Đừng sát hại các sinh linh bé bỏng nữa
28 15 Đ Thứ Hai. NGÀY THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH.
CÁC THÁNH ANH HÀI, TỬ ĐẠO.
Lễ kính. 1 Ga 1,5–2,2; Mt 2,13-18
PVGK: thánh vịnh riêng
ĐỪNG SÁT HẠI CÁC SINH LINH BÉ BỎNG NỮA
Chúa Giêsu đã đến thế gian tại Belem. Các đạo sĩ những người thông thái và quyền thế, được ánh sao mới bất ngờ xuất hiện báo tin, đã theo ánh sao đi tìm Chúa Giêsu. Họ muốn thờ lạy Người. Sau một chuyến hành trình dài, họ tới Gierusalem. Nhờ họ, Hêrôđê là vua Giuda biết rằng: Đấng thiên sai mà các ngôn sứ loan báo đã sinh ra. Ông sợ rằng: Đấng Thiên sai này một ngày kia những đoạt ngôi của mình. Để biết rõ vua Do thái tương lai ở đâu, ông căn dặn các đạo sĩ trở lại Giêrusalem cho ông biết, vì ông cũng muốn bái thờ Người.
Nhưng ông ta đã không gặp các đạo sĩ nữa. Bởi vì lúc trở về, họ đã được báo qua giấc mộng để đi đường khác. Hêrôđê giận dữ điên người lên với ý tưởng là mai kia đứa trẻ này sẽ làm vua. Ông truyền lệnh tàn sát mọi con trẻ dưới hai tuổi ở Belem và các vùng phụ cận. Như thế là Tân vương sẽ bị diệt.
Trong khi thánh Giuse được thiên thần báo trước đã cùng với Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn qua Ai cập thì binh sĩ thi hành của Hêrôđê. Nỗi thất vọng của các bà mẹ không diễn tả nổi. Ngôn sứ Giêrêmia đã nói về họ: “tại Rama, người ta nghe thấy tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho ai an ủi bà, vì các con bà không còn nữa” (Gr 31,15-20)
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ các thánh anh hài, những vị thánh đã chết vì Ðức Kitô mà cũng không hề hay biết rằng mình phải chết vì Ngài. Các trẻ em ấy là kiểu mẫu của không biết bao nhiêu vị thánh vô danh.
Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ:tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa. Các thánh Anh Hài dù còn thơ bé, nhưng Chúa đã cho các Ngài góp tay vào công việc cứu thế của Ngài. Máu của các Ngài đổ ra để minh chứng cho Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội.
Ngày Con Thiên Chúa giáng trần, niềm vui và bình an đã tràn ngập tâm hồn Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các chú Mục Đồng và ba nhà Đạo Sĩ, tất cả đều đại diện cho một nhân loại đang sống dưới quyền lực của bóng đêm, của sự dữ. Nhưng điều đó lại trái ngược hoàn toàn với bạo chúa Hê-rô-đê, khởi đi từ lòng tự ái, tính ích kỷ, tham lam, sợ mất quyền lợi và danh vọng cộng thêm việc không tin, khước từ Thiên Chúa đã đưa đến cho Hê-rô-đê sự bất an, nóng giận cao độ.
Có thể nói nơi con người của bạo chúa Hê-rô-đê đã bị quyền lực bóng đêm, quyền lực sự dữ sẽ lấn áp, từ đó đưa đến việc ông ta không tin có Thiên Chúa, không cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, ông ta sợ sự xuất hiện của Hài Nhi Giêsu như lời tiên báo của các ngôn sứ trong Kinh Thánh sẽ ảnh hưởng đến chiếc ghế danh vọng mà ông đang sở hữu. Hơn thế nữa, sau khi ba nhà Đạo Sĩ tìm đến bái thờ và dâng quà tặng cho Hài Nhi Giêsu đã không trở lại với ông vì được Thiên Chúa mách bảo qua giấc mộng. Từ đó, Hê-rô-đê lồng lộn như “sói dữ tham mồi”, để rồi sau đó, ông ta nhúng tay vào tội ác qua việc tìm giết Hài Nhi Giêsu, tiếp theo đó là việc giết hại các trẻ em vô tội, đem đến cho các bà mẹ và khắp kinh thành Be-lem sự hoảng loạn và mất bình an.
L ễ kính các thánh Anh Hài Tử Ðạo, ta nói qua về vấn đề có tội và vô tội. “Nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn toàn cả: “Tinh thần thì hăng hái, xác thịt thì nặng nề”. Nhóm người cổ Hy Lạp ngày xưa cùng thời với Platon, Aristote cho thân xác là tù ngục của linh hồn là thế. Cho nên nếu chúng ta nói: “Tôi là người vô tội” thì coi chừng tôi đang lừa dối tôi đấy. Thánh Phaolô đã cảnh tỉnh chúng ta: “Khi anh em tin rằng, anh em mạnh mẽ đứng vững, anh em hãy coi chừng kẻo ngã đấy”.
Các thánh Anh Hài đã chết thay cho Hài Nhi Giêsu, dẫu các ngài chẳng có công trạng chi to lớn, nhưng qua sự hy sinh của các ngài mời gọi ta nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay. Ta thấy vẫn còn đó những bạo chúa Hê-rô-đê khước từ, chống đối Thiên Chúa, muốn “ thay trời hành đạo ” trong cách hành xử tàn ác, bất công với anh em đồng loại; nhiều bạo chúa Hê-rô-đê vì tiền, quyền, danh, lợi, đam mê mà loại trừ, sát hại anh em mình, nhất là những anh em bé nhỏ, nghèo hèn.
Và ta thấy tệ hại nhất là những bạo chúa Hê-rô-đê đang mang trong mình những trọng trách, những bổn phận của những người làm cha, mẹ, người con, người vợ, người chồng. Khởi đi từ lòng ích kỷ, hẹp hòi đã đang tâm giết hại chính con đẻ, người “ đầu ấp, tay gối”, giết hại chính các bậc sinh thành dưỡng dục nên mình bằng lời nói và hành động bằng và qua cách sống trái ngược với Tin Mừng nơi ta là người Kitô hữu. Từ những cung cách sống như thế đã đưa đẩy ta trở thành bạo chúa Hê-rô-đê làm biến dạng, xóa mờ hình ảnh tuyệt mỹ của Thiên Chúa. Không khéo ta lại trở thành những “ kỳ đà cản mũi” khi những người anh em chung quanh muốn tìm và đến với Chúa.
Mừng kính các thánh Anh Hài Tử Đạo trong tuần bát nhật Giáng Sinh gợi mở cho ta một chân lý. Chân lý đó là: Sự Sống mới, sự bình an của Thiên Chúa đã và đang phủ tràn cõi địa cầu ngang qua Hài Nhi Giêsu, dẫu cho quyền lực sự dữ cố ngăn cản, phá hỏng bằng nhiều cách và nhiều phương thức khác nhau, câu chuyện bạo chúa Hê-rô-đê tìm giết Hài Nhi Giêsu và ra tay hạ sát các trẻ em với chiêu bài “giết lầm còn hơn bỏ xót” là một điển hình. Thế nhưng, “Quyền lực tử thần không thắng nổi” (Mt.16,18), Thiên Chúa có cách của Ngài trong việc thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.
Trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài Nhi Giêsu trong hang đá Bê Lem, 30 năm âm thầm của Ngià tại Nazareth: đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày của chúng ta.
Khi chiêm ngắm như vậy, Hài Nhi Giêsu mời gọi chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống ấy. Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế Ngài muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong muôn nghìn cách thế thi ân của Ngài mà chúng ta không thể đo lường được. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những hy sinh từng ngày của chúng ta được Chúa dùng như cái bóng vô hình nhờ đó Ngài thông ban muôn ơn lành cho người khác.