Mở rộng kho báu
5.1 Thánh Gioan Neumann, Gm
1 Ga 3:11-21; Tv 100:1-2,3,4,5; Ga 1:43-51
MỞ RỘNG KHO BÁU
Giám mục Philadelphia, sinh tại Prachatitz, Bohemia ngày 28 tháng 3 năm 1811, con ông Philip Neumann và bà Agnes Lebis. Ngài học ở Budweis và vào chủng viện năm 1831.
Hai năm sau, ngài học thần học tại đại học Charles Ferdinand ở Prague.
Năm 1835, ngài hân hoan mong chờ được trao sứ vụ linh mục khi mà giám mục thì lại quyết định sẽ không phong chức cho ai nữa. Đây thật là điều khó tưởng tượng đối với chúng ta bây giờ, nhưng Bohemia khi ấy đã tràn ngập linh mục. Gioan viết thư đến các giám mục khắp châu Âu, nhưng đây là tình trạng chung ở khắp nơi, chẳng ai muốn có thêm giám mục nữa. Gioan chắc chắn mình có ơn gọi linh mục nhưng dường như mọi cánh cửa dẫn đến đó đều đóng trước mặt ngài.
Không bỏ cuộc. Ngài học tiếng Anh bằng cách làm việc trong một nhà máy có công nhân nói tiếng Anh để có thể viết thư cho các giám mục ở Mỹ. Cuối cùng, giám mục New York đồng ý phong chức cho ngài. Để bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa trong chức linh mục, Gioan phải rời bỏ quê hương mãi mãi, vượt đại dương đến một vùng đất mới đầy gian khó.
Ở New York, Gio-an là một trong 36 linh mục lo cho 200 ngàn giáo dân. Giáo xứ của ngài ở phía tây New York trải dài từ hồ Ontario đến Pennsyvania. Nhà thờ không có tháp chuông cũng không có sàn. Nhưng không thành vấn đề, vì Gioan hầu như dành trọn thì giờ để đi thăm hết làng này sang làng khác, vượt núi thăm người bệnh, dạy dỗ trên gác hay trong các quán rượu, dâng lễ trên bàn trong nhà bếp.
Vì công việc và cũng vì giáo xứ của ngài lẻ loi đơn độc nên cha Gio-an mong được liên lạc và gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng gồm các linh mục và tu huynh tận tụy lo cho người nghèo và những người bị bỏ rơi nhất.
Là linh mục đầu tiên vào Dòng tại Mỹ, ngài khấn dòng tại Baltimore ngày 16 tháng giêng năm 1842.
Ngay từ buổi đầu, ngài đã được anh em hết lòng kính trọng vì sự thánh thiện rõ nét, sự nhiệt thành và nhã nhặn của ngài. Khả năng biết 6 thứ tiếng khiến ngài thích ứng đặc biệt với công việc trong xã hội Mỹ đa ngôn ngữ vào thế kỷ 19.
Sau khi làm việc tại Baltimore và Pittsburgh, năm 1847, ngài được bổ nhiệm làm Vị Kinh Lược hay Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế tại Mỹ.
Các nhà ở Mỹ thuộc về tỉnh Bỉ. Cha Frederick von Held, giám tỉnh Bỉ, đã nói về ngài thế này: “Ngài là một người rất đáng kính trọng, vừa có lòng đạo đức, vừa mạnh mẽ và khôn ngoan”. Neumann cần những phẩm chất ấy trong hai năm tại vị, khi mà muốn đặt nền tảng cho Dòng Chúa Cứu Thế tại Mỹ thì phải nổ lực chỉnh đốn lại. Lúc ngài trao gánh nặng cho cha Bernard Hafkenscheid, Dòng Chúa Cứu Thế Mỹ đã được chuẩn bị tốt hơn để trở thành một tỉnh độc lập vào năm 1850.
Cha Neumann trở thành Giám mục Philadelphia, ngài được tấn phong tại Baltimore ngày 28 tháng 3 năm 1852. Giáo phận của ngài mênh mông và đang trong thời kỳ phát triển mạnh.
Ngài là vị giám mục đầu tiên tổ chức hệ thống trường Công giáo trong giáo phận, là người đặt nền tảng cho giáo dục Công giáo ở quốc gia này. Ngài nâng con số trường Công giáo trong giáo phận từ 2 lên đến 100.
Ngài lập nhóm các nữ tu dòng ba Phan-xi-cô để dạy trong các trường học.
Trong số hơn 80 nhà thờ được xây dựng trong giáo phận, phải kể đến Vương cung thánh đường Phê-rô và Phao-lô mà ngài khởi xướng.
Thánh Gio-an Neumann vóc người nhỏ bé, chẳng bao giờ thấy dồi dào sức khỏe, nhưng với cuộc sống ngắn ngủi, ngài lại làm được những việc lớn lao. Cùng với bổn phận mục vụ, ngài còn dành được thì giờ cho hoạt động văn chương đáng lưu ý.
Ngài viết nhiều bài cho các nhật báo Công giáo cũng như cho các tạp chí định kỳ. Ngài xuất bản hai quyển giáo lý. Vào năm 1849, quyển lịch sử Kinh thánh viết cho các trường học ra đời.
Ngài liên tục hoạt động cho đến hơi thở cuối cùng.
Ngày 5 tháng giêng năm 1860 (48 tuổi) ngài ngã xuống trên một con đường trong thành phố thuộc giáo phận và qua đời không kịp nhận các bí tích sau hết.
Ngài được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI phong Chân phúc ngày 13 tháng 10 năm 1963 và được ghi vào sổ bộ các thánh ngày 19 tháng 6 năm 1977.
Tin mừng theo Thánh Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê su và philipphê và sau đó, qua Philiphê, là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Nathanaen và Đức Giêsu.
Nếu như cuộc diện kiến giữa Đức Giêsu và Philipphê có nhiều thuận lợi ,Thánh Gioan ghi lại: Ông Philipphê là người Betsaida cùng quê với các ông Anrê và Phêrô ( những người đầu tiên đã đi theo làm môn đệ Chúa), để rồi sau đó, Philiphê dễ dàng tin và đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu “ Anh hãy theo tôi”.
Trường hợp theo Chúa của Nathanaen thì không phải thế, Philipphê nói về Chúa Giêsu Nadaret và trình bày cặn kẽ cho Nathanaen biết Ngài chính là Đấng mà kinh thánh đã nói đến, các tiên tri đã loan báo, muôn dân hằng mong đợi, chúng tôi đã gặp và chúng tôi đã đi theo Ngài. Dù vậy, xem ra , giữa sứ điệp được trình bày và người nghe sứ điệp cũng còn một khoảng cách khá lớn, “ từ Nadaret, làm sao có cái gì hay được ?”. Để thu hẹp khoảng cách đó, Philiphê đề nghị một cuộc gặp gỡ :” Cứ đến mà xem !”. Nathanaen đã đến và, không chỉ là để xem những “cái chi hay” mà là gặp được Đức Giêsu, tin và đi theo Người.
Chúa Giêsu kitô chính là Tin Mừng phải được loan báo cho mọi người, mọi nơi, có những mảnh đất tâm hồn màu mỡ, đã được chuẩn bị kỹ càng, nhưng cũng có những mảnh đất khô cằn, gai góc, chẳng mấy thuận lợi. Nhưng hạt giống Tin mừng cần được gieo xuống trên tất cả.
Đời sông của Hội thánh, của tất cả mọi Kitô hữu phải là lời loan báo, lời mời gọi “ hãy đến mà xem!”, không phải chỉ là đến để nghe chúng tôi rao giảng, mà còn thấy chúng tôi, những con người “mến Chúa yêu người” đang diễn tả điều đó thế nào trong cuộc sông hàng ngày, và gặp được Tin Mừng cứu độ là chính Đức Kitô. “ Cái chi hay”, cái độc đáo mà giáo xứ, cộng đoàn chúng ta muốn giới thiệu cho mọi người đến chiêm ngưỡng là gì, đó có phải là đời sống đậm nét Tin Mừng, của đời sống liên đới, của yêu thương, khiêm tốn.
Một giáo xứ nơi vùng quê, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Cha Giáo phận,về việc thực hiện những hành động cụ thể trong năm Đức tin, nhiều người giáo dân đã chủ động chào hỏi, làm quen, thân thiết hơn với những anh chị em lương dân sống cùng địa phương với mình, những gặp gỡ đời thường đó phải chăng là khởi đầu cho việc “ quan tâm đến nhu cầu của mọi anh chị em chung quanh chúng con, nhờ đó họ sẽ được nhận biết Chúa, để chính họ cũng nhận được ơn đức tin đem lại sự sống đời đời”. Thiết nghĩ, đây cũng là một “ cái chi hay”.
Tin Mừng Nước Trời chính là kho báu, Hồng ân cứu độ là viên ngọc quí, nhưng tất cả có thể đang bị vùi chôn , đang bị che lấp bởi chính đời sống thụ động, đời sống cầu an của người tin Chúa. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy cùng Chúa mở rộng kho báu,và hãy cùng nhau trao ban viên ngọc Nước Trời.