2020
Gương tuyệt vời của Mẹ Maria
GƯƠNG TUYỆT VỜI CỦA MẸ MARIA
Khi Mẹ Maria tới thăm người chị họ là bà Elizabeth, ngay giờ phút đầu tiên mới gặp nhau, bà Elizabeth đã cất lời ca ngợi Mẹ là Người có phúc nhất trong giới phụ nữ; Mẹ Maria đã hân hoan vui sướng ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa vì Mẹ đã cảm nghiệm sâu sắc tình thương Thiên Chúa dành cho Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi.”
Bài ca ngợi khen Đức Chúa bật ra trên môi Maria sau khi bà Êlisabét cất tiếng ca ngợi Mẹ. Êlisabét ca ngợi Maria là người được chúc phúc hơn mọi phụ nữ vì Mẹ đang cưu mang trong dạ Đấng Cứu Tinh. Bà còn ca ngợi Maria có phúc vì đã dám tin vào lời Chúa phán, và dám liều để cho lời ấy dẫn dắt đời mình. Nhờ được tràn đầy Thánh Thần, Êlisabét mới biết được Tin Vui mà Maria tưởng rằng đó là bí mật chỉ riêng mình biết. Khi đứng trước bà chị cao niên đang mang thai, Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần nói, và vào mầu nhiệm đang âm thầm lớn lên nơi cung lòng mình.
Và ta thấy bài ca ngợi của Mẹ Maria cũng là bài ca ngợi của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa qua bài Thánh ca Tin Mừng trong giờ kinh chiều hàng ngày. Những gì Chúa để cho xảy đến với Mẹ, dù Mẹ không hiểu, dù gây cho Mẹ nhiều khổ đau, nhưng Mẹ vẫn không than trách, không bi luỵ, không tuyệt vọng. Trái lại Mẹ dâng lời tạ ơn Chúa, và nhận ra đó là việc Chúa làm. Mẹ đã đón nhận tất cả như quà tặng ân ban của Chúa từ khi đón nhận lời Thiên sứ truyền tin cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá.
Khi bà chị Êlisabét ca ngợi Mẹ, thì Mẹ hân hoan ca ngợi Thiên Chúa. Maria nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của Mẹ (c. 47). Nếu Mẹ được đầy ân sủng, được Chúa ở cùng và được đẹp lòng Ngài, nếu Mẹ được thụ thai Con Đấng Tối Cao nhờ Thánh Thần (Lc 1, 28-35), thì đó không phải là do công của Mẹ, nhưng là ơn của Chúa. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (c. 49). Maria không có một sự khiêm nhường giả tạo về mình. Khiêm nhường thực sự là nhìn nhận sự thật. Mẹ nhìn nhận những điều độc nhất vô nhị Chúa làm cho đời mình. Ngài đã nhìn xuống đời Mẹ, cuộc đời thấp hèn của một tỳ nữ. Và cái nhìn cúi xuống của Ngài đã nâng Mẹ lên cao, khiến cho muôn thế hệ phải ngợi khen, tôn kính (c. 48).
Mẹ đã vui mừng hớn hở vì Mẹ cũng như mọi người thời đó đang hết sức chờ mong “Đấng Cứu Thế”. Không vui sướng sao được vì nay không những Đấng Cứu Thế đã đến, mà còn đến ngay trong cung lòng của Mẹ. Mẹ tuyệt vời vui sướng, nhưng không phải vì thế mà Mẹ tỏ ra vênh vang, lên mặt với mọi người, ngược lại với lòng khiêm nhượng thẳm sâu, Mẹ nói mình không xứng đáng được ơn trọng đại này (ơn làm Mẹ Đấng Cứu Thế) qua lời : “Phận Nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới”. Người mẹ của một vị vua trần thế, họ tỏ vẻ sang trọng và cung cách của họ tỏ ra quí phái biết chừng nào thế nào. Mẹ Maria thì ngược lại, Mẹ suy nghĩ : ơn trọng đại này là hoàn toàn do tình thương của Thiên Chúa ban cho Mẹ: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại”.
Nhìn vào cuộc đời Mẹ, ta thấy suốt cuộc đời Mẹ luôn là bài ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Còn chúng ta, khi được ai khen ngợi một chút đã vênh vang và coi đó là tài năng của mình. Chúng ta thường quên những gì chúng ta có được là hoàn toàn do lòng thương yêu Thiên Chúa dành cho mình. Chúng ta cần học nơi Mẹ lòng khiêm tốn thẳm sâu, nhất là những khi được người khác khen ngợi; để chúng ta luôn khiêm tốn ca tụng Thiên Chúa vì những ơn huệ đó.
Mẹ Maria còn giới thiệu cho chúng ta lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người, nếu mỗi người trong chúng ta biết tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa : “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Chúng ta tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa qua việc chúng ta tuân giữ Lời Chúa và các giới răn cũng như các huấn lệnh Chúa truyền qua Giáo Hội.
Một tấm gương nữa chúng ta học được nơi Mẹ là Mẹ luôn quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh, như việc Mẹ đến thăm bà Elizabeth và còn ở lại giúp đỡ bà ba tháng nữa; Cũng như trong tiệc cưới tại Cana, Mẹ đã can thiệp kịp thời khi chủ tiệc hết rượu, mà duy chỉ mình Mẹ nhận ra, Mẹ nói với Chúa Giesu: “Họ hết rượu rồi”.
Chúng ta cần học nơi Mẹ sự quan tâm đến nhu cầu của những người sống chung quanh và sẵn sàng đưa tay giúp họ với một tình yêu vô vị lợi. Xã hội ngày nay người ta chỉ phục vụ khi có lợi nhuận hay chức quyền chứ khó tìm thấy người phục vụ một cách vô vị lợi.
Maria đã ở lại với bà chị họ độ ba tháng mới trở về nhà. Ba tháng mang thai đầu tiên của một người mẹ trẻ đâu có dễ. Maria đã ở lại để phục vụ cho bà Êlisabét gần ngày sinh. Mẹ quên gánh nặng của mình để mang gánh nặng của người khác. Êlisabét hẳn là vui vì được hầu hạ bởi Thân Mẫu Chúa. Gioan trong bụng mẹ sung sướng vì được gần Đấng Thiên Sai. Ít khi ta suy niệm chuyện Đức Maria mang thai hơn chín tháng. Thai Nhi Giêsu lớn dần lên từng ngày trong dạ mẹ, chờ ngày chào đời. Tình Mẹ-Con cũng lớn lên, thân thiết, gần gũi. Mang thai và sinh con là niềm vui, nhưng đòi bao hy sinh nhọc nhằn, nhất là vào thời xưa, khi vệ sinh và tiện nghi không có. Để sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay, vẫn cần có những Maria chấp nhận cưu mang, chấp nhận vượt cạn, chấp nhận kiên nhẫn chờ đợi để sinh những Giêsu cứng cáp cho thế giới.
Thiên Chúa thường thực hiện những điều đi ngược với ý nghĩ của loài người: “Chúa giơ tay biểu dương quyền lực, diệt trừ hạng kiêu căng, đề cao kẻ khiêm nhường”. Mỗi người hãy cảm nghiệm tình yêu thương Thiên Chúa đã, đang thực hiện trong cuộc đời mình và học nơi Đức Maria tâm tình ca ngợi tạ ơn Chúa và luôn phó thác cuộc đời mình cho bàn tay Chúa quan phòng: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”.
Và mỗi người chúng ta sau khi đã cảm nghiệm được tình thương Chúa dành cho mình, chúng ta hãy vui tươi, phấn khởi và luôn nhớ rằng chúng ta có Mẹ là mẫu gương và là Người dẫn dắt cuộc đời chúng ta.
2020
Tình yêu sẻ chia
21 08 Tm Thứ Hai tuần 4 MV.
Thánh Phêrô Canixiô, Lmtsht.
Dc 2,8-14; Lc 1,39-45
TÌNH YÊU SẺ CHIA
Maria một thiếu nữ vô danh, con của một gia đình làng quê Nazareth được Thiên Chúa lựa chọn làm người cưu mang Ðấng Cứu Thế, Con của Ngài. Phước lành Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Trong dòng lịch sử thế giới và lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã ban cho con người không biết bao nhiêu là phước lành, nhưng phước lành cao quí và trọng đại nhất là Ngài đã ban chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế cho nhân loại.
Đức Maria lãnh nhận được một niềm vui cao trọng là cưu mang Con Một Thiên Chúa trong cung lòng của mình. Niềm vui cao trọng ấy đã không đưa Mẹ đến với thái độ tự cao, tự đại. Nó cũng không đưa Mẹ đến chỗ khép kín lòng mình để hưởng riêng hạnh phúc ấy. Nhưng ngay lập tức, Mẹ đã lên đường để chung chia niềm vui với người chị họ của mình là Elizabet. Niềm vui sâu thẳm đó đã không ngăn nổi bước chân yếu mền của người phụ nữ, trước vạn dặm xa xôi, đường xá cách trở để viếng thăm người chị họ của mình.
Mẹ đã cưu mang Tình yêu và Mẹ đã có tình yêu thực sự trong tâm hồn của Mẹ.
Tình yêu thực sự trong tâm hồn đòi phải được biểu lộ ra ngoài bằng hành động: Đức Maria đã thể hiện đức bác ái cụ thể bằng việc đi bước trước đến thăm bà chị họ Êlisabét khi vừa hay tin bà có thai trong lúc tuổi già và cái thai đến nay đã được sáu tháng.
Sau khi được sứ thần cho biết bà chị họ là Êlisabét đã có thai, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng. Cuộc viếng thăm của Maria vừa đem lại niềm vui cho gia đình Dacaria, vừa nói lên đức bác ái cụ thể của Đức Maria đối với bà chị họ, khi bà sắp tới ngày sinh con. Cuộc gặp gỡ cũng đem lại ơn cứu độ của Đấng Mêsia cho thai nhi Gioan, thể hiện qua sự kiện nhảy mừng trong lòng mẹ. Nhờ được Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét đã nhận ra cô em Maria chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai và bà đã ca tụng Maria diễm phúc vì đã tin vào Lời Chúa.
Hai bà mẹ gặp nhau tạo điều kiện cho hai thai nhi gặp nhau. Ðấng Cứu độ nhân loại đi thăm vị Tiền hô của mình. Cuộc gặp gỡ thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần. Thánh Thần vẫn luôn tác động trên Ðức Maria, và làm cho thai nhi Giêsu lớn lên từng ngày. Thánh Thần đã đầy tràn Gioan từ trong lòng mẹ khiến ông nhận ra Ðức Kitô và nhảy mừng chào đón. Thánh Thần bỗng chốc đến với bà Êlisabét làm bà nhận ra điều mắt thường không thấy được, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Ðấng Cứu Thế.
Lời chào của bà Elizabeth khi thấy Trinh Nữ Maria đến thăm mình và lời kinh chúc tụng của Trinh Nữ Maria đều khen đến cách thế Thiên Chúa lựa chọn con đường dẫn Ngài đến cuộc gặp gỡ cứu độ loài người. Con đường bé nhỏ nghèo nàn, khiêm tốn và kín nhiệm. Nhiều người không chịu được ý tưởng Con Thiên Chúa phải nhập thể làm người trong lòng một phụ nữ, và mở mắt chào đời từ cung lòng của một bà mẹ. Do đó, câu chào của bà Elizabeth: “Em ơi,Em thật có phúc hơn mọi người phụ nữ và Giêsu con em được chúc phúc” khiến cho họ khó chịu.
Maria đem đến cho Êlisabét niềm vui và sự phục vụ, nhưng chính Mẹ cũng nhận được sự đỡ nâng. Mẹ xác tín hơn về lời thiên sứ loan báo cho mình, khi Mẹ thấy quả thật bà chị hiếm muộn đã có thai. Mẹ ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận trong lòng tin, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà đã khiến Mẹ cất lời ngợi khen Thiên Chúa (Lc 1, 46-55).
Cuộc đi thăm nào cũng làm tôi hiểu hơn về mình, và ý thức sâu hơn về những ơn tôi đã lãnh nhận. Maria biết mình có phúc hơn mọi phụ nữ vì Mẹ được chọn để cưu mang Ðấng Mêsia. Maria biết mình diễm phúc, vì dám tin vào Lời Chúa. Cuộc gặp gỡ với bà Êlisabét giúp Maria vững tin hơn vào tính khách quan của kinh nghiệm mình được gặp Chúa.
Tình người trong cuộc sống là sợi dây vô hình giúp chúng ta cảm thấy nhẹ gánh và dễ dàng thăng tiến hơn. Khi mà thế giới này đang đưa con người đến chỗ ích kỷ, hờ hững, thờ ơ với nhau thì mỗi chúng ta được mời gọi hãy mạnh dạn lên đường trao ban và chia sẽ cả niềm vui lẫn nỗi buồn của cuộc sống.
Đức Maria viếng thăm phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Êlidabet. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau. Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của người tín hữu.
Hãy bước ra khỏi những giam hãm của sự nhỏ nhen, vụ lợi để gặp gỡ và tận hưởng cuộc sống. Dẫu là những cử chỉ nhỏ bé như những nụ cười, lời thăm hỏi, hay những cái bắt tay nhưng nó sẽ có giá trị to lớn, bởi chính những giây phút đó, ơn lành của Thiên Chúa đang được hiện diện giữa tình người thân thương ấy.
2020
Tin vào quyền năng của Chúa
19 06 Tm Thứ Bảy tuần 3 MV.
Tl 13,2-7.24-25a; Lc 1,5-25
TIN VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA
Thiên Chúa thường tuyển chọn những người này người kia để thi hành một sứ mạng xác định, vì lợi ích của dân Chúa. Tỷ như ở bài đọc 1 trích trong Thủ Lãnh hôm nay, Thiên Chúa đã chọn Samson khi ông còn đang thành hình trong lòng mẹ để qua ông, Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng của Người.
Trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy tình thương, quyền năng và sự tuyển chọn của Thiên Chúa ngang qua ơn gọi của Gioan.
“Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được”. Hai người đàn bà son sẻ vợ của Zacharia và Manuel, tuổi đã già vậy mà sinh được hai người con là Gioan tẩy Giả và Samson. Theo tục lệ Á Ðông xưa của chúng ta có nói: “Nữ thập tam, nam thập lục”. Nghĩa là người nữ khoảng mười ba đến bốn mươi tuổi là cơ thể bắt đầu biến đổi để có thể chuẩn bị trở thành một người mẹ.
Luật Giáo Hội xác định mười sáu tuổi, mà đa số các quốc gia chấp nhận mười tám tuổi là tuổi trưởng thành cho nữ giới để có thể kết hôn. Khả năng sinh con của người đàn bà có thể kéo dài từ đó đến quãng đời từ bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi.
Qua khỏi tuổi năm mươi thì hầu như không thể thụ thai được nữa. Lẽ dĩ nhiên phải năm mươi đến sáu mươi tuổi thì mới gọi là đã già, lại càng không thể có hy vọng sinh con cái được nữa. Hơn nữa khi nhìn vào trường hợp của Abraham, ông được mệnh danh là cha của kẻ tin. Mặc dầu Sara vợ ông đã già nhưng được thiên thần báo tin sẽ sinh một con trai trong lúc tuổi già. Abraham đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng mà ông tôn thờ: “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Và ta thấy để cũng như muốn hiến thánh cho Thiên Chúa để lo việc phụng sự Ngài, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải cộng tác với Người: “Ngươi hãy cẩn thận, không uống rượu và thức ăn có men, cũng đừng ăn những món gì không thanh sạch”. Tất nhiên chúng ta cũng không hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng nữa.
Thiên Chúa đã tuyển chọn Gioan Tẩy Giả ngày từ khi ông còn trong dạ mẹ để ông làm sứ giả và tiền hô dọn đường cho Chúa sắp đến. Tên của ông cũng đã được Thiên Chúa xác định với ý nghĩa “Giavê là Đấng nhân hậu”. Cuộc đời ông sẽ là cuộc đời chứng tá về một Đấng Nhân Hậu đang đến giữa thế gian này.
Nhìn lại lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa đã can thiệp vào đời tư của 2 ông bà. Ngài thực hiện chương trình cứu độ của Ngài ngay trong dòng lịch sử nhân loại, với những con người bị coi là một hình phạt, là một điều xỉ nhục. Gia-ca-ri-a đã bắt thăm trúng phiên dâng hương và thay than trên bàn dâng hương trong Nơi Cực Thánh. Đây là một vinh dự hiếm có vì số tư tế quá đông. Người dâng hương sẽ thay mặt toàn dân để dâng lời cầu khẩn lên Thiên Chúa, xin Ngài ban Đấng Mêsia đến Cứu độ nhân loại. Khi vào dâng hương, ông Gia-ca-ri-a gặp một sứ thần của Thiên Chúa đứng bên phải hương án (c.11).
Đây là một cuộc thần hiện thường xảy ra trong Cựu Ước. Ông bối rối và sợ hãi (c.12) đó cũng là tâm lý thường tình khi con người đối diện với lãnh vực Kinh Thánh. Sứ thần đã trấn an ông “ Đừng sợ…” . Sau đó sứ thần loan báo cho ông một Tin Mừng : ông sẽ có một con trai.
Niềm mong mỏi mà ông chờ bấy lâu, nay Thiên Chúa đã thực hiện. Nhưng tên con trẻ sẽ đặt theo ý của sứ thần, vì đó là một sứ mạng cao cả dành cho con trẻ. Sự sinh ra của con trẻ sẽ làm cho nhiều người vui mừng, kể cả ông bố nữa. Vì ngoài sự vui mừng trong nỗi hiếm muộn, sứ vụ của con trẻ sẽ dẫn đưa nhiều người về cùng Thiên Chúa và chuẩn bị mọi tâm hồn sẵn sàng đón Chúa. Để được như vậy, bà mẹ phải kiêng cữ rượu và các chất có men, ý nói về nếp sống hy sinh khổ hạnh của vị tiên tri của Chúa.
Sau khi được giải thích kỹ càng và chuyện người son sẻ có con cũng đã xảy ra trong thời Cựu Ước như Sam son (x. Tl 13,4.7.14), nhưng ông Gia-ca-ri-a đã nghi ngờ quyền năng của Chúa : “Dựa vào đâu mà tôi biết điều ấy ? Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng lớn tuổi”. (c.18). Sự nghi ngờ của ông đã làm cho sứ thần phải xưng danh tánh và kết quả ông “ bị câm” như là một dấu hiệu cho chính ông và người khác. Thái độ của ông không phải là thái độ của Ap-ra-ham (St 15,8). Cha của lòng tin, là tổ phụ của ông.
Theo truyền thống Do Thái, vị thượng tế dâng hương không ở lâu trong cung thánh, vì dân lo âu và vì đó là nơi Thiên Chúa hiện diện, nên rất đáng sợ. Nên khi thấy ông Gia-ca-ri-a ở lâu trong đó, họ không khỏi thắc mắc (c.21). Đợi đến lúc ông ra khỏi, thắc mắc của họ đã có đáp số, đó là thấy ông chỉ ra hiệu mà không nói được và họ biết là ông đã thấy điềm lạ trong nơi Cực Thánh. Ông trở về nhà và bà Ê-li-sa-bét đã thụ thai, bà nói : “ Thiên Chúa đã thương cất nỗi hổ nhục mà tôi phải chịu…” (c.25). Một lời nói như một hành vi ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa đã thương đến phận người hèn mọn.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta gặp biết bao biến cố xảy ra trong cuộc sống xã hội, trong Giáo Hội và ngay cả trong tâm hồn mỗi người, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn cứng lòng như Gia-ca-ri-a, không tin vào Tình Yêu Thiên Chúa đang bao phủ cuộc đời chúng ta và cả thế giới. Chúng ta thường đặt mình hoặc cậy dựa vào của cải, danh vọng, địa vị hơn.
Và mỗi người chúng ta xin Chúa củng cố lòng tin trong mỗi người chúng ta, để chúng ta nhận ra uy quyền của Chúa và suy phục Chúa, để chúng ta biết tin vào Chúa, tin vào nhau và cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.
2020
Noi gương Thánh Giuse
18 05 Tm Thứ Sáu tuần 3 MV.
Gr 23,5-8; Mt 1,18-25
NOI GƯƠNG THÁNH GIUSE
Bước vào tuần lễ cuối cùng này, lời Chúa giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời của một gia đình, đã chuẩn bị và đã đón nhận Đấng Cứu Thế, đó là gia đình của Đức Maria và Thánh Giuse. Các bài đọc hôm nay cho thấy gia đình có một vai trò đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Khi cho Con của Ngài xuống trần gian, Thiên Chúa đã không chọn bất cứ một hình thức nào khác, nhưng lại chọn cho Con của mình được sinh ra trong một gia đình. Vì gia đình là nơi an toàn nhất cho con trẻ, và cha mẹ là những người bào vệ tin tưởng nhất để Thiên Chúa gửi gắm “mầm sống” của Ngài. Giuse và Maria chính là những người được tuyển chọn cho chương trình lớn lao này, và họ đã sẵn sàng, hết mình đón nhận Đấng Cứu Thế.
Trang Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của một người chồng là Giuse vừa mới đính hôn với Maria. Thế nhưng vấn đề là: mặc dù chưa hề chung sống, nhưng Maria đã có thai. Đấy quả là một vấn đề khó xử. Nhận một bào thai không phải của mình về làm con, với tính tự ái và thể diện của một người đàn ông Á Châu, thì không dễ gì chấp nhận.
Nhưng nếu thực hiện theo pháp luật để kết án người yêu thì không đành lòng, vì Giuse chưa hiểu điều gì đã xảy ra. Thánh kinh khi giới thiệu về Giuse đã cho thấy Giuse là người công chính, tức là một người đạo đức, và ngay thẳng chính trực trong cuộc sống, ông không thể hành động thiếu suy nghĩ. Vì thế, ông đã chọn giải pháp âm thầm rút lui để cho Thiên Chúa hành động.
Thế nhưng Thiên Chúa đã muốn Giuse đi vào con đường của Chúa, quảng đại hơn nữa để đón nhận và bảo vệ mầm sống mới này và bảo vệ cả người vợ sắp cưới nữa. Chỉ bằng một điềm báo trong gấc mơ: Đừng ngại đón Maria thai nhi về nhà, thì Giuse đã không còn băn khoăn gì nữa và ông đã sẵn sàng để đón nhận Maria làm vợ và ông trở thành người cha của trẻ Giêsu, ông được vinh dự đặt tên cho đứa bé theo tên mà Sứ thần đã báo. Không chỉ được đặt tên cho trẻ Giêsu, mà Giuse còn trao tặng cho Đấng Cứu thế cả dòng dõi gia phả của mình, ông đã giữ trọn và chu toàn thật tốt nhiệm vụ làm cha làm chồng trong gia đình.
Ta thấy trình thuật truyền tin cho Thánh Giuse mở đầu bằng ý định lìa bỏ, hay đúng hơn « lui lại phía sau » (c. 18-19) và kết thúc với quyết định đón nhận (c. 24-25) ; và như thế trung tâm của trình thuật là Lời Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa được chuyển đạt ngang qua trung gian sứ thần (c. 20-22) và Lời Thiên Chúa đến từ Kinh Thánh (c. 22-23).
Giuse tìm cách âm thầm rút lui. Ngài chứng tỏ ngài có một cảm thức sắc bén về Thiên Chúa, một lòng tôn trọng thẳm sâu đối với mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm thánh ý Ngài. Người Kitô hữu được mời gọi học nơi Giuse bài học này: tôn trọng đối với các dự phóng của Thiên Chúa nơi mình và nơi kẻ khác, nhạy bén đối với sự cao cả thẳm sâu và sự hiện diện gần gũi của Ngài trong những biến cố lớn nhỏ thuộc cuộc sống hằng ngày.
Bắt đầu, ta thấy Thánh Giuse có ý định lìa bỏ (c. 18-19). Kế đến là Lời Thiên Chúa (c. 20-23). Và sau cùng đi đến quyết định đón nhận (24-25).
Mùa vọng này chính là dịp để mỗi người biết nhìn lại và điểu chỉnh nếp sống gia đình mình, hãy trả lại cho gia đình những thứ mà chính cha mẹ đã cướp đi, đó là hơi ấm, tình yêu thương, sự phục vụ, đó là sự chia sẻ lắng nghe và cảm thông. Hãy cố gắng làm cho bầu khí gia đình thêm nồng ấm bằng các giờ kinh sớm tối, qua những bữa ăn cơm chung với nhau mọi người cùng tạ ơn Chúa, cùng ăn cơm với nhau trong vui tươi hân hoan. Hãy noi gương Maria và Giuse sẵn sàng để cho Chúa đi vào tâm hồn và gia đình mình, sãn sàng quảng đại cộng tác với Chúa để phục vụ sự sống và phục vụ gia đình, đừng ngăn cản cũng đừng từ chối Ngài.
Thánh Giuse được Giáo hội ca ngợi là người trung tín và khôn ngoan. Cuộc sống của ngài là cả một cuộc đời âm thầm, khiêm nhượng. Ngài đã hoàn toàn tín thác và tin tưởng vào ý định của Chúa là cho ngài kết bạn với Đức Maria: để mẹ Maria luôn bảo vệ được sự trinh khiết, cho Ngôi Lời sinh hạ làm người dưới mái nhà Thánh gia. Ngài đã tận tình gìn giữ gia đình Nagiarét mà Chúa trao phó cho ngài coi sóc, trông nom. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao với tất cả lòng tin, sự hiền lành và khiêm nhượng.
Hình ảnh Giuse, dẫn dắt Maria bồng Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa, Giuse dắt lừa. Cả người, cả lừa xuyên qua màn đêm đen đến vầng đông sáng ngời, tuy chân có mỏi và lòng có xao xuyến, chen lẫn sợ hãi nhưng Giuse vẫn bước đi. Tuy thử thách còn nặng nề nhưng thánh Giuse vẫn chiến đấu và đi trong thánh ý của Thiên Chúa.
Noi gương thánh Giuse, chúng ta sống lòng tin, trung tín, khiêm tốn, sự hiền lành chu toàn bổn phận trong âm thầm như những hạt giống được gieo sẽ nảy mầm…