ĐỪNG VỤ LUẬT
- 1Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
Dt 6:10-20; Tv 111:1-2,4-5,9-10; Mc 2:23-28
ĐỪNG VỤ LUẬT
Vâng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới này không lung tung lộn xộn, nhưng tất cả đều có qui luật của nó như: sự luân chuyển ngày đêm, tứ thời bát tiết, vạn vật bổ túc giúp nhau sinh tồn… Và khi vận hành trong quĩ đạo, qui luật ấy nó đươc bảo đảm an toàn tốt đẹp. Nếu có gì đó trái với luật tự nhiên thì tai họa sẽ xảy ra – thế giới vật chất cũng thế mà thế giới tâm linh cũng vậy; đối với thế giới tâm linh, lương tâm sẽ là tiếng nói bảo đảm cho qui luật sống của con người và giúp con người cộng tác với Thiên Chúa trong việc hình thành các quy luật sống.
Thiên Chúa đã tạo thành trời đất trong sáu ngày và ngày thứ bẩy Thiên Chúa nghỉ ngơi (Kn 2,2) và trong sách Xuất Hành có lời rằng: Vì trong sáu ngày Giavê đã làm nên trời đất, biển khơi, và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ Bẩy. Bởi thế, Giavê đã chúc lành cho ngày thứ Bảy và tác thành nó. Ngươi sẽ không làm bất cứ việc gì.
Mục đích luật hưu lễ là bảo vệ tự do và sức khỏe của con người và nhắc nhở con người dâng ngày nghỉ để hướng về Thiên Chúa, với tâm tình biết ơn và kính mến. Đồng thời cũng hướng về tha nhân, thăm viếng giúp đỡ nhau và gây tình người, đừng quá tham lam mà khai thác sức lao động, con cái hay người làm công. Nhưng các luật sĩ và Pharisiêu thời Chúa Giêsu vì quá vụ luật đã biến niềm vui ngày nghỉ thành một thứ gò bó đến nỗi họ kết tội vi phạm ngày Thánh, cả việc luật cho phép. Khi lỡ đàng mà đói, được bứt vài bông lúa mà nhai để dưỡng sức, thành tội bất kính ngày Thánh.
Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này nhắc cho các ông bác ái tính của luật hưu lễ, khi Chúa trưng ra việc Vua đavít và các tùy tùng của Vua, vì thiếu thốn và đói, nên vào xin bánh vị thượng tế A-bi-a-tha- Thượng tế không có bánh nào khác ngoài bánh tiến, mà theo luật chỉ có các tư tế mới được ăn. Nhưng Thượng tế đã lấy bánh tiến đó cho Vua và đoàn tùy tùng của Vua ăn. vì cần bảo vệ sự sống.
Vì thế, Luật lệ là một yếu tố không thể thiếu trong xã hội loài người. Không một tổ chức, xã hội nào tồn tại nếu không có luật lệ. Xã hội có luật của xã hội, tôn giáo có luật của tôn giáo, đoàn thể có luật của đoàn thể, công ty có luật của công ty, mỗi quốc gia, dân tộc đều có luật lệ cho riêng mình….Luật lệ phục vụ đời sống con người, giúp cho thế giới phát triển phong phú, bảo vệ quyền lợi con người và làm cho đời sống con người thêm an toàn hạnh phúc. Do đó thi hành luật lệ chính là bổn phận của mỗi con người trong xã hội. Và cũng vì vậy, nếu có luật lệ nào trái với những qui tắc trên thì chắc chắn nó cần phải xét lại.
Tin mừng hôm nay nói đến luật ngày sa-bát – một điều luật quan trọng bậc nhất của người Do Thái. Cũng như mọi tổ chức xã hội, dân tộc Do Thái cũng có luật cho riêng mình. Nhưng luật của họ lại rất đặc biệt vì nó là quà tặng, là giới răn của Thiên Chúa. Đó chính là 10 điều răn Thiên Chúa đã ban cho dân riêng của Người qua trung gian ông Môsê.
Trong 10 giới răn, luật giữ ngày sa-bát có một tầm quan trọng đặc biệt: “Ngươi hãy nhớ đến ngày hưu lễ để tác thánh ngày ấy. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là hưu lễ kính Giavê Thiên Chúa của ngươi; ngươi sẽ không làm bất cứ việc nào, ngươi và con trai con gái ngươi, tớ trai tớ gái của ngươi, thú vật của ngươi và khách ngụ cư ở bên trong cổng thành ngươi. Vì trong sáu ngày Thiên Chúa đã làm nên trời đất, biển cả và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy; bởi thế Thiên Chúa đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thánh nó.”
Ngày sabát vốn khó đến nỗi dân sự phải làm lụng khó nhọc hơn công việc trong 6 ngày kia của tuần lễ để không làm việc trong ngày sa-bát. Và vì thế không có gì phải ngạc nhiên khi Chúa Giêsu gọi chúng là “gánh nặng” (11.28).” Luật lệ của người Do Thái chi li như thế, và những người Pha-ri-sêu là những người đặc biệt giữ luật hết sức tỉ mỉ, nên chúng ta không lạ gì khi họ bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu đã bứt lúa khi đi đường trong ngày sa-bát.
Vì họ cho rằng bứt lúa là làm công việc của người thợ gặt và chà xát lúa trên tay là làm công việc của người thợ xay. Quá chú trọng đến hình thức của luật mà họ quên đi cốt lõi của luật là tình yêu; Thiên Chúa ban cho họ luật là để họ có thể sống hạnh phúc hơn trong tình Chúa, tình người chứ không phải để họ giữ luật vì luật cách khổ sở. Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho con người quyền làm chủ. Vì vậy mà ở đây, Chúa Giêsu nhắc lại quyền ấy cho họ hiểu : “Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. (28) Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”
Ngày hôm nay chúng ta thường giữ luật vì cái gì? Có những người thiếu hiểu biết, thiếu tình yêu nên thường tìm cách né luật, trốn luật, không tôn trọng luật chung và nhiều khi còn có những hình thức gây rối. Có những người lại quá nệ luật, biến luật thành ông chủ và trở thành khắt khe, thiếu bao dung, thiếu tình bác ái. Chúng ta nên nhớ ưu tiên của luật là phục vụ cho hạnh phúc con người. Do đó phải có sự tế nhị, có tình yêu thực sự trong tâm hồn thì chúng ta mới có thể giữ luật cách tự do, tròn đầy và làm cho cuộc sống của mình cũng như của tha nhân được sung mãn.
Tin mừng hôm nay đặc biệt nói đến việc giữ luật ngày “của Chúa”. Người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi dành riêng ngày Chúa nhật cho Thiên Chúa để thờ phượng, tạ ơn vì biết bao ơn lành chúng ta đã lãnh nhận nơi tay Ngài, nhất là tưởng niệm, kính nhớ sự thương khó và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô bằng việc tham dự Thánh lễ, cùng nhau hiệp thông trong niềm tin, trong tình liên đới và huynh đệ. Đồng thời đó cũng là ngày để chúng ta quan tâm tới nhau, chia sẻ với nhau trong tình yêu, nơi gia đình, trong lối xóm, làm việc tông đồ, từ thiện, bác ái… (GLHTCG, 2011 s. 2186. 2188. 2289. 2247); vì thế, chúng ta hãy xét lại tinh thần giữ luật của mình trong cuộc sống nói chung và đặc biệt cách riêng ngày chúa nhật.