta hãy đến hang đá chiêm ngắm Chúa Hài Nhi và gặp gỡ Ngài.
Chúa Giêsu là ánh sáng, là Đấng ban ơn cứu độ cho nhân loại. Để tất cả chúng ta đón nhận được ơn cứu độ của Chúa, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ.
Tin vào Chúa Cứu Thế, mỗi người chúng ta mới gặp gỡ được Ngài, và chúng ta sẽ vui mừng hân hoan, vì Ngài đã giáng sinh cho chúng ta, và tỏ bày tình thương của Ngài cho chúng ta. Qua Lời Chúa phán dạy, Chúa soi sáng cho chúng ta thánh ý của Ngài, chân lý của Tin Mừng và ơn cứu độ cho muôn dân. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta.
Vì thế, chúng ta hãy vui mừng vì gặp được Chúa, đón nhận Chúa, yêu mến Chúa và sống sự sống của Ngài trao ban cho chúng ta.
Trong tâm tình đó, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đến và thờ lạy Chúa Hài Nhi và kết hiệp với Ngài qua mầu nhiệm Thánh Thể mỗi ngày trong Thánh lễ Misa.
2020
Đừng sát hại các sinh linh bé bỏng nữa
28 15 Đ Thứ Hai. NGÀY THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH.
CÁC THÁNH ANH HÀI, TỬ ĐẠO.
Lễ kính. 1 Ga 1,5–2,2; Mt 2,13-18
PVGK: thánh vịnh riêng
ĐỪNG SÁT HẠI CÁC SINH LINH BÉ BỎNG NỮA
Chúa Giêsu đã đến thế gian tại Belem. Các đạo sĩ những người thông thái và quyền thế, được ánh sao mới bất ngờ xuất hiện báo tin, đã theo ánh sao đi tìm Chúa Giêsu. Họ muốn thờ lạy Người. Sau một chuyến hành trình dài, họ tới Gierusalem. Nhờ họ, Hêrôđê là vua Giuda biết rằng: Đấng thiên sai mà các ngôn sứ loan báo đã sinh ra. Ông sợ rằng: Đấng Thiên sai này một ngày kia những đoạt ngôi của mình. Để biết rõ vua Do thái tương lai ở đâu, ông căn dặn các đạo sĩ trở lại Giêrusalem cho ông biết, vì ông cũng muốn bái thờ Người.
Nhưng ông ta đã không gặp các đạo sĩ nữa. Bởi vì lúc trở về, họ đã được báo qua giấc mộng để đi đường khác. Hêrôđê giận dữ điên người lên với ý tưởng là mai kia đứa trẻ này sẽ làm vua. Ông truyền lệnh tàn sát mọi con trẻ dưới hai tuổi ở Belem và các vùng phụ cận. Như thế là Tân vương sẽ bị diệt.
Trong khi thánh Giuse được thiên thần báo trước đã cùng với Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn qua Ai cập thì binh sĩ thi hành của Hêrôđê. Nỗi thất vọng của các bà mẹ không diễn tả nổi. Ngôn sứ Giêrêmia đã nói về họ: “tại Rama, người ta nghe thấy tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho ai an ủi bà, vì các con bà không còn nữa” (Gr 31,15-20)
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ các thánh anh hài, những vị thánh đã chết vì Ðức Kitô mà cũng không hề hay biết rằng mình phải chết vì Ngài. Các trẻ em ấy là kiểu mẫu của không biết bao nhiêu vị thánh vô danh.
Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ:tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa. Các thánh Anh Hài dù còn thơ bé, nhưng Chúa đã cho các Ngài góp tay vào công việc cứu thế của Ngài. Máu của các Ngài đổ ra để minh chứng cho Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội.
Ngày Con Thiên Chúa giáng trần, niềm vui và bình an đã tràn ngập tâm hồn Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các chú Mục Đồng và ba nhà Đạo Sĩ, tất cả đều đại diện cho một nhân loại đang sống dưới quyền lực của bóng đêm, của sự dữ. Nhưng điều đó lại trái ngược hoàn toàn với bạo chúa Hê-rô-đê, khởi đi từ lòng tự ái, tính ích kỷ, tham lam, sợ mất quyền lợi và danh vọng cộng thêm việc không tin, khước từ Thiên Chúa đã đưa đến cho Hê-rô-đê sự bất an, nóng giận cao độ.
Có thể nói nơi con người của bạo chúa Hê-rô-đê đã bị quyền lực bóng đêm, quyền lực sự dữ sẽ lấn áp, từ đó đưa đến việc ông ta không tin có Thiên Chúa, không cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, ông ta sợ sự xuất hiện của Hài Nhi Giêsu như lời tiên báo của các ngôn sứ trong Kinh Thánh sẽ ảnh hưởng đến chiếc ghế danh vọng mà ông đang sở hữu. Hơn thế nữa, sau khi ba nhà Đạo Sĩ tìm đến bái thờ và dâng quà tặng cho Hài Nhi Giêsu đã không trở lại với ông vì được Thiên Chúa mách bảo qua giấc mộng. Từ đó, Hê-rô-đê lồng lộn như “sói dữ tham mồi”, để rồi sau đó, ông ta nhúng tay vào tội ác qua việc tìm giết Hài Nhi Giêsu, tiếp theo đó là việc giết hại các trẻ em vô tội, đem đến cho các bà mẹ và khắp kinh thành Be-lem sự hoảng loạn và mất bình an.
L ễ kính các thánh Anh Hài Tử Ðạo, ta nói qua về vấn đề có tội và vô tội. “Nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn toàn cả: “Tinh thần thì hăng hái, xác thịt thì nặng nề”. Nhóm người cổ Hy Lạp ngày xưa cùng thời với Platon, Aristote cho thân xác là tù ngục của linh hồn là thế. Cho nên nếu chúng ta nói: “Tôi là người vô tội” thì coi chừng tôi đang lừa dối tôi đấy. Thánh Phaolô đã cảnh tỉnh chúng ta: “Khi anh em tin rằng, anh em mạnh mẽ đứng vững, anh em hãy coi chừng kẻo ngã đấy”.
Các thánh Anh Hài đã chết thay cho Hài Nhi Giêsu, dẫu các ngài chẳng có công trạng chi to lớn, nhưng qua sự hy sinh của các ngài mời gọi ta nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay. Ta thấy vẫn còn đó những bạo chúa Hê-rô-đê khước từ, chống đối Thiên Chúa, muốn “ thay trời hành đạo ” trong cách hành xử tàn ác, bất công với anh em đồng loại; nhiều bạo chúa Hê-rô-đê vì tiền, quyền, danh, lợi, đam mê mà loại trừ, sát hại anh em mình, nhất là những anh em bé nhỏ, nghèo hèn.
Và ta thấy tệ hại nhất là những bạo chúa Hê-rô-đê đang mang trong mình những trọng trách, những bổn phận của những người làm cha, mẹ, người con, người vợ, người chồng. Khởi đi từ lòng ích kỷ, hẹp hòi đã đang tâm giết hại chính con đẻ, người “ đầu ấp, tay gối”, giết hại chính các bậc sinh thành dưỡng dục nên mình bằng lời nói và hành động bằng và qua cách sống trái ngược với Tin Mừng nơi ta là người Kitô hữu. Từ những cung cách sống như thế đã đưa đẩy ta trở thành bạo chúa Hê-rô-đê làm biến dạng, xóa mờ hình ảnh tuyệt mỹ của Thiên Chúa. Không khéo ta lại trở thành những “ kỳ đà cản mũi” khi những người anh em chung quanh muốn tìm và đến với Chúa.
Mừng kính các thánh Anh Hài Tử Đạo trong tuần bát nhật Giáng Sinh gợi mở cho ta một chân lý. Chân lý đó là: Sự Sống mới, sự bình an của Thiên Chúa đã và đang phủ tràn cõi địa cầu ngang qua Hài Nhi Giêsu, dẫu cho quyền lực sự dữ cố ngăn cản, phá hỏng bằng nhiều cách và nhiều phương thức khác nhau, câu chuyện bạo chúa Hê-rô-đê tìm giết Hài Nhi Giêsu và ra tay hạ sát các trẻ em với chiêu bài “giết lầm còn hơn bỏ xót” là một điển hình. Thế nhưng, “Quyền lực tử thần không thắng nổi” (Mt.16,18), Thiên Chúa có cách của Ngài trong việc thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.
Trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài Nhi Giêsu trong hang đá Bê Lem, 30 năm âm thầm của Ngià tại Nazareth: đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày của chúng ta.
Khi chiêm ngắm như vậy, Hài Nhi Giêsu mời gọi chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống ấy. Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế Ngài muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong muôn nghìn cách thế thi ân của Ngài mà chúng ta không thể đo lường được. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những hy sinh từng ngày của chúng ta được Chúa dùng như cái bóng vô hình nhờ đó Ngài thông ban muôn ơn lành cho người khác.
2020
Làm chứng như Thánh Stephano
26 13 Đ Thứ Bảy. NGÀY THỨ HAI TUẦN
BÁT NHẬT GIÁNG SINH.
THÁNH STÊPHANÔ,
TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính.
Cv 6,8-10.7,54-60; Mt 10,17-22
PVGK: thánh vịnh riêng
LÀM CHỨNG NHƯ THÁNH STEPHANO
Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài.
Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa.
Lời loan báo của Đức Giêsu đi ngược hẳn với các nhà lãnh đạo thế gian. Thật vậy, khi muốn chiêu mộ ai, người đời thường đưa ra những lời đường mật, an ủi, họ đưa dẫn chúng ta đi trên con đường đầy hoa thơm, và hứa hẹn những sự dễ dãi…, cho người mà họ muốn chiêu dụ…. Nhưng làm môn đệ của Đức Giêsu thì khác hẳn: những thử thách, đau thương và đôi khi cả chính cái chết là là những quà tặng mà người môn đệ sẽ nhận được trong cuộc đời sứ vụ của mình.
Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu.
Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: “Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài”. Sau đó ông nói với Mẹ Maria: “Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.
Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
Thánh Stêphanô nói với chúng ta trước hết về Chúa Kitô, về Chúa Kitô tử giá và phục sinh như là tâm điểm của lịch sử cũng như của đời sống chúng ta. Chúng ta có thể hiểu rằng Thập Giá bao giờ cũng chiếm chỗ chính yếu trong đời sống của Giáo Hội cũng như trong cuộc sống riêng tư của chúng ta. Khổ nạn và bách hại không bao giờ thiếu nơi lịch sử của Giáo Hội.
Nếu không có một đức tin vững vàng, không có một lòng mến tha thiết với hạnh phúc Nước Trời, chúng ta khó chấp nhận được. Chúa xuống trần gian, không phải ở lại mãi với thế gian, mà gọi mời ta theo Ngài đi về trời. Con đường theo Người về trời là con đường “vác thập giá”, con đường không dễ dàng, nhưng có ơn Chúa phù trợ sức hèn yếu của chúng ta. Người hứa luôn đồng hành với chúng ta. Khi gặp cơn khốn khó, bị bách hại, Chúa căn dặn: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì”.
Cuộc chiến để trung thành với Chúa xảy ra, không phải chỉ ngoài xã hội, mà còn ngay trong gia đình, trong mỗi con người chúng ta. Những khuynh chiều về đàng trái, những cám dỗ thỏa mãn các đam mê, dục vọng, không buông tha ai. Để trung thành với Đấng yêu thương ta, thì cần chiến đấu từng phút giây. Cuộc chiến sẽ cam go, khốc liệt, nhưng luôn phải “bền chí đến cùng mới được cứu thoát” khỏi ách thống trị của ma vương, quỷ dữ.
2020
Lời Ca Ngợi Thiên Chúa Của Giacaria
24 11 Tm Thứ Năm tuần 4 MV.
2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Lc 1,67-79
Lời Ca Ngợi Thiên Chúa Của Giacaria
Trong bài trích sách Samuel quyển thứ II, chúng ta thấy: “Khi ấy vua David ngự trong đền và khi Thiên Chúa cho ông được bình an tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh thì David nói với tiên tri Nathan rằng: Ông thấy không, ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư? Và xảy ra đêm ấy có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy đi nói với David tôi tớ của Ta rằng, có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi đền để ở chăng? Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đàn chiên để trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta đã ở cùng ngươi mọi nơi ngươi đi, Ta sẽ làm cho ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Nhà của ngươi và triều đại của người sẽ vững bền đến muôn đời”.
Sau khi đem David ra khỏi nghề chăn chiên để lên làm vua Israel, dẹp yên mọi quân thù thì ý Thiên Chúa muốn David làm một ngôi Ðền Thờ để thờ phượng Thiên Chúa. Vua David cũng muốn thế và ông đã thực hiện. Con người không thể cầu nguyện ở những nơi đông đúc giữa ngã tư đường phố, nơi chợ búa ồn ào được, nhưng cầu nguyện ở nơi yên tĩnh để tâm sự nói chuyện với Chúa. Chúa Giêsu đã nổi cơn thịnh nộ khi thấy dân Do Thái biến nơi tôn nghiêm thành nơi buôn bán đổi chác tiền bạc: “Các ngươi đã biến nhà Ta thành nơi trộm cắp. Nhà Ta là nhà cầu nguyện”.
Thiên Chúa hằng vẫn ở với chúng ta trong Nhà Tạm, Ngài luôn kêu mời mỗi người chúng ta đến với Ngài, đến để tìm nguồn an ủi trong cuộc sống, đến để tim nguồn nghị lực và sức mạnh để lướt thắng mọi trở ngại ngăn lối về nhà Cha. Nhưng mấy ai đã tìm đến với Ngài hay chỉ có ngọn đèn dầu màu đỏ leo lét hẩm hiu vô tri làm bạn với Chúa hằng ngày mà thôi.
Trong trang Tin Mừng hôm nay, Giacaria được đầy tràn Chúa Thánh Thần, ông nói tiên tri về Chúa Kitô là Ðấng cứu rỗi sẽ đến. Không phải ai cũng có thể nói tiên tri được, chỉ những người thánh thiện, sống đẹp lòng Chúa, Chúa mới cho họ quyền nói tiên tri, làm phép lạ, nói được các thứ tiếng loài người như trong ngày lễ ngũ tuần các tông đồ chỉ giảng bằng tiếng của mình mà những người nghe đều hiểu theo tiếng bản xứ của họ.
Ông Giacaria bắt đầu chúc tụng Thiên Chúa bởi vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người (Lc 1:68). Người đã thiết lập cho chúng ta một vị Cứu Tinh quyền thế từ dòng dõi nhà Đavít, tôi tớ của Người (Lc 1, 69), như Người đã dùng miệng các ngôn sứ của Người phán hứa từ ngàn xưa (Lc 1, 70). Và ông mô tả những gì mà ơn cứu rỗi quyền năng này bao gồm: rằng Người sẽ giải phóng chúng ta khỏi tay địch thù và thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét chúng ta (Lc 1, 71). Ơn cứu rỗi này là kết quả, chẳng phải từ những nỗ lực của chúng ta, mà chính là bởi lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa là Đấng nhớ lại Giao Ước thánh của Ngài và lời thề của Chúa với Ábraham, tổ phụ chúng ta (Lc 1, 72). Thiên Chúa là Đấng thành tín. Đây là nền tảng cho sự bình an của chúng ta.
Ông Giacaria tiếp tục mô tả những gì trong lời thề của Thiên Chúa với tổ phụ Ábraham gồm có: đó là niềm hy vọng rằng “được giải thoát khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta có thể phụng thờ Người trong thánh thiện và công chính, trước nhan Người, suốt cả đời ta.” Đây là ước muốn lớn nhất của mọi người trong tất cả mọi thời đại: sống trong bình an, không sợ hãi, phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, trong sự thánh thiện và công chính, mọi ngày suốt đời chúng ta. Đây là đỉnh của ngọn núi, điển hẹn, hiện ra ở chân trời cùng với sự chào đời của Gioan Tẩy Giả (Lc 1, 73-75).
Tâm tình chúc tụng được thốt lên từ ông già Giacaria, một con người vừa hết hồn trải nghiệm việc Chúa làm cho bản thân và gia đình mình: vợ ông mang thai và hạ sinh con trẻ khỏe mạnh như chính những gì ông đã nhận biết trong phiên tiến hương ; bản thân ông bị câm vì đã dám dùng trí hèn mà xét đoán quyền năng Thiên Chúa mà nay được Chúa thương mở miệng, chữa lành.
Tâm tình chúc tụng này vừa là hoa trái, vừa hun đúc lòng tin mạnh mẽ khiến ông hoan hỉ cao rao nghĩa xót thương và đức tín thành của Thiên Chúa. Nếu ta có quyền hiểu bài ca tỏ lộ niềm tin của Giacaria xưa cũng là niềm xác tín của những người nghèo trong Israel, thì chắc hẳn hôm nay ta cũng mạnh mẽ cao rao rằng: Mẹ Giáo Hội mượn lại bài ca này để tuyên xưng và mời gọi tôi, bạn và các anh chị, ta hãy nhìn xem, hãy ngẫm suy cho cảm thấu hiểu sâu những gì Chúa đã làm nơi Thân Thể Mầu Nhiệm, nơi cộng đoàn giáo xứ, nơi các cộng đoàn tu trì và nơi chính bản thân ta.
Khi cất cao lời kinh tạ ơn như vậy, Giacaria là hiện thân đại diện cho cả dân tộc Israel để ca khen, tán tụng hồng ân, lòng từ bi và thương xót của Thiên Chúa. Ông thấu hiểu nỗi chờ mong của dân tộc mình trong việc mong đợi Đấng Cứu Thế, nay niềm tin đó đã đem lại cho ông và cả dân tộc ông niềm hy vọng khi Thiên Chúa đã cho Gioan xuất hiện để đi trước dọn đường.
Sự xuất hiện của Gioan đã xóa đi nỗi niềm chờ mong, và dân không còn phải đi trong tối tăm của đêm dài nữa. Niềm hy vọng này đem lại cho dân một sự đảm bảo vì Thiên Chúa đã chọn Gioan đi trước dọn đường cho Đấng Tối Cao đến để cứu độ dân Ngài.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa vì Người hằng yêu thương chăm sóc chúng ta như xưa Người đã từng chăm sóc dân Israel trong thời Cựu Ước. Chỉ có điều, chúng ta có đủ niềm tin vào Chúa hay không mà thôi!