2021
ĐỪNG VỤ LUẬT
- 1Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
Dt 6:10-20; Tv 111:1-2,4-5,9-10; Mc 2:23-28
ĐỪNG VỤ LUẬT
Vâng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới này không lung tung lộn xộn, nhưng tất cả đều có qui luật của nó như: sự luân chuyển ngày đêm, tứ thời bát tiết, vạn vật bổ túc giúp nhau sinh tồn… Và khi vận hành trong quĩ đạo, qui luật ấy nó đươc bảo đảm an toàn tốt đẹp. Nếu có gì đó trái với luật tự nhiên thì tai họa sẽ xảy ra – thế giới vật chất cũng thế mà thế giới tâm linh cũng vậy; đối với thế giới tâm linh, lương tâm sẽ là tiếng nói bảo đảm cho qui luật sống của con người và giúp con người cộng tác với Thiên Chúa trong việc hình thành các quy luật sống.
Thiên Chúa đã tạo thành trời đất trong sáu ngày và ngày thứ bẩy Thiên Chúa nghỉ ngơi (Kn 2,2) và trong sách Xuất Hành có lời rằng: Vì trong sáu ngày Giavê đã làm nên trời đất, biển khơi, và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ Bẩy. Bởi thế, Giavê đã chúc lành cho ngày thứ Bảy và tác thành nó. Ngươi sẽ không làm bất cứ việc gì.
Mục đích luật hưu lễ là bảo vệ tự do và sức khỏe của con người và nhắc nhở con người dâng ngày nghỉ để hướng về Thiên Chúa, với tâm tình biết ơn và kính mến. Đồng thời cũng hướng về tha nhân, thăm viếng giúp đỡ nhau và gây tình người, đừng quá tham lam mà khai thác sức lao động, con cái hay người làm công. Nhưng các luật sĩ và Pharisiêu thời Chúa Giêsu vì quá vụ luật đã biến niềm vui ngày nghỉ thành một thứ gò bó đến nỗi họ kết tội vi phạm ngày Thánh, cả việc luật cho phép. Khi lỡ đàng mà đói, được bứt vài bông lúa mà nhai để dưỡng sức, thành tội bất kính ngày Thánh.
Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này nhắc cho các ông bác ái tính của luật hưu lễ, khi Chúa trưng ra việc Vua đavít và các tùy tùng của Vua, vì thiếu thốn và đói, nên vào xin bánh vị thượng tế A-bi-a-tha- Thượng tế không có bánh nào khác ngoài bánh tiến, mà theo luật chỉ có các tư tế mới được ăn. Nhưng Thượng tế đã lấy bánh tiến đó cho Vua và đoàn tùy tùng của Vua ăn. vì cần bảo vệ sự sống.
Vì thế, Luật lệ là một yếu tố không thể thiếu trong xã hội loài người. Không một tổ chức, xã hội nào tồn tại nếu không có luật lệ. Xã hội có luật của xã hội, tôn giáo có luật của tôn giáo, đoàn thể có luật của đoàn thể, công ty có luật của công ty, mỗi quốc gia, dân tộc đều có luật lệ cho riêng mình….Luật lệ phục vụ đời sống con người, giúp cho thế giới phát triển phong phú, bảo vệ quyền lợi con người và làm cho đời sống con người thêm an toàn hạnh phúc. Do đó thi hành luật lệ chính là bổn phận của mỗi con người trong xã hội. Và cũng vì vậy, nếu có luật lệ nào trái với những qui tắc trên thì chắc chắn nó cần phải xét lại.
Tin mừng hôm nay nói đến luật ngày sa-bát – một điều luật quan trọng bậc nhất của người Do Thái. Cũng như mọi tổ chức xã hội, dân tộc Do Thái cũng có luật cho riêng mình. Nhưng luật của họ lại rất đặc biệt vì nó là quà tặng, là giới răn của Thiên Chúa. Đó chính là 10 điều răn Thiên Chúa đã ban cho dân riêng của Người qua trung gian ông Môsê.
Trong 10 giới răn, luật giữ ngày sa-bát có một tầm quan trọng đặc biệt: “Ngươi hãy nhớ đến ngày hưu lễ để tác thánh ngày ấy. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là hưu lễ kính Giavê Thiên Chúa của ngươi; ngươi sẽ không làm bất cứ việc nào, ngươi và con trai con gái ngươi, tớ trai tớ gái của ngươi, thú vật của ngươi và khách ngụ cư ở bên trong cổng thành ngươi. Vì trong sáu ngày Thiên Chúa đã làm nên trời đất, biển cả và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy; bởi thế Thiên Chúa đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thánh nó.”
Ngày sabát vốn khó đến nỗi dân sự phải làm lụng khó nhọc hơn công việc trong 6 ngày kia của tuần lễ để không làm việc trong ngày sa-bát. Và vì thế không có gì phải ngạc nhiên khi Chúa Giêsu gọi chúng là “gánh nặng” (11.28).” Luật lệ của người Do Thái chi li như thế, và những người Pha-ri-sêu là những người đặc biệt giữ luật hết sức tỉ mỉ, nên chúng ta không lạ gì khi họ bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu đã bứt lúa khi đi đường trong ngày sa-bát.
Vì họ cho rằng bứt lúa là làm công việc của người thợ gặt và chà xát lúa trên tay là làm công việc của người thợ xay. Quá chú trọng đến hình thức của luật mà họ quên đi cốt lõi của luật là tình yêu; Thiên Chúa ban cho họ luật là để họ có thể sống hạnh phúc hơn trong tình Chúa, tình người chứ không phải để họ giữ luật vì luật cách khổ sở. Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho con người quyền làm chủ. Vì vậy mà ở đây, Chúa Giêsu nhắc lại quyền ấy cho họ hiểu : “Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. (28) Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”
Ngày hôm nay chúng ta thường giữ luật vì cái gì? Có những người thiếu hiểu biết, thiếu tình yêu nên thường tìm cách né luật, trốn luật, không tôn trọng luật chung và nhiều khi còn có những hình thức gây rối. Có những người lại quá nệ luật, biến luật thành ông chủ và trở thành khắt khe, thiếu bao dung, thiếu tình bác ái. Chúng ta nên nhớ ưu tiên của luật là phục vụ cho hạnh phúc con người. Do đó phải có sự tế nhị, có tình yêu thực sự trong tâm hồn thì chúng ta mới có thể giữ luật cách tự do, tròn đầy và làm cho cuộc sống của mình cũng như của tha nhân được sung mãn.
Tin mừng hôm nay đặc biệt nói đến việc giữ luật ngày “của Chúa”. Người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi dành riêng ngày Chúa nhật cho Thiên Chúa để thờ phượng, tạ ơn vì biết bao ơn lành chúng ta đã lãnh nhận nơi tay Ngài, nhất là tưởng niệm, kính nhớ sự thương khó và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô bằng việc tham dự Thánh lễ, cùng nhau hiệp thông trong niềm tin, trong tình liên đới và huynh đệ. Đồng thời đó cũng là ngày để chúng ta quan tâm tới nhau, chia sẻ với nhau trong tình yêu, nơi gia đình, trong lối xóm, làm việc tông đồ, từ thiện, bác ái… (GLHTCG, 2011 s. 2186. 2188. 2289. 2247); vì thế, chúng ta hãy xét lại tinh thần giữ luật của mình trong cuộc sống nói chung và đặc biệt cách riêng ngày chúa nhật.
2021
ĂN THEO THUỞ – Ở THEO THỜI
18.1 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
Dt 5:1-10; Tv 110:1,2,3,4; Mc 2:18-22
ĂN THEO THUỞ – Ở THEO THỜI
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông…Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Khi có mấy môn đệ của ông Gioan đến gặp Chúa Giêsu thắc mắc về chuyện họ phải ăn chay trong khi môn đệ của Chúa thì không. Bấy giờ Chúa Giêsu dùng ba hình ảnh để so sánh và giải thích cho họ hiểu rõ tinh thần của việc giữ luật ăn chay.
Thứ nhất: Hình ảnh tiệc cưới:“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”. Khi khẳng định điều này, Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi nhưng Người so sánh việc giữ chay giống như niềm vui của thực khách khi dự tiệc cưới. Theo quan niệm của người phương Đông, hôn lễ là ngày “đại hỷ”, là thời gian đặc biệt chứa chan niềm vui.Những vị khách cụ thể là những bạn hữu của chú rể phải góp phần tạo niềm vui cho đôi tân hôn.
Vì thế khách mời mà giữa chay khi dự tiệc cưới là không xứng hợp.Theo lối nhìn của các nhà chú giải Kinh Thánh, hôn lễ còn ám chỉ thời cứu độ của Thiên Chúa đã nói trong sách Isaia: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (61,10). Khi thời Cứu Độ đến mọi người sẽ hớn hở vui mừng, áo quần xúng xính chỉn chu như cô dâu chú rể trong ngày tân hôn.
Một lần nữa thánh sử Maccô nhấn mạnh về thời cứu độđó là lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban niềm vui và hạnh phúc cho muôn dân. Chúa Giêsu đến khai mạc thời cánh chung, mở ra chân trời mới đầy hy vọng. Khi có Chúa Giêsu hiện diện, các môn đệ sẽ tận hưởng được niềm vui và cònlan tỏa niềm vui ấy cho mọi người nên họ sẽ không ăn chay. Chúa Giêsu sẽ đến thiết lập trời mới đất mới, khải hoàn vinh thắng, lúc ấy mọi tạo vật reo vui vì không còn phải “rên xiết mong ngóng chờ ngày cứu độ”.
Thứ hai: hình ảnh rượu chứa trong bầu da. Chúa Giêsu dùng hình ảnh rất quen thuộc về cách chứa rượu của người Do Thái.Thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.
Thứ ba: hình ảnh vá áo. Chúa Giêsu dùng hình ảnh một người lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng. Có thể nói đây là một cuộc cách mạnglề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ luật nặng nề để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì chẳng có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì việc ăn chay cũng chỉ là thái độ giả hình.
Qua ba hình ảnh trên, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đi vào sự kết hợp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa, thao thức kiếm tìm ý nghĩa đích thực của Tin Mừng giữa những điều luật buộc phải giữ. “Rượu mới, bầu cũng phải mới”, cái “mới” ở đây không phá bỏ cái “cũ” nhưng đã được chắt lọc từ sự tinh hoa của cái cũ. Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đềnrăng” thì luật mới phải vượt lên sự hiềm thù đền trả 1-1 mà là “nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 39-42).
Đời sống xã hội hôm nay đang từng ngày đổi thay, vì thế Giáo Hội cũng luôn trăn trở đi tìm cách thế hữu hiệu nhất để loan báoTin Mừng hầu cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình. Giáo hội Chúa Kitô phải là giáo hội của người nghèo, luôn lắng nghe và đồng cảm với người nghèo. Sở dĩ Tin Mừng chưa được nhiều người đón nhận vì cách rao giảng của chúng ta có phần chưa phù hợp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tâm linh nơi con người. Ước gì mỗi kitô hữu biết đến với mọi người bằng cung cách phục vụ khiêm tốn như Chúa Giêsu, bằng niềm hân hoan của thực khách trong đại tiệc hôn lễ, bằng nỗi khao khát hướng đến điều trọn lành.
Chúa Giêsu đã đến giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc cũ kỹ của mọi tính hư nết xấu và tội lỗi. Xin cho chúng ta được biến đổi nên những người biết sẵn sàng lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần mà có thái độ sống đạo linh hoạt, sống động phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người.
Tin Mừng không thể đi đôi với những gì thuộc về quá khứ, vải cũ, bầu rượu cũ chỉ là những thực hành cũ kỹ của người Do thái. Do đó với thông điệp của Chúa Giêsu, người rao giảng Tin Mừng phải là cuộc tiến hóa, hay một sự khai triển những khởi điểm mới. Tin Mừng hôm nay trình bày đối lập giữa cũ và mới, cho thấy hình ảnh chú rể hân hoan trong ngày cưới, ngay cả mọi người dòng họ, bạn bè, thân quen cũng vui mừng vì “chẳng có khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay”. Và câu trả lời của Chúa Giêsu về việc chay tịnh là không làm mất đi niềm vui nhưng lại là sống một tinh thần mới không bị gò bó lề luật.
Qua hình ảnh chú rể là Chúa Giêsu, bữa tiệc cưới là ơn cứu độ, qua đó con người biết sống Tin Mừng trong tinh thần mới. Có như thế người nào biết sống Tin Mừng mới mới là người môn đệ đích thực của Chúa vì đơn giản : ăn theo thuở – ở theo thời nghĩa là ăn ở theo cung cách Chúa mời gọi.
2021
Chúa Nhật Tuần 2 Mùa Thường Niên
Chúa Nhật Tuần 2 Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 65,4
Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa,
đàn ca mừng Thánh Danh,
lạy Chúa Trời cao cả.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Hr 5,1-10
Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
1 Thưa anh em, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. 2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối ; 3 mà vì yếu đuối, nên vị thượng tế phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. 4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi. 5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, 6 như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác : Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. 7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, 10 vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Đáp ca
Tv 109,1.2.3.4 (Đ. c.4b)
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
1Sấm ngôn của Đức Chúa
ngỏ cùng Chúa Thượng tôi :
“Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.”
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
2Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng
quyền vương đế của Ngài :
Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
3Đức Chúa phán bảo rằng :
“Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,
vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.
Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,
tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con.”
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
4Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời,
rằng : “Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.”
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Tung hô Tin Mừng
Hr 4,12
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mc 2,18-22
Chàng rể còn ở với họ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
18 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Kitô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Người đã thực hiện một công trình kỳ diệu này/ là kêu gọi chúng con bỏ đàng tội lỗi, thoát ách sự chết, tới ánh vinh quang. Nhờ đó, giờ đây chúng con được gọi là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, chủng tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để chúng con loan truyền khắp nơi quyền năng Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con từ chốn tối tăm tới nơi sáng láng diệu kỳ của Chúa.
Vì thế, cùng với Thiên thần và tổng lãnh Thiên Thần, các Bệ Thần và Quản Thần, cùng toàn thể đạo Binh Thiên Quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng.
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 22,5
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
chén của con chan chứa rượu nồng.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin …
2021
Cần lòng Chúa thương xót hơn
- 1
Thứ Bảy trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
Dt 4:12-16; Tv 19:8,910,15; Mc 2:13-17
CẦN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT HƠN
Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: “Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.
Câu chuyện Chúa Giê-su gọi Lê-vi và thái độ đáp trả của ông là một câu chuyện thật đẹp, đầy tình người, đầy tính nhân bản và đầy tình xót thương của Thiên chúa – một vị Thiên Chúa yêu thương, tôn trọng phẩm giá và coi trọng nhân vị mỗi con người; bởi vì mỗi người là độc nhất vô nhị trước mặt Thiên Chúa. Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, Người biết sự quí giá của mỗi con người, Người biết sứ mạng của Người là đến trần gian để giải thoát và cứu vớt, đem về cho Thiên Chúa những con người còn đang bị bóng đêm tội lỗi khiến cho lầm lạc và bị ách đau khổ đè nặng; Người đến để loan báo cho con người biết tình thương và ý định của Thiên Chúa là muốn cho họ được hạnh phúc.
Ta thấy Chúa Giêsu đã nhìn Lê-vi không phải như nhìn một khúc gỗ mục bỏ đi, nhưng là một viên ngọc lấm bùn, chỉ cần chùi rửa, mài dũa là sáng lên lấp lánh ánh hào quang rực rỡ. Người cũng nhìn mỗi người chúng ta như vậy.
Và như thế, chúng ta đừng bao giờ thất vọng về những yếu đuối của bản thân, nhưng hãy can đảm chạy đến với Chúa để được ơn chữa lành. Mặc dù không được như Lê-vi, người đã mau mắn và triệt để đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cố gắng đáp lại tiếng Chúa mời gọi chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống. Có thể Chúa mời gọi chúng ta tha thứ cho một ai đó, là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng hay là một thành viên trong gia đình của mình. Cũng có thể Chúa mời gọi chúng ta bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ cho tha nhân, người đang gặp đau khổ, đang lâm cảnh khó khăn, bế tắc…. Mỗi một lời đáp trả trong yêu thương là một bước chúng ta đến gần với Chúa Giêsu và gắn bó với sứ mạng của Người trong cuộc sống.
Trình thuật Tin mừng hôm nay cũng là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta phải luôn biết cảnh giác và hồi tâm tự kiểm. Bởi vì, rất thường khi nghe nói đến những người tội lỗi, chúng ta hay nghĩ đến những kẻ phạm tội công khai, lỗi tầy đình mà lại không hề nghĩ đến chính mình. Chúng ta dễ ‘nhìn thấy cái rơm trong mắt anh em mà không nhìn thấy cái xà trong mắt của mình’. Chúng ta dễ dàng đứng trong vai thẩm phán để lên án, xét đoán tha nhân mà không biết rằng chỉ có Chúa mới có quyền xét xử (Gc 4,12). Chúng ta muốn người khác khoan dung với những yếu đuối của mình, nhưng chúng ta lại khắt khe với những lầm lỡ của tha nhân, nhất là khi những lỗi lầm ấy xúc phạm đến chính chúng ta, làm tổn thương chúng ta….
Do đó, để có thể cảm thông và tha thứ chúng ta còn cần rất nhiều ơn Chúa; cần phải chiêm ngắm lòng nhân hậu và thương xót Chúa luôn luôn và xin Chúa giúp chúng ta nên giống Người trong tình yêu và lòng thương xót.
Ngày hôm nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên.
Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Mỗi người chúng ta đều cần đến tình yêu, lòng thương xót và ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Có lời một bài hát: “Khi tôi lầm lỡ mới biết sớt chia với người lỡ lầm”; nếu chúng ta cứ đứng trên phương diện cho mình là người công chính thì chúng ta thường dễ dàng lên án những lầm lỗi, yếu đuối của tha nhân, điển hình như những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu trong trình thuật Tin mừng hôm nay. Nhưng nếu biết tự kiểm bản thân, chúng ta sẽ thấy rằng mình cũng chỉ là tội nhân, là người có nhiều lầm lỗi, mắc nhiều căn bệnh trầm kha trong tinh thần. Tuy nhiên, thật hạnh phúc thay, chúng ta không bị ruồng rẫy, từ bỏ; nhưng có một thầy thuốc luôn tìm kiếm và sẵn lòng chữa trị cho chúng ta, đó là chính Thiên Chúa của chúng ta – Đức Giêsu Ki-tô. Do đó, tới lượt chúng ta, chúng ta cũng phải biết cảm thông với những yếu đuối của tha nhân.