2021
CHIẾU SÁNG GIỮA THẾ GIAN
28.1 Thánh Tôma Aquinas, Lmts
Dt 10:19-25; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Mc 4:21-25
CHIẾU SÁNG GIỮA THẾ GIAN
Thánh Tô-ma A-qui-nô sinh năm 1225 tại thành Naples Ý Ðại Lợi trong một gia đình phú quí và đạo hạnh. Ngài được hấp thụ một nền đạo đức sâu sắc, đặt căn bản trên đức tin và giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ. Cha của Tô-ma là lãnh Chúa đảo Aquinô. Tuy danh vọng cao vời, nhưng gia đình cha mẹ của thánh nhân luôn biết kính sợ Chúa và giáo dục con cái theo luật Chúa và Giáo Hội. Nhờ thế, thánh Tôma Aquinô đã sớm tiến tới trong đàng nhân đức, có một đức tin sắt đá và một nền học vấn uyên thâm để có thể hiểu và giải đáp được những vấn nạn trong xã hội cũng như những giải đáp cho thời đại đang tiến bộ.
Trong quá trình theo học, Tôma được gửi học ở tu viện Cassino do các Cha Bênêđitô điều khiển. Một biến cố chính trị đưa đến việc giải tán tu viện sau 9 năm thánh hân đã theo học với các cha Bênêđitô. Sau đó, thánh nhân lại tiếp tục học ở Naples, nơi đây thánh nhân có dịp tiếp xúc với các cha dòng Ðaminh, Tôma say mê với lý tưởng sống cho người nghèo và làm việc trí thức để truyền bá cho những người khác chân lý, lý tưởng mà Ngài đã ghiền gẫm, đã suy nghĩ. Lý tưởng của thánh Ðaminh đã đánh động Ngài tới tận căn, nên Ngài đã quyết định xin vào dòng thánh Ðaminh vào năm 1244.
Việc này làm phật ý thân mẫu thánh Tôma vì bà luôn muốn Tôma làm tu viện trưởng Cassino. Thân mẫu của Tôma quyết định bắt Tôma về giam trong gia đình và dùng mọi mưu kế để cho Tôma trở về thế gian. Mọi mưu chước của mẹ đều bị thất bại. Sau cùng trong cơn mù quáng tột độ, bà đã dùng một cô gái trắc nết để quyến rũ thánh nhân, vì bà hy vọng Tôma sẽ bị ngã gục. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Tôma đã chiến thắng, đuổi cô gái hư ra khỏi nơi Ngài ở. Chúa đã yêu thương Ngài, sai thiên thần đến cột giây trinh khiết cho Ngài để biểu tỏ sự chiến thắng của Ngài, đúng như lời sách đệ nhị luật đã viết:” Chúa ấp ủ và lo dưỡng dục Tôma, luôn gìn giữ chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa”(Ðnl 32, 10 ).
Với ý chí sắt đá, lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, thân mẫu Ngài đành để Ngài trốn về lại tu viện. Thánh Tôma lúc đó được thụ huấn với thánh Albertô, một học giả uyên bác, nổi tiếng thời đó. Năm 27 tuổi, thánh Tôma đã trở thành giảng sư đại học với một kiến thức uyên bác có thể hướng dẫn được giới trí thức đang say mê triết học Hy Lạp ngoại giáo. Ngài đã viết bộ” Tổng luận thần học” đầy giá trị, để lại cho Giáo Hội và hậu thế. Ngài nói Ngài đã múc tất cả sự khôn ngoan nơi Chúa Giêsu qua suy niệm và cầu nguyện để viết nên:” Tổng luận thần học” này.
Ngài qua đời lúc mới có 49 tuổi, cái tuổi đang sung sức và việc dậy học đang nổi tiếng vào năm 1274. Ðức thánh cha Gioan XXII phong Ngài lên bậc hiển thánh năm 1328. Năm 1567, Ðức Giáo hoàng Piô V lại cất nhắc Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh với tước hiệu: “Tiến Sĩ Thiên Thần”. Năm 1880, Ðức thánh cha Lêo XIII đặt Ngài làm quan thầy các trường công giáo.
Trong khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn mà nói với các môn đệ và dân chúng. Ngài thường dùng những hình ảnh rất cụ thể, gần gủi với đời sống thường nhật của họ mà dạy họ về chân lý. “Chiếc đèn và đấu đong” là hai hình ảnh rất bình dị mà Chúa Giêsu đã dùng trong Tin mừng theo thánh Máccô hôm nay.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?”
Chiếc đèn là vật dụng rất thân thuộc với người Do Thái, mà nó cũng rất thân thuộc với người Việt nam chúng ta, hầu như ai cũng biết và cần dùng đến. Khi bóng tối bao phủ, màn đêm buông xuống thì ánh đèn được đốt lên, người ta thường đặt nó trên đế, đặt nơi vị trí cao để ánh sáng của nó có thể lan tỏa đến mọi vật, chiếu sáng cho mọi người. Nếu đốt đèn lên mà đem dấu đi dưới cái thùng hay đặt dưới gầm giường thì quả là sai mục đích, là mâu thuẫn và uổng phí, thà nó tắt đi còn hơn, vì làm như thế là làm mất giá trị của chiếc đèn. Chúng ta công nhận với nhau rằng, công dụng của chiếc đèn là chiếu sáng cho mọi người, soi cho tỏ mọi vật, để nhờ đó ta có thể phân biệt mọi sự cách chuẩn xác và đúng đắng.
“Chiếc đèn” trong Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nói đến ấy là Tin Mừng, “Tin Mừng ơn cứu độ” mà Ngài đã thắp lên nơi cõi lòng các môn đệ, thắp lên nơi tâm hồn những người đang nghe và đón nhận lời Ngài, Lời chân lý. Chiếc đèn ấy (Tin mừng ấy) không thể được dấu kín, nhưng phải lan tỏa ra cho hết thảy mọi người, hay nói cách khác, Tin mừng mới đầu chỉ một thiểu số biết thôi, nhưng theo thời gian Tin mừng đó cần được chiếu tỏa, phải được loan báo cho mọi dân tộc (Mc 13, 10).
Khi đón nhận tin mừng cứu độ từ Đức Giêsu Kitô, khi đón nhận ánh sáng phục sinh lúc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mỗi người Kitô hữu trở nên là ngọn đèn cháy sáng giữa muôn dân. Ngọn đèn đức tin ấy được lan tỏa đến mọi người qua đời sống “nên thánh” trong chân lý mạc khải, qua sứ vụ ngôn sứ của người tín hữu. Bằng đời sống cầu nguyện, gắn bó mật thiết với Chúa, qua cách sống chân thành, biết nêu gương lành trong gia đình – xã hội, biết thực thi tình bác ái giữa cộng đoàn, nơi mình đang sống, thì mỗi người chúng ta như ngọn hải đăng giữa biển đời, như ánh đèn chân lý giữa xã hội đầy giả trá đang kêu gào công bình sự thật.
Tuy nhiên, chiếc đèn đức tin nơi ta sẽ không thể phát sáng nếu không đón nhận nguồn sáng nơi Chúa, nơi mẹ Giáo Hội qua Lời của Đức Giêsu Kitô và các bí tích. Bởi thế, mỗi người chúng cần xin ơn trợ lực, để dám dùng những “cái đấu” (“cái đấu” là mức độ tâm hồn mở ra để đón nhận) thật to của để đón nhận ân sủng Chúa với lòng quảng đại trao ban lại cho những ai cần đến ơn Chúa.
2021
NHIỆT THÀNH THEO CHÚA
27.1 Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mùa Quanh Năm
Dt 10:11-18; Tv 110:1,2,3,4; Mc 4:1-20
NHIỆT THÀNH THEO CHÚA
Trong chương 4, Thánh sử Maccô trình bày 5 dụ ngôn kế tiếp nhau. Dụ ngôn là một loại diễn từ, trong đó diễn tả một khía cạnh của đời sống thường ngày, Khía cạnh ấy được đối chiếu, so sánh với đặc điểm của Nước Trời. Trang Tin Mừng hôm nay, là một trong 5 dụ ngôn ấy, đó là dụ ngôn Người gieo giống- Người gieo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Chúa kể dụ ngôn này sau khi Ngài đã thi hành sứ vụ công khai loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa được một thời gian. Nhưng sau khi thi hành sứ vụ một thời gian, xem ra Chúa chẳng gặt hái được thành quả gì. Ngược lại, dường như Ngài bị chống đối đủ kiểu đủ cách. Giới lãnh đạo tôn giáo thì bày mưu tính kế để ngăn cản việc Ngài thi hành sứ mạng, còn những người họ hàng thân thích của Ngài vì nghĩ rằng Ngài bị mất trí nên cũng tìm cách bắt Ngài về nhà, không cho Ngài đi rao giảng Tin mừng nữa.
Dụ ngôn Người gieo giống kéo dài trong 7 câu, từ câu 3 đến câu 9, mà có lẽ mỗi người trong chúng ta nghe ít nhất không dưới một lần. Trong dụ ngôn này, người gieo hạt giống thật phung phí quá sức. Ông ta đi trên bờ, tay giơ cao và giang rộng để vung thật xa những hạt giống nhỏ bé.
Từ tay ông, hạt giống rơi vào nhiều ngõ ngách, nơi chốn khác nhau : vệ đường, bụi gai, sỏi đá và đất màu mỡ. Ta thấy lòng quảng đại của người gieo hạt giống. Vệ đường làm sao có đất để nảy mầm, trong bụi gai dù có nảy mầm cũng không thể phát triển hơn được; Nơi sỏi đá khô cằn, cứng cỏi khó mà len lỏi sống sót.
Thế mà, ông vẫn gieo, bởi vì niềm hy vọng vào thành quả thu được chỉ xuất phát từ ¼ số lượng gieo vãi. Cứ 4 hạt, chỉ có một hạt là rơi vào đất tốt, có thể nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Điều này muốn nói rằng : Cho dù hạt giống nảy mầm èo uột, ngay cả thân cây bị bóp nghẹt, nhưng mùa gặt vẫn dồi dào, phong phú, “hạt được 30, 60, và 100” (c.8).
Đúng vậy, dù công cuộc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa có gặp khó khăn, trở ngại, thất bại hay bị chống đối của người đời và sự dữ, thì sức mạnh của Tin Mừng vẫn lướt thắng, vì Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Vì thế, chúng ta cần phải tin tưởng vào công cuộc loan báo Tin Mừng. vào sức mạnh tiềm tàng của Tin Mừng. hy vọng việc rao giảng Tin Mừng sẽ thành công và đạt kết quả tốt đẹp.
Sau khi giảng dạy cho họ theo lối dụ ngôn, thì ngay cả những người từng đi theo Ngài cũng không hiểu (c. 10). Họ xúm lại hỏi Chúa Giêsu về ý nghĩa của dụ ngôn này. Chúa Giêsu đã trích dẫn sách Isaia chương 6, từ câu 9 đến câu 10 để nói về tình trạng mù quáng của thính giả. Có hai loại người lãnh hội Tin Mừng. Nhóm 12 và các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu thuộc loại người không tin là những kẻ ở ngoài, nên phải dùng dụ ngôn để nói với họ (11b).
Đó là lý do Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn vì “ xác họ trố mắt nhìn cũng không thấy, có lắng tai cũng không nghe, không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ” (c.12). Ý nói sự cứng lòng của con người , vì họ không tin nên không thấy, không nghe, không hiểu, nên không thể trở lại để lãnh nhận ơn tha thứ. Lời Chúa gieo vãi cho mọi người, nhưng chỉ sinh ơn cứu độ cho những ai biết mở lòng đón nhận và thực hành Lời Chúa.
Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cho các môn đệ (c.13-20). Ngài phân tích rõ từng hoàn cảnh mà Lời Chúa không có tác dụng hay được trổ sinh mỹ mãn. Có lẽ đây là mảnh đất tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Trang Tin Mừng này như một bản xét mình về đời sống thiêng liêng, chúng ta đã để Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn chúng ta như thế nào?. Nếu tâm hồn tôi là vỉa hè, đường trải nhựa, xi măng không đất cát, nóng bỏng, thì làm sao hạt giống đâm rễ được ? Nếu tâm hồn tôi là một bụi gai um tùm, đâm tua tủa, khi hạt giống rơi vào sẽ bị vướng và nằm chơ vơ giữa bụi gai, thì làm sao hạt giống chạm tới đất và nảy mầm được ?. Nếu cõi lòng tôi như một mãnh đất hoang khô cằn sỏi đá, không một dòng nước hay một bóng cây, chỉ có nắng, sỏi với đá cứng cỏi, khô khốc… và nếu hạt giống có rơi vào kẽ đá và nảy mầm, thì “ tuổi thọ” của nó cũng không kéo dài được bao lâu hoặc chỉ phát triển trong èo uột vì thiếu nước, thiếu đất.
Trong hoàn cảnh bị chống đối tư bề như thế, Chúa Giê su kể dụ ngôn này để khẳng định với các môn đệ của Ngài rằng sứ vụ loan báo Lời dù trước mắt xem ra như là chẳng đem lại kết quả gì, nhưng cuối cùng sẽ đi tới chỗ hoàn tất với những thành quả mỹ mãn. Hạt giống Tin mừng mà Ngài gieo vãi có thế bị văng vãi chỗ này, chỗ khác, những cuối cùng sẽ rơi vào đất tốt như Ngài mong muốn và đưa tới một vụ mùa bội thu.
Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, ta được mời gọi kiên nhẫn và nhiệt thành bước theo Chúa trên con đường gieo vãi hạt giống Tin mừng giữa cuộc sống trần gian. Hạt giống mà ta gieo vãi ấy là hạt giống của yêu thương, của bác ái, của sự hiền hòa và thứ tha. Có những lúc ta tưởng rằng sự quảng đại, yêu thương, tha thứ mà ta dành cho tha nhân chỉ là vô ích. Nhưng hôm nay Chúa đảm bảo với ta rằng công khó gieo hạt giống Tin mừng của ta chắc chắn sẽ đưa tới một mùa bội thu của bình an, hạnh phúc cho chính ta và cho muôn người.
2021
TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA
- 1 Thánh Timôthêô và Titô, Gm
Dt 10:1-10; Tv 40:2,4,7-8,10,11; Mc 3:31-35
TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA
Ngoài việc là những thánh nhân và là những Giám mục trong Giáo hội sơ khai, Timôthêô và Titô còn có vài điểm giống nhau nữa. Cả hai đều nhận lãnh ơn đức tin do lời rao giảng của thánh Phaolô.
Thánh Timôthêô sinh ở Lycaonia thuộc vùng Tiểu Á. Thân mẫu ngài là người Do thái và thân phụ ngài là người dân ngoại. Khi Phaolô đến Lycaonia giảng dạy thì Timôthêô, thân mẫu và bà ngoại của ngài, tất cả đều được trở nên những Kitô hữu. Sau nhiều năm, Phaolô trở lại và nhận thấy Timôthêô đã khôn lớn. Phaolô cảm thấy Chúa muốn gọi Timôthêô làm tông đồ truyền giáo cho Chúa nên đã mời Timôthêô cộng tác với mình rao giảng Tin mừng.
Và rồi sau đó, Timôthêô rời bỏ cha mẹ, nhà cửa và đi theo Phaolô. Ngài cùng chia sẻ đau khổ với Phaolô. Các ngài vui mừng ra đi mang lời Chúa đến cho mọi người. Timôthêô là tông đồ yêu quý đặc biệt của Phaolô; và Phaolô xem ngài như đứa con nhỏ của mình. Timôthêô đã cùng Phaolô đi khắp nơi cho tới khi được đặt làm Giám mục thành Êphêsô. Rồi Timôthêô ở đó coi sóc đoàn chiên của ngài. Như Phaolô, Timôthêô cũng được phúc tử đạo.
Thánh Titô là người ngoại giáo. Ngài cũng là môn đệ của Phaolô. Titô có tâm hồn quảng đại và đức tính chăm chỉ. Ngài rất vui sướng khi được cùng với Phaolô rao giảng Tin mừng trong những chuyến mục vụ. Vì Titô rất đáng tín nhiệm nên Phaolô đã trao phó cho ngài “công việc rao giảng” cho các cộng đồng Kitô hữu. Titô giúp họ kiện toàn đức tin trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài có thể kiến tạo hòa bình khi có những cuộc cãi vã hoặc tranh chấp giữa các tín hữu. Titô có ơn đặc biệt trong việc hòa giải.
Thánh Phaolô rất quý trọng ơn này nơi Titô và ngài chân nhận đó là công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài hay sai Titô đi dàn xếp những vấn đề khó khăn. Khi Titô xuất hiện giữa những Kitô hữu đang bất bình cãi vã nhau, thì họ liền hối hận và lại làm hòa. Họ xin Titô tha thứ và hứa sẽ đền bù những thiệt hại đã gây ra cho nhau. Khi hòa bình được tái lập, Titô trở về và thuật lại cho Phaolô nghe những thành quả tốt đẹp. Điều này đã làm cho Phaolô và những Kitô hữu tiên khởi vui mừng hạnh phúc.
Thánh Phaolô đã đặt Titô làm giám mục vùng quần đảo Crêta, nơi ngài định cư cho tới khi qua đời.
Thánh Timôthêô và thánh Titô đã dâng hiến cả cuộc đời, thời giờ và sức lực của mình cho Chúa Giêsu. Các ngài là những môn đệ đích thực của thánh Phaolô. Người ta rất dễ không mộ mến vì quá quen hoặc không để tâm đến những người như vậy. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy mọi người đang rao giảng Tin mừng như Phaolô, Timôthêô và Titô.
Và rồi ta thấy khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý Thiên Chúa, người ấy là Mẹ Ta và là anh em Ta”.
Thật ra qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người toàn thân theo ý Chúa, Mẹ đã hiểu rõ xứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi ý Chúa. Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở lên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được kết hợp với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, chị em ruột thịt.
Chắc chắn một điều là Chúa không chối bỏ tình máu mủ ruột thịt tự nhiên của gia đình trần thế đâu, bởi vì chính Chúa đã sinh ra, lớn lên, đã sống 9/10 cuộc đời trần thế nơi một gia đình của nhân loại tại Nazareth (Lc 2, 51). Và Chúa đã chết đi trong một gia đình nhân loại và được Mẹ Người đem đi an táng.
Ngoài ra trong đời tông đồ truyền giáo, Chúa Giêsu đã xác nhận giới răn thứ tư. Chúa yêu thương các trẻ em là hoa quả của gia đình, Chúa ẵm bế, ban phép lành cho trẻ em, cho trẻ em chết sống lại…(Mc 9, 33; Mt 19, 13; Lc 8, 49). Chúa Giêsu đã dự tiệc cưới Cana để bảo vệ hôn nhân (Ga 2, 1-11). Chúa lập luật bất khả phân ly để bảo vệ gia đình tự nhiên (Mt 19, 3-9). Trên đỉnh thánh giá, Chúa Giêsu còn trao gởi mẹ hiền cho Gioan (Ga 19, 27).
Tất cả những chứng cứ đó nói lên rằng Chúa tôn trọng gia đình. Tình yêu gia đình máu mủ không thể xóa được. Nhưng Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy còn có một thứ gia đình thiên quốc, mà hồi lên 12 tuổi Chúa đã minh chứng cho cha mẹ Ngài (Lc 2, 49), đó mới là tình yêu thiêng liêng cao cả phải đạt tới. Sau này Chúa Giêsu đã ra định luật cho kẻ theo Ngài : “Kẻ nào theo Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính cả đời sống mình nữa thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14, 33).
2021
LÀM LẠI CUỘC ĐỜI
- 1 Thánh Phaolô, Tông Đồ trở lại
Dt 9:15,24-28; Tv 98:1,2-3,3-4,5-6; Mc 3:22-30
LÀM LẠI CUỘC ĐỜI
Kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, Giáo hội cử hành lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại. Nói đến thánh Phaolô là nói đến mầu nhiệm ơn gọi tông đồ cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên cuộc đời sứ vụ của ông.
Phaolô đã viết những lời thật cảm động : “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo…. Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (2 Tm 4, 6-8 ; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39)
Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa”. Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa ; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân ; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm ; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…
Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam – Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.
Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.
Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.
Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”: Saolô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết.
Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri.
Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các dân ngoại.
Tâm tình của Phaolô: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14), tất cả nhiệt tình nơi con người và cuộc đời Phaolô đều phát xuất từ mối tình đó: Tình yêu của Chúa Kitô là “chủ thể yêu thương Phaolô”, Tình yêu Chúa Kitô là “đối tượng mà Phaolô yêu mến”. Tâm trí của Phaolô đã hoàn toàn mở ra cho Chúa Kitô, và vì thế có khả năng mở rộng cho mọi người, Phaolô trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9, 12), sẵn sàng làm mọi sự cho “Tin mừng Tình yêu” mà người rao giảng.
Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2 Cr11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm và ra vào tù nhiều lần.
Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp nhan nhản những cú “ngã ngựa”. Có những cú ngã ngựa trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa ; có những cú ngã ngựa trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân ; có những cú ngã ngựa trong đời sống chiến đấu nội tâm ; và cũng có những cú ngã ngựa đau điếng trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…
Người ngã ngựa không nhìn vào mình để chỉ cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sáng niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.